Sau khi bàn luận, Địch Quảng làm biểu dâng về triều xin từ chức về quê chôn mẹ.
Bấy giờ Tôn Tú làm xong công việc cấp phát bạc thưởng cho gia đình cung nga xong trở về triều, vào Nam Thanh cung báo với vợ chồng Bác vương rằng: Địch tổng binh đi tuần chưa về nên không lấy được thơ trả lời.
Bác vương nghe tâu tưởng thiệt nên trọng thưởng cho Tôn Tú rất hậu. Tôn Tú lại góp tất cả số bạc gian lận đem dâng cho hai tên gian thần là Phùng Chuẩn và Bàng Hồng hơn một muôn lượng bạc để cầu thân.
Vì vậy hôm sau Phùng Chuẩn vào tâu với vua:
- Tôn Tú có công khó ra Sơn Tây, xin bệ hạ thăng chứ chánh ty coi về việc biểu chương trong triều.
Vua Chơn Tôn chuẩn tâu. Tôn Tú tạ ơn rồi lo việc bẩm báo trong triều để trình lạ với nhà vua.
Ngày kia có biểu chương của Địch Quảng từ chức về quê, Tôn Tú liền đem đến dinh Bàng Hồng làm một tờ chiếu giả, chấp nhận cho Địch Quảng quy điền.
Còn Địch Quảng khi tiếp tờ chiếu giả, liền góp nhóp hết tài sản dọn về quê quán.
Qua đến tháng chín năm Kiến Đức nguyên niên, vua nước Khiết Đơn kéo năm mươi muôn binh qua xâm phạm Đàng Châu, đánh với Dương Hà nhưng nhờ có tướng Vương Siêu võ nghệ cao cường nên binh Khiết Đơn không qua nổi. Dù vậy, Vương Siêu vẫn phải làm biểu chương cấp báo về triều.
Vua Chơn Tôn hay tin thất kinh, hỏi các triều thần có mưu gì đối phó. Dù vậy Vương Siêu vẫn phải làm biểu chương cấp báo bề triều.
Vua Chơn Tôn hay tin thất kinh, hỏi các triều thần có mưu gì đối phó.
Khấu Chuẩn tâu:
- Tuy quân Khiết Đơn xâm lấn, nhưng không hề chi, nếu bệ hạ ngự giá thân chinh thì ắt trừ đặng.
Vua nghe tâu còn đang lưỡng lụ, xảy có nội thị vào báo:
- Lưu hoàng hậu và Lý Thần phi đều trổ sanh hoàng tử.
Vua nghe báo mừng rỡ, muốn bãi trào để vào cung nhìn mặt hai hoàng nhi, nhưng Khấu Chuẩn lại tâu:
- Nay giặc đang đánh Đàng Châu, trăm họ phân vân, bệ hạ lại bỏ vào cung trong lúc chưa ai bàn được mưu gì trừ giặc, hạ thần e quần thần ngã lòng.
Vua nghe tâu bỏ việc vào cung, ở lại triều thần bàn việc chinh chiến.
Khấu Chuẩn tâu:
- Nếu bệ hạ không ngự giá chân chinh thì ắt mấy tỉnh phía Bắc không còn, mà Biện Lương cũng khó giữ. Xin bệ hạ vì lời tôi mà ngự giá thân chinh, xem việc nước là trọng.
Lúc ấy có gian thần là Vương Khâm Nhược sợ vua cầm binh đánh dẹp thì mình phải chịu dãi gió dầm sương nên xin vua Chơn Tôn dời đô sang Kim Lăng để tránh đỡ, rồi sẽ liệu binh các tỉnh về mà dẹp giặc Khiết Đơn.
Lúc ấy lại có Trần Nghiêu Tẩu xin vua dời đô qua Thành đô thì tiện lợi hơn.
Khẩu Chuẩn nói lớn:
- Ai mà khuyên vua dời đô thì đáng chém đầu. Kẻ đó chỉ biết có thân mình mà không lo gì cho đất nước.
Vua Chơn Tôn thấy triều thần không nhất trí, nên không sao quyết đoán được.
Lúc này nơi Chiêu Dương cung Lưu hoàng hậu nghe tin Lý Thần phi sanh đặng hoàng nam, chiều lại hoàng hậu sanh được hoàng nữ thì sanh lòng buồn bã, rạng ngày khiến nội thị báo với vua rằng mình cũng sanh được hoàng nam nữa.
Hôm sau vua lâm triều, Phùng Chuẩn thấy vua nghe lời Khấu Chuẩn muốn ngự giá thân chinh nên can:
- Phụng không nên rời ổ, rồng không nên rời hang. Nay bệ hạ đem thân đến nơi hiểm địa, tôi e xã tắc phải nghiêng ngửa, chi bằng sai một đại tướng ra đánh dẹp cũng xong, xin bệ hạ xét lại.
Vua nghe tấu chưa kịp nói thì Khấu Chuẩn nổi giận nói:
- Lời xưa có nói: “Sàm thần loạn quốc, đổ phụ bại gia”. Nói như ông thì chỉ lo cho bản thân mình mà thôi, chẳng tưởng đến giang sơn, dân chúng.
Phùng Chuẩn nói nói nổi giận nhưng chưa kịp trả lời thì có vị công thần là Cao Quỳnh (con của Cao Hoài Đức) bước ra tâu:
- Lời của tả thừa tướng tâu rất phải, nếu bệ hạ trì hoãn việc ra quân, mà nghe theo lũ gian thần, tôi e bệ hạ không khỏi mất nước.
Phùng Chuẩn nổi giận mắng lớn:
- Sao ông dám ra giữa triều buông lời xúc phạm đến hoàng thượng, lại mắng nhiếc đến đại thần đến như vậy?
Cao Quỳnh nạt:
- Ông thiệt chẳng có công cán chi, chỉ nhờ có va tấc lưỡi mà làm đến đại thần, ông lại không lo đến nợ nước, cứ khua môi múa lưỡi mà làm hại dân lành.
Phùng Chuẩn bị mắng chưa kịp trả lời thì vua Chơn Tôn đã phán:
- Trẫm đã nhất định thân chinh, chư khanh chớ có tranh cãi làm gì nữa.
Phán rồi liền truyền cho Cao Quỳnh là nguyên soái, thống lãnh ba mươi muôn binh và một trăm chín tướng, còn Khấu Chuẩn thì làm tham mưu, chọn ngày tế cờ, ngự giá thân chinh. (Trận này đánh Khiết Đơn hơn mười một năm mới yên).
Lúc này Lưu hoàng hậu đang ở trong cung đang sợ hãi nghĩ rằng: mình đã báo lỡ rồi, e đến khi yên giặc, hoàng thượng trở về không thấy hoàng nam e không khỏi tội khi quân.
Nghĩ vậy liền khiến cung nữ đòi thái giám Quách Hoè vào thương nghị:
- Hôm trước ta khiến ngươi báo lỡ rằng ta cũng sanh được hoàng nam, e đến lúc hoàng thượng về đây ta phải mang tôi khi quân. Còn bên Bích Vân cung thì Lý Thần phi thì không lổi gì về sau còn giành được ngôi hoàng hậu. Vậy ngươi có kế chi mà hại cho được mẹ con Lý Thần phi thì lỗi ta mới tránh khỏi.
Quách Hòe nghĩ một lát rồi tâu:
- Nếu lệnh bà muốn như vậy thì phải làm như vầy ... như vầy ...
Lưu hoàng hậu mừng rỡ, khen:
- Kế ấy rất là hay.
Liền khiến cung nữ bồng công chúa theo mình, còn mình sắm sửa với Quách Hoè qua Bích Vân cung mà thăm Lý Thần phi.
Bấy giờ Lý Thần phi đang ngồi bồng hoàng tử, bỗng nghe có tin hoàng hậu đến thăm, vội ra đón tiếp mời vào thết đãi.
Trà nước xong, hoàng hậu nói:
- Vậy chớ bên này em có đủ sữa cho hoàng tử bú hay không? Còn chị thì ít sữa không đủ cho công chúa bú.
Lý Thần phi nghe nói liền bước lại bồng công chúa mà cho bú, còn hoàng hậu lại bồng hoàng tử nâng niu một hồi rồi nói với Lý Thần phi:
- Hôm nay vắng mặt hoàng thượng thì chị em ta buồn lắm, vậy hãy bồng hoàng tử sang cung chị chơi cho khuây khỏa.
Lý Thần phi cũng muốn sang chơi cho giải buồn, song sợ qua đó chị em mắc trò truyện không ai chăm sóc cho hoàng tử, còn giao cho cung nữ thì sợ chúng không hết lòng.
Hoàng hậu biết ý nói:
- Không hề gì, có thái giám là Quách Hòe đây, tánh tình rất thận trọng. Nếu giao cho thái giám chăm sóc thì khỏi phải lo.
Lý Thần phi thấy hoàng hậu ân cần không lẽ từ chối, liền giao công chúa lại cho hoàng hậu, rồi thay đổi xiêm y đi với nhau qua Chiêu Dương cung.
Đến nơi, hoàng hậu hối thúc cung nữ dọn tiệc rượu mà đãi Lý Thần phi. Trong tiệc, hoàng hậu cố ép Lý Thần phi uống mãi cho đến chiều.
Lý Thần phi hỏi đến hoàng tử thì Quách Hòe nói:
- Hoàng tử đang ngon giấc.
Hoàng hậu bảo Quách Hòe đừng làm cho hoàng tử giật mình, hãy lén mà trồng trở về Bích Vân cung.
Quách Hòe vâng lời ra đi. Hoàng hậu lại nói với Lý Thần phi:
- Em đừng lo! Quách Hòe là người trung thành lắm. Không mấy thuở em qua đây, vậy chị em mình ăn uống vui say một bữa cho phỉ tình ao ước.
Lý Thần phi tin thiệt, cứ ngồi ăn uống chuyện trò cho đến tối mới từ giã hoàng hậu trở về cung.
Lúc về đến nơi, Lý Thần phi hỏi cung nữ:
- Vậy chớ hoàng tử ở đâu?
Cung nữ thưa:
- Quách Hòe bồng hoàng tử đến đây thì nói hoàng tử còn đang ngủ say, dặn chúng tôi đừng giở chăn ra làm hoàng tử giật mình cho nên chúng tôi không dám động, mà hoàng tử cũng chưa thức dậy.
Lý Thần phi nghe nói cũng tưởng hoàng tử còn ngủ nên nói với bọn cung nữ:
- Thôi các người đi ngủ đi.
Cung nữ vâng lời đi ngủ hết. Còn Lý Thần phi thì thay y phục rồi bước lại giở mền ra xem thì hoàng tử đâu không thấy, chỉ thấy trong mền có một con mèo chết nằm đó.
Lý Thần phi thất kinh, té ngửa ra chết giấc. Giây lâu mới tỉnh dậy khóc oà lên. Lúc này nàng mới biết hoàng hậu và Quách Hòe âm mưu cùng nhau tráo con mèo mà hại con mình, song chuyện không bằng cớ, vả lại hoàng thượng đi chưa về không biết tỏ cùng ai.
Nghĩ hết cách mà không biết phải làm sao cứ ngồi khóc mãi. Bỗng nghe có người gõ cửa, Lý Thần phi bước ra xem thì thấy cung nữ bên Chiêu Dương cung là Khấu Thừa Ngự chạy vào thưa:
- Lịnh bà ơi! Qua canh ba thì cung này bị cháy, mà bà cũng sẽ mang hại nữa. Vậy xin bà hãy thay đổi áo quần giả dạng nội giám trốn qua Nam Thanh cung mà nương tựa ít ngày, đặng chờ hoàng thượng về sẽ hay. Tôi có đem theo y phục nội giám đây, xin bà hãy thay đi cho kịp mà lánh nạn.
Cung nữ nói xong bỏ chạy ra ngoài. Lý Thần phi lật đật thay quần áo rồi chạy ra khỏi Bích Vân cung tìm đường trốn qua Nam Thanh cung. Song đêm hôm không biết đường nào mà đi.
Lúc này Lưu hoàng hậu và Quách Hòe tráo được hoàng tử rồi liền đốt rụi Bích Vân cung, rồi đòi Khấu Thừa Ngự sai bồng hoàng tử đem bỏ nơi ao Kim Trì. Thừa Ngự vâng lời bồng hoàng tử ra đến mé ao thì ngồi trên bờ ao mà khóc không biết cách nào cưú được hoàng tử. Nàng cứ ngồi khóc mãi cho đến lúc rạng đông thì có Trần Lâm vâng lệnh Bác vương ra ngự viên hái hoa.
Trần Lâm nghe tiếng khóc vội chạy lại xem thì thấy Khấu Thừa Ngự đang bồng một đứa con nít.
Trần Lâm nói:
- Nàng bồng con ai vậy? Sao lại ngồi đây mà khóc?
Thừa Ngự thấy Trần Lâm thì mừng rỡ thuật hết đầu đuôi câu chuyện cho Trần Lâm nghe.
Trần Lâm kinh hãi nói:
- Nay tôi vâng lệnh Bác vương ra đây hái hoa, may mà gặp việc này. Thôi nàng hãy trao hoàng tử lại cho tôi, đặng tôi giấu trong lẵng bông này đem trở về Nam Thanh cung.
Thừa Ngự lật đật trao hoàng tử lại cho Trần Lâm. Trần Lâm bỏ gọn vào lẵng rồi van vái rằng:
- Xin thiên địa quỷ thần ủng hộ cho hoàng tử đừng khóc, đặng tôi đem ra khỏi hoa viên này đưa về Nam Thanh cung.
Nói rồi Trần Lâm đội lẵng đi thẳng vào Nam Thanh cung. Còn Thừa Ngự thì nhảy xuống ao Kim Trì liều mình tự vận.
Nhắc lại Địch Quảng từ ngày chôn mẹ xong, thường bàn với Mạnh phu nhân rằng:
- Trước kia mình có hứa gả con Kim Loan cho Trương Văn là con của Trương Hổ làm quan tham tướng. Nay nó cũng đã lớn khôn rồi, ta muốn đưa nó về nhà chồng cho an bề gia thất.
Mạnh phu nhân cũng đồng ý nên Địch Quảng viết thơ đem cho Trương Văn. Trương văn được thơ mừng rỡ, sắm sửa lễ vật làm lễ thành hôn. Từ lúc vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc.
Chẳng bao lâu Địch Quảng từ trần, Mạnh phu nhân và vợ chồng Trương Văn lo việc chôn cất.
Khổ thay! Mạnh phu nhân gia cảnh càng ngày càng sa sút, nhờ có Trương Văn chu cấp mới khỏi dói rách.
Ngày kia, bỗng trời nổi cơn bão lụt, nhà cửa ở huyện Tây Hà bị nước cuốn trôi, mẹ con Địch Thanh đều bị nước cuốn trôi, không mong sống sót.
Lúc ấy Địch Thanh trôi bập bềnh trên sóng, tấp vào một hòn núi, cây cối um tùm, không biết là nơi nào. Xảy thấy có một vị đạo nhân đầu bạc trắng, râu mọc năm chòm, mặt mày tươi tốt, xem rõ không phải người phàm. Địch Thanh lật đật quỳ lạy hỏi:
- Phải ông là người cứu tôi không?
Đạo nhân cười nói:
- Nếu không có ta cứu ngươi thì thân thể ngươi đã vào trong bụng cá rồi. Nay ngươi đã khỏi nạn, đừng trông về xứ sở làm chi.
Địch Thanh nghe nói thì khóc lớn:
- Tôi là đứa bé mồ côi cha, bấy lâu nay nương tựa một mẹ già, đến nay mẹ tôi không biết sống chết nơi nào, dù tôi có sống cũng chẳng ít gì, xin thầy đem tôi trở về chốn cũ, đặng tôi chết theo mẹ tôi, còn hơn là sống mà cô thân khổ sở như vầy.
Lời bàn:
Lý Thần phi vì sanh được hoàng tử mà mang họa. Lưu hoàng hậu vì tham vọng ngôi vua mà dối gạt vua rồi hại mạng một đứa trẻ con. Quách Hòe, một tên thái giám độc ác âm mưu làm điều tàn nhẫn. Mọi chuyện đều có liên quan đến tham vọng con người trong cuộc sống.
Ở đây, chúng ta thấy có điều đặc biệt là lòng tham hiểm. Lòng tham khi kết hợp với mưu mô gian xảo thì tai hại khó lường. Quách Hòe là một tên thái giám dua nịnh nhưng lại là tay đắc lực cho kẻ tham lam sử dụng gây tội ác.
Trong cuộc sống con người, ai cũng muốn tranh đoạt để hưởng lợi, nhưng rốt cuộc theo luật nhân quả thì lẻ tàn bạo độc ác sau cùng cũng phải gánh chịu sự trừng phạt.
Lời xưa có nói: “trồng cây nào ra quả ấy”.
Những kẻ gian ác lúc hậu quả chưa tới đừng tưởng rằng mình có thể tránh khỏi sự trừng phạt của hành động mình gây ra. Vì chưa đến lúc nhận lãnh hậu quả mà thôi. Không tránh khỏi sự trừng phạt tất yếu của nhân quả cả.