Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> X30 phá lưới

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 125624 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

X30 phá lưới
Đặng Thanh

Chương 24
Bên trong giảng đường C. người nghe đã ngồi kín các hàng ghế. Không phải chỉ riêng sinh viên khoa Văn mà sinh viên các khoa khác cũng tấp nập rủ nhau đến. Ngoài sinh viên, những buổi nói chuyện ở giảng đường trường đại học còn thu hút nhiều thanh niên trí thức yêu nước ở Huế tham dự. Những buổi nói chuyện thường biến thành những buổi hội thảo. Họ tranh luận, họ phát biểu ý kiến, họ bổ sung vấn đề cho nhau. Tất cả cái sôi nổi nhiệt tình của tuổi trẻ được bộc lộ. Họ nói say sưa, chân thành tất cả những ý nghĩ nóng bỏng, những ước mơ, hoài bão bừng bừng trong họ. Họ coi thường mọi hiểm nguy, mọi đe doạ. Vấn đề nêu ra trong các buổi nói chuyện vô cùng phong phú, nghe tên cũng đủ làm cho nhiệt huyết của thanh niên sôi lên: “Cải tổ chương trình giảng dạy ở các trường đại học để giữ vững được tinh thần dân tộc”, “Dùng tiếng Việt thay thế tiếng nước ngoài ở tất cả các khoa trong trường đại học”, “Trách nhiệm của thanh niên sinh viên trước sự mất còn của quốc gia, dân tộc”, “Bảo vệ nền văn hoá dân tộc chống cự xâm nhập của văn hoá ngoại bang”… Dần dần xen kẽ vào những vấn đề mà nếu bàn tán ở ngoài người ta có thể bị mật thám bắt ngay tại chỗ như: “Bàn về Hiến pháp Cộng hoà”, “Bàn về tự do, dân chủ”, “Dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam là một khối thống nhất”…
Trong những buổi nói chuyện đó, Lý Ngọc Tú nổi bật lên như một ngôi sao sáng… Tú là sinh viên năm thứ ba đại học Văn khoa, vóc người thanh tú. trắng trẻo, có đôi mắt tươi sáng, không những là ước mơ của nhiều thiếu nữ mà còn được anh chị em sinh viên các trường đại học mến phục vì sự can trường và tài hùng biện. Cứ mỗi lần anh bước lên diễn đàn là tiếng vỗ tay hầu như vỡ tung giảng đường. Giọng nói của anh khi uyển chuyển, thiết tha như lời tâm sự, khi mạnh mẽ lôi cuốn như lời kêu gọi, thúc giục hành động. Nội dung câu chuyện của anh vừa có sức hấp dẫn, vừa có sức thuyết phục y như những bài kí tên anh đãng trên nội san của trường đại học.
Người ta chờ đợi để dự những buổi nói chuyện của anh cũng như cầm tờ nội san đại học, người ta giở ngay bài của anh để đọc đầu tiên. Các giáo sư cũng phải tấm tắc khen ngợi anh. Anh đả động cả đến những vấn đề mà anh có thể dễ dàng bị đuổi khỏi trường đại học: vấn đề hoà bình trung lập, vấn đề hiệp thương giữa hai miền Nam Bắc… Sinh viên coi anh như người phát ngôn của họ.
Hôm nay, người nghe cũng chiếm hết chỗ trong giảng đường chờ Lý Ngọc Tú. Đặng Hoàng, người bạn thân của Tú, nắm chặt tay Tú trước khi Tú bước lên diễn đàn:
- Mình vẫn khâm phục khí phách của cậu nhưng mình khuyên cậu nên dè dặt, nói mạnh quá thì chúng nó sẽ không để cho cậu yên đâu!
Lý Ngọc Tú nhìn Hoàng, trả lời:
- Cách mạng là đấu tranh, là phá bỏ cái hiện tại bất công đi để xây dựng một ngày mai tươi đẹp. Đã đấu tranh thì không thể dè dặt được. Sự hèn nhát nhiều khi cũng được nguỵ trang dưới cái vỏ dè dặt…
- Thế cậu không sợ tù đày ư?
- Không! Nếu ai cũng sợ thì ai đứng ra đấu tranh cho độc lập thống nhất? Nếu muốn yên ổn thì đừng bước vào con đường đấu tranh. Đã chọn con đường đấu tranh là phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng tra tấn, tù đày, khủng bố. Mình đã tự xác định như vậy…
- Nhưng chúng ta cần phải đấu tranh lâu dài.
Lý Ngọc Tú vẫn cương quyết:
- Mình đồng ý với cậu là phải đấu tranh lâu dài. Muốn đấu tranh lâu dài phải có phong trào. Mình muốn làm hết sức mình thổi bùng phong trào lên. Phong trào lên được thì dù mình có bị làm sao mình cũng không ân hận, người khác sẽ thay thế mình…
Giọng của Tú càng nói, càng trở nên sôi nổi. Hoàng chỉ còn biết bắt tay Tú thật chặt, nhìn bạn bước ra diễn đàn với cặp mắt khâm phục, mến yêu vô hạn. Hoàng thầm nghĩ: “Ít người được như cậu ấy. Nếu ai cũng có tinh thần kiên cường đấu tranh như vậy…”
Tiếng vỗ tay rào rào vang khắp giảng đường đón Lý Ngọc Tú. Nữ phóng viên Vân Anh bấm vội một bức ảnh. Lý Ngọc Tú nở một nụ cười rất tươi và hơi cúi đầu đáp lễ mọi người. Đợi tiếng vỗ tay ngớt, Lý Ngọc Tú bắt đầu nói:
- Thưa các bạn!
Hôm nay tôi xin phép các bạn được trình bày ý kiến của tôi những suy nghĩ của tôi về vấn đề lí tưởng của người thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Thanh niên là trụ cột của quốc gia, là niềm hy vọng, là tương lai của quốc gia. Quốc gia hưng thịnh hay suy vong phần lớn là ở thanh niên. Vì vậy, mỗi người thanh niên chúng ta phải sống có lí tưởng. Nếu chúng ta sống không có lí tưởng thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành hoặc vô nghĩa, mai một trong sự tầm thường chật hẹp hoặc đáng khinh trong sự ích kỉ, cá nhân. Lí tưởng chắp cánh cho cuộc đời chúng ta, cho tâm hồn tình cảm chúng ta bay lên…
Giọng nói của Tú thu hút mọi người. Từng quãng, tiếng vỗ tay đồng tình lại vang lên, xen lẫn tiếng những thanh niên không kìm hãm nổi mình, hét lên “Đúng! Đúng!” “Bra-vô Tú!”… Mắt Tú càng sáng, miệng Tú càng tươi, giọng nói Tú càng hào hứng. Không khí giảng đường càng như có chất men làm mọi người say sưa.
Giữa lúc đó, ngoài cổng giảng đường có tiếng còi rít lên lanh lảnh, tiếng xe xích sắt gầm gừ. Giảng đường nhốn nháo. Người ta chuẩn bị đối phó như vẫn phải đối phó với mọi cuộc bắt bớ, giải tán của chính quyến Diệm diễn ra đối với những cuộc nói chuyện của thanh niên sinh viên. Tiếng Lý Ngọc Tú từ trên diễn đàn, qua máy phóng thanh vẫn sang sảng:
- Các bạn hãy bình tĩnh. Bạo lực không thể thắng nổi sức mạnh tinh thẫn. Chúng ta hãy nắm chặt tay nhau lại, đoàn kết thành một khối. Không có một uy vũ nào có thể khuất phục được chúng ta.
Đặng Hoàng – sinh viên khoa Văn, Trần Minh – sinh viên khoa Y – những người cốt cán của phong trào đã nhanh chóng bố trí những nam sinh viên khoẻ mạnh, dũng cảm đứng ra vòng ngoài, bảo vệ cho những nữ sinh viên đứng lui vào phía trong giảng đường.
Lần này, không phải chỉ là một vụ bắt bớ, giải tán bình thường. Ngô Đình Cẩn đã chính thức phản công vào phong trào thanh niên sinh viên, một phong trào mà hắn coi như cái ung thư đối với hắn, nằm giữa nội thành. Hắn đã huy động hơn hai chục xe bọc thép và một trăm năm mươi tên vừa là bọn cảnh sát dã chiến vừa là bọn “lực lượng đặc biệt” mũ nồi xanh đến bao vây, mở một cuộc khủng bố trắng trợn, dã man.
Bọn cảnh sát dã chiến, súng lục ngang hông, gậy cao su trên tay, bọn lực lượng đặc biệt thì nào là lựu đạn, dao găm, nào súng tiểu liên, xông thẳng vào giảng đường. Sinh viên khoác chặt tay nhau làm thành hàng rào ngăn chúng lại. Chúng hoa gậy cao su, báng súng lên đánh vào đầu, vào ngực, vào mặt mọi người không thương tiếc. Một cuộc ẩu đả dữ dội nhưng không cân sức diễn ra. Những người sinh viên tay không lăn vào cắn, vật lộn giằng co với bọn cảnh sát và bọn lính, không để cho chúng đụng đến bạn mình. Những nữ sinh viên cũng không nghĩ đến mình là phái yếu, xông vào hỗ trợ cho các bạn nam. Bọn lính giơ báng súng nện thẳng tay. Bọn cảnh sát còng ngay tay những người nào kháng cự mà bị chúng đánh gục xuống, lôi ra xe bịt kín đợi sẵn ở cổng trường. Chúng bất một lúc hơn bốn chục người, trong đó có cả Lý Ngọc Tú và Đặng Hoàng.
Có một người đứng cuối giảng đường im lặng chứng kiến từ đầu cuộc khủng bố tàn bạo của bọn cảnh sát và lính lực lượng đặc biệt đối với thanh niên sinh viên. Lúc đầu, người ấy còn ngơ ngác. Nhưng đến những phút cuối, hình như không thể chịu nổi sự tàn bạo dã man đó nữa, người ấy hoà vào khối nữ sinh, vớ được bất cứ cái gì trong tay cũng ném vào bọn cảnh sát và bọn lính. Người ấy là Tố Loan.
*
* *
Lý Ngọc Tú và Đặng Hoàng bị giam chung trong một xà lim chật hẹp, tăm tối, ẩm thấp ở lao Thừa Thiên. Tú chửi ầm ĩ anh em Ngô Đình Diệm:
- Đây là cái “tự do dân chủ”, cái “nhân vị” của anh em họ Ngô đây. Bọn phát-xít! Sói đội lốt cừu rồi cuối cùng bao giờ cũng thò cái đuôi sói ra không giấu được! Đồ chó má!
Và Tú nói với Đặng Hoàng:
- Chúng ta sắp bước vào một cuộc đấu tranh mới. Tinh thần của chúng ta được thử thách trong lúc này. Thật giả sẽ được phân biệt rõ ràng. Lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta phải giữ vững tinh thần. Nhất quyết không được lùi bước! Nhất quyết chúng ta phải thắng được mọi sự tra tấn, dụ dỗ, mua chuộc…
Đặng Hoàng cảm động:
- Tôi hứa với anh sẽ giữ vững tinh thần.
Ngay chiều hôm đó, tên trưởng phòng mật vụ gọi Đặng Hoàng và Lý Ngọc Tú lên hỏi cung. Lúc đầu, giọng hắn ngọt ngào:
- Các anh dại dột lắm. Các anh là sinh viên sao không chịu lo ăn học để sau này đỗ đạt có địa vị, có tiền nhiều, nhà lầu, xe hơi sung sướng có hơn không? Tại sao lại dám công khai đả kích chính quyền? Mà chống lại chính quyền quốc gia thì các anh biết đấy, sẽ bị tù tội, sẽ hết cả tương lai, hạnh phúc…
Nhìn thẳng vào mặt chúng, Ngọc Tú dõng dạc trả lời:
- Mỗi người quan niệm tương lai, hạnh phúc một cách khác nhau. Chúng tôi có học cho nên chúng tôi quan niệm tương lai hạnh phúc của chúng tôi nằm trong tương lai hạnh phúc của dân tộc. Chúng tôi không thể ở nhà lầu, đi xe hơi trong lúc người ta xây đầy nhà tù để giam đồng bào chúng tôi, trong lúc người ta dùng súng người nước ngoài bắn vào đồng bào chúng tôi, trong lúc người ta chia cắt đất nước chúng tôi.
Tên ác ôn tím mặt nhưng vẫn cố gượng cười :
- Lời lẽ ấy không phải là lời lẽ một người dân quốc gia. Đã vào đến đây, anh nên biết lựa lời mà nói kẻo ân hận đấy. Tôi không phải đe doạ suông các anh đâu. Tánh mạng các anh đang nằm trong tay chúng tôi. Hoặc là các anh trả lời đầy đủ, thực thà những câu hỏi của chúng tôi, cam đoan từ nay trở đi chỉ biết có ăn học thôi, thì sẽ nhận được sự khoan hồng của Ngô tổng thống hoặc các anh vẫn cứ khăng khăng chống lại thì đừng hòng trở về với gia đình, với trường học. Các anh hãy cho tôi biết: ai xúi giục các anh chống lại chánh quyền quốc gia?
Lý Ngọc Tú rắn rỏi:
- Ông hỏi chúng tôi vô ích! Không ai xúi giục chúng tôi cả. Chỉ có tấm lòng yêu nước của chúng tôi, chỉ có lương tâm của người trí thức xúi giục chúng tôi thôi! Chúng tôi chống lại áp bức bất công, chống lại kẻ bán nước, hại dân…
Không đợi Lý Ngọc Tú nói hết câu, tên trưởng phòng mật vụ đập bàn, trợn mắt:
- À, thằng này láo! Mày ăn phải bả Việt Cộng rồi!
Lý Ngọc Tú cũng không kém:
- Tao không phải là Việt Cộng. Nhưng nếu tao được làm Việt Cộng thì đó cũng là một vinh dự cho tao, vì Việt Cộng là những người yêu nước…
Tên trưởng phòng mật vụ gầm lên, như một con thú dữ bị đòn đau, hắn đứng phắt dậy, mặt tái đi, vớ ngay chiếc ghế đang ngồi ném vào người Tú. Tú lẹ làng tránh khỏi. Hắn nhảy xổ tới đánh Tú. Tú ngồi sụp xuống, co hai tay lên che khắp mặt tránh đòn. Đặng Hoàng lăn vào cản tên ác ôn:
- Ông không được đánh người như vậy.
Tên ác ôn quay ra Đặng Hoàng:
- A, cả thằng này nữa dám chống lại tao.
Mấy tên mật vụ đứng ngoài cũng nhảy vào. Chúng xúm lại đánh Hoàng tơi tả.
Sau trận ra oai, tên trưởng phòng mật vụ vừa thở hổn hển vừa trỏ ngón tay vào hai người sinh viên:
- Tao để cho chúng mày suy nghĩ. Rồi xem chúng mày có thể bướng mãi được với tao không?
Hắn hất hàm cho bọn tay sai:
- Giam chúng nó lại.
Chúng xô đẩy hai người về xà lim. Thái độ dũng cảm của Ngọc Tú trước quân thù khiến cho Đặng Hoàng càng thêm khâm phục.
Những ngày sau bọn mật vụ liên tiếp gọi Lý Ngọc Tú và Đặng Hoàng lên hỏi cung. Có khi chúng hỏi cung cả hai người cùng một lúc. Có khi chúng gọi riêng từng người lên hỏi. Lần nào, Đặng Hoàng cũng thấy Ngọc Tú giữ vững được khí phách của mình. Có lần, chúng gọi một mình Tú lên hỏi. Đặng Hoàng hồi hộp ngồi trong xà lim đợi bạn. Khi cánh cửa xà lim mở, Hoàng thấy hai tên mật vụ khiêng Lý Ngọc Tú ném vào. Tú đã bị ngất đi, quần áo anh rách tả tơi đầy vết máu. Mặt mày anh lấm be bét. Đặng Hoàng sợ hãi lay gọi bạn, Lý Ngọc Tú vẫn không mở mắt, nói trong cơn mê sảng:
- Bọn bán nước! Chúng mày đừng hòng lấy của tao một lời khai.
Vừa xoa bóp, vừa lay gọi hồi lâu, Đặng Hoàng mới thấy Tú hồi tỉnh. Tú mở mắt, nhìn thấy Hoàng, mệt nhọc nói:
- Chúng nó tra tấn mình suốt cả buổi. Mình ngất đi chẳng biết gì cả. Bọn chúng xảo quyệt lắm, độc ác lắm. Cậu nhắn tất cả anh em mình cố gắng giữ vững tinh thần.
Câu chuyện Lý Ngọc Tú hiên ngang, bất khuất bí mật lan khắp nhà lao Thừa Thiên. Từ nhà lao đó, tin ấy theo những học sinh, sinh viên được thả ra trước – do bố mẹ chạy tiền hoặc do thế con ông cháu cha – lan ra bên ngoài. Mọi người trầm trồ trao đổi với nhau. Uy thế của Lý Ngọc Tú trong thanh niên học sinh sinh viên càng lên cao.
Tin ấy đến tai linh mục Cao Vãn Luận – Viện trưởng Viện đại học Huế – ông ta mỉm cười .
Sau ba tháng bị giam giữ, hỏi cung, tra tấn, một hôm Lý Ngọc Tú và Đặng Hoàng được dẫn đến gặp tên trưởng ty công an Thừa Thiên. Hắn nghiêng nghiêng cái bộ mặt béo bự nhìn hai người, lấy giọng nhân nghĩa:
- Ngô tổng thống thương các anh còn trẻ, đang tuổi học hành và cũng xét thấy các anh không có hành động công khai chống đối chính quyền quốc gia nên ban lệnh tha cho các anh, về giao lại cho bố mẹ các anh chịu trách nhiệm cai quản. Các anh phải biết ơn sự khoan hồng của Ngô tổng thống mà cải tà quy chính, chịu khó học hành, không được nghe những kẻ xấu xúi giục, đặng sau này đỗ đạt phụng sự quốc gia nghe không?
Hắn uể oải khoát tay ra hiệu cho hai người đi ra.
Thoát khỏi giam cầm, hai người bước ra khỏi ty công an như hai con chim sổ lồng. Không gian mở rộng mênh mang đón hai người. Trời đất, cỏ cây và nhất là những con người gặp lại đẹp biết bao nhiêu. Trong lúc say sưa, Đặng Hoàng nói nhỏ với Lý Ngọc Tú:
- Cậu thật là một con người kiên định. Mình không biết nói thế nào cho hết lòng mến phục cậu. Mình sẽ giới thiệu cậu với Trần Minh.
Câu nói thu hút sự chú ý của Lý Ngọc Tú. Anh hỏi lại:
- Trần Minh là ai?
- Một trong những người chỉ đạo phong trào.

<< Chương 23 | Chương 25 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 919

Return to top