Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Huyền sử Cỏ tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18416 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Huyền sử Cỏ tiên
Phạm Thái Quỳnh

Chương 10

Một ông già cùng một thiếu niên lang thang qua làng này sang làng khác, vừa đi vừa chữa bệnh cứu người. Có nơi hai bố con dừng chân dăm ba ngày, có nơi dừng chân vài chục ngày, lại có nơi dừng chân vài ba tháng. Vùng nào họ ở lại ngắn hay dài là do vùng ấy bệnh tật nhiều hay ít và còn do sự an toàn cho hai bố con dầy hay mỏng. Cậu út thấy sống cuộc đời trôi nổi thích hơn sống ở nhà. Nay đây mai đó, tiếp xúc với nhiều cảnh ngộ, cậu thấy rõ một điều. Dù cha cậu là ông quan thanh liêm nên kiết xác nhưng cậu vẫn còn sung sướng hơn nhiều lần những đứa trẻ cùng tuổi con nhà dân quê. Chúng làm gì có quần áo. Mùa nắng chúng ở trần. Rét mướt, chúng dùng lá khô lấy dây xâu lại quấn quanh người. Được ăn cơm, chúng đã coi như ăn cỗ. Bởi chúng chỉ quen với khoai sắn, khoai sắn hết thì lấy củ chuối làm cơm. Ngày Tết, chúng cũng chỉ mơ bữa cơm no. Khi chúng có bệnh, bố mẹ chúng kiếm nắm lá sắc đặc chắt lấy nước cho chúng uống. Bệnh nhẹ, nắm lá có thể đẩy lùi được bệnh tât. Bệnh nặng nắm lá vô hiệu, bố mẹ chúng phó thác chúng cho Giời.
Hai bố con ngài Tri huyện bồng bềnh khắp nơi. Hơn năm năm sau, họ dạt đến một làng ven bể. Có lẽ giời xui hai người trốn tội đến đây và trở thành người cứu cả làng. Bởi vì làng đó đang bị bệnh tả hoành hành. Làng đã có hơn một chục người chết. Người người thấp thỏm lo đến lượt mình. Ngài quan huyện xem bệnh từng người rồi bảo con trai cắt thuốc. Con trai ngài không làm cho ngài thất vọng. Những kiến thức chữa bệnh ngài dậy con trai đã được cậu út thể hiện sáng suốt, thận trọng đẩy lui được dịch tả. Vài ngày sau, làng chài nghèo ven bể đã vơi dần lo âu. Người chết do bệnh tả gây nên được chặn lại. Dân làng chài coi ngài quan huyện như Thánh, coi cậu út như một Tiên Đồng. Và ở đây,  một chuyện như là nhân duyên đã diễn ra.
Có một gia đình thuyền chài ở một vạt đất đua hẳn ra bể như một bán đảo nhỏ. Khi thuỷ triều lên, phần đất giáp với làng chài bị ngập nước, phần đất còn lại phía ngoài trở thành đảo nhỏ chơ vơ giữa trời nước.
Cái gia đình sống trên bán đảo sóng gió ấy là thế giới của đàn ông, dễ có đến gần bốn chục người. Người nhiều tuổi nhất chừng trên dưới bảy mươi. Người ít tuổi nhất mới chừng mười hai, mười ba. Già trẻ trong nhà dùng chung quần áo. Cả nhà có hơn mươi bộ nâu sồng gọi là lành lặn. Ai có việc phải ra ngoài bán đảo chọn lấy một bộ vừa cỡ trong số những bộ quần áo lành lặn đó. Còn thường ngày, họ chỉ che chỗ cần phải che. Mùa rét, họ dùng lưới rách quấn vào thân thể chống chọi gió sương. Tuy rặt đàn ông nhưng họ sống hồn nhiên, hoà thuận, yêu thương nhau như ong bướm yêu cỏ hoa.
Trận dịch tả đã làm gia đình đàn ông này chết mất hai người, còn sáu, bảy người đang thoi thóp. May cho nhà họ là bố con ngài Tri huyện đã kịp đến. Những người đang thoi thóp thoát chết. Ông già nhiều tuổi nhất quỳ xuống vái lương y đã tạo phúc cho gia đình mình. Ngài Tri huyện vội vàng cúi xuống đỡ lão chài dậy:
- Lão nhiều tuổi hơn tôi, sao lão làm vậy. Hôm nay, lão vui một, tôi vui mười. Những người trong nhà qua được ấy là phúc của nhà ta, tôi được hưởng lây.
Ngài Tri huyện dừng lời, đắn đo mãi ngài hỏi:
- Thế này không phải, xin hỏi lão Chài, sao nhà ta không thấy bóng đàn bà, con gái?
ánh mắt lão Chài trở nên xa xăm:
- Nhà này ngoài lão ra có ai lấy vợ đâu mà có đàn bà, con gái!
Ngài Tri huyện lại hỏi:
- Thưa lão Chài, làm sao lại như vậy?
Lão Chài buồn rầu đáp:
- Chuyện này rất dài và đau lòng lắm. Lão mà kể e làm mất thì giờ vàng ngọc của lương y.
Ngài Tri huyện nghĩ: "Đi ngày đàng học sàng khôn." Trong dân quê có nhiều chuyện làm nên một pho ngoại sử dài không kể xiết, cứ nán lại nghe lão Chài kể... Ngài Tri huyện bèn nói:
- Duyên có may mới được hầu chuyện lão Chài. Thì giờ dù có quý nhưng chuyện của lão Chài còn quý hơn. Xin lão Chài cho nghe.
Lão Chài thấy lương y nói phải. Lão nói: " Có duyên, có phúc giời mới cho lão gặp lương y. Nếu không gặp thày gặp thuốc, nhà này còn thêm mấy chiếc khăn tang? Chuyện của lão xảy ra đã gần sáu mươi năm rồi. Nhà lão chỉ còn một mình lão. Anh lão mấy chục năm không tin tức gì. Kẻ thù của gia đình lão chắc cũng đã chết cả. Nếu chúng còn sống lão cũng không sợ nữa. Vì lão gần bảy chục tuổi rồi, có chết cũng được. Vậy lão chẳng dấu làm gì nữa. Lão phải nói ra cho những người được lão cưu mang hiểu cái sự đời ngang trái. Bao đau đớn lão đã phải chịu đựng và dấu kín trong lòng mấy mươi năm rồi để họ sống với nhau có nghĩa có nhân. Lại nữa, lâu nay mọi người trong cái nhà này, trong cái làng này đều gọi con người khốn khổ từ chân trời khác dạt tới đây là anh Chài, bác Chài, ông Chài rồi lão Chài. Có ai biết tên thật của lão đâu. Vì khi lão tới đất này, cái tên thật cha mẹ đặt cho lão phải dấu biến. Người cứu lão hỏi: "Cháu tên là gì?" Lão nói liều: "Cháu tên là Bé." Người cưu mang lão ghép thêm tiếng "Chài" thành "Bé Chài". Lớn lên bé Chài thành "anh Chài" rồi "bác Chài"... Bây giờ lão phải trả lại cái tên cha mẹ đã đặt cho lão. Khi về giời, lão phải có cái tên thật mà lão đã có từ khi lão cắt rốn".
Lão Chài nhớ lại thuở rất xưa. Ngày ấy cha mẹ đặt tên cho lão là Thuận.
Thuận nói với chị:
- Ngày cưới chị, chị phải cho em mặc áo mới đấy.
Chị Nết cười rồi thơm vào cái má phúng phính của em giai:
- Em phải có áo mới chứ. Anh Tự sẽ may cho em.
Vì bộ quần áo cưới của em gái là Nết và bộ quần áo của em giai út mặc ngày cưới chị, Tự phải loay hoay mãi. Trong khi ấy trai làng cứ nài anh dạy quyền cước cho họ. Bởi Tự giỏi quyền cước do chẳng đừng được mà anh phải học. Ngày ấy bọn chức sắc, bọn hào trưởng trong làng thấy nhà nào mềm là chúng nó nắn. Chúng xếp nhà Tự vào loại mềm. Vì bố Tự đã già lại hiền lành, còn Tự mới vừa qua tuổi thiếu niên, rất ngô nghê. Sau Tự là cô em gái sắp cưới và thằng em út bắt mũi chưa sạch là Thuận.
Nhằm mở mang canh nông, nhà Vua có kế sách khuyến điền. Ai khai khẩn được đất hoang, nhà Vua miễn thuế cho năm năm. Bố Tự bỏ ra nhiều công sức khai phá một vạt đồi cằn cỗi. Ông cày đi, cuốc lại nhặt hết sỏi đá, gốc sim, gốc mua trên mảnh đồi rộng già nửa mẫu. Vạt đồi hoang trở nên phẳng phiu, đẹp đẽ. Tuy vậy, đất còn cằn cỗi. Ông bèn nghĩ ra cách dưỡng đất. Dùng lá xanh ủ mục, ông trải khắp mảnh đất đã cày bừa kỹ. Nhưng nếu thiếu nước ông có trồng cây gì cũng không được thu hoạch. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bố Tự dùng tre làm máng dẫn nước từ núi cao về. Có nước, đồi lạc của bố Tự tươi xanh mơn mởn, hoa sai chíu chít. Người nào trông thấy cũng ao ước.
Vạt đồi tươi tốt đó đã lọt vào mắt lão nhà giầu trong làng.
Một hôm, lão nhà giầu đến nhà bố Tự nói:
- Tôi có việc muốn bàn với ông.
Bố Tự hỏi:
- Ông có việc gì mà lại muốn bàn với tôi?
Lão nhà giầu đáp:
- Ông có đất gần nhà tôi, tôi có đất gần nhà ông, ta đổi cho nhau. Mảnh đồi của tôi rộng gấp rưỡi mảnh đồi của ông. Tôi chịu thiệt. Ta đổi huề.
Lời lẽ của lão nhà giầu mới trái tai làm sao. Đất của lão ta có rộng hơn thật nhưng lão ta mới khai phá qua loa lại xa nguồn nước. Vậy mà lão ta nói là chịu thiệt. Đối với lão ta, hạt cơm nguội có rơi cũng phải rơi đúng cửa chuồng gà của nhà lão ấy. Ngẫm nghĩ, bố Tự đáp:
- Tôi không đổi vì tôi không thể hưởng lợi mà không đổ mồ hôi.
Lão nhà giầu nói thế nào bố Tự cũng không thay đổi. Cay cú, lão cho bốn thằng con giai thằng nào cũng to lớn ra phá máng dẫn nước về tưới cho vườn lạc của nhà Tự. Lạc không có nước tưới mấy ngày héo hết. Bố Tự căm nhưng đành nín lặng. Tự cũng uất lắm nhưng không làm gì được. Bố tự nghĩ cách chống lại lão nhà giầu. Một hôm, bố nói với Tự.
- Nhà ta không nhún mãi được. Con phải đi học quyền cước. Con có quyền cước không đụng chân đụng tay chúng nó cũng chờn.
Tự hỏi bố:
- Con biết học ở đâu?
Bố Tự đáp:
- Bố có ông bạn cách làng ta vài chục dặm rất giỏi côn quyền. Ngày bố còn trẻ, ông ấy rủ bố đi học. Bố chê võ biền không đi. Nhưng ông ấy đã đúng: Học để giữ nhà. Ông ấy chưa đánh ai nhưng cũng không ai dám đụng đến ông ấy.
Lúc đầu, Tự chần chừ. Nhưng nhìn đồi lạc héo khô, Tự bèn nghe bố.
Hơn một chục ngày từ ngày Tự vái thày, thày không dậy cho Tự một đường quyền, một đạo cước nào. Quanh đi quẩn lại, Tự phải bổ củi, gánh nước chăm bón vườn cây cho thày. Thày còn sai Tự làm những việc rất kỳ cục. Rau cải đang xanh tốt thày bắt nhổ lên để cho héo rồi trồng lại. Một đống củi khô rất to thày bắt dội nước vào rồi lại rỡ ra phơi. Thế nhưng Tự vẫn không dám trái ý thày.
Một buổi sáng, thày gọi Tự ra giữa bãi cỏ. Bất thình lình thày đấm vào mặt Tự một đấm nảy đom đóm mắt. Tự ngã vật ra. Thày bỏ đi không nói gì cả. Một lúc  sau, thày gọi Tự vào nhà hỏi:
- Học võ để làm gì?
Tự đáp
- Thưa thày, bố con nói học võ giữ nhà ạ.
- Không phải, nói lại đi.
Tự bèn nhắc lại câu đã nói:
- Không phải, nói lại đi -Thày nhắc lại.
Tự vẫn lặp lại như cũ. Đến chiều, thày đốt lò trầm nói:
- Ta sẽ nhận con làm trò.
Thày lầm rầm những gì mà Tự không rõ rồi thày giảng: "Võ là Đạo. Trên đời đạo hơn hết là đạo Người. Đạo Người hơn hết là Nhân. Nhân là thương người. Thương người phải cứu người...." Thày đề ra cho Tự bốn nguyên tắc:
            1- Không đánh người khi người không đánh.
            2- Chưa đánh người khi người chưa đánh.
            3- Người đánh tránh được cứ tránh.
            4- Đánh thắng người không đánh chết người.
Thày còn đề ra cho Tự hai phương châm:
            1- Không hùa theo sai trái.
            2- Không bỏ qua kẻ gây ác.
Tự học được hơn một tháng thày cho Tự đi kiếm củi. Ra khỏi nhà được hơn một dặm, Tự bị một kẻ gây sự. Anh lẳng lặng bỏ qua. Lúc trở về, trên vai một gánh củi nặng, Tự lại bị một kẻ lẵng nhẵng đi theo hỏi chuyện có ý khiêu khích. Tự cũng bỏ qua. Thày biết chuyện ấy lấy làm yên lòng. Về sau Tự biết, thày đã cho người cố ý gây sự để thử Tự.
Tự học được hơn một năm, thày cho "hạ sơn". Lúc Tự bái biệt, thày dặn: "Sau này gặp họa thì quay lại đây với ta...."
Hơn một năm Tự đi vắng, vạt đồi trồng lạc thành vạt cỏ hoang. Về tới nhà, Tự bắt tay ngay vào khai khẩn lại vạt đồi đó. Ngày Tự làm lại đường máng dẫn nước, lão nhà giầu cho cả bốn con đến phá. Tự không hề nói gì. Đang bổ tre bằng dao để làm máng, Tự quẳng ngay con dao đi rồi nghiêng bàn tay chẻ tre y như chẻ  bằng dao vậy. Lũ con giai lão nhà giầu hoảng quá nháy nhau tháo lui.
Trai làng thấy Tự quyền cước giỏi rủ nhau đến học. Tự còn chần chừ. Dạy võ mà không kén người, thày dạy mang tội. Trai làng biết Tự đang loay hoay lo quần áo cho hai em. Họ ngầm bảo nhau giúp đỡ anh. Mỗi người một ít góp lại mua cho Nết một bộ quần áo, mua cho Thuận một chiếc áo. Rồi họ mang tới nói với Tự: "Cùng cảnh áo vá với nhau, cậu khó cũng như chúng tớ khó. Cậu nhận lấy cho hai em nó mừng. Chúng tớ giữ kín chuyện này. Cứ coi là cậu lo cho em."
Tự biết trai làng làm thế này để thể hiện tấm lòng và cũng là để Tự nhận lời truyền nghề cho họ. Anh không thể phụ lòng họ. Tuy vậy, anh cũng phải nói rõ: "Tôi xin nhận tấm lòng của các bạn và tôi sẽ dạy quyền cước cho những ai đủ tin cậy do tôi lựa chọn." Trai làng bằng lòng. Hơn bốn chục người xin học, Tự chỉ chọn được năm người. Tự nói với họ: "Tôi sẽ truyền cho năm bạn đủ quyền cước thủ thân. Khi làng ta có thêm năm người biết quyền cước chắc chắn bọn nhà giầu, bọn có thế lực hay làm càn phải chột dạ."
Năm người Tự chọn làm "trò" tính tình điềm đạm, chín chắn. Họ đã không phụ lòng anh. Một trong năm người ấy sau này trở thành dũng tướng trấn trị một vùng biên ải.
Mùa xuân đến, làng bên mở hội cờ vào đúng tết Nguyên Tiêu. Ngày cưới em cũng sắp tới. Nhẩm tính, Tự đi dự hội cờ rồi về chuẩn bị cho em cũng còn đủ thì giờ.
Tự cao cờ có tiếng trong vùng. Trước ngày đi học võ, Tự đã giật giải nhì trong cuộc thi cờ của một làng trong tổng. Lần này Tự nhập cuộc biết đâu... Hàng chục người vào dự hội cờ lần lượt bị loại. Tự lọt vào trận cuối đấu với con trai hào trưởng làng ấy. Cuộc chơi cuối cùng diễn ra. Tự bị bất lợi vì anh là người làng khác. Khi con trai hào trưởng đến nước đi, thủ trống điểm thì thùng từng tiếng. Người ta cố tạo cho con trai hào trưởng có nhiều thì giờ suy nghĩ. Đến lượt Tự đi, thủ trống thúc gấp liên hồi hòng gây cho Tự sự bối rối. Nhưng hơn một năm học quyền cước, Tự đã có được một phẩm chất tuyệt vời. Ngay cả lửa cháy bên cạnh cũng không làm Tự rối trí. Vậy trống có thúc nóng dùi cũng chẳng mùi gì. Trống càng thúc gấp, Tự càng thận trọng khi nhấc một quân cờ. Rốt cuộc, con trai hào trưởng phải nhường ngôi đầu bảng cho Tự. Anh đã buộc kẻ háo danh thua trắng hai ván không gỡ. Đặc biệt hai ván cờ ấy, Tự chơi con tốt rất tài tình. Nó cứ lặng lẽ tiến bước một, khôn ngoan né tránh mọi đòn đánh, tiến dần vào cung. Khi đối phương nhận ra con tốt sẽ nhập cung có ngăn cũng không kịp.
Bị thua đau nên bẽ mặt, kẻ thua cuộc dẫn bọn ngổ ngáo đón đường đánh Tự. Nhớ lời thày dạy, Tự chỉ né tránh chứ không đánh lại. Không may cho con trai hào trưởng, trong lúc xô xát hỗn loạn, hắn bị một gậy của đồng bọn với hắn phang vào đầu. Hắn nằm ngất trên đất. Nhưng bọn chúng đã đổ cho Tự đánh vỡ đầu con giai hào trưởng. Nghe con giai bị đánh trọng thương, hào trưởng nghĩ ngay đến chuyện khác. ấy là vì hào trưởng biết em gái Tự là Nết rất xinh đẹp. Từ lâu, hắn muốn cưới Nết làm vợ lẽ. Dịp may đến, hào trưởng liền đút tiền cho Tri phủ gây sức ép với bố Tự. Hào trưởng dẫn hàng chục trai tráng đến nhà Tự bắt bố Tự đền cho con trai hắn một số tiền rất lớn. Bố Tự có bán cả nhà đi cũng không đủ số tiền đó. Nếu bố Tự không đến, quan sẽ bắt Tự tống vào ngục suốt đời. Bố Tự chưa biết giải quyết thế nào, hào trưởng nói trắng ra: "Ông không có tiền đền thì cho tôi cưới con gái làm lẽ. Vậy là hai bên đều có lợi. Tôi có thêm vợ. Con trai ông không bị tù tội". Dĩ nhiên là bố Tự không bằng lòng. Nhưng hào trưởng ỷ thế quan nên cứ làm theo ý mình. Hắn hẹn ngày hôm sau đến bắt Nết.
Còn có mấy ngày nữa, Nết về nhà chồng. Đùng một cái, hoạ lớn xảy ra, Nết sắp thành vợ lẽ người khác. Tránh điều tủi nhục sắp diễn ra, đêm hôm ấy, Nết ra sông cái tự tận. Một ngày không thấy Nết đâu, mọi người bổ đi tìm, nhưng muộn rồi, xác Nết đã nổi lên.
Con gái chết chưa chôn, hào trưởng và lính của quan vẫn kéo đến đòi tiền đền. Chồng chưa cưới của Nết uất quá kéo hàng chục trai tráng đến đánh hào trưởng và lính của quan. Tự cố ngăn lại nhưng một mình anh không dập được lửa hận đã bùng cháy. Kết quả, hào trưởng bị chết ngay tại chỗ, hai lính của quan bị thương nặng. Không thể khác được, chồng chưa cưới của Nết và Tự phải trốn biệt.  Bố Tự cũng không còn con đường nào khác. Chôn con gái xong, ngay đêm ấy, ông dẫn vợ và Thuận rời khỏi làng. Năm ấy, Thuận mới mười tuổi đầu.
Bỏ quê lánh nạn, bố Thuận làm đủ nghề nuôi vợ, nuôi con. Nhưng phần vì đói khổ, phần vì thương con gái chết oan, thương con giai biệt tích, bố mẹ Thuận lần lượt qua đời. Thuận trở thành đứa trẻ bơ vơ năm mười sáu tuổi.
Thuận lang thang kiếm sống rồi dạt đến một làng chài, đói mệt ngất đi trên bãi cát ven bể. Vợ chồng ông đánh cá bắt gặp dìu về nhà đổ cháo cho ăn. Có chút bột vào bụng, lát sau Thuận tỉnh lại. Ông chài bèn hỏi gia cảnh. Thuận kể lại cảnh nhà tan nát. Thương tình, vợ chồng ông chài nhận  Thuận làm con nuôi.
Hai vợ chồng ông chài không có con nên rất quý Thuận. Năm Thuận hai mươi bốn tuổi, vợ chồng ông chài cưới vợ cho anh. Cô con dâu sắp cho ông bà chài đứa cháu nội thì một trận bão ập tới. Sóng bể dâng cao như nồi cơm sôi. Chỉ có ông chài và Thuận thoát chết, còn vợ ông chài và vợ Thuận bị sóng cuốn mất. Niềm vui của ông chài vừa nhen đã bị tắt ngấm bởi một tai hoạ khủng khiếp do sóng thần gây nên. Ông chài không thiết gì nữa bèn giao hết thuyền lưới cho Thuận, còn ông suốt ngày quanh quẩn với đàn gà và chiều chiều xách cần câu ra bãi bể.
Dăm năm sau, ông chài qua đời để lại cho Thuận thuyền lưới tuy đã rách nát. Thuận trở thành chủ bán đảo từ đó. Thế là Thuận đã có một giang san. Trong hoạ cũng có phúc. Có lẽ vì thế mà Thuận gặp vợ chồng ông lão đánh cá. Ơn bố mẹ nuôi, Thuận không hề sao nhãng việc hương khói. Vì vậy, dân làng chài rất quý Thuận.
Đứng chân nơi đầu sóng tuy rất gian lao, nguy hiểm nhưng dù sao Thuận cũng có một nơi neo đậu. Đến lúc ấy, Thuận càng thương bố mẹ, thương em oan trái, thương anh biệt tích mất hay còn?
Thấm thoát đã hơn hai mươi năm từ cái ngày kinh hoàng ấy. Tai hoạ của nhà anh khởi đầu từ con giai hào trưởng. Vì thói háo danh, hắn gây hoạ cho cả hai nhà và cho chính hắn. Vết thương bị đồng bọn đánh vào đầu đã biến hắn thành kẻ suốt đời mê mê tỉnh tỉnh.
Thuận là người nhân ái lại trải qua hoạn nạn nên rất thương người. Chẳng bao lâu sau ngày ông chài qua đời, hàng chục kiếp người khốn khó, hoạn nạn tìm đến nương tựa vào anh. Những mảnh đời khổ ải ấy phần đông là trẻ thơ tám, chín tuổi đến mười lăm, mười sáu tuổi. Em thì mồ côi cha mẹ, em thì gặp ghì ghẻ quái ác.. lại có những em lêu lổng hư hỏng. Số còn lại trên hai mươi tuổi không nhiều. Người thì trốn lính, trốn phu dịch, kẻ thì chạy nợ. Ai đến anh cũng giúp đỡ trong khả năng đã có của anh. Ai muốn ở lại thì thuyền đấy, lưới đấy bể rộng có cá tôm đấy góp sức vào đánh bắt tôm cá mà sống. Người đến trước giúp người đến sau. Người nhiều tuổi bảo ban người ít tuổi. Ai lười nhác, ích kỷ hoặc không thật thà ngay thẳng được mọi người chỉ bảo cho mà sửa. Người nào xấu nết, mắc lỗi nhiều lần, anh em bảo ban mà không chịu sửa sẽ phải đi khỏi nhà. Việc đó chỉ diễn ra khi những người trong nhà tiến hành một cuộc "bỏ phiếu". Mỗi người có trong tay hai hạt đậu, một hạt đậu đen một hạt đậu đỏ. Hòm phiếu là cái bát để ở giữa nhà. Mỗi người bỏ vào bát một hạt đậu. Bỏ hạt đậu nào vào bát, từng thành viên trong nhà tự lựa chọn. Mọi người bỏ xong, anh Thuận kiểm đậu. Nếu số hạt đậu đen nhiều hơn số hạt đậu đỏ thì người mắc lỗi phải ra đi. Có hai người trong đại gia đình đàn ông này đã phải ra đi. Sau vài tháng, một người quay lại xin "lập công chuộc tội". Anh Thuận nhận lại. Quả nhiên, người ấy sau này đã trở nên tốt nết được mọi người quý mến.
Đánh bắt cá tôm là việc vất vả và nguy hiểm nên không hợp với đàn bà, con gái. Lại nữa giữa một thế giới đàn ông mà có đàn bà, con gái tất sinh chuyện phiền phức, sinh hoạt của mọi ngươì rất không tiện. Bởi vậy, Thuận không thu nạp đàn bà, con gái vào "gia đình" này. Tuy vậy nếu phái yếu tìm đến cần Thuận giúp đỡ, anh gửi họ vào lò nấu nước mắm trong làng để họ nương nhờ.
Chuyện lập gia đình riêng của mọi người là một vấn đề lớn. Nếu ai muốn lo chuyện đó thì phải đi nơi khác ở, Thuận chỉ đỡ đần chút ít. Nếu Thuận khó khăn không đỡ đần được chút nào, người lập gia đình riêng không được đòi hỏi. Để duy trì sự bền vững của cái "nhà hợp cư" này, Thuận cũng không nghĩ đến chuyện lấy vợ nữa. Hơn nữa hình bóng người vợ đã mất luôn hiện về trong anh.
Anh Thuận đã thành ông Thuận lâu rồi. Mấy năm trước, có hai đứa trẻ tìm đến  xin ông cưu mang, thằng anh khoảng mười ba, mười bốn; thằng em khoảng mười một, mười hai. Ông Thuận hỏi tên, thằng anh nói bố mẹ nó không đặt tên mà gọi là Cu nhớn, Cu con. Hỏi gia cảnh thằng Cu nhớn trả lời bố mẹ chết cả. Tinh ý, ông Thuận không hỏi nữa. Biết đâu Cu nhớn, Cu con cũng như ông trước đây... Ông bèn thu nạp ngay hai Cu vào gia đình của ông. Vì hai trẻ tìm đến ông lúc ấy đã quá nửa đêm nên ông cho hai trẻ ngủ ngay cạnh giường ông. Gần sáng, thằng Cu nhớn nói mơ. Những điều nó nói làm ông rợn tóc gáy. Vậy là những gì ông cảm thấy về hai đứa trẻ khi chúng vừa đến gặp ông có thể là đúng. Sợ rằng có gì sẽ xảy ra với hai đứa trẻ mới đến, hôm sau ông nói với mọi người: "Hai đứa trẻ này là người nhà tôi, nếu ai đến hỏi chúng, mọi người cứ bảo họ đến chỗ tôi..." Từ hôm đó ông cho Cu nhớn, Cu con ngủ ở chỗ ông. Vì ông sợ đêm ngủ chúng nói mơ... Mấy năm rồi không có chuyện gì xảy ra với hai đứa trẻ, ông mới yên lòng.
Mọi người trong gia đình đàn ông hôm ấy mới biết lão Chài có tên là Thuận với bao khốn khổ thương đau. Hèn gì ông rất thương những người hoạn nạn và coi những người đến nhờ cậy mình như con, như cháu.
Nghe chuyện đời của lão Chài - ông Thuận, ngài Tri huyện khẽ thở dài. Hoá ra ông Thuận cùng cảnh với mình và còn đau đớn, khốn khổ hơn mình. Phần cuối của câu chuyện, ông Thuận nói về hai thằng nhỏ. Trong mơ nó nói gì mà khiến ông "rợn tóc gáy" ? Để trả lời được những câu hỏi này, ngài Tri huyện bèn đi gặp riêng ông Thuận.
Gà đã gáy sang canh hai. Đêm thượng huyền trăng tà, sao vắng. Trong lộng sóng chao nhẹ đủ cho lòng xao xuyến. Ngoài khơi biển sôi ù ù vọng vào như xay lúa. Phóng tầm mắt ra xa, ngài Tri huyện chỉ thấy màu đen thẫm không cùng. Con người bé nhỏ, mong manh quá. Vậy mà con người lại tạo ra bao nhiêu giông bão để vùi dập con người.
Ngài Tri huyện đứng lặng nhìn biển, nhìn trời .... Trăng thượng huyền lặn một lúc lâu ngài mới trở gót vào gặp ông Thuận. Ngài cố ý đến muộn vì câu chuyện cần phải bí mật. Nghe tiếng gõ cửa, ông Thuận ngỡ là có người hoạn nạn tìm đến cậy nhờ.  Mở cửa, thấy ngài Tri huyện, ông Thuận niềm nở mời vào khêu to đèn rồi hỏi:
- Có việc gì mà lương y phải vất vả vào lúc canh khuya này. Nếu có lương y cứ dậy.
Ngài Tri huyện cung kính:
- Lão Chài quá lời rồi. Tôi mới là người cần lão Chài chỉ giáo. Hạnh ngộ được nghe chuyện của lão Chài, tôi biết lão Chài đã xem nhẹ chuyện sinh tử. Giờ chỉ có lão Chài và tôi nên tôi cũng không dấu làm gì. Mấy mươi năm trước lão Chài phải dấu họ tên. Hôm nay, tôi cũng như lão Chài mấy mươi năm trước. Lão đã không dấu chuyện đời lão thì tôi cũng chẳng dấu chuyện của tôi làm gì.
Lão Chài đỡ lời:
- Thì ra lương y cũng đang gặp hoạn nạn, đầu đuôi thế nào?
Ngài Tri huyện đáp:
- "Sống vì nghề, khổ cũng vì nghề". Tôi cắt thuốc cho con giai một nhà giầu. Chén thuộc của tôi tối kỵ sâm. Nếu chén  đó có thêm vài ba phân sâm người bệnh uống vào sẽ truỵ mạch. Ông nhà giầu thấy chén thuốc của tôi bốc không có sâm tưởng rằng tôi ngầm chê ông ấy keo kiệt. Vì có sâm chén thuốc phải thêm tiền. Hàng xóm của ông nhà giầu không biết gì về thuốc nhưng lại làm ra vẻ giỏi giang. Nghe ông nhà giầu phàn nàn chén thuốc của con giai không có tý sâm nào, ông hàng xóm bèn chê ra chê vào. Ông nhà giầu bực bèn mua một củ sâm to cho vào chén thuốc của tôi cắt cho con ông nhà giầu. Thằng nhỏ uống xong bệnh tăng như nồi cơm sôi. Con chết, ông nhà giầu kiện. Quan cho lính đến bắt tôi. Vì vậy tôi phải trốn.
Ngài Tri huyện dựng một câu chuyện, người có hiểu biết về thuốc sẽ tìm thấy sự vô lý nhưng lão Chài lại rất tin bèn an ủi:
- Âu nó cũng là cái hạn. Nếu không có cái gã hàng xóm cười ông ấy chắc gì chén thuốc đã có thêm củ sâm. Ai ngờ lương y cùng cảnh như tôi.
Ngài Tri huyện chỉ cần lão Chài tin và rõ ràng lão Chài đã tin. Thế là ngài hỏi cái điều cần hỏi:
- Hai thằng Cu nhớn Cu con chắc có chuyện nên lão Chài có vẻ lo cho chúng lắm?
Lão Chài làm ra vẻ hệ trọng:
- Người khác mang kìm cạy mồm tôi, tôi cũng không nói. Nhưng lương y cũng oan ức như tôi nên tôi không dấu. Ngay đêm đầu Cu nhớn ngủ ở chỗ tôi, nó nói mơ: "Ông sẽ đâm chết Tể tướng, đâm chết Tổng quản... " Những câu sau Cu nhớn ú ớ tôi không nghe rõ. Sáng hôm sau, tôi nẹt Cu nhớn. Hễ nói thật thì tôi cưu mang và giữ kín chuyện cho, không nói thật tôi đuổi đi ngay. Sợ bị đuổi đi, Cu nhớn nói hết. Nó là thằng nhỏ cầm dao định đâm Tể tướng ở pháp trường mấy năm trước đấy. Việc lộ ra, nó dẫn em trai đi trốn. Không bắt được nó, Tể tướng sai tổng quản thị vệ giết bà nó và mẹ nó.
Ngài tri huyện thông minh đỡ lời:
- Hôm nay có lão Chài, có tôi và có giời, tôi không bao giờ để lộ chuyện này.
Ngài Tri huyện quay về, gà đã gáy canh tư. Vài ngày sau, Ngài đi gặp Cu nhớn, khi ấy Cu nhớn đã là chàng trai tráng kiện đi bể giỏi và cũng là một trong số những người được ngài Tri huyện cứu sống trong trận dịch tả. Anh định một lúc nào đó đến cảm ơn lương y và xin được theo học nghề thuốc. Nhưng anh chưa kịp đến cảm ơn lương y thì lương y đã đến chỗ anh. Đắn đo kỹ, ngài Tri huyện đi thẳng vào vấn đề:
 - Cứ coi bác như lão Chài vậy, cháu không phải e dè gì. Cháu hoạn nạn mới đến đây, bác cũng hoạn nạn nên mới gặp cháu. Vì sao cháu lại mang dao đâm Tể tướng và Tổng quản để nhà mang hoạ?
Cu nhớn biết lão Chài đã kể chuyện của anh cho lương y nghe. Cu nhớn rất kính trọng lương y nên không dấu nữa:
- Cháu là người chịu ơn công tử con quan Ngự sử. Công tử chết oan, thảm hại  quá. Cháu muốn báo thù cho công tử nhưng mọi người ngăn lại. Việc bại lộ cháu phải trốn. Tể tướng và Tổng quản không bắt được cháu bèn giết mẹ cháu và bà nội cháu.
Ngài Tri huyện lại hỏi:
- Cháu có ý định minh oan cho công tử không?
Cu nhớn nhìn thẳng vào mắt ngài Tri huyện "Người này có thể tin được", Cu nhớn nghĩ như vậy bèn nói:
   - Cháu không dấu gì bác, cháu tên là Mộc, em cháu tên là Mạc. Cái tên Cu nhớn, Cu con là tên cháu tự đặt khi trốn đến đây. Cháu rất muốn trả thù nhưng cháu làm được gì?
Ngài Tri huyện động viên:
- Làm được gì thì chưa chắc, nhưng cháu có lòng với công tử, dưới suối vàng công tử sẽ hiểu lòng tốt của cháu. Lưới trời lồng lộng cháu ạ. Những kẻ ác không thoát được đâu.
Ngài tri huyện khéo léo bộc lộ ý mình để Mộc không lo ngại gì:
- Bác có biết công tử ấy bởi bác đã một vài lần bốc thuốc cho quan Ngự sử. Công tử ấy là một thiếu niên khôi ngô, thông minh, tính nết rất tốt. Làm được gì để minh oan cho công tử ấy, bác cũng không tiếc, chỉ e lực bất lòng tâm.
Câu nói của ngài Tri huyện làm cho Mộc sững sờ. Mộc không ngờ lại gặp được người biết con trai quan Ngự sử và có ý minh oan cho ân nhân của mình. Mộc cảm động xiết đỗi:
- Cháu tin rằng bác làm được. Cháu cảm thấy bác không chỉ là lương y. Bác còn là gì nữa ấy mà cháu không nói ra được ...
Ngài Tri huyện cũng bất ngờ. Chàng trai làng chài tên là "Cu nhớn" lầm lầm lì lì năm mười ba tuổi dám dấu dao nhảy vào pháp trường đâm Tể tướng và Tổng quản thị vệ. Nếu không có người ngăn lại chắc chắn Cu nhớn không còn đến hôm nay. Hành động gan góc nhưng dại dột của Cu nhớn - Mộc đã dẫn đến cái chết thảm khốc của bà nội và mẹ. Thế là hai đứa trẻ, anh mười ba, em mới lên mười mất cả cha lẫn mẹ. Chúng bơ vơ giữa trần gian cho đến khi gặp ông Thuận. Từ đó, Mộc nuôi chí trả thù cho người thân và cho ân nhân mười sáu tuổi đã chết bởi lưỡi gươm tàn bạo của Tổng quản thị vệ và Tể tướng.

<< Chương 9 | Chương 11 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 919

Return to top