Đặc điểm Hai mươi năm đảo điên, thảm khốc vừa qua trong tình hình Miền Nam Việt Nam tất nhiên cũng là hai mươi năm đổi thay xáo trộn trong tâm hồn người Miền Nam. Xáo trộn đổi thay thật là sâu xa. Bởi vậy giữa tâm hồn con người thời này với tâm hồn con người thời tiền chiến, giữa văn chương thời này với văn chương thời tiền chiến có những khác biệt lớn và đột ngột.
Nhất Linh bảo Nguyễn Vỹ: “Thế hệ trẻ ngày nay, họ không hiểu được tụi mình.” Ngược lại chắn chắn hai ông cũng không hiểu được “tụi họ” đâu. Họ kỳ cục lắm cơ. Cho nên cái văn chương thể hiện tâm tình của họ cũng là một thứ văn chương mà thế hệ Nhất Linh khó lòng thưởng thức được. Nhất Linh bấy giờ chưa hẳn là già, mà những Doãn Quốc Sỹ, Chu Tử không thể bảo là còn non trẻ gì; tuổi tác cách nhau không bao nhiêu nhưng tâm hồn thì vời vợi.
Tính cách chính trị MỘT THẾ HỆ KHỐN ĐỐN VÌ THỜI CUỘC Giữa giới cầm bút thế hệ sau, Nhất Linh cùng những người lớp ông lạc loài thấy rõ. Một bên khốn đốn vật vã, một bên ung dung thư thái. Và oái ăm thay! trông có vẻ an nhiên vô tâm lại là lớp người đã bạc đầu vì thế cuộc.
Đọc mấy trang hồi ký của Nguyễn Tường Thiết viết về thân phụ mình (trên
Văn Học Nghệ Thuật, Hoa Kỳ, bộ mới số 3, tháng 7-1985) chắc không mấy ai không xúc động vì câu chuyện đêm đêm Nhất Linh khóc một mình trong phòng, ôm kín một mối đau thương thê thiết mà vợ con không ai biết được nguyên do. Người như Nhất Linh nhất định không thể là một con người đơn giản. Và trong văn giới nửa thế kỷ qua những kẻ đóng góp nhiều vào việc quốc gia xã hội như ông dễ được mấy ai? Vậy mà đọc những tác phẩm Nhất Linh viết sau 1954 người ta có cảm tưởng ông đứng bên lề thời cuộc; trái lại, những Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ v.v... thì đầy ưu tư, sôi nổi. Trong tiểu thuyết, ông chủ trương tránh biện giải cho luận đề, mà ngoài tiểu thuyết cũng không thấy Nhất Linh viết gì về chính trị, về thời cuộc nước nhà. Trái hẳn với những Nghiêm Xuân Hồng, Tạ Văn Nho, Nhuệ Hồng v.v...
Nhất Linh đã vậy, phần lớn văn nghệ sĩ tiền chiến khác đều thế. Đó chắc chắn là một trong những lý do khiến họ bị lu mờ, mất độc giả. Vì độc giả đứng về phía các tác giả lớp sau: đôi bên cùng “toa rập” làm cho thời kỳ văn học 1954-75 lúc nào cũng sôi động không khí chính trị. Chính trị tính là một đặc điểm của nền văn học Miền Nam bấy giờ.
Đây là thời kỳ của một lớp người bị lịch sử dày vò, bị thời cuộc quật lên quật xuống nhiều quá. Sau 1945 chuyện theo “cụ Hồ” đánh Pháp làm say sưa mọi người: cả nước vùng lên, muôn người một lòng. Lúc ấy lẽ phải tưởng như thật rõ ràng giản dị. Chẳng bao lâu cái phải bày ra cái quấy, vị cứu tinh trông ra tuồng một tên gian ác láu lỉnh, chủ thuyết cách mạng đưa tới những tố cáo ti tiện, đàn áp dã man. Bèn liều lĩnh bỏ quê ra đi. Rời cứu tinh này gặp ngay cứu tinh khác; chính nghĩa quốc gia thoạt tiên sáng ngời ngời, lý tưởng tự do cao cả. Rồi dần dần đây đó lại nổi lên những lời hằn học đối với cứu tinh, chế giễu đối với lý tưởng. Đây đó dấy lên thắc mắc: Làm gì? Đi con đường nào? Chọn chủ thuyết nào? v.v...
Nguyễn Kiên Trung phơi bày tâm tình đáng thương của một thế hệ trai trẻ đem tuổi xuân phó thác vào niềm tin nơi Cách mạng Mùa Thu, nơi cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập, để rồi năm bảy năm sau chợt vỡ mộng. Sau Genève, sau cuộc di cư vào Nam, hy vọng mới lại bùng lên. Duyên Anh bảo: “Có hội nghị Genève, thơ, văn, nhạc dậy mùi ly hương và hẹn về xây dựng lại quê hương đổ nát cùng nối chút duyên xưa với người em gái bé nhỏ. Riêng dòng sông Bến Hải thì không những là nạn nhân của một lịch sử chia cắt mà còn là nạn nhân của những rừng thơ, biển nhạc. Quý vị nhạc sĩ, thi sĩ đòi lấp sông Bến Hải thật ồn ào, tưởng chừng dòng sông bị lấp đến nơi rồi. Tiếp đó, quê hương Miền Nam thanh bình,
dựng một mùa hoa!”
[1] Nghiêm Xuân Hồng không xem đây là chuyện để đùa bỡn. Ông thấy tất cả cái trọng đại của tình thế. “Đất nước Miền Nam ngày nay hiện là cơ hội cuối cùng cho những người thành thực muốn tranh đấu và xây đắp một chế độ công bằng và tự do. Đối với những người đó, thảm kịch trong tâm tư và hành động có lẽ không rộng lớn bằng, nhưng cũng tương tự như tâm tư nặng nề của Jésus trên ngọn núi Golgotha, của Thích Ca lúc khắc khoải dưới gốc cây bồ-đề.”
[2] Niềm hy vọng tưng bừng ấy không kéo dài được lâu. Chừng bốn năm sau cuộc di cư đã bắt đầu có những bất mãn chống đối chính quyền, chống đối lãnh tụ trong Nam. Trong pho trường thiên tiểu thuyết
Khu rừng lau của Doãn Quốc Sỹ nhiều nhân vật rời bỏ cộng sản từ Bắc vào lại tham gia mạnh vào phong trào chống chính phủ Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ. Ông Doãn cay đắng. Cuối cuốn
Những ngả sông trên dòng đời, Hiển không dằn lòng được trước thái độ xấc láo của một cán binh cộng sản cuồng tín, giơ tay thẳng cánh tát trái nó một cái, định bảo cho nó hiểu về cộng sản, sáng mắt về cộng sản, nhưng rồi “khuôn mặt ruỗng nát của miền quốc gia” hiện ra, những cái xấu xa xú uế của “bãi rác thủ đô” ùa tới, và: “chàng quay đi đôi mắt khô thật ra chàng đương khóc não nề, chàng lắc lắc mạnh cái đầu: - Ta không muốn nói làm gì! Ta không muốn nói làm gì!“
Thủ đô, đầu não của Miền Nam, nơi tập trung các thứ lãnh tụ: lãnh tụ chính trị, lãnh tụ tôn giáo, lãnh tụ trí thức, văn nghệ v.v.... thủ đô không còn là chỗ tin cậy nữa. Trái lại. Phan Nhật Nam hung hăng nguyền rủa: “một tháng ở thủ đô đủ để tạo thành sụp đổ tan hoang trong linh hồn (...) Một tháng, đủ để chúng tôi hiểu nỗi ti tiện hèn mọn của loại lãnh tụ ngã tắt, những anh hùng đường phố, những ông vua biểu tình theo ngẫu hứng, vua tôn giáo, đầy thù hận và dục vọng (...) Sài Gòn, chúng tôi thù ghét và ghê tởm thủ đô đục ngầu phản bội và thù hận. Tôi ao ước một cơn hồng thủy sẽ cuốn trôi thành phố sau lưng, một cơn hồng thủy xóa hết dấu tích nhơ bẩn, mà thủ đô đã bôi lên khuôn mặt bi thảm của quê hương.”
[3] Ông ngơ ngác hỏi: “Thần tượng của tôi bây giờ là gì? Lãnh tụ? Lãnh tụ cỡ nào?”
[4] - Không có nữa đâu. Không còn ai để tin tưởng nữa. Không tin vào con đường dẫn dắt nào nữa, mỗi người tự suy nghĩ, tìm kiếm lấy đường. Mỗi nhóm một “thái độ”, mỗi nhóm một cuộc “hành trình”. Nhiều kẻ hành trình luôn về phía bên kia, hành trình vào chủ nghĩa Mác Lê, vào tình tự “quốc gia” “dân tộc” của Hồ Chí Minh!
Cảnh bát nháo ấy diễn ra trong tiếng bom tiếng đạn. Tú Kếu phát điên luôn:
[...] “Điên từ khi mất tuổi thơ
Mười năm loạn lạc bơ phờ tóc xanh!
Súng thay câu hát ngọt lành
Bom thay lời mẹ dỗ dành đêm đêm
Tôi điên, càng lớn càng thêm
Càng cao tuổi sống, càng thèm được điên” [5] Điên được không phải dễ. Điên cuồng như Tú Kếu, lồng lên rủa xả như Phan Nhật Nam là phản ứng của lớp người trẻ tuổi, còn nhiều khí lực. Lớp khác, trong lớp đã trải qua nhiều thử thách hơn, lắm kẻ ngán ngẩm không buồn nhắc đến thế cuộc nữa. Nghiêm Xuân Hồng dần dần ngả về các suy tưởng tôn giáo; Vũ Khắc Khoan về những lộng ngôn hoài nghi, hư vô; Nguyễn Mạnh Côn đi vào lập thuyết với những trầm tư siêu hình bí hiểm... Nhưng họ chạy đâu cho khỏi! Trốn thế sự vẫn là một cách phản ứng đối với thế sự. Chính trị dù nó không xuất hiện nó vẫn có mặt. Lẩn quẩn đâu đó, nó luôn luôn ám ảnh thời kỳ 1954-75.
Và sau 1975, thỉnh thoảng có dịp được hồi tưởng lại, nền văn học thời ấy vẫn không rời được các ám ảnh chính trị.
CHÍNH TRỊ VÀ VĂN HỌC Tạp chí
Đất Mới ở tiểu bang Washington, số ra ngày 30-9-1984 có phỏng vấn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh về các nhà văn Việt Nam mà ông thích đọc, được trả lời rằng trong số những tác giả ông chọn lựa đọc đi đọc lại có Đỗ Tấn. Đối với bạn đọc ngày nay, Đỗ Tấn là một tác giả xa xôi. Mà xa xôi thật. Đỗ Tấn nay đã qua đời, từng bị cộng sản bắt giữ từ đầu năm 1975, trước đó hàng chục năm đã thôi xuất hiện trên văn đàn. Ông chỉ viết nhiều nhất trong khoảng không đầy năm năm sau hiệp định Genève. Mà ngay độ ấy Đỗ Tấn cũng không có bao nhiêu văn thơ đăng tải ở Sài Gòn; chỗ ông ra mắt chính các tác phẩm của ông là tạp chí
Mùa Lúa Mới mà ông làm tổng thư ký tòa soạn, xuất bản tại Huế, một tờ báo có khuynh hướng chính trị rõ rệt. Tất nhiên, thơ văn Đỗ Tấn lúc bấy giờ cũng mang tính cách chính trị. Thơ văn ấy đã xúc động mạnh quần chúng độc giả, xúc động mạnh một thế hệ thanh niên. Ba mươi năm sau, nhà văn Toàn Phong từ lâu đã sống xa đất nước xa văn chương, đi sâu vào thế giới khoa học, nhưng vẫn còn lưu luyến Đỗ Tấn.
Trường hợp Đỗ Tấn không phải là một trường hợp đặc biệt. Cùng lượt với ông, bao nhiêu người khác được độc giả chú ý ngay từ một vài tác phẩm đầu tay, tôi nghĩ cũng vì một lý do ấy: Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Nghiêm Xuân Hồng v.v... Cùng là những người “ở bên kia” về, ở ngoài Bắc vào, họ đặt ra một vấn đề mới: bộ mặt thật của cộng sản. Vấn đề hoàn toàn mới mẻ đối với dư luận trong Nam. Họ gây xôn xao. Họ kêu gọi duyệt xét lại các giá trị, thành kiến về chính trị. Họ kêu gọi hành động, tham dự vào thế cuộc. Họ khuấy động giới trẻ. Trong lúc ấy những tác giả lặng lờ, không có thái độ chính trị, tiếp tục viết truyện tình cảm, xã hội, truyện tâm lý, truyện luân lý v.v... thường không được chú ý mấy. Tô Kiều Ngân, Kiêm Minh, Tạ Quang Khôi, Văn Quang, Thanh Nam v.v... viết không kém nhiều tác giả nổi danh ồn ào hơn họ; họ chỉ thiếu cái nhiệt tình chính trị, ngọn lửa của thời đại.
Phong trào chống cộng sau hiệp định Genève ở Miền Nam có người xem là một thành công của bộ Thông tin. Chuyện không đơn giản đến thế: không phải vì nhà nước khéo khuyên bảo nên ghét cộng sản mà dân chúng xúm nhau ghét. Ở xứ ta, chưa bao giờ có một quần chúng ngoan ngoãn như vậy. Miền Nam không có một nhà văn có tầm vóc Soljenitsyne, nhưng cuộc di cư hàng triệu người và sự tố giác hàng loạt của một lớp văn sĩ mới ít ra cũng có giá trị chấn động của cuốn
Quần đảo Goulag tại địa phương. Cơ sở tâm lý của quần chúng đã sẵn, sự tuyên truyền của chính quyền chẳng qua chỉ nương theo một chiều hướng thuận lợi mà thu đạt thêm kết quả.
Đó là tình hình buổi đầu. Dần dần hoàn cảnh đổi khác, chuyện tố giác cộng sản không tiếp tục nữa, dĩ nhiên, nhưng không khí chính trị không lúc nào thiếu sôi nổi cho đến những năm cuối cùng. Sau này, Nguyễn Văn Trung chuyển từ nhận định triết lý sang suy luận chính trị, rồi từ suy luận tới những kêu gọi dấn thân. Dấn thân thành một danh từ thời thượng. Hoặc “dấn thân” xa như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Lý Chánh Trung, Thế Nguyên..., hoặc dấn thân có chừng mức như Thế Uyên, Nguyễn Văn Xuân v.v..., hoặc là Phật giáo dấn thân như Nhất Hạnh, hoặc là công giáo dấn thân như Nguyễn Ngọc Lan... Có những dấn thân bênh vực cộng sản hay chống lại cuộc chiến tranh chống cộng (Nguyễn Văn Trung, Nhất Hạnh, Vũ Hạnh...); cũng lại có những dấn thân lên án cộng sản (Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh, Phan Nhật Nam...). Không khí chính trị trong văn giới càng ngày càng trở nên sôi động đến nỗi một người hiền lành bảo thủ như ông Thanh Lãng rốt cuộc cũng bị lôi cuốn vào cuộc dấn thân: ông đi “ăn mày” với ký giả, ông tuyên bố hung hăng chống một chính quyền sắp sụp đổ. Như thể một kẻ sĩ lúc bấy giờ không dấn thân, không đấu tranh chống đối nọ kia thì không yên ổn trong lòng, không bằng ai.
Nhìn chung từ trước tới sau suốt thời kỳ này lúc nào cũng có những nhóm văn nghệ sĩ gần nhau không hẳn vì lập trường văn nghệ mà là vì một quan điểm chính trị, cũng có những tập hợp nửa văn nghệ nửa chính trị. Kéo dài từ trước Genève đến sau Genève là nhóm sinh hoạt chung quanh Nguyễn Đức Quỳnh; sau 1954 là những nhóm Quan Điểm, Nhân Loại, Tự Do...; sau 1963 là những nhóm Trình Bày, Thái Độ, Lập Trường, Văn Học, Hành Trình v.v... Mỗi giai đoạn có một số nhóm một số nhân vật nổi lên để rồi chìm xuống vào một giai đoạn khác. Có những vị từ địa hạt triết học chuyển sang địa hạt chính trị; có vị lại từ chính trị vào giai đoạn này chuyển sang triết học vào giai đoạn sau; có những vị khác từ tôn giáo nhảy sang chính trị; có những cây bút xã hội, tâm lý ngả dần sang những đề tài chính trị; lại có những tiểu thuyết gia từ các luận đề chính trị lúc đầu lảng dần sang những đề tài tâm lý, triết lý trong những năm sau v.v... Từng cá nhân có thay đồi chuyển biến; nhưng nền văn học của thời kỳ này nói chung không ngớt canh cánh những lo toan vì thế cuộc.
Văn học Miền Nam thời kỳ 1954-75 đậm màu sắc chính trị hơn văn học tiền chiến, chuyện có thể hiểu được.
Trước kia, dưới thời ngoại thuộc, cái chính trong hoạt động chính trị là giành độc lập quốc gia. Không có gì để suy tư, để băn khoăn cả, chỉ có dám làm hay không dám làm. Dám thì đứng ra làm, như Nhất Linh, Nguyễn Huy Tưởng, Khái Hưng, Nguyên Hồng, Hoàng Đạo, Nam Cao v.v... Không dám thì cứ ở yên mà viết dài dài: viết truyện làm thơ về xê dịch, về tình yêu, về thời tiết nắng mưa, về thế tình ấm lạnh, về ma quỉ thần linh v.v... Các nhà ái quốc, các chí sĩ có dùng thơ văn là chỉ để kêu gọi lòng yêu nước, chứ không cần biện luận cho một lập trường nào. Giữa đệ tam với đệ tứ có rắc rối chăng là rắc rối giữa các chính trị gia chuyên nghiệp với nhau, không phải chuyện văn học.
Sau này, ở Miền Bắc văn học tất nhiên phải theo sát chính trị. Thành thử trong thời hậu chiến chính trị ám ảnh cả văn học Miền Bắc lẫn Miền Nam, mỗi nơi một cách khác nhau. Ở Bắc văn nghệ phục thị chính quyền bất cứ theo chủ trương nào, chiều hướng nào, giai đoạn nào: hoặc chủ trương đoàn kết toàn dân hoặc chủ trương độc tài giai cấp, hoặc lúc yêu Trung Cộng hết mình hoặc lúc chống Trung Cộng cật lực v.v... Ở Nam, khi đôi bên đi thuận chiều thì văn nghệ giục giã, thúc bách chính quyền, khi ngược chiều thì văn nghệ chống đối, phản kháng. Ở Nam, thứ văn nghệ có chính trị tính luôn luôn vật vã, nó làm khổ chính trị và tự làm khổ nó.
Khổ nó, đúng thế. Nhất Linh bảo rằng luận đề từng hại ông, từng làm cho tiểu thuyết của ông mất hay, bớt hay; thế nhưng sau 1954 luận đề chính trị đã biết bao lần ám ảnh thơ, truyện, kịch ở Miền Nam, mà không ngại có thể làm cho những thơ truyện ấy bớt hay. Như vậy văn nghệ cũng khổ chứ, sung sướng gì đâu!
Thế nhưng đa số văn nghệ sĩ sau Genève cứ lăn vào lối đoạn trường, và họ được đám quần chúng tri kỷ hoan nghênh (ít ra là nhất thời). Trong khi ấy những người tỉnh táo như Nhất Linh thì lại vượt thời gian trong quạnh quẽ.
_________________________
[1]Duyên Anh, Áo tiểu thư, Nguyễn Đình Vượng xuất bản 1971, trang 167.[2]Nghiêm Xuân Hồng, Lịch trình diễn tiến của phong trào quốc gia Việt Nam, nguyệt san Ngày Về tái bản tại Hoa Kỳ, trang 8.[3]Phan Nhật Nam, Dấu binh lửa, Hiện Đại tái bản, Sài Gòn, 1973, trang 54, 55.[4]Như trên, trang 23.[5]Tú Kếu, Thơ xám, trang 49.