Vị đạo nhân nghe Địch Thanh nói thì khuyên giải:
- Ngươi chớ lo buồn làm chi. Nay tuy ngươi mắc tai nạn, nhưng ngày sau ngươi có số hưởng lộc triều đình. Còn mẹ ngươi tuy bị thủy tai, nhưng cũng chẳng hề chi, chẳng bao lâu ắt được đoàn tụ. Ngươi hãy an tâm ở với ta, học binh thơ, võ nghệ ngày ra giúp nước cứu dân.
Địch Thanh nghe nói liền quỳ lạy xin thọ giáo.
Đạo sĩ nói:
- Nơi đây là núi Nga Mi, còn ta là Quỉ Cốc.
Từ đó, Địch Thanh cố gắng học tập, mỗi ngày một tinh thông.
Lúc này Nam Thanh cung, Trần Lâm đem hoàng tử giao cho Bác vương và tỏ hết sự tình. Bác vương đặt tên hoàng tử là Thọ Ích, và bảo Địch Thiên Kim nuôi làm con, chờ hoàng thượng ban sư trở về sẽ tâu mà trừ bọn gian nịnh.
Qua năm sau, Địch Thiên Kim cũng hạ sinh được một trai, Bác vương đặt tên là Triệu Bích.
Tháng ngày thấm thoắt thoi đưa, vua Tống dẹp xong giặc Khiết Đơn thì đã chín năm rồi mà chưa về. Hoàng tử Thọ Ích đã lên chín tuổi, còn Triệu Bích là con Bác vương cũng lên tám tuổi. Ngày kia Bác vương lâm bệnh nặng nên từ trần, nhằm ngày rằm tháng tư năm Canh Thìn. Các quan lo việc tống táng theo nghi lễ đế vương.
Hai năm sau, vua ban sư hồi trào. Văn võ bá quan đều ra đón rước, lạy mừng và tâu lại việc Bích Vân cung bị cháy, nên Lý Thần phi và cung nữ trong đó đều bị hại, còn v nay đã qua đời.
Vua nghe tâu đem lòng thương xót, truy phong Bác vương làm Trung Hiếu vương. Lúc ấy vua đa năm mươi mốt tuổi, nhưng chưa có con trai nên hạ chỉ lập Triệu Thọ Ích lên làm đông cung thái tử, cải tên là Triệu Trinh, và phong con thứ hai của Bác vương làm Lộ Huê vương.
Qua năm sau, vua cải niên hiệu là Càn Hưng nguyên niên, sau đó vua mang bệnh băng hà, thời gian ở ngôi được 25 năm.
Lúc ấy thái tử đông cung lên mười bốn tuổi, được triều thần tôn lên làm hoàng đế, lấy hiệu là Nhơn Tôn, cải niên hiệu là Thiên Thành, phong cho Địch Thiên Kim làm thái hậu, và Lưu hoàng hậu cũng được tôn làm thái hậu. vua lập vợ chánh là Quách phi làm hoàng hậu và Trương thị làm quý phi (Đến sau thì Quách hậu và Trương quý phi đều bị phế. Vua lại lập Tào thị là cháu nội của Tào Bân làm hoàng hậu và Bàng thị là con gái của Bàng Hồng làm quý phi).
Qua tháng chín năm ấy vua nghe lời sàm tấu của nịnh thần giáng cấp Khấu Chuẩn xuống là Tư bộ và đưa ra Lôi Châu làm cho Khấu Chuẩn phải bỏ mình từ đó. Đến sau, vua truy phong lại chức Quốc công nhưng đã không còn.
Bấy giờ vua nước Tây Hạ là Triệu Nguyên Hiệu sai nguyên soái Táng Thiên Vương, phó soái là Tử Nha Xai, tả tiên phong là Đại Mạnh Dương, hữu tiên phong là Tiểu Mạnh Dương đem bốn mươi muôn binh sang đánh Tống. Lúc đến ải Tam Quang thì nhờ có tướng trấn thủ là Dương Tôn Bảo đánh cầm cự lâu ngày không rõ hơn thua, Dương Tôn Bảo phải làm biểu sai người về triều cáo cấp.
Vua Nhơn Tôn lâm triều liền phán hõi các quan:
- Nay Triệu Nguyên Hiệu sai tướng đem quân xâm lấn biên cương các khánh có kế chi đánh dẹp chăng?
Văn Ngạn Bác quì tâu:
- Tuy binh Tây Hạ xâm lấn nhưng có Dương nguyên soái cầm cự không hề chi. Song có một điều cần gấp là Dương nguyên soái yêu cầu đem y giáp ra chiến trường cho quân sĩ mặc để chống lạnh, xin bệ hạ quan tâm việc này.
Vua nghe lời tầu liền hạ chỉ sai Tôn Tú đăng bảng chiêu mộ nhân tài để sai ra Tam Quang trợ chiến.
Bấy giờ Địch Thanh từ ngày vào động theo học võ nghệ với Quỉ Cốc đạo sư, đến nay binh pháp thông thạo, võ nghệ siêu quần, ngày tháng thấm thoát đã được bảy năm. Ngày kia Quỉ Cốc tiên sư nói với Địch Thanh:
- Nay tai nạn của con đã mãn, mà võ nghệ cũng đã siêu quần, vậy con hãy xuống Biện Lương là nơi gặp thân nhân để phò vua giúp nước.
Địch Thanh thưa:
-Bấy lâu nay con ở đây cùng thầy nhờ thầy dạy dỗ, ơn trọng chưa đến. Nay theo lời thầy dạy cũng muốn xuống Biện Lương, song chưa rõ mẹ con còn sống nơi quê quán hay không, con xin về nơi đó để tìm mẹ con trước đã.
Quỉ Cốc nói:
- Ấy cũng là lòng hiếu thảo của con, song con về quê cũ thì kiếm không đặng. Vậy con cứ về Biện Lương thì sẽ có thân nhân hội ngộ. Việc ấy không phải thầy gạt con đâu.
Địch Thanh thưa:
- Từ đây xuống Biện Lương đường xá xa xôi biết mấy lấy chi làm lộ phí dọc đường.
Quỉ Cốc nói:
- Làm trai lo chi điều ấy. Để thấy cho con một đồng tiền cũng đủ chi dùng. Tiền ấy cứ sanh sản hoài, muốn xài bao nhiêu cũng đủ, chừng nào con gặp được thân nhân thì thầy thâu lại.
Địch Thanh mừng rỡ lãnh đồng tiền rồi tạ ơn ra đi. Vừa xuống khỏi núi, bỗng một cơn gió nổi lên làm cho Địch Thanh bay bổng lên trời. Qua một lúc gió tan, Địch Thanh rơi xuống đất thấy mình đứng một nơi đông đảo, bên đường lại có quán cơm, Địch Thanh bèn bước vào quán hỏi:
- chẳng biết chỗ này kêu là xứ nào?
Chú quán nói:
- Chỗ này kêu là phủ Hà Nam, gần phủ Khai Phong thuộc về kinh đô. Quý khách từ đâu đến đây mà không rõ?
Địch Thanh nghĩ thầm:
-Té ra thầy mình đã dùng phép đưa mình đến kinh đô rồi. Thôi ta sẽ vào đây nghỉ, chờ sáng mai đi tìm thân nhân xem co đúng lời dặn của thầy ta chăng?
Nghĩ như vậy, Địch Thanh vào quán bảo dọn cơm nước rồi ngồi lại ăn uống no say.
Chủ quán nhìn thấy Địch Thanh thì khen thầm:
- Con nhà ai mà mặt tợ thoa son, mặt sáng như trăng rằm, tướng mạo uy nghi lại ăn uống như cọp. Đây chắc là một viên hổ tướng chớ chẳng chơi.
Địch Thanh ăn xong, chủ quán tính hết thảy 1 trăm đồng tiền. Địch Thanh liền mở gói ra, thấy trong gói có đủ số tiền ấy, nên lấy trả cho chủ quán, và nhủ thầm:
-Thật đúng là phép tiên. Có một đồng tiền mà xài mấy cũng đủ.
Đêm ấy, Địch Thanh ngủ lại trong quán.
Hôm sau cơm nước xong, Địch Thanh lấy tiền trả cho chủ quán rồi đi dạo trong thành phố. Khi đi qua một cây cầu, Địch Thanh hổi người đi đường mới biết đây là cầu Biện Hà, nhớ lời thầy dặn cầu Biện Hà là nơi gặp thân nhân, nhưng không biết thân nhân là ai mà hỏi. Chàng lại nhớ cầu Biện Hà là chỗ thầy thâu lại đồng tiền quý đó nên thò tay vào túi lấy ra cầm trong tay cho chắc, nhưng vừa lấy ra khỏi túi thì đồng tiền đã rơi xuống nước mất dạng. Địch Thanh không biết làm sao, cứ nhìn xuống nước mà khóc.
Lời bàn:
Trong cuộc sống con người trong cái rủi có cái may, trong cái xấu có cái tốt. Tốt xấu luôn luôn duyên khởi hình thành mọi biến động của vạn hữu.
Lưu hoàng hậu sai thái giám Quách Hòe đem mèo đổi hoàng tử mưu sát để đoạt lấy ngôi vị trong cung, rồi đốt cung của Lý Thần phi để cho mất tích. Nhưng rồi có người vì lương tâm mà giải cứu cả hai mẹ con. Tiếp đó, vua Tống lại phong cho con ruột của mình lên ngôi mà không hề biết.
Trong cái nghịch trở thành cái thuận, rồi trong cái thuận trở thành cái nghịch. Sự xoay chuyển ngoài ý muốn của âm mưu con người. Vì vậy làm người chỉ nên làm những việc đạo nghĩa, còn duyên số là do duyên định, tức là luật vạn hữu của thiên nhiên.