Thuý Hằng trở mình, người vẫn đau từ đầu đến gót chân. Cô từ từ mở mắt. Ngoài cửa sổ, ánh sáng chan hòa. Tất cả tiếng động của thành phố dội vào tai cô. Cô nhìn quanh, vẫn là căn buồng nhỏ nhắn, ấm cúng của cô. Cô vẫn nằm trên chiếc giường thấp, giữa gối đệm quen thuộc. Kia vẫn là chiếc tủ gương lớn đựng quần áo, chiếc bàn trang điểm có những hộp phấn, thỏi son, xếp ngay ngắn. Đầu giường trên chiếc bàn đêm, vẫn chiếc máy thu thanh nhỏ nhãn hiệu Philips mà cô chỉ với tay, vặn nút là có thể nghe được một chương trình âm nhạc. Cái cảm giác yên ổn hạnh phúc vì được ở giữa căn buồng của mình, với những đồ đạc quen thuộc của mình cứ lâng lâng dâng lên trong tâm hồn Thuý Hằng một niềm vui nhè nhẹ. Rất nhiều người trong xã hội miền Nam dưới chế độ Mỹ – Diệm chỉ có cảm giác yên ổn tương đối khi ở trong nhà mình, đóng tất cả các cửa lại. Bởi vì mở cửa ra là mắt thấy ngay xe thiết giáp nhà binh, xe bắt người của cảnh sát, xe quân cảnh của bọn Mỹ, là bắt cóc, là ám sát, thủ tiêu, là hối lộ lừa bịp, là vật lộn đua chen. Bởi vì mở cửa ra là tai phải nghe hàng trăm thứ tiếng náo động của xe cộ, của các loa phóng thanh phát thanh ra rả cả ngày về “tố Cộng”, “chống Cộng”, “chính nghĩa”, “quốc gia”, “thế giới tự do”, “liên minh Việt-Mỹ”… lẫn tiếng quảng cáo cho thuê buồng ngủ, bán thuốc lậu, thuốc giang mai chen lẫn nhau ầm ĩ…
Thuý Hằng nhìn lên quyển lịch có ảnh một nữ diễn viên điện ảnh Mỹ treo trước bàn trang điểm, lẩm bẩm:
- Một tuần lễ qua rồi.
Một tuần lễ qua rồi, kể từ ngày Thuý Hằng được ra khỏi cái hang hùm của bọn CIA. Một tuần qua, rồi sẽ một tháng qua, một năm qua, cho dù mười năm, hai mươi năm nữa có qua đi, cô vẫn không bao giờ quên được những ngày cô bị rơi vào trong tay bọn mặt người dạ thú, những ngày cô nhìn rõ bộ mặt thật của bọn Mỹ hơn bao giờ hết. Hàng ngày cô chỉ nhìn bọn chúng đi đường quần áo thẳng nếp, giày đen bóng loáng, đôi khi ngơ ngác, cái gì cũng dừng lại nhìn ngắm như đứa trẻ con, hoặc tối đến khi nhìn chúng đến tiệm nhảy, đóng sập cửa xe hơi thật mạnh, người thơm nức nước hoa, gọi toàn uýt-xki, vui nhộn trong tiếng nhạc, thì cô không thể hiểu được bọn Mỹ. Nghĩ đến bọn Mỹ, hình ảnh thằng Tô-ma lại hiện lên trong trí óc cô.
Sau hôm bị hai tên cảnh sát lục soát và cướp đoạt ví tiền đêm khuya đi làm về, Thuý Hằng không đi xe máy nữa. để tránh mọi sự bất trắc. Cô dặn một chiếc tắc xi đúng giờ đến đón cô về. Hôm đó, anh tài xế vừa mở ga cho xe chạy được một quãng thì từ phía sau, hai chiếc xe gắn máy do hai tên cảnh sát lái, tiến lên. Một chiếc chạy vượt qua, còn chiếc kia kèm sát tắc xi. Tên cảnh sát lái xe gắn máy thứ hai rút súng sáu, chĩa vào anh tài xế, ra lệnh:
- Chạy theo xe gắn máy đằng trước! Không nghe, tao bắn chết.
Anh tài xế ngạc nhiên nhìn tên ác ôn. Hắn trợn mắt nhìn lại. Biết có sự chẳng lành xảy ra nhưng không còn có cách nào khác, anh đành im lặng lái xe theo sau chiếc xe gắn máy của tên cảnh sát chạy trước. Không khí căng thẳng, nặng nề, đe doạ. Thuý Hằng hết nhìn người tài xế, lại nhìn hai tên cảnh sát.
Đến trước một cao ốc gần trường đua Phú Thọ, tên cảnh sát đi xe gắn máy đằng trước giơ tay trái ra hiệu cho xe đằng sau, rồi từ từ dừng lại. Chiếc xe tắc xi cũng dừng theo. Tên cảnh sát đi kèm xe tắc xi, hãm xe, hất hàm bảo Thuý Hằng:
- Mời cô vô đây có việc.
Thuý Hằng bình tĩnh nói:
- Không, ông lộn ai rồi đó. Tôi không có quen biết ai ở trong đó cả.
Tên cảnh sát lừ lừ đến mở cửa xe:
- Thì cứ vô đi, đã bảo mà. Vô đi sẽ biết.
Thuý Hằng lắc đầu từ chối. Hắn nắm tay Thuý Hằng kéo ra. Thuý Hằng định kêu to thì mấy thằng trông mặt mày dữ tợn ở trong cao ốc đã chạy ùa ra. Người tài xế tắc xi lắp bắp mấy tiếng: “các ông…” thì tên cảnh sát đã chọc đầu súng sáu vào má anh ta:
- Câm mồm… Tao ghi số xe của mày rồi, ra khỏi đây cũng không được mở miệng nói gì cả.
Biết không thể chống cự được bọn chúng, Thuý Hằng đành xuống xe, giữa sự bao vây của mấy thằng ác ôn, vào cao ốc. Toà cao ốc có nhiều phòng, phòng nào cũng kín đáo riêng biệt. Tên cảnh sát đưa Thuý Hằng vào một phòng bày biện theo lối phòng tiếp khách, ánh đèn nê-ông sáng như ban ngày, một bộ ghế bành bọc da, một tủ rượu, ở góc phòng có chiếc máy vô tuyến truyền hình. Tên cảnh sát – hay nói đúng hơn tên nhân viên tình báo đóng giả cảnh sát, vì toà cao ốc này là một trong bốn cơ quan điều tra của phân bộ CIA Sài Gòn – chỉ cho Thuý Hằng ngồi vào một chiếc ghế bành rồi lủi mất.
Giữa lúc Thuý Hằng vừa lạ lùng nhìn những đồ vật trong phòng, vừa miên man hồi hộp suy nghĩ không hiểu bọn này bắt cóc mình để làm gì thì một tên Mỹ cao lớn mặc quần màu xám, áo sơmi cộc tay bằng ni-lông hoa sặc sỡ, cầm một chiếc cặp bước vào. Hắn thản nhiên ngồi đối diện với Thuý Hằng, bật lửa chậm rãi châm thuốc lá hút. Hắn giương cặp mắt như mắt mèo, thô bạo nhìn khắp người Thuý Hằng không chớp mắt. Cái nhìn của hắn làm Thuý Hấng khó chịu quay đi. Hắn nhếch mép cười, nói bằng tiếng Việt Nam chưa rõ dấu giọng:
- Chào cô Thuý Hằng, cô được mạnh khỏe chứ?
Rồi không đợi Thuý Hằng đáp lại, hắn hỏi tiếp:
- Cha cô làm gì? Ở đâu?
Thuý Hằng miễn cưỡng đáp:
- Hồi tám, chín năm trước bỏ nhà đi đâu mất, tôi không rõ.
- Tức là đi theo Việt Cộng phải không?
- Tôi đã nói tôi không rõ.
- Mẹ cô làm gì? Ở đâu?
- Mẹ tôi chết rồi.
- Hồi người Pháp còn ở đây, cô làm gì?
Thuý Hằng khó chịu lắm nhưng vẫn phải nén lòng trả lời:
- Tôi đi học.
- Cô làm ở tiệm nhảy Llberty được bao lâu rồi?
- Hai năm.
- Lương cô bao nhiêu?
- Tám ngàn sáu trăm năm mươi đồng, không kể các khoản tiền được tặng.
- Những ai thường tặng tiền cho cô?
- Các khách đến tiệm, tôi không nhớ hết được.
Tô-ma cười gằn, mở chiếc cặp đựng giấy tờ của hắn, rút ra một chiếc ảnh, đưa Thuý Hằng xem.
- Ai đây? Cô có biết không?
Thuý Hằng nhìn ảnh nhận ra ngay:
- Có, tôi có biết người này.
Tô-ma sung sướng:
- Ấy đấy, tôi chỉ cần cô cho tôi biết rõ về người này.
- Người này là một khách hàng quen của tiệm. Anh ta thường nói chuyện với tôi, vui vẻ, lịch sự. Anh ta nói với tôi anh ta du học ở Pháp về.
Tô-ma ngắt lời Thuý Hằng:
- Không. Chúng tôi muốn biết hơn thế.
Thuý Hằng lắc đầu:
- Tôi chỉ biết thế thôi, tôi không biết gì hơn cả.
Tô-ma nhìn Thuý Hằng như thăm dò, rồi hỏi sang chuyện khác:
- Cô mua tranh cổ à? Cô thích chơi tranh cổ? Những tranh cổ loại nào thì cô thích?
- Không, tôi không chơi tranh cổ. – Thuý Hằng lạnh lùng trả lời.
Tô-ma vẫn chăm chăm nhìn Thuý Hằng:
- Thế nào, không thích chơi tranh cổ à? Sao lại đăng báo mua tranh?
Hắn rút trong cặp giấy của hắn ra tờ báo “Thời đại” chỉ cho Thuý Hằng nhìn vào mục Rao vặt có dòng chữ “Mua tranh cổ”, tưởng chừng làm Thuý Hằng không thể chối cãi nổi. Thuý Hằng vẫn lạnh lùng:
- Không phải tôi.
Tô-ma ngạc nhiên:
- Sao? Địa chỉ cô rành rành ra đây. Không phải cô đã thuê đăng những dòng này thì còn ai nữa?
Thái độ của Thuý Hằng vẫn không thay đổi:
- Nhà số 165 Võ Di Nguy có hai chủ thuê. Tôi ở trên gác. Còn ở dưới là một chủ khác. Tôi tưởng trước khi hỏi tôi, các ông đã điều tra kĩ rồi. Sao các ông không trực tiếp đến hỏi toà báo xem ai đã thuê đăng những dòng ấy?
Tô-ma không ngờ có sự lắt léo như thế. Hắn tin ở tài liệu của Lên-sđên đưa, nên không cho đi xác minh lại. Bị phản công bất ngờ, hắn không giữ được bình tĩnh, quát to:
- Vậy ai ở tầng dưới nhà?
Thuý Hằng chậm rãi:
- Không ai ở cả. Nếu ông muốn biết thì tôi cũng xin nói để ông rõ, tầng dưới là của ông tổng trưởng Trần Văn Thiên thuê, lấy chỗ đi lại với “mèo” của ông ta, đồng thời làm nơi liên lạc của mấy ông bà tổng trưởng, tướng tá thỉnh thoảng hẹn hò đưa nhau lên Đà Lạt sống khoả thân với nhau. Các ông đã biết cái “Hội khoả thân” của các ông, các bà ấy chưa? Mỗi lần đăng báo “Mua tranh cổ” là một lần các ông, các bà ấy báo nhau đến tổ chức hưởng lạc lối quần hôn nguyên thủy đấy. Sở dĩ tôi biết như vậy vì có lần đã có người hỏi nhầm tôi “Bán tranh cổ”, tôi đã chỉ thẳng đến nhà riêng ông tổng trưởng…
- Nói láo. – Tô-ma thét lên. – Cô chỉ nói láo.
Thuý Hằng vẫn bình tĩnh:
- Tôi nói láo làm gì. ông cứ cho đi điều tra. Tôi cam đoan là đúng như thế. Vậy ông đã điều tra chưa? Ông còn lạ gì ông tổng trưởng, tướng tá nào chẳng có bao bốn, năm “mèo” ở bốn năm địa điểm khác nhau và có những trò vui kì quái, chỉ các ông mới nghĩ ra được thôi.
Đuối lí, Tô-ma đành phải dịu giọng:
- Thôi, tôi tin những điều cô vừa nói là đúng. Mong cô cứ nói thực như thế, tôi rất hoan nghênh. Cô cho tôi biết về Phan Thúc Định.
- Ông nói ai?
- Cô khéo vờ quá. – Tô-ma gõ gõ vào tấm ảnh để trong cặp giấy của hắn. – Cái anh chàng lịch sự vẫn nói chuyện và tặng tiền thưởng cho cô ấy.
- Tôi không biết gì hơn về anh ta ngoài những điều tôi vừa nói cả.
- Người Hoa Kỳ chúng tôi không thích loanh quanh. Tôi xin nói thẳng vấn đề: Cô cho chúng tôi biết Phan Thúc Định ở tổ chức nào? Đã hoạt động những gì? Đã nói những gì với cô và qua cô, liên lạc với những ai? Nếu cô cung cấp cho chúng tôi đầy đủ tài liệu, không những chúng tôi bảo đảm hoàn toàn an ninh cho cô mà còn thưởng cho cô từ một ngàn đến mười ngàn đôla tùy theo giá trị tài liệu cô cung cấp. Tôi xin nhắc lại: mười ngàn đôla, bằng hàng chục năm đi làm của cô. Người Hoa Kỳ chúng tôi rất sòng phẳng trong vấn đề đó. Còn nếu cô không chịu nói thực thì cô đừng trách chúng tôi…
Thuý Hằng vẫn khăng khăng:
- Tôi đã nói với ông và tôi xin nhắc lại: tôi không biết gì hơn cả. Sao các ông không đi hỏi thẳng anh ta?
Tô-ma đứng lên:
- Có lẽ cô chưa muốn trả lời tôi ngay hay cô chê số tiền đó còn ít! Số tiền có thể hơn nữa tùy theo giá trị của tài liệu cô cung cấp. Không phải mỗi lúc và ai cũng có cơ hội kiếm ra được món tiền khá lớn như thế đâu cô ạ. Tôi để cô ngồi lại suy nghĩ. Khi nào thay đổi ý kiến, cô báo ngay lúc nào tôi cũng vui lòng nghe cô. Tuy vậy thời gian cũng không phải là vô hạn định. Tôi chỉ có thể chờ cô từ giờ đến sáng mai. Lúc này cô trả lời chúng tôi, chúng tôi xin đưa cô về tận nhà.
Thuý Hằng cũng đứng lên cương quyết:
- Các ông không có quyền giữ tôi lại.
- Sao vậy?
- Ông tổng thống Diệm đã tuyên bố đất nước chúng tôi là một quốc gia độc lập. Các ông là người Hoa Kỳ, các ông không có quyền đụng đến người Việt Nam chúng tôi.
Tô-ma bật cười:
- Cô ngây thơ quá. Cô bảo chúng tôi không có quyền à? Ai đưa ông Diệm về làm tổng thống? Ai viện trợ cho chính phủ ông Diệm? Ai tổ chức và chi tiền cho quân đội và cảnh sát? Một người không cần thông minh lắm cũng biết là chúng tôi: người Hoa Kỳ.
- Các ông không có quyền giữ tôi.
Thay Hằng kêu lên thất vọng và chạy xổ ra cửa. Nhưng ở cửa đã có hai thằng Mỹ to lớn, nét mặt vẻ lạnh lùng, tàn ác của bọn găng-xtơ, tay áo sơ mi xắn cao, quần bó hông chật căng, khoanh tay trước ngực, lừ lừ đi vào, chằm chằm nhìn Thuý Hằng. Thuý Hằng lùi lại.
Đêm hôm ẩy, không thấy Thuý Hằng khai gì thêm. Sáng hôm sau, chúng dẫn cô lên một gian phòng ở tầng hai. Phòng này quét vôi xám, lạnh lẽo, để ngổn ngang những dụng cụ kì quặc: từ cái đy-na-mô đến cái kềm, cái kẹp, từ cuộn dây điện đến chiếc đèn chụp đứng có lắp bóng, điện cực mạnh, từ cái còng số 8 đến các gậy cao su cốt sắt sơn trắng. Tất cả đều mang từ Mỹ sang, đều được chăm chút sạch sẽ, bóng loáng như những dụng cụ y tế.
Nhìn những dụng cụ ấy, Thuý Hằng thoáng hiểu chúng định làm gì mình. Một mối căm uất dâng lên làm nghẹn cổ họng cô. Đây là nền “độc tập tự do” của cái “quốc gia Việt Nam Cộng hoà” mà bọn CIA Mỹ muốn cho cô biết rõ đây là nền văn minh của một nước đế quốc giàu mạnh nhất “thế giới tự do”, đây là sự thực về sự có mặt của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Tô-ma đã đứng chờ sẵn Thuý Hằng ở trong phòng, hất hàm hỏi cô, nửa dỗ dành, nửa đe doạ:
- Thế nào, cô gái đẹp đáng yêu của tôi, cô nghĩ kĩ chưa? Người Hoa Kỳ chúng tôi rất văn minh, rất nhân đạo, nhất là đối với phụ nữ đáng yêu như cô. Nếu cô khai rõ sự thực thì không những cô được trả lại tự do ngay, mà khoản tiền chúng tôi hứa với cô cũng sẽ được lĩnh. Chỉ có chúng tôi và cô biết thôi, không một người nào biết cả, cô có thể hoàn toàn an tâm về điều đó.
Chúng tôi rất biết điều và đúng đắn. Cô muốn sang Hoa Kỳ chơi, chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho cô sang. Với nhan sắc của cô, biết đâu ở nước Hoa Kỳ hay chuộng lạ, chẳng có nhiều hãng quay phim, kí giao kèo thuê cô đóng phim. ảnh cô sẽ in ở khắp các báo chí. Cô vừa giàu có, vừa trở thành diễn viên nổi tiếng… Ít người được cái may mắn như cô. Cô đừng nên bỏ lỡ cơ hội tốt đẹp mà nhiều người vẫn ao ước đó. Nếu cô không chịu nghe theo lời chúng tôi thì những vật vô tình kia sẽ không thương cô đâu.
Thuý Hằng nghe những lời đường mật của Tôma, nhìn những dụng cụ tra tấn bày ở trong phòng, gật đầu:
- Vâng, tôi rất hiểu cái nhân đạo của người Hoa Kỳ các ông. Phải chăng những thứ ấy là biểu hiện cho cái nhân đạo đó?
Tô-ma nhếch mép một cách thâm hiểm:
- Cô bớt ngây thơ hơn hôm qua rồi đấy nhỉ. Đúng, đối với chúng tôi: nhân đạo chỉ có thể xây dựng được trên đôla và bạo lực. Nước Hoa Kỳ chúng tôi đã được xây dựng như vậy và đã trở thành nước giàu mạnh nhất thế giới. Nhưng thôi… bây giờ không phải là lúc triết lí với cô. Cô nên nhớ rằng sự kiên nhẫn của bất cứ ai cũng đều có giới hạn. Cô có khai không?
- Ông bảo tôi khai gì? Tôi tưởng những điều ông muốn biết, tôi đã nói hết rồi. Tôi có biết gì hơn nữa đâu.
- Không đúng. Thế ai đây? Nó làm gì? – Tô-ma quát lên và chìa chiếc ảnh Phan Thúc Định ra hỏi Thuý Hằng.
- Tôi không biết.
Như mọt con thú dữ bị đòn, Tô-ma chồm lên, thẳng tay tát một cái thật mạnh vào mặt Thuý Hằng. Bị một cái tát nhà nghề bất ngờ, Thuý Hằng lộng óc loạng choạng suýt ngã. Trước mắt cô, hàng trăm con đom đóm bay. Giọng Tô-ma nhẹ nhàng hơn bao giờ hết:
- Cô gái đẹp đáng yêu của tôi ơi! Ô, my darling! Em nên biết điều một chút chứ! Em có đau lắm không?
Hắn giơ tay ấn một nút điện trên tường. Có tiếng chuông reo. Một tên Mỹ cao lớn bước vào. Hắn quay sang Thuý Hằng giọng đổi khác:
- Thế nào? Vẫn còn đủ thời gian cho mày tự chọn cách đối xử của người Hoa Kỳ chúng tao.
Nhìn thẳng vào cái mặt quỷ của hắn, Thuý Hằng thấy tất cả sức mạnh trong người mình trỗi dậy.
- Tôi chỉ biết có thế thôi. Tôi không phải lựa chọn gì cả. Đối với người Việt Nam chúng tôi, nhân đạo không bao giờ xây dựng trên đôla và bạo lực…
Tô-ma trỏ một ngón tay lên thái dương ra hiệu cho tên Mỹ cao lớn:
- Gí điện vào đầu óc bướng bỉnh của nó.
Thế là cuộc tra tấn bắt đầu. Tiếng chuông của một thánh thất gia-tô nào ở gần đó, ngân nga tám tiếng…
Thuý Hằng bị giam giữ trong cái cơ sở của CIA ấy suốt hai tuần lễ. Trong hai tuần lễ ấy, cô bị bọn chúng tra tấn nhiều lần, chết đi sống lại. Xen kẽ với những trận tra tấn là những cuộc dụ dỗ, đe doạ. Dụ dỗ, đe doạ không được, lại tra tấn. Chúng mở nhạc jazz ầm ĩ trong khi quay điện cô, để tiếng nhạc xoá đi tiếng kêu thét của cô. Chúng uống rượu uýt-xki, uống côca côla khi cô ngất nằm sóng soài trên bàn. Cô nhớ mãi hình ảnh tên Tô-ma, mỗi lúc cô trả lời “không biết” thì sao con quỷ mặt người đó biến đổi nhanh chóng đến thế. Đang ngậm điếu thuốc lá, cái đầu gật gật, gù gù, giọng nói ngọt ngào như mía lùi bỗng quẳng ngay điếu thuốc lá đi, mặt tái đi, giọng nói rít qua hai kẽ răng, chồm lên như một con chó dại.
Có lúc hắn thay đổi phương pháp, vừa trẹo mồm nhai kẹo cao su, vừa kiên nhẫn ngồi hỏi cô suốt buổi. Hắn đặt ra liên tiếp những câu hỏi làm cho Thuý Hằng không kịp suy nghĩ, nhiều câu hỏi vu vơ, không dính dáng gì đến việc bắt giữ Thuý Hằng, nhưng liền đó hắn lật ngược vấn đề định tìm ra những mâu thuẫn trong câu trả lời của cô, dồn ép cô bật ra những điều gì cô muốn giấu.
Nhưng chúng đã thất bại. Trước sau, chúng không khai thác được điều gì thêm ở Thuý Hằng về Phan Thúc Định. Biết không thể làm gì hơn, những ngày cuối cùng của thời gian giam giữ cô, chúng lại cho cô ăn uống đầy đủ, vỗ về cô, an ủi cô.
Một buổi sáng, chúng đưa cô trở lại cái phòng khách ở tầng dưới. Tên Tô-ma niềm nở, trơ trẽn mời cô uống cà phê bột và ăn bánh ngọt chúng đã bày sẵn trên bàn. Cô không thể nào đụng được vào những thứ đó. Tô-ma hỏi:
- Thời gian ở đây, có nhiều điều không vừa ý cô phải không?
Thuý Hằng miễn cưỡng đáp:
- Ông ở địa vị tôi, ông sẽ nghĩ như thế? Thiết tưởng ông không phải hỏi tôi điều đó.
Tô-ma làm như không có gì xảy ra, mỉm cười :
- Cô hãy quên đi những chuyện đã qua đi. Ngay người Hoa Kỳ chúng tôi mà có những hoạt động chống Hoa Kỳ, chúng tôi cũng phải xử như vậy thôi. Chúng tôi tôn trọng công lí và tự do, cho nên phải cố gắng tìm ra sự thật, cô hiểu cho. Chúng tôi rất sung sướng là sau khi thẩm tra thấy cô vô tội, chúng tôi đã săn sóc cô chu đáo mấy ngày hôm nay và bây giờ, xin trả lại tự do cho cô. Chúng tôi làm gì là cũng vì tự do, vì quyền lợi của quốc gia cô mà thôi. Có thế, mới xác minh được cô là người tốt. Từ nay cô có thể sống hoàn toàn yên ổn vì là người đã được xác minh rồi. Xin chia vui cùng cô…
Hắn móc túi đưa ra một tập giấy bạc:
- Dù sao cô cũng đã khai với chúng tôi một số vấn đề. Chúng tôi đã thẩm tra lại thấy đúng và để đền bù những ngày cô phải nghỉ việc vừa qua, chúng tôi xin tặng cô hai mươi ngàn đồng tiền Việt Nam.
Thuý Hằng thấy kinh tởm. kinh tởm cả bộ mặt lì lợm trơ trẽn, cả những lời lẽ tráo trở của Tô-ma, kinh tởm cả tập giấy bạc trên tay hắn cũng như đồ ăn, đồ uống hắn bày trên bàn. Bởi vì cô đã biết đằng sau những lời lẽ, những tờ giấy bạc, những đồ ăn đồ uống là những cái máy quay điện, cái còng số 8, cái gậy cao su cốt sắt, là “công lí, tự do” của nước Mỹ. Cô gạt tập giấy bạc trả tên Mỹ:
- Cảm ơn ông, ông vừa nói đến tự do. Cái điều quý hơn tất cả đối với tôi bây giờ là tự do. Còn tiền ở nhà tôi hãy còn, tôi không dám nhận số tiền này của các ông.
Tô-ma đang cười, nghiêm ngay nét mặt:
- Cái đó tùy cô thôi. Nhưng trước khi cô ra về, tôi thấy cần giao hẹn với cô một điều: thời gian cô bị giữ ở đây và tất cả những gì cô nghe, cô thấy ở đây, không ai được biết cả! Cho đến tận lúc chết, cô cũng không được nói với ai, nhất là không được tỏ một thái độ gì cho Phan Thúc Định đoán biết được.
Nếu có một người nào biết, chúng tôi bắt buộc phải xoá mọi chứng cứ (hắn nhấn mạnh) và việc ấy chỉ có thể đổi bằng tính mạng của cô thôi. Tôi không phải đe doạ cô đâu… Cô phải bảo vệ uy tín của Hoa Kỳ.
Thuý Hằng im lặng, không đáp. Hắn tiễn Thuý Hằng ra đến cửa phòng, còn dặn thêm:
- Chúng tôi rất cần những người cộng tác như cô. Nếu lúc nào cô nghĩ lại hoặc cần gì, xin cô cứ đến đây hỏi trung tá Tô-ma.
Thuý Hằng vẫn nằm im trên giường suy nghĩ về bộ mặt thực của bọn Mỹ trên mảnh đất miền Nam Việt Nam, về nền “độc lập tự do” của cái “Việt Nam Cộng hoà”. Cô trở mình vẫn thấy đau ê ẩm. Bọn Mỹ đánh ác thật. Chúng đánh không để lại dấu vết gì trên người cô nhưng cái đau thấm vào tận xương tuỷ, đọng ở mỗi một sợi dây thần kinh, cứ thỉnh thoảng lại dội lên.
Đang nghĩ miên man thì Thuý Hằng nghe có tiếng gõ cửa. Cô ngồi dậy hỏi:
- Ai?
Tiếng một người phụ nữ trả lời:
- Em đây, chị Thuý Hằng phải không? Em có việc rất cần gặp chị.
Thuý Hằng mở cửa, một cô gái lạ mặt có hàng lông mi dài và vành môi mỏng bước vào với dáng điệu như lén lút, tự động khép cánh cửa lại đằng sau mình. Thuý Hằng ngạc nhiên vì chưa gặp người phụ nữ này lần nào. Cô lạ lùng nhìn khách, hỏi:
- Chị hỏi tôi?
Người phụ nữ lạ mặt gật đầu, rất tự nhiên:
- Thế nào, chị khỏe rồi chứ? Chị bắt đầu nhận “công tác” được chưa? Từ hôm chị bị bắt đến nay, công việc của “tổ chức” bị đứt quãng. Anh Định cử em đến để nói lại đường dây liên lạc. Đáng lẽ em đến ngay hôm chị mới về cơ, nhưng phải tránh bọn mật vụ lảng vảng ở trước cửa nhà chị, hôm nay, em mới vào được.
Thuý Hằng sửng sốt:
- Chị lầm chăng? Chị nói “tổ chức”, nói lộn xộn những gì mà tôi chẳng hiểu ra sao cả!
Người phụ nữ lạ mặt ghé vào tai Thuý Hằng nói nhỏ, liếc mắt ra phía cửa như sợ có ai nghe trộm:
- Em là người của anh Phan Thúc Định đây mà. Chị chưa tin em chắc là vì em thiếu mật khẩu chứ gì? Chị thông cảm cho em vì sau lúc chị bị bắt, các mật khẩu cũ đều thay đổi. Còn mật khẩu mới thì anh Định không gặp được chị nên chưa truyền đạt được cho chị biết.
Thuý Hằng nghiêm ngay nét mặt:
- Tôi càng không hiểu chị định nói gì. Chắc chị lầm nhà rồi đấy. Tôi không hề được hân hạnh quen biết chị. Chị nên đi tìm đúng cái người mà chị định hỏi thì hơn.
Lời nói của Thuý Hằng không khác gì muốn tống khứ cô khách không mời mà đến. Người phụ nữ lạ mặt bối rối, nói mấy câu vụng về chữa thẹn.
- Vâng, có lẽ em lầm, xin lỗi chị. Chắc là Thuý Hằng khác… Nhưng xin chị giữ kín việc này cho nhé.
Người phụ nữ lạ mặt bẽn lẽn chào Thuý Hằng bước ra ngoài. Thuý Hằng bực mình đóng sập mạnh cửa. Óc nàng hiện ra bao nhiêu câu hỏi. Nàng lẩm bẩm: “Quái, tại sao lúc nào cũng Phan Thúc Định?”. Trong khi đó, người phụ nữ lạ mặt đã xuống đến đường, rảo bước về phía ngã tư. Đến ngã tư, ả rẽ ngoặt bên tay trái khuất bóng. Một chiếc xe Méc-xê-đét bóng loáng đợi sẵn ở đó. Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị và xã hội trung ương Trần Kim Tuyến vừa tì một tay lên vòng tay lái, vừa nhoài người ra mở cửa xe cho ả bước lên, hỏi:
- Kết quả ra sao, cô Duy-ly?