Bấy giờ Dư Thái quân thẳng dấn kim loan điện, triều bái xong liền tâu:
- Không biết cớ chi mà Bệ hạ ra lệnh chém Tiêu Đình Quý. Vả Tiêu Đình Quý là một trang dũng tướng, có công nơi biên ải lại là con cháu trung thần, dẫu có tội chi cũng nghĩ đến công lao của Tiêu Táng thuở xưa mà dung tha cho nó.
Thiên tử nghe tâu thì nghĩ thầm:
- Việc này Trẫm cũng chưa rõ. Cứ theo lời tâu của Bàng
Quốc trượng mà xử trảm nên thiệt khó biện minh.
Nghĩ như vậy nên vua vẫn ngồi yên không có lời phán.
Dư Thái quân lại tâu:
- Xin Bệ hạ xét lại. Vả chăng con thiếp và chồng thiếp đều vì nước liều mình, duy còn một chút cháu trấn nơi Tam Quan đã hơn hai mươi năm, nó vẫn luôn luôn tận trung báo quốc không làm điều chi sai trái. Còn Tiêu Đình Quý thì lâu nay theo cháu tôi lập được công lao lớn lắm. Nay không biết nó phạm tội chi mà Thiên tử lại xử trảm nó như vậy.
Thiên tử thấy Dư Thái quân hỏi nhiều lần thì mới trả lời:
- Nguyên hôm trước Trẫm có sai Tôn Võ ra Tam Quan mà tra xét tiền lương thì Tiêu Đình Quý đánh Tôn Võ mà Tôn Võ là Khâm sai của triều đình, như vậy quả là khinh thường pháp luật. Ngang tàng như vậy thì đáng xử tử lắm.
Dư Thái quân tâu:
- Tôn Võ là người vâng chỉ sai đi tra xét tiền lương, mà không tra xét chi hết cứ đòi ăn hối lộ mà thôi. Khâm sai của Bệ hạ mà hành động như vậy thì cũng như Bệ hạ hành động có khác gì, vậy thì Tôn Võ có đáng chém không?
Thiên tử nói:
- Tôn Võ không có đòi của hối lộ chi hết, mà chém nó chẳng là oan lắm.
Dư Thái quân tâu:
- Còn Tiêu Đình Quý cũng không đánh chửi Khâm sai nếu Bệ hạ giết nó thì cũng oan nó lắm.
Thiên tử nghe tâu thì mỉm cười nói:
- Tiêu Đình Quý đã làm tờ cung tiêu mà chịu rằng có đánh khâm sai thì còn oan gì nữa.
Dư Thái quân tâu:
- Đã làm tội Tiêu Đình Quý sao không tra xét đến Tôn Võ? Còn nói đến Tiêu Đình Quý mà không nói đến DươngTôn Bảo thì e rằng luật pháp bất minh chăng?
Thiên tử nghe mấy lời của Thái Quân thì gật đầu nói:
- Phải! Dương Tôn Bảo cũng có tội nữa, song trẫm cũng nghĩ nó là dòng dõi công thần, mà lại có công trấn thủ Tam Quan đã hai mươi mấy năm nay, nên trẫm không nỡ chém mà làm tội bằng tam bang triều điển mà thôi.
Dư Thái quân nghe nói thì nổi giận tâu lớn tiếng:
- Chồng con tôi vì nước bỏ mình đã hết mấy mạng mà Bệ hạ không đem lòng thương tưởng thì thôi. Nay cháu tôi Dương Tôn Bảo công lao như vậy, Bệ hạ lại nghe lời quân nịnh mà xử tội tam bang triều điển. Nỡ nào đành làm như vậy? Sao Bệ hạ không suy đi xét lại cứ nghe quân nịnh làm, chẳng hề nghĩ đến kẻ hiền lương. Vả một cái án trong dân giã kia còn phải tra đi xét lại, cho biết ai phải ai quấy rồi mới luận tội, thế mà còn lầm thay, huống chi việc lớn bằng trời như vậy mà Bệ hạ không tra đi gạn lại, chỉ nghe lời tâu trình muốn giết ai thì giết, muốn chém ai thì chém. Làm như vậy thì kẻ trung lương bị thác oan, mang tiếng xấu lưu truyền muôn thuở, mất hết danh giá trung thần đi, chẳng là oan ức cho họ Dương lắm sao? Vả lại Trầm Quốc Thanh cũng là phe đảng của Bàng Quốc trượng, Tôn Võ cũng là em của Tôn Tú tôi e bên trong có điều gì gian trá đây. Nếu Bệ hạ không xét cho kỹ ắt là lầm mưu lũ nịnh chớ chẳng không. Xin Bệ hạ lưu Tiêu Đình Quý lại, rồi đòi Dương Tôn Bảo và Địch Thanh về triều mà hỏi cho rõ ràng. Nếu quả có tội thì Dương Tôn Bảo có chết cũng cam lòng, còn Vô Nịnh phủ bị danh nhơ cũng đáng. Nếu Bệ hạ không xét cho kỹ mà chém trước Tiêu Đình Quý thì bất minh lắm.
Bàng Hồng thấy Dư Thái quân tâu như vậy thì nghĩ thầm:
- Mạng Tiêu Đình Quý đã muôn thác, không ai dám can ngăn không biết mụ già này hay tin ở đâu mà vào triều nói nhiều câu làm nhục Thiên tử, mà Thiên tử thì ngồi trơ trơ như hình nộm, không nói chi hết. Nếu giết không được Tiêu Đình Quý thì giết sao cho được Dương Tôn Bảo và Địch Thanh.
Bấy giờ mấy vị trung thần ngồi nghe ai nấy đều cho là lời của Dư thái quân đã rõ lại rất công minh. Chắc là vua phải nghe theo chẳng không.
Thật vậy, sau khi nghe mấy lời tâu của Dư Thái quân,vua liền truyền chỉ tha Tiêu Đình Quý, và khiến Tôn Võ trả thánh chỉ lại, đợi Dương Tôn Bảo và Địch Thanh về trào rồi thiên tử có bổn phận tra xét việc ấy.
Dư Thái quân tâu:
- Xin Bệ hạ cho tôi lãnh Tiêu Đình Quý về Thiên Ba Phủ, nếu nó trốn đi tôi chịu tội.
Thiên tử nghe theo sai bốn tên Thái giám đưa Thái Quân về Thiên Ba phủ và giải Tiêu Đình Quý đến Thiên Ba phủ giao cho Dư Thái quân.
Dư Thái quân về đến Thiên Ba phủ thì Đỗ phu nhân và Mộc Quế Anh cũng về đến. Dư Thái quân nói với hai vị phu nhân ấy:
- Giận bầy gian tặc bày mưu này kế kia mà hại cháu ta hoài. Tuy vậy nó hại sao cho nổi. Thôi để ít ngày nữa cháu ta về đây ta sẽ hết sức mà đối nại với loài gian ấy.
Vừa nói dứt thì đã thấy Tiêu Đình Quý vào ra mắt. Dư Thái quân hỏi:
- Tiêu Đình Quý! Vậy chớ câu chuyện ngoài Tam Quan như thế nào hãy kể lại rõ ràng cho ta nghe.
Tiêu Đình Quý nói:
- Địch Thanh thực có làm mất chinh y, mà có lập nên công trận lớn, cha con Lý Thành thiệt có mạo công, còn Tôn Võ ra đến Tam Quan thì cứ đòi ăn của hối lộ năm bảy muôn lượng, nên tôi có nóng giận đánh nó hết ít thoi và ít đạp.
Dư Thái quân nói:
- Té ra ngươi đánh Tôn Võ là mắc kế của Bàng Hồng rồi.
Tiêu Đình Quý nói:
- Xin Thái Quân chớ lo, để tôi đến dinh Bàng Hồng lấy quách thủ cấp của nó thì mới đã giận.
Dư Thái quân nạt lớn:
- Đừng có sanh sự mà gây họa. Dù phải dù quấy phải chờ Nguyên soái ngươi về đây rồi sẽ hay.
Từ ấy, Dư Thái quân sợ Tiêu Đình Quý ra ngoài sanh sự nên không cho Tiêu Đình Quý ra khỏi cửa, rồi lại sai người đến thiên lao mà dặn dò ngục quan phải chăm sóc Trầm Đạt cho tử tế.
Nói về Y thị phu nhân, tuy giận chồng tự tử nhưng khí số chưa mãn, nên hồn sa xuống cáo Diêm vương mà tỏ bày nỗi oan ức
Diêm vương cho người duyệt sổ lại thì số Y thị sống lâu đến 88 tuổi. Bây giờ tuy chết oan nhưng ít ngày nào cũng được hoàn hồn.
Vì vậy Diêm vương sai quỷ tốt đưa hồn Y thị đến Trần châu kêu oan với Bao Công.
Lúc này Bao Công đang vâng lệnh triều đình đi phát chẩn tại Trần Châu, vì nơi đây dân chúng mất mùa đói kém.
Khi đến nơi thì Bao Công làm y theo thánh chỉ, cho nên nhân dân rất ngợi khen.
Đến ngày mồng ba tháng ba, công việc xong rồi, Bao Công trở về triều phục chỉ, nhưng trong lúc trên đường về xảy có một trận cuồng phong thổi đến làm cho Bao Công đôi mắt chóa lòa, không thấy gì hết. Quân sĩ đều kinh ngạc.
Bao Công nghĩ thầm:
- Đây là một cơn gió lạ, chắc là có oan hồn mách bảo gì đây chớ chẳng không.
Nghĩ như vậy bèn hỏi:
- Oan hồn nào đến đây, có chuyện gì oan ức chăng?
Nói vừa dứt lời thì trận cuồng phong lại thổi tiếp. Bao Công liền khiến quân đình lại, sai Trương Long, Triệu Hổ lập một cái đài tạm nơi đồng trống, rồi thắp hương van vái.
Qua đến canh ba, lại có một trận cuồng phong thổi đến, Bao Công lúc ấy đôi mắt đang lim dim thấy có một con quỷ đàn bà đến quỳ trước mặt mình mà thưa rằng:
- Thiếp là Y thị, tên Trịnh nương, vợ Trầm Quốc Thanh đang làm Ngự sử.
Bao Công hỏi:
- Nếu nàng là vợ Trầm Ngự sử thì cũng là một vị phu nhân, vậy xin phu nhân đứng dậy mà thuật hết các việc của Trầm Quốc Thanh cho Bao Công nghe.
Phu nhơn thưa:
- Vì chồng của thiếp trước đây không nghe lời can gián của thiếp, nên thiếp tức mình mà tự vận, thiếp đâu dám trách ai. Chỉ vì thân thiếp hiện đem lấp trong vũng bùn, mà phần thiếp chưa mãn, nên Diêm vương cho thiếp đến đây kêu oan.
Bao Công khen:
- Phu nhân là bổn phận đàn bà mà còn biết ngay vua thương tướng như vậy, thật là đáng bậc hiền triết phu nhân.
Nói rồi liền hỏi Y thị rằng:
- Vậy thi thể phu nhân hiện giờ còn ở nơi dinh Trần Ngự sử chăng?
Phu nhân nói:
- Thân thể hiện giờ còn ở tại sau vườn, bên trên có phủ lá cây và cỏ.
Bao Công nghe nói nổi giận mắng:
- Nói vậy Trầm Ngự sử thật là người tàn nhẫn, vợ mình làm đến bậc cao mạng phu nhân mà chết không có quan quách, lại hùa theo bọn nịnh thần làm cáo trạng giả mà hại kẻ tôi trung. Vậy thì phu nhân hãy trở về kinh sư đi, đặng ta về trào lập tức toan tính việc ấy cho.
Phu nhân nghe nói lạy tạ rồi riu ríu ra đi.
Còn Bao Công thì tỉnh dậy nghĩ thầm:
- Giống như chiêm bao mà không phải chiêm bao. Đây là việc hiển hiện của hồn oan tố cáo kẻ gây tội. Như vậy nàng chết đã hai ngày đêm rồi, nếu ta về kịp thì nàng có thể hoàn hồn được, vì thân thể chưa bị hủy hoại.
Lời bàn. Theo quan niệm Đông phương, con người chết sống có định mệnh. Nếu chưa đến lúc chết mà phải lìa trần thì oan hồn không tiêu tan mà vất vưởng trong cõi tạm. Đó là trường hợp của Y thị
Tác giả đã dùng quan niệm ấy để nói lên một hành động báo oán của một người đàn bà chết oan uổng.
Tuy là việc cấu kết bằng ý tưởng song cũng là bài học dạy đời, sống phải giữ lẽ công bình, không làm cho kẻ khác ân hận để rồi sự oán hận ấy di lưu trong cuộc sống.