Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Huyền sử Cỏ tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18153 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Huyền sử Cỏ tiên
Phạm Thái Quỳnh

Chương 6

Quan Tổng đốc Hải Đông đứng một mình giữa trời khuya vắng lặng. Trăng sau rằm đã mòn đi một chút chơ vơ phía chân trời đang chui dần vào sau núi xa. Mây chầm chậm trôi về không cùng. Tiếng chim đêm làm cho trời mây cô quạnh hơn. Vào những đêm khác như đêm nay, những ý thơ tự nhiên bay đến với ngài Tổng đốc xứ Hải Đông. Thế nhưng đêm nay, cảnh rất thơ mà lòng ngài không rung động. Ngài cứ ra ra vào vào và cứ ngửa mặt trông trời như tìm một điều gì. Đức Vua thay đổi nhanh quá! Đúng là Người đã bị con gái Tổng quản mê muội. Vài ngày sau, một người thân của ngài từ kinh thành về cho biết Tổng quản thị vệ đã thuê mụ chủ Hồng Lâu hí viện về dạy con gái những trò đê mạt chốn phòng the trước khi  đưa con vào cung. Biết tin này, Tổng đốc Hải Đông sầm mặt. Bọn xấu không từ một trò gì để lấy lòng Vua kể cả những trò nhơ nhớp. Những trò ấy, nhiều người không dám nghĩ tới, vì chỉ nghĩ tới thôi cũng đã thấy hổ thẹn. Ngài định về kinh gặp quan Ngự sử nhưng vùng Hải Đông lũ đang đổ về. Nhiều đoạn đê đã núng. Dân quê đang gồng lưng tải đất bồi đắp chỗ đê bị núng nhất. Đê mà vỡ thì hàng vạn nhà màn trời chiếu đất. Chưa hết, nhiều vùng dân đói cơ hồ sẽ nổi loạn. Ngài có lo yên chuyện này cũng phải vài ba tháng. Vì vậy, ngài không thể vắng mặt ở Hải Đông dù chỉ một ngày. Nhưng cứ để Tể tướng đẩy Vua lún sâu vào vòng gái đẹp, triều đình sẽ ra sao, trăm họ vốn đã khốn khổ sẽ ra sao nữa? Ngẫm nghĩ, ngài bèn viết thư dán kín giao cho cấp dưới tin cậy sống chết mang vào kinh dâng quan Ngự sử. Nhưng ngài có biết đâu từ ngày Tổng quản thị vệ đưa con gái vào hầu Vua, xung quanh dinh các quan trung lương đều có những cặp mắt nhòm ngó.
Cấp dưới của quan Tổng đốc Hải Đông lặn lội vào kinh. Đến dinh quan Ngự sử, người đưa thư được lính canh cổng cho biết quan Ngự sử vắng nhà lo việc của Vua. Người đưa thư bèn đi tìm nhà trọ nghỉ lại tình cờ gặp công tử con quan Ngự sử. Hai người đã biết nhau vì trước hôm ấy vài tháng, công tử theo quan Ngự sử viếng thăm quan Tổng đốc.
Hai người vừa bước vào nhà trọ, tay chân của Tổng quản thị vệ đã ập tới khám xét. Lần được lá thư dấu trong túi áo người nhà quan Tổng đốc Hải Đông, lính của Tổng quản thị vệ điệu ngay hai người về dinh và tạm giam lại. Mở thư đọc, Tổng quản thị vệ giật mình trình ngay thư lên Tể tướng. Tể tướng xem thư, những lời lẽ đanh thép hiện lên tố cáo Tể tướng và Tổng quản thị vệ với các tội:
1- Kết bè kết đảng làm càn.
 2- Dùng gái đẹp  mê muội Vua, thâu tóm quyền hành.
3- Thuê mụ chủ Hồng Lâu hí viện dạy con gái trò bại hoại rồi tiến cung, đưa Vua vào vòng mê muội.
4- Vì triều đình và trăm họ, quan Ngự sử phải ngăn chặn bọn xấu xa.
Tể tướng đọc đi đọc lại. Một ý nghĩ hiểm độc loé lên trong đầu ông ta. Ông ta chỉ giữ lại một hầu gái là Oanh Nhi rồi đóng cửa lại lấy giấy bút viết ướm chữ. Viết đi viết lại nhiều lần, chữ của ông ta đã hệt như chữ của quan Tổng đốc. Tể tướng bèn viết thêm vào chỗ trống tiếp với câu cuối cùng trong tờ thư của Tổng đốc Hải Đông gửi quan Ngự sử bốn chữ "phế phụ lập tử" - nghĩa là bỏ Vua cha, lập con làm Vua. Người tinh tường cũng không thể nghi ngờ những chữ của Tể tướng viết thêm vào tờ thư của quan Tổng đốc. Làm xong việc gian giảo ấy, Tể tướng vào cung dâng thư lên Vua. Ông ta đi rồi, Oanh Nhi dọn dẹp thư phòng nhặt được một tờ giấy ông ta viết thử chữ …
Trong vòng tay người đẹp, Vua đang lơ mơ bởi men rượu ngự phải miễn cưỡng mở thư. Lướt qua mấy dòng đầu, Vua chỉ nhăn mặt, nhưng đến bốn chữ "Phế phụ lập tử", Vua giật nảy mình, mặt hằm hằm truyền: "Tổng quản thị vệ bắt hai nhà giao bộ hình xét xử, nghiêm trị."
Mấy tỉnh biên cương gặp nạn châu chấu phá hoại, mùa màng mất gần hết. Dân rất đói khổ. Vua đã sai mở kho lương cấp cho dân ở các tỉnh ấy đỡ đói. Bọn quan lại địa phương xà xẻo gần hết. Rút cuộc dân đói vẫn hoàn đói. Vua sai quan Ngự sử "vi hành" - đi bí mật - thu thập chứng cớ tóm bọn quan tham. Trên đường trở về kinh, ngài vui lắm. Ngài còn một niềm vui nữa đang chờ đón ngài. ấy là chuyện sắp tới, ngài sang nhà quan Tổng đốc bỏ giầu cho con trai. Mấy tháng trước, trong chuyến quan Ngự sử viếng thăm quan Tổng đốc, hai vị quan đã ấn định ngày lành, giờ tốt để nhà trai có lễ sang. Khi ấy hai họ và đôi trẻ mới biết.. Chuyện này, quan Ngự sử và quan Tổng đốc đã hứa với nhau từ mấy năm trước. Song hai ngài đều giữ kín, chỉ có nhũ mẫu Thục Trâm biết.
Nhưng hoạ lớn đã chờ quan Ngự sử. Ngài vừa về đến dinh, Tổng quản thị vệ đã dẫn lính ập vào bắt ngài và thân quyến. Ngài không biết mình phạm tội gì. Vào trong ngục gặp con, ngài mới vỡ lẽ.
Quan Ngự sử sinh ra trong một gia đình hàn nho ở một vùng quê hẻo lánh. Ngài có tư chất thông minh, nổi tiếng hay chữ từ thuở thiếu thời. Ngài thi đõ tiến sỹ năm mới hai mươi mốt tuổi. Tuy ở ngôi cao nhưng ngài vẫn sống giản dị, thanh cao bằng lộc của Vua ban. Đức hạnh trong sáng của ngài đã ảnh hưởng tốt đến các con. Giống bố, con trai ngài lòng trong trí sáng. Ngài chỉ có một ước nguyện là con trai mình sau này nếu không hơn ngài thì cũng như ngài ngay thẳng nhân từ, trên vì Vua, dưới vì dân, tiến thì làm quan, lui về thì làm thày, quan hay thày cũng giữ tiết, giúp ích cho đời. Nào ngờ ước nguyện chưa thành, cả nhà ngài đã trong ngục tối.
Khi ấy, quan Tổng đốc Hải Đông đang đi kiểm tra dân quê đắp đê nhưng lòng bồn chồn bởi không thấy cấp dưới trở về. Nhá nhem tối ngài mới về nhà. Mệt nhọc, ngài bỏ cơm. Phu nhân của ngài lo lắng dâng ngài bát cháo nóng. Thìa cháo vừa kề môi, Tổng quản thị vệ dẫn lính ập tới. Ngài Tổng đốc biết việc gì đã xảy ra. Không biết con gái ngài theo nhũ mẫu đi lễ chùa có biết mà chạy thoát? Cả nhà quan Tổng đốc Hải Đông bị nhốt trong cũi giải về kinh. Hai vị đại thần có tiếng thanh liêm vì dân, vì nước cùng lúc bị bắt làm náo loạn cả nước. Đâu đâu cũng bàn tán, nhất là ở kinh thành. Người ta bàn tán nhiều nhất đến một kẻ phạm tội là con quan Ngự sử. Đó là một thiếu niên mười sáu tuổi, tuấn tú, thông minh, tốt bụng. Người người đều thấy hầu hết các công tử con quan to, quan nhỏ ở kinh thành sống xa hoa trên nhung lụa, tiêu tiền như đốt pháo. Họ dựa vào ông to, bà lớn làm càn đạp lên phép Vua, lệ nước nhưng vẫn có người xoè tay che chở. Chẳng may bị bắt, họ vào cửa trước ra cửa sau. Ngược lại, con quan Ngự sử sống giản dị, chan hoà với những đứa trẻ cùng trang lứa không kể con quan hay con dân. Hễ đứa trẻ nào hiền lành, ngoan ngoãn gặp công tử vài lần, có dịp rảnh rỗi là công tử tìm đến chơi.
Cách kinh thành chừng ba dặm có ngôi chùa mái đẫm màu rêu, ẩn bóng cổ thụ. Trước chùa có bụi móng rồng rất to, hoa chín quanh năm hương thơm ngọt như chuối chín. Kế đó là một cây ngọc lan cao to, hoa thon dài trắng ngần, hương trong vắt. Sau chùa là những hàng nhãn thẳng tắp, bóng lá tròn xoay, xanh thẫm. Xa tít về phía sau là bốn cây muỗm ngọn cao tưởng chạm mây, bóng rợp một vùng. Những cành sâu bị bão vặn gẫy, đoạn còn sót lại sát thân cây vỏ sù ra, lõi gỗ thút vào làm thành những cái hốc. Các loại cây sống nhờ bám vào những cái hốc ấy sinh sôi mãi. Vậy là bốn cây muỗm trở thành bốn vườn cây giữa trời, hoa đủ sắc màu. Vườn chùa bỗng thành thiên đường của các loài chim, các loài bướm tìm về ca hát, bay lượn. Tầng thấp là nơi cư trú của sáo, chào mào, chích bông, chích nghệ, rẻ quạt.... Tầng cao là của cu gáy, vàng anh, thiên đường. Sự tĩnh lặng, xanh mát, không người săn bắn của vườn chùa đã khiến chim bướm sinh sôi rất nhanh nên vườn chùa không bao giờ vơi tiếng chim. Mỗi bình minh lên, các loài chim đều thi tiếng hót làm thành bản giao hưởng của đất trời có một không hai nơi trần thế. Ngày rằm mùng một, chùa nườm nượp bước chân. Người đến niệm cầu mong đức lớn phúc dài, người tìm bóng xưa cho lòng thư thái. Những thiếu niên như công tử con quan Ngự sử thường đến chùa bắt bướm, xem chim chóc, cỏ cây.
Một chiều, công tử con quan Ngự sử rủ mấy thiếu niên cùng trang lứa ra chùa chơi. Mấy đứa trẻ lẻn sâu vào vườn chùa bắt chim. Có mấy tổ rẻ quạt treo ở đầu cành. Các cu cậu thích quá trèo lên tìm trứng và bắt chim non. Công tủ con quan Ngự sử ngăn không được chỉ biết đứng nhìn. Thoáng thấy bóng sư ông, chúng nháy nhau tụt xuống chạy biến còn trơ một mình công tử con quan Ngự sử. Sư ông nắm tay công tử kéo vào hành cung. Sư ông ân cần hỏi:
- Cháu có biết đây là đâu không?
Công tử lễ phép đáp:
- Thưa sư ông, cháu biết ạ.
Sư ông lại hỏi:
- Phá tổ chim là có tội, cháu biết không?
- Thưa, cháu biết ạ.
- Bố cháu làm gì?
Ngẫm nghĩ giây lát, công tử đáp:
- Bố cháu trồng rau bán lấy tiền mua gạo ạ.
Mấy thiếu niên chạy thoát ra ngoài nấp một chỗ chờ công tử. Một đứa lẻn vào nghe ngóng nên rõ cả. Nó quay ra thuật lại cho cả bọn nghe. Một đứa thốt lên: "Sao nó dại thế. Nó nói con quan Ngự sử là sư sợ ngay." Thằng nhỏ ấy tỏ ra láu lỉnh. Nó thấy sợ. Nếu sư ông giữ con quan thì chết. Nó bèn rủ cả bọn quay vào. Có hai đứa sợ định bỏ về. Thằng nhỏ láu lỉnh nói: " Đồ hèn! Lúc gặp khó bỏ bạn." Thế là hai đứa ấy không bỏ về nữa. Thấy mấy đứa trẻ kéo vào chùa, sư ông nghĩ: "Mấy đứa bé này có gan đây. Để rồi xem.... "Thằng nhỏ tỏ ra thông minh bước đến sát công tử giục:
- Nói đi!
Công tử chưa hiểu hỏi lại:
- Nói gì?
- Nói bố làm gì đi!
Công tử hiểu nhưng trả lời khác đi:
- Nói rồi, bố trồng rau chứ làm gì nữa.
Thằng nhỏ láu lỉnh, thông minh không hiểu được suy nghĩ của cậu bé con quan rất khôn ngoan nên nó nói trắng ra:
- Thưa sư, nó con quan đấy!
Sư ông không tin vào tai mình nữa nên hỏi lại:
- Cháu vừa nói gì?
Thằng nhỏ láu lỉnh nói rõ to:
- Nó nói dối! Nó con quan Ngự sử đấy.
Sư ông sợ quá. Dây với con quan là lôi thôi to. Sư ông bèn ôn tồn:
- Nhà chùa già rồi nên lẩm cẩm lại không biết, công tử bỏ qua cho.
Nghe được câu nói ấy, thằng nhỏ láu lỉnh liền lôi nghiến công tử con quan ra khỏi hành cung. Công tử không kịp nói gì chỉ kịp quay lại chào sư ông. Một đứa trong bọn trách: "Mày dại quá! Sao lại nói dối?" Công tử không nói gì cả, chỉ cười.
Trên đường về, lũ trẻ khát nước bèn dạt vào một mái lá xiêu vẹo bên đường xin nước uống. Vừa vào đến sân, bọn trẻ nghe thấy tiếng khóc, tiếng chửi, rồi tiếng quát: "Có thế không ăn thì thôi." Mấy đứa trẻ đứng cả ở ngoài sân, chỉ có công tử bước vào nhà thấy một bà già mù gày như một bộ xương nằm trên chiếc giường tre. Đầu giường của bà cụ có một cái bàn nhỏ cũng bằng tre rất cáu bẩn. Trên bàn có một bát cháo loãng. Hai đứa con trai ngồi trên mê chiếu rách quanh chiếc mẫm gỗ cóc gặm nham nhở. Trên mâm có hai bát cháo, một bát to, một bát nhỏ. Cạnh đứa con trai lớn có một cái nồi đất nằm lăn lóc trên đất, bởi đã hết cháo. Đứa con trai lớn chừng mười hai, mười ba tuổi, đứa nhỏ chừng chín, mười tuổi. Hai đứa gườm gườm nhìn nhau.
Thấy người lạ vào, hai thằng nhỏ giương mắt nhìn không một chút thiện cảm. Bà già hỏng mắt còn tai bèn hỏi:
- Ai có việc gì mà lại bước vào cái nhà nghèo hèn khốn khổ này thế?
Công tử từ tốn đáp:
- Cháu đi qua đường thấy có tiếng khóc, tiếng quát nên tò mò ghé vào xem có chuyện gì ạ.
Bà già than thở:
- Hai hôm nay, mẹ nó chỉ kiếm được một lẻ gạo nấu nồi cháo loãng. Hai đứa háu đói đều tranh phần hơn nên chửi nhau.
Tò mò, công tử lại hỏi:
- Thế bố mẹ hai cậu đi đâu hở bà?
Bà già mếu máo:
- Khổ! Bố nó còn đã phúc. Năm kia, bố nó đi làm thuê cho một nhà tốt bụng. Nó chịu khó lại hiền lành, lúc vui chủ nhà cho mấy chén rượu nên nó lơ mơ say. Trên đường về, nó trượt chân ngã dúi vào kiệu của một công tử con quan. Công tử ấy cho rằng nó cố ý gây sự làm nhục nhau nên cho gia nhân đánh cho chín chết một sống. Về nhà, bố nó ngả bệnh, đói cơm, không thuốc nên đã chết.
Bà già lấy vạt áo rách tươm lau nước mắt rồi nói tiếp:
- Mẹ nó đi làm thuê gặp việc gì làm việc nấy, ngày về sớm, ngày về muộn, có việc thì con có cơm có cháo, không việc thì nhịn. Bố chết, mẹ đi cả ngày, tôi ốm yếu mù loà không bảo ban được nên chúng hỗn láo. Anh không nhường em, em không nhường anh, hễ đói là tranh ăn, đánh chửi nhau luôn.
Công tử nhìn bát cháo trên chiếc bàn tre đoán rằng đó là phần của bà giá bèn nói:
- Bà ăn cháo đi chứ kẻo nguội.
Bà già nói:
- Tôi nuốt làm sao được, để cho anh em nó ăn.
Có lẽ thằng nhỏ mười hai, mười ba tuổi không muốn người lạ biết được tính xấu của nó. Nó đứng dậy lừ lừ bước đến bên công tử. Bất ngờ nó tương một cú đấm rất mạnh vào mắt trái công tử khiến công tử ngã ngửa về phía sau. Hai tay ôm lấy mặt, công tử lồm ngồm bò dậy. Mấy đứa trẻ ngoài sân nhảy bổ vào nhà. Một đứa đỡ lấy công tử. Ba, bốn  đứa lao tới đánh thằng nhỏ đã đấm công tử. "Không được làm thế!" Mồm nói chân bước, công tử dang tay che cho thằng nhỏ hung hãn. Một đứa đi với công tử hỏi: "Mày có biết mày vừa đánh con ai không?" Công tử nói át đi ngăn bạn: "Con ai cũng thế thôi. Nào chúng ta về." Đợi cho mấy bạn cùng đi bước ra sân, công tử mới bước ra. Vẫn còn cay cú, một đứa quay lại nói: "May cho bà, hôm nay bà gặp con quan Ngự sử chứ gặp con quan khác cháu bà nhừ đòn." Bà già nghe nói đến con quan thì hết cả hồn. Bởi con bà đã mất mạng vì nhỡ có lỗi với con quan. Bà vái lấy vái để. Nhưng vì bà nằm ngửa nên cứ vài lên giời: "Xin công tử tha cho! Xin công tử tha cho!" Công tử không bằng lòng với bạn đã doạ bà già. Nếu cả bọn không vào xin nước thì làm gì có chuyện.
Về tới nhà, công tử làm ra vẻ thản nhiên lắm. Nhưng một bên mắt của công tử bị thâm tím dấu sao nổi. Quan Ngự sử bèn hỏi. Biết bố rất ghét nói dối, công tử bèn thuật lại chuyện đã xảy ra. Quan Ngự sử không hề giận con mà còn tỏ vẻ bằng lòng. Vài ngày sau, quan Ngự sử cùng con đến thăm bà già. Thấy quan Ngự sử đến, bà già sợ lắm. Cháu bà liệu có gặp cảnh đau lòng như con trai bà không? Hai đứa trẻ trốn biệt. Nhưng rồi bà già ngạc nhiên. Quan Ngự sử ân cần hỏi thăm và còn tặng quà cho bà. Thì ra vẫn còn có ông quan thương dân.
Hai đứa trẻ thấy quan Ngự sử đi rồi chúng mới về nhà. Bà của chúng không hề gì mà chúng còn được ăn quà của quan Ngự sử. Dù hung hãn dốt nát nhưng thằng con trai lớn đã thấy rằng vị công tử con quan Ngự sử không giống gã công tử đã gây ra cái chết cho bố nó. Thằng nhỏ ấy thấy thương thương công tử con quan Ngự sử.
Tết năm ấy, quan Ngự sử sai con mang gạo đến cho bà già và ba mẹ con thằng nhỏ nghèo khó ăn tết. Thằng nhỏ hung hãn làm thân với công tử con quan Ngự sử. Nó không bị từ chối. Thỉnh thoảng công tử còn đến chơi với nó. Không biết công tử tốt bụng thuyết phục nó thế nào mà tính hung hãn của hai thằng nhỏ cháu bà già mù đã bớt đi nhiều.
Từ ngày sư ông rầy la công tử con quan Ngự sử, lòng cứ thấy áy náy. Ông muốn đến tạ lỗi với quan Ngự sử nhưng lại không dám. Chuyện đã qua cứ để nó qua, đến tạ lỗi có khi lại chui đầu vào rọ. Dịp may đến, tết Nguyên tiêu quan Ngự sử cùng con trai viếng cảnh chùa. Kiệu của ngài vừa dừng trước tam quan, sư ông đã ra quỳ vái nhận tội. Sư ông thuật lại đầu đuôi câu chuyện xảy ra năm ngoái. Quan Ngự sử ôn tồn:
- Nhà chùa không có lỗi gì. Cũng may là con tôi biết lỗi nên không gây ra chuyện phiền phức.
 Sư ông đáp lời:
- Cậu nhà hiền từ, chững chạc lắm. Nhiều người lớn tuổi chưa chắc đã suy nghĩ được như cậu nhà. Gặp công tử khác, cửa từ bi này dễ gì đã yên.
Quan Ngự sử mừng thầm bởi con trai ngài không biến ngài thành hổ dữ để doạ người. Quả là con trai ngài đã có chữ nhẫn trong lòng. Có lẽ vì thế nên nó đã chững chạc ở cái tuổi mà nhiều đứa trẻ khác còn đang lêu lổng và chơi những trò chơi vô ích. Vậy là, những điều ngài thường ấp ủ đã bắt đầu hình thành trong con trai ngài.

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 181

Return to top