Khi Bao Công về đến dinh thì nghĩ thầm:
- Việc này nếu chậm trễ e bọn Tôn Võ sanh gian kế thì khó lòng tra xét.
Nghĩ rồi liền đến dinh Trầm Quốc Thanh, rồi đi thẳng ra sau vườn, quả thấy có một cây quế mới trồng. Bao Công khiến quân đào chỗ ấy lên thì thấy thây Y thị chưa rã.
Bao Công than cho một vị phu nhân hiền đức như vậy mà bị chết một cách thảm thiết như vầy.
Than rồi liền hỏi Trầm Quốc Thanh:
- Vậy người đàn bà này có phải vợ nhà ngươi chăng?
Trầm Quốc Thanh gật đầu:
Bao Công khiến khiêng thây Y thị đem vào một chỗ thanh vắng, rồi khiến tỷ tấc đem nước ấm tắm rửa sạch sẽ, kế đó mới đem ba món bửu bối là: Ôn lương mạo cho đội lên đầu lấy hoàn hồn chẩm cho gối; rồi lấy phấn hồn hương mà xông
Trong lúc còn chờ đợi Y thị sống lại thì Bao Công lại truyền bắt Tôn Võ trói lại.
Tôn Tú thấy vậy nổi giận nói:
- Bao Chuẩn! Ngươi chưa có phụng chỉ sao dám bắt Tôn Thị lang như vậy? Ngươi phải thả em ta ra.
Bao Công nói:
- Khi nãy tôi phụng chỉ tra xét vụ này mà Tôn Võ cũng liên can trong đám ấy. Hễ người phạm tội thì tôi được phép bắt hết. Để Y thị sống lại, nếu khai có Bàng Hồng, Tôn Tú thì tôi cũng bắt nốt. Vậy chớ thuở nay ngươi chưa nghe Bao Công là người thiết diện vô tư hay sao?
Tôn Tú thấy Bao Công nói như vậy, liệu bề cãi không lại liền quày quả trở về dinh.
Lúc này Bao Công đã khiến quân đem Tôn Võ và Trầm Quốc Thanh giam vào Thiên lao, còn Bao Công thì ở lại dinh Trầm Quốc Thanh mà chờ Y thị tỉnh lại, rồi mới trở về dinh mình.
Còn Tôn Tú thì đi thẳng đến dinh Bàng Hồng thuật 1ại việc tranh cãi với Bao Công cho Bàng Hồng nghe.
Bàng Hồng buồn bã nói:
- Không biết ý gì mà Bao Chuẩn hay gánh vác những việc vô can, bươi móc những điều tâm sự của ta ra như vậy Nếu nó làm rõ trắng đen thì ắt ta cũng không khỏi tội.
Tôn Tú nghe nói thì than:
- Nếu vậy thì em ta không tránh khỏi tay Bao Công.
Từ ấy Bàng Hồng và Tôn Tú suy nghĩ mãi mà không biết âm mưu gì để trừ Bao Công cho được.
Lúc này Bao Công khiến các tỳ nữ chăm sóc cho Y thị đến canh ba đêm ấy thì Y thị sống lại, mở mắt ra, rồi rơi lụy dầm dề. Bao Công khiến đỡ nàng vào phòng rồi trở về cung đem trả ba món báu vật ấy cho Thiên tử.
Hôm ấy Thiên tử lâm trào, bá quan vào chầu đủ mặt
Bao Công quỳ xuống tâu hết các việc Y thị sống lại cho Thiên tử nghe.
Thiên từ mừng rỡ nói:
- Khanh thiệt là công đức rất lớn. Thôi Trẫm cho khanh ba món bửu bối ấy để cứu những người thác oan.
Bao Công tạ ơn và tâu:
- Hôm trước Bệ hạ dạy tôi tra xét việc Trầm thị, nay tôi xin Bệ hạ giao tờ biểu chương ngoài Tam Quan và tờ Ngự trạng của Trầm thị, đặng tôi hạch hỏi cho minh bạch, và giao Tiêu Đình Quý cho tôi thì mới đối chứng rõ ràng được.
Thiên tử phán:
- Trẫm y theo lời tâu của khanh.
Bèn khiến nội thị lấy tờ biểu chương và tờ ngự trạng trao cho Bao Công, rồi lại hạ chỉ sai người đến Thiên Ba phủ dẫn Tiêu Đình Quý giao cho Bao Công tra xét.
Bàng Hồng thấy vậy thất kinh, nghĩ thầm:
- Hôn quân thật bất nhơn lắm. Giao tờ biểu chương của Dương Tôn Bảo thì chẳng nói làm chi, còn tờ ngự trạng của Trầm thị thì ắt Bao Hắc tử lâm hại ta chớ chẳng không. Bao Hắc tử là thằng mặt sắt, hễ gặp việc thì làm, không biết vị nể ai, còn Trầm thị là phận đàn bà, chắc là non gan lắm. Nếu nó biết tờ ngự trạng do ta làm thì ta bị tội rất nặng.
Nghĩ như vậy, lòng rối rắm không nói gì được.
Khi Bao Công lãnh tờ biểu chương và tờ ngự trạng xem xong liền quỳ tâu:
- Trong hai tờ biểu của Dương Tôn Bảo nói là Địch Thanh dẹp giặc lập công, và Tôn Võ đến Tam Quan không xét kho cứ đòi ăn hối lộ, không thấy có việc làm mất chinh y. Nếu so sánh với tờ ngự trạng của Trầm thị thì không hiệp nhau chút nào. Tôi chắc là tờ ngự trạng này có ai chủ mưu cho Trầm thị chớ chẳng không. Dương Tôn Bảo trấn thủ biên cương đã hai mươi năm, có lòng trung quân ái quốc, lẽ nào tư vị Địch Thanh sát hại cha con Lý Thành là người có công. Việc này tôi dám chắc Dương Tôn Bảo không có lòng ấy. Thuở nay hễ đàn bà mà đi kiện cáo thì thường khi phải có người chủ sử. Điều ấy tôi đã thấy nhiều lắm. Nay tôi xét lại Trầm thị là phận đàn bà, lẽ nào lại dám cả gan đến giữa Triều đình mà cáo trạng, cho nên tôi mới đoán chắc có người chủ sử cho nó, nếu khi ấy Bệ hạ tra xét cho ra người chủ sử thì đã rõ việc này có gian thần toan mưu hãm hại kẻ trung lương rồi.
Thiên tử nghe tâu thì nói:
- Khi ấy Trẫm cũng quên phứt điều ấy. Vậy chớ khanh biết người chủ sử cho Trầm thị là ai không?
Bao Công tâu:
- Tôi xem ý tứ đặt để trong ngự trạng thì biết người không phải là người tầm thường, chắc là một vị đại thần trong trào mới làm nổi tờ ấy. Để tôi tra xét cho ra người xin Bệ hạ nhận lời tôi, cứ theo luật nước mà làm ngay, đừng có vị tình vị nghĩa gì hết.
Bàng Hồng nghe Bao Công nói như vậy thì mặt mày ngắt, không dám nói lời nào hết.
Thiên tử phán:
- Trẫm tưởng đại thần trong triều cũng có người ngay kẻ vạy, song nghĩ vì Trầm thị là vợ của một người võ chức rất nhỏ mà lại từ Tam Quan đến đây xa xôi lắm, lẽ nào lại làm quen với đại thần đặng để cậy làm tờ ngự trạng ấy, vì vậy Trẫm tưởng chắc là người chủ sử đó là người ở ngoài Tam Quan, nhưng chưa biết là ai. Thôi trẫm nói với Bao khanh như vầy, bây giờ chẳng nên tra xét người chủ sử làm chi cho dông dài, cứ việc tra xét việc ở đây mà thôi.
Bao Công tâu:
- Chẳng phải tôi muốn tra xét chủ sử làm chi, song giận người ấy là đại thần trong trào, hiểu thông pháp luật còn phạm pháp. Ấy thiệt là có dạ khi quân, có lòng hãm trung lương. Theo ý tôi chắc là loài gian tặc, ham của hối, mà không kể tiếng xấu lưu truyền. Tuy Trầm thị không quen biết chi với thằng nịnh thần ấy, song nếu nó vãi vàng bạc ra cho nhiều thì nó cũng hóa ra người quen biết.
Bàng Hồng nghe Bao Công tâu như vậy thì giận lắm, nghĩ thầm:
- Bao Hắc tử thiệt là không kể đến ai hết, dám tới giữa trào bươi móc công việc mà mắng nhiếc ta như vậy. Nếu ta có quyền phép thì chém quách cho đỡ giận...
Bao Công lại tâu tiếp:
- Xin Bệ hạ xét lại mà phán đoán cho minh bạch, đặng trừ bọn nịnh thần trong trào. Nay tôi dám chắc rằng người làm bản ngự trạng này là người Bệ hạ tin cậy và thương yêu.
Bàng Hồng nghe tâu như vậy thì nghĩ thầm:
- Bây giờ lão định quyết cho ta rồi còn gì đâu.
Thiên tử nghe Bao Công tâu như vậy thì biết ý Bao
Công định quyết cho Bàng Hồng rồi, nên kêu Bao Công nói:
- Bao khanh ơi! Trẫm đã nói với Bao khanh cạn lời, sao Bao khanh cứ nài nỉ tra xét người chủ sử như vậy. Vả người chủ sử không phải là người chánh tội, dẫu có tra ra cũng không phải là nặng. Thôi Bao khanh đừng để ý đến làm chi.
Bao Công thấy Thiên tử nói như vậy thì biết ý Thiên tử muốn che chở cho Bàng Hồng, dù có tra xét cũng chẳng ích gì nên tâu:
- Bệ hạ đã dạy như vậy thì tôi phải vâng lời.
Thiên tử mừng rỡ liền dạy bãi chầu, các quan ai về dinh nấy.
Bao Công về đến dinh liền sai Trương Long đến Thiên Ba phủ đòi Tiêu Đình Quý, Triệu Hổ đến dinh Trầm Quốc Thanh đòi Y thị, còn Đồng Siêu thì đi bắt Trầm thị, Tiết Bá thì vào thiên lao mà dẫn Trầm Quốc Thanh và Tôn Võ ra đặng có tra xét việc ấy.
Giây lâu mọi người dẫn Tiêu Đình Quý, Y thị, Trầm Quốc Thanh và Tôn Võ đến mà không có Trầm thị. Bao Công hỏi:
- Sao lại thiếu Trầm thị như vậy?
Đồng Siêu thưa:
- Trầm thị trốn đi đâu mất, tôi tìm không ra.
Bao Công hỏi Trầm Quốc Thanh:
- Vậy Trầm thị ở đâu ngươi phải khai thiệt nếu không ta chẳng vị tình đâu.
Trầm Quốc Thanh nghe hỏi nghĩ thầm:
- Vả em mình là phận đàn bà, nếu bị Bao hắc tử tra thì chịu không nồi mà phải khai sự thật, chi bằng ta ráng chịu thế cho nàng thì Bàng Quốc trượng mới khỏi liên can.
Nghĩ như vậy nên trả lời:
- Trầm thị không phái là người Biện Kinh, khi tôi hỏi rồi thì tha nó đi, nên bây giờ tôi không biết nó ở đâu mà chỉ.
Bao Công nghe nói cười lớn:
- Té ra ngươi còn muốn gian dối mà không chịu khai.
Trầm Quốc Thanh nói:
- Chẳng phải là gian dối, chỉ vì tôi không biết.
Bao Công nạt lớn:
- Trầm thị là em ruột của ngươi, sao ngươi lại không biết nó ở đâu? Vả lại án này chưa tra xét xong, sao ngươi thả nó về.
Nói rồi liền cho đòi Y thị vào hỏi:
- Ngươi có biết Trầm Quốc Thanh giấu Trầm thị nơi đâu chăng?
Y thị cứ sự thực khai ngay.
Bao Công lại đòi Tiêu Đình Quý đến hỏi:
- Vậy chớ sự việc ngoài Tam Quan ra thế nào, ngươi có hết thì hãy khai cho ta nghe.
Tiêu Đình Quý nói:
- Khi ban đầu tôi vâng lệnh Nguyên soái đi thôi thúc chinh y, té ra đến nơi thì chinh y đã bị cường đạo trên Ma Bàng sơn lấy hết.
Bao Công nghe Tiêu Đình Quý nói thì lắc đầu nghĩ thầm:
- Té ra quả có mất chinh y rồi, sao không thấy trong tờ biểu của Dương Tôn Bảo nói đến. Hay là cũng có việc mạo công chăng?
Nghĩ như vậy liền hỏi Tiêu Đình Quý:
- Ngươi nói có mất chinh y sao trong tờ biểu của Dương nguyên soái không nói đến chuyện ấy, nếu vậy là Dương nguyên soái có đồng lòng với Địch Khâm sai mà mạo công giết cha con Lý Thành chăng?
Tiêu Đình Quý nghe nói nổi giận, nạt lớn:
- Bấy lâu nghe đồn Bao Công là người thiết diện vô tư, xử đoán việc gì cũng minh bạch, thế mà nay ông hỏi như vậy thì tỏ ra không có chút gì công minh cả. Vả Nguyên soái tôi là người tận trung báo quốc, không một mảy riêng tư, lẽ nào lại đi bênh vực Địch Thanh mà giết kẻ có công lao? Còn Địch Thanh và Nguyên soái cũng chẳng có bà con chi cả, lẽ đâu vì Địch Thanh mà bỏ Lý Thành?
Bao Công nói:
- Cứ theo ngự trạng của Trầm thị thì nói Lý Thành bắn chết Táng Thiên vương, Lý Đại thì đâm chết Tử Nha Xai, thì cũng có cớ mà tin đặng. Còn ngươi nói Dương Tôn Bảo và Địch Thanh không có đồng lòng, hay là ngươi cũng có ăn hối lộ của Địch Thanh mà nói theo một phe chăng?
Tiêu Đình Quý nạt lớn:
- Khi Địch Thanh giết Táng Thiên vương và Tử Nha Xai tôi thấy rõ ràng.
Nói rồi liền thuật hết mọi việc từ khi thôi thúc chinh y đến lúc cha con Lý Thành mạo công, cho đến khi Tôn Võ tra xét lương tiền cho Bao Công nghe.
Bao Công nghe rồi thì khiến kêu Tôn Võ vào hỏi:
- Công việc ngươi tuân chỉ ra Tam Quan kiểm tra như thế nào hãy nói cho ta nghe.
Tôn Võ nói:
- Khi tôi tuân chỉ ra Tam Quan thì Dương Tôn Bảo niêm phong kho tàng lại hết, và nói với tôi rằng: Lương khố hơn hai mươi năm nay năm nào cũng có thiếu cho nên năn nỉ với tôi che chở giùm và lo hối lộ cho tôi khỏi kiểm tra. Tôi cũng có lòng tham nên không tra xét. Trong lúc đang ngồi nói chuyện thì Tiêu Đình Quý nhảy đến thộp ngực tôi mà đánh. Xin đại nhân xét cho.
Tiêu Đình Quý nghe nói mắng lớn:
- Loài súc sanh. Đừng có nói láo. Nguyên soái ta trấn nơi Tam Quan đã hơn hai mươi năm, công việc chi xuất đều rõ ràng, không hề sai một mảy, thế mà ngươi lại không nghĩ đến việc tra xét kho tàng, cứ việc kèo nài đòi của hối lộ cho nhiều, như vậy không đánh ngươi sao được.
Lời bàn. Những kẻ có ý thức công bình bao giờ cũng sáng suốt trong việc xét đoán.
Bao Công sở dĩ được tiếng vô tư là vì trong lúc lúc xét đoán không để lòng tự kỷ mình xen vào công việc.
Lòng tự kỷ khi xét đoán một việc gì, nếu để nó xen vào thì lẽ công bằng bị tổn thương. Mặc dù Bao Công đã thấy đâu là gian thần, đâu là trung chánh, nhưng lúc xét việc vẫn hãy nghe rõ trà tôn trọng lời nói của hai bên. Có tôn trọng ý kiến của hai bên thì xét việc mới công bằng và chính đáng.
Tiêu Đình Quý mắng Bao Công chỉ vì lòng ngay thẳng của mình không chịu nổi những lời tà ngụy, còn Bao Công thì đi tìm những lời tà ngụy đó để chứng minh cho sự thật để tìm ra lẽ phải. Trong mỗi công việc thì mỗi tính chất khác nhau, nên . không thể bắt Bao Công phải thiên vị, dù là thái độ đối xử.
Đây cũng là bài học cho những ai cầm trong tay quyền hành xét xử trước công lý.