Ngô Đình Diệm xem rất kĩ chiếc ví mà Lên-sđên (4) và Phi-sin đã trao cho. Lên-sđên nói:
- Tất nhiên chúng tôi đã xem rồi. Bây giờ xin mời ông xem, sau đó, ông hoàn lại cho chúng tôi. Vài ngày nữa Sở Cảnh sát Nữu Ước sẽ điện cho chủ nhân nó, báo tin đã tìm được và trả lại cho chủ nhân của nó.
Chiếc ví bằng loại da cừu mềm đắt tiền, sản xuất ở Pháp. Trong ví có một số đôla, một số phơrăng Pháp, mấy cái danh thiếp in kiểu chữ nhã mà đẹp:
PHAN THÚC ĐỊNH
Tiến sĩ luậtDiệm lẩm bẩm:
- À, ra anh chàng đã đỗ tiến sĩ luật.
Một cái hộ chiếu của Định được cấp từ Pháp cho phép nhập cảnh nước Mỹ. Một cái ảnh Định đứng dưới chân tháp Ép-phen. Tất cả những thứ ấy, Diệm không chú ý tới, chỉ xem qua. Nhưng có hai vật, Diệm cứ bâng khuâng ngắm nghía, cầm mãi trên tay. Một là bức bưu ảnh in hình Đức bà Ma-ri-a màu sắc, đề in rõ tại nhà in riêng của Va-ti-căng. Đức Bà bồng đức Chúa Hài Đồng trên tay, mặt phúc hậu, đẹp dịu dàng, cặp mắt hơi buồn đầy vẻ thương yêu, chung quanh người toả hào quang. Nét vẽ trau chuốt, sinh động đến nỗi người ta nhớ những bức họa của Lê-ô-na đờ Vanh-xi. Đây không phải là bức bưu ảnh thường. Vừa nhìn thấy, Diệm biết ngay đây là của Đức Cha anh, Ngô Đình Thục. Người cầm bức ảnh ấy – chỉ anh em Diệm mới hiểu riêng với nhau thôi – là người đã được Ngô Đình Thục thẩm tra rồi và tin cẩn được. Ngô Đình Diệm là người rất tin ở CIA, nhưng lại tin anh em ruột mình hơn cả CIA. Diệm biết anh mình là Ngô Đình Thục có cả một màng lưới tai mắt tay chân riêng rộng lớn mà nhiều lần Phòng Nhì của Pháp ở Việt Nam đã phải nhờ vả. Đức chúa Giê-su dạy các tông đồ rằng: “Được cả và thiên hạ làm gì nếu mà mất nước thiên đàng?”. Ở giám mục Ngô Đình Thục thì “nước thiên đàng” không trọng bằng “nước hạ giới” nên người “tinh thạo” việc đời lắm. Người đã giao cho Định cầm bức bưu ảnh Đức bà Ma-ri-a này.
Vật thứ hai là một cái thẻ ngà. Khi đưa ví cho Diêm, cả Lên-sđên và Phi-sin cũng không hiểu vật đó là gì. Diệm phải giải thích cho hai tên Mỹ hiểu: Đây là cái thẻ của Nam Triều ban cho các quan lại, trên ghi chức tước phẩm ngạch để treo ở ngực bên trái ngoài chiếc áo dài. Lên-sđên gật gù:
- À… như trong quân đội Mỹ khâu vải ghi tên và cấp bực của mình ở ngực đây. Có cái khác là chúng tôi đeo ngực bên phải.
Chiếc thẻ ngà có mấy hàng chữ nhỏ. Chiếc thẻ ngà của người đồng liêu Phan Thúc Ngân đã quá cố đây. Phan Thúc Định vẫn giữ những di vật kỉ niệm một thời làm quan của bố. Anh ta thật là một người con chí hiếu. Những người như thế này làm sao quên được mối thù của Cộng sản đối với gia đình mình? Những người như thế này sẽ là những người rất đắc lực cho ta đây. Bức bưu ảnh của Đức Cha anh Ngô Đình Thục và cái thẻ ngà của bố mà anh ta còn trân trọng như một báu vật này đủ cho ta hiểu con người ấy như thế nào rồi. Các ông CIA nhiều khi cũng khá cẩn thận. Người Mỹ làm thế nào lại có thể hiểu được người Việt Nam bằng người Việt Nam, bằng ta.
Cái thẻ ngà bâng khuâng trên bàn tay dày thô và ngắn ngủn của Diệm. Ở giữa cái nước Mỹ xa xôi toàn những con người chỉ biết có thực tại, cái vật lạc loài này tự dưng đến càng làm hắn xót xa nhớ tới dĩ vãng bạc vàng. Nhìn cái thẻ ngà, hắn như nhìn thấy cả quá khứ sống lại. Cái vật thân thuộc và nhiều kỉ niệm… Chỉ riêng việc Phan Thúc Định trân trọng giữ gìn cái thẻ ngà này đủ làm cho Diệm ưu ái Định hơn lên.
*
* *Có tiếng chuông reo khe khẽ ở đầu buồng. Tiếng chuông ấy nối thẳng từ phòng thường trực của trường vào, báo hiệu có người đến hỏi Diệm, Diệm xếp tất cả các vật vào chiếc ví như cũ, mở khoá tủ áo của mình cất chiếc ví đi. Trường đại học Mi-si-găng dành riêng cho Diệm hai buồng rộng. Một buồng ngủ có kê giường, tủ gương đựng quần áo. Một buồng làm việc và tiếp khách, có kê tủ sách, một bàn giấy, một bộ ghế bành và bàn uống nước.
Diệm vào ngồi ở sau bàn giấy chờ đợi. Trên bàn giấy, một quyển “Min Kamft” của Hít-le mở rộng. Diệm đang đọc dở quyển đó. Thường thường Diệm có hai cách tiếp khách, một là đối với khách người Mỹ thì Diệm thường ngồi ở ghế bành nói chuyện tự nhiên. Hai là đối với khách người Việt Nam – dù Diệm hầu như không có khách người Việt, ngoài mấy gã mà CIA đưa sang học như Trần Kim Tuyến, Phạm Xuân Phòng… – Diệm bao giờ cũng bố trí cách ngồi của mình sao cho có uy thế của bề trên, nói năng sao cho đường bệ, khẩu khí, hách dịch.
Năm phút sau có tiếng gõ cửa. Diệm đáp:
- Cứ vào!
Một nhân viên nhà trường mở rộng cửa, cúi chào và đưa tay mời một thanh niên người Việt dong dỏng cao, nhanh nhẹn trong bộ quần áo xám nhạt sang trọng, bước vào. Người thanh niên cúi đầu chào Diệm:
- Bẩm cụ lớn, con kính chào cụ lớn. Chẳng biết cụ lớn còn nhớ con không?
Gã nhân viên nhà trường đã im lặng bước ra, sau khi khép cửa buồng lại.
Diệm không trả lời người thanh niên ngay, gĩư thái độ im lặng, vờ nheo mắt nhìn anh chăm chú. Người thanh niên vẫn lịch sự, mỉm cười nhìn thẳng vào mặt Diệm, lễ độ:
- Kính thưa cụ lớn, con là Phan Thúc Định. Thầy con là Phan Thúc Ngân, năm 1945 đã cùng cụ lớn đi Tân-gia-ba. Năm 1946, con đã có dịp gặp cụ lớn…
Diệm lúc ấy mới như chợt nhớ ra.
- A! Anh là Định, con cụ Ngân. Bảy, tám năm qua rồi, anh có hơi khác đôi chút và diện quá làm tôi không nhận ra được ngay.
Diệm đưa tay chỉ chiếc ghế trước bàn giấy:
- Anh ngồi xuống đây. Nào. ta nói chuyện!
Người thanh niên cảm ơn và ngồi xuống ghế.
- Tôi vẫn… vẫn nhớ cụ Tuần Ngân. – Diệm nói – tội nghiệp cụ, chẳng may…
Câu nói của Diệm như khơi dậy nỗi đau thương sâu kín trong tim Phan Thúc Định.
Anh cúi xuống, buồn bã, bậm môi lại. Diệm vẫn nhìn vào mặt anh soi mói:
- Bọn Cộng sản đã giết thầy anh, đã làm gia đình anh tan nát.
Phan Thúc Định vẫn cúi gục đầu xuống. Mắt anh chớp mau. Môi anh vẫn mím chặt. Anh rút vội khăn tay chậm mắt. lm lặng nặng nề. Diệm vẫn chăm chú nhìn từng nét thay đổi trên mặt anh.
Mấy giây sau, Định ngửng lên, mắt anh đỏ hoe và anh nói như nói qua hàm răng nghiến chặt:
- Con không bao giờ quên mối thù đó. Con ghi vào xương tuỷ.
Nét mặt Diệm vui hẳn lên. Hắn đổi giọng:
- Cháu nghĩ thế là phải. Cháu thật là người con có hiếu. Thầy cháu cũng là một người tử vì đạo. Bổn phận của những người sống là phải trả thù cho thầy cháu. Không phải chỉ mình cháu đâu, còn nhiều người nữa cũng muốn trả thù. Bác cũng sẽ làm tất cả mọi việc để trả thù cho thầy cháu. Chắc cháu biết rằng lúc sinh thời thầy cháu và bác đã kết giao thân thiết. Thầy cháu đã gởi gắm cháu cho bác.
Giọng nói của Định vẫn chưa hết xúc động:
- Vãng, thầy con có kể cho con nghe những ngày theo hầu cụ lớn bôn ba nơi hải ngoại. Thấy cụ lớn, con lại nhớ đến thầy con. Con chỉ mong nối được chí thầy con, được đi theo cụ lớn, nghe lời cụ lớn chỉ bảo.
Diệm gật đầu:
- Bác cũng thấy có trách nhiệm với cháu. Nhưng bác muốn hỏi cháu: sao cháu biết bác ở đây mà tìm đến được?
- Con vẫn nhớ thầy con dặn phải nương tựa cụ lớn. Con vẫn cố tìm cụ lớn. Đầu năm nay, sau khi tốt nghiệp ở Pháp, con về Huế, gặp được cha Cơ-rát-xơ (5). Nhắc đến cụ lớn Cha Cơ-rát-xơ giới thiệu con vào thăm Đức Cha Thục ở Vĩnh Long. Thật là may mắn cho con được gặp Đức Cha Thục. Đức Cha cho con biết cụ lớn đang ở Mỹ. Lúc ấy, Người nói Người đang mắc bận. hẹn con nửa tháng sau đến. Người mới có thời gian nói chuyện được nhiều (Diệm hơi mỉm cười). Y hẹn, con đến, Người chỉ cho con sang bên này gặp đức giáo chủ Spen-man ở tu viện Ma-ry Nôn. Người có viết cho con hai bức thư, một bức Người bảo trình đức giáo chủ, một bức Người bảo phải chuyển đến tận tay cụ lớn nếu được gặp cụ lớn…
Định móc trong túi một phong bì dán kín, lễ phép đưa cho Diệm. Diệm cầm chiếc phong bì không mở ra xem ngay. Định ngập ngừng:
- … Còn điều này con không dám giấu cụ lớn…
Diệm vẫn chăm chú nghe Định:
- Sao? Cháu cứ nói, đừng e ngại gì cả…
- Con thật có lỗi với cụ lớn. Ngoài bức thư này ra, Đức Cha Thục còn gởi cho con chuyển đến cụ lớn một bức ảnh Đức bà Ma-ri-a để lấy phước lành. Bức ảnh ấy con để trong ví, chẳng may cách đây vài hôm đi dạo phố bị kẻ cắp móc mất. Con không ngờ ở Mỹ này cũng nhiều kẻ cắp thế… May mà lá thư này con để trong cặp, không mang theo trong người hôm đó.
- Cháu bị mất cắp ví ư? Có mất nhiều thứ không?
Định xót xa:
- Trong ví con có hộ chiếu, tiền. Hộ chiếu con xin lại được. Tiền con không tiếc. Con chỉ ân hận để mất chiếc ảnh đức Bà của Đức Cha Thục ban phước lành cho cụ lớn và một kỉ vật của thầy con, con vẫn mang theo mình hàng chục năm nay.
- Cháu đã trình Sở Cảnh sát chưa?
- Con đã đi báo với sở Cảnh sát Nữu Ước rồi. Người ta hứa sẽ tìm hộ con, nhưng con không tin sẽ tìm thấy, vì qua báo chí, con thấy hằng ngày ở thành phố Nữu Ước xảy ra hàng nghìn vụ phạm pháp: giết người, ăn cắp xe hơi, cướp của có vũ khí cũng hàng trăm vụ mà nhiều vụ không thể tìm ra được thủ phạm thì việc mất chiếc ví nhỏ bé của con, họ quan tâm gì đến.
- Cháu không được nói về Hoa Kỳ như vậy! Cháu mới ở Pháp sang, chưa hiểu Hoa Kỳ đấy thôi. Báo chí hay làm to chuyện giật gân để gợi tò mò của độc giả. Đây là đất nước của tự do. Cháu hãy tin ở cảnh sát Hoa Kỳ. Họ nhiều và được đào tạo cẩn thận lắm. Họ hứa tìm hộ cháu thì biết đâu họ chẳng tìm ra cho cháu.
Diệm vẫn soi mói nhìn Định nói tiếp:
- À… thế sau cái dạo bác gặp cháu năm 1946, rồi cháu làm những gì? Cháu kể chuyện cho bác nghe với.
Định thản nhiên:
- Hồi năm 1946, sau khi gặp cụ lớn ở Hà Nội, đưa cụ lớn vào thành rồi, con vẫn liên lạc với người Pháp và ông Nhu. Ít lâu sau, người Pháp cho biết cụ lớn đã qua Hồng Kông và sẽ đi Pháp, nhờ Pháp đưa thêm viện binh sang đánh Việt Minh, con muốn đi theo cụ lớn quá mà không được. Ông Nhu cử con trở lại Huế mang theo bức thư của ông gởi đức Khâm mạng Đơ-ra-pi-ê, triệu tập một hội nghị thành lập liên đoàn công giáo chống Cộng dưới sự bảo trợ của người Pháp. Con phải gian khổ lắm mới gặp được đức Khâm mạng và trình bức thư lên ngài. Con được dự cuộc họp bí mật đó tại Phú Cam. Đức Khâm mạng Đơ-ra-pi-ê sơ hở thế nào để lọt một nữ công an Việt Minh vào trong đám đại biểu họp kín. Thế là toàn bộ tổ chức và mưu đồ của đức Khâm mạng với ông Nhu bị bại lộ. Nhiều người của ta bị bắt ngay chưa kịp hành động gì cả. Con sợ quá, chạy trốn vào khu Pháp kiều, nương nhờ tướng Lơ-bơ-rít lúc bấy giờ có mặt ở Huế. Tướng Lơ-bơ-rít cho máy bay đưa con vào Sài Gòn. Thấy con còn trẻ, có học ít nhiều, con một gia đình đã từng có công với chính phủ Bảo hộ trước đây, tướng Lơ-bơ-rít giúp đỡ con tiếp tục học tập, để thâu nhận nền văn hoá tốt đẹp của nước Pháp. Năm 1947, con đỗ tú tài ở Sài Gòn. Sau đó, con được học bổng sang Pháp học. Năm vừa qua, con tốt nghiệp luật khoa tiến sĩ. Mấy trường đại học ở Pháp mời con giảng dạy nhưng nghĩ đến thù nhà chưa trả, vận mệnh đất nước đang nghiêng ngửa, con không thể an tâm ở nước ngoài được. Đầu năm nay con về nước thăm nhà và như đã thưa với cụ lớn, con may mắn được gặp cha Cơ-rát-xơ…
Cái nhìn của Diệm dịu xuống. Hắn có vẻ vui lòng:
- Cháu lặn lội tìm bác như vậy, hẳn có ý định?
Giọng Định tha thiết:
- Thầy con xưa kia đã theo hầu cụ lớn. Con còn trẻ tuổi, mang nặng thù nhà, nhưng không biết phải làm gì. Con thật bơ vơ như người đứng giữa ngã ba đường, nếu không gặp được cụ lớn. Con quyết tâm nối chí thầy con, một lòng một dạ trung thành với cụ lớn. Con chỉ mong gặp được cụ lớn, xin cụ lớn chỉ cho con, con phải làm gì. Con xin làm bất cứ việc gì cụ lớn sai khiến. Từ bao năm nay, con vẫn tâm niệm rằng chỉ có đi theo cụ lớn, con mới có thể trả được mối thù nhà.
- Cháu nghĩ thế là phải lắm. Bác rất sung sướng được gặp lại cháu. Bác cháu ta có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều việc phải làm.
Hắn đứng dậy, giơ một nắm tay về phía xa, đe doạ:
- Bác còn sống đây thì bọn Việt Minh đừng hòng yên ổn với bác. Bác sẽ lập lại tôn ti trật tự. Bác sẽ trở về nước, sẽ xử bắn tất cả những đứa nào đã giết thầy cháu, sẽ xử bắn tất cả những đứa nào chống đối. Người Mỹ sẽ giúp chúng ta. Chúng ta sẽ không thiếu súng đạn, tiền bạc. Chúng ta sẽ bắn hàng loạt.
Hắn chỉ tay về phía quyển sách của Hít-le như để dẫn chứng:
- Bất độc bất anh hùng. Muốn làm được việc lớn thì phải biết tàn nhẫn, phải có bàn tay sắt. Cháu phải nhớ lấy điều đó.
Định im lặng nghe Ngô Đình Diệm nói với thái độ thành khẩn. Ngô Đình Diệm trở về bàn ngồi, vẫy tay cho Định kéo ghế nhích lại phía hắn, nói:
- Bắt đầu từ hôm nay cháu là người của Bác. Cháu có định ở lại nước Mỹ lâu không?
- Bẩm cụ lớn, con không có ý định ở lại đây lâu. Thù cha chưa trả, con không thể nào an tâm ở lại đất nước phồn hoa này được.
Diệm gật gù:
- Đúng. Cháu nên trở về Việt Nam ngay. Cháu muốn trả thù cho thầy cháu, muốn tuổi trẻ của cháu sớm thành đạt hưởng vinh hoa phú quý, cháu hãy nghe lời bác, làm tất cả những việc gì bác trao cho cháu.
Định ngoan ngoãn:
- Con xin tuân theo lời dạy của cụ lớn.
Diệm nói thong thả:
- Cháu hãy trở về Việt Nam. Chúng ta muốn làm việc lớn thì phải có lực lượng. Đằng sau chúng ta đã có người Mỹ rồi, nhưng người Mỹ không muốn xuất đầu lộ diện. Người Mỹ chỉ muốn đưa cố vấn và vũ khí sang giúp chúng ta thôi, chúng ta phải làm lấy. Việc của chúng ta thật là nặng nề. Chúng ta vừa phải chống lại bọn Cộng sản, vừa phải gạt bỏ những người Pháp đi. Cho nên ngay từ bây giờ chúng ta phải có nhiều người của chúng ta ở trong nước, ở cả vùng người Pháp lẫn vùng Việt Minh kiểm soát. Từ cuối năm 1951, bác có phái Lê Mậu Thành. (Phan Thúc Định cau mày, cố nhớ lại một điều gì. Cái tên Lê Mậu Thành anh đã nghe thấy ở đâu một lần rồi), giáo sư nổi tiếng ở Huế, vờ theo Cộng sản, vào chiến khu Việt Minh ở miền Trung Trung phần, để lập “nhóm kháng chiến quốc gia” nằm phục sẵn ở đó, đợi thời cơ, làm đảo chính. Không hiểu anh ta đã gây được lực lượng của ta ở trong đó chưa mà từ hai năm nay, bác chưa nhận được liên lạc gì của anh ta. Tin tức báo về, chưa chính xác cho lắm, cho biết anh ta vẫn còn sống và hình như đã lọt vào làm việc ở một cơ quan của Việt Minh. Bác giao cho cháu việc thứ nhứt là tìm mọi cách liên lạc được với anh ta, xem anh ta đã mở rộng được màng lưới đến đâu rồi, đã sẵn sàng hoạt động chưa.
Thấy Ngô Đình Diệm ngưng lại, Định hỏi:
- Thưa cụ lớn, con xin hỏi một điều: Lê Mậu Thành có đáng tin cậy không? Vì con sợ khoảng thời gian hai năm không có liên lạc ấy, lòng con người có thể có những đổi thay, ai mà đoán trước được.
Diêm xua cái bàn tay ngắn ngủn:
- Cháu đa nghi như thế là tốt nhưng bác tin ở Lê Mậu Thành. Cũng như bác tin ở cháu đây. Đấy cháu xem, bác có cần phải mở thư của Đức Cha Vĩnh Long ra đâu, mà bác vẫn tin cháu. Vì giáo sư Lê Mậu Thành cũng có mối thù không đội trời chung với bọn Việt Minh như cháu. Bố Lê Mậu Thành là cụ Hàn Dục trước đây là một đại điền chủ có hàng nghìn mẫu ruộng đất, dinh cơ đồ sộ thế mà mất hết. Lê Mậu Thành lại là người có mang một lí tưởng quốc gia sâu sắc, anh ta là một người đáng tin cậy của chúng ta.
- Nếu tìm được Lê Mậu Thành thì con làm thế nào để anh ta biết con là người của cụ lớn phái về?
Diệm mỉm cười:
- Bác sẽ viết thư riêng trả lời Đức Cha Vĩnh Long. Cháu về yết kiến Đức Cha, Người sẽ dặn dò cháu mật khẩu để liên lạc với Lê Mậu Thành. Việc thứ hai là cháu nhân danh một nhà trí thức quốc gia, tiếp xúc với các tổ chức công khai, các giáo phái trong vùng người Pháp kiểm soát thăm dò thái độ của họ ra sao để bác dễ xử sự với họ sau này. Cháu tìm hết cách lôi kéo một số người trong bọn họ về với chúng ta.
Mấy đảng phái công khai như Việt Nam quốc dân đảng, Đại Việt quốc gia liên minh đang múa máy, thì chắc cũng dễ nói chuyện với bọn chúng thôi, vì bọn chúng gió chiều nào che chiều ấy, ai mạnh thì chúng theo. Còn các giáo phái thì bác hơi e ngại vì Đức Cha Vĩnh Long có cho biết người Pháp nắm họ khá chặt. Công việc này cháu sẽ gặp khó khăn đấy, nhưng Đức Cha cũng sẽ giúp cháu được nhiều.
Diệm ngưng lại nhìn Phan Thúc Định có ý chờ đợi. Định cúi đầu:
- Con xin đem hết sức con ra làm việc, để đền ơn sự tín nhiệm của cụ lớn, xứng đáng với sự uỷ thác của cụ lớn.
Ngô Đình Diệm xoa hai tay vào nhau:
- Việc của chúng ta thật nặng nề. Cùng một lúc vừa phải có người của chúng ta ở vùng Việt Minh, vừa phải có người của chúng ta ở vùng Pháp kiểm soát. Cần bao nhiêu tiền, người Mỹ sẽ giúp chúng ta. Nhưng kẻ thù của chúng ta là bọn Việt Minh Cộng sản. Dù sao, chúng ta cũng phải thừa nhận là chúng có lí tưởng và lí tưởng ấy đã thu hút được nhiều người. Để đối chọi với Việt Minh cho có kết quả, chúng ta phải có một lí tưởng có sức thu hút mọi người theo chúng ta. Bác đang giao cho chú Nhu, với sự giúp đỡ của các giáo sư Mỹ ở trường này, xây dựng một học thuyết, một lí tưởng, một nền triết học riêng khả dĩ có thể chống lại được Cộng sản. Một học thuyết làm người ta mê tín tuân theo, tuân theo như tuân theo một đạo giáo…
Ngô Đình Diệm cười thoả mãn làm những thớ thịt vốn bì bì trên mặt hắn nở ra:
- Việc thành công, bác về nước, cháu sẽ là người thân cận của bác, cháu có công lớn, tuổi trẻ của cháu sẽ muôn vàn vinh quang sung sướng.
Phan Thúc Định kính cẩn ngồi nghe những lời vừa làm nhiệm vụ vừa là bài học, vừa là lời hứa hẹn động viên của Diệm.
- Cháu ở đây ăn cơm với bác. – Diệm lại nói.
- Thưa cụ lớn, con xin phép cụ lớn cho con về khách sạn thu xếp. Con nóng lòng muốn về nước. Con gặp cụ lớn ở đây, được cụ lớn chỉ bảo cho tham gia vào việc lớn là con mãn nguyện rồi. Con không muốn để thời gian trôi phí…
- Được, bác cũng không giữ cháu. Bác cũng rất nóng ruột. Vậy ngày mai cháu lại đây, bác viết thư cho cháu về trình với Đức Cha Vĩnh Long. Ở nước Mỹ này, cháu cần tiền tiêu, cứ bảo bác. Còn về nước, nếu cháu cần bao nhiêu, cháu cứ xin Đức Cha Vĩnh Long.
Phan Thúc Định đứng lên lễ phép:
- Con xin phép cụ lớn. Con kính chào cụ lớn.
Diệm vẫn ngồi yên sau bàn giấy. chìa bàn tay ngắn ra. Phan Thúc Định đỡ lấy, hơi cúi đầu.
Cánh cửa khép lại sau lưng Phan Thúc Định chưa được bao lâu thì lại có tiếng gõ cửa. Diệm dõng dạc: (thiếu một câu, có lẽ là Mời vào – CB)
Cánh cửa mở rộng, Phi-sin và Lên-sđên hiện ra. Thái độ Diệm thay đổi. Hắn niềm nở đứng dậy đón hai tên Mỹ.
- Gút-mo-ninh! (6)
Phi-sin hỏi ngay:
- Phan Thúc Định vừa ở đây ra?
- Vâng.
Hai tên Mỹ ngồi xuống ghế bành, vắt chéo chân, rút thuốc lá ra hút. Lên-sđên hỏi:
- Ông thấy anh ta thế nào?
- Chúng ta dùng được. Chắc chắc là Đức Cha anh tôi cũng đã thẩm tra về anh ta rồi, đây có cả thư của anh tôi.
Lúc ấy, Diệm mới xé phong bì bức thư của Ngô Đình Thục, vừa đọc vừa dịch lại cho hai tên Mỹ nghe.
“Chú Diệm,
Nhân dịp anh Phan Thúc Định sang Mỹ, tôi viết thư này nhờ anh mang cho chú.
(Diệm giải thích: Khi anh tôi nhờ ai cầm thư tay mang sang cho tôi như thế này, tức là đã ngầm giới thiệu người đó với tôi là tôi có thể sử dụng được).
Anh Định là con trai cụ tuần Phan Thúc Ngân, bạn đồng liêu của chú chắc chú còn nhớ. Anh đến tôi từ lâu nhưng tôi bận việc, nên bây giờ mới giới thiệu anh sang gặp chú được. (Ý anh tôi muốn nói: Anh tôi đã để thời gian điều tra về Định rồi). Anh Định là một thanh niên có nhiệt huyết, muốn phụng sự đạo cả. Chú hãy nói con đường tuân theo ý Chúa để anh Định rõ. (Ý anh tôi muốn nói: Có thể giao nhiệm vu cho Định hoạt động được).
Tiện đây, tôi báo tin gia đình ta để chú rõ: Gia đình ta mọi người đều mạnh khoẻ, các cháu mỗi ngày một thêm đông. Riêng “bên ngoại” vẫn gặp nhiều khó khăn. tôi chẳng được tin gì cả. (Ý anh tôi muốn nói: Tổ chức của chúng ta ở trong vùng người Pháp kiểm soát tốt, có thêm nhiều người tham gia. Còn riêng vùng Việt Minh kiểm soát như thế này là không thể làm ăn gì được).
Chúc chú mạnh khoẻ, Chúa sẽ ban phước lành cho chúng ta.
Ngô Đình Thục”.
Hai tên Mỹ nghe Diệm vừa đọc thư, vừa giải thích những ý ngầm trong thư, dáng trầm ngâm. Khi Diệm đọc xong, Phi-sin nói:
- Ồ, chỗ nào chúng ta cũng vào được, chỉ riêng vùng Việt Minh kiểm soát vẫn là một vùng rất bí mật đối với chúng ta.
Như để chứng minh thêm lời của Phi-sin, Lên-sđên ngậm ngùi:
- Nghiên cứu các báo cáo từ Việt Nam gởi về, tôi cũng lấy làm lạ. Đầu năm 1950, cơ quan tình báo của ta có giao cho phòng Nhì Pháp một nhân viên tên là Hồ Minh vào chiến khu Việt Minh ở Thừa Thiên để tổ chức “Chiến khu quốc gia” nhưng bị bại lộ (7). Ông Diệm phái Lê Mậu Thành vào vùng chiến khu Việt Minh ở miền Trung Trung phần từ năm 1951 đến nay cũng không làm ăn được gì. Những tổ chức Đại Việt quốc gia liên mmh, Việt Nam quốc dân Đảng ở mấy tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên sẵn sàng theo ta thì cũng như rắn nằm tịt trong hang, không dám thò đầu ra. Phía Bắc Việt Nam, những nhóm “Liên hiệp quốc gia” “Liên tôn chống Cộng” ở ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đều tan rã cả. Cả một nhóm người của Phòng Nhì Pháp giới thiệu với ta định đưa vào Thanh Hoá lập “Chiến khu quốc gia” cũng bị Việt Minh lừa cho bắt gọn (8). Những điệp viên được huấn luyện rất công phu của Phòng Nhì Pháp như Hải Đường, Trà Mi, Nguyễn Phước… được phái ra vùng Khu 4 của Việt Minh đến nay vẫn chưa có tin tức gì (9). Người Pháp đã mất vào đây bao nhiêu của, bao nhiêu người… Thế là thế nào? Chúng ta phải tìm hiểu cho ra. Vì khi ông Diệm về nước thì không phải thông qua Phòng Nhì của Pháp nữa, mà chính chúng ta phải đấu trực diện với tình báo Việt Minh.
Phi-sin quả quyết:
- Không. Nhất định chúng ta phải hơn bọn Phòng Nhì Pháp. Với những kĩ thuật tiên tiến. với đôla, với những phương tiện đầy đủ, với những người được chúng ta đào tạo kĩ lưỡng, với một kế hoạch hành động tỉ mỉ, chu đáo, nhất định chúng ta phải hơn người Pháp.
Ngô Đình Diệm gật đầu:
- Tôi cũng đồng ý với giáo sư.
Lên-sđên hỏi Diệm:
- Thế ông đã giao nhiệm vụ hoạt động cho Định?
- Tôi đã giao cho anh ta một vài việc rồi. Tất nhiên mới chỉ là những việc thử thách bước đầu. Anh ta không thể nắm được điều gì quan trọng của chúng ta cả.
Diệm quay về mở tủ, lấy chiếc ví của Phan Thúc Định. Hắn kéo ở ví ra chiếc ảnh Đức bà Ma-ri-a:
- Mặc dù anh tôi cũng đã gởi cho tôi vật này.
Hắn cất chiếc ảnh vào chiếc ví, trả lại cho Lên-sđên:
- Phan Thúc Định đã nói cho tôi rõ việc “mất cắp” chiếc ví này. Người của chúng ta làm rất giỏi. Định không biết mất vào lúc nào khi dạo chơi trên phố. Anh ta nói tất cả những gì có trong ví không giấu một thứ gì. Bây giờ, tôi xin trả lại đại tá.
Lên-sđên cầm lấy chiếc ví:
- Chiều nay, tôi sẽ cho Sở Cảnh sát Nữu Ước gọi điện báo cho anh ta biết đã tìm ra chiếc ví và mời anh ta đến nhận.
- Đại tá trả Định tất cả những thứ có trong ví này? – Diệm hỏi.
Lên-sđên mỉm cười:
- Trả lại tất cả, trừ đô la trong ví, để cho nó hợp lí.
Và hắn hỏi Ngô Đình Diệm:
- Bao giờ anh ta về nước?
- Anh ta định ngày mai. – Diệm đáp.
Lên-sđên nói:
- Trong giai đoạn này, chúng ta phải cử một người bí mật giám sát những hoạt động của anh ta. Nguyên tắc của chúng ta là như thế.
- Cử ai? – Diệm hỏi.
Lên-sđên suy nghĩ một lát rồi thong thả nói:
- Theo ý tôi, không nên cử người ở Việt Nam theo dõi Định, bởi vì hầu hết những người của ta ở Việt Nam trước đây, bọn SEDCE (10) và bọn Phòng Nhì Pháp đều biết. Nếu Định là người của SEDCE thì anh ta biết ngay. Tôi muốn cho một người của ta mà tình báo Pháp và Định chưa hề biết về làm việc đó. Tôi đề nghị cho Phạm Xuân Phòng bí mật về Việt Nam vừa làm những việc ta định giao cho Phòng, vừa theo dõi Phan Thúc Định.