Lý Thị Nương con nhà khá giả, nề nếp. Bà được thân phụ dậy cho dăm bảy chữ để bà hiểu thế nào là công dung ngôn hạnh. Thuở biết cài trâm, bà đã có ý với một người trai làng rất tuấn tú nhưng gia cảnh bần bách. Thân phụ của bà tri giao với thân phụ Đỗ Hối. Bởi vậy, ông đã nhận Đỗ Hối làm tế tử khi bố Đỗ Hối ngỏ lời thông gia. Là người hiếu thảo, bà phải nghe theo lời cha và đau đớn khước từ người đã yêu thương bà. Tuy vậy, lòng bà vẫn hướng về người con trai đó. Bị từ chối, người trai ấy quyết chứng minh với đời rằng mình không hề hèn kém nên đã đổi họ tên, trốn biệt tới một nơi xa dùi mài kinh sử.
Thành thân với Đỗ Hối, Lý Thị Nương hằng mong ông ta trở thành một lương thần trên vì Vua, dưới vì dân. Nhưng Đỗ Hới đã làm bà thất vọng. Từ khi về nhậm chức ở Hải Đông, Đỗ Hối càng trở nên tham lam, xấu xa. Chính chồng bà là nguyên nhân khiến ba mẹ con người mẹ nghèo ở Châu Hải phải tự thiêu. Cũng chính chồng bà đã lập mưu cướp nhà, cướp đất của Quách Văn Trường. Nếu Đỗ Hối xấu xa bao nhiêu thì Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp sáng đẹp bấy nhiêu. Ông đã thành vị phúc thần ngự trị trong lòng dân Hải Đông. Một vị quan thanh liêm, nhân từ, hết lòng vì dân mà cả nhà chỉ còn có một tiểu thư Kim Phụng sống sót. ấy cũng là nhờ bà Thục Trâm kịp đưa đi trốn. Vì Thục Trâm che chở tiểu thư Kim Phụng mà cả nhà bà mang hoạ, phải ly hương trốn biệt. Họ còn sống hay đã chết, nào ai biết. Tự nhiên, bà thấy thương Kim Phụng.
Lý Thị Nương nghĩ "tích thiện phùng thiện". Đằng này, Đỗ Hối chỉ làm điều ác chắc rồi chẳng tốt lành gì. Dân vùng này oán ông ta lắm. Càng oán ông ta dân càng nhớ Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp.
Trùm Hân xây cống được mươi ngày, Thị Xiêm lại mang đến biếu Lý Thị Nương năm thỏi vàng Chân Long. Lý Thị Nương định không nhận. Chợt một ý nghĩ loé lên. Lý Thị Nương bèn khéo léo hỏi:
- Trùm Hân lại quả cho em bao nhiêu mà em cho chị nhiều thế ?
Thị Xiêm đáp:
- Làm gì có chuyện lại quả. Tướng công bắt em phải giao giá rõ ràng với trùm Hân. Tể tướng có bao giờ cho không. Em phải thu lại cho ông ấy sáu nghìn lạng. Từ Tri huyện trở xuống, hắn phải tự lo.
Lý Thị Nương lại gợi khéo:
- Thế thì vào cống cũng được năm vạn lạng.
Thị Xiêm cười:
- Ở đâu mà lắm thế. May lắm là ba vạn lạng đắp vào cống. Tri huyện nhai bạc rau ráu, không ném vào mồm ông ta vài nghìn lạng đừng nói đến chuyện động thổ trên đất của ông ta. Còn Hạt trưởng, Hương trưởng, Hội đồng kỳ hào làng Bình An, bao nhiêu kẻ trông cả vào cống. Thêm nữa, thằng con trai trùm Hân tiếng là giúp bố đấy nhưng nó tìm mọi cách xà xẻo.
Qua nói năng của Thị Xiêm, Lý Thị Nương cũng tính được Thị Xiêm được bao nhiêu. Tiền của Vua như con trâu toi trăm dao bâu vào cắt xẻo. Sáu vạn lạng bạc mà chỉ có ba vạn lạng vào cống liệu cống có còn là cống? Chỗ nào còn qua quýt được chứ kè cống mà qua quýt là chết cả lút. Thị Xiêm xin phép ra về. Lý Thị Nương hỏi:
- Em ngồi chưa nóng chỗ sao đã đòi về?
- À, thế này chị ạ. Con trai trùm Hân hẹn sang. Chắc giờ này nó sang rồi.
- Chị tưởng em làm việc với trùm Hân chứ sao lại làm việc với cái thằng bắt mũi chưa sạch ấy?
- Nó hai mươi rồi, ranh mãnh lắm chứ đâu phải bắt mũi chưa sạch. Tiền bạc của bố nó, nó quản cả. Để giữ cho em, trùm Hân cho con qua lại chỗ em.
Lý Thị Nương thầm nghĩ: "Con ranh này cũng ý tứ đây…" Nhưng bà có biết đâu từ khi Thị Xiêm và trùm Hân làm ăn với nhau, ngoài công việc còn có một "quan hệ khác" nảy nở. Trùm Hân là con cáo già đã cho con trai thay bố lo liệu khoản đã giao giá với nhau. Vì trùm Hân thừa hiểu đã dan díu với Thị Xiêm, chuyện tiền bạc Thị Xiêm dễ nhập nhèm, không nói thì thiệt mà nói ra thì chuyện này nọ còn ra cái gì nữa. Thị Xiêm đã đánh hơi thấy trùm Hân rất cáo nhưng cũng phải bằng lòng. ở đời làm gì có chuyện con rô cũng nhắm, con diếc cũng xơi. Mèo mả, gà đồng thật đấy nhưng không phải việc gì cũng là một. Trùm Hân lõi đời trong chuyện này rồi. Thị Xiêm biết nhưng cũng đành chịu.
Thị Xiêm về rồi, Lý Thị Nương mới thấy sợ. Bà cảm thấy một điều gì đang đến. Cái điều ấy chẳng tốt đẹp gì. Về danh nghĩa, Lý Thị Nương đã có với Đỗ Hối ba mặt con. Dù rằng, bà không yêu ông ta. Nhưng tạo hoá đã bày đặt, âm dương gần nhau tất có sinh nở. Thằng con trai cả đã mười bảy. Đứa con gái thứ hai mười bốn. Bẵng đi tám năm, Lý Thị Nương không sinh nở. Đỗ Hối lén lút có con với người đàn bà khác trước khi gặp Thị Xiêm. Đùng một cái, Lý Thị Nương lại sinh đứa con trai thứ ba. Nó đã lên sáu. Trong ba đưa con, bà chỉ yêu thằng út. Đỗ Hối đồ rằng, vợ đẻ thêm đứa này là đứa út ít nên Lý Thị Nương đã dành phần lớn tình thương cho giọt máu chót.
Những lúc buồn, Lý Thị Nương càng nhớ người trai làng. Nhất là từ khi hai người bất chợt gặp nhau hơn sáu năm trước khi bà về thăm song thân. Họ gặp nhau ở bến đò cách làng vài dặm. Người trai ấy tóc đã muối tiêu, chưa lấy vợ nhưng đã thành đạt. Hơn mười năm thi thư khoa bảng không thành, ông đã đi học nghề gốm và đã thành chủ một lò gốm kha khá. Sản phẩm gốm của ông đã vượt biển sang tới Chà Và cùng một vãi nước láng giềng của Chà Và. Họ thấy ông lái đò có đôi mắt hiền từ, thái độ cởi mở bèn kể chuyện ngày trước của hai người cho ông lái đò nghe. Ông lái đò bày tỏ lòng cảm ngại nói: "Không lấy được nhau nhưng vẫn nhớ nhau, lòng không thay đổi là tình đã nặng. Xa nhau mười mấy năm, bặt tin nhau, trời cho gặp lại là duyên vẫn còn. ở đây, ngoài gió mây trời đất chỉ còn có lão. Với lão, các người không phải e ngại gì. Là kẻ đưa người qua sông, chứng kiến bao buồn vui thế tục, hoan lạc đã nhiều, lệ rơi cũng không ít, lão mừng cho hai người bất ngờ tái ngộ. Thuyền đấy, chèo đấy, sông nước, trời mây đấy, lão giao cho hai người. Nếu hai người không câu nệ gì thì cứ ấm lạnh với nhau cho thoả bao xuân thu xa cách. Khi đã thoả tình mây nước, hai người neo thuyền vào bến cho lão. Lão có việc của lão. Hai người không phải gặp lại lão để cáo biệt".
Dứt lời, ông lái đò cất bước ngay. Hai người trong con thuyền nhỏ bồng bềnh trên sóng. Thu vàng đầy ắp thuyền tràn qua mạn lênh láng trên sóng. Trời trong như kính bâng khuâng xanh. Hơi may nhè nhẹ gợi nhớ gợi thương. Những ngày xa đuổi bướm, bắt chim ùa về trong họ. Rồi những ngày Lý Thị Nương vai tròn má đỏ chập chờn sống lại trong Hồ Chính Đức. Lý Thị Nương ân hận tấm thân không còn vẹn nguyên khi gặp lại Hồ Chính Đức. Hiểu nỗi niềm buồn đau của ý trung nhân, Hồ Chính Đức bèn an ủi Lý Thị Nương qua một câu chuyện: Ngày xưa có một đôi trai gái thương yêu nhau. Người con gái con nhà quyền quý. Thân phụ của nàng kết bằng hữu với quan Thương thư Bộ Binh. Bởi vậy, thân phụ của nàng chọn con trai Thương thư Bộ Binh làm hôn phu cho nàng. Nhưng nàng không ưng vì Thượng thư Bộ Binh nhân cách tầm thường. Nàng nói rõ với thân phụ là nàng đã chọn một chàng trai gia cảnh thanh bần nhưng dòng dõi "thi lễ truyền gia". Song thân phụ nàng bắt nàng quên chàng trai nghèo và phải tuân theo sự sắp đặt của cha. Để chống lại cuộc hôn nhân ép buộc ấy, nàng đành tự huỷ hoại sự trong trắng của nàng bằng cách trao thân cho người hầu cha mình. Tiếng là người hầu nhưng chàng thanh niên ấy khoẻ mạnh, sáng sủa và cũng học lỏm được một số chữ từ cha nàng. Nếu cứ tỉnh táo, nàng không thể đủ can đảm làm cái việc kinh hoàng ấy. Bởi thế, nàng bèn uống rượu thật say rồi ngả vào lòng chàng trai. Đang tuổi cường tráng lại có một mỹ nhân say mềm ngả vào lòng, bản năng tự nhiên trong chàng trai bốc lên cuồng nhiệt. Nhưng khi toà thiên nhiên hiện ra trước mặt, bản năng Người của chàng trai loé sáng. Chàng trai đã tự trói tay rồi lên nhận tội trước thân phụ của nàng. Thân phụ của nàng hỏi:
- Ngươi phạm tội gì?
- Bẩm ông, con phạm tội yêu thương tiểu thư và chúng con đã dại dột…
- Chúng mày đã sao?
- Bẩm, con và tiểu thư đã trao gửi cho nhau…
- Mày nói láo!
- Bẩm ông, ông cho người xuống phòng riêng của tiểu thư sẽ rõ.
Thân phụ của nàng nửa tin nửa ngờ bèn sai bà quản gia xuống phòng riêng của con gái xem sự thể ra sao. Bước vào phòng con gái ông chủ, bà quản gia không tin vào mắt của mình nữa. Bà vội vàng lấy chiếc khăn mỏng đắp lên tấm thân ngà ngọc rồi quay ra lên bẩm với ông chủ. Vừa bước ra khỏi cửa, bà quản gia chợt nhớ tới một điều… Bà bèn quay trở lại xem xét kỹ lưỡng nơi cô gái nằm thấy giường chiếu vẫn sạch sẽ. Bà chợt hiểu đây là một màn kịch và thầm nể trọng chàng trai hầu ông chủ. Vốn có cảm tình với con gái ông chủ, bà quản gia lên tâu với ông chủ rằng: "Tiểu thư không còn là con gái nữa. Con đã lấy chăn đắp cho tiểu thư, xin mời ông xuống kiểm tra kẻo nữa…" Thân phụ của nàng tin ngay lời bà quản gia bèn gọi mọi người trong gia đình lại rồi nói: "Việc trong nhà không ai được rỉ răng ra ngoài. Ai mà mỏng môi, ta chôn sống". Rồi thân phụ của nàng phao tin nàng ốm. Các lang y cũng đến bắt mạch bốc thuốc cho nàng. Có điều, bao nhiêu thuốc của các lang y mang tới đều được bà quản gia bí mật đổ đi. Chừng nửa tháng sau, thân phụ của nàng nới với thân mẫu:
- Phu nhân này, trời phải chịu đất thôi, cũng đành cho chúng nó lấy nhau. Phu nhân thấy thế nào?
Thân mẫu của nàng đáp:
- Cho con gái ông chủ lấy thằng hầu khác gì đeo mo vào mặt.
- Tôi đã tính cả rồi, phu nhân đừng lo. Bà quản gia sẽ đưa nó đến một nơi xa để "chữa bệnh". Hai năm sau, cho thằng hầu đến với nó và làm lễ thành thân rồi ăn đời ở kiếp với nhau ở đấy.
Thân mẫu của nàng bẻn hỏi:
- Sao không cho thằng hầu đi ngay?
Thân phụ của nàng cười đáp:
- Cho thằng hầu đi ngay khác nào: "Lạy ông con ở bụi này".
Thân phụ của nàng thấy là được bèn lo tiền bạc cho con đi "chữa bệnh". Đêm trước ngày nàng rời nhà đi chữa bệnh, bà quản gia nói một cách rất ý tứ:
- Lệnh ông cho tôi đi theo lo cho tiểu thư. Đi đâu ở đâu, tôi xin làm đúng ý của tiểu thư.
Hiểu ý của bà quản gia, nàng mừng lắm. Nàng liền xin bà quản gia đưa nàng đến với người mà nàng yêu thương. Chẳng là, bị cha nàng từ chối, người trót yêu thương nàng đã bỏ nhà ra đi. Có điều, trước khi giã biệt nàng, chàng trai đó đã dặn: "Tôi không thể là một thằng hèn. Làng Kim Thư cách kinh thành vài chục dặm về phía bắc có cụ đồ Tư là bậc túc nho. Cụ đã rèn dũa hàng chục người thành tài. Sau này, nàng có việc gì muốn tìm tôi thì hãy tìm đến làng Kim Thư".
Từ nhà nàng đến làng Kim Thư xa tới vài trăm dặm. Ngày đi đêm nghỉ, một già một trẻ lẽo đẽ trên đường. Có gắng gỏi lắm, hai người cũng phải mất tám chín ngày mới tới chỗ chàng trai ở. Bốn ngày, họ cất bước qua những xóm làng trù phú không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng đến ngày thứ năm vào lúc hoàng hôn, hai người đi qua một vùng đồi hoang, bọn cướp đã chặn lại. Một bà già yếu đuối và một cô gái mảnh mai đã chống cự quyết liệt nhưng vô ích. Vì hai tên cướp khoẻ như trâu. Chúng trói nghiến bà già và cô gái lại, thu hết tiền bạc rồi dở trò thú vật. Một tên cướp đã thoả mãn thú tính. Một tên nữa sắp dở trò đê tiện thì có một ông già và hai trai tráng đi tới. Ba người nhảy vào đánh đuổi hai tên cướp chặn đứng hành động đê tiện của tên thứ hai và thu lại tiền bạc cho cô gái. Tủi nhục ê chề, cô gái toan tự vẫn. Ông già ngăn lại. Sau khi nghe bà quản gia thuật lại hoàn cảnh ngang trái của cô gái, ông già đưa hai người về nhà mình cách đó không xa cho ăn uống tử tế và cho ngủ lại. Ngày hôm sau, ông già và hai con đưa hai người đi qua quãng đường đồi nguy hiểm. Trước khi quay về, ông già viết cho chàng trai đang đèn sách ở Kim Thư một lá thư. Nghĩa cử của ông già là nguồn động viên, an ủi cô gái lấy lại tinh thần để cô tiếp tục cuộc hành trình.
Đặt chân tới làng Kim Thư, chàng trai vùi đầu vào đèn sách và tin rằng không bao giờ cô gái tìm đến nơi mình lánh thân. Nào ngờ chỉ hơn bảy tháng sau kể từ ngày hai người chia tay, cô gái xuất hiện trước chàng như một chuyện cổ tích. Nhưng gặp lại người mình thương yêu, cô gái chỉ khóc và không đủ can đảm nói ra sự thực. Bà quản gia đành phải lên tiếng. Thật là sét đánh ngang tai chàng trai. Hai sự việc xảy ra với người chàng yêu quả là động trời. Thấy chàng phân vân, bà quản gia bèn đưa lá thư của ông già. Đọc thư, chàng thấy sự việc xảy ra dọc đường là có lý. Nhưng còn việc xảy ra ở nhà có lẽ nào người mình yêu lại to gan đến thế? Thấy chàng trai còn nghi ngờ, cô gái nói:
- Em dại dột bởi em đã vì chàng mà làm như thế. Em tìm đến chàng là để chứng tỏ em đối với chàng như thế nào. Người hầu cha em là người có một trên đời. Vì em, vì chàng mà anh ấy tự trói tay nhận lỗi và chịu tủi nhục. Chàng không được phép nghi ngờ anh ấy.
Bà quản gia cũng lên tiếng:
- Người hầu của lệnh ông còn sống. Tôi bằng này tuổi đầu mà anh không tin thì anh là hạng người nào, tôi đã hiểu.
Quay lại phía người con gái, bà quản gia nói:
- Tiểu thư đã chọn lầm người rồi, thôi ta đi thôi.
Nói rồi, bà quản gia nắm tay cô gái bước ra cửa. Đến lúc ấy, chàng trai vội vàng quỳ xuống trước bà quản gia:
- Bà tha lỗi cho con, nếu con không phân vân, con không là con nữa. Nhưng khi con được bà và người con thương yêu nói rõ ngọn ngành thì con đã sáng ra.
Vài ngày sau, chàng trai nói đến chuyện của hai người. Cô gái đáp:
- Em tới đây để đáp lại tình chàng đã thương yêu em. Nhưng chẳng may dọc đường em gặp hoạ, thân em không còn trinh trắng nên em không thể sánh được với chàng nữa, xin chàng cho em được làm theo ý của em …
Chàng trai suy nghĩ rồi nói:
- Nàng nói như vậy chẳng hợp chút nào cả. Nàng vi tôi mà định huỷ hoại trinh tiết. Nếu như người hầu của cha nàng không cưỡng lại được dục vọng thì ý định liều lĩnh của nàng đã thành ra thật. Dẫu là như vậy, tôi cũng vẫn cùng nàng kết tóc xe tơ. Thế thì chuyện xảy ra ở dọc đường không thể là cái cớ khước từ một lời nàng đã ước với tôi.
Thấy cô gái còn đắn đo chàng trai nói tiếp:
- Nếu nàng cứ khư khư ý nàng thì tôi cũng chẳng đèn sách làm gì nữa. Có lẽ như thế, nàng sẽ vừa lòng?
Đến lúc ấy, bà quản gia mới lên tiếng:
- Trinh tiết là quý nhưng phải hiểu thế nào cho họp lẽ. Nếu tiểu thư rẻ rúng trinh tiết thì tiểu thư chẳng là gì. Đằng này, tiểu thư muốn vất bỏ trinh tiết mong chống lại một cuộc hôn nhân ép buộc để chung tình với người mình đã chọn thì thế gian này có một. Nếu tôi là cậu đây, tôi càng kính trọng tiểu thư. Vậy thì tiểu thư đừng câu lệ nữa.
Lời lẽ của bà quản gia thật thấu đáo khiến cô gái chuyển ý. Sáu năm sau, chàng trai thi đỗ, áo gấm vinh quy rồi dẫn vợ cùng con trai về lạy nhạc phụ. Song thân của cô gái sững sờ. Chồng của con gái mình không phải là người hầu mà là chàng trai mà con gái ông đã chọn và chính ông đã khước từ. Bà quản gia bèn kể lại chuyện sáu năm về trước. Chàng trai là người hầu của lệnh ông không hề chung đụng với tiểu thư mà lại tự nhận tội khống. Có như vậy, tiểu thư mới đến được với người mà tiểu thư lựa chọn. Nghe bà quản gia kể lại, song thân của cô gái ngỡ là chuyện lạ của nhân gian chứ không phải chuyện của nhà mình.
Thân phụ tiểu thư nhớ lại: Sau khi con gái cùng bà quản gia đi được hơn một năm, thân phụ của cô gái cho phép chàng trai hầu mình đến với con gái ông. Sau đó, hai người thành thân với nhau. Nhưng sự việc diễn ra không như sự sắp đặt của ông. Con gái ông đã vuông tròn còn hơn điều mà ông mong muốn. Song cái người đã vì con ông đi đâu, ở đâu, tình cảnh ra sao? Ông cho người đi tìm mà không thấy. Chàng rể của ông cũng cử người đi tìm mà không thấy ân nhân. Thì ra những người nghĩa khí không nghĩ tới đền đáp.
Hồ Chính Đức ngừng lời lúc chiều đã xế. Câu chuyện của Hồ Chính Đức kể khiến Lý Thị Nương ngẩn ngơ. Vậy là trên thế gian này có nhiều lứa đôi trắc trở. Hai người bồng bềnh trên đại giang quên hết đất trời, có lúc họ gác chèo mặc cho sóng đẩy thuyền trôi tới đâu thì tới. Hoàng hôn đã nhuốm bờ lau hai người mới neo thuyền vào bến cũ. Khi ấy, bà Lý Thị Nương mới hỏi:
- Hơn bốn mươi rồi chả nhẽ ông cứ thui thủi cùng bóng của mình?
- Bà còn trên cõi đời này, thì tôi tựa vào người khác sao được! - Hồ Chính Đức buồn bã đáp.
Lý Thị Nương bùi ngùi rơi lệ. Từ sau ngày gặp lại cố nhân, bà Lý Thị Nương hy vọng … Những gì xảy ra trong lòng bà, Đỗ Hối biết sao được.
Hơn sáu năm trôi qua, Lý Thị Nương luôn tơ tưởng bến đò, con sóng… Thằng út đã lên sáu. Đỗ Hối đã lén lút có thêm hai con với người đàn bà trẻ đẹp, rồi lại thêm một Thị Xiêm. Lý Thị Nương cảm thấy khoảng cách của mình với Đỗ Hối càng thêm rộng hơn.
Một lần, Lý Thị Nương ra chợ thấy một người quần áo rách rưới, mặt mũi bẩn thỉu vừa đi vừa lảm nhảm: "Tổng đốc Đỗ Hối, uống máu không tanh, kết thân bất hảo, đục khoét lương dân … " Lý Thị Nương dò hỏi biết người đàn ông ấy là chồng của người đàn bà ở Châu Hải vì oan ức nên đã cùng hai con tự thiêu. Người ta nói ông đã bị Đỗ Hối bắt giam. Sau khi ra tù, vợ và hai con đã chết thảm thê nên ông đã phát điên. Bủn rủn cả chân tay, bà vội quay về nhà và tự hỏi: "Mình là vợ của một kẻ xấu xa, tàn bạo đến thế ư?" Ngẫm nghĩ những lời nói của người đàn ông tội nghiệp, bà thấy ông ấy không điên. Ông ấy không hề câu nọ xọ câu kia. Vậy ông ấy chỉ giả điên để nói điều muốn nói.
Đêm hôm ấy, bà cứ trằn trọc. Gần sáng vừa chợp mắt, bà thấy một người mặc quan phục Tổng đốc bước vào nhà. bà ngoảnh mặt đi và hỏi:
- Ông có nghe thấy thiên hạ bêu riếu ông không?
Tiếng đáp lại:
- Thưa phu nhân, phu nhân nói thế nào ấy? Dân chúng Đông Hải không ai bêu riếu tôi mà chỉ thương tôi.
- Người ta rêu rao: "Tổng đốc Đỗ Hối, uống máu không tanh, kết thân bất hảo, đục khoét lương dân", ông không nghe thấy à?
- Thưa phu nhân, tôi không phải là Đỗ Hối.
Lý Thị Nương quay lại nhìn kỹ thì người đứng trước mình không phải là Đỗ Hối thật. Bà vội vàng cáo lỗi và hỏi:
- Ngài bỏ qua cho sự nhầm lẫn của tôi. Chẳng hay ngài là ai, vào nhà tôi có việc gì ?
- Ta là người đã bị Tể tướng sát hại cùng với quan Ngự sử. Ta đến đây là vì phu nhân.
- Vậy ngài là Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp?
- Đúng vậy. Mảnh đất này trước đây ta đã từng ở nhưng nhà cửa không nguy nga như bây giờ.
Lý Thị Nương sợ quá vội quỳ xuống vái lạy. Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp từ tốn:
- Ta không quen bắt dân chúng và người giúp việc vái lạy. Phu nhân đứng lên cho.
Lý Thị Nương run run đứng lên hỏi:
- Ngài nói ngài đến đây vì tôi nghĩa là thế nào?
- Phu nhân con nhà tử tế chẳng may phải làm vợ tên quan bất lương. Được Tể tướng lộng quyền che chở, Đỗ Hối đạp lên phép nước làm bậy, chẳng bao lâu nữa hoạ sẽ tới. Thương phu nhân, ta báo cho phu nhân biết.
Dứt lời, Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp bước nhanh ra khỏi cửa. Lý Thị Nương bước theo để hỏi một vài điều nữa nhưng không kịp. Bỗng thằng út nằm bên đạp vào sườn bà khiến bà thức giấc. Bà nhìn ra cửa, cửa vẫn đóng kín. Đêm lặng như tờ. Tiếng cú kêu nghe rợn cả người. Lý Thị Nương biết mình vừa gặp một giấc mơ lạ. Bà bèn bước tới bàn thờ thắp hương khấn rằng: "Tôi là vợ Đỗ Hối nên ở nhờ đất của ngài. Nếu tôi có gì thất lễ xin ngài bỏ qua. Cảm ơn ngài đã báo cho tôi một tin không lành mà người trần không thể biết".
Đêm hôm ấy Đỗ Hối đang ở kinh thành. Nhà Tể tướng có việc hỷ, Tổng đốc Hải Đông không thể không có mặt. Trước khi Đố Hối ra về, Tể tướng hỏi:
- Việc cống Bình An thế nào?
Đỗ Hối đáp:
- Bẩm Tể tướng, đã khởi công được hơn hai tháng. Mọi việc êm ả. Điều mà Tể tướng chỉ bảo, con đã chu tất với lệnh bà.
- Cứ thế mà làm. Đứa nào eo xèo tìm cách bịp mồm nó lại.
Đỗ Hối vái tạ rồi ra về. Vừa tới tư dinh, Lý Thị Nương đã nói ngay với Đỗ Hối:
- Phụ thân của thiếp ốm nặng, thiếp phải về nhà. Lần này thiếp đi chừng một tháng. Tướng công bảo Thị Xiêm đến đây lo cho Tướng công. Nhà ở đằng kia giao cho kẻ ăn người ở trông coi.
Đỗ Hội vui lắm nói:
- Đa tạ phu nhân rộng lượng.
Ông ta đứng lặng đi một lúc rồi nói:
- Nhạc phụ lâm bệnh chắc là cần tiền. Phu nhân mang về bên đó một ít.
Lý Thị Nương đáp:
- Thiếp không tự tiện làm việc đó. Nếu tướng công có lòng, tướng công tự sắp đặt.
Hiểu ý, Đỗ Hối gói mười lạng vàng đưa cho vợ. Ngày hôm sau, Lý Thị Nương dẫn con trai út ra đi. Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, Lý Thị Nương không quay về. Đồ Hối đồ rằng bệnh của nhạc phụ bị nặng. Nhưng ông ta có biết đâu…
Tháng tám năm ấy, trời mưa rất lớn. Lũ trên nguồn đổ về cuồn cuộn, triều cường dâng cao. Cống Bình An đang xây dở bị bục dẫn tới đê vỡ một đoạn dài tới năm mươi ngũ. Đỗ Hối điều hàng trăm thuyền đá tới chỗ đê vỡ rồi cho chìm thuyền mong bịt lại quãng đê đã vỡ. Nhưng với dòng nước hung dữ, chiếc thuyền đá nặng vài trăm tôn không hơn gì chiếc lá tre, nước cuốn băng ngay. Nước lồng lộn hoành hành. Vùng nam Hải Đông gồm bốn huyện Phong An, Thiên Bổn, Xuân Chân, Mỹ Định chìm trong nước. Trong đó, Phong An thê thảm nhất. Làng xóm ngâm trong nước. Nước lút mái tranh. Nhà nào tường xây gạch còn chống chọi được. Nhà nào tường đất chình gặp nước vữa ra là nhà sập luôn. Nhưng nhà xây bằng gạch mỗi làng chỉ dăm bảy ngôi, còn lại hầu hết là nhà tường đất nên đổ hết chẳng khác gì chuối gặp bão. Hàng chục vạn người màn trời chiếu đất, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc. Nước tràn vào, cá mè trong các ao vượt ra. Một mẻ vó hàng thúng cá mè, bán không ai mua, cho không ai lấy. Vì nhà nào cũng có. Nhà nhà liền lấy cá mè thay cơm. Nhưng chỉ ăn cá trừ bữa được một ngày, ngày hôm sau, ai ngửi thấy mùi cá mè cũng phát nôn lên ngay. Cá mè thừa mứa chỉ có đổ đi. Cá nổi lều bều khắp nơi gặp nắng rữa ra thối không chịu được. Làng xóm bị nước ngâm hàng tháng trời. Giun dế chết hết. Gốc tre cũng phải thối. Dân cơ cực trăm bề. Vua thương dân mở kho thóc phát chẩn. Song mười phần chỉ đến tới dân được một hai phần.
Vỡ đê được chín ngày, trùm Hân treo cổ tự tử. Gỡ trùm Hân xuống, trông thấy mắt, mũi, mồm, tai trùm Hân đều có máu, một ông già nhếch mép cười. Mọi người hỏi: "Vì sao ông cười?" Ông già đáp " Ta mà nói thì ta cũng sẽ chết như người này". Dứt lời ông già rảo bước. Câu nói của ông già đã kích thích mọi người. Họ tìm hiểu và nhận ra rằng: Trùm Hân trúng độc đã chết rồi mới bị treo cổ. Bởi chỉ có người trúng độc, thất khiếu là mồm, hai mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai mới có máu, còn chết vì thắt cổ không có hiện tượng đó.
Quan Khâm sai về Hải Đông tra xét tìm nguyên nhân đê vỡ. Đồ Hối đổ hết tội cho trùm Hân. Trùm Hân đã tự tử. Vợ con trùm Hân cao chạy xa bay. Chuyện vỡ đê Bình An do trời gây nên đành khép lại.
Đỗ Hối lúc bấy giờ mới hiểu. Lý Thị Nương không về là bà ấy có ý định từ trước. Ông ta chợt nhận ra: Vì sao Thị Nương chỉ yêu thương thằng con út…