Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> X30 phá lưới

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 121987 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

X30 phá lưới
Đặng Thanh

Chương 3
Đồng chí Vũ Long – trưởng ban công tác đặc biệt Trị Thiên – đặt tập hồ sơ trên tay xuống, hỏi đồng chí Trần Mai – đội trưởng một đội công tác nội thành của thành phố Huế – ngồi trước mặt mình:
- Đồng chí vừa nói trong đơn xin phép vào chiến khu của Cao Thị Vân Anh ghi là xin vào thăm ai?
- Báo cáo anh, cô ta xin vào thăm Lê Mậu Thành và nói là chồng chưa cưới.
- Đồng chí cho tôi biết rõ hơn về Vân Anh.
Trần Mai mở chiếc sắc-cốt đặt bên mình, lấy ra quyển sổ tay, anh tìm một trang có ghi về điều Vũ Long hỏi, nói:
- Như anh đã biết sơ qua đấy: Vân Anh, năm nay hai mươi nhăm tuổi, con án sát Cao Xuân Thọ. Thọ bề ngoài là một quan lại của triều đình bù nhìn Huế, hắn còn là một chỉ điểm riêng của tên khâm sứ cáo già Pháp Gơ-ráp-phơi. Hắn đã cài một số tay chân xuống tận các xã, thôn để dò la những hoạt động của nhân dân. Hắn đã xử rất nặng những người đấu tranh cho độc lập tự do. Ngay cả những viên quan lại của Nam triều, người nào liêm khiết, dễ dãi với nhân dân cũng bị hắn báo cáo ngầm cho Pháp biết. Hắn đã nhận nhiều ân huệ về tiền nong, ruộng đất của thực dân Pháp ban thưởng cho công lao đó. Thực dân Pháp đang dự định thăng hắn lên tổng đốc thì cách mạng tháng Tám bùng nổ. Hắn đã chống đối lại cách mạng, hô lính bắn vào đoàn nhân dân biểu tình thị uy cướp chính quyền.
Trước khí thế của nhân dân, bọn lính không theo lệnh hắn đã tan chạy hết. Hắn bị bắt và bị toà án nhân dân kết án tử hình. Vợ hắn đem Vân Anh về ở với người em ruột của hắn là tham tá Cao Xuân Đăng. Ít lâu sau, vợ hắn cũng chết, Vân Anh ở với Cao Xuân Đăng. Đăng ra làm tay sai cho Pháp, khi Pháp quay trở lại. Do công lao của tên anh ruột trước đây, do thái độ trung thành với đế quốc, Đăng được bọn thực dân cho làm tỉnh trưởng. Hắn đang có âm mưu muốn leo nữa, thường thì thọt đi lại nhà riêng tên Nguyễn Đệ, đổng lí văn phòng của Bảo Đại, định làm một ghế bộ trưởng, thứ trưởng gì đó của chính phủ bù nhìn. Hắn nuôi Vân Anh cũng có dụng ý riêng. Hắn muốn dựa vào công lao đối với thực dân và cái chết của tên Thọ để được tín nhiệm với Pháp. Tuy mang tiếng là nuôi Vân Anh nhưng thực ra tất cả tiền ăn học của Vân Anh hồi ở Huế cũng như học bổng sang Pháp du học của Vân Anh đều do Pháp trợ cấp hết.
Hình như chính Vân Anh cũng không biết điều đó, bởi mọi việc đơn từ xin xỏ, kể công với thực dân Pháp đều do tên Đăng làm, mọi giấy tờ chứng nhận cũ của tên Thọ, Đăng còn giữ được cả. Riêng về Vân Anh thì hồi còn đi học ở Huế thường ít nói, hay buồn, hay tránh những cuộc tụ họp đông đảo của học sinh, thanh niên. Trong thời kì này, Vân Anh gặp Lê Mậu Thành và yêu Thành, sau đó Lê Mậu Thành ra vùng ta thì Vân Anh cũng sang Pháp. Theo sự điều tra của ta thì thời kì Vân Anh ở Pháp, chủ yếu là cô ả đi học chứ chưa có hoạt động gì cho bọn đế quốc cả. Lúc sang học ở Kem-brít-giơ thì có hiện tượng hay vào phòng thông tin Mỹ mượn sách báo. Mùa hè năm nay trước khi về nước, cô ả có sang Mỹ một tháng dưới danh nghĩa ở trong đoàn đi du lịch tìm hiểu nước Mỹ, do phòng thông tin Mỹ ở Anh tổ chức.
Việc sang Mỹ này Vân Anh không cho ai biết cả. Về nước cô ta có đến phòng thông tin Mỹ ở Sài Gòn vài lần. Theo phán đoán của tôi thì có thể là Vân Anh đã bị bọn tình báo nước ngoài mua chuộc trong thời kì ở Anh. Việc cô ta đến phòng thông tin Mỹ ở Sài Gòn chắc không phải chỉ là để mượn sách đọc báo, mà có thể là để nhận chỉ thị gì của bọn địch. Bởi vì rất nhiều tên gián điệp của Mỹ không bao giờ đến tiếp xúc trực tiếp với Toà đại sứ Mỹ mà chỉ qua bọn đội lốt nhân viên phòng thông tin.
Đồng chí Vũ Long lắng nghe Trần Mai nói rất chăm chú. Mái tóc sớm hoa râm, trên khuôn mặt hãy còn trẻ của anh, hơi nghiêng nghiêng. Đôi lúc lông mày anh hơi cau lại như phân tích những sự việc Trần Mai kể, anh cầm bút ghi một vài chữ vào giấy. Khi Trần Mai nói xong, anh mỉm cười:
- Không phải có thể nữa đâu mà chính Vân Anh đã là người của tình báo nước ngoài rồi đấy.
Tài liệu của đỏng chí thu thập được và sự phán đoán của đồng chí về Vân Anh rất phù hợp với những điều đồng chí X.30 báo cáo về. Việc Vân Anh xin ra vùng ta nhờ đồng chí X.30, chúng ta cũng đã được biết trước. Nhưng cô ta ra đây mục đích gì là chúng ta chưa rõ. Việc xin phép ra này cũng là cách cô ta đánh một ván bài cao tay với ta đây. Vân Anh xin phép công khai chứ không lẻn ra bí mật vì biết rằng với sự kiểm soát chặt chẽ của ta, cô đi bí mật thì ta cũng biết và có thể ta sẽ vin vào cớ đó mà giữ cô ta lại, gây thêm nhiều rắc rối cho cô ta. Còn một điều nữa, nếu Vân Anh lẻn ra bí mật tiếp xúc với Lê Mậu Thành thì sẽ gây thêm cho ta mối nghi ngờ lớn đối với Thành – nếu chúng ta chưa hiểu biết gì về Thành. Cô ta xin phép công khai như thế này để dễ đánh lạc hướng chúng ta, làm chúng ta tin rằng một khi đi đàng hoàng như thế là không có ẩn ý gì như trăm nghìn người khác vẫn ra thăm người thân ngoài vùng ta. Nếu chúng ta không cho phép Vân Anh ra, Vân Anh vin vào cớ đó nói rằng chúng ta ngăn cản sự đi lại, chia cắt tình cảm gia đình, buông “bức màn sắt” – như bọn địch vẫn thường rêu rao một cách khả ố. Vả lại, như thế chẳng khác gì báo cho địch rằng ta đã biết cô ta là ai rồi và làm cho Lê Mậu Thành thấy động.
Trần Mai nhìn người thủ trưởng của mình và nhận xét thấy gần đây tóc Vũ Long lại thêm nhiều sợi bạc nữa. Anh nghĩ thầm: “Làm gì mà không sớm bạc đầu. Ngũ Tử Tư chỉ một đêm suy nghĩ, tóc đã trắng xoá hết, huống chi đằng này phải đối phó với những kẻ địch vô cùng nham hiểm độc ác, nhiều mưu sâu kế hiểm, len lỏi cài vào khắp nơi. Làm sao phân biệt được người ngay với kẻ gian?
Người ngay thì phải bênh vực, bảo vệ. Kẻ gian thì phải trừng trị, nhưng không phải đối phó với kẻ gian nào cũng giống với kẻ gian nào. Người làm công tác đặc biệt này phải hàng ngày hàng giờ luôn suy nghĩ, nhận xét, phán đoán, phân tích, tổng hợp đề ra biện pháp, kế hoạch… Mình đến năm bốn mươi tuổi cũng bạc đầu sớm mất”. Anh lại có thêm một nhận xét nữa về thủ trưởng của mình: “Mỗi lúc Vũ Long suy nghĩ thì nét mặt anh thật nghiêm nghị, già hẳn đi, nhưng khi anh cười lại thấy anh như trẻ hắn lại, niềm lạc quan, yêu đời ánh lên trong cặp mắt đen thông minh, với hàm răng trắng bóng của anh”. Trần Mai tự nhủ: “Công tác này làm người ta già trước tuổi nhưng mình lúc nào cũng phải giữ được lạc quan như anh ấy. Điều ấy thật là khó, tuy vậy đấy cũng mới chỉ là một nét của con người cách mạng”.
Thấy Vũ Long trở lại vấn đề Lê Mậu Thành, Trần Mai hỏi:
- Anh đã xác minh được vấn đề Lê Mậu Thành chưa?
- Vấn đề Lê Mậu Thành đã rõ rồi. Lê Mậu Thành tên thật là Lê Hùng. Bố hắn là Lê Dục, thường gọi là Hàn Dục, có đồn điền trồng cà phê ở Kon-tum và có nhiều ruộng đất ở Quảng Ngãi. Lê Mậu Thành là con thứ hai của Hàn Dục. Vào đảng Đại Việt Quốc xã khi Nhật sang, sau khi Nhật đầu hàng, hắn cùng đồng bọn tìm cách lẩn trốn. Hùng đổi tên là Lê Mậu Thành, giấu kín quá khứ, đi dạy học ở trường Khải Định. Hắn nổi tiếng nói chuyện hay, nên đã lôi kéo được một số thanh niên học sinh. Năm 1951, hắn bắt liên lạc với ta, bỏ dạy học, từ giã bạn bè ra vùng giải phóng xin tham gia kháng chiến.
Chúng ta đã đón tiếp hắn niềm nở, theo nguyện vọng muốn tham gia công tác của hắn, xếp hắn công tác ở cơ quan giáo dục. Hai năm nay, ở co quan hắn làm việc rất tích cực, chứng tỏ có nhiều khả năng, hay đi lại thăm hỏi săn sóc anh em, được anh em trong cơ quan tín nhiệm. Nhưng nghiên cứu lí lịch tự khai của hắn, ta thấy hắn giấu cái quá khứ tham gia Đảng Đại Việt mà hắn tưởng ta không biết. Đồng thời bảo vệ cơ quan cho biết hắn thường xuyên lân la tiếp xúc với nhiều người trong đó có một số phần tử có nghi vấn về thái độ chính trị. Những điều ấy làm chúng ta phải nghiên cứu. Một thời gian chúng ta chưa kết luận được gì về Lê Mậu Thành vì thấy hắn hoàn toàn không liên hệ gì với tay chân của bọn Phòng Nhì Pháp cả, trong khi hầu hết bọn Đại Việt khác đều chuyển sang làm tay sai cho Pháp. Gần đây theo bản báo cáo của đồng chí X.30, thì ra hắn là người của Ngô Đình Diệm cài vào hàng ngũ ta…
Sở dĩ ta vẫn để Lê Mậu Thành ở đây vì muốn theo dõi thêm hoạt động của hắn, để có những chứng cứ cụ thể mà hắn không chối cãi được và xem đồng bọn của hắn như thế nào? Ta phải phán đoán xem mục đích của Vân Anh gặp hắn để làm gì? Có phải là vì tình yêu hay đây chỉ là mối dây liên lạc đầu tiên giữa bọn gián điệp.
Hai người cùng im lặng. Từ bên ngoài một tiếng chim hót lảnh lót bay vào.
Trần Mai hỏi:
- Bên uỷ ban hỏi chúng ta có cho phép Vân Anh vào thăm Lê Mậu Thành không? Chúng ta sẽ trả lời uỷ ban như thế nào?
Giọng Vũ Long cương quyết:
- Chúng ta sẽ cho phép Vân Anh vào gặp Lê Mậu Thành. Chúng ta làm cho chúng tưởng rằng chúng ta không nghi ngờ gì cả. Quyết định như thế này: Tôi sẽ báo cho uỷ ban biết ý kiến của chúng ta, đề nghị uỷ ban cứ cho phép Vân Anh vào chiến khu thăm Thành. Còn đồng chí trực tiếp đến cơ quan Lê Mậu Thành đang công tác, hoàn toàn giữ bí mật chuyện Vân Anh vào thăm Thành, đề nghị cơ quan chuyển ngay bộ phận của Thành làm việc ra một chỗ khác thật xa nơi cơ quan đang đóng, lấy cớ vì lí do an ninh. Sau khi chuyển xong độ một tuần lễ thì ta cho Vân Anh vào. Đồng chí sẽ đến chỗ Thành vừa đến đóng vai… (Vũ Long nói nhỏ vào tai Trần Mai). Đồng chí đề nghị với cơ quan giáo dục đón tiếp Vân Anh thật tốt. Sau đó, kế hoạch cụ thể sẽ như thế này.
*
* *
Vừa bước chân ra khỏi dãy lán tập thể, Vân Anh kêu lên ngạc nhiên, như phát hiện ra một điều kì lạ:
- Trời ơi, trăng đẹp quá!
Cô đứng sững lại, Lê Mậu Thành cũng đứng lại.
Trăng đẹp thật. Trăng mười sáu vừa mới lên, tròn vành vạnh. Trời xanh ngắt, rộng mênh mông, những vì sao mờ đi nhấp nháy lảng ra xa.
Ánh trăng phủ một màu sáng xanh huyền ảo lên cảnh vật như trong mơ. Bóng tối nấp vương vất trong các lùm cây càng làm tăng thêm nửa mộng, nửa thực. Mỗi lúc gió thổi qua các lùm cây, những chiếc lá xao động run rẩy, ánh trăng ùa vào vờn nhau với bóng tối, rồi sau đó trăng lại bát ngát, bao la.
Vân Anh nói:
- Bao nhiêu năm rồi sống ở thành phố, nhất là các thành phố châu Âu toàn ánh đèn nê-ông, em chưa bao giờ được nhìn cảnh trăng sáng đẹp như thế này. Anh có thấy đẹp không?
Lê Mậu Thành đáp:
- Đối với anh có lẽ quen rồi, anh không thấy nó đẹp như em. Anh chỉ thấy ở chiến khu này đêm nào không có trăng khổ lắm, đi lại phải mò mẫm. Những đêm có trăng, sinh hoạt được thuận lợi hơn nhiều.
Hai người qua một khoảng đất trống, đi trên con đường dẫn ra ngoài cánh đồng mênh mang ánh trăng. Trăng vương lên mái tóc, vai áo họ. Trăng vương lên mỗi bước chân của họ.
Vân Anh đã viết đơn gửi Uỷ ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên xin vào vùng giải phóng thăm Lê Mậu Thành. Hàng ngày có nhiều người ở quê ngoại Vân Anh thuộc xã Nguyên Thuỷ lên Huế bán thực phẩm. Vân Anh nhờ bà dì ở xã lên chuyển hộ lá đơn ấy thông qua Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Hương Thuỷ đến Uỷ ban Hành chính Kháng chiến tỉnh.
Khi nhận được giấy phép do Uỷ ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên cấp, cũng là do bà dì đưa lại, Vân Anh liền thay đổi quần áo, mặc một chiếc áo tím sẫm, một chiếc quần đen, tóc cặp sát mái đầu như hầu hết những phụ nữ lao động ở nội ngoại thành phố Huế, theo bà dì về làng. Ở lại nhà bà dì một buổi chiều, đợi lúc gà vào chuồng, cô mới lên đường theo một người du kích đến đón.
Đường đi lên xuống gập ghềnh, khúc khuỷu. Trời tối. Trong đời Vân Anh chưa bao giờ cô vất vả khó nhọc như thế. Nghĩ đến việc sắp được gặp Lê Mậu Thành, Vân Anh cố theo kịp người du kích dẫn đường. Người này thoăn thoắt bước đều, thỉnh thoảng đứng lại chờ cô. Vấp mấy cái suýt ngã, Vân Anh không dám bật lên tiếng xuýt xoa. Một tràng đạn liên thanh nghe như từ ven nội thành Huế vọng lại. Ánh pháo sáng run rẩy trên đồn xa xa.
Thỉnh thoảng đi gần một làng nào đó, hai người gặp một người du kích như từ trong bóng tối tách ra chặn lại hỏi giấy, rồi người du kích đó biến mất vào trong bóng tối. Một đoàn hơn chục người, có mang súng và lựu đạn lặng lẽ như những cái bóng đi ngược về phía Vân Anh và người du kích dẫn đường. Không có một tiếng chó sủa. Một nỗi lo sợ bâng quơ, một sự hồi hộp trước những điều mới lạ choáng ngập tâm hồn Vân Anh.
Vào khoảng hơn ba giờ sáng, Vân Anh đến chiến khu Dương Hoà (12). Cô gặp các đồng chí công an ở trạm tiền tiêu. Sự tò mò kích thích Vân Anh cao độ. Đây là những người kháng chiến! Đây là những người Cộng sản.
Đây là những người xuất quỷ nhập thần đã làm tan rã sự thống trị của người Pháp trên đất này. Đây là những người mà báo chí sách vở Pháp và nước ngoài, tuỳ theo quan điểm của người viết, mỗi người nói một cách khác nhau. Đây là những người mà cô coi là kẻ thù… Vân Anh chăm chú quan sát những người kháng chiến đầu tiên mà cô gặp. Họ đều mặc quần áo may bằng thứ vải sita (13). Người nào cũng sạm nắng gió nhưng họ luôn tươi cười. Cô hơi ngỡ ngàng ngạc nhiên. Các đồng chí công an đưa cô vào nghỉ tại nhà tiếp khách và báo tin cho Lê Mậu Thành biết. Khoảng 9 giờ sáng, Lê Mậu Thành ra đón Vân Anh.
Họ gặp nhau trong phòng tiếp khách của trạm công an. Nói là phòng tiếp khách cho đúng nghĩa thôi chứ thật ra là một cái phòng nhỏ dựng bằng tre, lợp lá. Trên vách có treo một bức ảnh Hồ Chủ tịch. Đồ đạc giản dị nhưng sạch sẽ. Một bộ bàn ghế gỗ mộc trên có ấm chén và phích nước.
Vừa trông thấy Vân Anh, Lê Mậu Thành rất kinh ngạc kêu lên:
- Trời ơi, em!
Vân Anh cũng nghẹn ngào:
- Anh!
Cô ngắm Thành từ đầu đến chân. Cô thấy Thành gầy và đen đi nhiều so với hồi ở Huế nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn hơn trong bộ quần áo nâu sẫm, đi dép lốp như tất cả các bộ đội kháng chiến khác.
Lê Mậu Thành đón Vân Anh về nơi cơ quan mình đóng.
Những người trong cơ quan Thành đón Vân Anh với thái độ nồng nhiệt. Mọi người trong cơ quan quý Vân Anh như người nhà của họ ra thăm họ chứ không phải coi Vân Anh chỉ ra thăm riêng Thành. Họ nhất định bắt Thành phải nghỉ công tác ngày hôm đó để tiếp Vân Anh. Họ thu xếp chỗ nghỉ ngơi cho cô. Ai cũng lưu cô ở lại chơi mấy ngày. Tất cả những điều phỏng đoán của Vân Anh trước khi ra đây và những tính toán đối phó của Vân Anh đều bị lật nhào. Vân Anh rơi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vân Anh trở nên bị động, lúng túng. Vân Anh lúng túng nhiều khi mọi người, rất tự nhiên, hỏi thăm tình hình sức khoẻ gia đình Vân Anh. Vân Anh đã phải nói dối và một điều ngạc nhiên đối với Vân Anh nữa là trước đây cô cứ tưởng cán bộ Việt Minh đều là những người vô học thì bây giờ Vân Anh thấy ngược lại. Họ đều là những người biết khá sâu về mọi vấn đề. Trong đám người ấy, Lê Mậu Thành “của mình” không phải là người trí thức nổi bật như cô vẫn hình dung. Tất nhiên cô vẫn không lúc nào quên đây là những kẻ thù của cô, nhưng Vân Anh cảm thấy lo sợ, một nỗi lo sợ cô đơn của bất cứ ai đứng trước một kẻ thù vững vàng, mạnh mẽ hơn mình tưởng.
Bữa cơm chiếu hôm đó, vì cô là khách nên mâm cơm của cô có thêm một bát canh cá. Ăn cơm xong. sau khi quây quần bên ấm nước chè, nói chuyện vui, mọi người kiếu từ về nơi mình làm việc, để Lê Mậu Thành và Vân Anh tự do nói chuyện. Hai người rời khỏi lán đi chơi giữa lúc trăng đang lên.
Suốt ngày, vì mới gặp nhau, vì hoàn cảnh khách quan không tiện, vì phải tiếp các cán bộ trong cơ quan đến hỏi thăm, hai người giữ ý chưa nói chuyện nhiều với nhau, tuy vẫn thấy có những điều muốn nói với nhau ngay.
Bây giờ chỉ còn có trăng với họ.
Họ bước trong ánh trăng như trong một làn sương mờ. Lán cơ quan đã lùi xa về phía sau. Sự tĩnh mịch càng làm tăng thêm vẻ huyền ảo.
Lê Mậu Thành có vẻ trầm ngâm trong khi Vân Anh không nén nổi sự hồi hộp. Có người thiếu nữ nào đi bên cạnh người yêu trong một đêm trăng mà không hồi hộp.
- Chắc anh không ngờ em ra gặp anh phải không?
Vân Anh hỏi.
Thành gật đầu:
- Anh cứ tưởng em vẫn còn ở bên Pháp. Anh không ngờ em đã về nước rồi, trong khi anh đã ở một trận tuyến khác.
- Anh ạ. Khi tình yêu đã lên tiếng gọi thì người ta có thể đi đến chân trời góc biển tìm nhau.
- Cảm ơn em. Anh sẽ xứng đáng với tình yêu của em.
- Suốt thời gian em ở nước ngoài, em nhớ anh vô cùng. Em chỉ giận anh khi bỏ ra đây, anh không nói gì cho em biết trước, thậm chí không cho em được gặp một lần cuối cùng.
- Em hiểu cho anh, lúc ấy anh đi vội quá. Có liên lạc anh phải lên đường ngay. Vả lại, việc anh đi theo kháng chiến, sợ em không đồng ý… Anh xin lỗi em.
Vân Anh im lặng. Cô đi sát vào Lê Mậu Thành. Trăng đã lên cao hơn.
- Bây giờ thì em quên rồi. – Vân Anh nói. – Em quên hết những gì đã qua rồi. Bây giờ, em chỉ biết em đang ở bên anh. Khoảng cách về không gian và thời gian giữa hai chúng ta không còn nữa. Em vẫn yêu anh. Em muốn chung sống với anh. Cho nên vừa ở nước ngoài về, em đi tìm anh ngay.
- Anh cũng rất yêu em. Nếu không được chung sống với em thì cuộc đời anh sẽ không bao giờ biết thế nào là hạnh phúc cả. Nhưng em biết đấy, anh đang là người kháng chiến mà em thì chắc không thể ra ngoài này ở với anh được…
Vân Anh lắc đầu:
- Anh nói đúng. Em ra ngoài này ở thế nào được. Mọi cái ở đây đều không hợp với em. Từ cách sống đến nếp suy nghĩ, những người ở đây khác xa em. Chẳng lẽ em quên mối thù của gia đình em hay sao? Anh Thành, anh hãy về Huế cùng em. Chúng ta yêu nhau, chúng ta đừng nên để tuổi trẻ chúng ta qua đi. Anh hãy về cùng em. Ở đây gian khổ lắm, anh gầy đi nhiều quá. Anh hãy về cùng em. Chúng ta sẽ xây dựng gia đình. Chú em có thể bảo đảm cho anh, nếu anh muốn đi làm. Chắc chắn anh sẽ có một cương vị xứng đáng với tài năng của anh. Nếu anh không muốn ở trong nước, chúng ta đi ra nước ngoài, chúng ta sẽ sống trọn đời hạnh phúc.
Lê Mậu Thành hơi cúi đầu xuống:
- Em xui anh về thành theo Pháp ư. Không. Anh không thể trở về được. Trước sau Pháp sẽ thua. Anh rất yêu em nhưng anh không thể vì yêu em mà phản bội lí tưởng của anh. Nếu em yêu anh, em hãy cố gắng đợi anh cho đến khi nào anh làm xong sự nghiệp lớn. Ngày ấy, không còn bao lâu nữa. Ngày ấy chúng ta chung sống với nhau mới hoàn toàn hạnh phúc.
Vân Anh chớp chớp mắt. Cô khẽ thở dài. Câu nói của Lê Mậu Thành làm cô nảy ra một ý định mới. Cô ngước mắt nhìn Thành hỏi:
- Anh có quen Phan Phúc Định không?
Lê Mậu Thành ngạc nhiên nhìn vào mắt Vân Anh thăm dò. Hắn chỉ thấy đôi mắt cô đọng ánh trăng long lanh. Hắn hỏi lại:
- Nhưng tại sao tự nhiên em lại hỏi anh như thế?
- Em chợt nhớ ra.
- Em nhớ ra cái gì? – Lê Mậu Thành căn vặn.
- Em chợt nhớ ra khi anh nói đến “làm xong sự nghiệp lớn”. Nhưng anh hãy trả lời em đi: Anh có quen Phan Thúc Định không đã.
Lê Mậu Thành cau mày, cố suy nghĩ:
- Em hỏi để làm gì đã?
Vân Anh vừa nói vừa nhìn Thành:
- Trước khi ra đây, em có gặp Phan Thúc Định. Định nói có quen anh và nhắn em nói hộ với anh rằng: “Người bạn cũ của Thành nhà ở bên núi Ngự Bình có lời hỏi thăm và muốn biết anh Thành đã làm xong sự nghiệp lớn chưa?”.
Nét mặt Lê Mậu Thành hiện rõ nét vui vẻ:
- À, à… Phan Thúc Định là bạn rất thân với anh. Thế bây giờ anh ấy ra sao? Làm gì rồi?
- Anh ấy vừa tốt nghiệp luật khoa tiến sĩ và cũng mới về nước. Hiện nay anh ấy chưa nhận được chức vụ gì của chính phủ Bảo Đại. Anh ấy nói còn tiếp tục đi nghiên cứu thêm luật pháp ở một số nước…
- Em về nói với anh Phan Thúc Định hộ anh là anh cảm ơn anh ấy hãy còn nhớ đến anh. Em nói hộ: “Anh không bao giờ từ bỏ sự nghiệp anh đang theo đuổi cả. Sự nghiệp lớn nằm trong tay những người quyết tâm. Sự nghiệp lớn của anh sắp hoàn thành rồi”. Anh sẽ đi theo kháng chiến đến cùng.
Thành ngừng lại một lúc, thấy Vân Anh không tỏ thái độ cũng như không hỏi gì, hắn thong thả nói tiếp:
- Anh rất cảm động thấy Phan Thúc Định hỏi thăm anh.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 245

Return to top