Một chiếc xe gíp chở trung tá chỉ huy phó cảnh sát đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn và hai tên mật vụ trong Sở nghiên cứu chính trị xã hội trung ương (41) đi trước, tiếp theo là hai chiếc xe hơi sáu bánh, một chiếc “đốt” chở một tiểu đội cảnh sát vũ trang và một chiếc Rơ-nôn mũi thụt đóng kín bưng chung quanh như một gian nhà tù lưu động chạy sau. Chúng chạy nhanh trên các phố Sài Gòn… Nhìn chúng, những người dân thành phố biết ngay có vụ bắt bớ nghiêm trọng. Nghiêm trọng thật cho nên tên trung tá chỉ huy phó cảnh sát Sài Gòn-Chợ Lớn phải thân chinh đi. Ở nhà, từ Nguyễn Ngọc Lễ, chỉ huy trưởng cảnh sát, đến Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị xã hội trung ương, từ “cố vấn” Ngô Đình Nhu đến đại tá tình báo Lên-sđên đều chờ kết quả.
Chúng đỗ xịch trước một căn nhà ở đường Phan Thanh Giản. Hai tên mật vụ mặc thường phục nhảy xuống xe, mấy tên cảnh sát vũ trang nhảy xuống theo. Chúng ập vào trong nhà, súng ống giơ ra tua tủa như định tàn sát cả nhà người ta. Một người phụ nữ và ba đứa trẻ trên dưới mười tuổi sợ hãi nhìn chúng.
Tên mật vụ quắc mắt hỏi người phụ nữ:
- Tên Nguyễn Long đâu rồi?
Trong khi tên này hỏi chủ nhà thì tên mật vụ thứ hai và mấy tên cảnh sát vũ trang đã sục ngay vào nhà trong, vào bếp, vào cả nhà xí.
Người phụ nữ trả lời:
- Nhà tôi đi suốt cả bảy, tám năm nay có về đâu.
Tên mật vụ lăm lăm chĩa khẩu súng ngắn vào chị. Người phụ nữ vẫn khăng khăng:
- Các ông biết rõ thì các ông đã đến bắt ngay rồi.
Đuối lí tên mật vụ trấn áp chị:
- À, chị còn bướng phải không? Đợi đấy.
Tên mật vụ thứ hai và mấy tên cảnh sát vũ trang, sau khi sục sạo khắp nhà không thấy gì, bước ra:
- Nó trốn mất rồi.
- Ra báo cáo với trung tá – tên mật vụ thứ nhất nói.
Một phút sau, tên mật vụ thứ hai chạy vào:
- Lệnh cho khám nhà và bắt vợ tên Long.
Người phụ nữ muốn ngăn chúng lại:
- Các ông muốn khám nhà phải có lệnh của toà án.
Tên mật vụ thứ nhất đổi giọng:
- Không nói lôi thôi. Lệnh của chúng tao. Luật cũng là ở chúng tao.
Tên mật vụ thứ hai và mấy tên cảnh sát lục lọi khắp nhà. Chúng bắt mở từng ngăn tủ, rũ từng cái quần, cái áo rồi vứt bừa ra giữa nhà. Chúng lục từng ngăn bàn, moi từng khe ghế. Không có gì cả.
Chúng kéo người phụ nữ ra xe, mặc chị hết sức chống đỡ và gạt bắn ba đứa trẻ kêu khóc lăn vào giữ lấy mẹ. Chúng đẩy người phụ nữ lên chiếc xe Rơ-nôn mũi thụt, đóng sầm cửa lại, khoá bên ngoài. Ba đứa trẻ lăn lộn giữa cảnh nhà cửa bị đập phá tan hoang. Hàng phố nhìn theo chúng căm giận.
Mấy chiếc xe rú máy chạy về phía Vĩnh Hội.
Đến phố khác, chứng đỗ xịch trước cửa một hiệu may. Mấy người khách đang đứng trong cửa hàng vội vã lảng ra ngoài. Chúng xộc vào, quát hỏi người chủ hiệu may đang ngơ ngác:
- Tên Trần Thế Tường đâu?
Trong khi đó, một tên mật vụ và lũ cảnh sát vũ trang lại lục khắp nhà Người chủ hiệu đáp:
- Anh ta nghỉ việc đã hai ngày nay.
- Tại sao nó nghỉ việc?
- Tôi không biết. Nhà tôi có mấy người thợ làm. Anh ta mới đến xin việc, tôi cũng không rõ lắm.
- Ông nói dối, ông che giấu cho Việt Cộng nằm vùng, ông có biết sẽ bị xử ra sao không?
- Tôi có biết gì đâu, anh ta đến làm, tôi trả lương như những người khác.
Chúng gọi từng người thợ ra xem thẻ căn cước, đối chiếu với ảnh, khám từng người một. Người tên là Trần Thế Tường mà chúng định tìm không có đây. Chúng hậm hực quay ra, sau khi đã ném ra những lời đe doạ hung hãn với chủ hiệu.
Mấy chiếc xe rú máy chạy.
Chúng đỗ trước cửa một nhà khác. Đây là nhà của một công chức dân thường. Chủ nhà đi vắng, chỉ có bà vợ và mấy đứa con ở nhà.
Vẫn những câu hỏi hỗn xược:
- Tên Nguyễn Mạnh đâu?
Bà chủ nhà đáp:
- Anh ấy đi cách đây mấy ngày rồi.
- Đi đâu, bà có biết không?
- Anh ấy nói nhận được tin ở quê nhà, hoà bình rồi, bố mẹ anh ấy nhắn anh ấy về.
- Quê nó ở đâu? Bố mẹ nó là ai?
- Tôi không biết. Nghe đâu ở Thủ Dầu Một.
- Bà có biết nó là Việt Cộng không?
- Ôi chao! Thế ư? Tôi làm sao biết được!
- Thế tại sao gia đình bà quen biết nó.
- Tôi có mấy cháu đi học. Chúng tôi có đăng báo cần người đến kèm riêng các cháu tại nhà. Anh ấy là một trong những người đến xin dạy thêm các cháu. Thấy anh ta vẻ người đứng đắn, hiền lành, gia đình chúng tôi ưng nhờ anh ấy. Lúc đầu, mỗi tuần anh ấy đến dạy các cháu ba buổi. Sau thấy anh ấy tốt, các cháu cũng quý mến, chúng tôi mời anh ấy ở đây với chúng tôi cho vui.
Tên mật vụ có vẻ khó chịu:
- Việt Cộng mà tốt à? Bà có biết nó dạy con bà những gì không?
- Dạy toán, dạy lí.
- Không không, tôi không hỏi thế. Nó có tuyên truyền gì con bà và gia đình bà không?
Bà chủ không cần suy nghĩ:
- Không! Không! Tôi chỉ thấy anh ấy bảo các cháu phải ngoan, nghe lời ba má, không được xem những phim ảnh, truyện bậy bạ…
Tên mật vụ ngắt lời bà:
- Ấy! Ấy! Nó tuyên truyền đấy!
Bà chủ nhà lặng im không hiểu gì cả.
- Hàng ngày, nó làm những gì?
- Tôi chỉ thấy anh ấy học. Hàng ngày, anh ấy bảo đến thư viện và nhận thêm việc làm sổ sách cho mấy hãng buôn để lấy tiền học thêm.
- Những hãng buôn nào?
- Tôi không biết, vì anh ấy đến tận cửa hàng người ta nhận.
- Nó có bạn bè nào không? Có ai hay đến thăm nó không?
- Thỉnh thoảng có một vài người đến chơi với anh ấy, anh ấy giới thiệu là bạn học.
- Những người ấy là ai, bà có biết không? Hình dáng họ như thế nào?
- Tôi không biết, cũng không nhớ nữa. vì đó là bạn riêng của anh ấy, tôi không muốn tò mò. Khi người này đến, khi người kia đến, ngồi chốc lát rồi đi, tôi làm sao nhớ xuể!
- Chúng tôi sẽ hỏi ông nhà. Nếu ông bà không nói thực, ông sẽ bị đuổi khỏi sở làm.
- Quả thực chúng tôi biết thế nào chúng tôi nói thế.
- Đồ đạc nó còn để lại cái gì không?
- Dạ không, anh ấy chỉ có một vali đựng quần áo và sách vở. Khi đến anh ấy mang vali đó đến. Khi đi, anh ấy cũng chỉ xách vali đó đi là hết! Anh ấy chẳng có gì để lại cả.
Tên mật vụ thứ hai và lũ cảnh sát vũ trang lại lục lọi khắp nhà không thấy gì hơn. Chúng hậm hực rút lui, sau khi hẹn chủ nhà sáng hôm sau phải ra Sở nghiên cứu chính trị xã hội Trung ương trình diện.
Mấy chiếc xe rú máy chạy lồng lên như những con thú bị thương. Chúng đỗ ở đầu một xóm lao động và ập vào một căn nhà. Gia đình chỉ có ông già ngoài sáu mươi, gầy gò và cô gái ngoài hai mươi tuổi, trông có vẻ lam lũ của người công nhân.
Lại câu quát hỏi:
- Tên Huỳnh Văn Sinh đâu?
Ông già ngước mắt nhìn bọn mật vụ, cảnh sát, không ngạc nhiên và cũng không sợ sệt:
- Nó đi tập kết rồi.
Tên mật vụ như bị trêu tức, hỏi dồn:
- Sao? Sao?
Ông già thủng thẳng nhắc lại:
- Tôi bảo: nó đi tập kết rồi.
- Không phải! Nó vẫn ở đây, chúng tôi biết.
- Các anh biết hơn tôi thì các anh còn hỏi tôi làm gì?
Tên mật vụ đuối lí:
- Hỏi để xem ông có nói thật không?
Tên mật vụ thứ hai và mấy tên cảnh sát vũ trang lại làm cái việc sục sạo khắp nhà. Chúng sục cả sang những nhà hàng xóm, hỏi giấy tờ từng người. Tên mật vụ thứ nhất nhìn quanh, thấy ảnh một thanh niên treo trên tường, hỏi ông già:
- Ảnh ai đó?
Ông già vẫn thủng thỉnh:
- Ảnh thằng Sinh đó.
Tên mật vụ như chạm phải lửa:
- À, à… vẫn ngang nhiên treo ảnh Việt Cộng hả?
Ông già nhìn thẳng vào mắt nó:
- Nó là con tôi, tôi không có quyền treo ảnh nó à? Ở nhà các anh, các anh có treo ảnh bố mẹ, vợ con các anh không?
Tên mật vụ hậm hè:
- Bố mẹ, vơ con tôi là Việt Cộng, tôi cũng xử trí.
Ông già nhìn nó như nhìn một con quái vật:
- Thế là loài vật chớ không phải là loài người nữa.
Cái nhìn của ông già làm tên mật vụ phải quay đi, nhưng lời nói của ông làm nó lồng lộn:
- À… à… ông dám lăng mạ người chính phủ quốc gia, ông muốn về với ông bà, ông vải hả?
Ông già lạnh lùng:
- Này, mày đừng hỗn. Tao đáng tuổi cha mày, mày phải ăn nói cho lễ độ.
Tên mật vụ thứ hai đã ra:
- Nó cũng trốn mất trước khi chúng ta đến rồi!
Chúng tháo bức ảnh thanh niên treo trên tường, bắt cả ông già và cô gái ra xe.
Tên trung tá ở ngoài xe gíp cúi xuống nhìn bảng danh sách mà hắn có trên tay. Hắn ra lệnh lùng sục thêm hàng chục địa chỉ khác, trong đó có hai nơi mà trước đây Rơ-nê đã bảo cho Thuý Hằng biết để đến tìm ba. Suốt cả buổi sáng chạy ngang dọc khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, chúng không tìm thấy một người nào để bắt. Những dòng chữ tên người, tên đường phố lúc này như nhảy múa trước mắt tên trung tá chỉ huy phó cảnh sát đô thành. Hắn cảm thấy không còn đọc được chữ gì nữa. Những dòng chữ ấy nhảy múa trước mắt hắn, và hắn cảm thấy không còn đọc được gì nữa.
Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị xã hội trung ương Trần Kim Tuyến lồng lộn như một con thú dữ mất mồi. Hắn vừa muốn ra oai với hai tên giám đốc và phó giám đốc Nha cảnh sát và công an đô thành trút tất cả nỗi bực tức cáu giận lên đầu hai gã, vừa muốn chữa nỗi xấu hổ, bất lực trước ngài “cố vấn” Ngô Đình Nhu cũng có mặt ở đó.
Thực ra, bản thân hắn cũng không giữ nổi bình tĩnh nữa, cho nên bộ mặt hắn mất cái vẻ lạnh lùng thâm hiểm mọi khi và cặp mắt của hắn càng lộ sự tàn nhẫn gian ác hơn. Mẻ lưới đầu tiên định bắt những tên Việt Cộng nằm vùng quan trọng ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn đã thất bại. Tên học trò của trường đại học Mi-si-găng nhìn chòng chọc vào đại tá giám đốc và trung tá phó giám đốc Nha cảnh sát đô thành.
- Có danh sách, địa chỉ rõ ràng, có phương tiện đầy đủ trong tay mà các ông không bắt được đứa nào? Không hiểu các ông làm ăn ra sao?
Tên trung tá khó chịu:
- Thưa ngài, chính tôi đã điều khiển cuộc lùng bắt theo đúng kế hoạch. Chúng tôi đã hoàn toàn giữ bí mật. Bản danh sách trên trao cho do chúng tôi cầm, không hề một người nào biết ngoài chúng tôi. Các nhân viên thuộc quyền chúng tôi tham dự cuộc lùng bắt chỉ được biết mục đích cuộc lùng bắt trước khi bước lên ô tô. Không hiểu vì sao, bọn Cộng sản ấy không đứa nào có ở nhà cả. Hình như chúng đã biết trước mà trốn thoát hết.
- Tại sao ông biết chúng đã biết trước ta định bắt chúng?
- Tôi đoán như vậy, vì đứa nào cũng chỉ vừa mới trốn thoát, có đứa mới chỉ đi cách đây vài ngày.
Trần Kim Tuyến sầm mặt lại:
- Không có lẽ chúng biết trước? Ai đã bảo cho chúng biết trước? Ai?
Không ai trả lời hắn. Hai tên sĩ quan cảnh sát cao cấp phân vân ngồi thừ ra và trong lúc này, trông mặt chúng thật ngây độn. Ngô Đình Nhu, theo thói quen của hắn, chỉ ngồi im lặng rít hết điếu thuốc lá này đến điếu thuốc lá khác. Hầu như không lúc nào giữa hai kẽ tay đã ám vàng vì khói thuốc của hắn, không có điếu thuốc lá cháy dở.
Không khí nặng nề. Trần Kim Tuyến hỏi tên trung tá:
- Cuộc lùng bắt không đem lại kết quả gì?
- Chúng tôi bắt một số thân nhân của chúng và thu được một số ảnh.
Trần Kim Tuyến thất vọng:
- Lại một lũ đàn bà, trẻ con, ông già chứ gì? Các ông làm ăn như thế, Hoa Kỳ người ta cười cho thối mũi. Bắt chúng để làm gì? Nuôi chúng tốn cơm rồi lại phải thả chúng ra…
Ngô Đì nh Nhu ấn mẩu thuốc lá đang hút dở vào cái gạt tàn, đứng dậy:
- Không thả đứa nào cả. Bắt đứa nào cũng là có ích. Thà bắt oan chín mươi chín đứa, còn hơn để sổng một đứa. Những đứa thân thích với Cộng sản đều bị ảnh hưởng của bọn Cộng sản cả. Tôi đề nghị với các ông hai việc: một, cứ lôi bọn thân thích của những đứa đã trốn thoát kia mà tra hỏi, chúng nó khai ra bất cứ ai là bắt luôn người ấy. Bắt liên tiếp, tra hỏi liên tiếp như thế, tôi tin chắc thế nào cũng bật ra những cái bất ngờ, có lợi cho chúng ta. Hai là, bọn đã trốn thoát ấy chưa chắc đã đi đâu xa, các ông phải lập ngay được hồ sơ toàn bộ ảnh và nhận dạng của chúng, rồi tung người đứng ở các ngã tư đường phố mà nhận dạng, tôi tin rằng nếu không bắt được nhiều thì thế nào cũng bắt được một vài đứa. Từ một vài đứa ấy, chúng ta có thể gỡ được những đầu mối bí mật mà ta muốn tìm hiểu…
Mấy tên kia im lặng tỏ vẻ thán phục ý kiến “sâu sắc” của “ngài cố vấn”. Trong óc Trần Kim Tuyến nảy ra một câu hỏi “Có phải chất heroin đã giúp cho thằng cha này nảy ra lắm mưu nhiều kế quỷ quái không?”. Và hắn cũng đứng dậy:
- Tôi phải báo cáo ngay cho ngài Lên-sđên biết.
*
* *Nỗi tức giận của Lên-sđên khi được Trần Kim Tuyến báo cho biết đã không bắt được những cán bộ kháng chiến cũ còn lại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn, bốc lên mạnh hơn cả nỗi tức giận của Trần Kim Tuyến khi nghe tên trung tá cảnh sát báo cáo. Hắn đổ ngay cho tụi tay sai bất lực, phí công giúp đỡ của hắn. Hắn đập bàn, nói như mắng vào mặt Trần Kim Tuyến:
- Thất bại! Thất bại! Thế là chúng ta đã thất bại nhục nhã. Nói một cách khác, chúng ta đã bị Cộng sản cho một vố. Ồ…người Việt Nam các ông bao giờ mới hết cái thói làm việc chậm chạp như rùa. Các ông làm hỏng cả kế hoạch của chúng tôi. Thế là thất bại… Chúng nó thoát hết rồi, chúng nó thoát hết thì Sài Gòn-Chợ Lớn vẫn là một điều hoàn toàn bí mật đối với chúng ta, mặc dầu chúng ta kiểm soát được đất đai. Chúng nó thoát được thì mỗi đứa sau này sẽ thành một đội quân phá hoại chúng ta, tấn công và tiêu diệt chúng ta.
Hắn chắp tay sau lưng, bước những bước dài trong phòng, hậm hực tức tối:
- Ở Hoa Kỳ, những tên găng-xtơ nổi tiếng, trốn đâu cảnh sát Mỹ cũng bắt được. Mà ở đây, mấy tên Cộng sản ranh cũng làm các ông bất lực.
Trần Kim Tuyến thanh minh:
- Chính chúng tôi trực tiếp chỉ đạo cuộc lùng bắt. Trung tá phó giám đốc Nha cảnh sát đô thành trực tiếp dẫn nhân viên đi lùng bắt. Nhưng bọn chúng đã biết trước và cùng một lúc biến mất.
Lên-sđên ngừng lại, hỏi:
- Làm thế nào chúng biết trước được?
Trần Kim Tuyến ngửa hai bàn tay ra phía trước:
- Tôi không biết.
Lên-sđên lặp lại có vẻ giễu cợt:
- Tôi không biết! Tôi không biết! Cái gì các ông cũng không biết!
“Bọn chúng đã biết trước và biến mất” – Một ý nghĩ nảy ra trong óc tên đại tá tình báo. Hắn bỏ Trần Kim Tuyến đấy, đến thẳng phòng làm việc của Ngô Đình Diệm. Hắn hỏi Diệm:
- Ông Diêm! ông có biết tất cả những cán bộ Việt Minh cũ trong bản danh sách đã trốn thoát khỏi tay chúng ta rồi không?
Ngô Đình Diệm ngẩng bộ mặt bừ bự lên:
- Có, tôi có biết. Chú Nhu vừa cho tôi biết.
- Ý kiến của ông về việc đó thế nào?
Ngô Đình Diệm nhún vai, đáp:
- Tôi cũng chưa rõ vì sao… Nhưng, chúng ta đành phải làm lại thôi. Chúng ta vẫn còn có thời gian để nói chuyện với chúng…
Thấy Diệm chưa hiểu ý câu hỏi của mình, Lên-sđên ngắt lời hắn:
- Không phải! Tôi muốn hỏi ông: Tại sao bọn Vi-xi biết trước và trốn thoát hết được? Bản danh sách ấy Phan Thúc Định và chúng ta biết, chúng ta giao ngay cho Trần Kim Tuyến đi lùng bắt… Tuyến thì do chúng tôi đào tạo ở Mi-si-găng rồi. Ngoài ông và tôi ra, chỉ còn Phan Thúc Định…
Ngô Đình Diệm hỏi ngay:
- Ông nghi ngờ Phan Thúc Định?
Lên-sđên im lặng, sự im lặng thay cho lời nói, trong khi hắn biết hắn nói chưa có đủ chứng cớ. Ngô Đình Diệm lắc đầu:
- Ông không nên nghi cho Phan Thúc Định. Một người có bố bị Cộng sản giết chết. Một người cả gia đình bị tan nát vì Cộng sản. Một người đã cứu tôi ra khỏi nanh vuốt của Cộng sản trong những ngày tôi gặp nguy hiểm, khó khăn nhất. Người ấy không có lí nào đi cứu bọn Cộng sản. Ông thử nghĩ xem?
Lên-sđên hậm hực:
- Nhưng tại sao bọn chúng lại biết trước và thoát khỏi được tay chúng ta?
Ngô Đình Diệm tỏ vẻ hiểu biết đối thủ của mình hơn Lên-sđên:
- Bọn Cộng sản hoạt động bí mật thường thay đổi chỗ ở luôn. Chúng có năm, bảy địa chỉ khác nhau. Vả lại, ai dám quả quyết rằng trước khi bản danh sách ấy đến tay Phan Thúc Định, hoàn toàn chưa đến tay người khác. Tên nhân viên tình báo Pháp kia biết đâu cùng một lúc bán cho Phan Thúc Định, lại chẳng bán cho một người nào đó nữa, mà người đó lại là một tên Việt Cộng. Nhiều trường hợp tài liệu mật của Phòng Nhì Pháp đã chẳng bị lộ ra ngoài là gì?
Ngô Đình Diệm nói thêm ý đồ của mình:
- Mấy tên Cộng sản đó trốn thoát, trừ khi chúng ra khỏi cái miến Nam Việt Nam này thì thôi, chớ còn ở lại đây, thế nào cũng có ngày chúng sa lưới. Trước khi tập trung tất cả lực lượng để chống bọn Cộng sản, tôi muốn lúc này hãy tập trung thanh toán bọn giáo phái và bọn chống đối chúng ta ở ngay trong hàng ngũ chúng ta đã. Phan Thúc Định đã giúp tôi nắm được tình hình nội bộ bọn giáo phái rất tốt. Trái lại với những ý nghĩ của ông, tôi muốn ghi công anh ta.