Hoạt động tưng bừng Tình hình văn học trong giai đoạn đầu ở Miền Nam phản ảnh cái phấn khởi, tin tưởng, tích cực, nghiêm chỉnh của tình hình chung lúc bấy giờ.
Chính quyền trong những năm đầu được sự ủng hộ của đa số dân chúng, của các đảng phái. Nhờ sự ủng hộ ấy thủ tướng Ngô chân ướt chân ráo mới về nước đã thắng lực lượng Bình Xuyên, Ba Cụt v.v..., đã thắng Bảo Đại. Giữa chính quyền và trí thức nghệ sĩ, cái quan hệ trong buổi đầu cũng rất đề huề. Ta đã thấy Doãn Quốc Sỹ từng nhắc lại với Nguyễn Ngu Í những tiếp xúc “anh anh tôi tôi”, thân mật, không ngượng ngùng, với các nhân vật chính quyền độ ấy.
Chính phủ Ngô Đình Diệm thực ra không có hẳn một chính sách văn hóa, không chủ tâm “lái” văn nghệ vào một con đường nào, không có tham vọng lãnh đạo văn hóa. Nhưng chính phủ có khuyến khích, giúp đỡ phương tiện cho văn nghệ. Đối với giới họa, có các cuộc triển lãm hội họa mỗi mùa xuân. Đối với văn giới có Giải thưởng Văn chương Toàn quốc hàng năm. Đối với ngành nhiếp ảnh nghệ thuật, có các cuộc triển lãm nhiếp ảnh quốc tế cũng tổ chức hàng năm. Phải nhận rằng những cuộc triển lãm như thế đã phát huy liên tiếp trong các năm đầu thập niên 60 nhiều họa sĩ chân tài. Để đẩy mạnh sinh hoạt sân khấu kịch trường, ông Vũ Đức Diên được giúp đỡ mở quán Anh Vũ. Nhiều nghệ sĩ di cư từ Bắc vào đã được giúp đỡ phương tiện để xuất bản sách báo: Đó là trường hợp các nhóm Tự Do, Sáng Tạo v.v... Nhiều hiệp hội văn hóa như Văn Bút Việt Nam, như Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa v.v... được tiếp sức khi cần trong những nhu cầu điều hành, sinh hoạt.
Về phía văn nghệ sĩ trong hoàn cảnh bấy giờ, sự hoạt động tưng bừng hẳn lên. Những nhân vật tiền chiến bấy lâu im tiếng bây giờ lại xuất hiện. Họ cảm thấy đến lúc có thể yên tâm mà tung chăn không ngượng ngùng trước dư luận, đến lúc có điều kiện ổn định cho những dự định qui mô, những công trình dài hơi.
Vũ Hoàng Chương hăng say ngây ngất:
“Gió nối vần mây giục đấu tranh
Tâm tư lồng lộng kết nên thành
Thành ngăn sóng Đỏ, mây sừng sững
Nước Tổ về ngôi đẹp sử xanh”
(Hoa đăng) Nhất Linh từ ngày về nước vẫn im lặng, “nghỉ ngơi”, vui với cây cỏ núi rừng như một đạo sĩ ngoài vòng trần tục, ông Nhất Linh ấy bây giờ quyết định “hạ sơn”. Ông chiêu tập anh tài, lại làm báo lại viết sách, viết trường giang tiểu thuyết phỏng ước dài mấy nghìn trang, ông thành lập hội Văn Bút Việt Nam, ông phục sinh và mở rộng Tự Lực văn đoàn v.v... Học giả Đào Đăng Vỹ đơn thân độc mã khởi công soạn bách khoa từ điển, cho in dần dần. Các ông Lê Văn Siêu, Hoàng Trọng Miên, mỗi người bắt đầu theo cách riêng một bộ lịch sử văn học Việt Nam, từ khởi thủy...
Các bậc tài danh trong hàng huynh trưởng tưởng đã buông tay bỗng dưng trở lại hoạt động hăng hái, còn các khuôn mặt mới thì chen nhau xuất hiện. Nhiều tạp chí văn nghệ ra đời, mỗi tờ qui tụ một số cây bút mới:
Sáng Tạo, Bách Khoa, Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ, Nhân Loại v.v... Có khi một tờ nhật báo cũng thành chỗ hội ngộ của nhiều cây bút giá trị: tờ
Tự Do chẳng hạn. Cũng có trường hợp một số tài năng chọn cách ra mắt bằng một nhà xuất bản: nhà Quan Điểm tung ra những Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Tạ Văn Nho, Mặc Đỗ v.v... Để nói lên cái náo nức tưng bừng lúc bấy giờ chắc chắn nên chọn Mai Thảo. Nhà văn này vốn thường khoa tay quá trán, nói không tiếc lời, hồi ấy đã chọn đúng lúc để vung lên những hò hét nhiệt liệt nhất, ồn ào nhất: “đem ngọn lửa văn hóa vượt vĩ tuyến sáng lên ở đây hôm nay.”
[1] “Năm 1954 còn ghi lại, chói lọi, cái đẹp ấy của mùa mới, cái đẹp ấy của lên đường. Ta từng đi chật đất. Ta từng có, lớp lớp. Ta từng đến, hàng hàng. Những khởi đầu của từng hoạt động văn học, từng phát động nghệ thuật nói chung của ta tuyệt đúng, tuyệt đẹp.”
[2] Cảnh tượng trăm hoa đua nở tưng bừng ấy không phải chỉ là một hiện tượng văn học. Ở các bộ môn nghệ thuật khác đại khái đều thế cả. Trong ngành nhạc, Phạm Duy từ kháng chiến bỏ về đã lâu, vào Nam cũng đã lâu, mà không có hoạt động gì đáng kể. Sau 1954, ông hoàn thành liên tiếp hai bản trường ca
Con đường cái quan và
Mẹ Việt Nam. Trong ngành họa, ban đầu là những hoạt động của Tạ Tỵ, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn..., nhưng tiếp liền sau đó xuất hiện một loạt nhiều họa sĩ trẻ chân tài. Điện ảnh hãy còn là mới mẻ, nhưng ngay trong những năm đầu tiên đã đưa ra mấy cuốn phim giá trị, trong đó phim
Chúng tôi muốn sống mười năm sau rồi đoạt một giải thưởng ở Hán Thành.
Trong khung cảnh thái bình, nước nhà vừa có chủ quyền, có chế độ dân chủ, trong một xã hội được lành mạnh hóa dần dần, dưới một chính phủ đang được tín nhiệm, trong không khí vui vẻ xây dựng một miền đất tự do để ngăn ngừa hiểm họa độc tài, văn học nghệ thuật đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Giai đoạn đầu (1954-1963) không đạt đến nửa thời gian của thời kỳ văn học 1954-75, thế nhưng trong tổng số các tác giả nổi tiếng của toàn thời kỳ này thì giai đoạn đầu chiếm bảy, tám phần mười. Và tôi nghĩ rằng những tác giả có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, những tác giả mà tiếng nói có sức vang vọng trong dư luận, chi phối được ít nhiều nhân tâm thế đạo, loại tác giả ấy phần lớn thuộc về giai đoạn này hơn là giai đoạn sau.
Hai chặng – hai thế hệ Thực ra trong một giai đoạn thứ nhất văn học Miền Nam cũng không có sự thuần nhất. Một cái nhìn thoáng qua các tác phẩm xuất hiện vào đầu giai đoạn và các tác phẩm ở cuối giai đoạn cho ta thấy một chuyển biến rõ rệt.
Đem tâm tình viết lịch sử của Nguyễn Mạnh Côn không giống với
Chị em Hải của Nguyễn Đình Toàn, với
Kẻ tình nguyện của Lê Tất Điều. Vì vậy đã có những ý kiến muốn chia giai đoạn này ra làm hai: trong khoảng chín năm ấy chúng ta thấy xuất hiện hai đợt văn sĩ, hai thế hệ nhà văn.
Trên tạp chí
Bách Khoa số Xuân Ất Mão (phát hành ngày 24-1 năm 1975) Nguyễn Mộng Giác có bài đề cập đến các thế hệ văn thi sĩ ở Miền Nam. Mới đây, trên một số báo
Đồng Nai vào trung tuần tháng 7-1984 tại California, ông lại có dịp trở về vấn đề ấy: “Sau hiệp định Genève, trào lưu văn học chống cộng phát triển mạnh mẽ ở Miền Nam Việt Nam, những ban chủ biên nòng cốt của các nhóm, các tạp chí hầu hết là phái nam. Nếu kể tên những cây bút quan trọng của giai đoạn này như Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan... chúng ta ít có nhà văn nữ nào hiện diện. Từ 1960 về sau, một lớp nhà văn trẻ xuất hiện trên các tạp chí
Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi, Khai Phóng, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Văn Học, Văn, Bách Khoa, và đa số đều là nhà văn nam: Dương Nghiễm Mậu, Lê Tất Điều, Thế Uyên, Nhật Tiến, Duyên Anh, Ngô Thế Vinh, Dương Kiền... vẫn là nam giới đóng vai chủ động.”
[3] “Nhà văn hai lớp” là chuyện đã rõ. Nhưng còn cái năm 1960? Nguyễn Mộng Giác chỉ nêu qua mà không giải thích. Bảo rằng lớp Dương Nghiễm Mậu, Lê Tất Điều... xuất hiện vào năm 1960, dựa vào đâu? Lấy “biến cố” gì làm cái mốc? Trong sinh hoạt văn nghệ họa hoằn mới xảy ra một biến cố. Lúc bấy giờ ở Miền Nam lớp trước lớp sau đề huề, bốn phương phẳng lặng.
Trên thực tế, nhiều người trong lớp sau đã xuất hiện từ trước 1960 khá lâu và cũng đã nổi tiếng rồi: Dương Nghiễm Mậu đã viết trên
Sáng Tạo bộ cũ, một tạp chí xuất bản vào các năm 1956, 57, Nhật Tiến đã cộng tác ngay từ những số đầu của tờ
Văn Hóa Ngày Nay mà số 1 ra đời vào tháng 6-1958. Vả lại Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn đều đã viết từ hồi ở Hà Nội, trước 1954. Nói thế không phải là bảo nên lui thời điểm ranh giới giữa hai thế hệ lại những năm 1954, 56 hay 57. Lúc đó chẳng qua các nhà văn trẻ nọ bắt đầu có mặt, nhưng chưa có ảnh hưởng đáng kể, chưa “đóng vai chủ động”.
Từ ngày có mặt trên báo cho đến khi trở thành một tác giả chủ động trên văn đàn, khá lâu. Hãy kể đến khi có sách được xuất bản thôi: được xuất bản tức là đã được ước lượng có một số độc giả phải chăng, tức đã có tiếng tăm tương đối rộng rãi. Nhã Ca viết báo và nổi tiếng trước 1960 mà mãi đến 1965 mới có thi phẩm đầu tiên ra mắt (
Nhã Ca mới), 1968 mới có cuốn truyện đầu tiên xuất bản. Lê Tất Điều cũng phải chờ đến 1961 mới cho ra đời được cuốn
Khởi hành, Nguyễn Đình Toàn xuất bản
Chị em Hải năm 1961, Duy Lam cuốn
Chồng con tôi năm 1960, nhưng Nhật Tiến thì đã tung
ra Những người áo trắng từ 1959.
Đã không có cái mốc nào rõ rệt, thôi thì hãy chấp nhận thời điểm 1960 của Nguyễn Mộng Giác không cần chờ giải thích. Trong lớp nhà văn này tất nhiên có kẻ sớm người muộn, nhưng đại khái vào khoảng thời gian này họ tung hoành trên văn đàn, bắt đầu có địa vị vững vàng.
Chia giai đoạn 1954-63 ra làm hai chặng, với hai lớp nhà văn, như thế tức là mặc nhiên lờ đi một số khác. Bởi vì ai cũng biết ngoài hai lớp nhà văn xuất hiện sau 1954 và vào khoảng 1960, ở Miền Nam vẫn có mặt nhiều nhà văn khác. Họ thuộc hai lớp trước: một lớp tiền chiến (Vũ Bằng, Nhất Linh, Đông Hồ, Quách Tấn v.v...), một lớp nữa nổi tiếng trong thời kháng chiến (Thanh Nam, Thiên Giang, Thẩm Thệ Hà, Tô Kiều Ngân...). Hai lớp này sau 1954 có vị bớt viết đi (Đông Hồ, Tam Lang, Vi Huyền Đắc, Kiêm Minh v.v...); nhưng lại có những vị hoạt động tích cực, viết thật nhiều (Vũ Hoàng Chương, Nhất Linh, Vũ Bằng, Đinh Hùng...). Tại sao lờ họ đi? Chắc chắn đó không phải là một thiên vị, lệch lạc, hay một sự thiếu sót. Không nói đến chỉ vì các lớp ấy không còn “đóng vai chủ động” nữa. Họ còn hoạt động, còn đóng góp nhiều cho văn học, thành tích quan trọng của họ phải được ghi nhận; tuy nhiên giai đoạn nọ giai đoạn kia sau 1954 không còn thuộc về họ nữa, trong những giai đoạn ấy họ không còn là những nhà văn tiêu biểu nữa. Thế thôi.
Chặng 1954-1960 Trở lại chặng 1954-60. Thoạt tiên, sau cuộc biến thiên lớn lao về chính trị và quân sự, cuộc di cư đông đảo, văn nghệ sĩ từ Bắc vào, từ vùng kháng chiến quay về hãy còn tản mác, còn lo ổn định cuộc sống mới, còn bỡ ngỡ trước cục diện mới, họ chưa kịp có thì giờ qui tụ, tổ chức một diễn đàn, một tạp chí văn học nghệ thuật. Nhưng giới làm báo thì ứng phó nhanh hơn. Ngay buổi đầu đã có những tờ nhật báo giá trị do lớp người mới xuất bản: tờ
Ngôn Luận, tờ
Tự Do.
Trên
Ngôn Luận, Hoàng Hải Thủy viết những thiên tiểu thuyết phóng sự bằng giọng dí dỏm thật có duyên. Đinh Hùng hàng ngày làm thơ hài hước đều đều, dưới bút hiệu Thần Đăng, rồi viết truyện dã sử dưới tên Hoài Điệp Thứ Lang. Viên Linh thỉnh thoảng đăng một bài thơ... Nhưng
Tự Do của Phạm Việt Tuyền mới là nơi qui tụ được nhiều cây bút tên tuổi: Tam Lang, Hà Thượng Nhân, Mai Nguyệt (Tchya Đái Đức Tuấn), Hiếu Chân, Vũ Bình, Như Phong, Bùi Xuân Uyên v.v... Đây là những tờ báo được tổ chức tử tế, bài vở có trình độ cao, hình thức trình bày mỹ thuật, nhất là tờ
Tự Do với những bức hí họa tài tình của họa sĩ Phạm Tăng.
Những tờ báo ấy khuấy động một không khí mới: vì đó là báo của các cây bút di cư, chống cộng mạnh mẽ. Mặc dù thái độ chính trị mới mẻ, nó chinh phục quần chúng nhanh chóng nhờ giá trị bài vở.
Mùa Lúa Mới
Trong lúc ở Sài Gòn văn nghệ sĩ hãy còn đăng bài trên nhật báo thì ở Huế đã có một tạp chí cho những cây bút sau 54: tờ
Mùa Lúa Mới, xuất bản năm 1955, với Đỗ Tấn, Võ Phiến... Thực ra đây cũng gần như trường hợp tờ
Văn Nghệ Học Sinh đối với Lê Tất Điều, Trần Dạ Từ:
Mùa Lúa Mới là tờ tạp chí do nha Thông tin Trung phần xuất bản.
Lúc bấy giờ, những ngày tháng đầu tiên sau hiệp định Genève, không hề có sự cách biệt giữa văn nghệ sĩ và chính quyền; chỉ có sự xa cách, sự thiếu thông cảm, giữa “người cũ” và “người mới”. “Cũ” là nhân viên công chức trong thành, vẫn làm việc trong các cơ quan từ thời Pháp thuộc và thời Bảo Đại, “cũ” cũng là những văn nghệ sĩ trước sau chưa hề biết đến chiến khu, bưng biền, kháng chiến, cộng sản. “Mới” là những “anh em bên kia mới về”, kẻ có quen biết bên chính quyền thì làm việc với chính quyền, người có khả năng văn nghệ thì hoạt động bên văn nghệ, đàng nào cũng thế: cộng tác với nhau để vạch trần bộ mặt thật của Việt Minh, để cảnh tỉnh dư luận bên này về hiểm họa cộng sản, để “mở mắt” những người “cũ”, người trong thành v.v... Đó là một thời “văn chính bất phân”; ở Huế cũng như ở Sài Gòn, ở nha Thông tin cũng như ở bộ Thông tin bấy giờ đều có một số văn nghệ sĩ.
Tờ
Mùa Lúa Mới, ngày nay không tìm thấy ở các thư viện Hoa Kỳ mà chắc cũng chẳng được mấy ai lưu giữ. Bởi vậy xin mang những điều còn sót trong kỷ niệm riêng ra thuật lại để ghi lại chút ít hình ảnh một thời.
Mùa Lúa Mới do Thu Tâm (tức Võ Thu Tịnh, giám đốc nha Thông tin Trung Việt lúc ấy) làm chủ nhiệm, Đỗ Tấn làm thư ký tòa soạn. Tờ báo ra khổ nhỏ (độ chừng 13cm x 18cm?), dày không đến trăm trang mỗi số, in ngay tại nha Thông tin bằng một cái máy cổ lỗ. Tôi không tin rằng báo được phát hành rộng rãi, chu đáo. Ấy vậy mà sau này dần dần tôi biết được những sự việc liên quan đến tờ
Mùa Lúa Mới làm mình kinh ngạc.
Chẳng hạn tháng 2 năm 1982 một người ở Pháp ? một nhân vật trong ngành ngoại giao Việt Nam trước 1975 đã sống ở nước ngoài từ lâu lắm, hiện dạy tại một đại học Pháp, và cũng là một tiểu luận gia từng có nhiều nhận định phê bình về văn học Việt Nam ? người ấy trong một lá thư, nhân nhắc về Đỗ Tấn, đã nhớ và ghi luôn mấy đoạn thơ của Đỗ đăng trên
Mùa Lúa Mới độ nào “để cùng hồi tưởng một quá khứ”:
“
Ông có người con gái
Chết rồi trong một chuyến dân công
Mười bảy xuân xanh không mẹ không chồng
Thân bỏ rừng già quạnh quẽ
Nghe người ta kể
Chiến trường Tây Bắc gian lao
Vượt suối trèo đèo
Nàng thế vai cha gánh gạo
Những chiều trông về xuôi
Mây vần ảo não
Thương ai tóc bạc sương cài
Nhớ đường làng cỏ trắng sao mai
Ướt chân người lính chiến...” và:
“
Đảng đã bảo anh gian lao chịu đựng
Thì thương nhớ nhau mà chi
Đảng muốn anh quên
Thì nhớ thương nhau cho lắm có làm gì
Lấy nhau vừa đúng mười hôm chẵn
Và chỉ mười hôm, e thế thôi
Độ rày sim nở
Tím sim là tím làn môi
Là tím cuộc đời trong giá
Là tím tình ta đã lỡ rồi
Ai người gây nên màu tím
Tím sim trên núi trên đồi
Tím sim cho lòng lạnh lắm
Buồn vương hiu hắt mái gồi
Anh có về không hỡi anh
Chim không đậu nữa trên cành
Bình hoa đổ nát
Bên ngoài tiếng gió reo nhanh...” Vị giáo sư ấy nhớ những truyện ngắn của tôi, những bài thơ của Đỗ Tấn, gọi là “nhớ lõm bõm”. Nhưng để có thể “nhớ lõm bõm” từng đoạn thơ dài như thế sau hăm bảy năm trời và sau bao nhiêu luân lạc, tôi nghĩ rằng cái xúc động ban đầu của ông lúc đọc nó hẳn phải là sâu xa. Ông đọc nó trong dịp nào? ông bắt gặp
Mùa Lúa Mới ở đâu?
Lại chẳng hạn lần khác, Thanh Nam bảo tôi: “Và điều chắc chắn là hầu hết những nhân vật trong nhóm
Sáng Tạo đều xuất hiện sau anh, bởi tôi đọc anh và Đỗ Tấn trước rồi mới đọc những người đó.”
[4] Đọc tôi và Đỗ Tấn ở đâu? Chỉ có thể
trên Mùa Lúa Mới vì các sách của chúng tôi đều xuất bản sau khi
Sáng Tạo ra đời. Thanh Nam và nhóm
Sáng Tạo cùng ở Sài Gòn, thế mà
Mùa Lúa Mới đã tìm đến tận Thanh Nam để tự trình diện trước
Sáng Tạo, thật không ngờ.
Lại nữa, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh ở Hoa Kỳ ngày nay vẫn còn yêu thích Đỗ Tấn (như đã thấy ở một phần trước), điều đó có lẽ cũng là do tờ
Mùa Lúa Mới.
Như vậy dù chỉ là một tạp chí địa phương, với phương tiện khiêm tốn, hình thức khiêm tốn, tờ
Mùa Lúa Mới đã có tác động rộng rãi, vượt ra ngoài phạm vi miền Trung, mà đến tận thủ đô. Tác động của nó trong giới thanh niên và trí thức lúc bấy giờ phải khá mạnh mẽ mới để lại một ấn tượng dài lâu đến thế.
Nhân nói về
Mùa Lúa Mới, lại nhớ đến các cuốn sách đầu tiên của chúng tôi (những cuốn
Chữ tình và
Người tù của Võ Phiến,
Chiều cuối năm của Đỗ Tấn) do nhà Bình Minh xuất bản hồi 1956. Sự thực, chúng tôi in sách bằng chiếc máy in nhỏ, cực kỳ thô sơ, tại Qui Nhơn. Đó là chiếc máy vốn của một nhà in cộng sản liên khu V để lại, chôn vùi dưới đất, được phát giác và khai quật lên sau Genève, đã rỉ sét hư hại bộn bề. Phương tiện như thế, kỹ thuật như thế, trình bày lại tệ hại, cho nên khi sách tung ra từ một tỉnh lẻ miền Trung được giới văn nghệ ở thủ đô chú ý, tán thưởng, chúng tôi đâm ngơ ngác, phản ứng một cách bối rối vụng về. Thái độ thân hữu niềm nở nhất tôi nhớ thoạt tiên không đến từ những bậc huynh trưởng mà là từ những cây bút trẻ, cùng lứa, phần đông là mới từ Bắc vào.
Trường hợp tờ
Mùa Lúa Mới và sách Bình Minh, tôi nghĩ có lẽ được cắt nghĩa bằng câu chuyện về nông thôn miền Trung đã nói trước đây. Ở liên khu V chính sách cộng sản thi hành gần giống như ở bắc vĩ tuyến 17, nhận thức của đồng bào ở đây rất gần với của đồng bào ngoài đó. Bởi vậy mà đôi bên hợp nhau: sách báo của các tác giả di cư được đón tiếp nồng nhiệt ở miền Trung và sách của người miền Trung được di dân tán thưởng. Nhất là lúc bấy giờ ở Sài Gòn giới văn nghệ di cư chỉ mới có nhật báo mà chưa có tạp chí văn nghệ, chưa kịp có diễn đàn cho những sáng tác nghệ thuật.
Sáng Tạo Tháng 10 năm 1956 tạp chí
Sáng Tạo ra đời. Tờ báo đáp ứng một sự thiếu vắng, nó được hoan nghênh ngay.
Trước “vận hội mới” quần chúng độc giả chờ đợi một xuất hiện mới trên lãnh vực văn nghệ. Loại thơ văn trên báo
Đời Mới của Trần Văn Ân chẳng hạn không còn sức thu hút nữa, những sáng tác ra mắt trên nhật báo không thể thỏa mãn, tờ
Mùa Lúa Mới vẫn chỉ là của một địa phương. Tờ
Sáng Tạo chính đã đến đúng lúc. Và nó đã nhằm đúng vào tâm trạng quần chúng: chờ cái mới.
Thoạt ra mắt,
Sáng Tạo đã phát động ngay “một nền nghệ thuật mới”, “nghệ thuật hôm nay”. Phát động thật ồn ào. Mười bốn năm sau, Mai Thảo nói về lúc khởi đầu ấy vẫn còn nói bằng giọng say sưa: “Chất nổ ném vào. Cờ phất. Xuống núi, xuống đường. Ra biển, ra khơi. Và cuộc cách mạng tất yếu và biện chứng của văn chương đã bắt đầu.”
[5] ? Cách mạng chống lại cái gì? phá bỏ cái gì vậy? ? Những cái không thuộc về hôm nay: “Trong một thực trạng dày đặc những chất liệu của sáng tạo và phá vỡ như vậy, văn học nghệ thuật mặc nhiên không thể còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực.”
[6] Cuộc cách mạng này “tựu trung vẫn chỉ là lịch sử tiến trình biện chứng của những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ rứt thoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế.”
[7] Nhưng đến khi cần biết về “ngọn triều lớn” thì không thể biết gì rõ ràng. “Văn nghệ hôm nay” chủ trương ra sao? đưa ra lý thuyết gì? vạch ra những đường lối gì? bác bỏ văn nghệ hôm qua ở chỗ nào? ? Nhóm
Sáng Tạo không có giải đáp: “... thế nào cũng được. Điều đáng ghi nhận là lên đường ấy đã có.”
[8] Vâng, thì lên đường đã được ghi nhận xong; nhưng lên đường đi về hướng nào đây? Về thi ca, Mai Thảo bảo rất đại khái: “Và thơ bây giờ là thơ tự do.”
[9]; về các bộ môn khác, không thấy có ý kiến gì. Thơ tự do không phải là cái mới mẻ nữa. Nó không phải là sáng kiến của văn nghệ hôm nay, của cách mạng. Sau này, có lần Mai Thảo thú nhận: “Tôi không nhìn
Sáng Tạo như nơi phát xuất và hình thành một dòng văn học nghệ thuật. Lớn chuyện quá. Một tinh thần nào, một cách thế thì có.”
[10] Nhìn như một tinh thần, thì đó là một tinh thần đổi mới đầy tự tín, đầy hứng khởi. Tinh thần ấy có sức lôi cuốn, động viên; một tinh thần đáng tán thưởng. Nhưng nhìn như một cách thế, thì cách thế
Sáng Tạo có những chỗ khó bảo là “tuyệt đẹp”. Chẳng hạn trong lối “khai tử” nền văn nghệ tiền chiến có một cách thế kiêu căng; chẳng hạn trong lối diễn đạt của những vị trong nhóm chủ trương có một cách thế kiêu kỳ: hoặc hoa hòe hoa sói, kiểu cách ưỡn ẹo, hoặc tối tăm rối rắm.
Tuy nhiên
Sáng Tạo đã có những đóng góp đáng kể. Mặc dù chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn 31 tháng, nó đã phát huy được một số văn tài đông đảo. Nhiều người trong số đó về sau, sau khi tờ tạp chí đình bản, tiến lên giữ vai trò quan trọng trong những hoạt động văn nghệ riêng biệt của mình. Thanh Tâm Tuyền dần dần viết truyện nhiều hơn làm thơ, viết truyện rất thành công và có ảnh hưởng rộng trong văn giới lớp sau; Doãn Quốc Sỹ chủ trương một nhà xuất bản, giới thiệu thêm một số cây bút mới nữa (trong đó có Phan Nhật Nam); Nguyên Sa rồi đứng ra chủ trương các tạp
chí Gió Mới, Hiện Đại, và có một uy thế riêng; Tô Thùy Yên, Sao Trên Rừng (sau đổi ra là Nguyễn Đức Sơn) rồi trở thành những thi sĩ có bản sắc đặc biệt; Dương Nghiễm Mậu sáng tác mỗi lúc mỗi phong phú mỗi độc đáo, chủ trương nào nhà xuất bản nào tạp chí
Văn Nghệ (cùng với Lý Hoàng Phong), là một cây bút xuất sắc hoạt động mạnh mẽ cho đến ngày cuối cùng của Miền Nam v.v...
Văn Hóa Ngày Nay Cuộc “cách mạng” của
Sáng Tạo như vậy động chạm đến sự có mặt đầy uy tín của một dĩ vãng: Nhất Linh. Sau đó hai năm, Nhất Linh “xuống núi, xuống đường”. Chủ trương của ông: Thứ văn nghệ ông làm không thuộc về quá khứ, nó thuộc về mãi mãi. Ông không xem những thứ đã ra đời trên văn đàn Việt Nam trong lúc ông nghỉ tay là có giá trị gì. Những cái đó hỏng cả. Cho nên bây giờ ông lại ra tay làm văn nghệ lần nữa. Mở đầu bài phi lộ của tờ
Văn Hóa Ngày Nay ra ngày 17-6-1958 là một nhận định: “Văn nghệ Việt Nam hơn mười năm nay vẫn ở trong một tình trạng ngưng đọng, chưa tìm được lối đi (...) Chúng tôi vẫn băn khoăn tự hỏi vì sao bấy lâu người ta có thái độ chán nản đối với văn nghệ đến thế? (...) Sở dĩ ngày nay văn nghệ chưa rung cảm được độc giả vì văn nghệ chưa nói được lòng người.”
“Hơn mười năm” trước 1958 tức là suốt thời gian từ lúc Tự Lực văn đoàn ngưng hoạt động đến lúc
Văn Hóa Ngày Nay ra đời, tức là bao gồm cả thời gian
Sáng Tạo làm cách mạng văn nghệ hôm nay. Cách mạng bị phủ nhận.
Trên
Văn Hóa Ngày Nay, Nhất Linh từ từ trình bày rành mạch quan niệm văn hóa và văn nghệ của mình, duyệt lại kinh nghiệm sáng tác của mình, phân tích cái hay cái dở, và đưa ra những phương châm đường lối sáng tác trong bộ môn tiểu thuyết. Ông cho rằng những cái lập dị của hôm nay sẽ bị đào thải cả, phù du cả: “Các nhà văn trong phái ‘lập dị’ bây giờ, tôi thấy họ quá chú trọng về hình thức kỳ quặc để cốt độc giả chú ý và tưởng họ thâm thúy. Nhưng độc giả họ tinh khôn lắm, không dễ bị ai đánh lừa và lối văn lập dị hiện nay chẳng bao lâu cũng sẽ biến mất.”
[11] Nhất Linh không phất cờ, không ném “chất nổ”, không tung đao to búa lớn. Ông có một phong cách cố tình giản dị và một nụ cười tủm tỉm. Ông lại còn sức làm việc bền bỉ nữa: trên mỗi số báo đều có sáng tác và khảo luận của chính ông, có cả nét vẽ của ông nữa. Ông qui tụ một số cây bút vừa mới vừa cũ cũng không ít. Lớp đã có thành tích từ trước gồm những Nguyễn Thị Vinh, Trương Bảo Sơn, Linh Bảo v.v...; lớp trẻ có Nhật Tiến, Duy Lam, Tuyết Hương v.v...
Văn hóa ngày nay với văn nghệ hôm nay không ưa nhau. Cả đôi bên cùng được quần chúng tiếp đón nồng hậu trong buổi đầu. (Những số
Văn Hóa Ngày Nay đầu tiên của Nhất Linh bán chạy bất ngờ, vượt quá dự liệu của những người chủ trương.) Nhưng dần dần rồi độc giả thưa dần. Và ngày nay cũng không sống lâu hơn hôm nay.
Sau khi
Văn Hóa Ngày Nay đình bản, một số các cây bút chủ yếu trong nhóm tiếp tục con đường đã vạch. Hoạt động nhất là Nguyễn Thị Vinh và Nhật Tiến; hai người viết những cuốn truyện đầy lòng nhân ái với lời văn trong sáng giản dị. Riêng Nguyễn Thị Vinh còn chủ trương các tờ
Tân Phong, Đông Phương, cũng noi theo tôn chỉ của
Văn Hóa Ngày Nay nhưng rồi cũng không giữ nổi tờ báo được lâu. Duy Lam thì không viết được nhiều mấy, có lẽ vì quá bận rộn quân vụ.
Giữa
Sáng Tạo với
Văn Hóa Ngày Nay, một bên sôi nổi cực đoan mà không định hướng rõ rệt, một bên ôn hòa bảo thủ với đường lối minh bạch, trong một thời gian xuất hiện ngắn, mỗi bên đều có lúc huy hoàng, đều chứng tỏ được khả năng của mình. Nhưng về sau này, với một khoảng cách đủ rộng rãi, chúng ta nhìn lại và phải nhận rằng cái tính cách của hai mươi năm văn học Miền Nam có nhiều chỗ gần gũi với
Sáng Tạo hơn là với
Văn Hóa Ngày Nay. Một số lớn cây bút trong thế hệ văn học này rất có thể bị chê là quái dị, là kỳ quặc, là khó hiểu, hợm hĩnh, là lập dị, là thiếu một thái độ phải chăng, một bút pháp trong sáng. Những cây bút ấy không nhất thiết là từ nhóm
Sáng Tạo ra, hay chịu ảnh hưởng của
Sáng Tạo. Đây không phải là chuyện ảnh hưởng: không phải bên nào có sức ảnh hưởng lớn bên nào sức ảnh hưởng nhỏ. Đây là cả sự khác biệt giữa hai tâm tình. Sự khác biệt được cảm nhận không cần biện bạch.
Giữa văn nghệ mới và văn nghệ cũ, giữa tiền chiến và hậu chiến chưa bao giờ thực sự có một cuộc bút chiến. Cái phải cái trái chưa từng được biện bạch đến nơi đến chốn. Trong dư luận bậc trưởng thượng lúc nào cũng được quí trọng tôn kính; tuy nhiên, trong văn giới, các đàn anh dần dần bị xa lảng. Kính mà xa. Chủ trương của họ dù sai dù đúng không tìm được sự hưởng ứng rộng rãi.
Tôi nhớ có một hôm, vào khoảng đầu thập niên 60, một văn hữu họp Bút Việt xong ghé về tòa soạn
Bách Khoa gặp anh em. Người bạn nọ chợt nhớ ra là ban chiều có được nhà văn D.N.M. tặng cuốn truyện mới xuất bản, anh mang vào bàn hội nghị, nhân ngồi bên cạnh Nhất Linh, đưa cho ông xem qua. Sau khi lật mấy trang, ông bận theo dõi các ý kiến phát biểu, xếp sách lại, lơ đãng đặt ra một bên lẫn với giấy tờ riêng của ông. Lúc tan hội nghị ra về, người bạn quên lấy lại cuốn sách. Nghe xong câu chuyện mấy anh em có mặt ở tòa soạn sực nghĩ: Lâu nay tất cả chúng tôi không có ai mỗi lần ra sách mới mà nghĩ đến việc gửi tặng Nhất Linh một bản. Những anh em cầm bút trẻ khác trong vòng quen biết đại khái cũng thế cả. Ông còn đó, còn hoạt động, ? thế mà ai nấy gần như quên hẳn ông.
Trong hai mươi năm sau Genève ở Miền Nam riêng tôi không nghe ai thốt ra lời gì tỏ ra không quí trọng đức độ và tài năng của ông, không tôn kính cái tư cách cái nhiệt tình của ông. Ngược lại Nhất Linh cũng tỏ ra rất sốt sắng với các tài năng mới: sau 1954, bao nhiêu lần ông bày tỏ thiện chí muốn tìm tòi khuyến khích, nâng đỡ các cây bút trẻ. Thiện chí lắm khi rất cảm động. Đọc truyện Tuyết Hương, một thiếu nữ mới bắt đầu viết, thấy hay, ông nhắn mời. Cô Tuyết Hương đang bệnh không đến ông được, ông liền đến tận nhà Tuyết Hương tìm gặp để trò chuyện. Đọc bài Nhật Tiến, bấy giờ hãy còn là một mầm non, thấy hay, ông nhắn mời tác giả và tính ngay đến việc xuất bản sách của Nhật Tiến không chờ đợi yêu cầu. Ra báo
Văn Hóa Ngày Nay, ông liền dành một chỗ cho những tài năng mới. Trong tuổi già, ông viết chúc thư văn hóa đề cử những người trẻ vào Tự Lực văn đoàn v.v... Ấy vậy mà giữa ông với giới cầm bút sau 1954 cứ xa nhau dần. Báo ông, sách ông xuất bản, người ta mua đọc, nhưng đọc lặng lẽ. Trong quần chúng không nghe có dư luận, trên văn đàn không thấy có phê bình.
Đó cũng là cái tình cảnh chung của các nhà văn tiền chiến. Nhất Linh mà còn đến thế, những người khác tránh sao cho khỏi. Bấy giờ ở Miền Nam có hơn hai mươi nhà văn nhà thơ danh tiếng thời trước, những vị như Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Đông Hồ, Trần Tuấn Khải, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Quách Tấn, Tam Lang, Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu, Bàng Bá Lân v.v... tất cả đều hưởng một thái độ mến trọng xa cách từ thế hệ mới. Gặp họ, anh em kính; họ giàu sang anh em mừng; họ túng thiếu hoạn nạn, anh em xót thương, có khi giúp đỡ; nhưng họ viết gì, anh em ít khi quan tâm. Chẳng qua đọc hững hờ cho biết vậy thôi. Coi như những ve vẩy của một thời đã qua. Như hoạt động tiêu khiển của những cụ già vui thú điền viên. Có vị nhờ đông bạn đông bè nên thường được nhắc nhở ? như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng ? những nhắc nhở trong tình bạn không gây ảnh hưởng gì trong tình hình văn nghệ.
Không những các văn nghệ sĩ tiền chiến mà ngay cả lớp văn nghệ sĩ trong thời kháng chiến chống Pháp cũng gần như thế. Lớp này tất nhiên không già nua gì, không cách biệt vì tuổi tác chút nào, nhiều vị còn trẻ hơn lớp nhà văn sau 54. Giữa Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo với Thanh Nam chẳng hạn. Thanh Nam trẻ tuổi hơn Mai Thảo và Nguyễn Mạnh Côn, cả văn lẫn thơ đều hay, thế mà chỉ vì trót nổi tiếng trước 54 đành bị thiệt: Năm 1955 Mai Thảo ra
Đêm giã từ Hà Nội tác phẩm đầu tay, năm 1958 Nguyễn Mạnh Côn (dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung) ra cuốn
Đem tâm tình viết lịch sử, cũng một tác phẩm đầu tay nữa, cả hai được dư luận chú ý, trở thành tên tuổi ngay; giữa khoảng thời gian ấy năm 1957 Thanh Nam cho xuất bản hai tác phẩm (
Hồng Ngọc, Người nữ danh ca) mà sách không được chú ý.
Lẽ dĩ nhiên Thanh Nam không chịu thiệt thòi một mình: những Tô Kiều Ngân, Sơn Khanh, Thiên Giang, Thẩm Thệ Hà, Kiêm Minh v.v... đại khái đều thế. Thế hệ trước 54, dù ở Hà Nội hay ở Sài Gòn, phần lớn không còn giữ được vị thế cũ. (Phần lớn, không phải tất cả.) Thời thế đổi khác, độc giả chờ đợi những tiếng nói khác.
Bách Khoa Giữa khoảng thời gian ra đời của
Sáng Tạo (1956) và
Văn Hóa Ngày Nay (1958), tờ
Bách Khoa xuất bản số đầu vào tháng 1-1957. Thoạt tiên là tờ báo của hai nhân vật trong chính quyền: các ông Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh. Về sau các ông này rút lui ra khỏi chính quyền, rồi tờ
Bách Khoa cũng dần dần chuyển về ông Lê Ngộ Châu.
Các ông Huỳnh và Hoàng là những chuyên viên trong giới ngân hàng, rồi ngay ông Lê cũng không phải là một văn gia. Ấy vậy mà
Bách Khoa phải kể là một trong những tờ báo thành công nhất ở Miền Nam trong ngót hai mươi năm. Đó là chỗ lý thú trong tình hình sinh hoạt của thời kỳ văn học này.
Thật vậy, bao nhiêu tạp chí văn nghệ do chính các văn nghệ sĩ, các nhóm văn nghệ, các cây bút hoặc trẻ trung đầy nhiệt huyết hoặc kỳ cựu đầy kinh nghiệm đều vắn số, thất bại.
Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi, Gió Mới, Hiện Đại, Sáng Tạo, Vui Sống, Vấn Đề, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập, Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong, Đông Phương v.v... có sống được bao lâu đâu. Đã không thọ thì dù có hay ho xuất sắc đến bao nhiêu cũng không kịp có một ảnh hưởng rộng lớn. Trái lại vững vàng nhất là những tạp chí do các nhân vật ngoài văn giới chủ trương: tờ
Bách Khoa như đã nói trên, tờ
Văn của Nguyễn Đình Vượng (tòa soạn do Trần Phong Giao trông coi, về sau chuyển lại cho Mai Thảo). Ngoài ra, tờ
Văn Học cũng lẽo đẽo sống được mười hai mười ba năm, do Phan Kim Thịnh là một người không viết được mấy.
Như thế phải chăng lúc bấy giờ trong hoạt động văn học chuyện quản trị đã thành một yếu tố quan trọng hơn xưa? hơn cái thời Tản Đà làm báo
Hữu Thanh, Phạm Quỳnh làm báo
Nam Phong, Nhất Linh làm
báo Ngày Nay v.v...
Bảo tờ
Bách Khoa thành công là không phải chỉ nghĩ đến cái tuổi thọ của nó mà thôi. Tuổi thọ dắt theo một số ưu điểm khác. Người ta nhận thấy
Bách Khoa qui tụ được đông đảo cây bút thuộc nhiều thế hệ kế tiếp nhau; nó phản ảnh các chuyển biến của văn học qua nhiều giai đoạn; nó lưu lại một khối lượng bài vở lớn lao và giá trị, một kho tài liệu cho việc tìm hiểu cuộc sống của Miền Nam trên nhiều phương diện: kinh tế, văn hóa, chính trị v.v... Trên
Bách Khoa không phải chỉ có thơ văn, mà có cả những khảo luận về văn học, sử học, ngữ học, triết học, tôn giáo, hội họa, âm nhạc...; như thế không những trên
Bách Khoa có những tìm tòi về nguồn gốc dân tộc, về các vấn đề của văn học cổ điển nước nhà chẳng hạn, mà còn liên tiếp có những giới thiệu các trào lưu tư tưởng Âu Tây mới nhất lúc bấy giờ: tiểu-thuyết-mới, hiện tượng học, cơ cấu luận v.v...
Cũng như tờ
Văn,
Bách Khoa là một tạp chí dung hòa rộng rãi mọi khuynh hướng.
Không có chủ trương “văn nghệ cách mạng” cũng không chủ trương “vượt thời gian”, nó đăng bài của các lão thi sĩ tiền bối Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, lẫn truyện của Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương... Về mặt chính trị, sức dung hòa của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa:
Bách Khoa là một vùng xôi đậu. Nó đón nhận cả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh, lẫn Võ Phiến, Vũ Bảo...
Tuy vậy kể là cây bút chủ yếu của
Bách Khoa từ trước đến sau vẫn là hai người: Võ Phiến và Nguyễn Hiến Lê (xem hồi ký
Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê). Võ Phiến khước từ cộng sản ngay từ đầu, có thái độ chính trị dứt khoát, vừa sáng tác vừa khảo luận, và dần dần đưa thêm vào
Bách Khoa một số khuôn mặt trẻ; Nguyễn Hiến Lê thì không đề cập đến một lập trường chính trị nào, chuyên về khảo luận. Các vị khác, có người có mặt vào giai đoạn đầu, về sau thưa dần như: Nguyễn Ngu Í, Cô Liêu, Vũ Hạnh (Vũ Hạnh sau chủ trương tờ
Tin Văn cùng với Nguyễn Nguyên, Lữ Phương, dưới sự chỉ đạo của văn sĩ cộng sản Nguyễn Văn Bỗng); có những người mới lần lượt đến vào giai đoạn sau: Lê Tất Điều, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Thị Hoàng, Hoàng Ngọc Tuấn, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Y Uyên, Vô Ưu, Nguyễn Mộng Giác v.v...
Nhân Loại, Vui Sống Năm 1956 tờ
Nhân Loại ra đời, qui tụ nhiều nhà văn người Nam: Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Ngọc Linh, Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam v.v... Sơn Nam đã có dăm ba thành tích ngoài bưng trước 1954, nhưng từ khi về thành ông xuất hiện như một cây bút mới, chưa ai biết đến. Chẳng bao lâu, những truyện ngắn về đời sống Hậu Giang của ông được chú ý. Khi được xuất bản trong
Chuyện xưa tích cũ (1957) và nhất là
trong Hương rừng Cà Mau (1962), các tập truyện này đưa tác giả lên một địa vị vững vàng.
Vì lý do chính trị, có những người trong
nhóm Nhân Loại về sau bỏ trốn theo cộng sản, rồi tờ báo cũng đóng cửa luôn. Như đã nói, chính sách của Việt Minh từ liên khu VI vào Nam không giống như từ liên khu V trở ra, vì vậy thái độ chính trị của đồng bào ta ở hai nơi không giống nhau. Rất nhiều bà con Nam phần ủng hộ cán bộ cộng sản cho đến 30-4-1975 để rồi sau đó thấy mình bị gạt, lồng lên chửi rủa trước tai họa đã rồi. Cái khuynh hướng chính trị của
Nhân Loại không thích hợp với không khí ở Sài Gòn vào độ ấy. Duy Sơn Nam, cũng như Bình Nguyên Lộc, suốt hai mươi năm trước 75 vẫn giữ sự dè dặt, không đề cập đến chuyện chính trị.
Sơn Nam thì sau khi
Nhân Loại chết (1958) lần lượt cộng tác với nhiều tờ báo khác, thường khi nhật báo. Bình Nguyên Lộc cũng lấy việc làm nhật báo làm sinh kế, trừ một thời gian ông đứng ra chủ trương tờ
Vui Sống (1959), một tạp chí văn nghệ, không thọ được mấy.
Cả hai vị không có chủ tâm kỳ thị, đối với bạn bè Trung Bắc rất hòa nhã, thỉnh thoảng vẫn có bài đăng ở các tạp chí do người Bắc chủ trương. Tuy nhiên phải nhận rằng thường thường các vị ấy vẫn làm việc với các báo của người Nam. Cũng như đề tài trước tác thường rút ra từ khung cảnh xã hội Nam phần, nhằm giới thiệu, tìm hiểu, nêu cao các đặc điểm của miền Nam. Dĩ nhiên, đó không phải do đầu óc hẹp hòi, mà là do thói quen giao du, do tình thân thuộc, do cái sở trường trong kiến thức của mình v.v...
Đại Học Cũng lại trong năm 1958, ở Huế tờ
Đại Học ra đời. Đó là tờ báo của viện đại học Huế, nhưng ảnh hưởng của nó mạnh và rộng ra ngoài phạm vi đại học. Nó không như những tập san nghiên cứu khác: tờ
Văn Hóa Á Châu,
Văn Hóa Nguyệt San, tờ
Quê Hương v.v... Tôi không có ý so sánh về giá trị, chỉ muốn nói đến sức ảnh hưởng. Trên
Đại Học, một giáo sư trẻ tuổi mới từ Âu châu về là Nguyễn Văn Trung bắt đầu viết những bài tiểu luận triết học rất được giới thanh niên, sinh viên và văn nghệ sĩ chú ý theo dõi.
Quốc gia, cộng sản, tư bản, Mác-xít, Khổng-Phật Đông phương, tự do dân chủ Tây phương..., thanh niên đã ngột ngạt về những thứ ấy, họ mong đợi một cái gì mới, một lối thoát nào đó... Một mong đợi mơ hồ mà khẩn cấp. Khao khát triết lý, một khao khát thời đại. Ông Nguyễn đáp ứng đúng vào chỗ trông chờ ấy. Ông được hoan nghênh. Các “nhận định” của ông, giới trẻ đọc, phổ biến, bàn tán, suy luận... Và rồi đã xảy ra câu chuyện thi sĩ xóc lọ chữ của Duyên Anh, văn sĩ xổ toàn những buồn nôn với phi lý trong bữa tiệc của Thụy Vũ.
Vả lại Nguyễn Văn Trung không chỉ viết về triết học, nhiều lần ông quan tâm đến các vấn đề văn học. (Nhà xuất bản Nam Sơn in ba tập
Lược khảo văn học, và nhà xuất bản Tự Do sau này có in của ông cuốn
Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết), cho nên càng dễ hiểu cái cảm tình của giới văn nghệ đối với ông lúc bấy giờ.
Ngoài Nguyễn Văn Trung, trong nhóm
Đại Học bấy giờ còn một cây bút rất được giới trẻ mến chuộng, là Nguyễn Nam Châu, tác giả các cuốn
Sứ mệnh văn nghệ, Những nhà văn hóa mới v.v...
Trong cuốn thứ nhất, ông điểm qua tư tưởng từ Thích Ca, Epictète, Epicure... cho đến Các Mác, J.P. Sartre, tố giác một khuynh hướng văn hóa muốn từ chối các giá trị siêu linh, khiến thế giới lâm vào hỗn loạn, nêu cao sứ mệnh cao cả của hoạt động văn nghệ. Trong cuốn
Những nhà văn hóa mới, ông giới thiệu một số tác giả tiêu biểu cho cái “luồng tư tưởng đang thành hình trong thế giới hiện thời”: C.V. Gheorghiu, De Sica, Arthur Koestler, G. Guareschi, V. Doudintsev, M. Djilas, E. Mounier, Gabriel Marcel, Charles Péguy, St. Exupéry, Francoise Sagan...
Thanh niên, sinh viên đọc Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Nam Châu nhiều đến nỗi những danh từ như sứ mệnh, thân phận con người, tha hóa, ngụy tín v.v... lan tràn khắp nơi, và câu văn của St. Exupéry: “Yêu không phải là nhìn nhau nhưng là cùng nhìn về một hướng” được ai nấy nhắc nhở khi giỡn khi thật rất rộng rãi.
Sau này, trong “Ngày Võ Phiến” tổ chức tại California vào hôm 14-9-1985 thi sĩ Nguyên Sa có một nhận định khái quát về văn học Miền Nam trước tháng 5-1975. Theo ông “văn chương Miền Nam gồm bốn khối lớn: nhóm
Sáng Tạo của Mai Thảo, nhóm
Đất Nước của Nguyễn Văn Trung, nhóm
Bách Khoa của Võ Phiến, và nhóm thứ tư gồm những nhà văn nhà thơ độc lập đi từ Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, đến Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê.”
[12] Quả là “khối” Nguyễn Văn Trung có một tầm ảnh hưởng lớn. Cái ảnh hưởng ấy bắt đầu từ trước tờ
Đất Nước (số 1 xuất bản vào tháng 11, 1967), ngay từ thời tờ
Đại Học, mặc dù Nguyễn Văn Trung không phải là chủ nhiệm tờ báo này (chủ nhiệm là Cao Văn Luận). Tờ
Đại Học tiếp tục xuất bản cho tới năm 1964, nhưng nó đã mất sức thu hút từ khi Nguyễn Văn Trung rời Huế vào Sài Gòn nhiều năm trước.
Quan Điểm Các tác giả trong nhóm
Quan Điểm không bắt đầu đến với quần chúng độc giả qua ngả báo chí. Rất ít khi họ xuất hiện trên mặt báo. Thế nhưng sau 1954 các vị ấy có sách xuất bản sớm, và những sách ấy đã làm họ nổi tiếng ngay:
Đi tìm một căn bản tư tưởng (1956?) của Nghiêm Xuân Hồng,
Thần tháp Rùa (1957) của Vũ Khắc Khoan,
Bốn Mươi (1957?) của Mặc Đỗ...
Nhóm
Quan Điểm viết về đời sống của giới tiểu tư sản, nhất là tiểu tư sản trí thức, và chủ trương một chế độ chính trị do giai cấp tiểu tư sản lãnh đạo, tin tưởng ở sự thắng lợi của chủ trương ấy trong giai đoạn bấy giờ tại Việt Nam. Lời văn trong sáng tác phẩm của họ thường khi trau chuốt, gọt dũa, cầu kỳ. Nhân vật của họ sống kiêu kỳ, sành sõi, nói năng cao xa, ăn uống chọn lọc, uống những thứ rượu ngon rượu quí, tửu lượng cao cách uống đẹp, lắm lúc có những nhân vật chỉ xem nhau thưởng thức một ly rượu mà đánh giá người...
Những cái ấy có sức quyến rũ của nó. Người đọc vẫn mơ tưởng một cảnh đời cao hơn đời sống của mình: cô nữ sinh trường làng trường huyện mơ ước cuộc đời nữ sinh Đồng Khánh, Gia Long, mơ ước “cổng trường vôi tím”; các anh chị thanh niên học sinh tỉnh lẻ say mê theo dõi câu chuyện về sinh viên thủ đô Sài Gòn; các cô cậu học sinh, sinh viên Sài Gòn lấy làm thích thú đời sống lớp trí thức du học Tây phương về, sành ăn sành mặc, vốn hiểu biết được cập nhật, theo sát trào lưu tư tưởng mới nhất ở Âu Mỹ...
Mặt khác, sách Quan Điểm không trình bày như những sách báo ở Sài Gòn trước 1954 mà Thanh Nam đã nói. Cũng không trình bày theo kiểu loại sách phổ biến rộng, như sách của cơ sở xuất bản Tự Do. Nó đẹp cầu kỳ, trang nhã. (Sau này, các nhà Lá Bối, An Tiêm, nhất là nhà Cảo Thơm nổi tiếng in sách đẹp; các nhà Thời Mới, Sáng Tạo, đều có nét độc đáo; nhưng đây là chuyện về sau; còn bìa báo
Sáng Tạo, bìa sách Tự Do, Quan Điểm thuộc giai đoạn đầu.) Nói chuyện sách đẹp sách xấu không phải là nói về vấn đề mua bán làm ăn, vấn đề sách bán nhiều bán ít. Thực ra tôi nghĩ hình thức ấy với nội dung ấy của một số sách báo sau 1954 cho người ta cái cảm tưởng về một lớp người tài hoa tinh tế trong đời sống, đến từ một truyền thống văn hóa lâu dài, một trình độ nghệ thuật cao. Đến sau những tác phẩm chân phương xuềnh xoàng về hình thức của lớp Vũ Anh Khanh, Sơn Khanh v.v..., nó hấp dẫn lôi cuốn thành phần thanh niên học thức ở thành thị, phần nào có phải vì đó chăng? Thứ văn phẩm này thắng thứ kia như thể áo dài thắng áo bà ba, như thể phở thắng bún nước lèo v.v... vậy chăng?
Không thể nói ở những dân tộc trẻ văn nghệ không bằng ở những dân tộc già, không thể nói ở chỗ cùng cư cô tịch không có bậc kỳ tài sánh kịp các công tử nơi kinh kỳ; tuy nhiên cũng khó phủ nhận sức cám dỗ của một phong cách chải chuốt, đài các. Đó là một yếu tố mới trong cái sinh hoạt văn nghệ ở Miền Nam.
Chặng 1960 – 1963 Những công việc bỏ dở Từ 1960 nhiều công cuộc bắt đầu sau 1954 đã bị bỏ dở. Trong lớp tiền chiến có những kẻ bỏ cuộc
. Việt Nam Bách khoa Từ điển của Đào Đăng Vỹ không đi quá vần C
[13], những bộ văn học sử của Lê Văn Siêu, Hoàng Trọng Miên không tiến đến đời Trần; nhóm
Nhân Loại đóng cửa báo; Mai Thảo dẹp
Sáng Tạo; Nhất Linh thôi làm
Văn Hóa Ngày Nay; Nguyễn Mạnh Côn thôi
Chỉ Đạo, Nguyễn Hoạt không thấy sáng tác nữa; Đinh Hùng, Hà Thượng Nhân không cười đều trên nhật báo nữa... Trong văn giới lớp trước đã xảy ra một cái gì trục trặc.
Một lớp mới Tuy vậy sinh hoạt văn học nghệ thuật không vì thế mà đình trệ. Bên hội họa chính từ 1959 đến 1963 đã xuất hiện những Trịnh Cung, Cù Nguyễn, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyễn Phương v.v... Trong ngành văn bấy giờ là giai đoạn dồi dào nhất của Lê Tất Điều, Nhật Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn v.v... Lê Tất Điều xuất bản
Khởi hành năm 1961, sau đó liên tiếp nhiều cuốn khác. Nguyễn Đình Toàn cho in
Chị em Hải năm 1961,
Mật đắng (thơ) năm 1962. Dương Nghiễm Mậu ra sách muộn nhưng viết báo rất khỏe: trong năm 1963 ông cho xuất bản
Cũng đành và
Gia tài người mẹ. Còn Nhật Tiến, lúc này là lúc ông cho in liên tiếp
Thềm hoang, Ánh sáng công viên, Chuyện bé Phượng v.v...
Về phía các nữ tác giả, ngoài những Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Nhã Ca, một lớp mới bắt đầu: Túy Hồng đăng truyện ngắn trên tạp chí
Văn Hữu, rồi
Bách Khoa, nổi tiếng nhanh chóng và cho xuất bản tập truyện đầu tiên (
Thở dài) năm 1963. Nguyễn Thị Thụy Vũ từ Vĩnh Long thỉnh thoảng gửi một truyện ngắn đăng trên
Bách Khoa (dưới bút hiệu Băng Lĩnh) khá lâu nhưng chưa được chú ý. Sang giai đoạn sau 1963, cho xuất bản cuốn
Mèo đêm dưới bút hiệu mới, bà liền được hoan nghênh. Trùng Dương và Nguyễn Thị Hoàng lúc bấy giờ cũng xuất hiện trên
Bách Khoa, kẻ viết truyện ngắn (Trùng Dương) người truyện dài (Nguyễn Thị Hoàng với
Vòng tay học trò). Minh Đức Hoài Trinh trước vẫn có thơ đăng lai rai đây đó, bây giờ dần dần có truyện ngắn, truyện dài, bút ký, rồi có sách do nhà Sáng Tạo xuất bản.
Đến đây, giới nữ thành một... lực lượng. Chờ thêm ít năm bà Nguyễn Thị Vinh tập hợp cái lực lượng đẹp đẽ ấy vào một cuốn sách:
Mười hoa trổ sắc. (Bấy giờ là một giai đoạn khác, có những hoa trổ ra sắc táo bạo.)
Trước 1963 chưa phải là thời kỳ của những liên hệ nam nữ táo bạo. Bất quá chỉ đến như
Vòng tay học trò là cùng. Thiên hạ còn đang bị cuốn theo các cuộc đấu tranh, biểu tình, đầu óc căng thẳng vì những xáo trộn chính trị, tôn giáo. Ở Huế, tạp chí
Lập Trường chuyên hẳn về chính trị. Ở Sài Gòn từ 1962, tờ
Văn Học, tuy là “văn học” nhưng không ngần ngại có thái độ chính trị rõ rệt. Dương Kiền là cây bút nổi bật nhất trên tạp chí này.
Tiểu-thuyết-mới Năm 1962 cơ sở Tự Do xuất bản cuốn
Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Văn Trung, năm sau nhà Thời Mới in cuốn
Tiểu thuyết hiện đại của Võ Phiến, nói về phong trào tiểu-thuyết-mới ở Pháp. Trường phái văn học mới này gây nhiều tò mò xao động nơi giới cầm bút ở Sài Gòn, nhưng rốt cuộc cũng không có ảnh hưởng sâu xa. Trong tiểu thuyết Dương Nghiễm Mậu có một số kỹ thuật mới được sử dụng ? hoặc dùng độc thoại nội tâm, hoặc “tôi” lần lượt đồng hóa vào nhiều nhân vật (
Con sâu) v.v... ? nhưng đây có phải là bằng chứng Dương Nghiễm Mậu quả thực bắt chước tiểu thuyết Pháp (ông không phải là nhà văn có nhiều gần gũi với văn học Âu Mỹ)?
Dù sao phải nhận rằng giới văn nghệ Sài Gòn tỏ ra nhạy cảm đối với các tìm kiếm ở Âu châu và không tiếc công phu suy cứu: mãi sang giai đoạn sau 1963, trên tạp chí
Văn của Trần Phong Giao (ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm nhưng người đích thực trông coi đường lối là Trần Phong Giao) vẫn còn những bài khảo luận, những dịch phẩm liên quan đến phong trào tiểu-thuyết-mới. Và chính vào lúc này mới xuất hiện những cây bút thực sự đi vào đường hướng tiểu-thuyết-mới: Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Quốc Trụ, Huỳnh Phan Anh. Ông Huỳnh viết khảo luận, ông Nguyễn có một số sáng tác ngắn, ông Hoàng Ngọc Biên thì ngoài vài thiên truyện ngắn đăng trên tạp chí
Trình Bày, đã có một tác phẩm do nhà Cảo Thơm xuất bản (năm 1970), tức cuốn
Đêm ngủ ở tỉnh.
Đặc điểm mỗi thế hệ Vừa rồi chúng tôi có nói đến sự bỏ cuộc của một số người vào cuối chặng đầu, đến tình trạng dở dang của một số dự định khởi công từ chặng đầu. Nhưng sự phân biệt giữa hai chặng 54-59 và 60-63 không phải ở đó, ở lúc hăng say khi chán nản. Sự khác nhau nằm trong nội dung sáng tác của hai thế hệ, trong đường hướng, tinh thần của hai thế hệ tác giả.
Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến v.v... mở đầu thời kỳ văn học sau Genève bằng những tác phẩm nặng về chính trị, về vấn đề cộng sản và chống cộng sản. Sang chặng kế tiếp, trong thơ văn của những Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Nguyễn Thị Hoàng v.v... gần như tuyệt nhiên không hề gặp bóng dáng những ưu tư ấy. Đến đây chúng ta trở về những đề tài muôn thuở: tình yêu trai gái, cảnh khổ của giới nghèo, những éo le của kiếp người v.v... Sáu năm sau Genève người ta bắt đầu quên Genève. Quên cái lý do chia cắt đất nước làm hai miền, cái lý do của sự đối địch ruột thịt. Thế hệ mới lại trở về cuộc sống bình thường.
Chữ “quên”thực ra không thích hợp. Nghe có vẻ như chê bai, như trách móc. Trong khi ấy lớp tác giả sau 1960 không làm điều gì đáng trách. Họ chỉ có thể viết về những đề tài chủ yếu của đời họ, về những điều xúc động rung cảm họ. Những cái ấy không giống như những điều đã rung động tâm hồn lớp tác giả trước. Hồi tháng 4-1966 tôi có dịp suy nghĩ về chuyện này; bây giờ xin được ghi lại những chỗ còn thích hợp.
“Lớp trước
[14] là lớp mà tuổi đôi mươi gặp nhằm hồi kháng chiến. Đa số có lẽ chưa có tác phẩm xuất sắc trong kháng chiến, nhưng trong kháng chiến họ đã sống những năm hào hùng nhất cũng như những năm bi đát nhất của đời họ, họ đã trải qua những tình cảm thiết tha sôi nổi nhất của đời họ. Hồi đó họ chưa viết, hoặc chưa có thì giờ (thì giờ để lo đánh giặc, để tham gia chính trị), hoặc chưa có hoàn cảnh để viết, nhưng cái tâm tình sẽ nuôi dưỡng các tác phẩm của họ sau này chính là đã thành hình từ hồi đó. Một khi cuộc kháng chiến ngưng lại, họ về phía bên này, ào ra viết và mở đầu, gây nên nền văn nghệ hậu chiến ở đây. Đây là hạng tuổi của Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ...
Lớp trẻ là cái lớp đạt tới tuổi trách nhiệm sau hiệp định Genève. Hồi đình chiến họ mới mười lăm mười bảy, bây giờ họ ở giữa tuổi đôi mươi và ba mươi, như Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Viên Linh, Thế Uyên (...)
(...) Lớp người lớn lên trong kháng chiến thì tất cả cuộc sống là chính trị. Dù họ là binh sĩ hay là cán bộ, họ làm nghề dạy học hay tính thuế nông nghiệp, dù họ tham gia kháng chiến trong ngành hoạt động nào, ngày ngày cũng phải suy cứu về chủ thuyết chính trị. Ở bên phía đó, lập trường là cực kỳ quan trọng. Mỗi hành vi, mỗi lời nói, mỗi chữ viết phải cân nhắc thận trọng. Cuộc kháng chiến, nhất là chế độ chính trị bên phía kháng chiến, đòi hỏi phải được hưởng ứng với tất cả tâm hồn. Hiến cho kháng chiến một thân xác để có thể gục ngã ở chiến trường, chưa đủ. Thân xác ấy phải được thường xuyên kích động bởi một niềm say mê.
Bởi hưởng ứng với tất cả nhiệt tình, cho nên đến một ngày nào đó nếu họ phản đối thì cuộc phản đối cũng diễn ra trong quằn quại, đau đớn. Rời bỏ chiến khu, bưng biền, để về thành, rời miền Bắc để di cư vào Nam, đó không phải là cuộc xê dịch trong không gian, đó là từ bỏ cả một quan niệm sống, một nề nếp suy nghĩ cảm xúc, là phủ nhận hết những hoạt động hăng say, hết mọi hi vọng của thời hoa niên của mình. Sự chọn lựa về thành, vào Nam, là cái gì rất hệ trọng trong đời sống tinh thần của lớp người vừa nói, biến cố ấy sẽ để lại dấu tích không thể phai nhòa trong đời họ. Ignazio Silone sau khi từ bỏ đảng cộng sản Ý đã có lần viết: ‘Trong bao nhiêu năm ròng rã, ý tưởng đó thấm thía vào tâm hồn tôi. Đến ngày nay, tôi vẫn còn nghiền ngẫm để cố hiểu hơn. Tôi không chắc rằng tôi đã đáo cùng kỳ lý, song sự thật là thế này: ngày mà tôi từ giã đảng cộng sản, tôi rất buồn rầu. Ngày đó là một ngày tang tóc cho quãng đời niên thiếu hoài phí của tôi. Thoát ly một kinh nghiệm sâu sắc như tổ chức bí mật của cộng sản đâu phải là một việc dễ dàng. Trong tính tình, suốt đời vẫn còn vấn vương di tích. Thực ra, người ta có thể nhận ngay được một người đã theo cộng sản. Họ là một người riêng biệt, như là các nhà tu hành qui tục, hay những viên cựu sĩ quan nhà nghề.’ Kháng chiến chưa phải là cộng sản, nhưng những người, những văn nghệ sĩ đã sống bên kháng chiến đều nhận thấy rõ ý thức hệ nào đang chỉ đạo cuộc sống của mình. Và tâm trạng Ignazio Silone bỏ đảng với tâm trạng của người trí thức Việt Nam rời bỏ hàng ngũ kháng chiến có nhiều chỗ giống nhau.
Về phía bên này rồi, những kẻ ly khai vẫn không ngớt bị ám ảnh: họ ngoái nhìn lại cái dĩ vãng đầy sôi nổi của mình, họ tìm tòi suy cứu về lý thuyết, về sự thực trong chế độ bên này và bên kia, để đi tới kết luận rằng mình hữu lý, mình đã hành động hợp lẽ. Rốt cuộc, càng ngày họ càng có nhiều lý lẽ để thâm thù, để chống lại bên kia. Chỉ có những kẻ không chọn lựa mới thờ ơ; còn họ, sự chọn lựa đau đớn làm cho họ bám chặt lấy lẽ phải của mình. Vẫn I. Silone đã nói đùa với Togliatti: ‘Cuộc tranh đấu cuối cùng sẽ là cuộc tranh đấu giữa đảng viên cộng sản và những người cộng sản cũ.’ Trước 1954, bên này đánh nhau với bên cộng sản bằng bom đạn tơi bời mà không có một thành tích văn nghệ chống cộng. Trái lại, phải chờ tiếng súng ngưng lại, khi ta có lớp người từ phía bên cộng sản về, khi ấy mới có phong trào chống cộng trong văn nghệ. Và phong trào ấy chắc chắn là đặc điểm nổi bật nhất của thế hệ văn nghệ hãy gọi là trung niên
[15], thế hệ trưởng thành trong kháng chiến mà khai bút sau ngày đình chiến.
(...) Những anh em trẻ
[16], có người ở bên phía kháng chiến theo gia đình về, có người lớn lên trong các đô thị ở phía bên này; nhưng dù sao cái việc hiện thời họ có mặt ở bên này vĩ tuyến 17 không phải là việc do tự họ chọn lựa. Họ không chọn lựa chế độ, họ không phải băn khoăn nhiều về chỗ ấy; bởi vậy vấn đề chủ yếu đối với họ không phải là vấn đề đã ám ảnh gần trọn sự nghiệp trước tác của Nguyễn Mạnh Côn chẳng hạn. Vả lại, dù trước đây họ có sống bên phía cộng sản chăng, thì họ cũng nhìn xã hội bên ấy với đôi mắt trẻ thơ, họ đâu có đi sâu vào những thủ đoạn tàn ác, những âm mưu đen tối bần tiện chỉ có ‘người lớn’ biết với nhau! Họ không thể nối tiếng tiếp lời lớp trước kề họ; nếu nói theo, họ sẽ nói yếu đuối hơn.”
[17] Như thế, một cái nhìn tổng quát vào giai đoạn 1954-63 cho thấy thoạt tiên là một niềm tin tưởng lạc quan bồng bột, là thời chủ động của một lớp trung niên đã từng lăn lóc trong kháng chiến, họ xông ra với hoài bão chính trị, với chủ trương dấn thân; về sau một lớp trẻ tuổi tài hoa và đông đảo, xuất hiện trên cả các ngành văn lẫn họa, họ không còn mấy bận tâm về chính trị, chỉ mải miết đi vào nghệ thuật: thoạt tiên là một loạt nam nhân với những ưu tư về thời thế, về sau dần dà thấp thoáng một số nữ sĩ với những mối tình mỗi lúc một thêm táo bạo... Người ta có cảm tưởng không khí ban đầu quả tưng bừng hào hứng nhưng hơi căng thẳng; về sau trở nên yên hòa thoải mái, nhưng lại có phần trễ nãi buông thả.
_________________________
[1]Sáng Tạo, Sài Gòn, số 1, tháng 10-1956.[2]Vấn Đề, Sài Gòn, số tháng 5-1968.[3]Nguyễn Mộng Giác, ‘Điểm qua các cây bút nữ trong văn học hiện đại’.[4]Thư đề ngày 29-9-1982.[5]Mai Thảo, ‘Đứng về phía những cái mới’, Tuyển truyện Sáng Tạo, Sống Mới tái bản tại Hoa Kỳ, các trang 8, 11, 13.[6]Sđd.[7]Sđd.[8]Sđd, trang 12.[9]Sđd, trang 11.[10]Nguyễn Nam Anh, ‘Mai Thảo, nhà văn ở phút nói thật’, tạp chí Văn, Sài Gòn, số 192, ra ngày 15-12-1971.[11]Nhất Linh, Viết và đọc tiểu thuyết, Đời Nay xuất bản, 1969, trang 78.[12]Tạp chí Đời, California, số 37, tháng 10-1985, trang 10.[13]Cho đến năm 1961 đã xuất bản 3 tập, độ 250 trang mỗi tập, vừa tới Ch (chưa xong vần C).[14]Nguyên văn: “lớp trung niên”.[15]Xin hiểu là thế hệ 54-59.[16]Tức lớp tác giả từ 1960 về sau.[17]Xem ‘Từng lớp cách nhau’ của Võ Phiến, trong Tạp luận, Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn 1973, trang 227-233.