Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> X30 phá lưới

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 125599 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

X30 phá lưới
Đặng Thanh

Chương 34
Tại cơ quan công tác đặc biệt hôm nay vinh dự đón đồng chí bí thư khu ủy đến. Thấy nét mặt đồng chí bí thư vui vẻ, anh em trong cơ quan chắc rằng đồng chí đem lại cho cơ quan tin mừng. Nhưng ở cơ quan này, mọi người đã quen người nào việc ấy nên mọi người chỉ chào đồng chí bí thư thôi, cũng không ai tò mò hỏi đồng chí điều gì. Đồng chí bí thư gật đầu chào đáp lại mọi người, bắt tay hỏi thăm sức khỏe một vài đồng chí. Giữa lúc đó Vũ Long được tin đồng chí bí thư đến, chạy ra đón.
Vũ Long đưa đồng chí bí thư vào một căn phòng riêng. Vẫn căn phòng vách tre lợp lá giản dị trong khu giải phóng mà Vũ Long vẫn tiếp xúc, trao đổi công tác với các đồng chí của mình. Ở đó, có một người ngoài ba mươi tuổi, trắng trẻo, dáng dong dỏng, hòa nhã thư sinh, đang ngồi chăm chú đọc báo. Thấy Vũ Long đưa khách vào, người ấy đứng dậy. Vũ Long giới thiệu khách với anh ta:
- Xin giới thiệu với anh Nhơn đây là đồng chí bí thư khu ủy.
Và quay lại chỉ người trẻ tuổi, Vũ Long nói với đồng chí bí thư khu ủy:
- Xin giới thiệu với anh, đây là đồng chí X.30, tức Nguyễn Thành Nhơn.
Đồng chí bí thư mỉm cười hồn hậu, chìa tay ra bắt tay người trẻ tuổi:
- Xin chào “ông Phan Thúc Định, cố vấn đặc biệt của Ngô tổng thống!”
Ba người cùng cười, cái cười thoải mái của người chiến thắng. Vũ Long nói với người trẻ tuổi mà anh giới thiệu là X.30 tức là Nguyễn Thành Nhơn:
- Đồng chí bí thư khu ủy nghe báo cáo về thành tích của anh, muốn gặp anh và muốn trực tiếp nghe chúng ta kể lại sự việc.
Người trẻ tuổi khiêm tốn:
- Dạ, thưa anh, việc nhỏ có gì đáng kể đâu mà anh phải quan tâm. So với cuộc chiến đấu lớn lao, vĩ đại của toàn thể nhân dân ta, chúng tôi chưa đóng góp được bao nhiêu.
Đồng chí bí thư hồ hởi:
- Đúng là so với cuộc chiến đấu lớn lao, vĩ đại của toàn thể nhân dân ta suốt mấy chục năm qua thì việc gì của mỗi chúng ta cũng đều không đáng kể, nhưng mặt khác nếu không có từng việc “không đáng kể” ấy góp lại thì làm sao có được sự lớn lao, vĩ đại, phải không đồng chí Nhơn? “Mỗi giọt nước đều đóng góp vào sự làm nên biển cả!”. Đồng chí khiêm tốn là rất tốt, nhưng trên đánh giá rất cao thành tích của đồng chí. Chúng tôi dự định sẽ đề nghị khen thưởng đồng chí xứng đáng.
Người trẻ tuổi đáp:
- Dạ, nếu tôi có chút thành tích thì không phải là công của riêng tôi. Đấy là công của tập thể anh em. Nếu không có anh em, không có mọi người thì tôi không làm được gì cả.
Đồng chí bí thư gật đầu:
- Tất nhiên là như thế!... Trong công việc này thì ai cũng biết rõ ngoài sự giúp đỡ, chỉ đạo của tập thể ra thì sự mưu trí, lanh lẹ, tinh thần dũng cảm, gan dạ, nghị lực của cá nhân là quan trọng lắm. Các đồng chí có công nhận thế không?
Vũ Long “vâng!” tán thành. Người trẻ tuổi cúi đầu không nói gì.
Đồng chí bí thư chìa tay ra:
- Nào, chúng ta ngồi xuống nói chuyện chứ!
Lúc bấy giờ, Vũ Long mới chực nhớ ra mình đã quên chủ nhà của mình. Anh thay vội ấm trà mới. Nước sôi, trà ngon, hương trà bốc lên ngào ngạt. Người trẻ tuổi kể lại công việc mình đã làm cho đồng chí bí thư khu ủy nghe:
Câu chuyện trở về những năm Phan Thúc Ngân chưa làm tuần vũ ở Hà Tĩnh. Bên cạnh hắn tìm hết cách xu nịnh tâng công với thầy quan Pháp để có thể nhảy nhanh trên hoạn lộ, hắn còn là kẻ đã làm hại nhiều cuộc đời phụ nữ ở những nơi hắn đến làm quan. Mẹ Phan Thúc Nhơn là một cô gái xinh đẹp. Sắc đẹp ấy chẳng may lọt vào mắt Phan Thúc Ngân trong một dịp hắn xuống làng đốc thuế. Mặc dù cô gái nông thôn ấy sắp đến ngày làm lễ cưới với một chàng trai cùng làng, Phan Thúc Ngân hạ lệnh cho bọn lý dịch phá đám cưới đó. Chiều ý quan trên, bọn cường hào lý dịch đã bức anh trai ấy phẫn chí bỏ làng ra đăng ký đi phu sai ở “Tân thế giới” biệt tăm và buộc gia đình cô gái phải dâng cô gái làm nàng hầu cho quan. Cô gái đã phải nuốt đi bao nhiêu nước mắt, không dám tự tử vì sợ liên lụy đến cha mẹ. Cô đã phải nuốt đi bao nhiêu nước mắt vì thương chàng trai làng đã phẫn chí bỏ đi. Còn còn nuốt bao nhiêu nước mắt nữa khi phải sống chôn vùi tuổi thanh xuân, như một người đầy tớ trong nhà Phan Thúc Ngân.
Cùng một lúc với mụ vợ cả Phan Thúc Ngân sinh đứa con trai thì vài tháng sau cô gái cũng ở cữ. Đứa con trai mụ vợ cả là Phan Thúc Định, đứa con trai của cô gái nông thôn là Phan Thúc Nhơn.
Tuy hai đứa con trai cùng ra đời trong một khoảng thời gian gần nhau nhưng sống hoàn toàn khác nhau. Con mụ vợ cả thì được sống trên chăn, dưới nệm, kẻ hầu người hạ chăm sóc, quý như vàng, như ngọc. Con cô gái nông thôn thì vì là con người hầu nên bị khinh rẻ, không ai chăm sóc đến.
Không chịu được sự khinh rẻ, không chịu được sự ghen tuông hành hạ của mụ vợ cả, cô gái nông thôn ấy bế con trốn khỏi nhà Phan Thúc Ngân. Phan Thúc Ngân cũng không cần đi tìm mẹ con cô phần vì đã thỏa mãn, hắn đi tìm những cô hầu mới, phần vì hắn sợ mụ vợ cả.
Ra khỏi nhà Phan Thúc Ngân, cô gái không dám trở về quê cũ. Không nghề nghiệp, không nơi nương tựa, cô phải xin vào đội than trong nhà máy điện để kiếm sống nuôi con. Tình cảm của cô dồn vào đứa con. Cô giấu quê quán, giấu họ hàng, giấu tông tích. Người chung quanh chỉ thương cô, cho cô trót dại dột, nhỡ nhàng về đường tình ái nên phải trốn gia đình. Trong cái đám người phải lao động quần quật, vất vả, tối tăm mặt mũi mới kiếm đủ miếng ăn này, người ta không nhìn người khác bằng những con mắt hẹp hòi bị chi phối bởi lễ giáo phong kiến. Người ta thương yêu đùm bọc nhau hơn.
Một người thợ trong nhà máy để ý đến cô đội than ít nói, lúc nào cũng tư lự, đau khổ, nhưng màu nhem nhuốc, đen đủi của than không làm mờ vẻ xinh đẹp của cô ấy. Anh săn sóc, hỏi han cô gái. Cảm tấm lòng người thợ, cô gái nói thực hết cảnh mình với riêng anh. Người thợ càng thương cô gái hơn. Cuối cùng, hai người thành vợ thành chồng. Người thợ hết lòng thương yêu và săn sóc đứa con riêng của vợ như con đẻ của mình. Anh không muốn nó phải mang họ của người bố xấu xa, đã không nhận nó và không xứng đáng với nó. Anh đổi họ Phan Thúc của nó, để nó thành họ Nguyễn của anh. Mặc dù phải lao động vất vả nhưng hai vợ chồng cương quyết phải dành dụm cho đứa trẻ đi học. Sau này, có thêm với nhau hai đứa con, một trai, một gái nữa, nhưng anh công nhân vẫn săn sóc Nhơn không kém gì trước.
Nhơn lớn lên giữa hai người lao động bị bắt làm đến kiệt sức, bị bóc lột, bị đánh đập hết sức dã man ấy, có những người bạn của Nhơn mới mười ba mười bốn tuổi đã phải bỏ học, làm quần quật như những con vật rồi suy nhược còm cõi như những ông già. Mắt Nhơn sớm phải nhìn thấy tất cả thực tế trần trụi của cuộc sống, sớm phải nhìn thấy tất cả những áp bức bất công. Ngoài giờ đi học ở trường, Nhơn cũng phải đi lao động để giúp thêm gia đình. Nhơn hiểu thấm thía cuộc sống cơ cực của người lao động. Nhưng những người lao động đã không bao giờ chịu cho bọn chủ bóc lột, áp bức mãi. Họ kể cho nhau nghe về những cuộc đấu tranh của những người thợ ở các nước khác.
Họ thầm thì với nhau về nước Nga xa xôi, giai cấp thợ thuyền đã đứng lên làm chủ nhà máy, hầm mỏ, làm chủ cuộc đời mình, sống tự do hạnh phúc trong một xã hội không còn áp bức, không còn bóc lột nữa. Có người giải thích cho họ biết nguồn gốc sự đau khổ của họ và bàn bạc với họ làm cách nào để hết cảnh đau khổ. Họ hiểu ra và siết chặt hàng ngũ lại đấu tranh.
Người dượng của Nhơn tham gia một tổ chức đấu tranh và dần dần đứng vào trong hàng ngũ cách mạng. Nhơn cũng đã lớn.
Ông dẫn dắt Nhơn đi theo con đường của ông. Người thanh niên hòa mình trong hàng ngũ những người thợ thuyền, những cha chú bạn bè, lao vào cuộc đấu tranh, lao vào cách mạng với tất cả lòng nhiệt tình, hoài bão của tuổi trẻ.
Trong khi Nhơn lớn lên trong hơi thở, trong cuộc sống hừng hực đấu tranh của người lao động như thế, thì Phan Thúc Ngân ngày một thăng chức. Càng thăng chức hắn càng giàu có. Càng giàu có hắn càng tàn bạo muốn lập công với Pháp để được thăng chức và giàu có hơn. Phan Thúc Định lớn lên trong cái không khí của gia đình. Gã được giáo dục từ nhỏ là phải biết đánh đập, chửi bới gia nhân cũng như người nghèo thì họ mới sợ, phải biết kính trọng và làm vừa lòng các quan Pháp. Gã được đi theo bố đến những nơi bố trị nhậm. Gã nhìn thấy bố gã với chức tuần vũ Hà Tĩnh trong năm 1930-1931 đã đốt từng làng, chém từng dãy người, mặt không hề biến sắc, ăn cơm thấy ngon hơn. Gã mơ ước gã sẽ làm quan để sống sung sướng, kẻ hầu người hạ đầy quyền uy như bố gã.
Nếu người nào biết cả Định, cả Nhơn thì tất phải sửng sốt ngạc nhiên, vì hai anh em cùng bố khác mẹ ấy có khuôn mặt, dáng người giống nhau nhưng tính nết khác nhau một cách kỳ lạ.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đập tan xiềng xích, gông cùm của hàng nghìn năm phong kiến và gần một thế kỷ thực dân Pháp ngự trị trên đất nước Việt Nam. Trên đỉnh cột cờ Huế, lá cờ quẻ ly lạc hậu, bệnh hoạn hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ được kéo lên. Bảo Đại thoái vị, cái triều đình bù nhìn tan vỡ, lũ tay sai nhác nháo. Một số tên Việt gian đầu sỏ có nhiều nợ máu với nhân dân bị đem ra xử bắn, trong đó có Phan Thúc Ngân.
Lúc cách mạng tháng Tám thành công thì cả người dượng Nhơn và Nhơn đều đã ở trong tổ chức và tham gia cướp chính quyền. Người thợ điện đứng tuổi, trở thành một trong nhữgn người lãnh đạo phong trào ở thành phố Huế. Nhơn được tổ chức điều về cơ quan công an để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trong lúc hoàn cảnh trong nước và ngoài nước còn phức tạp.
Nhờ sự lăn lộn với cuộc sống ngay từ nhỏ, lại thêm có học và sớm được giác ngộ, Nhơn đã tỏ ra một cán bộ mưu trí, già dặn và đầy nhiệt tình trong buổi đầu xây dựng ngành công an cho chính quyền cách mạng, trong việc trấn áp bọn phản cách mạng bảo vệ chính quyền mới. Đồng chí Vũ Long, phụ trách anh từ trước cách mạng tháng Tám, bây giờ cũng vẫn là người lãnh đạo trực tiếp anh trong ngành công an, hiểu rõ và quý anh như người em ruột thịt của mình.
Phan Thúc Định thì không chịu nổi cuộc đời của cả đất nước, cả dân tộc. Gã hằn học nhìn những cuộc biểu tình của nhân dân rầm rộ ngoài đường phố. Gã căm uất khi nghĩ đến cái chết của bố. Gã xót xa luyến tiếc cuộc sống phóng đãng trong giàu sang, quyền thế trước kia.
Gã vẫn nuôi một niềm tin là cái chính quyền của “bọn dân đen” này sẽ không đứng vững được bao nhiêu lâu, chẳng qua là chúng lợi dụng người Pháp còn đang mắc việc bên châu Âu, chúng làm loạn lên một thời gian như hồi 1930 ở Nghệ An, Hà Tĩnh thế thôi! Rồi nguời Pháp sẽ quay lại. Đám người hò hét trước mặt gã này đầu sẽ lại rơi rụng như sung, không có đất mà chôn. Đám quan lại bạn bè của bố gã sẽ lại giữ mọi chức vụ. Những người trung thành với nước Pháp sẽ lại được trọng dụng. Đây cũng là một cơ hội để lập công.
Tình hình ngày càng phức tạp. Thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ. Quân Tưởng Giới Thạch kéo sang đóng ở vĩ tuyến 16 trở ra để “giải giáp quân đội Nhật”. Các phần tử chống cách mạng bắt đầu ngóc dậy, hoạt động. Chúng cho rằng thời cơ của chúng đã đến. Chúng hằn học, điên cuồng dùng mọi thủ đoạn tấn công vào chính quyền cách mạng. Công việc của những người như Vũ Long, dượng của Nhơn, thật bề bộn. Chính quyền cách mạng vẫn đứng vững và ngày càng được củng cố. Rồi hiệp định sơ bộ 6-3-1946 đã đồng ý cho lính Pháp lên một số thành phố, tỉnh lỵ thay thế cho quân Tưởng, giải giáp nốt quân đội Nhật Bản. Cuộc đấu tranh chuyển sang giai đoạn mới.
Ngay từ khi thấy thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ, Phan Thúc Định mừng rỡ như người sắp chết đuối trông thấy thuyền cứu mình. Mấy lần gã định tìm đường vào Sài Gòn nhưng sau khi thăm dò thấy tình hình chiến sự ác liệt, ta kiểm soát chặt chẽ mọi con dường, gã đành nán lại chờ đợi. Trong khi tiếp xúc với gia đình bọn quan lại cũ ở Huế, Phan Thúc Định thường được nghe người ta nói về Ngô Đình Diệm. Một số trong bọn này tỏ vẻ trông cậy ở họ Ngô sẽ là cứu tinh của chúng (bởi vì lúc ấy chúng cho là Bảo Đại đã thoái vị, đã phải đầu hàng trước Việt Minh rồi, còn bọn Trần Trọng Kim thì đã hoàn toàn sụp đổ cùng với sự sụp đổ của quân đội Thiên hoàng. Con bài còn lại không còn ai ngoài họ Ngô). Phan Thúc Định đoán biết Ngô Đình Diệm có thể lên to, lại biết bố mình vốn có quen biết Diệm nên định tìm gặp Diệm bí mật liên lạc trước. Gã được một tay chân của Diệm mách cho biết lúc này Diệm đang có mặt ở Hà Nội.
Phan Thúc Định ra Hà Nội. Đúng vào lúc quân của tướng Lơ-cléc đã đổ vào thủ đô. Phan Thúc Định nhìn thấy bọn lính viễn chinh Pháp đội mũ nồi lệch, đeo dây biểu chương, ngồi ghếch chân lên xe gíp hoặc đứng trên xe thiết giáp lượn lờ ở một vài phố Hà Nội, cảm thấy mình như sống lại. Đây là những cứu tinh của gã! Đây là những người sẽ giúp gã trả được thù nhà và đưa gã lên. Gã gặp được Ngô Đình Nhu qua sự giới thiệu của một tên bạn cũng con quan ở Huế, lúc ấy đang trốn tránh ở Hà Nội. Ngay từ lúc đó, Ngô Đình Nhu, mặc dù bề ngoài vẫn làm việc cho cách mạng, nhưng bên trong đã nuôi sẵn những âm mưu đen tối và đã chứng tỏ khả năng tổ chức gián điệp của hắn. Hắn đã bí mật liên lạc với Phòng Nhì của đạo quân Lơ-cléc và tổ chức một số tay chân thân tín, trung thành với anh em hắn. Gặp Phan Thúc Định, Nhu rất mừng.
Hắn đang cần những người như Định. Hắn giới thiệu Định với Phòng Nhì của đạo quân Lơ-cléc. Thực dân Pháp mới trở lại đất nước ta nên cũng đang rất cần những tay chân như Định. Vì còn náu mình trong một chức vụ của ta nên Nhu phải giữ tuyệt đối bí mật sự liên lạc giữa hắn với bọn Pháp. Chính Định đã được Nhu cho vào gặp tướng Moóc-li-e ở trong thành đề nghị và giúp cho Diệm trốn ra nước ngoài. Nhu đã bố trí cho Định bí mật gặp Diệm để nhận diện Diệm. Rồi theo đúng sự thống nhất giữa Moóc-li-e và Nhu, tối hôm đó, Định ngồi trên chiếc xe hơi của quân đội Liên hiệp Pháp, đến đúng chỗ quy định, đón vội Ngô Đình Diệm, đưa thẳng vào doanh trại quân đội Pháp đóng ở trong thành.
Vào đến doanh trại quân đội Pháp, Moóc-li-e tiếp riêng ngay Ngô Đình Diệm. Chủ tớ gặp nhau bàn tính những chuyện gì, Định không được rõ. Từ đó, Định không gặp Diệm nữa. Ít lâu sau, gã chỉ biết rằng bọn Pháp đã đưa Ngô Đình Diệm ra nước ngoài.
Bọn Pháp chuẩn bị gây chiến. Tình hình mỗi lúc một căng thẳng. Bọn phản động cào riết hoạt động phá hoại ta. Công an ta thẳng tay trấn áp chúng.
Ngô Đình Nhu khuyên Định trở về Huế và mang thư của hắn gởi về cho tổng giám mục Đơ-ra-pi-ê để bàn việc lập “Liên đoàn công giáo chống Cộng”. (Sự việc đến đây hoàn toàn đúng sự thực như anh em Ngô Đình Diệm đã biết).
Nhưng những hoạt động mờ ám của bọn phản cách mạng không thoát khỏi mắt công an ta. Vào đến Huế, Phan Thúc Định bị công an bắt. Nhìn Phan Thúc Định, Vũ Long sửng sốt. Định giống Nhơn quá! Sự giống nhau giữa Định và Nhơn ấy, trong khi suy nghĩ tìm cách đánh địch, Vũ Long nghĩ ra một ý nghĩ táo bạo: dùng Nhơn thay Định lọt vào hang hùm.
Thận trọng vốn là bản tính của Vũ Long. Anh hỏi cung tỉ mỉ Phan Thúc Định, nghiên cứu đi nghiên cứu lại hồ sơ của gã. Anh đưa toàn bộ hồ sơ của Định cho Nhơn nghiên cứu. Anh trao đổi riêng dự kiến đánh địch của anh với Nhơn. Lúc đầu anh chỉ nghĩ đến chuyện đưa Nhơn vào thay Định trong cuộc họp thành lập “Liên đoàn công giáo chống Cộng” thôi. Sau khi đọc toàn bộ hồ sơ về Phan Thúc định và suy nghĩ, Nhơn vui vẻ nhận lời thực hiện ý đồ táo bạo của Vũ Long.
Hai người mất mấy ngày bàn bạc với nhau từng điểm nhỏ nhất như lời nói, thái độ khi lọt vào hàng ngũ địch đến những điểm lớn như phải dự kiến mọi tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử trí.
Thế là Nguyễn Thành Nhơn hay Phan Thúc Nhơn mang mật danh X.30, đóng vai Phan Thúc Định, cầm bức thư của Nhu vào gặp tổng giám mục Đơ-ra-pi-ê. Nhơn đã được dự một cuộc họp kín của một số tên phản động đội lốt tôn giáo, dưới sự điều khiển của bọn thực dân khoát áo thầy tu, thành lập “Liên đoàn công giáo chống Cộng”. Cũng lọt vào cuộc họp kín ấy có một nữ điệp viên khác của ta. Trong cuộc họp ấy, Nhơn đã được bọn thực dân chú ý vì thái độ nhanh nhẹn của anh. Nhờ sự có mặt của anh và một nữ điệp viên của ta, chính quyền ta đã nắm được toàn bộ nội dung bí mật của cuộc họp và phá được cả một âm mưu đen tối của chúng trong phạm vi toàn quốc.
Thấy bước đầu thành công, Nhơn lại được bọn thực dân tín nhiệm, Vũ Long quyết định bàn với Nhơn đi sâu hơn nữa vào trong hàng ngũ địch, cài hẳn Nhơn vào trong hàng ngũ của chúng. Chủ trương này được cấp trên đồng ý.
Tướng Lơ-cơ-rít lúc đó có mặt ở Huế thấy trong đám tay sai nhờ mình bảo vệ có Nhơn còn trẻ tuổi, nhanh nhẹn, có học, thì muốn đào tạo Nhơn để sử dụng lâu dài như trước đây bậc tiền bối hắn đã đào tạo Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh. Hắn gửi Nhơn vào Sài Gòn, cho đi học. Được sự đồng ý của tổ chức, Nhơn yên tâm ở Sài Gòn học và tốt nghiệp tú tài toàn phần. Thực ra, Nhơn cũng không phải hoàn toàn học tập. Anh vẫn thường xuyên gởi về tổ chức những báo cáo về tình hình mọi mặt của Sài Gòn, tình hình thanh niên học sinh trong vùng địch kiểm soát. Tổ chức vẫn giữ liên lạc thường xuyên với X.30.
Sau khi tốt nghiệp tú tài loại ưu, Nhơn được chính phủ Pháp cấp học bổng cho sang Pháp học vì là con gia đình đã có công lớn với chính phủ Bảo hộ trước đây.
Từ những năm 1950, sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, đế quốc Mỹ ráo riết tăng cường can thiệp vào Đông Dương. Chúng lấn dần bọn thực dân Pháp đang ngày càng tỏ ra bất lực trước cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và đã chuẩn bị những con bài của chúng. Một trong những nhiệm vụ của chúng ta là phải nắm bắt được những ý đồ của bọn Mỹ. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp ở Pháp về nước thì trong dịp về nước nghỉ ấy, Nhơn đã được dự một cuộc họp kín chỉ có ba người: anh Vũ Long và một đồng chí cán bộ cao cấp của ngành.
Cuộc họp kín kéo dài mấy ngày. Sau cuộc họp đó, X.30 nhận nhiệm vụ mới.
Thế là Nhơn lên đường sang Mỹ gặp Ngô Đình Diệm đang được Mỹ nuôi dạy. Anh đã thành công trong việc tìm hiểu một phần ý đồ chiến luợc của bọn Mỹ đối với Việt Nam và một số tên tay sai chủ yếu của chúng. Anh đã phát hiện Lê Mậu Thành, Vân Anh…
Khi Pháp thua trận, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nước, lập chính phủ bù nhìn thân Mỹ, thì Nhơn đã trở thành một “gắn bó” với ngụy quyền của họ Ngô, đã thành “ngài cố vấn Phan Thúc Định” cùng anh em họ Ngô “trấn áp bọn đối lập, dẹp tan giáo phái, củng cố chính quyền của họ Ngô”, đồng thời liên hệ chặt chẽ các tổ chức của ta. X.30 đã cung cấp bản danh sách cán bộ kháng chiến cũ còn ở lại hoạt động trong vùng Sài Gòn-Chợ Lớn mà địch định khủng bố, để tổ chức kịp thời đưa những người đó đi nơi khác, đã cung cấp tin tức, ảnh về những vụ địch cưỡng ép đồng bào miền Bắc đi cư vào Nam, về những toán gián điệp biệt kích mà địch đã thả ra phá hoại miền Bắc, để miền Bắc kịp thời trừng trị chúng.
Ra Huế, Nhơn đã báo cáo với tổ chức về kế hoạch “GIÓ ĐÃ XOAY CHIỀU” của bọn địch. Nắm được ý đồ chiến lược của địch, ta đập tan kế hoạch đó, làm địch hoàn toàn thất bại trong việc chúng dùng tên Lê Mậu Thành làm nội ứng định phá vùng giải phóng căn cứ địa của ta; trong việc sử dụng tên Lý Ngọc Tú làm đặc vụ đè bẹp phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, và việc chúng có mưu đồ lấy Tố Loan giăng bẫy lớn phá các cơ sở của ta ở vùng giáp ranh.
Sau khi được Tố Loan cho biết bọn CIA nhất định giết mình bằng được, Nhơn xin ý kiến tổ chức và trình bày dự kiến của anh. Thấy Nhơn hoàn thành nhiệm vụ và ở lại không có lợi gì nữa, tổ chức đồng ý rút anh về.
Anh đã hẹn với Tố Loan hôm sau anh vẫn đi ra Kim Long dạo chơi như thường lệ…
… Thấy Nguyễn Thành Nhơn dừng lại, đồng chí bí thư khu ủy hỏi:
- Đồng chí đã làm thế nào để thoát được cuộc phục kích của bọn Mỹ để ra đây?
Nguyễn Thành Nhơn cười:
- Tôi lên Kim Long sớm hơn thường lệ. Có khác mọi lần là lần này tôi rủ cả thằng vệ sĩ của Cẩn cấp cho tôi đi theo. Tố Loan đã là một bữa ăn khá thịnh soạn để đợi tôi. Ăn xong, tôi giả vờ say rượu, nhờ tên vệ sĩ lái xe tìm đến nhà người quen ở đoạn đường cây số 15, xin lỗi tôi không lên chơi được. Tên vệ sĩ này vốn là một tên đặc vụ tin cẩn của Cẩn, nhận lời đi ngay. Hắn hy vọng rằng lần này sẽ có tài liệu về sự hoạt động của tôi để báo cáo cho chủ hắn biết. Tôi đợi hắn ở nhà Tố Loan. Lúc 18 giờ 5 phút thì tiếng súng nổ rộ lên ở phía Bắc. Biết rằng chiếc xe đã rơi vào ổ phục kích của bọn Mỹ, nhưng tôi vẫn đợi đến tối trời mới rời khỏi nhà Tố Loan…
Vũ Long tiếp lời Nguyễn Thành Nhơn:
- Đồng chí X.30 chưa kể nốt để anh rõ: đồng chí ấy trước khi về còn lập một chiến công to lớn nữa. trong khi làm “cố vấn” cho Ngô Đình Cẩn, đồng chí ấy đã nghiên cứu kỹ đường đi lối lại, các tủ riêng của hắn và trước khi về, đồng chí ấy đã lẽn vào phòng riêng của Ngô Đình Cẩn lấy được nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có một bản kế hoạch mới của Mỹ vạch ra cho anh em họ Ngô, định bình định xong miền Nam trong vòng 18 tháng (65). Bản kế hoạch mật ấy, sau khi thống nhất với Diệm và Nhu, bọn CIA mới trao cho Ngô Đình Cẩn mà chưa ai được biết. Chúng tôi đã báo cáo lên trên…
Đồng chí bí thư khu ủy gật đầu:
- Có, tôi có biết…
Nguyễn Thành Nhơn:
- Thưa đồng chí, riêng tôi không làm được gì nhiều nếu không có đồng chí Vũ Long, anh em trong tổ chức giúp đỡ, không có những người như em nhỏ đánh giày ở Sài Gòn, anh chủ quán sách ở Huế, thậm chí cả những người như Mai Lan, Tố Loan… Công của tất cả những người đó.
Nụ cười đôn hậu vẫn trên môi của đồng chí bí thư khu ủy:
- Đồng chí nói đúng. Đồng chí có biết cái đó xuất phát từ đâu không? Đúng như lời Hồ Chủ tịch đã khẳng định: Nhân dân ta ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Chính lòng yêu nước, ghét giặc ấy làm tất cả mọi người đều cùng chúng ta đánh địch. Riêng tôi, ngoài những thành tích đồng chí Vũ Long đã báo cáo rồi, còn một điều tôi rất quý đồng chí là đồng chí đã làm chuyển được những người như Mai Lan, Tố Loan và tạo điều kiện cho họ cũng có thể góp được một phần bé nhỏ của mình cho đất nước.
Vũ Long mỉm cười nhìn Nguyễn Thành Nhơn gật đầu tán thành ý kiến của đồng chí lãnh đạo.
Cặp mắt của đồng chí bí thư trìu mến nhìn Nguyễn Thành Nhơn:
- Bao giờ đồng chí có thể nhận nhiệm vụ mới được?
Cặp mắt Nguyễn Thành Nhơn ánh lên. Anh đáp ngay:
- Thưa đồng chí, ngay bây giờ ạ.

Hết

<< Chương 33 | Chú thích >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 755

Return to top