Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Huyền sử Cỏ tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18279 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Huyền sử Cỏ tiên
Phạm Thái Quỳnh

Chương 7

Khi Tổng quản thị vệ dẫn lính tới nhà quan Tổng đốc, bà Thục Trâm và Kim Phụng không có nhà. Chẳng là đã mấy hôm, nước lũ đang cuồn cuộn đổ về. Đê sông cái có  những chỗ bị nước rò vào. Quan Tổng đốc vất vả suốt ngày với những đoạn đê bị núng. Đêm về đáng lý, ngài phải có một giấc ngủ ngon sau một ngày mệt nhọc. Đằng này, ngài cứ ra ra vào vào, hết ngửa mặt trông sao lại nâng ly trà suy nghĩ. Có lúc, bà Thục Trâm thấy quan Tổng đốc đứng lặng giữa trời khuya rất lâu hướng về phía xa. Rồi Ngài đi đi lại lại ngoài sân, bước chân có vẻ bồn chồn. Cảm thấy có gì không bình thường, sáng hôm sau, bà Thục Trâm hỏi phu nhân Tổng đốc. Phu nhân  nói: "Việc công chỉ có đê sông cái làm quan Tổng đốc lo lắng, còn việc riêng không biết là việc gì, ngài có sai cấp dưới lên kinh tám ngày rồi chưa về."
Một câu hỏi loé lên trong đầu bà Thục Trâm: "Ngài sai cấp dưới về kinh làm gì. Từ đây về kinh đi về quá lắm là bảy ngày, nay đã sang ngày thứ tám sao người mà ngài sai đi chưa thấy về."? Cảm  thấy có gì không ổn, bà lấy quần áo, đồ dùng của bà và của Kim Phụng cho vào túi. Bà còn cho vào túi một con dao nhọn và một số thuốc, kể cả loại thuốc độc rất mạnh. Giữ thái độ bình thản, bà bảo Kim Phụng:
- Tiểu thư sắp bước sang tuổi mười bốn, nhũ mẫu lên chùa kiếm một giống hoa quý mừng tiểu thư.
Kim Phụng thường lên chùa với nhũ mẫu. Nói đến lên chùa là Kim Phụng thích lắm, bèn hỏi:
- Nhũ mẫu có cho con đi không?
Bà Thục Trâm tươi tỉnh đáp :
- Có lần nào lên chùa vắng tiểu thư đâu?
Kim Phụng vội vào thay đổi quần áo rồi quay ra. Bà Thục Trâm xách một túi lớn đứng đợi. Thấy lạ, Kim Phụng hỏi:
- Lên chùa nhũ mẫu mang theo túi lớn để làm gì?
 Bà Thục Trâm  thản nhiên đáp:
- Gần chùa có một nhà rất nghèo. Nhũ mẫu mang cho nhà ấy mấy bộ quần áo cũ. Hôm nay đi tìm hoa lạ rồi mới vào chùa dâng hương.
Tới chùa, bà Thục Trâm gặp một sư nữ. Bà nói với sư nữ điều gì đó mà Kim Phụng không nghe rõ, rồi bà dẫn Kim Phụng ra vườn chùa xem hoa. Tiểu thư vui lắm. Mặt Kim Phụng ánh lên như gương mà bà không vui. Trời ngả bóng, bà và Kim Phụng vào chùa dâng hương. Xong việc, bà dẫn học trò xuống phòng kinh giảng giải cho học trò nghe nghĩa của Từ - Bi - Hỉ - Xả. Đụng đến bốn chữ này, bà có giảng giải dăm bảy ngày cũng không hết sự sâu sắc mà nó chứa đựng. Xế chiều Kim Phụng giục về. Bà Thục Trâm bèn nói dối: "Muốn chóng hiểu nghĩa của Từ - Bi - Hỉ - Xả, tiểu thư phải nghe giảng kinh ở chùa ". Vậy là đêm ấy, tại phòng kinh, Kim Phụng thức gần như thâu đêm nghe thày Thục Trâm giảng giáo lý nhà Phật. Bà giảng hay lắm. Các sư cũng phải đến nghe. Ngày hôm sau, bà Thục Trâm vẫn tìm cách giữ chân Kim Phụng. Nấn ná đến xế chiều, bà mới cùng Kim Phụng lui gót.  Về cách nhà chừng nửa dặm, hai người thấy quan quân triều đình rầm rập tiến vào dinh quan Tổng đốc Hải Đông. Điều bà Thục Trâm cảm thấy trước đây đã xảy ra. Bà dẫn Kim Phụng quay lại chùa gửi Kim Phụng ở lại đó. Nhọ mặt, bà Thục Trâm đi về phía chợ Hải Đông trong quần áo của một nhà sư. Gần nửa đêm, bà trở lại đón Kim Phụng. Rồi hai người rời đất Hải Đông.
Quan Tri huyện có nghề thuốc rất giỏi. Sau ngày con gái khuyên từ quan về với ruộng vườn, ngài phải nhiều đêm mất ngủ. Ngài mới có ngoài năm mươi. Vua đang quý, dân đang tin, từ quan cũng phải có cớ. Nhờ nghề thuốc giỏi, ngài đã tìm ra lối thoát. Mỗi ngày quan Tri huyện chỉ ăn một bát cháo, uống hai bát thuốc. ăn và uống thuốc như thế, ngài không thể chết nhưng người gày đi, da xanh xao, mạch trầm và yếu. Ngài tự bắt mạch để điều chỉnh chế độ ăn uống. Hơn một tháng "đổ bệnh", ngài xin từ quan về quê dưỡng bệnh. Vua không thể không cho ngài nghỉ. Ngày quan Tri huyện chào dân chúng về quê, dân chúng khóc như mưa. Ai sẽ thay ngài chăm dân đây?. Vị Tri huyện mới có như ngài không? Dân cứ đứng trông theo ngài. Thì ra, ai làm quan hưởng lộc Vua chỉ nhìn rõ mình khi trả ấn Vua. Ngài Tri huyện rất buồn vì phải xa dân chúng nơi bao năm ngài đã thay Vua tạo phúc cho dân. Nhưng ngài cũng được an ủi vì hình ảnh ngài còn lưu lại trong lòng những người dân quê ngay lành hai sương một nắng.
Về tới quê, ngài Tri huyện không còn mũ cánh chuồn, thuốc thang lấy lại sức. Mấy tháng sau, dân chúng ai có bệnh lại đến phiền ngài. "Tiến làm quan, thoái làm thầy", triết lý ấy đã thành máu thịt trong ngài Tri huyện. áo mũ đã trả Vua, ngài bèn làm thuốc cứu đời. Dù không làm quan nữa nhưng lòng ngài vẫn để ở nơi dân chúng.
Từ quan được ba bốn tháng, ngài Tri huyện vẫn không thấy có động. Chẳng lẽ vì quá lo xa nên lần này con gái ngài nhầm? Thôi thì ngài cứ đợi vậy.
Có một người bệnh cách xa nhà ngài già nửa ngày đường. Ngài Tri huyện phải đi từ thật sớm để còn kịp về trong ngày. Ngài tới nhà người bệnh lúc đã gần trưa. Người nhà mời cơm nhưng chưa thăm người bệnh, ngài ăn sao được. Ngài xin được gặp người bệnh. Phúc nhà người đó còn to. Chậm một lúc nữa thôi hỏa bốc lên, đầu như có búa bổ vào, mắt sẽ hỏng. Con bệnh hoả sung chế thuỷ. Mạch nổi như ngựa chạy. Ngài phải hạ ngay cơn hoả. Hoả đã hạ, người bệnh ngủ được chân âm vượng lại, uống hết năm sáu chén thuốc bệnh sẽ lui. Xế chiều, người bệnh đã ngủ được ngài mới ngồi vào mâm lấy lệ. Thấy con giai bệnh nặng gặp đúng thày, chủ nhà mừng lắm. Hỏi chuyện hoá ra, chủ nhà là ông đồ nghèo võ vẽ nghề thuốc. Ông xem mạch, cắt thuốc cho cậu con giai độc nhất. Ông đồ trọng vị "Vua", khinh vị "quan" nên uống thuốc vào, bệnh của con giai lại nặng hơn.
Ngài tri huyện về đến nhà lúc đã lên đèn, thấy quân triều đình đứng đầy sân.. Ngài giật mình: "Thế là con gái mình không nhầm." Một tên lính nói:
- Tổng đốc Hải Đông phạm tội to. Con gái của Tổng đốc được ái nữ của ngài đưa đi trốn. Ngài biết con gái ngài trốn ở đâu phải cho chúng tôi biết để tìm ra con kẻ có tội. Được như vậy, con gái ngài mới thoát tội.
Ngài tri huyện đáp:
- Tôi hưu quan đã mấy tháng nay, nó cũng chưa một lần về thăm tôi. Làm sao tôi biết giờ nó ở đâu?
Tên lính đó lại nói:
- Muốn cứu con, ngài phải đi tìm nó. Bắt được con gái Tổng đốc, chúng tôi mới nương nhẹ với con gái ngài.
Ngài Tri huyện nói:
- Chân người như cánh chim tôi biết đâu mà tìm. Nếu đúng là con tôi có tội, các ngài cứ lấy phép nước mà răn đe.
Xem ra, ngài Tri huyện không mặn mà gì việc này. Bọn đầu trâu mặt ngựa lao vào đêm tối còn ném lại một câu hăm dọa: "Chúng tôi phải nhọc sức vì con gái Tổng đốc sẽ không để ngài và con gái ngài yên đâu."
Phần đêm còn lại là khoảng thời gian ngài Tri huyện một mình tựa bóng ngẫm nghĩ . Cõi người có duyên mới gặp nhau và cũng có duyên mới gắn bó với nhau. Đã là duyên thì khó tránh. Nếu như ngài không khuyên con nhận lời mời của quan Tổng đốc và Thục Trâm không nghe lời khuyên của ngài thì con gái ngài chắc gì đã phải gian nan. Nếu nhũ mẫu không chết, Thục Trâm chỉ dạy chữ cho Kim Phụng có lẽ tình cảm của Thục Trâm và Kim Phụng đối với nhau sẽ khác. Nhưng khi Thục Trâm hai vai hai việc quyết định cả tương lai của Kim Phụng mà Kim Phụng gặp hoạn nạn, Thục Trâm quay lưng lại sao được.
Bình minh lên, toàn thân ngài rã rời. Ngài bèn vào giường ngả lưng rồi thiếp đi. Trong giấc chập chờn, ngài thấy nhà Vua đi vào tư dinh. Sợ quá, ngài sụp xuống tung hô vạn tuế và nhận tội không biết đức Vua tới để ra đón. Nhà Vua cho bình thân và nói:
- Đã không biết thì không có tội. Ngươi nhìn xem ta là ai?
Ngài Tri huyện chăm chú nhìn. Hoá ra là đức Vua triều trước chứ không phải là vị Vua đương triều. Ngài Tri huyện lại sụp xuống. Đức Vua triều trước cho thị vệ đỡ ngài Tri huyện dậy. Người nói:
- Ngươi là một huyện quan trên kính Vua, dưới yêu dân. Dân chúng coi ngươi như cha mẹ, ngươi lại chưa già lắm sao đã từ quan?
Ngài Tri huyện cung kính:
- Tâu đức Vua, thần chưa già nhưng không còn trẻ nữa. Thần ốm yếu luôn nên xin cáo quan.
Đức Vua cả cười:
- Ngươi không sợ ta trị tội sao? Ngươi dùng tài làm thuốc tạo cớ cáo quan để tránh hoạ cùng với hai nhà sao ta không biết. Âu cũng là chuyện chẳng đừng. Ta có thể nào bắt tội ngươi. Nhưng vì sao hai nhà gặp hoạ, ngươi có biết không?
Ngài Tri huyện bèn thưa:
- Tâu Tiên Vương, việc này nói ra e Tiên Vương đau lòng nên thần không dám nói.
Tiên Vương cả cười:
- Ta đã quen tai những lời khó nghe. Ngươi không phải e dè miễn là những điều ngươi nói ra không thẹn với lòng.
Ngài Tri huyện cảm kích:
- Tiên Vương đã cho phép, thần xin nói. Từ ngày Tiên Vương đi vào tôn miếu, Tể tướng đã làm nhiều điều ngang ngược. Đức Kim thượng không phải không biết. Nhưng là người chí hiếu, vâng theo di huấn của Tiên Vương, đức Kim thượng vẫn nhẹ tay với Tể tướng. Tuy vậy, Tể tướng không được đức Kim thượng sủng ái nữa. Để đẹp lòng đấng chí tôn, Tể tướng đã đưa ái nữ của Tổng quản thị vệ nhập cung. Vốn dung nhan đã cá lặn nhạn sa lại được học qua ngón nghề ở Hồng Lâu hí viện, ái nữ của Tổng quản thị vệ đã làm cho đương kim Hoàng thượng quên hết triều chính. Biết việc làm vô luân của Tế tướng, Tổng đốc Hải Đông đã ngầm viết thư sai người mang về kinh dâng lên quan Ngự sử, Trong thư, Tổng đốc Hải Đông đã kể tội Tể tướng. Ngài muốn quan Ngự sử gián nghị đức chí tôn và trị tội Tể tướng. Thư ấy chẳng may lọt vào tay thuộc hạ Tổng quản thị vệ. Thế là hai nhà gặp hoạ ngay.
Tiên Vương ngẫm nghĩ nói:
- Người kế vị ta là kẻ đa tình. Vả lại, trước giai nhân đá cũng phải chảy. Nắm được chỗ yếu của Vương tử, Tể tướng đã dùng mỹ nhân kế. Nhưng ta tin con trai ta sẽ tỉnh ngộ. Còn Tể tướng, ta biết trước ông ta sẽ như vậy. Những kẻ nào đã làm điều ác nếu người không trị thì giời cũng sẽ trị. Thật đáng thương cho hai lương thần. Còn những điều người vừa nói, ta đã biết cả. Nhưng ta vẫn hỏi để xem ngươi biết việc làm nhơ bẩn của Tể tướng tới mức nào.
ánh mắt của Tiên Vương bỗng trở nên u buồn. Ngài Tri huyện đọc được tâm tư của Tiên Vương qua ánh mắt ấy. Người kế vị luôn là nỗi lo của các bậc minh quân khai quốc. Khi bậc Thái tổ còn ngồi trên ngai rồng, ân uy của bậc tài cao, trí sáng ấy đã làm cho quần thần quy tụ lại. Khi bậc minh quân ấy băng, quần thần cá mè một lứa nháo nhào cả. Kẻ nào nhỉnh hơn một chút về công tích rất dễ dở quẻ. Tể tướng đương triều là một biểu hiện. Những lời dèm pha của ông ta qua Thái giám để hại các lương thần, không làm cho Vua mắc mưu, ông ta bèn dùng kế mỹ nhân. Là người phóng túng đa tình, nhà Vua đã sa bẫy. Sự đổ vỡ có thể bắt đầu từ đó. Thì ra, việc dựng cờ tụ nghĩa lập quốc đã khó như gánh núi trên vai, việc giữ cơ đồ ấy cũng không kém gian nan. Nó như thuyền nan vượt trùng dương vậy. Nếu người kế vị tài sơ, đức bạc thì cơ nghiệp của cha ông chẳng bao lâu sẽ thành vang bóng.
Ngài Tri huyện không ngờ đức Vua triều trước thông tỏ đến thế. Người thấu tỏ gan ruột ngài. Giá vị Vua đương triều không sa vào vòng gái đẹp thì trung lương đâu thiệt phận.
Tiếng đức Vua như chuông đồng lại vang lên:
- Con gái ngươi đã dẫn ái nữ của Tổng đốc đi trốn. Đó là mối nguy của bọn gian. Sớm muộn chúng cũng không để ngươi yên. Ngươi phải tính kế vẹn toàn để giữ được người hương khói và may ra sau này con giai ngươi còn giúp được Vua tạo phúc cho trăm họ.
Nghe đức Vua dạy, Tri huyện toát cả mồ hôi. Ngài lại sụp xuống vái lạy và lắng nghe. Nhưng ngài đợi mãi không thấy lời của Người nên, ngài bèn ngửng lên thì đức Vua triều trước đã đi xa lắm rồi. Ngài bèn hô: "Phu kiệu! Phu kiệu! Mang ngay kiệu ra cho ta đi tiễn đức Vua!" Phu nhân đang lo bữa cho ngài nghe tiếng ngài hô giật giọng bèn vội tới bên người lay gọi:
- Tướng công! Tướng công!
Ngài bừng tỉnh hỏi:
- Kiệu đâu sao không mang tới?
Phu nhân đã hiểu bèn nói:
- Tướng công vừa chợp mắt, chắc là Tướng công đã nằm mơ.
Ngài Tri huyện căng vầng trán một lát, rồi ngài sững sờ: "Thì ra mình vừa trải qua một giấc mơ." Ngài cố nhớ lại.... Rõ ràng đức Vua triều trước nói: "Ngươi phải tính kế vẹn toàn để giữ được người hương khói và sau này con giai ngươi có thể giúp Vua..."
Ngài Tri huyện nhẩm tính, đức Vua triều trước đã băng bao nhiêu năm rồi mà anh linh ngài vẫn phảng phất chốn triều trung...
Nước đến chân rồi, ngài Tri huyện thắp hương kính cáo tổ tiên rằng: "Một đời, con không làm việc gì độc ác. Cai quản một huyện, con không hề tơ hào của vua, của dân một đồng. Nay vua u mê, quan trên bất chính, sợ vạ đến thân nên con phải từ quan. Dẫu đã như vậy, cái ác vẫn rình rập đêm ngày. Muốn được yên ổn, con phải tìm một nơi hẻo lánh dung thân, xin tiên tổ, cha mẹ phù hộ cho cả nhà con trên đường lánh nạn không gặp phiền phức gì. "Thế rồi, ánh ngày vừa tắt, ngài Tri huyện dẫn vợ và con rời làng. Nhá nhem tối ngày hôm sau qua một cánh đồng, giữa đồng có một cái miếu, ngài Tri huyện dẫn vợ và con vào cái miếu đó nghỉ tạm. Miếu cô hồn ở giữa bãi tha ma lại xa làng nên rất vắng vẻ. Vẫn thấy áy náy, ngài Tri huyện liền lấy thuốc xoa lên mặt mọi người. Chẳng mấy chốc, mặt người nào người lấy sưng húp lên, những chỗ xây xát mung mủ rất đau đớn. Làng không có ai chết nên bảy tám ngày không có người nào bước tới bãi tha ma. Những ngày nghỉ tạm ở miếu cô hồn cả nhà ngài Tri huyện sống bằng gạo rang và nước lã. Khi thấy những vết đau trên mặt mọi người đã gần thành sẹo, cả nhà ngài Tri huyện lại tiếp tục cuộc hành trình với những diện mạo dị dạng. Tên của từng người cũng được đổi thành tên khác. Phu nhân của ngài vốn có tên là Hạnh được đổi thành Mận. Con trai lớn áp bà Thục Trâm tên là Phạm Vũ Long được đổi thành Phạm Bảo Hưng. Cậu út được ngài thương nhất được mang tên là Phạm Như Ngọc phải khoác cái tên mới là Phạm Tất ái. Còn ngài, cha mẹ đặt lên cho là Phạm Chí Thành được đổi thành Phạm Đức Hiếu.
Để tránh phiền phức, ngài Tri huyện chọn cách an toàn nhất là ngày ẩn đêm đi. Đến một xóm núi  đã xa làng quê hàng chục ngày đường, ngài cho phu nhân và cậu Hưng ngụ cư ở đó. Ban ngày, cậu Hưng cùng mẹ làm thuê cho người bản địa kiểm thêm đồng tiền bát gạo. Đêm đêm, cậu Hưng ôn luyện kinh sách chờ thời. Còn cậu út là ái, ngài Tri huyện cho đi theo. Sở dĩ ngài dẫn cậu út đi theo là vì ngài cần phải dậy chữ và dạy nghề thuốc cho cậu. Còn nữa, cuộc hành trình tìm Thục Trâm chưa biết đến bao giờ mới dừng. Ngài không thể không có người thân đi theo. Gió mưa, hiểm hoạ dọc đường có từ ai mà ngài thì đã già.
Tổng quản thị vệ quay về gặp Tể tướng với hai bàn tay không khiến Tể tướng tức phát run lên. Ông ta dằn giọng:
- Tôi hỏi ngài, khi ngài bắt được con gái Tổng đốc và kẻ dẫn nó đi trốn, ngài có tha không? Ngài giết con của Tri huyện, hai em trai nó có để ngài yên không?
Tổng quản thị vệ ngớ ra bèn chữa:
- Thưa Tể tướng, cấp dưới của tôi dốt nát, nó nghĩ rằng ông ta đã từ quan. Vả lại, con gái ông ta không về nhà, con trai ông ta đi vắng cả nên chưa bắt ông ta để ông ta đi tìm con.
Tể tướng cười mỉa mai rồi cố nhớ lại chuyện mấy năm trước: Nước cờ đầu thật vẹn toàn. Thông tuệ như tri huyện mà cũng không tìm ra cái chết của gã con rể. Cũng may là mình đã kịp trừ khử cái thằng đã hạ độc Tú tài. Nhưng rốt cuộc, ván cờ ấy lại hỏng. Con gái lão ấy không thuộc về mình. Còn dịp này, bố con Tri huyện  chắc không có đường thoát… Tể tướng lại nhếch mép rồi nói với Tổng quản thị vệ:
- Con đàn bà goá và đứa trẻ con tìm bắt sau cũng được. Lão Tri huyện ấy và hai con trai lão ta phải đuổi giết ngay, không để sót mầm hoạ. Chần chừ, Vua hồi tỉnh khó mà đụng được cái lông chân của lão ta. Ông rõ chứ?
- Rõ ạ.
Rồi Tổng quản thị vệ tự dẫn ngay lính tới nhà ngài Tri huyện. Nhưng Tổng quản thị vệ đã chậm chân. Lúc ấy, ngài Tri huyện và cậu con trai út  đã cách nhà hàng trăm dặm, còn phu nhân ngài Tri huyện và cậu con trai lớn đã nương náu tại một xóm núi hẻo lánh cách nơi nguy hiểm hơn mười ngày đường. Họ đã mang tên khác và bộ mặt khác.
Phiên toà xử những kẻ "bất trung" được mở ra. Quan Ngự sử và quan Tổng đốc Hải Đông khi bị điệu lên công đường đã ngất vì bị đòn dữ trong ngục. Lính của Tổng quản thị vệ phải xốc nách điệu lên. Cấp dưới của quan Tổng đốc và công tử con quan Ngự sử dù bị đòn nặng nhưng còn trẻ khoẻ nên vẫn tỉnh táo. Bị sức ép của Tể tướng, quan Thượng thư Bộ Hình phải xử đúng như ông ta muốn. Tuy vậy, ngài vẫn thấy trong vụ này còn có gì uẩn khúc. Ngài cho những kẻ bị tội chết được nói trước khi phiên toà khép lại may ra loé lên điều gì... Hai vị công thần mê mê tỉnh tỉnh không nói được gì. Cấp dưới của quan Tổng đốc chỉ còn biết nguyền rủa bọn gian ác. Chỉ  có con trai Ngự sử  cứ đăm đăm nét mặt. Công tử nghĩ: "Nói ở đây rất ít người biết. Phải giữ kín điều cần nói..." Thế là công tử chỉ xin ngài Thượng thư Bộ Hình cho bố được chết toàn thây. Tể tướng bác ngay. Vậy là hai nhà phải chịu án chém.
Tể tướng buộc Thượng thư Bộ Hình cho chém hai nhà ngay ngày hôm sau. Ông ta không dám cho những kẻ bị tôi chết kéo dài thời gian thoi thóp trong ngục. Những gì sẽ xảy ra khi họ còn có mặt ở trên cõi đời? Thế là hôm sau. mặt trời đứng bóng, đồ tể khai đao. Dân chúng kinh thành, dân chúng xứ Hải Đông vây chặt pháp trường phẫn uất, đau đớn, chứng kiến giờ chót của hai vị quan được dân kính trọng, yêu mến. Lệnh chém vừa ban ra. Bất ngờ chàng thiếu niên con trai quan Ngự sử nói lớn: "Các bác, các chú và mọi người nghe cháu nói: không có chuyện phản nghịch, không có chuyện bỏ bố lập con đâu. Quan tổng đốc một lòng thờ Vua, Ngài không viết những chữ đó. ở đây có sự gian trá".
Tổng quản thị vệ uất quá rút kiếm chặt ngang câu nói của chàng thiếu niên thông minh. Những ánh đao loé lên. Đầu hai nhà rơi xuống. Trời đất tối sầm lại! Dân hò la chửi rủa đến khản họng. Thằng nhỏ hung hãn năm trước đã đấm vào mặt công tử con quan Ngự sử dấu con dao nhọn trong người, mắt như cục lửa nhào vào đâm Tể tướng và Tổng quản thị vệ. Mọi người phải ngăn nó lại và lôi nó đi.
Đáng thương nhất trong số những người bị án chém là phu nhân quan Tổng đốc. Dù đã trên bốn mươi tuổi, bà vẫn đẹp. Tổng quản thị vệ dù có hàng đống thê thiếp, nhưng ông ta vẫn ao ước có được một người như bà. Song giời đất không bao giờ lặp lại. Hàng trăm người đẹp nhưng mỗi người đẹp có một vẻ riêng biệt.
Tổng quản thị vệ Đinh Văn Thạc là con một đô vật, có sức khỏe như voi, giỏi vật từ nhỏ lại biết cả võ thuật. Năm 19 tuổi, Thạc được một tên quan huyện gian ác, tham lam nhận vào hầu hạ gã trong tư dinh. Mụ vợ quan huyện đem tiền cho vay nợ lãi. Tên quan huyện biết nhưng lờ đi. Một số kẻ vay được tiền của mụ vợ tên quan có ý dây dưa trả không đúng hạn. Mụ vợ quan huyện sai Thạc đi đòi. Thấy Thạc cao lớn, dữ tợn, các con nợ phải lo tiền trả ngay. Được thể, mụ vợ quan huyện mở rộng việc cho vay. Nhà nào không trả được nợ, Thạc cắm nhà, cắm đất ngay. Tên quan huyện thấy Thạc làm được việc nên quý lắm. Ông ta không bắt Thạc làm các việc khác nữa mà chỉ giao cho Thạc mỗi một việc là giúp lệnh bà thu nợ. Tên quan huyện thì già, mụ vợ lại trẻ mà thằng hầu  trai tráng khỏe như voi lại kề bên. Bởi vậy, cái gì phải đến đã đến. Mụ vợ tên quan bắt Thạc chiều chuộng. Lúc đầu, Thạc còn e dè. Về sau, ả dâm phụ và thằng hầu lén lút sống với nhau như vợ chồng. Một số người trong dinh tên quan huyện biết nhưng không dám hé răng. Đến một ngày, bụng mụ vợ tên quan huyện to lên. Tên quan huyện nhẩm tính…" Phu nhân không thể chửa với mình được. Ba năm rồi mình mong ngày mong đêm… "Tên quan huyện làm ngơ. Vì ông ta chỉ một lũ thị mẹt, còn thiếu kẻ thắp hương. Biết đâu… Quả nhiên, điều lường tính của tên quan huyện đã đúng. Tên hầu Đinh Văn Thạc đã tặng cho vợ tên quan huyện một đứa con trai. Danh chính ngôn thuận ai dám bảo đứa bé đó con thằng hầu. Để cho êm chuyện, tên quan huyện xin cho Đinh Văn Thạc sung vào đội Thị vệ. Đinh Văn Thạc lực lưỡng, khỏe mạnh không ngại một việc gì. Việc gì khó cần đến Thạc là Thạc nhảy vào ngay. Chẳng bao lâu, Thạc thoát kiếp lính trơn trở thành kẻ có chức có quyền trong đám Thị vệ.
Có một lần,Thạc rủ bạn lẻn ra ngoài thành tìm nhà "nữ lưu". Trên đường đi, Thạc thấy một toán cướp khá đông đang vây quanh kiệu của một viên quan. Phu hầu kiệu chống đỡ đã núng thế. Thạc nói với bạn cùng vào đánh cướp. Bạn của Thạc sợ nên tháo lui. Dù một mình, Thạc vẫn lao vào đánh dạt bọn cướp. Viên quan trẻ thoát hiểm rời kiệu bước tới cảm ơn Thạc. Người đó sau này là Tể tướng. Nhờ vậy Thạc lên vù vù. Gần hai mươi năm sau, tên hầu Đinh Văn Thạc đã trở thành Tổng quản thị vệ.
Thạc là kẻ hiếu sắc, cuồng dâm. Cả thê lẫn thiếp, Thạc có tới sáu người. Tuy vậy, thấy đàn bà đẹp, Thạc vẫn nuốt nước miếng ừng ực.
Thạc đã biết phu nhân Tổng đốc Hải Đông từ lâu. Đó là một người đàn bà dung nhan đằm thắm, cốt cách đoan trang. Bất cứ gã đàn ông tà tâm nào gặp bà cũng bừng lên sự thèm khát u tối. Bà được cả vùng Hải Đông kính nể. ấy là vì bà không mượn oai chồng để lên mặt làm bộ, làm trịch với thiên hạ. Tuy là vợ của một vị quan to nhưng không bao giờ bà rời chiếc khung cửi. Bà sống giản dị như một người dân quê. Những ai có việc phải lui tới nhà quan đều được bà tiếp đón nhã nhặn, ân cần. Một con người nhân hậu, đức độ như vậy nào ngờ lại bị vạ oan.
Thạc bắt được bà như bắt được vàng. Ông ta giam riêng phu nhân Tổng đốc ra một nơi rồi dụ dỗ:
- Nàng chỉ là kế thất của Tổng đốc. Dù chưa sinh cho ông ta một con giai nhưng tội của nàng cũng rất nặng.
Tổng quản thị vệ nhìn thẳng vào phu nhân Tổng đốc thăm dò rồi nói tiếp:
- Tuy là như thế nhưng ta vẫn có thể cứu được nàng nếu nàng nghe ta.
Tổng đốc phu nhân thăm dò:
- Ông cứu ta bằng cách nào?
- Ta ngầm đưa nàng đi nơi khác, quẳng một cái xác đàn bà vào nhà này rồi châm lửa.
- Rồi sau nữa thế nào?
- Nàng phải chung sống với ta.
Tổng đốc phu nhân nhổ một bãi nước bọt vào mặt Tỏng quản thị vệ. Biết không thể dụ dỗ được người đàn bà tiết hạnh, Tổng quản thị vệ dùng ngay sức mạnh cưỡng bức bà. Làm xong cái việc bẩn thỉu ấy, Đinh Văn Thạc cho thuộc hạ hãm hiếp Tổng đốc phu nhân. Tỉnh lại, bà thấy ê chề quá nên đã cắn lưới chết. Lúc ấy, Đinh Văn Thạc lôi ngay thuộc hạ ra chém với tội làm nhục tù nhân.
Khi lưỡi đao vung lên thảm sát hai nhà thì ở Hồng Lâu hí viện cũng diễn ra một trận chiến tranh cướp người đẹp không kém phần ác liệt. Kết quả mụ chủ Hồng Lâu hí viện bị giết kéo theo bốn kỹ nữ lìa đời. Khi quan quân kéo điến, những kẻ gây ra vụ chém giết đã cao chạy xa bay. Hồng Lâu tráng lệ chỉ còn là một đống đổ nát.
Viên quan đầu triều thấy mụ chủ Hồng Lâu hí viện còn sống là một mối hoạ. Vậy nên hắn phải khử trước là hơn.
Việc thằng nhỏ cháu bà già mù dấu dao định lao vào đâm Tể tướng và Tổng quản thị vệ ở pháp trường hàng trăm người biết và ngăn lại đã đến tai Tổng quản. Ông ta cho lính đến bắt thằng nhỏ. Nhưng nó đã dẫn em trai đi khỏi nhà từ hai hôm trước. Ấy là ông già hàng xóm mách nước cho nó. Vì ông đã thấy chuyện gì ở cõi đời dù bí mật đến mấy rồi cũng được phơi bày. Chuyện thằng nhỏ cháu bà già mù ở pháp trường hôm ấy là chuyện tày đình. Một hai người biết may ra còn dấu được một thời gian. Trăm người đã biết, Tể tướng có mù, có điếc cũng sẽ biết. Cháu trốn, họa ụp lên đầu bà già mù và mẹ đứa hai đứa trẻ. Sau cái chết thảm hại của hai nhà, nghĩa địa của người nghèo ở ngoại ô kinh thành có thêm hai mộ mới.

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 173

Return to top