Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Huyền sử Cỏ tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18156 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Huyền sử Cỏ tiên
Phạm Thái Quỳnh

Chương 5

Một sự ngẫu nhiên, Hoàng Kiến Nghiệp trở thành Tổng đốc Hải Đông. Nguyên do là thế này: Ngày ấy, triều đình xếp Hải Đông vào vùng đất dữ "bất trị". Suốt một dải ngập mặn ven bể dài bảy tám chục dậm chỉ có sú, vẹt ngút tầm mắt. Nơi hoang vu đó, gió như ngựa hoang lồng lộn, sóng thét gào như đàn cá kình vùng vẫy. Bể xa sôi ù ù tựa xay lúa. Trên trời, chạng vạng tối, muỗi vo ve kết thành váng như mây. Dưới đất, rắn nước lổn nhổn bện vào gối sú, gốc vẹt. Đêm đêm, cáo hú rợn da, cú kêu xởn gáy. Cả một vùng mênh mông không tiếng chó sủa trăng, không tiếng gà gáy sáng. Dải đất này cách kinh thành hơn ba ngày ngựa chạy chồn chân, lại còn bị ngăn cách bởi hai con sông lớn. Bởi vậy, những kẻ coi trời bằng vung thả sức tung hoành. Hễ kẻ nào có máu mặt tạo được chút thế lực là chiếm đất xưng hùng xưng bá. Những cuộc chạm đao trừ khử nhau thường xuyên xảy ra. Cuộc sống chính của các vị anh hùng ngoài vòng cương toả ấy là cướp bóc dân lành. Manh lệ vùng Hải Đông khốn đốn bởi các hảo hán đó. Giá mỗi nhà như một con thuyền, chắc chắn nhà nhà sẽ sẽ đẩy thuyền đi nơi khác. Nhưng nhà không như thuyền dù nó chỉ như cái lều vó vẫn đủ cột cái, cột con găm xuống đất. Nó gắn rất chặt với âm gian có mồ mả cha mẹ, tổ tiên của từng gia đình thiêng liêng như sự sống vậy. Bởi thế, trẻ già dễ gì bỏ mồ mả cha ông mà đi. Vả lại, lạc thổ ở nơi nào? Nơi đó đã chắc gì hơn mảnh đất khốn khổ mà họ đang sống. Vì ở đâu cũng ông Vua ấy và những quan lớn, quan bé phải đội chữ trung lên đầu. Vua ấy, quan ấy tất phải có những kẻ triều đình riêng một góc trời… Thôi thì dân làng cứ phải cắn răng mà chịu. Chư vị hảo hán cướp của dân mãi đến một ngày dân không còn cái khố rách để mà cướp. Lúc ấy, các hảo hán chắc cũng sẽ chán.
Miền đất dữ ấy như cái gai đâm vào mắt triều đình. Mấy vị Tổng đốc tiền nhiệm phải nuốt hận chuyển đi nơi khác. Là vì các vị ấy đã lấy "dĩ cương chế cương" làm thượng sách. Nhưng những kẻ ăn thịt người không biết tanh, coi lao tù là chỗ ngủ trưa thì chúng có ngán gì búa rìu. Bởi vậy, các vị ấy chưa bạo tay thì loạn một, các vị ấy bạo tay thì loạn mười. Đến khi ấy, gia quyến của Tổng đốc, Tri huyện không bao giờ có giấc ngủ yên. Rồi đến một ngày, chuyện gì phải xảy ra nó đã xảy ra: Tuần phủ Đà Châu là viên quan khét tiếng tàn bạo. Cứ vùng nào nghịch nhất là triều đình điều ông ta tới. Hải Đông đã làm cho không ít quan nhỏ, quan to mất mặt. Triều đình bèn điều Tuần phủ Đà Châu về làm Tổng đốc Hải Đông. Ông ta hùng hùng hổ hổ về Hải Đông nhậm chức. Về tới "đất nghịch" hôm trước, ngay ngày hôm sau, ông ta đã xuống tay đàn áp giang hồ.
Nhiều vị hảo hán đã núng chí nhưng Ba Hổ một hảo hán đứng vào hàng nhất vùng cứ cười hoài. Một vị hảo hán bực mình hỏi:
- Anh em thất điên bát đảo chưa biết phải đối phó với tên tân Tổng đốc này như thế nào. Vậy mà ông cứ nhe răng ra cười. Thật là đồ vô lo.
Ba Hổ đáp ráo hoảnh:
- Các ông ngán lão ta thì các ông đứng sang một bên, để tên tàn ác đó cho tôi.
Mọi người không biết Ba Hổ dở ngón gì nên cứ im lặng chờ đợi.
Cuộc đời Ba Hổ có rất nhiều chuyện. Đầu tiên là cái tên. Thuở bé, Ba Hổ có tên là Đủ. Đủ là no đủ. Bố mẹ đặt cho con cái tên như thế những mong sau này con được no cơm, lành áo. Năm Đủ 17 tuổi, vùng bể Hải Đông mở hội vật mùa xuân. Đủ đánh ngã ba đô vật có tiếng trong vùng, đứng nhất hội. Ai đó gọi Đủ là Ba Hổ. Mọi người thấy hay hay cũng gọi Đủ là Ba Hổ. Chẳng bao lâu cái tên Đủ mờ đi, cái tên Ba Hổ mọi người lại nhớ. Đủ trở thành Ba Hổ là như vậy. Rồi Ba Hổ giao du với bè bạn trong vùng, anh ta trở thành một tay trộm đêm nổi tiếng từ lúc nào không ai nhớ nữa. Tuy làm nghề đạo chích nhưng Ba Hổ không khoét ngạch nhà nghèo khó. Ba Hổ luôn nhắm vào nhà bọn phú hào. Dịp tết là dịp Ba Hổ đào khoét dữ nhất. Dẫn đến, các nhà giàu có càng phải cẩn trọng khi tháng cùng, năm tận.
Một lần, vào ngày Ba Mươi tháng Chạp, nhà Ba Hổ không còn lấy một đấu gạo. Ban ngày, Ba Hổ bó gối ở nhà. Vì ánh ngày không là đồng  minh của Ba Hổ. Chỉ còn một đêm nữa thôi, nếu Ba Hổ không xoáy được gì thì ngày Mùng Một Tết cả nhà đành phèo vậy. Cân nhắc kỹ càng, Ba Hổ quyết định ra tay vào đêm Ba Mươi.
Tư dinh của Tri huyện là nơi Ba Hổ lựa chọn để kiếm chác. Nhằm lúc chạng vạng tối, mọi người trong nhà quan sơ hở, Ba Hổ lẻn vào  lãnh địa của Tri huyện tìm một chỗ thuận lợi ẩn nấp. Trời tối hẳn. Đêm Ba Mươi Tết tối như đêm ba mươi. Trong nhà Tri huyện, có bao nhiêu đèn đều được chong lên hết. Đèn giăng khắp nơi.  Cái kim nằm trên đất cũng hiện lên rõ mồn một. Lính canh, gia nhân trong dinh Tri huyện chia nhau coi các lối ra vào. Ba Hổ nhận thấy không thể hành sự như cách vẫn thường làm. Một tia sáng vụt lên trong đầu Ba Hổ. Như một con mèo rình chuột, Ba Hổ nép mình rình. Lát sau, một ông già uể oải đi tới. Ba Hổ phán đoán: "Có lẽ ông này là người hầu già". Nhẹ nhàng, Ba Hổ băng ra chịt cổ ông già lôi vào một chỗ kín. Ông già run cầm cập. Ba Hổ nói rành rọt đủ nghe:
- Tôi là Ba Hổ nhưng ông không phải sợ. Ông nghe tôi, tôi sẽ ơn ông. Ông kêu lên hoặc chống lại, buộc lòng tôi phải xuống tay…
Đã biết tiếng Ba Hổ lại thấy ánh dao lấp loáng, ông già run run đáp:
- Tôi xin nghe! Tôi xin nghe!
- Vậy thì cảm ơn ông. Nhà ông ở đâu?
- Nhà tôi ở Bích Cư.
- Có Tết chưa?
- Đã được về đâu mà Tết với nhất. May lắm, bà nhà tôi cũng chỉ lo được xẻo thịt bụng và vài đấu gạo.
- Cởi quần áo ra!
Hiểu ý, ông già cởi quân áo. Ba Hổ quẳng quần áo của mình cho ông già rồi vơ lấy quần áo của ông già khoác vội vào người. Ông già vừa mặc xong quần áo, Ba Hổ nói nhỏ:
- Xin lỗi ông tôi phải làm thế này.
Ba Hổ trói nghiến ông già vào gốc cây si, cởi khăn bịt chặt mồm ông già lại. Ông già gật gật đầu rồi hất hất hàm. Ba Hổ đàng hoàng bước tới nhà ngang cua một gánh nặng hàng tết gánh ra dấu vào góc vườn. Quay lại nhà ngang, Ba Hổ vơ những thứ dễ bén lửa xếp thành đống châm lửa đốt. Lửa vừa bén thành ngọn, Ba Hổ quay ra góc vườn chờ. Khi ngọn lửa bốc cao, tư dinh Tri huyện như chợ vỡ. Mọi người cắm đầu vào dập lửa. Ba Hổ lẻn ra phía cổng sau với gánh hàng Tết oằn vai.
Ba Hổ không đi đường lớn mà tắt đồng nhắm làng Bích Cư rảo bước. Qua căn nhà tranh ở cạnh xóm nhỏ giữa đồng, Ba Hổ nghe thấy tiếng đàn ông quát, tiếng đàn bà khóc. Đặt gánh hàng tết xuống, Ba Hổ lật cửa sổ tre nhòm vào trong nhà. Tối như bịt lấy mắt, không nhìn thấy gì, Ba Hổ cất lời:
- Gần Giao Thừa rồi, không cúng tiên tổ hay sao mà còn cào cấu nhau?
Người đàn bà làu bàu đáp:
- Đến khoai cũng chẳng có mà ăn thì còn cúng bái cái gì.
Ba Hổ lấy một xâu thịt đút qua cửa sổ nói:
- Thịt đây cầm lấy. Ra lấy gạo thổi cơm cúng để tiện tổ có bát cơm.
Nói xong, Ba Hổ ngắt một tàu chuối lớn đặt xuống đất san cho gia đình khốn khổ ấy một ít gạo. Không đợi người trong nhà ra lấy, Ba Hổ dấn bước tới làng Bích Cư. Dấu gánh hàng tết một chỗ, Ba Hổ lần vào làng tìm bằng được vợ người hầu già trong dinh quan huyện. Ba Hổ nói nhỏ với vợ người hầu già: "Ông già lén gửi quà tết cho bà, có miếng ăn cũng phải dấu đấy. " Bà vợ người hầu già nửa tin nửa ngờ. Ba Hổ hỏi: "Bà không tin à? Ông già thấy tôi rét còn cho cả bộ quần áo. Tôi đang mặc đây này". Bà vợ người hầu già căng mắt ra nhìn. Quả nhiên, quần áo của chồng mình. Bà vợ người hầu già lặng lẽ bước theo Ba Hổ. Hôm sau, tin nhà quan huyện bị mất trộm loang ra, bà già hết hồn mang gạo thịt dấu biến, ăn dần.
Đến một ngày, Ba Hổ nổi danh. Thấy nghề đạo chích chẳng quang minh gì, Ba Hổ bèn khoanh đất xưng hùng. Chư vị hảo hán Hải Đông đều nể vì Ba Hổ. Thấy viên Tổng đốc mới tàn ác làm dữ, các hảo hán lo tóp bụng. Bề ngoài, Ba Hổ có vẻ dửng dưng. Trong tâm can, Ba Hổ lại khác. Ngày đêm Ba Hổ tìm ra mẹo mực trị Tổng đốc. Ba Hổ đã dõng dạc tuyên bố với chư vị hảo hán:"Để tên tàn ác đó cho tôi". Lời nói như dao chém đá, lờ đi sao được. Sau nhiều đêm không ngủ, Ba Hổ đi đến một quyết định táo bạo. Kén 16 trai tráng võ nghệ giỏi giang, Ba Hổ vào cuộc. Nhằm lúc viên Tổng đốc đi vắng, Ba Hổ ngồi trên cáng dẫn 16 trai tráng gánh lợn béo, gạo ngon, lụa quý đến "lễ" bà Tổng đốc. Số đông quân lính đã đi theo viên Tổng đốc. Mươi tên còn lại giữ công đường thấy đoàn người gánh quà đến biếu thì hoa mắt lên. Chúng cho Ba Hổ và đoàn trai tráng vào gặp bà Tổng đốc ngay. Ba Hổ quỳ trước Tổng đốc phu nhân từ tốn:
- Bẩm lệnh bà, từ ngày đức ông về chăm lo cho dân vùng này, chúng con sơ xuất chưa đến hầu mừng đức ông. Như thế thật là lỗi lớn. Nay chúng con có chút lễ bạc đến dâng đức ông và lệnh bà. Xin lệnh bà thưa với đức ông nương tay cho những kẻ ngu dốt. Chúng con sẽ yên bề làm ăn không quấy rối xa gần nữa.
Tổng đốc phu nhân ra bộ bèn nghiêm giọng:
- Tội của mấy người to lắm. May mà các người cũng biết nghĩ lại. Thôi thì ta cũng thưa với đức ông cho. Từ nay các người phải yên bề làm ăn. Hễ còn cứng cổ, tướng công đây không nương nhẹ đâu.
Ba Hổ vờ nhũn như con chi chi nói:
- Chúng con biết tội rồi. Nhưng lệnh bà đã thương thì thương cho trót. Đức ông đã vậy còn những anh lính. Chúng con muốn mời những anh lính mỗi người vài chén rượu nhạt để tỏ chút tình….
Bà Tổng đốc muốn tỏ rõ quyền uy, nói:
- Thôi được, thể tình ta cho phép. Hầu, gọi những thằng lính vào cả trong này.
Có lệnh của bà Tổng đốc, bọn lính ùa cả vào. Lính thấy rượu như cá mương thấy váng ghét. Chúng nốc lấy nốc để. Rượu trôi khỏi cổ chẳng bao lâu, chúng lăn quay ra cả. Lúc ấy, Ba Hổ mới dằn giọng:
- Xin mời lệnh bà và cậu ấm lên cáng.
Bà Tổng đốc bủn rủn chân tay. Bọn gia nhân tròn xoe mắt. Ba Hổ đảo mắt nhìn. Bọn trai tráng trói nghiến bà Tổng đốc và cậu ấm tám tuổi - kẻ duy nhất thắp hương cho vợ chồng Tổng đốc - quẳng lên cáng đưa đi. Viên Tổng đốc về tới công đường thì sự đã rồi. Đọc dòng chữ nhắn lại: "Nội trong một tháng ngài không chuyển đi nơi khác thì ngài ra bãi bể Hải Đông nhận xác vợ và con". Viên Tổng đốc đứng như trời trồng một lúc rồi gọi thuộc hạ mang nghiên bút đến.
Quan Tể tướng đọc văn bản của Tổng đốc Hải Đông trình lên mà toát mồ hôi. Là chỗ thân tình với viên Tổng đốc tàn bạo, Tể tướng bèn chuyển tân Tổng đốc Hải Đông đi nơi khác để giữ thể diện cho ông ta và cứu hai mạng người. Ngẫm nghĩ, Tể tướng thấy với đất Hải Đông, vị quan nào "dĩ cương chế cương" đều hỏng. Ngày trước, hai vị quan đầu tỉnh lấy đàn áp làm phương sách đã phải rời Hải Đông chẳng vinh hạnh gì. Vị quan đầu tính thứ ba sẽ phải rời Hải Đông còn tệ hại hơn. Trầm mạch đất Hải đông không phải là long, phụng ẩn tàng mà là hổ, báo nương náu. Cử ai thay thế đây? Tể tướng chớp chớp mắt… "Hoàng Kiến Nghiệp! Phải rồi Hoàng Kiến Nghiệp ! Ông ta phải chết chìm ở Hải Đông…"
Tể tướng bèn xin đức Vua cho Hoàng Kiến Nghiệp về cai quản Hải Đông với chức Tổng đốc. Đức Vua chuẩn tấu và đặt kỳ vọng vào Hoàng Kiếm Nghiệp. Còn Hoàng Kiến Nghiệp, ngài biết hiểm ý của Tể tướng mặc dù về Hải Đông nhậm chức so với ở triều đình ngài thêm chức thêm phẩm.
Phận làm tôi, ngài đâu dám kháng chỉ. Ngài phải thu xếp rồi đi ngay để viên Tổng đốc tàn bạo rời Hải Đông trước thời hạn mà Ba Hổ đã ấn định. Tuy là dân giang hồ nhưng Ba Hổ rất trọng tín. Khi Hoàng Kiến Nghiệp đã cầm con ấn Hải Đông trong tay ấy là lúc vợ và con viên Tổng đốc phải chuyển đi cũng về tới công đường. Nhá nhem tối ngày hôm ấy, viên quan thất thế cùng vợ con và gia nhân rời khỏi Hải Đông một cách âm thầm khác hẳn với ngày ông ta về nhậm chức.
Về tới Hải Đông, Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp nghĩ ngay đến kế: "Dĩ độc trị độc" để vỗ yên các anh hùng ngoài vòng cường toả. Ngài xông thẳng vào hang cọp gặp Ba Hổ nói rõ ý của mình. Ba Hổ hỏi:
- Ông định lừa chúng tôi chắc?
Ngài Tổng đốc ung dung đáp:
- Bậc chính nhân không dùng mẹo tiểu nhân. Nếu ông nghĩ rằng ta có ý lừa ông thì ông giết quách ta cho xong. Như vậy ông sẽ tránh được hậu hoạ.
Ba Hổ suy nghĩ giây lát đáp:
- Ông đã không lấy bụng tiểu nhân đãi ta, lẽ nào ta lại lấy lòng dạ tiểu nhân đãi ông.
Ngài Tổng đốc cười rất tự tin nói:
- Ông đã nói vậy thì ông lắng nghe ta nói: Anh hùng và tướng cướp đều nổi danh. Có điều, anh hùng thì bia đá còn tướng cướp thì bia miệng. Lẽ nào ông lại chọn bia miệng?
- Nhưng tôi không làm được anh hùng.
- Ông kêu gọi các hảo hán quay về với nông tang, chài lưới để dân lương thiện yên ổn làm ăn. Như vậy ông không xứng anh hùng sao?
Đang khao khát được an cư lạc nghiệp, Ba Hổ bằng lòng làm theo ý ngài Tổng đốc. Dân vùng này rất đói khổ. Để ân trạch của Vua lan toả tới vùng hoang vu, heo hút, Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp xin đức Vua tám nghìn thùng thóc chẩn cho dân, khuyến dân khai khẩn đất hoang, an cư lạc nghiệp. Có như vậy, vùng cuối nguồn chân sóng thuộc Hải Đông mới mong yên bình. Nhà Vua còn đang phân vân, Tể tướng bèn xin Vua chuẩn cho Hoàng Kiến Nghiệp. Sở dĩ Triệu Quảng Thành vun vào cho Tổng đốc Hải Đông vì ông ta đồ rằng: Đến tám vạn thùng thóc, Hoàng Kiến Nghiệp cũng không làm nên trò trống gì. Vậy tám nghìn thùng có thấm tháp vào đâu. Rút cuộc, ông ấy chỉ chuốc vạ vào thân. Có lời của Tể tướng, Vua ưng chuẩn cho Hoàng Kiến Nghiệp tám nghìn thùng thóc. Tể tướng chỉ còn một việc là ngồi chờ Tổng đốc Hải Đông cáo chung. Nhưng một bất ngờ đã đến với Tể tướng. Tám nghìn thùng thóc đến tay Ba Hổ. Ông ta phân phát đến từng nhà dân. Già trẻ lớn bé vùng biển Hải Đông theo ông ta hết. Các vị hảo hán trong vùng bị cô lập. Kẻ thì bỏ đi tìm nơi khác náu mình. Người thì quẳng kiếm cung về với nông tang, chài lưới. Vùng động trở nên yên ổn. Lúa khoai vươn lên. Cỏ hoang lui dần. Thay cho tiếng cú rúc đêm đêm là tiếng chó sủa, tiếng gà gáy. Tể tướng bàng hoàng. Ông ta nghĩ: Ngày xưa bên Trung Hoa, bọn gian thần lộng quyền triều nhà Đường cứ đẩy Tiết Nhân Quý vào chỗ chết. Nhưng càng bị đẩy vào chỗ chết, Tiết Nhân Quý càng lập công lớn. Chuyện đó được lập lại ở xứ này chăng?
Vùng "đất nghịch" ven bể Hải Đông đã yên, ngài Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp mới nghĩ đến chuyện riêng. Chẳng là, trước ngày về Hải Đông nhậm chức khá lâu, ngài bị thất nội. Năm ấy, ngài mới gần bốn mươi tuổi. Người bạn trăm năm của ngài từ giã dương gian để lại cho ngài một bé trai mới bốn năm tuổi. Thấy ngài goá bụa, nhiều nhà quyền quý, giàu có ở Hải Đông bắn tin gả không con gái cho ngài. Nhưng ngài biết họ muốn gì nên ngài bỏ ngoài tai tất cả những lời bắn tin ngọt ngào của họ. Ngài chọn cho mình một quả phụ gần ba mươi tuổi, dung quang nền nã, tính tình hiền hoà chưa có con với người chồng yểu mệnh. Người quả phụ này sống bằng nghề dệt vải. Khi ngài ngỏ lời chọn bà làm kế mẫu cho đứa con trai mồ côi mẹ, bà từ chối với một lý do rất chính đáng không "môn đăng hộ đối". Ngài bèn lựa lời hỏi quả phụ: "Nếu thằng bé con tôi cũng có phần cốt nhục của bà mà lại bơ vơ không có mẹ, bà có đau lòng không. Tôi mời bà làm kế mẫu, bà không động tâm hay sao?" Câu nói ấy của ngài Tổng đốc xoáy vào tâm can quả phụ khiến bà không thể không nhận lời cầu hôn của vị quan đầu tỉnh. Nhưng một rào cản mới lại xuất hiện. ấy là bố mẹ bà cứ áy náy không có gì làm của hồi môn cho con gái. Bởi vậy, ngày tái vu quy của bà cứ bị song thân khất mãi. Tinh ý, ngài Tổng đốc nói: "Nàng xin bố mẹ một bộ khung cửi. Nó còn quý hơn vàng bạc nhiều". Bà quả phụ ứa nước mắt thầm nghĩ: "Có lẽ người chồng xấu số của bà run rủi nên ngài Tổng đốc đã đến với bà". Bà trở thành phu nhân Tổng đốc nuôi dậy Hoàng Kiến Nghĩa như con đẻ của mình. Sự hiền thảo của bà đối với con chồng khiến ngài Tổng đốc mừng lắm. Hơn một năm từ ngày trở thành Tổng đốc phu nhân, bà sinh cho quan Tổng đốc một quý nữ. Đó chính là Kim Phụng. Tuy là Tổng đốc phu nhân nhưng bà không rời khung cửi. Chính cái khung cửi ấy đã góp phần ổn định cuộc sống thường nhật để quan Tổng đốc giữ được chữ liêm mà nhiều vị đội mũ, đeo đai khó mà giữ được.
Từ ngày Hoàng Kiến Nghiệp về làm Tổng đốc Hải Đông, dân vùng này thành kính coi ngài là phụ mẫu của những người canh cửi. Bởi ngài luôn để tâm ở nơi dân. Khi đồng ruộng bị hạn, ngài cùng dân tìm cách đưa nước lên đồng. Lúc ruộng đồng bị lụt, ngài dầm mình trong mưa cùng dân cứu lúa. Năm nào cũng vậy, hễ lũ trên nguồn đổ về là ngài đi dọc sông Long Hà kiểm tra đê. Những ngày chống lũ, nhiều bữa ngài ăn cơm ngay trên đê cùng dân. Một lần, thuộc hạ của ngài mang cơm ra. Để xem cơm quan khác cơm dân thế nào, một lão nông tò mò nhìn vào dành cơm khi thuộc hạ của ngài vừa mở nắp dành. Thuộc hạ của ngài trừng mắt nhìn lão nông. Ngài không bằng lòng với thái độ ấy của cấp dưới bèn sẵng giọng: "Không được thất lễ". Sau đó, ngài xách dành cơm tới chỗ mấy người dân quê đang bày cơm ra ăn. Ngài ngồi bệt xuống cạnh họ rồi dọn cơm ra. Những người dân quê không thể tin vào mắt mình. Cơm quan hơn cơm dân là không độn và mấy con rạm kho. Ngài dành cho mình một con. Còn mấy con, ngài mời mấy ông già cùng ăn. Mấy ông già đều từ chối nhưng ngài mời cho kỳ được. Một lão nông ăn con rạm của ngài mời mà ứa nước mắt và nhận ra vẫn còn có những ông quan vui buồn cùng dân. Từ đó, ngài nói gì dân nghe răm rắp. Khi ngài chưa về nhậm chức Tổng đốc Hải Đông, đê vỡ,lụt lội thường xảy ra. Từ khi có ngài, Long Hà đại giang không còn gây thuỷ hoạ cho dân nữa. Thấy dân tình Hải Đông yên ổn, người người kính trọng ngài, Tể tướng tức lắm: "Mình đưa hắn vào chỗ chết nào ngờ hắn lại chuyển nguy thành an. Không, quyết không thể như thế được…"

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 176

Return to top