Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> X30 phá lưới

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 121982 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

X30 phá lưới
Đặng Thanh

Chương 21
Chiếc Méc-xê-đét màu đen chạy chậm chậm dọc đường bờ sông An Cựu, từ phía Phú Cam xuống, đỗ trước một ngôi nhà đồ sộ có vườn rộng bao quanh. Ngày xưa, đây là cung An Định, nơi an dưỡng của bà Từ Cung, mẹ Bảo Đại.
Ngô Đình Cẩn và Phan Thúc Định bước xuống xe. Hai người thong thả bước vào. Tòa nhà có kiến trúc theo kiểu dinh thự, vừa cầu kì chạm trổ, vừa cao ráo nhưng đầy vẻ âm u. Bọn vệ sĩ ở hai chiếc xe gíp sau, toả ra khắp bốn phía, trừ một tên vệ sĩ thân tín của Cẩn, lầm lũi đi cách mấy thước theo hai người. Tên này cao lớn, người công giáo. Theo lời giới thiệu của Cẩn với Định thì gã vệ sĩ này có thể bắn súng cả hai tay không kém bất cứ một “cao bồi” nào trên màn ảnh. Gã lại còn giỏi cả võ Nhật lẫn gồng, một mình có thể đánh ngã vài ba chục người. Gã trung thành với Cẩn như một con chó trung thành với chủ.
Ngô Đình Cẩn đưa Định đến xem vườn cam của hắn phía sau toà dinh thự kiên cố, như một pháo đài đó. Vườn cam bát ngát. Những cây cam sum sê lá xanh rờn, cây nọ nối tiếp cây kia. Những quả cam tròn to, trĩu nặng, có chỗ phải chống lên để khỏi chạm đất. Nhìn những hàng cam thẳng tắp, không có một cái lá sâu, sai quả ấy, người ta nghĩ đến bao nhiêu công lao động đã bỏ ra. Nhưng đây tịnh không một bóng người. Một cái gì u uất bao trùm lên màu xanh của các lùm cây. Vắng lặng. Quạnh quẽ. Không hiểu tại sao Phan Thúc Định có những cảm giác rất mâu thuẫn sau khi đi cùng với Ngô Đình Cẩn vào vườn cam này: cảm giác mâu thuẫn giữa màu xanh rờn của lá cây với cái không khí quạnh quẽ rờn rợn của toà nhà rêu phong, giữa những hàng cây thẳng tắp được nhặt cỏ, tỉa lá cẩn thận với cái không khí u uất tẻ lạnh.
- Người nào trông coi vườn cam này cho cụ lớn đáng được thưởng. – Phan Thúc Định trầm trồ.
Ngô Đình Cẩn bỏm bẻm nhai trầu đáp:
- Đây là bọn tù phải làm. Tôi giao cho bọn cai tù, mỗi buổi sáng, bọn cai tù phải dẫn tù đến đây tỉa lá, quét dọn, bón gốc. Nếu để sót một chiếc lá sâu, nếu làm rụng một trái cam sẽ bắn tại chỗ. (Hắn gật gù như tự nói với mình). Đằng nào mà chẳng phải bắn bớt chúng nó đi.
Bây giờ thì Định mới hiểu tại sao lại có không khí quạnh quẽ u uất bao trùm lên màu xanh đáng lẽ ra đầy sức sống của cái vườn cam này. Cẩn không chú ý gì đến thái độ của Phan Thúc Định, đứng lại trước một cây cam, quả tròn căng, chín vàng. Hắn nhả chiếc bã trầu trong miệng ra, đưa tay bứt một quả đưa cho Định:
- Cam này ngọt lắm. Ông có biết tại sao cam của tôi ngọt và sai thế này không?
Hắn ngừng lại đợi Định trả lời. Định mỉm cười:
- Thưa cụ lớn, tôi không phải là một nhà trồng trọt.
Cẩn hề hề cười, đắc chí:
- Dù có là nhà trồng trọt, ông cũng không nói trúng được đâu. Tôi nói ông biết hí. Chỗ này gần nơi nhốt tù Cộng sản. Tôi cho đào lỗ ở đây sẵn, mỗi thằng Việt Cộng chết, cho chôn xuống lỗ và trồng cam lên trên đó. Có thằng tôi cho chôn sống rồi đổ vôi lên. Không có một chất bón nào tốt hơn thế… Hờ… Hờ… Ông có thấy người ta vẫn chôn xác mèo xuống gốc cây khế không? Hờ… Hờ… xác người tốt hơn nhiều… Ông nếm thử một trái mà coi!
Định hơi cúi đầu:
- Cảm ơn cụ lớn… Từ hôm qua đến nay, tôi bị đau bụng đi ngoài, không dám ăn một cái gì.
Ngô Đình Cẩn chặc lưỡi:
- Đáng tiếc hí!
Hắn quay lại ném quả cam cho thằng vệ sĩ đi sau:
- Cho mi này!
Tên vệ sĩ đỡ lấy quả cam một cách gọn gàng. Cẩn bứt một quả chín khác, dùng mấy ngón tay móng để dài như móng tay các cụ đồ nho, bóc vỏ. Hắn tách từng múi ra ăn ngon lành. Nước cam ứa ra ở hai bên khoé mép hắn vừa ăn trầu còn đỏ đó, làm Phan Thúc Định có cảm giác những giọt nước cam ứa ra là những giọt máu.
Phan Thúc Định đảo mắt nhìn quanh khu vườn
- Cụ lớn vừa nói ở đây gần một nơi nhốt bọn Cộng sản?
Cẩn nuốt xong múi cam mới đáp:
- Ừ, ừ. Tôi sẽ đưa ông đến chỗ đó…
Rồi hắn lại trở về câu chuyện vườn cam của hắn:
- Hầu như ngày nào tôi cũng có cam gửi máy bay về biếu tổng thống và anh chị Nhu. Tổng thống cũng thích cam này lắm.
Tên vệ sĩ cũng ăn quả cam một cách ngon lành. Cẩn bứt một quả nữa ném cho gã:
- Cho mi trái nữa!
Ngô Đình Cẩn quay sang trái chỗ hắn đang đứng, bước đến một cây cam trĩu quả. Quả cam trông có vẻ to hơn và da màu đỏ thẫm. Hắn chỉ vào cây cam rồi nói:
- Cây ni tốt như rứa mà trái chua loét không ăn được mới lạ. Dưới gốc có xác một con giao liên Cộng sản. Con này rứa mà to gan, đào lỗ chôn sống mà hắn cũng không chịu khai ra đồng bọn!
Cẩn quay ra phía sau nói với tên vệ sĩ:
- Mi bảo thằng giám đốc đề lao cho bón thêm vôi vào gốc cây này. Nếu sang năm ra trái chua thì nhổ nó đi, trồng một cây quýt Hương Can thay vào cho tao hí.
Cẩn quay sang Phan Thúc Định:
- Lên đây, tôi cho ông xem lan của tôi nữa!
Hai người ra khỏi vườn cam đi đến khu vực trồng lan cách đây vài chục bước. Tên vệ sĩ vẫn lầm lũi theo sau. Vẫn vắng lặng, quạnh quẽ. Chỉ có tiếng dép lê của Cẩn và tiếng gót giày da của Định xạt xào trên mặt đất.
Hai người bước vào khu vực trồng phong lan, trước đây là một góc vườn trồng cây ăn quả lưu niên. Ngày nay Cẩn cho dựng lên những dàn tre chạy dài dưới vòm cây lá sum sê sát vào đến tận sân của ngôi nhà. Dưới dàn là hàng trăm giò phong lan treo lủng lẳng. Phong lan cỏn được cấy vào thân cây để giữ được vẻ tự nhiên. Mỗi giò phong lan có một thế khác nhau. Có giò hoa như đàn bướm bay; có giò hoa như một cái đuôi cáo xù lông dài quá nửa mét. Có những giò đã nở hoa. Hương thơm phảng phất, một thứ hương thơm man dại. Nhưng vẫn có cái gì u uất, vắng lặng, quạnh quẽ. Thỉnh thoảng, Định nghe thoáng trong không gian một tiếng gì như tiếng thầm thì, than thở. Một thứ tiếng nhẹ quá, mơ hồ quá như từ một cõi đời khác đưa lại, đến nỗi Định không tin vào chính tai mình nữa. Tự nhiên anh thấy rờn rợn. “Tại sao mình lại có cảm giác ấy nhỉ?”. Định phân vân tự hỏi. Anh không thể nào phân tích nổi cảm giác của anh nữa.
Ngô Đình Cẩn chỉ từng giò phong lan nói như giảng giải cho Phan Thúc Định nghe:
- Đây là Vĩ hồ, đây là Quế lan hương, đây là Vi long, đây là Phi điệp… (những cái tên ấy, như rơi vào chỗ trống không, vì tai làm vẻ chăm chú nghe hắn nhưng tâm trí Định vẫn nghĩ tận đâu). Đây là những giò vừa mang ở Cao nguyên về, tôi chưa biết tên nó là gì. Có lẽ phải đặt tên mới. Tôi sẽ làm cho vườn phong lan này nổi tiếng không kém bất cứ vườn phong lan nào trên thế giới. Trên thế giới này, có những vườn phong lan nổi tiếng như của Pháp, của tổng thống Nam Dương Sô-các-nô… Ông ở Pháp, ông đã vào thăm vườn phong lan của Pháp ở trong một khu rừng Luýt-dăm-bua chưa?
- Dạ thưa cụ lớn, thời kì ở Pháp, tôi bận học quá.
- Ông có ý kiến gì về cách trang trí của khu vườn này không?
- Thưa cụ lớn, vườn phong lan của cụ lớn thực là phong phú. Tôi cho rằng, ở Việt Nam, không có một nơi nào khác có được nhiều phong lan đẹp như ở đây.
Ngô Đình Cẩn đắc chí, lại giảng giải thêm:
- Ông nói đúng. Ở Nam Trung phần và miền rừng phía Tây cao nguyên, có nhiều gỗ quý như giáng hương, căm xe, bạch đàn… Phong lan mọc trên những cây này khác hẳn với hầu hết các loại phong lan thông thường ở nơi khác trên thế giới. Ít người biết và không một sách vở nào nói đến loại này. Vừa rồi, thằng trung tá Thiệu ở Ban Mê Thuột gởi về cho tôi mấy giò. Theo hắn nói, một trung đoàn Bảo chính sục sạo trong rừng ở vùng ba biên giới hàng tháng trời và bị phục kích tổn thất đến hơn hai đại đội mới lấy được bằng ấy…
“Trung tá Thiệu” – Phan Thúc Định bỗng thoáng nhớ ra đã một lần gặp mặt tên này tại nhà Cao Xuân Đăng, lúc bấy giờ hắn còn là trung uý trong quân đội Liên hiệp Pháp. Thằng này rất tin ở tướng số và có tài xoay sở, nịnh bợ, xuất thân từ một tên cai khố vàng, phục vụ tại tư dinh của viên quản đạo tỉnh Ninh Thuận thời còn thực dân Pháp cai trị. Bây giờ hắn là trung tá trong quân đội quốc gia. Thủ đoạn tiến thân của hắn là độc ác như thế đó!
Ngô Đình Cẩn chỉ cho Định xem mấy giò phong lan mà Nguyễn Văn Thiệu vừa gởi về biếu hắn:
- Ông xem. giống lan này thật là hiếm có… Cứ những đêm trăng, từ những cành lan toát ra mùi hương thơm. Hoa của nó càng thơm… Kể ra hai đại đội Bảo chính đổi lấy mấy giò lan này cũng đáng. Tôi đã điện xin tổng thống vinh thăng cho thằng Thiệu lên đại tá.
“Lê Ngọa Triều của Nam Việt xưa và Nê-rông của thời La-mã cũng không tàn bạo hơn tên lãnh chúa này”. Định có cảm giác vừa ghê tởm vừa buồn nôn khó chịu, trong khi Ngô Đình Cẩn ra vẻ thích thú với vườn lan của hắn. Hắn lấy cau trầu bỏ vào mồm nhai bỏm bẻm.
Từ khu nhà âm u có nhiều tiếng rên siết nổi lên. Lần này, rõ hơn, vì Định đang đứng sát dưới chân tường. “Chỗ nhốt người nhất định là trong khu nhà này”. Định không còn nghi ngờ gì nữa. Anh làm ra vẻ vô tình hỏi Ngô Đình Cẩn:
- Thưa cụ, vườn lan quý như thế này, tại sao cụ không đặt tại dinh để thưởng thức có hơn không?
Như đoán trước được câu nói của anh, hắn cười:
- Hà… hà… cho ông đoán coi tại sao nào?
Và không để cho Định trả lời, hắn chỉ tay vào trong toà nhà.
- Ở đây có người chăm bón. Bọn Cộng sản nhốt trong nớ, để cho chúng nó chăm sóc. Cứ lấy mạng sống của chúng làm vật bảo đảm là xong tuốt. Thế mà cũng có khối thằng bị mất đầu rồi, vì không chịu chăm bón ra trò.
Cảm giác của Phan Thúc Định đã trở thành rõ nét. Không phải cảm giác rờn rợn nữa. Tuy rằng lúc này anh đứng trong một góc vườn trồng phong lan sực nức mùi hương, trước một lâu đài trước đây là cung cấm, nhưng anh thấy lòng như thiêu, như đốt. Chung quanh anh không còn cái vắng lặng, quạnh quẽ nữa. Hình như có bao nhiêu người đang trỗi dậy, đang nắm tay nhau, đang hò hét, thoáng ẩn, thoáng hiện. Những lá phong lan như những con mắt nhìn anh nghiêng ngó, xoi mói. Những dây phong lan như những tay người run rẩy. Anh đã nghe rõ tiếng rên siết, cả tiếng xiềng xích loảng xoảng, không phải chỉ bằng thính giác…
- Ông làm sao thế? – Ngô Đình Cẩn hỏi.
Nét mặt Phan Thúc Định hơi nhăn lại:
- Xin lỗi cụ lớn, vẫn cơn đau bụng…
- Thế chúng ta quay về vậy. Để hôm khác tôi đưa ông vào chỗ nhốt bọn Cộng sản trong nhà…
Chiếc xe Méc-xê-đét màu đen đưa Ngô Đình Cẩn và Phan Thúc Định trở về. Hai chiếc xe gíp chở bọn vệ sĩ chia ra, một chiếc chạy phía trước, một chiếc chạy phía sau để bảo vệ.
Chiếc gáy rám nắng thẳng đờ của tên vệ sĩ thân tín ngồi ghế trước, cạnh người lái xe, gây cho Định một cảm giác khó chịu và anh nhìn ra ngoài cửa xe. Xe chạy đến cầu Lò Rèn, anh thấy một thiếu nữ cỡi xe Honda từ phía trên đi xuống. Xe hơi đã vượt qua nhưng anh vẫn quay lại nhìn người thiếu nữ nọ.
Ngô Đình Cẩn bắt gặp sự chăm chú của anh nhìn cô gái,
- Ông có vẻ chú ý đến người đó?
Phan Thúc Định lấy lại vẻ thản nhiên:
- Thưa cụ lớn, cô ta rất đẹp. Cụ lớn có biết cô ta?
Ngô Đình Cẩn cười:
- Hà… hà… ông tính, không biết rõ từng nhân vật trong cái thành phố nhỏ bé này thì tôi còn ngồi yên ở đây sao được? Tôi còn coi cả cái miền Trung này cơ mà. Nhưng này ông Định, ông để ý đến cô ấy thật à?
- Thưa cụ lớn, tôi cũng chỉ là một người đàn ông như mọi người đàn ông khác.
- Ông đã biết rõ người ấy chưa?
- Điều ấy thì thưa cụ lớn chưa ạ.
- Thế thì hỏng to rồi! Cô ấy đã có người yêu rồi!
Phan Thúc Định tò mò hỏi:
- Thưa cụ lớn, ai vậy?
- Một thanh niên Hoa Kỳ, con nhà triệu phú Dan-tơ Phu-lít-xtơn ở bang Mai-a-mi.
- Uy-li-am Phu-lít-xtơn! – Định thốt lên, xúc động.
- Ông cũng biết anh ta à? – Cẩn hỏi.
- Thời kì tôi theo hầu tổng thống, ngài có nói cho tôi biết tên họ một vài nhân viên tình báo trung ương Mỹ ở Sài Gòn. Ngài có dặn tôi không nên đi lại với bọn họ. Trong số này có Uy-li-am Phu-lít-xtơn mà cụ lớn vừa nhắc đến.
Ngô Đình Cẩn nhìn Định, thân mật:
- Tổng thống dặn dò ông như thế là phải. Ông đừng đụng vào “món” này. Uy-li-am Phu-lít-xtơn có thế lực lắm. Tôi sẽ giới thiệu cho ông “món” khác hí!
- Vâng, xin nhờ cụ lớn.
Những dòng chữ trên mảnh giấy nhỏ hiện ra trong óc Định. “Quan hệ giữa Tố Loan với Phu-lít-xtơn như thế nào? Tại sao Tố Loan và Phu-lít-xtơn lại biết nhau? Tố Loan là người như thế nào?…”.
Tối hôm sau, Phan Thúc Định nhận được giấy của Ngô Đình Cẩn mời đến làm việc tại nhà riêng của hắn tại đường Hàm Nghi.
Trong câu chuyện, Cẩn hỏi anh rất nhiều về kinh nghiệm đối xử với bọn Mỹ, vì dù hắn muốn hay không, bọn Mỹ cũng thâm nhập vào miền Trung phần của hắn ngày càng nhiều. Hắn hỏi về tánh nết, thói quen, sở thích của từng tên viên chức, tướng lãnh cao cấp Mỹ, nhất là tên đại sứ và mấy tên cầm đầu phái bộ quân sự, phái bộ viện trợ kinh tế. “Ông ở Sài Gòn, ông tiếp xúc với họ luôn – hắn nói với Định – ông quen biết họ, ông phải làm cố vấn cho tôi cả về mặt đối ngoại nữa đấy!” Hắn hỏi Định về kinh nghiệm của hai ông anh hắn – Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu – đã làm thế nào để nắm vững được hoạt động của bọn không ăn cánh với mình và trị chúng. “Tất nhiên tôi cũng có cách của tôi – hắn nói – nhưng tổng thống và anh Nhu phải giỏi hơn vì tôi thấy các anh ấy làm gọn lắm, có kết quả lắm!”.
Sau đó, hắn ngồi lặng đi một lúc rồi nói với Định:
- Tất cả những mối lo ấy chỉ là thường thôi. Mối lo nhất của chúng ta vẫn là bọn Việt Cộng. Hình như chỗ nào cũng có chúng nó mà lại chẳng nhìn thấy chúng nó ở chỗ nào cả. Cứ y như là vừa chém đứt đầu đứa này xong, chúng đã mọc ngay đầu khác. Đứa nào cũng có thể là Việt Cộng cả Tổng thống đã cử ông ra đây tôi mong ông cố gắng giúp tôi chủ yếu là về mặt ấy… Thành phố đã có truyền đơn Việt Cộng. Chúng đã đưa được một số vũ khí vào thành phố. Có lẽ chúng chuẩn bị khủng bố.
Từ nãy đến giờ Định trả lời Cẩn qua loa. Ý nghĩ của anh còn tản mạn quanh vấn đề Tố Loan. Tại sao “Sông Hương” lại bảo anh tìm hiểu về Tố Loan? Tại sao Tố Loan lại có thể là người yêu của Uy-li-am Phu-lít-xtơn – một tên CIA Mỹ chính cống đội lốt nhà báo được? Thời gian ở Sài Gòn, đọc báo chí và qua một vài câu chuyện ở các tiệm trà, Định có biết về Tố Loan. Đó là một thiếu nữ trí thức hay diễn thuyết về chủ quyền dân tộc, hay tham gia những cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi bảo vệ chủ quyền dân tộc, chống lại sự can thiệp của ngoại bang. Nhiều người nhắc đến tên cô với một tình cảm quý mến.
Một người như thế mà lại yêu một tên Mỹ CIA. Mình hãy tự đặt những giả thuyết khác nhau xem sao: Ngô Đình Cẩn nói dối mình? Hắn nói dối mình như thế với mục đích gì? Hay hắn thấy sự chú ý của mình đối với Tố Loan không bình thường. Nhưng nếu hắn nói thực? Như vậy thì tất cả những việc làm của Tố Loan ở Sài Gòn là giả dối ư? Tố Loan là con Phạm Xuân Phòng?
Tự nhiên óc Định loé ra một chút ánh sáng. Cái tên Phạm Xuân Phòng vừa xuất hiện trong óc anh kéo ý nghĩ anh liên hệ tới một loạt sự việc khác: việc báo chí và bộ máy tuyên truyền ở Sài Gòn làm rùm beng quanh cái chết của một người tên là Phạm Xuân Phòng, nói là bị Việt Cộng ám sát. Chúng in cả ảnh chụp, tường thuật tỉ mỉ là Việt Cộng muốn ăn cướp tiền bạc của Phạm Xuân Phòng, đã bố trí tay chân vào giúp việc cho Phòng tại biệt thự Bồng Lai, giết Phòng một cách rất dã man, vô nhân đạo. Nhờ sự điều tra tích cực, nhanh chóng của ngành cảnh sát, công an, hung thủ đã bị bắt và thú nhận hết tội lỗi. Ảnh của nạn nhân và hung thủ đều có đăng trên các tờ báo xuất bản hàng ngày. Nhìn kĩ bức ảnh chụp nạn nhân nằm trên vũng máu, Phan Thúc Định thấy hiện lên mặt lão Sanh. Phạm Xuân Phòng có phải là lão Sanh không? Tại sao hắn bị giết? Tại sao bộ máy tuyên truyền ở Sài Gòn làm rùm beng cho đây là “tội ác vô nhân đạo” của Việt Cộng?
Lúc xảy ra sự việc đó, Phan Thúc Định đã đặt nhiều câu hỏi. Nhưng rồi các việc khác dồn dập đến, những câu hỏi ấy tạm thời phải xếp lại chưa có một lời giải đáp. Bây giờ, vấn đề Tố Loan lại làm tất cả những câu hỏi ấy hiện ra. Phan Thúc Định cố chắp nối tìm ra một sợi dây liên hệ giữa các sự việc đó: Lão Sanh – Phạm Xuân Phòng – bố Tố Loan – bị Việt Cộng giết – Tố Loan đang từ chống Mỹ – bố bị giết – chuyển thành người yêu của một tên CIA… Nhưng có thực là Việt Cộng giết Phạm Xuân Phòng không? Ai giết hắn? Mỹ giết? Ngô Đình Cẩn giết? Chút ánh sáng loé lên ngừng lại ở đây, không sáng thêm được một chút nào nữa. Phải hỏi lại “Sông Hương”. Bạo giờ cũng vậy, từ ngày về Huế, lúc nào tự bản thân anh không giải đáp nổi vấn đề gì, anh cũng nghĩ đến điều đó. Từ “Sông Hương” ánh sáng sẽ soi rọi vào mọi vấn đề lúc ấy, tự nhiên chúng sẽ trở nên rõ ràng, sẽ có những lời giải đáp cụ thể, chính xác…
- Bây giờ, chúng ta phải hành động ráo riết, không chùn tay, không khoan nhượng, phải tiêu diệt hết bọn Việt Cộng. Kế hoạch trước mắt của tôi là như thế này…
Những lời nói của Ngô Đình Cẩn thu hút ngay sự chú ý của Phan Thúc Định. Hắn nói:
- Phải chặn ngay những nguồn của bọn chúng đưa vũ khí, truyền đơn vào thành phố, không nên để ung nhọt phát triển trên cơ thể của mình.
- Lạ thật! Ta kiểm soát chặt chẽ như thế, làm sao mà chúng có thể đưa vũ khí vào thành phố được?
- Không có chi lạ cả, ông Định ạ. Bọn Việt Cộng lắm mưu mẹo lắm! Chúng tải vũ khí từ chiến khu của chúng đến các trạm liên lạc ở ngoại ô và từ ngoại ô, chúng chuyển vào các cơ sở của chúng ở nội thành. Những cơ sở đó có cả nhân viên công an và cảnh sát của ta. Tôi đang hạ lệnh tìm ra hết cái bọn “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản” này. Không thể để chúng như vậy được. Còn các cơ sở liên lạc của Việt Cộng ở ngoại ô, tôi cũng đã nắm được một số, vì…
Ngô Đình Cẩn cất tiếng cười rộ, tự đắc:
- Vì nhiều cơ sở Việt Cộng là người của ta. Tôi sắp cho mở một cuộc hành quân tảo thanh vùng ngoại ô. Ý kiến của ông thế nào?
Sau một phút suy nghĩ, Phan Thúc Định góp ý kiến:
- Thưa cụ lớn… có lẽ bắt đầu từ khu vực Kim Long trở xuống.
Ngô Đình Cẩn không trả lời ngay. Hắn ngẫm nghĩ, một lát sau mới nói:
- Khu vực ấy sẽ làm sau. Vì đã hành quân là có bắn giết. Màng lưới cơ sở của ta ở vùng này hoạt động tốt, trong khi đạn lạc tên bay thì cơ sở ta có thể bị vạ lây và tổn thất. Phải có thời gian để cho chúng nó chuẩn bị trước.
- Thế cụ lớn định thanh trừng khu nào trước?
- Khu hữu ngạn sông Hương. Bắt đầu từ khu vực Long Thọ…
- Thế khu tả ngạn?
- Khu tả ngạn sẽ làm sau. Vì chưa cấp thiết.
Giọng nói úp mở của Ngô Đình Cẩn lại làm loé ra một ánh sáng nữa trong óc Phan Thúc Định. Khu hữu ngạn là khu vực công nhân và nhân dân lao động ở nhiều. Khu vực tả ngạn, Cẩn đã phát triển được nhiều cơ sở “Cần lao nhân vị”, màng lưới mật vụ của hắn đã giăng ra. Tố Loan cũng ở trong khu vực này…
Khi Định ra về thì trời đã khuya. Tên vệ sĩ thân tín của Cẩn lầm lì khoanh tay đi lại ở bên ngoài sân. Hắn bao giờ cũng đi ngủ sau Ngô Đình Cẩn và ngủ ngay ở một cái buồng con cạnh hành lang dẫn vào phòng ngủ của Cẩn. Hắn không nói một lời, cúi đầu chào Phan Thúc Định.
Chiếc xe riêng của Định lái lấy lăn trên đường nhựa. Ánh sáng đèn điện và bóng tối những vòm cây chen lấn nhau loang lổ mặt đường. Huế không sống về ban đêm như Sài Gòn. Thành phố này vẫn giữ phong cách riêng của nó. Cuộc sống gia đình vẫn là cái gì thiêng liêng. Đường phố vắng ngắt. Không có một chiếc tắc xi nào giờ này còn đón khách. Định chỉ gặp xe nhà binh đi lại. Một chiếc xe của bọn quân cảnh đi tuần chạy lừ đừ giữa đường. Hè phố chỉ còn một vài người lính đi vội vã.
Bỗng Định chú ý đến một người đàn bà đang ôm chặt một đứa nhỏ trên tay lảo đảo chạy trên hè phố, đang hốt hoảng. Chạy được mấy bước, người đó dừng lại, mở vội đứa nhỏ cuộn trong chiếc khăn mỏng ra nhìn, rồi lại lảo đảo chạy. Đoán được sự việc, Định lái sát xe vào hè phố, gọi người đàn bà:
- Chị ơi! Chị cần đưa cháu đi bệnh viện phải không? Chị lên đây tôi đưa đi giùm!
Người đàn bà dừng lại, nhìn chiếc xe và Phan Thúc Định như thăm dò. Lúc ấy, Định mới biết người đàn bà còn trẻ, khoảng ba mươi tuổi, búi tóc sau gáy, nét mặt đẹp phúc hậu, cặp mắt vẫn ánh lên sự lo âu, hốt hoảng, nhưng vẫn không che được vẻ vừa thông minh vừa buồn bã. Định bước xuống, mở rộng cửa xe:
- Chắc cháu bị đau nặng. Tôi biết bệnh viện. Tôi xin đưa chị và cháu đến cho nhanh kẻo đưa đến chậm phút nào sợ ảnh hưởng đến tánh mạng cháu phút đó.
Thấy thái độ Định có vẻ thực thà, chân thành, người đàn bà hết nghi ngai, bước lên xe:
- Thế thì… cảm ơn ông quá… quý hóa quá!…
Phan Thúc Định cho xe chạy và hỏi chuyện:
- Cháu bị làm sao vậy?
Người đàn bà vừa kéo chăn che lại cho con, vừa đáp:
- Cháu sốt nóng từ hai hôm nay. Tôi tưởng cháu bị cảm thường. Ai ngờ vừa rồi cháu co giật trợn cả mắt lên, tôi sợ quá phải ôm cháu tìm đến bệnh viện cấp cứu.
- Cháu được mấy tuổi rồi?
- Thưa ông, cháu hơn hai tuổi.
- Xin lỗi chị, anh nhà ta đâu, sao không đưa cháu đi cùng chị, để chị đi một mình trong đêm như thế này, nhỡ xảy ra sự gì bất trắc thì làm thế nào?
Người đàn bà im lặng, bối rối. Phan Thúc Định cảm thấy ngay sự bối rối đó, không hỏi tiếp nữa. Nhưng người đàn bà như đã trấn tĩnh được, đáp:
- Ba cháu đi làm vắng, đi cả ngày lẫn đêm, ít khi về nhà…
Đứa nhỏ chợt khóc thét lên dữ dội. Người đàn bà như bị ai tra khảo, mặt tái mét, run rẩy gọi:
- Con ơi!… Con làm sao thế? Con ơi!…
Đứa bé vẫn khóc thét lên từng hồi, chân đạp tung cả chăn, người ưỡn ra như không nghe thấy tiếng mẹ gọi. Mặt người mẹ càng tái mét, giọng nói càng run, nước mắt chảy quanh cặp mắt hốt hoảng buồn bã. Phan Thúc Định mím chặt môi, rú thêm ga.
Chiếc xe đỗ trước bệnh viện. Anh mở cửa xe chạy ngay trước vào phòng thường trực. Sau khi tự giới thiệu, anh đề nghị những người thầy thuốc trực khẩn cấp cứu ngay đứa nhỏ. Nghe thấy anh là người của Ngô Đình Cẩn, cả cái phòng trực cấp cứu của bệnh viện hoạt động hẳn lên. Một cô y tá chạy ra đón người đàn bà và đứa nhỏ vào. Mấy người mặc áo choàng trắng xúm vây quanh đứa nhỏ. Đó là một bé trài kháu khỉnh nhưng sự đau đớn làm dúm dó cả khuôn mặt em. Cổ em cứng lại và ngửa ra đằng sau. Môi em đã khô. Cặp mắt cứ trợn lên. Và tiếng khóc thét của em càng như xé ruột xé gan người mẹ. Người ta hỏi người mẹ diễn biến bệnh tình của em nhỏ. Người ta cặp sốt. Người ta xem mắt, xem miệng, nghe tim đập của em. Người ta ghi bệnh án. Mắt người mẹ vừa đau xót nhìn con, vừa ngơ ngác nhìn từng người thầy thuốc như dò hỏi, chờ đợi.
Cuối cùng, một người thầy thuốc bảo với Phan Thúc Định và người đàn bà:
- Cháu có triệu chứng của bệnh màng não, một bệnh rất hiểm nghèo. Để chúng tôi lấy nước tuỷ xương sống, xét nghiệm thêm. Nhưng may mà gia đình đưa cháu vào còn kịp. Bệnh này đưa muộn thì rất khó cứu. Chúng tôi sẽ hết sức theo dõi chữa cho cháu. Gia đình phải để cháu ở đây để chúng tôi điều trị và mẹ cháu phải ở lại cùng với cháu.
Người đàn bà bối rối, lo sợ, không đáp lại câu nào. Phan Thúc Định an ủi:
- Chị phải ở đây trông nom cháu. Chị cố gắng ở lại. Có cần gì về gia đình, tôi xin báo cho. Tôi có xe riêng đi lại cũng tiện, chị đừng nghi ngại…
Người đàn bà ấp úng:
- Tôi còn hai cháu nhỏ ở nhà nữa không ai trông… Lòng tôi bây giờ như lửa đốt… Tôi muốn báo tin cho nhà tôi về quá…
Phan Thúc Định quả quyết:
- Chị cứ cho tôi biết anh ấy ở đâu, tôi sẽ tìm đến tận nơi báo cho anh ấy.
Người đàn bà ngập ngừng. Mắt chị chớp mau và nước mắt cứ ứa ra. Cuối cùng, chắc không còn cách nào hơn, chị xin lỗi ra ngoài nói riêng với Phan Thúc Định:
- Tôi không biết làm thế nào báo cho ba cháu về ngay được. Thôi đành nhờ ông vậy. Chẳng nói giấu gì ông, nhà tôi làm… vệ sĩ riêng cho cậu Cẩn (56), cho nên cứ phải ở cả ngày cả đêm quanh cậu. Ông làm ơn đến hộ dinh cậu hỏi anh Lý Lâm…
Phan Thúc Định sững người nhìn lại khuôn mặt đẹp, phúc hậu của người đàn bà. Có lẽ nào như thế nhỉ! Trong óc anh hiện ra hình ảnh gã vệ sĩ cao lớn, dáng thô, lúc nào cũng lầm lì của Ngô Đình Cẩn. Cái gã đã được gia đình họ Ngô nuôi từ nhỏ, đã được đi học lớp biệt kích, nổi tiếng về võ Nhật có thể đánh đổ vài chục người, và bắn súng cả hai tay trăm phát trăm trúng. Tất cả con người gã mâu thuẫn hoàn toàn với vẻ phúc hậu, đẹp đẽ, với giọng nói thuỳ mị, với tấm lòng thương con sâu sắc của người đàn bà này. Có lẽ nào như thế nhỉ? Nhưng sự thực lại là thế…
Cảm thấy cái nhìn lạ lùng của Định, người đàn bà cúi mặt xuống, nước mắt lại ứa ra, giọng nói có cái gì chua xót bên trong:
- Ông đã giúp mẹ con tôi thì xin ông giúp cho trót. Mẹ con tôi không bao giờ dám quên ơn ông. Nếu không, ở nhà các cháu nhỏ của tôi không ai trông. Ông cứ đến dinh cậu Cẩn ở đường Hàm Nghi, hỏi anh Lý Lâm.
Định chỉ nhìn thấy cặp mắt của người đàn bà nhoà đi vì nước mắt, cặp mắt ấy càng buồn bã hơn.
Anh đáp lại dứt khoát:
- Tôi sẽ tìm anh ấy, đón anh ấy đến đây rồi sẽ đưa anh ấy về nhà với hai cháu.
Anh vào dặn ông thầy thuốc mấy câu rồi chạy vội ra xe. Chiếc xe quay lại con đường dẫn tới nhà riêng Ngô Đình Cẩn. Lúc ngồi trên xe rồi, anh mới thấy lòng anh bồi hồi nhiều cảm giác trái ngược nhau khó tả. Mừng cho người đàn bà đưa con mình đến bệnh viện được kịp thời. Nhưng cha nó lại là gã vệ sĩ lầm lì tin cẩn của Ngô Đình Cẩn kia! Cặp mắt buồn bã của người đàn bà… Khuôn mặt khó hiểu của gã vệ sĩ… Vẻ phúc hậu, cặp mắt đượm buồn của người vợ… Dáng lầm lì tàn bạo của người chồng… Nhưng bao trùm lên cả là hình ảnh đứa con nhỏ khóc thét lên từng cơn giữa những người thầy thuốc mặc áo bờ-lu trắng…
Phan Thúc Định nhấn ga.

<< Chương 20 | Chương 22 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 230

Return to top