Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Huyền sử Cỏ tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18409 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Huyền sử Cỏ tiên
Phạm Thái Quỳnh

Chương 8

Hoàng Kiến Nghiệp bị hành quyết. Tể tướng lôi ngay từ trong ống tay áo ra một tên là Đỗ Hối đặt vào ghế Tổng đốc Hải Đông. Thám hoa Đỗ Hối là kẻ nham hiểm thừa hưởng tài yên dân của Hoàng Kiến Nghiệp nên ông ta không gặp khó khăn gì lớn khi ngồi vào ghế quan đầu tỉnh. Là kẻ tham lam, ông ta chỉ nghĩ cách thu lợi. Để củng cố thế lực, ông ta ban ơn cho những hảo hán đã thất thế. Được hưởng lợi, những kẻ bất hảo thành vây cánh của ông ta. Được thể, Đỗ Hối ngồi lên trên phép nước. Bởi vậy, thời buổi thái bình mà có những chuyện ngang trái, bất công đến nỗi rộng lượng như giời cũng không dung được.
Chuyện là thế này: Bùi Viết Tốn quê ở Châu Hải thuộc vùng bể Hải Đông, đầu quân theo đức Tiên Vương năm 19 tuổi. Sáu năm ăn cơm Vua, năm năm Tốn xông pha tên đạn vùng biên ải. Thân thể Tốn còn hai vết thương do trúng tên của giặc. Binh lửa tắt, Tốn xin về quê yên bề nông tang và phụng dưỡng bố mẹ. Ngày Tốn ra biên ải, vợ Tốn nghe theo truyền chỉ của Vua vận động dân làng góp lương thực nuôi quân đuổi giặc. Nhà Vua tri ân những người có công với triêu đình bèn cấp cho vợ chồng Tốn năm sào ruộng và được miễn thuế đất chung thân. Chưa hết, ngày Đại Khánh hằng năm - tức là ngày đức Tiên Vương đăng quang - Ngài còn ban cho vợ chồng Tốn bốn thước lụa và hai nén bạc. Đương kim Hoàng thượng vẫn giữ nguyên điều mà Tiên Vương đã ban. Cả hạt Châu Hải có 36 người được hưởng ân huệ ấy. Là kẻ tham lam, Đỗ Hối đã khai tăng lên là 136 người. Thượng thư Bộ Lễ quan liêu không cho người rà soát nên cứ phát đủ số bạc và lụa cho 136 suất. Đỗ Hối đã ăn không 100 suất quà khai khống. Còn 36 người thực hưởng lộc Vua, Đỗ Hối đều bớt đi của mỗi người một nửa.
Dưới thời Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp, ngày Đại Khánh, vợ chồng Bùi Viết Tốn nhận được hai nén bạc và bốn thước lụa. Đến thời Tổng đốc Đỗ Hối, vợ chồng Tốn chỉ nhận một nén bạc và hai thước lụa. Còn nữa, Đỗ Hối không miễn thuế đất cho vợ chồng Tốn trên mảnh ruộng năm sào Vua đã ban cho. Cực chẳng đã, Bùi Viết Tốn làm đơn trình lên Tri huyện. Biết mình không thể giải quyết được, Tri huyện rinh ngay đơn của Tốn lên thưa với Tổng đốc. Đọc qua đơn, Đỗ Hối thấy cần phải dập ngay vụ này. Ông ta bèn triệu ngay Chánh hạt Châu Hải lên. Chưa bao giờ được quan đầu tỉnh ngó tới, bỗng lại được Tổng đốc triệu, Chánh hạt Châu Hải lấy làm lạ liền đi ngay. Vừa bước vào tỉnh đường, mồm mũi còn tranh nhau phì phò, Chánh hạt Châu Hải đã bị Đỗ Hối hạch:
- Ông cai quản địa hạt thế nào mà để thằng Bùi Viết Tốn gửi đơn lên Tri huyện làm khó dễ cho bản quan?
Là người có nhân cách, Chánh hạt Châu Hải biết Bùi Viết Tốn đúng. Tuy vậy, ông không thể bênh vực Bùi Viết Tốn được. Thêm nữa, ông không ưa gì Đỗ Hối. Suy nghĩ thoáng qua, ông nói:
- Châu Hải là vùng đất chẳng mấy khi yên. Ty chức bất tài lại có tuổi rồi nên không cai quản được, xin thượng quan cho ty chức nghỉ vậy.
Đỗ Hối chấp thuận ngay và cho một hảo hán đã hết lòng cung phụng ông ta là Vũ Đình Thỉnh ngồi vào chức Chánh hạt. Vũ Đình Thỉnh gốc gác lâu đời ở vùng Châu Hải nên hắn biết tông tích Bùi Viết Tốn.
Bùi Viết Tốn gốc họ Nguyễn. Cận tổ của Bùi Viết Tốn là Nguyễn Ngữ có công với một triều đình áp trên triều đại đương thời. Nguyễn Ngữ được triều đại đã lui vào lịch sử phong tước Bá trông coi việc thư tịch trong triều. Nguyễn Ngữ là một văn quan có tài đáng được phong Hầu. Hiềm vì triều đại đó có nhiều võ tướng lập công lớn. Nếu nhà Vua phong Hầu cho Nguyễn Ngữ thì nhà Vua rất khó nói với các võ tướng. Là một bậc quân tử, Nguyễn Ngữ rất hiểu nỗi khổ của nhà Vua. Ông biết, nhà Vua sẽ từng bước cất nhắc ông lên. Vì văn tài của ông rất cần cho việc trị quốc. Nguyễn Ngữ có thực tài lại thẳng thắn khiến bọn gian thần ghét lắm. Chúng bèn rắp tâm hãm hại ông. Chúng cài tên Thái giám bụng đầy rắn rết ngày đêm dèm pha Nguyễn Ngữ với nhà Vua. Là người thông tuệ, nhà Vua bỏ ngoài tai những lời dèm pha của tên Thái giám.
Kế ly gián không thành, chúng bèn dùng kế mỹ nhân. Là vì nhà Vua rất hiếu sắc. Nguyên do Nguyễn Ngữ có người em gái tuổi cập kê, hoa nhường nguyệt thẹn. Bọn gian thần ngỏ lời với Nguyễn Ngữ là đưa em gái ông vào cung. Nguyễn Ngữ phản đối. Chúng bèn xui thái giám tâu lên nhà Vua. Nhà Vua truyền Nguyễn Ngữ vào. Nguyễn Ngữ biết ngay nhà vua gọi ông vào vì chuyện em gái ông. Không vào không được, ông bèn nghĩ cách từ chối.
Vào tới cung, ông sụp lạy chúc tụng Vua và thưa:
- Muôn tâu Hoàng thượng, chẳng hay Hoàng thượng có việc gì mà truyền hạ thần vào?
Nhà Vua cho bình thân và nói:
- Nghe nói, nhà ngươi có em  gái dung nhan rỡ ràng. Thái sư có ý tiến vào cung sao ngươi lại từ chối?
Nguyễn Ngữ rập đầu:
- Tâu Hoàng thượng, em gái thần dốt nát, dung quang kém cỏi sánh làm sao được với các giai nhân mà Hoàng Thượng đã có, vậy nên tiến vào cung sao được.
Nhà Vua cười cười:
- Thái sư có con mắt rất tinh đời nên ông ta không thể nhầm.
Nguyễn Ngữ lai rập đầu từ tốn:
- Tâu Thánh minh, hạ thần có đôi điều. Thánh minh không bắt tội, hạ thần mới dám tâu.
Nhà Vua chau mày:
- Có gì cứ nói.
- Tâu Thánh minh, hậu cung có hàng trăm giai nhân. Cô gái nào đã vào đến hậu cung cũng đầy mưu mẹo. Em gái hạ thần đã dốt nát lại ngù ngờ. Nếu không được Thánh minh sủng ái thì tủi phận e rằng sẽ làm việc dại dột gieo vạ cho hạ thần. Nếu được Thánh minh sủng ái chắc chắn sẽ bị nhiều người trong hậu cung ghen ghét, mạng sống dễ gì giữ được. Hạ thần xin Thánh minh gia ân cho em gái hạ thần không được vào cung.
Nhà Vua tươi tỉnh trở lại nói:
- Trẫm đang mong mỏi. Ý của Thái sư hợp ý Trẫm, cứ thế mà làm. Cho khanh lui.
Nguyễn Ngữ vái lạy ra về vừa buồn vừa bực. Ông chưa biết phải làm gì thì em gái ông và ý trung nhân của nó chung tình với nhau đã cùng tự tận. Nguyễn Ngư bàng hoàng. Biết họa lớn sắp đến, ông bèn cho một gia nhân tin cẩn dẫn người con  trai thứ hai mới chín tuổi đi trốn. Bọn gian thần ghép ông vào tội khi quân. Cả nhà ông chết thê thảm, duy nhất người con trai thứ hai sống sót nhưng đã đổi sang họ  Bùi. Bùi Viết Tốn chính là một trong số ít hậu duệ của người con thứ hai sống sót đó.
Vũ Đình Thỉnh ton hót với Đỗ Hối về tông tích của Bùi Viết Tốn. Nghe xong, Đỗ Hối nói:
- Thằng này mang dòng máu phản nghịch. Ta cho ngươi tùy nghi hành sự miễn sao cho khéo.
Gửi lá đơn đi rồi, Bùi Viết Tốn thấp thỏm chờ trông. Năm ấy, Tốn đã 52 tuổi, vợ Tốn 50 tuổi nhưng hai đứa con mới lên 7 tuổi. ấy là vì những năm Tốn ra biên ải, sống ở nơi sơn lam,  chướng khí nên Tốn bị nhiễm độc. Bởi vậy, hai vợ chồng Tốn sinh đứa con nào, chết đứa con ấy. Tốn dừng đẻ lo thuốc thang. Khi thấy sức khỏe đã khá, Tốn quyết định cho vợ đẻ một lần nữa, mẩy cũng thôi mà lép cũng thôi. Và rồi mãi tới năm vợ Tốn 43 tuổi, giời mới cho hai vợ chồng Tốn thỏa ước ao. Vợ Tốn sinh một lần được một trai, một gái. Hai đứa bé đẹp như tranh, càng lớn càng đẹp. Nào ngờ…
Bùi Viết Tốn càng trông chờ quan trên trông xuống càng mất. Bỗng một hôm, tân Chánh hạt Vũ Đình Thỉnh dẫn người tới bắt Bùi Viết Tốn tống giam với tội vu khống quan trên. Tiếp nữa, Thỉnh thu hồi năm sào ruộng của nhà Tốn. Chưa hết, Thỉnh còn cho người thu hết đồ đạc, thóc lúa, bắt hết lợn gà, chó mèo của nhà Tốn mang đi. Bố mẹ Tốn già yếu sợ quá đổ bệnh rồi chết. Vợ Tốn lâm vào cảnh khuynh gia bại sản, cái bát mẻ cũng không còn. Hai đứa trẻ không có bát cháo khoai mà húp. Vợ Tốn đôn đáo khiếu kiện. Nhưng trời ở cao, Vua ở xa nên không thấu. Cùng đường, uất quá, vợ Tốn đi mua một hũ rượu rất nặng đổ vào đống rơm rồi dắt hai con nhảy vào châm lửa đốt. Khi xóm làng kéo đến, ba mẹ con Tốn đã chết thui. Chuyện đau thương đến tai Vua. Đỗ Hối gian giảo đổ tội cho Vũ Đình Thỉnh rồi chém ngay mặc cho Vũ Đình Thỉnh kêu oan. Bùi Viết Tốn được tha hóa điên lang thang vô định.
Bốn năm sau, vụ tự thiêu ở Châu Hải tạm lắng xuống. Một vụ tày đình ở Hải Đông lại xảy ra. Chẳng là cách công đường của Đỗ Hối về phía tây chừng một dặm có một ngôi nhà ngói trên mảnh đất rộng tới hàng mẫu. Mảnh đất ấy sát đường cái quan dẫn lên kinh thành, đẹp nhất vùng Đông Hải thời ấy. Chủ mảnh đất ấy là Quách Văn Trường - người có công theo Vua đuổi giặc nước.
Đỗ Hối có người thiếp trẻ và đẹp tên là Lê Thị Xiêm. Thị Xiêm thích ngôi nhà và mảnh đất của Quách Văn Trường bèn xui chồng mua. Nhưng Quách Văn Trường không bán dù Đỗ Hối trả giá rất cao so với giá đất xung quanh. Mua không được, Đỗ Hối lập mưu chiếm mảnh đất ấy. Ông ta cho gia nhân bí mật theo dõi mọi động tĩnh nhà Quách Văn Trường.
Biết Quách Văn Trường có ý cắm đất vay tiền đóng thuyền buôn theo đường thủy, Đỗ Hối cho người đến mồi chài. Người đó là Lưu Văn Bất. Quách Văn Trường không biết Lưu Văn Bất là người của Đỗ Hối nên đã mắc mưu gian. Trường có biết đâu mười kẻ có chức có quyền, mũ cánh chuồn, hia cong, đai ngọc đấy thì có tới bảy, tám  kẻ lòng dạ đầy rắn rết. Chúng thường ném đá dấu tay. Quách Văn Trường ngây thơ nên bị lừa. Viên Tổng đốc Đỗ Hối lấy làm mừng lắm. Hắn bèn giao tiền cho Lưu Văn Bất. Số bạc đó qua Lưu Văn Bất sẽ là cái thòng lọng xiết vào cổ Quách Văn Trường. Lưu Văn Bất là kẻ sợ vợ. Việc gì đụng đến tiền bạc y giao cho vợ là Trần Thị Nga nắm giữ. Một sự ngẫu nhiên Quách Văn Trường cũng phải để cho vợ đứng tên trong khế ước vay tiền. Là vì mảnh đất của nhà Trường mang tên của vợ là Vũ Thị Cúc. Số tiền Vũ Thị Cúc vay của Trần Thị Nga chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá tiền của mảnh đất mà Vũ Thị Cúc phải cắm. Khế ước Vũ Thị Cúc vay tiền của Trần Thị Nga có thời hạn là 12 tháng. Tiền lãi, Vũ Thị Cúc phải trả hằng tháng cho Trần Thị Nga. Tiền gốc, Vũ Thị Cúc phải trả Trần Thị Nga khi hết  kỳ hạn vay. Nhưng Vũ Thị Cúc nhận tiền vay của Trần Thị Nga mới được sáu tháng, Trần Thị Nga đã đòi lại số tiền gốc. Căn cứ vào khế ước vay, Vũ Thị Cúc chưa trả tiền gốc cho Trần Thị Nga. Riêng lãi từng tháng, Vũ Thị Cúc đã trả Trần Thị Nga không thiếu một xu. Trần Thị Nga bèn làm đơn kiện trình lên Đỗ Hối. Lập tức Đỗ Hối cho bắt Quách Văn Trường tống giam và xử cho Trần Thị Nga thắng kiện rồi buộc con nợ phải trả ngay số tiền đã vay cho chủ nợ trong vòng 10 ngày. Dù có là thánh, Vũ Thị Cúc cũng không có đủ tiền trả cho Trần Thị Nga trong thời hạn ép buộc. Đỗ Hối cho Trần Thị Nga thu đất và thu luôn chiếc thuyền gỗ của vợ chồng Quách Văn Trường.
Quan Thượng thư Bộ Hình biết Tổng đốc Hải Đông vi phạm phép nước bèn bắt Đỗ Hối thả Quách Văn Trường. Bởi người ký khế ước vay tiền không phải là Quách Văn Trường. Nhưng Quách Văn Trường vừa ra khỏi trại giam  chưa tới một dặm lại bị thuộc hạ của Đỗ Hối bắt giam trở lại. Quách Văn Trường hỏi kẻ bắt mình: "Vì sao tôi vừa được tha lại bị bắt ngay?" Kẻ bắt Quách Văn Trường đáp: "Vì sao ư? Lên quan Tổng đốc mà hỏi". Chuyện ngang trái ấy lại đến tai quan Thượng thư Bộ Hình. Một lần nữa ngài lại buộc Đỗ Hối thả Quách Văn Trường. Khi ấy, Quách Văn Trường mới được tự do.
Mảnh đất của vợ chồng Trường đương nhiên đã vào tay Đỗ Hối. Còn mụ Nga, mụ hưởng lợi không nhỏ. Chỉ khốn nạn cho nhà lương dân, chồng thì bị đi tù hai lần 14 tháng, nhà và đất thì mất. Vợ chồng con cái bồng bế nhau đi ở nhờ và đi kiện!
Nhưng Quách Văn Trường kiện làm sao được Trần Thị Nga khi đằng sau ả là Tổng đốc, đằng sau Tổng đốc là Tể tướng mặc dù sự ngang trái, bất công phơi ra trước thanh thiên bạch nhật.
Hai chuyện trên đã vang động một thời nhưng không thể sánh nổi với chuyện kinh thiên động địa ở Bình An mà có lẽ cũng chỉ Tổng đốc Đỗ Hối mới tạo ra được. Chuyện là thế này: Hải Đông là một tỉnh đồng bằng ven bể. Long Hà là con sông lớn tạo nên đồng bằng thẳng cánh cò bay Đông Hải và cũng là dòng sữa ru xanh vùng đất này. Như bao dòng sông khác, đằng sau ân trạch là hiểm họa mà Long Hà gây ra cho con người mỗi khi mùa lũ tới. Cống Bình An nằm trên đê của con sông này là mối lo của già trẻ Hải Đông. Nhất là khi lũ trên nguồn đổ về lại gặp triều cường, thêm mưa to gió lớn, cống Bình An dễ bục, thảm họa không biết bao nhiêu mà kể.
Ngày trước, Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp đã trình lên triều đình xin tiền bồi trúc cống Bình An. Nhưng Tể tướng gạt đi. Ông ta nói ngân khố còn eo hẹp mà triều đình còn nhiều việc phải lo, ví như phải cứu đói cho dân biên ải và nhà Vua muốn cho soạn và in Bách Khoa Thư.
Hoàng Kiến Nghiệp biết Tể tướng cố gây khó dễ cho ông. Viên quan đầu triều thâm hiểm đồ rằng không sớm thì muộn cống Bình An sẽ vỡ. Tổng đốc Hải Đông giữ sao nổi đầu. Với Hoàng Kiến Nghiệp, cái đầu của ông có xá gì. Điều mà ông lo là lo cho hàng chục vạn dân manh lệ. Bởi vậy, cứ mùa lũ tới, ngài Tổng đốc trằn mình cùng dân quê đêm ngày hộ đê. Do đó, cống Bình An ngài không mang họa mà lại mang họa từ cây bút của ngài.
Đỗ Hối cũng biết Bình An là mối nguy với cái ghế của ông ta. Bởi vậy ông ta cân nhắc kỹ lưỡng rồi làm văn từ trình lên Tể tướng xin sáu vạn lạng bạc xây lại cống Bình An. Tể tướng không tấu lên nhà Vua mà gật đầu ngay rồi xức quan quản quốc khố cấp cho Đỗ Hối bốn vạn lạng bạc. Còn hai vạn lạng, Đỗ Hối lấy từ tiền thu thuế đất trên địa hạt ông ta cai quản.
Có bạc trong két rồi, Đỗ Hối kén người xây cống. Hàng chục trùm xây dựng xin vào hầu quan Tổng đốc. Đỗ Hối chưa biết ừ ai, lắc ai thì người thiếp của ông ta dẫn trùm Hân vào. Mụ ta nói với chồng:
- Trùm Hân là người cùng họ máu với thiếp, làm ăn cẩn thận chắc chắn. Hân xin nhận xây cống Bình An. Nể thiếp, Tướng công cho nó chút lộc để nó nuôi con.
Đỗ Hối khẽ cười. Thị Xiêm đã có lời thì ông ta phải nể. Ông ta mà lắc, thị sẽ làm mình làm mẩy ngay. Viên quan đầy mưu mô nghiệm thấy, vợ trẻ cũng khoái nhưng cũng khổ. Mảnh đất của Quách Văn Trường là một bằng chứng. Thị đã muốn là phải được. Vì mảnh đất ấy tí nữa Đỗ Hối mang họa. Cũng may là thằng Quách Văn Trường không có thế lực. Lại nữa, nể mặt Tể tướng, quan Thượng thư Bộ Hình không vạch lá tìm sâu. Thì ra cứ được một cái sướng là thêm một cái khổ.
Nhớ lại trước ngày về Hải Đông nhậm chức hơn một năm, ông ta gặp Thị Xiêm trong quán nữ lưu. Năm ấy Thị Xiêm mới mười bảy tuổi, mặt như hoa sen, mày ngài, mắt phượng, nói như chim ca, cười như nắng tỏa. Ông ta bị Thị Xiêm bắt mất vía từ cái nhìn đầu tiên. Đến khi nghe Thị Xiêm hát, Đỗ Hối cứ ngây ra. Trẻ tuổi nhưng tinh đời, biết có kẻ mê mẩn mình, Thị Xiêm càng làm cao bèn lánh mặt. Đỗ Hối phải như lạy mụ chủ, mụ ta mới thuyết phục được Thị Xiêm. Trước khi Thị Xiêm đi theo Đỗ Hối, ông ta phải trả cho mụ chủ 100 lạng bạc. Mụ chủ nói số tiền ấy Thị Xiêm đã vay của mụ vài tháng trước khi nhà Thị Xiêm gặp khó khăn. Thị Xiêm có vay tiền hay không, Đỗ Hối nào biết được. Chỉ có điều, Đỗ Hối phải cắn răng mở túi.
Còn một rào cản nữa là chính thất của ông ta. Là vì ông ta rất yêu vợ. Nếu Đỗ Hối dấu dấu đút đút chắc sẽ rắc rối. Tốt nhất là Đỗ Hối có lời trước.
Đỗ Hối đã dấu Thị Xiêm ở nhà trọ rồi về nói với vợ:
- Ta có điều muốn nói với phu nhân. Nhưng ta e phu nhân không bằng lòng.
Đàn bà rất nhạy cảm mỗi khi chồng rào đón trước khi nói điều cần phải nói với vợ. Lý Thị Nương - vợ Đỗ Hối suy nghĩ rồi đáp:
- Có những việc thiếp không bằng lòng cũng không được. Điều gì phải nói, Tướng công cứ nói ra. Phận làm vợ, thiếp phải nghe chồng. Tướng công đừng ngại.
Đỗ Hối mừng lắm bèn bộc bạch với vợ và còn ngỏ ý sẽ sẵn sàng đáp ứng những gì mà Lý Thị Nương yêu cầu. Lý Thị Nương đi guốc vào bụng Đỗ Hối. Bà biết chuyện đâu đã vào đấy rồi. Bà nói:
- Tướng công có thể cho thiếp ngó qua người ấy được không?
Đỗ Hối mừng rỡ nói:
- Ta đang mong được như thế.
Đỗ Hối dẫn ngay Thị Xiêm về nhà. Thị Xiêm dáng mảnh mai, mặt như hoa, da ngần như tuyết. Qua vài câu ứng đối, Lý Thị Nương biết bất cứ gã đàn ông nào gặp ả này cũng bị ả hớp mất hồn vía. Có mất cái gì đâu, vậy thì ừ một tiếng cho xong. Không ừ, mèo mả gà đồng vẫn lén lút đi lại với nhau.
Đỗ Hối quả là sành sỏi nước đời. Nếu ông ta không nói trước với vợ để được một cái gật đầu thì sau này rất lắm chuyện. Vì ông ta biết Thị Xiêm sẽ vòi vĩnh nhiều. Ví như cái vụ, y dùng tiền để cướp nhà của Quách Văn Trường. Còn Lý Thị Nương, vì cuộc hôn nhân ép buộc, bà thành vợ Đỗ Hối. Nhân chuyện Đỗ Hối lấy vợ lẽ, bà bèn nảy ra một ý khác…
Khi Thị Xiêm dẫn trùm Hân tới, chối không xong, ừ phải suy xét cẩn thận, Đỗ Hối thấy cần phải lấy lòng chính thất, bèn nói:
- Ta bằng lòng nhưng mợ phải thưa với chị cả.
Thị Xiêm mừng lắm nói:
- Tướng công yên lòng. Thiếp sẽ làm đẹp lòng chị cả.
Sau khi gặp Đỗ Hối, trùm Hân mở cờ trong bụng. Thị Xiêm biết ý hỏi trùm Hân:
- Tôi định ngày kia thưa chuyện với chị cả, ông trùm thấy thế nào?
Trùm Hân đáp:
- Việc này con quen rồi. Lệnh bà không phải lo. Tối mai, con sẽ đến lệnh bà.
Tối ngày hôm sau, trùm Hân mang đến cho Thị Xiêm hai cái hộp to hơn  hòn gạch được bọc giấy hồng điều rất đẹp. Đặt hai chiếc hộp trước mặt Thị Xiêm, trùm Hân nói:
- Thưa lệnh bà, trong mỗi hộp này có một thỏi vàng Chân Long, tính thành tiền không nhỏ đâu. Vàng mang hiệu Chân Long, phu nhân các quan đều biết nó là loại vàng gì rồi. Lệnh bà nói giùm với phu nhân hộ con. Nếu phu nhân cho phép, con xin được tới hầu. Phu nhân muốn gì con cũng chiều. Còn tối mai, con xin phép không đi. Con mà đi có khi hỏng việc.
Thị Xiêm thầm nghĩ: "Trùm Hân thật sâu sắc nước đời. Hắn mang đến hai hộp là hắn có ý rồi… Ngày mai hắn mà đi, mình thật khó xử". Còn như hắn nói: "Phu nhân muốn gì con cũng chiều" nghĩa là thế nào? Bất giác, Thị Xiêm thấy tủi phận. Làm vợ bé của quan chỉ sướng về tiền bạc. Còn chuyện ấm lạnh, Đỗ Hối làm sao chiều chuộng được ả khi ả còn trẻ. Thị Xiêm bèn ỡm ờ:
- Phu nhân muốn gì ông cũng chiều, còn ta thì sao?
Trùm Hân hiểu ý Thị Xiêm, bèn đáp:
- Con không trẻ nhưng cũng chưa già nên với lệnh bà, có gì bà cứ dậy…
Tự nhiên, Thị Xiêm thấy bối rối… Trùm Hân mới hơn bốn mươi tuổi. ở độ tuổi ấy,  hắn có đủ kinh nghiệm làm vừa lòng người đàn bà nào để ý đến hắn.
Tối hôm sau, Thị Xiêm đến gặp vợ cả Đỗ Hối. Thị Xiêm đặt hộp vàng ngay ngắn vào khay rồi lễ phép:
- Chị ạ, nhờ uy danh của tướng công, có người nhờ em mang chút quà đến biếu chị.
Bị bất ngờ, Lý Thị Nương hỏi:
- Quà gì thế này?
- Giá người ta không phong giấy hồng điều, em sẽ trộm phép chị mở ra xem. Đằng này, người ta phong bao, em làm bậy sao được.
Lý Thị Nương bèn xé giấy, mở hộp trông thấy vàng ngạc nhiên hỏi:
-Vì sao mà người ta cho quà lớn thế này?
- Thì chị cứ xem kỹ đi đã. Chân long đấy.
Thị Xiêm nói "Chân long đấy" có nghĩa là con ranh naỳ biết cả rồi. Vậy mà nó cứ giả ngô ngả nghê.
- Em ạ, nếu người ta nhờ cậy việc gì mà chị giúp được thì còn có thể… Còn như….
- Cống đấy chị ạ. - Thị Xiêm cắt ngang lời vợ cả Đỗ Hối. Lý Thị Nương ngớ ra.
- Cống là cái gì?
- Chị ơi thế này, Tướng công cho Trùm Hân xây cống Bình An. Nhưng tướng công dặn phải thưa với chị vài lời. Xem ra, Tướng công nể chị lắm.
Lý Thị Nương nhoẻn cười:
- Chị thấy em nói năng rất giỏi.
- Trùm Hân thưa rằng: "Miễn là chị thương, chị bảo gì  nó cũng nghe, muốn gì nó cũng chiều…"
- Việc này chị giao cả cho em.
- Chị độ lượng quá. Hèn gì, tướng công rất nể trọng chị. Em còn vụng dại lắm. Chị phải chỉ bảo em đấy.
Lý Thị Nương gật đầu. Bà gật đầu chỉ là để lấy lòng. Bà nhận ra rằng con người này tuy còn trẻ nhưng dám làm mọi việc để đạt được cái cần muốn đạt. Bà dùng mình…. Tính toán của bà đâu có nhằm vào cống Bình An. Bà đã nảy ra một ý định táo bạo từ khi Thị Xiêm kè kè bên người đàn ông mà bà phải gọi là chồng….

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 940

Return to top