1954-1975, chúng ta có những thời điểm ngộ nghĩnh: 1954 chấm dứt một cuộc chiến tranh, 1975 chấm dứt một cuộc chiến tranh khác; 1954 một cuộc di cư, 1975 lại một cuộc di cư nữa; 1954 đất nước đang là một bị chia hai, 1975 đất nước đang chia hai lại hoàn làm một... Chiến tranh phát sinh rồi chiến tranh kết thúc trên nước ta xưa nay đã nhiều lần, nước qua phân rồi nước trở lại thống nhất xảy ra ở ta cũng nhiều lần, duy có chuyện hàng triệu người kéo nhau ra đi là chưa từng thấy. Đó là đặc điểm một thời. Vậy có thể nói thời kỳ chúng ta đang nói đây là thời kỳ văn học giữa hai cuộc di cư.
Mặc dù 1954 và 1975 là những thời điểm ngộ nghĩnh, chúng ta không chọn thời kỳ văn học này vì cái ngộ nghĩnh, dĩ nhiên. Cũng như chiến tranh, qua phân, thống nhất, di cư đều là những biến cố quân sự, chính trị, xã hội trọng đại, nhưng chúng ta không chọn vì những cái trọng đại ấy: Quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến văn học, nhưng không phải là văn học.
Sở dĩ chúng ta tách cái khoảng thời gian nọ làm một thời kỳ văn học riêng biệt tại Miền Nam Việt Nam là vì nhận thấy quả thực trong vòng hai mươi năm ấy văn học nghệ thuật ở đây đã có những sắc thái riêng, đặc biệt, khác hẳn trước đó và sau đó. Trong vòng hai mươi năm ấy ở Miền Nam quần chúng đã có những cảm nghĩ khác, văn nghệ sĩ đã có một quan niệm sáng tác khác thời trước và thời sau. Cái khác, cái thay đổi trong tâm tình con người vào thời kỳ này thật sâu xa và thật đột ngột: chỉ trong vòng năm trước năm sau, vụt cái lòng người biến đổi, văn nghệ chuyển hướng hoàn toàn. Ở ngoài Trung trong những năm đầu thập niên 50, cho đến 1954, những tên tuổi nổi bật là Kiêm Minh, là Vân Sơn PMT; trong Nam tiếng tăm vang dội nhất là Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Trúc Khanh, Lý Văn Sâm... với những nhà khảo luận như Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc v.v... Sau 1954, loay hoay chừng mấy tháng, tự dưng những vị ấy lui vào bóng tối, lặng lẽ, từ đó cho đến suốt hai chục năm kế tiếp không còn có cơ hội xuất hiện thắng lợi trên văn đàn nữa. Và một lớp người mới xông ra, ồ ạt: Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Sơn Nam, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Mạnh Côn, rồi Dương Nghiễm Mậu, rồi Nhã Ca v.v... Thật nhanh chóng: Thoắt cái những người mới được quần chúng độc giả đón tiếp niềm nở, chừng một vài năm sau họ nghiễm nhiên thay thế các lớp nhà văn trước.
Đây không phải là sự thay thế của những cái tên suông, mà là sự thay thế cả một chiều hướng tinh thần. Không có gì khác nhau xa bằng cái tinh thần
Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh với tinh thần
Dòng sông định mệnh của Doãn Quốc Sỹ,
Mưa đêm cuối năm của Võ Phiến, bằng tư tưởng của Thiên Giang với tư tưởng của Nguyễn Mạnh Côn chẳng hạn.
Giữa lớp trước 54 và sau 54 ở Miền Nam chỗ khác nhau không phải chỉ có ở thái độ chính trị. Thế hệ độc giả này không phải chỉ đột nhiên lạnh nhạt với những Vũ Anh Khanh, Trúc Khanh, Vân Sơn PMT v.v..., mà cũng hững hờ luôn cả đối với những nhà văn chống cộng như Nhất Linh, Tam Lang v.v... Họ chối bỏ hết quá khứ. Một giai đoạn mới tự xác nhận một cách mạnh mẽ, ồn ào, có khi quá lố. Thật vậy, một trong những danh từ thời thượng lúc bấy giờ là “hôm nay”: lớp trẻ hôm nay, văn nghệ hôm nay, tiếng nói hôm nay v.v... Hôm nay không hẳn là giỏi hơn hôm qua, hôm nay không hẳn là hay hơn hôm qua. Miễn nó là hôm nay. Nếu không thế nó không được chấp nhận.
“Chấp nhận” là chữ của Thế Uyên. Ông bảo: “Riêng hai đứa chúng tôi
[1] thán phục Nhất Linh tiền chiến và chấp nhận Nhất Linh hậu chiến.”
[2] Thế Uyên cho thấy không phải ai cũng “rộng rãi” được như thế: chỉ
riêng hai đứa thôi. Còn về phía Nhất Linh, ông có lần tâm sự với Nguyễn Vỹ: “Tôi thì hết tin tưởng vào đời sống và thế hệ ngày nay (...) Thế hệ trẻ ngày nay, họ không hiểu được tụi mình. Họ bảo tôi là kiêu ngạo, là tự cao, tự đại, anh xem có vô lý không? Tôi không chịu được họ, không có nghĩa là tôi tự cao, tự đại.”
[3] Cả đôi bên cùng xác nhận sự cách biệt; cả đôi bên cùng từ chối lẫn nhau. Sự thay đổi hồi 1954 đã hiển nhiên.
Và rồi đến đầu năm 1975 cuộc đổi đời còn đột ngột, còn sâu xa hơn nữa. Đến đây kết thúc một thời kỳ ở Miền Nam, về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Cả cái xã hội ở Miền Nam từ sau 1975, cả nếp sống vật chất lẫn tinh thần ở đây sau 1975 không còn giữ được mấy tí của ngày trước. Rụp một cái: báo chí, sách vở, ca xướng, kịch tuồng, tranh vẽ... nhất nhất đều đổi chiều.
Cho nên có thể nói thời kỳ văn học 1954-1975 khởi đầu và chấm dứt không có chuyển tiếp. Hiếm có thời kỳ văn học nào trong lịch sử được qui định giữa những thời điểm dứt khoát như thế. Giữa hai thời điểm dứt khoát, tại Miền Nam một nền văn học thành hình thật nhanh, phát triển tưng bừng và vội vã, rồi bị vùi dập một cách tức tưởi. Nền văn học ấy có nhiều nét đặc sắc về phẩm cũng như về lượng, rất quí báu đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu về đời sống của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại.
_______________________
[1]Tức Duy Lam và Thế Uyên, hai anh em văn sĩ, hai người cháu gọi Nhất Linh bằng bác.[2]Nhật Thịnh, Chân dung Nhất Linh, trang 160. Những tác phẩm tái bản tại Hoa Kỳ hầu hết không ghi tên nhà xuất bản cùng ngày tháng ấn loát, vì vậy trong sách này đành không nêu được các điểm cần thiết ấy.[3]Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, Khai Trí, 1970, trang 162.