Bấy giờ Địch Thanh tuân lệnh ra đi đánh dẹp Đại Lang sơn, để Trương Trung, Lý Nghĩa làm tiên phuông dẫn quân đi trước. Khi đến Yến Tử hà thì thấy xa xa có một đội quân kéo đến.
Lý Nghĩa nói với Trương Trung:
- Nhị ca! Sao lại có đạo binh nào kéo đến đây vậy?
Trương Trung nói:
- Hay là binh của Tây Hạ bị thua hôm trước, bây giờ nhóm họp lại chăng?
Lý Nghĩa nói:
- May quá! Hôm trước đại ca đã lập được công lớn rồi, nay anh em ta cũng nhân cơ hội này kiếm chút đỉnh.
Trương Trung nói:
- Vậy thì chúng ta phải ráng một phen để phô trương uy danh.
Nói rồi liền giục binh đến. Chẳng bao lâu hai đạo quân gặp nhau. Trương Trung nạt lớn:
- Loài phản tặc? Các ngươi đem binh đi đâu đó?
Ngưu Kiện thấy Trương Trung và Lý Nghĩa thì biết là bộ hạ của Địch Thanh bèn nghiêng mình thi lễ và nói:
- Tôi muốn đến Tam Quan mà quy hàng Nguyên soái, chớ không phải phản tặc đâu.
Trương Trung nói:
- Ngươi nói ngươi không phải phản tặc thế ra ngươi là cường đạo chăng?
Ngưu Kiện nói:
- Khi trước tôi vẫn là cường đạo mà bây giờ tôi đã thôi rồi" .
Trương Trung hỏi:
- Ngươi là cường đạo ở đâu, hay là ở Ma Bàng sơn.
Ngưu Kiện nói:
- Phải .
Trương Trung, Lý Nghĩa nghe nói nổi giận mắng:
- Té ra ngươi là cường đạo ở Ma Bàng sơn trước đã cướp chinh y của anh em ta, làm cho đại ca ta thiếu chút nữa mất mạng. Nay ta gặp ngươi đây thì quả là gặp cựu thù rồi.
Nói rồi vung đao chém Ngưu Kiện. Ngưu Kiện đỡ đao ra rồi nói: .
- Xin tướng quân bớt giận, để tôi phân rõ một đôi điều cho tướng quân nghe. Vả chuyện đoạt chinh y đó không phải là tại tôi ấy là tại Tôn Vân sai người đem thơ và lễ vật đến cậy tôi làm như vậy đặng trả thù. Khi ấy tôi nghe lầm, đến sau nghĩ lại ăn năn thì chuyện đã lỡ. Nay tôi đem chinh y trả
lại cho Dương Nguyên soái, xin tướng quân làm ơn dắt tôi đến ra mắt.
Trương Trung hỏi: .
- Vậy ngươi tên họ là chi?
Ngưu Kiện nói:
- Tôi là Ngưu Kiện.
Trương Trung hỏi:
- Còn một người nữa ở đâu?
Ngưu Kiện nghe hỏi thì nghĩ thầm:
- Nếu ta tỏ thiệt Ngưu Cang còn ớ trên núi Đại Lang sơn, ắt là chúng nó đến đó mà đánh phá.
Nghĩ như vậy, Ngưu Kiện nói:
- Còn một người nữa là Ngưu Cang đã bỏ tôi mà đi xứ nào không biết.
Trương Trung nghe nói thì nạt lớn:
- Ngươi đã đầu Táng Thiên vương rồi, nay ngươi lại muốn đầu Nguyên soái nữa sao? Thế thì người có mưu kế chi đây?
Nói rồi vung đao chém tới. Ngùn Kiện có ý muốn đầu hàng nên cứ đỡ thương không chịu đánh. Lý Nghĩa thấy vậy nói:
- Ngưu Kiệm Nếu ngươi có ý muốn đầu hàng thì phải thề đi.
Ngưu Kiện nói:
- Tôi là Ngưu Kiện, nếu không thiệt dạ đầu hàng thì phải chết vì gươm đao.
Hai người thấy Ngưu Kiện đã thật tình liền bãi binh, dắt về ra mắt Dương Nguyên soái.
Dương Nguyên soái hỏi Ngưu Kiện:
- Bấy lâu nay ngươi chiếm cứ Ma Bàng sơn, ta cũng nghĩ ngươi là lũ kiến chòm ong nên cũng bỏ qua. Đến nay ngươi dám đoạt chinh y của triều đình, làm liên lụy đến Địch Thanh. Vả lại ngươi đã đầu giặc rồi sao còn đến đây đầu hàng ta?
Ngưu Kiện nói:
- Xin Nguyên soái rộng lượng để tôi kể lại mọi việc cho Nguyên soái nghe. Nguyên việc đoạt chinh y đó là do Tôn Vân viết thơ sai người đem đến Ma Bàng sơn khiến anh em tôi làm như vậy. Anh em tôi làm lỡ chuyện nay nghĩ lại thì ăn năn, nên đem chinh y dâng lại cho Nguyên soái để chuộc tội.
Nguyên soái hỏi:
- Vậy chớ Tôn Vân là người thế nào mà sai khiến các ngươi .
Ngưu Kiện nói:
- Tôn Vân là em ruột Tôn Tú.
Nguyên soái hỏi Địch Thanh:
- Vậy ngài có thù chi với Tôn Tú và Tôn Vân chăng?
Địch Thanh thuật hết sự tình cho Dương Nguyên soái nghe.
Nguyên soái lại hỏi Ngưu Kiện:
- Vậy thơ của Tôn Vân bây giờ ở đâu?
Ngưu Kiện nói:
- Thơ lúc ấy tôi đốt trại thì đã cháy rụi hết rồi.
Nguyên soái nói:
- Phải chi thơ ấy mà còn thời ta cũng bảo tấu với triều đình đặng trừ mối hiểm họa.
Địch Thanh nói:
- Xin Nguyên soái để thủng thỉnh rồi bọn nịnh thần cũng phải bị loại trừ. Còn Ngưu Kiện đây đã biết hối cải xin Nguyên soái mở lòng nhân đức mà dung cho nó một phen.
Nguyên soái nói:
- Thôi ta cũng nghe lời Địch vương thân mà dung cho nó, song phải đánh hai chục heo để làm gương.
Quân sĩ đem Ngưu Kiện ra đánh hai mươi hèo, rồi cho ở theo hàng chư tướng mà điều dụng.
Sau đó, Nguyên soái lại sai Tiêu Đình Quý và Ngưu Kiện đem quân đến đánh dẹp Đại Lang sơn, trừ bọn thảo khấu.
Tiêu Đình Quý và Ngưu Kiện tuân lệnh đem ba ngàn binh ra đi. Địch Thanh nói:
Nay Ngũ Vân trấn thiếu người giữ chức Thủ Bị , vậy xin Nguyên soái cho tôi tiến cử một người thay vào chức ấy.
Nguyên soái hỏi:
- Chẳng hay vương thân muốn tiến cử ai?
Địch Thanh nói:
-Tôi có một người anh rể tên là Trương Văn, khi trước có làm chức Du kích nơi Đồng Quan, vô cớ bị Mã Ứng Long cách chức, nay xin Nguyên soái cho phục chức trấn thủ nơi Ngũ Vân trấn.
Dương Nguyên soái liền nhận lời, bèn sai Mạnh Đình Quốc đến Đồng Quang đòi Trương Văn đến mà nhậm chức.
Bấy giờ Lý Kế Anh là ân nhân của Địch Thanh, có công cứu Địch Thanh nơi dinh Bàng Hồng cho đến nay chưa được Địch Thanh nhớ đến công lao nên cậy Trương Trung dẫn vào ra mắt.
Lúc ấy Địch Thanh đang ngồi bàn luận với Dương Nguyên soái thì Trương Trung vào báo có Lý Kế Anh đến xin ra mắt. Địch Thanh sực nhớ lại, than:
- Cha chả! Bấy lâu nay bận việc nên rất vô tình.
Liền khiến Trương Trung mời Kế Anh vào.
Dương Nguyên soái trông thấy Lý Kế Anh đến hỏi:
- Kế Anh là người nào vậy?
Địch Thanh liền thuật hết chuyện Bàng Hồng muốn hại mình lúc trước, nhờ Lý Kế Anh giải cứu, và xin với Dương Nguyên soái cho Lý Kế Anh làm chức Tổng quản ở Ngũ Vân trấn .
Dương Nguyên soái nhận lời liền sai Lý Kế Anh ra Ngũ Vân trấn giữ chức ấy.
Nhắc lại Phi Sơn Hổ là Lưu Khánh từ khi nghe lời Trương Văn về dắt gia quyến ra khỏi Đồng Quan mà gởi vào chùa, rồi đến ra mắt Mã Ứng Long báo lại mọi việc không làm tròn trách nhiệm hãm hại Địch Thanh do Mã ứng Long sai khiến.
Mã ứng Long liền quở:
- Bàng Thái sư có lòng muốn hại Địch Thanh cho nên khiến ta với ngươi hiệp sức mưu tính, té ra ngươi làm không thành công hay là ngươi có tình ý gì với Địch Thanh chăng?
Lưu Khánh thưa:
- Tôi cũng muốn làm cho xong việc, song trên đầu Địch Thanh có cái gì như một Luồng ánh sáng phản chiếu, làm cho đao kiếm không chém được. Vậy để tôi xin đến Tam Quan tìm cách hạ sát cho xong.
Mã ứng Long nói:
- Nay Địch Thanh đi đến Tam Quan đã lâu rồi, ngươi còn làm cách gì mà giết được.
Lưu Khánh nói:
- Không hề chi, tôi đi lần này làm sao cũng lấy đầu Địch Thanh cho được thì mới hả dạ.
Mã ưng Long nói:
- Nếu vậy thì phải đi cho mau.
Lưu Khánh nói:
- Xong việc tôi sẽ về báo lại.
Nói rồi Lưu Khánh ra đi.
Lúc này Trương Văn đang bàn luận với Mạnh thị lo lắng về việc Địch Thanh đến Tam Quan không biết may rủi ra sao xảy thấy một vị sai quan của Dương Nguyên soái đến ra mắt.
Trương Văn kinh ngạc, chưa hiểu chuyện gì thì viên sai quan vào nói:
- Tôi là Mạnh Đình Quốc ở tại Tam Quan, nay vâng lệnh Dương Nguyên soái triệu ngài ra làm chức Thủ Bị nơi Ngũ Vân trấn .
Nói rồi đưa ra tờ biểu văn. Trương Văn xem xong mừng rỡ, liền dọn tiệc đãi đằng Mạnh Định Quốc. Trong lúc ăn uống Mạnh Đình Quốc thuật hết mọi việc từ lúc Địch Thanh ra đến Tam Quan cho đến nay cho Trương Văn nghe.
Mãn tiệc, Mạnh Đình Quốc từ giã trở về Tam Quan. Còn Trương Văn thì vào hậu đường thuật hết chuyện của Địch Thanh cho mẹ vợ và vợ nghe. Mạnh thị mừng rỡ hối Trương Văn sắm sửa lên đường.
Xảy có Lưu Khánh đến nói:
- Tôi đã gởi gia quyến tôi trong chùa rồi, vậy nên đến đây xin nhơn huynh trả Tịch vân phách lại cho tôi đặng tôi ra
Tam Quan mà theo Địch Khâm sai.
Trương Văn nói:
- Như vậy mới đúng là người quân tử chớ.
Lưu Khánh nói:
- Làm trai phải trọng chữ tín mới được.
Trương Văn nhân đó thuật lại sự việc của Địch Thanh cho Lưu Khánh nghe.
Lưu Khánh nói:
- Vậy thì nhơn huynh trả Tịch vân phách cho tôi để tôi đi ra Tam Quan kiến công lập nghiệp.
Trương Văn nói:
- Nếu nhơn huynh muốn lập công thì ở đây cũng có cơ hội cần gì phải đến Tam Quan.
Lưu Khánh nói:
- Ở đây có việc gì mà có thể lập công được.
Trương Văn nói:
- Vậy chớ nhơn huynh quên phe đảng bọn gian thần rồi sao?
Lưu Khánh nghe nói trực nhớ lại sự việc Mã Ứng Long cấu kết với Bàng Hồng mưu hại Địch Thanh thì lấy Tịch vân Phách rồi từ giã Trương Văn trở lại Đồng Quang đáp xuống thấy bốn phía vắng tanh, quân sĩ ngủ hết thì nghĩ thầm:
- Bây giờ chắc Mã Ứng Long đã ngủ rồi,vậy vào kêu nó ra mà cho nó một đao thì rồi đời.
Nghĩ vậy, Lưu Khánh bước vào kêu lớn:
- Mã Ứng Long! Ta là Tốc bảo thần ở cõi trên, Thượng đế sai ta xuống đây, vậy ngươi hãy ra đây mà tiếp chỉ.
Lúc ấy Mã Ứng Long đang ăn tiệc cũng đã say rồi, nghe kêu lật đật bước ra sân xem thử. Vừa ra đến nơi nghe Lưu Khánh nạt lớn:
- Ngươi ăn lộc vua sao không lo giúp nước lại cấu kết bọn nịnh thần mà mưu hãm hại kẻ trung lương. Nay ta vâng lệnh Ngọc đế xuống đây mà trị tội ngươi.
Mã Ứng Long nghe Lưu Khánh nói thì quỳ lạy thưa:
- Xin tôn thần dung mạng.
Nói vừa dứt lời đã bị Lưu Khánh chém lấy thủ cấp rồi đằng vân bay đi mất.
Giết Mã ứng Long xong, Lưu Khánh trở về báo cho Trương Văn hay, trong lúc đó Trương Văn và gia quyến đề huề lên đường đi trấn nhậm Ngũ Vân trấn.
Hôm sau, Lưu Khánh thẳng đến Tam Quan ra mắt Địch Thanh thuật lại việc giết Mã ứng Long. Địch Thanh nói:
- Tuy nó là bè đảng gian nịnh, nhưng làm như vậy không đúng luật triều đình.
Nói rồi liền dắt Lưu Khánh vào ra mắt Dương Nguyên soái thuật lại mọi việc. Dương Nguyên soái khen:
- Làm như Lưu Khánh mới gọi là kẻ trung liệt.
Nói rồi phong Lưu Khánh làm phó tướng.
Từ ấy Dương Nguyên soái truyền chế ra bốn cây cờ. Mà cây cho Địch Thanh thì đề XUẤT SƠN HỔ, một cây cho Trương Trung thì đề BẮC SƠN Hổ; một cây cho Lý Nghĩa thì đề LY SƠN HỔ; một cây cho Lưu Khánh thì đề PHI SƠN HỔ. (đến sau có Thạch Ngọc tới Tam Quan thì Dương Nguyên soái cũng cho Thạch Ngọc một cây cờ đề là TIỂU DIỆN HỔ. Ấy là đủ NGŨ HỔ )
Lời bàn Trong đời người ai cũng có ân oán. Nhưng kẻ quân tử bao giờ ân oán cũng phân minh.
Địch Thanh lúc hàn vi, hoạn nạn được kẻ thương tình giúp đỡ , đến lúc hiển vinh nhớ ơn từng người để báo ơn, thì đó là hành động của kẻ quân tử.
Trong cuộc sống hiện tại, nhiều người đã quên ơn những kẻ đã giúp mình trong lúc khó khăn hoạn nạn. Họ chỉ biết có hưởng thụ mà không biết việc đền ơn. Bởi vậy, con người phải luôn luôn kiểm điểm lại thân mình, kiểm điểm lại dĩ vãng để nhớ lại quá khứ. Quá khứ là đường lối xây dựng tương lai, kẻ nào quên quá khứ của mình là kẻ vong ân, bội nghĩa, mà cũng là kẻ không hiểu rõ con người của mình trong cuộc đời.
Đã không hiểu rõ bản thân mình, không hiểu rõ cuộc đời của mình thì làm sao gọi là kẻ hiền nhân quân tử được.