Phan Thúc Định vừa đỗ xe ở cửa Liberty Palace thì trông thấy Thuý Hằng từ trong tiệm đi ra. Thuý Hằng nhớn nhác nhìn trước nhìn sau như tìm gì. Định mở cửa bước xuống. Mọi khi, Thuý Hằng đã trông thấy anh ngay và mỉm cười chào anh. Lần này, Định rất ngạc nhiên khi thấy tâm trí Hằng như không để ý gì đến chung quanh cả. Anh lạ lùng tiến lại phía Thuý Hằng gọi:
- Thuý Hằng!
Thuý Hằng giật mình nhận ra anh:
- Chào anh!
Định thấy nụ cười trên môi cô rất gượng gạo. Anh hỏi:
- Cô làm sao mà mặt tái đi thế? Hình như cô đang tìm gì thì phải: Cô có mất cái gì không?
Thuý Hằng nói vội vã, tiếng nói cũng không bình thường:
- Xin lỗi anh, hôm nay em không đi làm được. Em đang tìm một chiếc tắc xi để về.
- Cô bị mệt ư? Xe máy của cô đâu?
Thuý Hằng lắc đầu:
- Không! Không! Em không bị mệt! Em chỉ thấy người nôn nao khó chịu. Xe máy em để nhà. Lúc chiều. Rơ-nê đến đón em đi.
- Rơ-nê ở Huế mới đến đây?
- Vâng!
Phan Thúc Định hơi bậm môi lại, nhưng anh trở lại thái độ lịch sự hằng ngày rất nhanh. Anh chỉ về phía chiếc xe của mình:
- Nếu không có gì phiền, cô đừng gọi tắc xi nữa. Mời cô lên xe tôi, tôi xin phép được đưa cô về nhà…
Thuý Hằng bối rối ngập ngừng:
- Nhưng… em chưa về nhà. Em muốn đi một vài nơi nữa.
Phan Thúc Định nhã nhặn:
- Tối hôm nay tôi cũng không bận gì. Tôi có thể đưa cô đi được.
Sau khi suy nghĩ, Thuý Hằng gật đầu:
- Vâng, nhờ anh đưa em đi vậy.
Thuý Hằng đi theo Phan Thúc Định ra xe. Nàng nói một câu như nói với chính mình:
- Lúc này, em cũng thấy cần có một người bên cạnh em.
Định vờ như không nghe thấy. Anh đang đặt câu hỏi về thái độ hoảng hốt của Thuý Hằng. Tại sao cô lại bỏ dở buổi làm? Tại sao cô lại lúng túng, bối rối, có những nét sợ hãi hiện trên nét mặt. Tất cả thái độ không bình thường của cô ấy có hên quan gì đến cuộc gặp gỡ giữa cô với Rơ-nê vừa rồi? Từ lâu, Định biết Rơ-nê – người Pháp kiều phụ trách chi nhánh hãng “Pháp quốc hàng không” ở Huế, đồng thời là một nhân viên quan trọng của SEDCE – rất mê Thuý Hằng. Mỗi lần về đến Sài Gòn, bao giờ hắn cũng phải có mặt ở Liberty Palace. Hắn mang đến cho Thuý Hằng rất nhiều thứ, từ lọ nước hoa đắt tiền ở Pa-ri đến những thước tơ lụa đẹp đẽ ở Bông-bay, từ con búp bê sặc sỡ bộ quần áo dân tộc đóng trong hòm kính của Nhật Bản đến chiếc đồng hồ đeo tay xinh xắn của Thuỵ Sĩ. Những thứ ấy, hoặc hắn gởi mua, hoặc những nhân viên hàng không khi ghé qua thủ đô các nước, mua làm quà cho hắn. Thuý Hằng từ chối nhiều lần không được, vì với phong cách lịch sự rất “Pháp”, hắn lại gửi qua bưu điện kèm theo tấm danh thiếp với những lời lẽ vừa văn hoa, vừa trân trọng. Những thứ quà ấy không làm thay đổi được Thuý Hằng. Mặc dù nghề nghiệp bắt buộc cô phải tiếp chuyện, phải khiêu vũ, nhưng đối với những người nước ngoài, bao giờ Thuý Hằng cũng dè dặt. Cô rất nhã nhặn nhưng không bao giờ để họ suồng sã. tự nhiên nhưng không quá trớn. Đối với Rơ-nê, thái độ của Thuý Hằng cũng vậy. Có lẽ một phần vì thái độ ấy mà Rơ-nê càng say mê Thuý Hằng hơn, trong sự say mê có pha chút vị nể.
Phan Thúc Định mở máy xe và nhìn Thuý Hằng chờ đợi. Thuý Hằng nói:
- Anh cho em xuống Gia Định.
Chiếc xe chuyển bánh, sang số. Những cửa hàng nhấp nháy ánh đèn, những xe cộ, những bóng người loáng thoáng ngoài cửa kính. Thỉnh thoảng xe dừng lại trước ngã tư khi có hiệu đèn đỏ. Khung kính phía trước xe hiện ra bóng mấy tên cảnh sát mặc quần áo trắng hoặc một chiếc xe của bọn quân cảnh đi nghênh ngang. Xe chạy lẫn vào dòng xe cộ tấp nập xuôi ngược, nhiều nhất là xe nhà binh. Những chiếc xe nhà binh sơn màu đất với biển số màu vàng, vùn vụt đi lại, tương phản với vẻ hoa lệ bề ngoài của thành phố, như những vết bùn trên một chiếc áo hoa sặc sỡ.
Phan Thúc Định và Thuý Hằng ngồi trong xe, cùng im lặng. Vẳng vào trong xe tiếng động cơ lộn xộn, tiếng loa phóng thanh rao hàng, tiếng nhạc, tiếng còi rít của cảnh sát. Chiếc xe rời phố lớn đi về phía Gia Định. Tay lái của Phan Thúc Định hoàn toàn dưới sự điều khiển của Thuý Hằng. Mắt Thuý Hằng đăm đăm nhìn về phía trước, nôn nóng như cảm thấy chiếc xe chạy quá chậm. Cô nói từng câu “Rẽ trái, anh”, “Anh cứ đi thẳng”, “Quành tay mặt, anh”…
Đến một phố ở Gia Định, cô bảo Định đỗ xe lại:
- Anh ngồi đợi em ở ngoài này nhé!
Cô mở cửa xe, bước xuống. Cô quay trở lại giữa phố, rẽ vào một ngõ nhỏ. Dáng cô đi vội vã gần như muốn chạy. Bóng cô thoáng hiện ra, thoáng bị lấp đi giữa những người đi chơi tối đầy hè đường, rồi biến mất vào trong ngõ. Phan Thúc Định nhìn theo, ngồi yên trên xe, rút thuốc lá hút.
Mười phút sau, Thuý Hằng chạy ra. Mặt cô xanh hơn trước. Cô mở cửa xe, bước vội lên:
- Anh cho em quay về Sài Gòn.
Tuy ngạc nhiên trước sự biến đổi mỗi lúc một khác của Thuý Hằng nhưng Phan Thúc Định cũng giữ thái độ tôn trọng, không hỏi gì cô. Anh lẳng lặng lái xe quay về. Gần đến Sài Gòn anh quay sang nhìn Thuý Hằng chờ đợi. Tiếng Thuý Hằng hơi run run:
- Anh cho em đến đường Võ Tánh.
Đến đầu đường Võ Tánh, Thuý Hằng lại bảo Phan Thúc Định ngồi trên xe đợi cô. Một lúc sau, cô quay lại, vẻ thờ thẫn, bối rối khác hẳn trước. Lúc Định với tay mở cửa xe đón cô, cô bước vào xe, ngả người trên nệm một cách nặng nề. Cô không nói gì cả, mắt rơm rớm như muốn khóc. Đợi một chút không thấy cô nói gì, Định hỏi:
- Bây giờ, cô cần đi đâu nữa?
Thuý Hằng giật mình. Cô chớp mau mắt:
- Em không biết đi đâu bây giờ nữa.
- Tôi đưa cô về tiệm.
- Em không thể đi làm được buổi hôm nay.
- Hay tôi đưa cô về nhà?
- Về nhà lúc này, em không thể ngồi yên được.
Phan Thúc Định dè dặt:
- Xin lỗi cô, cô đang có điều gì hoảng hốt, lo sợ thì phải. Nếu cô tin tôi. tôi có thể giúp cô được phần nào chăng?
Thuý Hằng nhìn Phan Thúc Định. Không, cô không nghi ngờ gì người thanh niên trí thức ở Pháp về này cả. Qua những lần tiếp xúc, qua nhiều buổi chuyện trò với anh, Thuý Hằng thấy Phan Thúc Định là một con người thật đáng kính mến, quý trọng, vì thái độ lịch sự bao giờ cũng tôn trọng cô của anh, vì sự hiểu biết sâu sắc mọi vấn đề của anh. Cô tin anh vì thái độ trước sau như một, lúc nào cũng hết sức chân thành, thẳng thắn của anh. Đôi lúc cô hỏi ý kiến anh về vấn đề này, vấn đề nọ, thấy anh góp những ý kiến rất đúng đắn, hợp tình hợp lí, giúp cô giải quyết vấn đề đó tốt đẹp. Trong cuộc sống phải tiếp xúc khá phức tạp của cô, nếu tin được một người nào đó ngoài những người ruột thịt của cô ra, thì người ấy chỉ có thể là Phan Thúc Định.
Phan Thúc Định gợi ý:
- Hình như nỗi lo sợ, hoảng hốt của cô có liên quan đến việc cô gặp Rơ-nê vừa rồi?
Thuý Hằng ngập ngừng:
- Anh đoán không nhầm. Buổi gặp gỡ vừa rồi, Rơ-nê đã làm em rất lo sợ. Bây giờ đầu óc em rối loạn, em chẳng còn suy nghĩ được gì nữa.
- Hắn doạ dẫm cô? Cưỡng bức cô làm một điều gì trái với lương tâm?
Thuý Hằng lắc đầu:
- Không phải thế. Không ai có thể doạ dẫm, cưỡng bức em được. Em khòng giấu gì anh cả, em sẽ nói anh nghe. Anh cho xe chạy đi, ra phố nào vắng, ra bờ sông, ra ngoại thành cũng được. Em thèm một sự yên tĩnh. Làm thế nào bây giờ được nhỉ?…
Phan Thúc Định mở máy xe. Chiếc xe từ từ quay bánh. Anh chọn những phố vắng và nghe Thuý Hằng kể.
… Mọi người đều biết mẹ Thuý Hằng đã chết, ba cô gửi cô cho một người trong họ nuôi và ra bưng ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Không một ai được biết ba cô đã trở về nội thành hoạt động từ lâu. Hoạt động của ba cô rất bí mật. Cô hoàn toàn không được biết tí gì về ba cô ở đâu, đang làm gì. Chỉ thỉnh thoảng, một năm vài lần, cô nhận được một lá thư dán kín của ba đến tay cô rất đột ngột. Trong thư, chỉ có mấy dòng chữ ngắn ngủi vừa hỏi thăm vừa khuyên nhủ với một chữ kí không rõ tên. Chỉ có thế thôi, chỉ có mấy dòng chữ ngắn ngủi đó thôi đủ đem lại cho cô một sức sống kì lạ. Mặc dù hoàn cảnh xô đẩy cô phải đi làm ở tiệm nhảy để sinh sống nhưng mấy dòng chữ ngắn ngủi của người cha tham gia kháng chiến ấy đã đem lại cho cô một niềm tự hào lớn lao. và đó cũng là nguyên nhân chính làm cô có thể giữ được nhân phẩm, khác với một số các bạn của cô, tránh được mọi cám dỗ xấu xa trong cái xã hội tạm bị địch chiếm đầy tội lỗi này. Bao nhiêu lần cô tưởng tượng ra sự sung sướng vô hạn của cô khi cô gặp được ba. Có lẽ cô sẽ không cầm được nước mắt. Cô sẽ giụi vào vai ba cô như một đứa trẻ nhỏ. Bàn tay chai sạn vì nghề thợ trước đây của ba cô sẽ vuốt tóc cô. Ba cô chắc cũng sẽ rưng rưng nước mắt. Cô sẽ kể cho ba cô nghe lòng nhớ mong, niềm tự hào về ba của cô. Cô sẽ kể cho ba cô nghe biết bao nhiêu là chuyện, biết bao nhiêu là chuyện…
Khi hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được kí kết hoà bình lập lại, cô đã mừng rỡ, tin chắc thế nào cũng được gặp ba. Cô chờ đợi, cô đếm từng ngày. Thế rồi từng ngày qua đi, cô vẫn chưa được gặp mặt ba. Chỉ có một lá thư kín đến với cô. Lần này, lá thư dài hơn trước. Lá thư dặn dò cô như lời dặn dò của những người đi xa. Đọc thư, cô thấy tất cả tình cảm sâu sắc của ba đối với cô. Cô ôm lá thư vào ngực mà nước mắt trào ra lúc nào không biết. Thế là lại không biết đến bao giờ cô mới được gặp ba. Chắc ba cô đã đi xa lắm rồi. Lúc ấy, cô không thể nào hiểu được tại sao hoà bình rồi mà ba cô vẫn không về gặp cô.
Sau này, khi thấy chính quyền ở Sài Gòn do Ngô Đình Diệm cầm đầu ra sức lùng bắt, bắn giết, bỏ tù những người tham gia kháng chiến cũ thì cô dần dần hiểu ra. Bóng những người lính viễn chinh Pháp vắng dần, nhưng bóng những “cố vấn Mỹ” xuất hiện ngày một nhiều trên đường Ca-ti-na (Tự Do) thì cô càng rõ hơn sự vắng mặt của ba cô. Niềm tự hào về người cha trong cô càng lớn hơn.
Trong khi cô yên trí là ba cô đang ở tận đâu rất xa thì có người biết ba cô vẫn ở ngay Sài Gòn. Rơ-nê, tên nhân viên tình báo Pháp này, nhờ một số tay chân đắc lực của hắn, nhờ sự cung khai của một số tên phản bội, đã lập được một bản danh sách địa chỉ cơ sở của một số người còn hoạt động bí mật ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. Trong bản danh sách ấy, có cả ba Thuý Hằng.
Ro-nê được lệnh trở về Pháp. Trước khi về Pháp, vì say mê Thuý Hằng, vì muốn làm một cái ơn đối với Thuý Hằng, chiều nay Rơ-nê đã tiết lộ cho Thuý Hằng biết tin của ba cô, bảo riêng cô đến hai địa chỉ ở Gia Định và ở đường Võ Tánh tìm cách báo tin cho ba, giục ba trốn đi. Rơ-nê nói với Thúc Hằng trên đường đưa cô về đến tiệm:
- Tôi sẽ nộp bản danh sách này cho cấp trên của tôi. Cấp trên tôi sẽ sử dụng để làm gì, tôi không rõ. Đối với tôi, bản danh sách này đã trở nên vô ích, vì tôi sẽ về Pháp nhận một nhiệm vụ khác. Trước khi về Pháp, tôi chỉ muốn cô hiểu rõ cho tấm lòng tôi yêu cô. Tình yêu ấy dù không được cô đáp lại nhưng tôi muốn có một hành động gì để chứng tỏ tình yêu ấy, muốn có một kỉ niệm để lại đối với cô để mong cô không bao giờ quên tôi. Trong phạm vi tôi có thể làm được, một kỉ niệm đẹp đẽ nhất trong hai chúng ta, tôi nghĩ rằng không gì bằng giúp cho ba người mình yêu thoát khỏi tai nạn. Nhưng xin cô hãy bình tĩnh, cô hãy bình tĩnh…
Thuý Hằng bàng hoàng cả người. Bản thân cô gặp tai nạn gì cô cũng không đến nỗi lo sợ, hoảng hốt như thế. Đây là sinh mệnh của người cha kính yêu. Từ lúc được Rơ-nê báo cho biết, Thuý Hằng sợ mình chậm trễ, sợ một chiếc xe hơi sơn xám nào đó đã đến hai địa chỉ trước cô, mặc dù Rơ-nê đã lấy lời nói danh dự ra hứa với cô rằng hắn sẽ không chuyển bản danh sách ấy cho ai trước khi cô báo cho ba cô biết. Đến trước cửa tiệm, cô nắm chặt tay Rơ-nê nói qua giọng run run:
- Xin cảm ơn ông… Tôi sẽ không bao giờ quên ơn ông!
Anh chàng tình báo ngoại kiều si tình cảm động, không nói được câu nào.
Thuý Hằng như người mất hồn. Cô chạy vội vào báo cho chủ tiệm biết không làm việc được tối nay, rồi ra tìm tắc xi. Giữa lúc đó, cô gặp Phan Thúc Định đến tiệm.
Cô đưa khăn mùi-soa lên miệng, cắn chặt lấy, nước mắt muốn trào ra.
- Em tìm cả hai địa chỉ ấy hỏi mà chẳng ai biết ba em cả. Chẳng lẽ Rơ-nê hắn nói dối em? Hay hắn nhầm địa chỉ. Không. Tên ba em, hắn nói đúng lắm mà! Em biết tìm ba ở đâu bây giờ? Nếu chẳng may ba em làm sao, em sống thế nào được! Bọn cảnh sát, mật thám chúng nó ác lắm!…
Phan Thúc Định cầm tay lái chăm chú và bình tĩnh nghe Thuý Hằng nói. Trong lúc Thuý Hằng nói, anh hoàn toàn im lặng, không chêm vào một câu nào, cả những lúc cô xúc động phải ngừng lại. Khi nghe Thuý Hằng kể xong, trong lúc cô hoang mang muốn khóc thì anh mỉm cười. Thuý Hằng ngạc nhiên hỏi:
- Sao anh lại mỉm cười? Anh hãy nói đi để em yên tâm, có phải Rơ-nê nói dối em không? Đến em cũng không biết được ba em nay ở đâu nữa là hắn!…Nhưng em vẫn thấy lo sợ cho ba em lắm! Làm thế nào bây giờ?
Phan Thúc Định vẫn giữ nụ cười bình thản trên môi:
- Cô hãy yên tâm. Có thể Rơ-nê không nói dối cô đâu. Nếu hắn nói thực về tin tức của ba cô như vậy, tôi xin mừng. Vừa rồi, cô đã báo tin được cho ba cô biết rồi đấy!
Thuý Hằng càng ngạc nhiên:
- Nhưng em đã gặp ba em đâu? Chỗ nào người ta cũng bảo người ta không biết gì cả, em nhầm nhà…
- Cô mải lo cho ba cô nên cô không kịp nghĩ ra hết mọi khía cạnh của vấn đề đấy thôi. Tôi hỏi cô nhé: giả thử cô là những người ấy, trong nhà có chứa ba cô, thấy một người lạ hỏi về ba cô, không đúng những mật hiệu đã quy định, liệu cô có nhận không?
Mắt Thuý Hằng sáng lên. Phan Thúc Định nói tiếp:
- Tất nhiên cô sẽ không bao giờ dại dột như vậy. Tôi lại xin đặt một giả thuyết thứ hai: nếu cô ở địa vị ba cô, thấy hai nhà ấy báo cho mình biết có một người lạ mặt, không phải ở trong tổ chức mình, tự nhiên biết địa chỉ liên lạc của mình đến tìm mình (dù ba cô có biết người ấy là con gái mình chăng nữa), thì liệu ba cô có còn ở nguyên địa chỉ ấy nữa hay không? Hay ba cô sẽ biết ngay mình lộ rồi và phải tìm cách chuyển ngay nơi khác?
Thuý Hằng thở mạnh ra, suýt kêu lên một tiếng. “Ôi đúng như vậy! Có thế thôi mà mình không nghĩ ra. Đầu óc mình mụ cả đi. Ba ơi! Ba có biết con lo quá không?”. Nàng vò chiếc khăn trong tay và cảm thấy máu mình dần dần chạy trở lại bình thường. Phay Thúc Định quay tay lái, lượn vòng chiếc xe, vẫn giọng nói bình tĩnh làm dịu đi bao nhiêu nỗi lo sợ của Thuý Hằng:
- Vậy tôi mới nói cho cô: cô đã báo tin cho ba cô được rồi đấy. Rơ-nê cũng biết chỉ cần cô đánh động thế thôi, ba cô cũng sẽ tìm cách thoát ngay. Bây giờ cô có thể yên tâm quay về nhà nằm nghỉ cho đỡ mệt. Đừng lo nghĩ gì nữa.
Chiếc xe bon về phía đường Võ Di Nguy. Thuý Hằng vẫn còn cảm giác vừa hồi hộp, vừa mừng rỡ như người trải qua một cơn ác mộng. Phan Thúc Định hỏi như nói chuyện bình thường:
- Rơ-nê có nói với cô bao giờ hắn về Pháp không?
- Có, hắn bảo chừng hơn mười ngày nữa hắn về.
- Hắn về Sài Gòn vẫn ở địa chỉ cũ đấy chứ?
- Không, hắn ở khách sạn Ma-giết-tích, phòng 28.
Chiếc xe dừng lại trước cửa nhà Thuý Hằng. Phan Thúc Định nhanh nhẹn ra trước, mở cửa xe. Thuý Hằng bước ra:
- Mời anh vào chơi.
- Xin lỗi, cô để cho lúc khác. Bây giờ, cô cần nghỉ ngơi. Xin chúc cô ngủ ngon. Ngày mai xin gặp cô.
Thuý Hằng nhìn anh trìu mến:
- Xin cảm ơn anh. Không có anh, đêm hôm nay đã là đêm đáng sợ nhất trong cuộc đời em.
*
* *Lúc Thuý Hằng đã quay vào nhà, Phan Thúc Định mất vẻ bình thản. Cử chỉ anh nhanh nhẹn khác hẳn. Anh rú ga xe, phóng nhanh về khách sạn Ma-giết-tích.
Để xe trước cửa khách sạn, anh bước nhanh qua chiếc cửa ra vào che kính xoay tự động. Anh lướt qua chỗ cô gái thường trực khách sạn đang ngồi sau một cái quầy lớn. Đằng sau cô, có một cái bảng với từng hàng con số bằng đồng và dưới những con số bằng đồng là những cái đanh, cái treo chìa khoá, cái không. Định liếc nhìn chiếc đanh dưới con số 28: Trống không. “Rơ-nê có ở đây”.
- Tôi hỏi ông Rơ-nê ở phòng 28. – Định hỏi.
Cô gái thường trực khách sạn nở một nụ cười duyên dáng nhà nghề:
- Xin mời ông lên lầu một, bên trái.
Anh lướt qua vòm cầu thang máy, đi lối cầu thang thường. “Nếu hắn chưa ngủ, đi xuống nhà chơi, thì hắn sẽ đi cầu thang thường”. Một cô gái phấn son đầy mặt, đi từ trên gác xuống, nhìn anh trơ trẽn.
Anh dừng lại ở trước cửa phòng 28, cử chỉ anh trở lại khoan thai, ung dung. Một giọng Pháp làu bàu gì đó rồi cánh cửa hé mở. Một người Pháp khoảng hơn ba mươi tuổi, mặc quần áo ngủ đứng sau cánh cửa. Phan Thúc Định nghiêng đầu:
- Chào ông Rơ-nê. Xin lỗi ông vì đã đến thăm ông giờ này. Ông có bận gì không?
Nhận ra Phan Thúc Định, Rơ-nê mở rộng cửa:
- A, chào ông Định. Không, tôi không bận gì cả. Cơn gió nào đã may mắn đưa ông đến đây vậy? Xin mời ông vào!
Căn phòng khách sạn rộng và sang trọng. Rơ-nê giơ tay mời Định ngồi xuống ghế tiếp khách, lấy ra hai chiếc cốc pha lê xinh xắn:
- Một chút Mác-ten nhé!
- Rất sung sướng được tiếp ông!
Rơ-nê vừa rót rượu, vừa nói:
- Ông cố vấn có bận không? Ô… mới ngày nào, gặp nhau ở Pa-ri ông hãy còn là một sinh viên nghèo. Bây giờ, ông đã là một cố vấn, người tin cẩn của một tổng thống. Ông làm cho những người quen biết cũ của ông như tôi cũng được hãnh diện.
Hai người chạm cốc:
- Xin chúc sức khỏe ông!
- Xin chúc sự thành công trên đường đời của ông! – Rơ-nê nói.
Hắn ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Phan Thúc Định, đặt cốc xuống bàn:
- Ông tìm tôi lúc này chắc có việc gì cần đến tôi?
Phan Thúc Định thẳng thắn:
- Vâng! Cũng như trước đây ở Pa-ri, có những lúc ông tìm tôi đột ngột. Và tôi cũng rất thích lối nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn như ông.
Rơ-nê mỉm cười, thăm dò:
- Hồi đó là tôi cần đến ông và bây giờ chắc là ông cần đến tôi. Xin ông cho biết tôi có thể giúp ông được gì? Chắc ông cần lấy một chuyến máy bay đặc biệt của hãng tôi?
Phan Thúc Định cũng cười:
- Người ta bảo người Pháp hay bông lơn. Đúng thực! Bây giờ, ông đã biết rõ tôi có thể lấy bao nhiêu chuyến máy bay cũng dễ dàng như không. Không, ông Rơ-nê ạ, tôi cần cái khác.
Rồi anh nhìn thẳng vào mặt Rơ-nê, nói:
- Xin ông cho tôi được nói thẳng giữa chúng ta với nhau: tôi muốn mua của ông bản danh sách những cán bộ Việt Cộng còn lại ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn này.
Mặt Rơ-nê hơi biến sắc:
- Sao ông biết tôi có?
- Điều đó ông không cần biết. Ông chỉ nên biết, chúng tôi sẽ mua của ông với giá cao, sòng phẳng.
Rơ-nê im lặng. Phan Thúc Định nói tiếp:
- Hiện nay bản danh sách ấy đối với các ông vô ích, vì người Pháp không còn ở đây nữa. Ông lại sắp về Pháp, tôi nghĩ rằng: ông nên có một số tiền xây dựng một cơ nghiệp ở Pháp để dành cho tương lai sau này. Ông nộp bản danh sách ấy cho cấp trên, ông được hơn cái gì? Ông không nộp nó cho cấp trên, ông cũng chẳng mất đi một chút nào sự tín nhiệm của cấp trên đối với ông. Trong lúc chúng tôi cần bản danh sách đó và ông cũng cần có một cổ phần ở một hãng buôn nào đó ở Pháp…
Rơ-nê rót thêm rượu vào cốc, tợp một ngụm hết. Hắn vẫn im lặng, Phan Thúc Định rút một điếu thuốc lá trong bao đặt trên bàn, châm lửa:
- Tôi tưởng việc đó ông chẳng cần phải suy nghĩ nhiều. Tôi có khuyên ông làm điều gì hại cho nước Pháp đâu? Nếu ông không bán cho chúng tôi, chúng tôi cũng buộc phải tìm cách làm cho cái bí mật ông nắm được sẽ trở thành vô giá trị. Riêng việc chúng tôi biết ông có bản danh sách ấy, thì cái bí mật của ông đã giảm giá rồi. Ông Rơ-nê ạ, tôi chắc ông sẽ còn đi về nhiều lần trên đất Việt Nam này và một lúc nào đó, ông sẽ cần đến chúng tôi…
Rơ-nê nhún vai, ngẩng lên hỏi:
- Ông mua bản ấy cho ai? Để làm gì?
Phan Thúc Định cười lớn:
- Ông bạn thân mến của tôi! Về nguyên tắc, ông không nên hỏi tôi câu ấy mới phải! Nhưng ông đã muốn biết, để tỏ tình thực của tôi đối với ông, tôi cũng xin nói ông rõ: tổng thống Ngô Đình Diệm uỷ quyền cho tôi. Chúng tôi sẽ dùng nó để tiếp tục những công việc các ông đã làm và định làm trên đất này.
- Nếu cấp trên tôi hỏi tôi về bản danh sách ấy?
- Ông yên tâm, ông vẫn giữ bản lưu của ông. Chúng tôi hoàn toàn giữ bí mật cho ông và về phía chúng tôi, chúng tôi chỉ yêu cầu ông một điều: một tuần lễ sau khi trao cho tôi rồi, ông mới được trao nó cho người khác – nếu như ông muốn trao. Chúng ta là những người đứng đắn, chúng ta phải giữ lời hứa đối với nhau.
Rơ-nê chìa bàn tay ra trước mặt Phan Thúc Định. Phan Thúc Định cũng giơ tay ra, nắm lấy bàn tay Rơ-nê. Hắn hỏi:
- Ông có thể trả tôi được bao nhiêu?