Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Vạn Huê Lầu diễn nghĩa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 71696 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vạn Huê Lầu diễn nghĩa
Khuyết Danh

hồi thứ hai
Trong lúc Địch Quảng còn đang bịn rịn cuộc chia ly với em gái mình thì Nhạc thị lấy ra một cặp ngọc uyên ương trong tay áo trao cho Thiên Kim và nói:
- Con ơi! Ngọc uyên ương này là vật lúc trước cha con phụng chỉ chinh Tây thắng trận về trào, được vua ban thưởng. Đó là loại ngọc quý có thể trừ tà ma cà ngăn chăn đao búa không thể phạm vào người. Từ khi cha con qua đời rồi mẹ còn cất giữ để làm vật gia bảo. Con nên lấy một hột mà đem theo, còn một hột để lạ cho anh con làm lưu niệm.
Sau khi đã trao ngọc quý, Thiên Kim vội vàng lên xe theo Trần Lâm về cung. Bà Nhạc thị thấy xe Thiên Kim đi rồi thì khóc rống lên một tiếng, té nhào xuống đất. Địch Quảng lật đật đỡ dậy và khuyên nhủ hết lời, bà Nhạc thị mới gượng gạo lên kiệu trở về.
Còn Trần Lâm ra khỏi thành trực chỉ trở về Biện Kinh. Đi một tháng ròng mới đến nơi truyền quân ở tại ngọ môn chờ lệnh.
Ngày ấy vua đang ngồi đánh cờ với Bác vương ở điện Trường Lạc, nghe quân vào báo:
- Thái giám Trần Lâm đi kén mỹ nữ đã về đến, xin vào phục chỉ.
Vua Chơn Tôn nghe tin mừng rỡ, truyền cho Trần Lâm vào. Trần Lâm vào bái yết, tâu lại mọi việc đi kén chọn mỹ nữ ở Sơn Tây, ròi dâng sổ bộ lên. Vua truyền dẫn hết mỹ nữ vào xem.
Trần Lâm ra ngọ môn đòi hết tám mươi mỹ nữ vào. Vua Chơn Tôn xem sổ thấy người đứng đầu là Địch Thiên Kim liền dạy đến yết kiến.
Địch Thiên Kim vâng lệnh bước ra trước mặt vua quì lạy tung hô. Vua xem thấy khen:
- Thật là tuyệt sắc giai nhân!
Bác vương cũng khen:
-Chẳng những là xinh đẹp mà lại còn chỉnh tề thùy mị, không phải là con nhà bần tiện, song chưa rõ là con bậc quan nào.
Vua nghe Bác vương nói liền hỏi Thiên Kim:
- Vậy cha nàng làm quan chi trong phủ Thái Nguyên?
Thiên Kim tâu:
- Ông thiếp là Hàm Lâm Địch Thái, cha làm chức Thống chế tên Ngươn. Anh thiếp là tổng binh Địch Quảng, cả nhà đều hưởng lộc vua nhiều đời.
Vua nghe tâu rất vui mừng, Bác vương nói:
- Té ra nàng này đã xinh tốt lại có tài, thật đáng quý.
Vua nói:
- Vương huynh nói rất đúng! Nàng này quả là dòng dõi trâm anh, thế phiệt. Trẫm có ý kén một người tài mạo để coi việc nội trợ cho vương huynh, vì từ lâu nay vương huynh sống cô độc.
Bác vương lật đật đứng dậy nói:
- Tuy bệ hạ có lòng tốt như vậy, song tôi không dám vâng lời, Địch Thiên Kim là người của bệ hạ tuyển chọn, tôi đâu dám đem về làm vợ, lỗi đạo vua tôi.
Vua nói:
- Vương huynh chớ chối từ. Ý trẫm đã dự tính từ lâu đâu phải buộc vương huynh vào con đường trái lẽ.
Vua phán xong liền truyền dẫn Địch Thiên Kim đến Nam Thanh cung và cho thêm mười sáu cung nữ theo hầu hạ.
Trần Lâm lãnh mạng đưa Thiên Kim qua Nam Thanh cung. Bác vương tạ ơn lui ra. Còn các mỹ nữ khác được vua truyền lệnh giao vào Chiêu Dương cung đặng Lưu hoàng hậu phân phát nơi tam cung lục viện.
Hôm sau, vua truyền xuất mười sáu ngàn lượng bạc, cho người đem ra Sơn Tây cấp cho những cha mẹ các mỹ nữ được tuyển vào cung để đền ơn dưỡng dục.
Địch Thiên Kim khi được vào Nam Thanh cung rồi thì các tỳ nữ đem xiêm y đến cho nàng thay đổi. Còn Bác vương mở tiệc khánh hạ mời các quan ăn uống no say.
Tiệc tan, Bác vương vào cẩm trướng làm lễ hiệp cẩn.
Hôm sau, Bác vương vào triều tạ ơn thì được nghe tin vua sai người đem vàng bạc đến Sơn Tây trả ơn cho cha mẹ các mỹ nữ được tiến cung, nên vội trở về dinh nói với Thiên Kim:
- Sẵn dịp vua sai người về Sơn Tây đem tiền bạc đền công cho cha mẹ của cung nữ, vương phi nên viết một bức thơ gởi về thăm viếng mẹ và anh chị.
Địch phi nghe nói cả mừng, sai cung nga đem giấy mực đến viết thơ và trao cho Bác vương xem. Bác vương trông thấy khen:
- Chữ viết đã đẹp mà lại rất nhanh, đáng là một nữ lưu ít có.
Bác vương liền đòi khâm sai vào để trao thơ và dặn:
- Nay ngươi phụng chỉ ra Sơn Tây, sẵn dịp đem phong thơ của vương phi mà trao cho Địch Quảng hiện đang làm tổng binh tại phủ Thái Nguyên.
Quan khâm sai vâng lời lãnh thơ lui ra.
Nguyên quan khâm sai này họ Tôn tên Tú, rể của Bàng Hồng, hiện đang làm Trị giám viên, cũng là một người trong gian đảng Bàng Hồng.
Khi Tôn Tú lãnh phong thơ thì nghĩ thầm:
- “Địch Quảng là con của Địch Ngươn, lúc Địch Ngươn làm thống chế, còn cha ta làm quan vận lương, vì đi trễ ngày bị Địch Ngươn xử trảm. Thù ấy không đội trời chung. Nay gặp được thơ này, chắc là tin lành của Địch Thiên Kim gởi về cho Địch Quảng. Vậy ta giấu tin lành mà thông tin dữ, đặng làm cho cả nhà bối rối cho bõ ghét.
Tính như vậy, Tôn Tú liền giấu thơ đi.
Hôm sau Tôn Tú vào kho lãnh mười sáu ngàn lượng bạc đem đi phân phát cho các gia đình ở Sơn Tây có con tiến cung. Khi đến nơi truyền rao cho những cha mẹ của cung nga đến mà lãnh bạc, nhưng chỉ phát cho mỗi nhà có một trăm hai mười chín lạng bạc, trong lúc nhận của triều đình đến hai trăm lượng mỗi nhà., Thế là Tôn Tú ém đi đến saú ngàn năm trăm hai mươi lượng trong đó có phần cua Địch Quảng là một trăm hai mươi lượng.
Địch Quảng lâu nay nhớ em, trông tin tức, nay nghe có khâm sai đến vội mời về nhà hậu đãi, và nói:
- Nay triều đình sai ngày đến đây đặng phát bạc cho cung nga, vậy ngài có biết tin tức Địch Thiên Kim thế nào chăng?
Tôn Tú giả vờ nói:
- Vậy Địch Thiên Kim có phải là con của ngài không?
Địch Quảng nói:
- Nàng ấy là em ruột của tôi.
Tôn Tú nói:
- Té ra nàng là em ruột của ngài! Thật tội nghiệp!
Địch Quảng nghe nói sinh nghi, vội hỏi:
- Vì cớ gì mà ngài nói như vậy?
Tôn Tú nói:
- Tôi nói cho ngài hay xin ngài đừng cho lậu ra thì tôi mang họa. Nguyên khi em gái ngài vào cung cứ nhớ mẹ khóc hoài, tam cung lục viện ai cũng ghét, nên em ngài tự ái mà thác đi. Thiên tử nổi giận bắt tội nàng làm nhơ uế trong cung nên truyền đem thây bỏ ngoài đồng. Khi tôi phụng chỉ đến đây thì thiên tử có dặn tôi hỏi thăm cha mẹ Địch Thiên Kim để làm tội. May nhờ có Trần thái giám tâu xin. Nay ngài hỏi thì tôi phải nói thật.
Địch Quảng nghe nói thất kinh, ngồi sửng sốt, còn Tôn Tú từ giã ra về. Địch Quảng ra khỏi cửa rồi trở lại.
Lúc đó bà Nhạc thị đã nghe rõ câu chuyện của Tôn Tú kể lại nên vừa khóc vừa hỏi Địch Quảng:
- Con ơi! Lời khâm sai nói đó nếu là sự thật thì mạng mẹ ắt không còn.
Địch Quảng thưa:
- Lời khâm sai nói đó có gì xác thực. Nay triều đình phái khâm sai đến phát tiền cho mọi nhà mà nhà ta không thấy nói đến con e khâm sai giấu tiền rồi kiếm chuyện bịa đặt.
Nhạc thị hét to:
- Trời ơi! Con gái tôi chết thảm như vậy sao?
Nói rồi té ngửa xuống đất. Vợ chồng Địch Quảng đỡ dậy thì bà đã tắt thở.
Vợ chồng Địch Quảng khóc than:
- Trong lúc đang bình an mà họa tới thình lình. Em ta đã thác mà mẹ cũng không còn. Tai nạn đến dồn dập.
Khóc rồi mua quan tài chôn cất.
Lúc ấy con gái Địch Quảng là Địch Loan đã mười tuổi nên đã biết thương biết khóc, còn Địch Thanh thì còn nhỏ lắm, không biết gì hết.
Ngày kia vợ chồng Địch Quảng ngồi nói chuyện đau buồn về gia cảnh, Địch Quảng nói:
- Nay em và mẹ chúng ta đã từ trần, còn chúng ta thì triều đình còn trong cơn giận, nay mai ắt cho người đến vấn tội, chi bằng từ quan, trở về quê quán để an thân.
Mạnh phu nhân thưa:
- Biết lời nói ấy có thực hay không, chi bằng cho người về Tràng An dọ thăm tin tức thế nào đã rồi sẽ tính.
Địch Quảng nói:
- Tràng An xa xôi lắm! Vừa đi vừa về phải mất vài mươi hôm. Nếu chẳng may triều đình vãn tội thì toan liệu sao kịp. Thôi ta tính về quê thì cứ ra đi cho an thân.

Lời bàn:
Những kẻ gian nịnh, xảo trá thì trong lòng lúc nào cũng tìm cách hại người. Thù hận và ganh ghét luôn luôn là chỗ núp ở trong lòng kẻ gian nịnh.
Lời nói của kẻ gian nịnh còn độc hơn gươm đao. Tôn Tú chỉ nói có một lời mà giết chết bà Nhạc thị, một mẹ già quá thương yêu con gái mình.
Kẻ gian nịnh không có nhân tính nên không hề có lương tâm trước sự đau khổ của kẻ khác, mà ác tâm thì lại rất độc hại. Lòng thương người không ở trong lương tâm của kẻ độc ác, bởi vậy muốn xem xét một con người để hiểu lương tâm họ thì chỉ cần xem hành động của họ trong dĩ vãng thì thấy rõ.
Trong cuộc sống con người, chúng ta thường động chạm đến thế sự, và việc cảnh nhân xử thế nếu không rõ được bản chất của từng con người thì có thể rất dễ lầm lạc, gây tác hại không sao lường trước được.

<< hồi thứ nhất | hồi thứ ba >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 589

Return to top