Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> X30 phá lưới

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 125681 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

X30 phá lưới
Đặng Thanh

Chương 28
Không hiểu vì sao mấy hôm liền Ngô Đình Cẩn trao đổi ý kiến với Phan Thúc Định tìm cách gấp rút liên lạc với Lê Mậu Thành. Giám mục Ngô Đình Thục cũng từ Vĩnh Long bay ra mật đàm với Cẩn. Chúng có vẻ nóng ruột chờ tin tức của tên họ Lê để âm mưu một việc gì đó. Theo ý chúng trao đổi với Định thì một trong những việc giao cho Lý Ngọc Tú là vào vùng Việt Cộng kiểm soát tìm cách bắt mối với Thành, mặc dầu đối với Tú, chúng giấu kín tên tuổi Lê Mậu Thành, chỉ dặn đến một chỗ bí mật, với một mật hiệu như thế sẽ có người đến gặp.
Phan Thúc Định nghĩ đến Vân Anh. Dưới danh nghĩa ra thăm người yêu như lần trước, Vân Anh có thể đi công khai, liên lạc được với Lê Mậu Thành một cách dễ dàng. Phan Thúc Định đến gặp Vân Anh. Ngoài chuyện muốn nhờ Vân Anh ra gặp Thành, Định còn muốn thăm dò thái độ Vân Anh đối với anh. Anh vẫn chưa hiểu Vân Anh đã nắm được những gì về anh. Vân Anh đã bám sát anh, đã chụp ảnh anh ở một số nơi. Thái độ khó hiểu của Vân Anh khi đón anh ở cửa hiệu sách, rủ anh ra vườn hoa Nguyễn Hoàng, trao lại cho anh những tấm ảnh chụp được ấy mang ý nghĩa gì? Tuy anh rất tin ở hành động và cuộc sống hàng ngày của anh, nhưng anh vẫn phải tìm hiểu, thận trọng với những cặp mắt chung quanh nhìn vào anh và phải luôn luôn tự duyệt lại mình hàng ngày, trong từng sự việc. Vân Anh là người của ai? Nên xử trí với Vân Anh như thế nào?
Thấy Phan Thúc Định đến, Vân Anh có vẻ mừng rỡ. Cô tiếp Định ân cần như tiếp một người mình vẫn mong chờ, quý mến. Nhưng ngồi nói chuyện một lúc thì Phan Thúc Định nhận thấy bên cạnh vẻ mừng rỡ ân cần ấy, Vân Anh có cái gì đổi khác. Khác cô Vân Anh thông minh, buồn bã ở Pháp. Khác cả cô Vân Anh tinh quái, khó hiểu trong tháng ngày gần đây. Vân Anh đã có một cái gì thay đổi? Cô ta có vẻ mệt mỏi, chán chường, ít nói và những lời cô nói mang màu sắc của sự tư duy hơn trước. Để thăm dò, Phan Thúc Định nói lên nhận xét đó của mình. Vân Anh khẽ gật đầu. Một nụ cười gượng thoáng trên môi. (Phan Thúc Định nhớ đến nụ cười rạng rỡ tinh nghịch lộ ra hàm răng trắng bóng của cô mà anh vẫn được nhìn).
- Anh tinh nhỉ! Nhưng anh không thể hiểu hết em đâu. Nói thật ra, mãi đến gần đây, em mới hiểu anh phần nào.
Định phá ra cười:
- Em nói gì mà quan trọng vậy? Đến anh, nhiều khi cũng không hiểu hết mình nữa là em.
Giọng nói của Vân Anh thay đổi:
- Anh đừng nói thế. Câu nói ấy phải để em nói: Chính em mới nhiều khi không hiểu nổi cả mình nữa. Em không nói đùa đâu. Còn anh, em biết rằng anh rất hiểu rõ anh, hiểu rõ từng việc anh làm. Tất cả hình như đều có một chủ ý nhất định.
Phan Thúc Định giữ nguyên thái độ vui vẻ:
- Vậy em hiểu anh như thế nào?
- Em nói rằng anh hiểu rõ anh, hiểu rõ công việc anh làm chứ em có nói rằng em hiểu rõ anh, hiểu rõ công việc anh làm đâu. Em chỉ nói em hiểu được một phần nào thôi.
- Chẳng lẽ anh khó hiểu đến thế ư?
Vân Anh lảng sang chuyện khác.
- Ngay đối với em, nhiều khi em thấy anh rất tốt, rất thân mật, nhưng cũng nhiều khi em lại thấy anh thờ ơ, xa lạ.
- Cảm giác đánh lừa em đấy thôi. Anh đối với em lúc nào cũng vẫn thế.
Vân Anh lắc đầu buồn bã:
- Em biết chứ! Hồi còn ở bên Pháp, anh đối với em khác. Từ ngày về nước, anh đối với em khác.
Phan Thúc Định nhìn thẳng vào mặt Vân Anh với thái độ của một người đặt ngay quân bài xuống chiếu:
- Bởi vì từ ngày về nước em cũng khác với em hồi còn ở Pháp.
Đôi mi dài của Vân Anh khép lại. Những ngày còn ở bên Pháp ư? Đúng! Có chỉ biết học, đi thư viện, nghĩ đến tương lai với những mộng mơ đẹp đẽ đang chờ mình. Thế rồi… cô khác đi từ ngày nào nhỉ? Cô nghĩ đến những ngày ở Luân Đôn. Những buổi sương mù lạnh buốt. Những con người ít nói, lạnh lùng, kín đáo. Một gã giáo sư người Anh tỏ vẻ chăm sóc Vân Anh đặc biệt. Gã thu xếp mọi tiện nghi nơi ăn chốn ở của Vân Anh khiến cô rất vừa ý và thấy đỡ cô đơn. Gã luôn luôn tặng quà cho cô. Thời kì đầu tiên, gã nói chuyện với cô về lịch sử, văn học, phong tục tập quán của nước Anh và hỏi cô về đất nước, con người Việt Nam. Dần dần câu chuyện xoay theo một chiều hướng khác. Không hiểu sao, gã hiểu biết khá rõ về gia đình cô. Gã tỏ vẻ ngậm ngùi thông cảm với nỗi đau của cô bị mất bố, gã khéo léo kích động mối hận thù trong người cô. Trong những đống sách hắn đưa mượn đã xen dần vào những sách của những tên phản bội nói về chủ nghĩa Cộng sản, về những người cách mạng, những cuốn sách tâng bốc hành động, cuộc đời của những tên gián điệp quốc tế như những anh hùng xả thân vì lí tưởng. Gã ca ngợi tài năng, trí thông minh của cô và nói rằng tài trí ấy có thể làm được những việc chấn động dư luận.
Gã hướng dẫn cô cách chụp ảnh (lúc đầu chỉ là chụp phong cảnh thôi), cách truyền tin (lúc đầu chỉ để giải trí trong những cuộc đi chơi cắm trại), cách quan sát khi vào một đám đông (lúc đầu chỉ đánh đố nhau về sự nhanh trí)…
Dần dần, vừa vì trí tò mò bị kích thích, vì tính hiếu động thích làm những việc khác thường của giới trẻ, vừa vì hận thù gia đình, Vân Anh đã bị gã giáo sư người Anh lôi kéo vào những hoạt động tình báo. Thế rồi, có những cuộc gặp gỡ bí mật giữa Vân Anh với vài “nhà trí thức, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học” người Mỹ do gã giáo sư Anh giới thiệu, có những đợt huấn luyện ngắn ngày dưới danh nghĩa đi thăm những danh lam thắng cảnh mà học viên chỉ có một mình Vân Anh tham dự. Thế rồi, Vân Anh bí mật đi Mỹ trước khi về nước…
Từ đó, đầu óc Vân Anh không còn thanh thản, hồn nhiên như trước nữa. Cái nhìn cuộc đời và con người của Vân Anh không còn đẹp đẽ như trước nữa. Đầu óc Vãn Anh luôn luôn căng thẳng, tính toán. Nhìn cuộc đời con người, Vân Anh luôn luôn nghi ngờ. Cuộc sống của Vân Anh luôn luôn phải giả tạo. Tâm hồn, tình cảm thật của Vân Anh luôn luôn phải che giấu nó đi. Và không hiểu sao, một mối lo sợ không căn cứ, không có tên gọi, không thành hình luôn luôn ám ảnh cô, muốn dứt nó ra mà không được, muốn quên nó đi cũng không xong.
Nhất là những ngày gần đây, ở nhà Cao Xuân Đăng, nhìn thấy tất cả những thủ đoạn bỉ ổi của chú mình trong việc luồn lọt Ngô Đình Cẩn để chạy chọt một chân tỉnh trưởng và làm giàu, nghe thấy lũ bạn bè thân tín của Đăng bàn chuyện “áp phe” chính trị và buôn lậu, Vân Anh không còn thấy người chú ruột là đáng kính, đáng mến nữa. Cô tiếp xúc với thực tế của đất nước, với phong trào thanh niên, sinh viên, với đồng bào phật tử, với các giới… Cô cảm thấy tất cả cái khối lớn lao ấy đang đi theo một chiều, hừng hực, cuồn cuộn, mạnh mẽ như một làn sóng thuỷ triều cứ dâng lên, dâng lên mãnh liệt. Còn cô và một số người đi ngược lại cái khối lớn lao ấy, cô hết sức chơi vơi cản lại làn sóng thuỷ triều mãnh liệt đó. Một cảm giác cô đơn, lẻ loi thường hiện lên, bao vây lấy cô ngay cả lúc cô đứng giữa một đám đông. Nhưng cũng chẳng bao giờ cô có ý nghĩ hoà vào cái khối lớn lao đó, biến thành một giọt nước của làn sóng thuỷ triều mãnh liệt đó.
Trước đây, Vân Anh tưởng tình yêu là cao cả nhất, đẹp đẽ nhất, nhưng rồi cũng không phải như thế. Tình yêu trong người đàn ông khác trong người phụ nữ. Cuộc sống có nhiều cái thu hút, kéo người đàn ông đi hơn là tình yêu. Mấy năm xa cách, tìm lại Lê Mậu Thành, cô thấy Lê Mậu Thành cũng khác thời kì mới lớn lên cô gặp và khác xa cô tưởng tượng. Tâm hồn cô hướng về một người, một người mà có những kỉ niệm trong trắng. đẹp đẽ với cô trong dĩ vãng, một người mà cô vẫn thấy có cái gì đẹp đẽ khác thường, một người mà bất cứ lúc nào cũng chiếm được cảm tình đặc biệt trong cô. Hình ảnh người ấy thường hiện lên mỗi lúc cô cảm thấy cô đơn, lẻ loi, mỗi lúc nửa đêm cô tỉnh dậy, mỗi lúc cô bắt gặp một cơn gió mùa lang thang từ xa thổi về. mỗi lúc cô đi giữa một đêm trăng bát ngát gợi nhớ lại đêm tuyết trắng xoá những năm nào… Người ấy, đối với cô, thật là thân mật, gần gũi mà cũng thật là xa vời. Càng tìm hiểu về người ấy, cô càng thấy không hiểu nổi. Cô chỉ thấy rằng hình như con đường người ấy đi không giống con đường cô đi. Người ấy đang ngồi trước mặt cô đây.
Đôi mi dài của Vân Anh ngước lên nhìn Phan Thúc Định. Cô trả lời anh cũng bằng một giọng thẳng thắn như anh đã nói với cô:
- Đúng là như vậy, anh Định ạ. Từ ngày về nước, em có khác ở Pháp. Nhưng đối với riêng anh, em không bao giờ khác cả.
Rồi giọng Vân Anh thoáng xót xa:
- Sẽ có lúc em nói hết với anh. Nhưng chưa phải lúc này…
Phan Thúc Định thấy không nên đi sâu thêm vào câu chuyện theo hướng đó nữa. Anh chuyển sang chuyện Lê Mậu Thành và gợi ý để Vân Anh đi thăm hắn. Vân Anh đã từ chối.
*
* *
Rời khỏi nhà Vân Anh, Phan Thúc Định có đôi chút bâng khuâng. Những điều gì đã đến với Vân Anh? Anh cũng không hiểu hết được. Cô gái xinh đẹp, thông minh ấy đáng thương hay đáng giận? Nhưng anh nghĩ ngay đến những công việc trước mắt: cần một người ra liên lạc với Lê Mậu Thành. Một người mà Ngô Đình Cẩn cũng phải biết và đồng ý. Một người mà có thể ra phía bên kia đàng hoàng. Một người mà anh cũng phải tin cậy được phần nào. Một người mà đì về cả hai vùng đều có thể công khai. Anh không thể dùng những người mà Cẩn không hề biết. Cẩn sẽ không tin và đánh dấu hỏi vào ngay cả anh.
Tại sao anh lại biết những người ấy và lại dùng những con người ấy? Tại sao những người ấy lại có thể đi về vùng kiểm soát của Việt Cộng được? Anh cũng không thể dùng người mà ra ngoài vùng kia không có lí do chính đáng. Thật khó quá, Vân Anh đã từ chối rồi.
Óc Định chợt loé lên một ánh sáng: Mai Lan, vợ Lý Lâm. Chị ta có người quen biết ở vùng bên kia, chị ta có thể ra thăm được chứ! Chị ta lại là vợ gã vệ sĩ tin cẩn, trung thành của Cẩn. Con cái chị ta ở cả đây, ở cả trong tay kiểm soát của Cẩn. Chị ta có thể quen thuộc đường đi, lối về và các sinh hoạt ở vùng kia…
Phan Thúc Định quả quyết đến nhà Mai Lan.
*
* *
Anh em dẫn một người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi đến gặp Vũ Long. Chị ta xuất hiện ở vùng giải phóng huyện Hương Thuỷ, hỏi thăm cơ quan an ninh của ta. Đồng bào cảnh giác, nghi chị là gián điệp của địch tung ra, mật báo các đồng chí làm công tác an ninh trong khu vực. Các đồng chí đó đã khéo léo tìm cách đưa chị ta về cơ quan huyện. Chị đề nghị được gặp người phụ trách cao nhất của ngành an ninh ở vùng giải phóng để “báo cáo một việc quan trọng”.
… Bây giờ, chị đang ngồi trước mặt đồng chí Vũ Long – người chỉ huy Ban công tác đặc biệt của Khu uỷ. Anh chăm chú quan sát chị phụ nữ này. Khuôn mặt chị phúc hậu nhưng đôi mắt chị sao thâm quầng, ngơ ngác, buồn bã? Búi tóc mượt đen búi một cách trễ tràng chứng tỏ chị không chú ý gì đến nhan sắc của mình. Sau khi được nghe giới thiệu, nhìn mái tóc lốm đốm bạc, nhìn cặp mắt trầm lặng nhân ái của Vũ Long, chị có vẻ an tâm. Chị rụt rè nói:
- Tôi xỉn phép được nói chuyện một mình với… “ông”.
Chị lúng túng không biết xưng hô với Vũ Long như thế nào. Vũ Long ra hiệu cho đồng chí đã đưa chị đến ra ngoài, mỉm cười hiền hậu:
- Tôi sẵn sàng nghe chị.
Chị vẫn rụt rè:
- Không hiểu các ông có tin tôi không?
Vũ Long nhìn thẳng vào mặt chị, nghiêm túc:
- Chị đã tìm đến chúng tôi nói chuyện như thế này, chúng tôi rất tin chị. Chị đừng e ngại gì cả. Chị hãy nói tất cả những điều gì chị muốn nói. Chúng tôi mong chị đừng giấu chúng tôi điều gì.
Chị ta hơi ngập ngừng, mắt nhìn xuống mặt bàn:
- Tôi phải nói trước với ông như vậy, bởi vì tôi là vợ người vệ sĩ thân tín của… Ngô Đình Cẩn.
Cặp mắt chị ta ngước lên chờ đợi sự phản ứng của Vũ Long. Chị hơi ngạc nhiên khi thấy cái điều mà chị nói ra tưởng có thể làm cho người cán bộ phụ trách này phải giật mình sửng sốt thì ngược lại chị vẫn thấy anh điềm đạm như không, thản nhiên chăm chú nghe chị. Chị không thể biết rằng người ngồi trước mặt chị đã nhận được báo cáo về chị từ trước khi chị ra vùng giải phóng. Và ngay từ nhũng bước đầu tiên của chị ở vùng giải phóng, đã có những cặp mắt bí mật theo dõi chặt chẽ từng cử chỉ hành động của chị. Chị cũng không thể biết được rằng việc chị vừa ra đến vùng giải phóng đã hỏi thăm tìm đến cơ quan an ninh là ra ngoài dự kiến của Vũ Long. Anh nghĩ thầm: “Người mà X.30 báo trước là sẽ ra đây! Chị ta chủ động tìm đến cơ quan an ninh? Một đòn cao tay mà X.30 không tính toán đến? Thế là thế nào?”.
Tuy bề ngoài Vũ Long điềm đạm, thản nhiên như vậy, nhưng bên trong óc anh đang suy nghĩ và đặt ra nhiều giả thuyết. Dù trong trường hợp nào, anh cũng vẫn là người chủ động. Thấy Mai Lan ngừng lại, Vũ Long nói bằng một giọng rất bình thường:
- Xin chị cứ nói tiếp đi. Tôi vẫn nghe chị. Chị cứ yên tâm, không phải vì thế mà chúng tôi không tin chị đâu. Chúng tôi vẫn tin những điều mà chị sắp nói ra là thành thật…
Cặp mắt Mai Lan mới buồn bã làm sao! Chị nói:
- Trước đây, không bao giờ tôi hỏi các ông tin tôi không? Trước đây tôi cũng hoạt động cho kháng chiến, cũng là cán bộ, nhưng bây giờ thì khác rồi, bây giờ thì tôi phải hỏi các ông câu ấy. Ông hiểu cho nỗi đau xót của tôi.
Vũ Long thấy phải cần động viên chị. Giọng anh trầm xuống:
- Dù ở hoàn cảnh nào, nếu người ta muốn giúp ích cho đất nước, người ta vẫn giúp ích được. Chúng tôi hiểu chị.
Mai Lan cũng cảm thấy có thể nói hết được với người đang nói chuyện với chị. Không hiểu làm sao, tuy mới gặp người này lần đầu tiên nhưng chị đã có một ấn tượng rất tin, rất mến.
Chị nói dễ dàng hơn. Chị kể tóm tắt lại cho Vũ Long nghe cuộc đời riêng của chị. Niềm hạnh phúc khi lấy được người chồng cùng lí tưởng mà mình yêu. Những ngày công tác cho cách mạng dù có nhiều khó khăn nguy hiểm nhưng thật là sung sướng, say sưa. Những ngày sống khó khăn trở về Huế sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Gánh hàng vải ở chợ Đông Ba và cái nhìn của Lý Lâm. Nỗi kinh hoàng khủng khiếp làm cả tâm hồn, thể xác chị đổ sụp khi anh em họ Ngô giết chồng chị. Giông bão hành hạ tâm hồn chị trong những ngày nửa tỉnh nửa mê nằm trên giường bệnh bên cạnh hai đứa con thân yêu và cái bóng lù lù câm lặng của Lý Lâm. Nỗi đau khổ lớn lao như tự mình phải nhận lấy cho mình một bản án tử hình khi chị quyết định bằng bất cứ giá nào phải hi sinh thân mình để bảo vệ hai giọt máu của người chị yêu. Sự chịu đựng tưởng chừng không thể nào vượt qua nổi khi phải sống bên cạnh Lý Lâm, trước những cặp mắt khinh bỉ của đồng bào.
Vũ Long im lặng nghe chị kể với một thái độ tôn trọng, mặc dầu những chuyện ấy, chị không nói ra, anh cũng đã biết rồi. Thái độ của Vũ Long như động viên chị nói hết. Chị kể cho Vũ Long lần đưa con đi cấp cứu gặp Phan Thúc Định. Phan Thúc Định thường đi lại giúp đỡ chị. Cả chị và Lý Lâm đều mang ơn anh ta.
Gần đây, Phan Thúc Định có nhờ chị ra gặp một người bạn quen biết cũ ở vùng giải phóng.
- Ông Định nói rằng ông chỉ tin có tôi và nhờ tôi – Mai Lan kể – Tôi vừa quen biết đường lối, vừa có người nhà ở ngoài này (thực tế tôi không còn có ai là người nhà ở ngoài này nữa) nên thuận lợi hơn những người khác. Ông Định rất tốt với tôi, là ân nhân của tôi nên tôi đã nhận lời. Nhưng sau đó, tôi có suy nghĩ: ông Định tốt với tôi và các con tôi nhưng dù sao ông ta vẫn là cố vấn của Ngô Đình Cẩn. Ông cố vấn thân cận của Ngô Đình Cẩn sao lại quen biết một người cán bộ của ta và nhờ tôi ra hỏi thăm để làm gì? Tôi là người cũng đã cùng chồng tôi hoạt động bí mật. (Vũ Long thấy chị chỉ dùng danh từ “chồng tôi” để gọi người chồng cũ của chị, còn chị không dùng từ ấy để gọi Lý Lâm). Tôi thấy cách ông Định dặn dò tôi ra hỏi thăm người bạn của ông ấy ở ngoài này có những điều kì lạ như những mật hiệu, những cuộc gặp gỡ hỏi thăm không bình thường, không đàng hoàng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Ông Định tốt với tôi thật, nhưng tôi còn vong linh của chồng tôi, còn hai đứa con của anh ấy như những người chứng giám cho tấm lòng của tôi, phán xét về cuộc đời của tôi và sau này tôi còn gặp các ông nữa chứ! Còn gặp chị gặp em, gặp bạn bè của anh ấy nữa chứ! Cho nên tôi đã tìm đến các ông, tôi muốn trình bày tất cả mọi việc, tôi muốn xin ý kiến các ông… như trước kia…
Vũ Long thấy rất rõ tất cả nỗi đau khổ, chân tình trong lời nói, trong tình cảm của Mai Lan. Ôi, tâm hồn con người Việt Nam! Tâm hồn con người Việt Nam thật kì lạ! Người phụ nữ Việt Nam này có thể chịu tất cả nỗi tủi nhục, đau đớn cho bản thân nhưng không bao giờ muốn để cho chồng con phải tủi nhục, đau đớn vì mình, có thể chịu bao nhiêu lời dè bỉu, khinh bỉ cho bản thân nhưng không bao giờ chịu để mang tiếng là phản lại cách mạng, phản lại đất nước. Chị vẫn chờ ngày phán xét, mặc dầu hàng ngày chị luôn luôn quằn quại trước sự phán xét của chính lương tâm mình. Chị vẫn mong mỏi ngày ấy, trước mắt con cái mình, bạn bè của chồng mình, chị em cùng hoạt động cũ với mình, mình được vô tội. Chị khao khát được trở về làm một người bình thường trong hàng ngũ của ta. “… Tôi muốn trình bày tất cả mọi việc, tôi muốn xin ý kiến các ông… như trước kia”. Giọng nói tha thiết, đau xót ấy của Mai Lan, vẻ mặt rạng rỡ của chị kết hợp với những báo cáo về chị mà Vũ Long đã đọc làm tan những nỗi nghi ngờ còn lại của anh về chị. Anh nhìn thẳng vào chị, nói những lời chân tình:
- Nếu chị muốn chúng tôi coi chị “như trước kia” như hồi “anh ấy” còn sống, tôi đề nghị chị đừng gọi chúng tôi là “các ông”. Chúng tôi có biết anh ấy, có biết khá rõ về chị… Chúng tôi cũng là những người bạn của anh ấy…
Cặp mắt buồn bã của Mai Lan ngước lên nhìn Vũ Long, ngây ra một phút. Ở đầu khoé mắt của chị một giọt nước mắt ứa ra, to dần và chảy dài xuống gò má. Thế rồi vẻ buồn bã biến mất trên cặp mắt ấy. Chúng ánh lên một chút rạng rỡ. Ấy là niềm vui sướng lớn lao của một người đã lấy được lòng tin của tập thể đối với mình. Chị xúc động nói với Vũ Long:
- Cảm ơn… các anh.
Không khí e dè ngượng ngập mất đi. Chị bắt đầu nói chuyện thoải mái, tự nhiên. Chị kể cho Vũ Long nghe Phan Thúc Định nhờ mình gặp ai, cách gặp như thế nào, nói năng ra sao. Đôi lúc, môi chị đã thoáng một nụ cười hiếm hoi và đáng quý. Lúc này, chị quên cả Lý Lâm, quên cả hoàn cảnh cay đắng của chị.
Vũ Long nghe thấy việc của mình dễ đi rất nhiều. Một vài chỗ, anh lấy sổ tay ra ghi. Anh hỏi thêm Mai Lan một số chi tiết. Anh trao đổi ý kiến với Mai Lan nên làm như thế nào.

<< Chương 27 | Chương 29 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 629

Return to top