Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 16849 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN
Võ Phiến

Lời nói đầu
        Trong lãnh vực nghiên cứu văn học ở hải ngoại từ sau năm 1975, bộ Văn Học Miền Nam gồm 7 tập của Võ Phiến, dù gây nên nhiều tranh cãi sôi nổi và dù mắc một số hạn chế nhất định, vẫn là một trong những thành tựu lớn nhất. Nó không những giúp người đọc nhận diện một khía cạnh khác trong tài năng của Võ Phiến mà còn cung cấp cho người đọc một khối tài liệu đồ sộ và đáng tin cậy về một nền văn học ngỡ đã bị quên lãng: văn học Miền Nam từ năm 1954 đến 1975. Với ý nghĩa như thế, bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, đặc biệt tập đầu, “Tổng quan”, đã được đón nhận nồng nhiệt. Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần.

        Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, nhất là những bạn đọc ở xa các trung tâm thương mại của người Việt ở hải ngoại, và được sự đồng ý của nhà văn Võ Phiến, Tiền Vệ đăng lại cuốn Văn Học Miền Nam: Tổng Quan thành nhiều kỳ.

        Ngoài Lời nói đầuKết luận, cuốn Văn Học Miền Nam: Tổng Quan gồm có ba phần chính:

        I. Khái quát: Trong phần này, Võ Phiến khảo sát một số yếu tố chính trong sinh hoạt văn học miền Nam như: nhà văn, độc giả, và xuất bản; sau đó, ông lần lượt trình bày các giai đoạn chính và phân tích những đặc điểm nổi bật nhất; cuối cùng, đối chiếu sơ lược văn học miền Nam với văn học miền Bắc và văn học “tiền chiến”.

        II. Các giai đoạn: Võ Phiến đi sâu vào các đặc điểm nổi bật trong từng giai đoạn: 1954-63 và 1964-75.

        III. Các bộ môn: Võ Phiến phân tích năm bộ môn chính: tiểu thuyết, tuỳ bút, thi ca, kịch và ký. Ở mỗi bộ môn, ông cố gắng nhận điện những đặc điểm và những thành tựu chính.


         Ðể bạn đọc dễ theo dõi, mỗi kỳ chúng tôi sẽ đăng một chương. Nếu có chương quá dài, chúng tôi tách ra làm hai hay làm ba kỳ.
Tiền Vệ



Sách, hễ thích thì viết; từ hồi nào tới giờ tôi vẫn yên trí thế nên thấy không việc gì phải phân trần tại sao viết cuốn này tại sao viết bài nọ. Người đọc sách trên đời chẳng ai cần biết những cái tại sao ấy, chỉ cần sách đừng quá dở, quá nhảm. Vả lại đến như đệ nhất danh phẩm của dân tộc là Truyện Kiều mà về lý do sáng tác tác giả cũng chỉ cho biết là để bà con “mua vui” trong “một vài trống canh”, thế thôi; mình chưa chi đã bi bô lắm lời chẳng hóa ra muốn chọc cười thiên hạ sao?
Ấy thế mà hôm nay trước khi bắt đầu tôi lại thấy cần bàn qua về lý do biên soạn cuốn sách đầy những lôi thôi thiếu sót này. Sở dĩ thế là vì thoạt tiên thấy sờ sờ trước mắt những lý do không nên biên soạn.
 
Trước hết mình không phải là một nhà phê bình nhà biên khảo gì ráo mà tự dưng xông ra làm công việc biên khảo phê bình là chuyện không nên. Đây không phải việc dễ dàng; ngay trong giới chuyên môn bình và khảo mỗi một thời đã có được mấy người thành công để lại những công trình đáng tin cậy, huống hồ kẻ tay ngang sao dám xía vào bôi bác?
Hơn nữa hoàn cảnh thật là khó: xung quanh không có tài liệu mà mình thì không có điều kiện để đi tìm tài liệu, lấy gì tham khảo? Bảo rằng tác phẩm của một thời gần gũi như thời 1954-1975 vừa qua mà không còn tìm được ở các thư viện Âu Mỹ thì khó tin, nhưng trong thực tế làm sao có thể đi tìm ở khắp các thư viện Âu Mỹ. Cho đến nay người cầm bút thoát nước ra đi kể ra đã khá nhiều, mấy ai trong số ấy đem theo được tác phẩm của chính mình. Hiện còn được lấy một vài tác phẩm của mình trong nhà đã là trường hợp may mắn đáng mừng rồi; rất nhiều kẻ không có lấy một cuốn nào. Tự mình cố công tìm kiếm, mua hay mượn sao lại sách của mình đã thiên nan vạn nan, nói gì đến việc sưu tầm khắp các văn thi gia? Xin được lấy chuyện riêng làm thí dụ: hồi còn ở trong nước trước sau viết và in được vài chục cuốn sách, sang đây tôi thử tìm thì thấy tại thư viện trường Cornell có 11 cuốn, thư viện Quốc hội Hoa Kỳ có 5 cuốn, thư viện trường Yale có 9 cuốn, thư viện trường Nam Illinois có 6 cuốn; phần lớn các danh sách lặp nhau, những cuốn thiếu thì các nơi đều thiếu; ấy là chưa kể đối với những bài đã đăng tản mác trên các báo mà chưa in thành sách thì sự săn tìm còn vất vả hơn nhiều (mà đây là phần quan trọng nhất trong toàn bộ trước tác của một số văn gia). Tôi vừa nói đến chuyện “tìm kiếm”, đó chẳng qua là tìm ra cái tên sách mà thôi, chứ không phải là tìm mang được sách về nhà, nhẩn nha thưởng thức, suy ngẫm, khảo bình: thư viện đại học Mỹ bây giờ không hay gửi sách Việt ngữ đến các độc giả xa xôi. Vậy thì nên bỏ công ăn việc làm để từ tây nam sang đông bắc Hoa Kỳ đến với sách chăng? nên nhờ bạn bè những miền gần thư viện bỏ công ăn việc làm của họ mà đi sao chép hộ chăng? sao hết tác phẩm của hai mươi năm văn học?!
Hoặc có kẻ bĩu môi: “Chao ôi! chỉ tìm đọc lại những cuốn sách ra đời cách đây mới hơn mười năm mà nói như chuyện dời non lấp biển!” Vâng, có lẽ chuyện ấy sẽ rất dễ dàng, sau này, đối với những nhà văn chuyên nghiệp thành công tại nước này, sẽ dễ dàng khi cộng đồng Việt kiều đã bắt rễ, lớn mạnh, có khả năng đài thọ cho các hoạt động văn hóa. Còn hiện nay, chúng ta sống trong một hoàn cảnh khác.
Hiện nay chúng ta không có kẻ cầm bút chuyên nghề chuyên nghiệp nào cả trên đất Mỹ, chỉ có những người vừa làm ăn theo cái đà hối hả của xã hội này vừa viết lách qua quýt vào những ngày nghỉ, những dịp hở tay hiếm hoi. Tiến hành công việc trong điều kiện như thế chắc chắn sẽ bị chê là thiếu tinh thần trách nhiệm. Thi phú làm ra để vịnh hoa xuân lá thu, vịnh cây quạt cây đa, hay thậm chí để ca ngợi lãnh đạo xưng tụng cách mạng v.v..., thơ phú ấy có thể làm thật kỹ cũng có thể làm qua quýt: hay thì được truyền tụng dở sẽ bị vất đi là rồi. Làm dở có hại chăng bất quá chỉ hại cái “danh” của tác giả. Còn như viết cái gì có liên quan đến kẻ khác, có chê khen người nọ người kia mà viết qua quýt thì bị mắng mỏ xỉa xói tưng bừng là cái chắc.
Đã thế, lại còn cái này mới thật rắc rối: Số là trong thời kỳ 1954-75 riêng phần tôi trót múa may vung vít khá nhiều, bây giờ viết về thời kỳ văn học đó mình lại “nhận định” về những hoạt động của mình thì sự lố lăng biết để đâu cho hết? Hoặc giả đừng nhắc nhở gì tới, cứ vờ vĩnh làm như không hề biết có mình, lờ tịt đi, được chăng? Như thế, có vẻ gian quá. Hay là hãy giả vờ chê bai nhặng xị cả lên? Khốn nỗi quân tử khắp hải nội hải ngoại có phải là trẻ con cả đâu, người ta sẽ che miệng cười rinh rích. Còn như rủi ro mà hở ra cái giọng âu yếm thì chết với thiên hạ ngay. Cho nên xưa nay chẳng ai làm cái việc dại dột này. Nếu gặp lúc đứng ngồi không yên, trong người cảm thấy muốn viết quá lắm, thì trên đời thiếu gì chuyện để viết mà cứ phải nhất định lao vào cái công việc vừa nhọc nhằn vừa lố bịch như thế?
 
Ấy vậy mà nghĩ đi nghĩ lại chán chê rồi tôi lại quyết định cứ viết cuốn sách này.
Trước hết là vì chỗ nặng tình với một thời kỳ văn học kém may mắn. Thật vậy, thời kỳ 1954-75 gặp cái rủi ro hiếm thấy, là trong suốt hai mươi năm trời không có được lấy một nhà phê bình chuyên nghiệp. Trên báo chí vẫn có những bài điểm sách, giới thiệu, phê bình; nhưng hầu hết là bài của giới sáng tác nhận xét lẫn nhau. Như thế không phải là không có giá trị, dĩ nhiên. Tuy vậy những cái đó không thể thay thế công việc của nhà phê bình chuyên nghiệp. Người sáng tác nhân khoái một tác phẩm hay bực mình về một tác phẩm nào đó mà cất lời, lời nói lắm lúc chủ quan. Họ nói theo cái quan niệm nghệ thuật của họ, thường khi thiếu công bình. Mà thực ra họ cũng chẳng bận tâm mấy đến chỗ công bình trong sự khen chê; bận tâm chính yếu của họ là thành công trong sáng tác. Trong khi ấy nhà phê bình lấy việc phát huy được cái hay cái đẹp của người khác làm sự thành công của mình, xem những bất công, lầm lẫn, thiếu sót trong sự nhận xét người khác như sự thất bại của chính mình; do đó mà phải thận trọng. Ngoài ra, đã chọn lấy nghiệp, người phê bình trước khi đi vào các tác phẩm thuộc những lãnh vực, bộ môn khác nhau, đến với những tác giả thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, trước khi khảo sát sự kiện văn nghệ trong những liên hệ với bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị khác nhau v.v..., họ lại phải tự trang bị lấy một cái vốn kiến thức rộng rãi, điều không nhất thiết cần nơi những người sáng tác. Trong sự tìm hiểu về các thời kỳ văn nghệ, quần chúng trông cậy ở họ.
Bảo rằng ở Miền Nam[1] Việt Nam trong vòng hai mươi năm không người có tài phê bình văn học thì không đúng. Đặng Tiến chẳng hạn, vào đầu những năm 60, khi ông hãy còn rất trẻ, đã viết trên Tin Sách những bài phê bình thật sắc sảo thâm trầm, và sau này khi Miền Nam gần sụp đổ nhà Giao Điểm có in một tác phẩm xuất sắc của ông, nhận định về một số thi sĩ cả xưa lẫn nay, cuốn Vũ trụ thơ. Thế nhưng Đặng Tiến không hề nhận cái công việc theo dõi suy tìm về thời kỳ văn học 1954-75; ông chợt đến chợt đi, khi sống trong nước khi ở nước ngoài, khi xuất hiện khi vắng mặt thật lâu trên văn đàn. Lại như Lê Huy Oanh, như cô Phương Thảo, như Cao Huy Khanh, từng viết những bài về các thi sĩ và tiểu thuyết gia; tuy nhiên mới chỉ có những bài lẻ tẻ đăng báo. Rốt cuộc văn học Miền Nam Việt Nam vẫn chưa hề được ai theo dõi nhận xét trên toàn bộ, cho chúng ta một cái nhìn tổng quát, dù là đại khái.
Trong quần chúng khi nhắc lại thời kỳ 54-75 ở Miền Nam, có kẻ nhớ đến bà Tùng Long được yêu thích rộng rãi, có người nêu tên nữ sĩ Lệ Hằng viết hay ác, có kẻ bảo Thanh Tâm Tuyền mới thật cao siêu, có người lại nhớ đến ông Chu Tử tài ba quấy động thiên hạ một thời v.v... Chín người mười ý, loạn xị cả lên. Thậm chí, hồi trước 75, ở ngay trong nước, trong giới giáo chức giảng dạy về văn chương ở bậc trung học chẳng hạn, mấy ai đưa ra cho học sinh được một ý niệm chung chung về tình hình văn học thời kỳ mình đang sống, về những diễn biến tâm trạng của thời đại phản ảnh trong từng giai đoạn nghệ thuật, về các khuynh hướng của thi ca, của tiểu thuyết v.v... Chẳng qua trên các sách giáo khoa chỉ có những đoạn trích giảng và chút ít tiểu sử của một số tác giả may mắn. (Ông Cao Huy Khanh có nghiên cứu về bộ môn tiểu thuyết cùng các tiểu thuyết gia trong thời kỳ này, nhưng sách chưa kịp phát hành thì Miền Nam sụp đổ.)
Đối với cái sinh hoạt tinh thần và tình cảm của một thời kỳ xa hơn, thời kỳ trước 1945, chúng ta không hề có sự bối rối như thế; được vậy là nhờ ở công trình tổng kết của Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh. Cũng như đối với tình hình văn học hiện tại ở Pháp, ở Anh, ở Mỹ v.v..., dù là người ngoại cuộc, chúng ta nhìn vào cũng không đến nỗi lúng túng: bao nhiêu sách nhận định phê bình sẵn sàng hướng dẫn những kẻ bỡ ngỡ qua các ngóc ngách diễn biến, các chủ trương trường phái phức tạp nhất. Bối rối hơn cả vẫn là cái nhìn của chúng ta về ngay những hoạt động tinh thần của chính chúng ta.
Cả một thế hệ văn học không có phê bình, toàn bộ thành tích văn nghệ phản ảnh những cảm nghĩ băn khoăn, những buồn vui khóc cười của hai mươi triệu đồng bào trong suốt thời gian hai mươi năm, rồi lây lất phôi pha với năm tháng, chẳng ai màng xét đến, tìm hiểu đến. Buồn biết mấy!
Hoặc có người bảo: “Hãy thong thả! làm gì mà cuống lên thế. Bây giờ chưa có phê bình thì rồi sau sẽ có. Muốn phán đoán công bình sáng suốt cần có một khoảng cách thời gian.” — Có lẽ thế. Nhưng trước khi có sự công bình, sự sáng suốt, hãy chỉ mong được chút lưu tâm. Vả lại kẻ đồng thời nếu thiếu sáng suốt thì lại có sự cảm thông của người trong cuộc. Giả sử trong khi suy nghĩ về mấy bài thơ của Lý Thường Kiệt, Đặng Dung, Hồ Xuân Hương v.v... mà ta bắt gặp đâu đó một tài liệu viết về văn học của một người đương thời, chắc chắn không khỏi lấy làm mừng rỡ. Có được một ý kiến phát biểu ngay lúc bấy giờ dù thế nào vẫn quí hóa hơn là phải chờ hoặc tám chín trăm hoặc đôi ba trăm năm sau để nghe lời “sáng suốt” của những kẻ lạ hoắc, xa lạ với tâm sự của người xưa, với phong tục xưa, xã hội xưa, và trong tay chỉ nắm dăm ba tư liệu còm cõi, lạc loài.
Sau hiệp định Genève, tôi về gia nhập vào cái sinh hoạt văn nghệ Miền Nam tuổi đã ba mươi; từ đó trong hai mươi năm viết văn làm báo, cùng với hàng trăm bạn bè, kẻ tả người hữu, kẻ già người trẻ, kẻ Nam người Bắc v.v... mải miết say mê. Có lúc ai nấy chứa chan hy vọng, ăm ắp hoài bão ước mơ; có lúc hầu hết não nề chán ngán. Chuyện mừng vui đắc ý có nhiều mà điều vất vả khổ nhục cũng lắm. Thế rồi khi đời đã về chiều, bỏ cuộc ra đi, ở nơi đất lạ không khỏi có lúc ngơ ngác: “Những bạn bè vui buồn có nhau trong hai mươi năm cũ bây giờ ở đâu?” Tại một thị trấn tây bắc Hoa Kỳ, Thanh Nam có lần kiểm điểm:
“Bằng hữu qua đây dăm bảy kẻ

Đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba

Đứa nằm yên phận vui êm ấm

Đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa.”

(‘Thơ xuân đất khách’, Đất khách)

Đó là những “đứa” may mắn nhất. Trải qua một thời chiến tranh dài rồi trong cơn tan rã sụp đổ mà lại thoát đi được chẳng qua là một số ít. Trong số còn lại, có kẻ gục ngã trên chiến trường (Y Uyên, Doãn Dân v.v...), có người phải dùng cách nọ cách kia mà kết liễu cuộc đời (Nhất Linh, Tam Ích, Dzoãn Bình v.v...), có kẻ bỏ mình trên đường thoát thân tìm tự do (Chu Tử, Trần Đại...), có người gục ngã vì tù đày (Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn...), và rất đông là cái số quằn quại trong lao tù, có kẻ đến tận ngày nay chưa thoát khỏi (Như Phong, Duy Lam, Phan Nhật Nam, Trần Dạ Từ, Doãn Quốc Sỹ...).
Thân thế của họ thế ấy, văn nghiệp như thế kia..., làm sao mình chẳng nặng lòng.
Vừa rồi ta nói đến những thiệt thòi của một thời kỳ văn học không phê bình. Thời kỳ 1954-75 không phải chỉ chịu một điều bất hạnh ấy thôi: câu chuyện hủy diệt văn hóa phẩm Miền Nam từ 1975 đến nay không ai là không biết.
Còn nhớ hôm thứ hai 26 tháng 5 năm 1975, lúc bấy giờ chúng tôi còn ở một trại tị nạn trên đảo Guam, buổi sáng thức giấc nghe phát thanh cái tin tại Sài Gòn có lệnh cấm bán sách xuất bản dưới chế độ cũ và từ thứ năm tuần trước các tiệm sách đều đóng cửa. Mấy anh em cầm bút có mặt trong trại nhìn nhau lắc đầu: Chúng tôi mới ra đi được nửa đường thì sách ở quê nhà đã đi đời.
Sách cũ bị cấm bán, rồi bị tịch thu. Tịch thu đi tịch thu lại năm lần bảy lượt cho kỳ sạch vết tích. Mãi sáu năm sau ngày chiếm Sài Gòn, đầu năm 1981 cộng sản lại mở một đợt càn quét sách báo đối lập. Sau ba tháng hoạt động, tức là đến tháng 6-81, họ đã đạt được những thành tích đăng tải trên Tạp chí Cộng Sản số tháng 10-81: trên toàn quốc tịch thu 3 triệu ấn bản, riêng tại Sài Gòn 60 tấn ấn phẩm.
Những câu chuyện về tịch thu, đốt phá, cấm đoán, hủy hoại sách báo tại xứ ta từ xưa đến nay xảy ra quá nhiều, đã thành chuyện quá phổ biến. Sự mất mát trong văn học lớn lao đến nỗi một nữ sĩ nổi tiếng như Hồ Xuân Hương mà chỉ không đầy hai thế kỷ sau đã mất gần hết dấu vết, khiến văn giới có lúc đâm ra nghi ngờ về bà, nghĩ rằng người nữ sĩ tinh nghịch nọ chỉ là một huyền thoại, một chuyện bịa đặt lưu truyền trong quần chúng. Ông Lữ Hồ đã nêu ra câu hỏi: “Có chăng một bà Hồ Xuân Hương?”[2]
Cái sự rủi ro xảy đến cho Hồ Xuân Hương chẳng qua chỉ là sự mất mát tự nhiên, vì thiếu bảo quản; đàng này lớp văn gia đối thủ của cộng sản là nạn nhân của một chính sách hủy diệt nghiệt ngã mọi vết tích. Thành thử, nếu xứ xứ vẫn còn cách biệt nhau như hồi thế kỷ XVIII, nếu sách Việt ngữ không thoát ra ngoài và được lưu giữ ở ngoại quốc, thì sau này người ta tha hồ ngơ ngác hỏi nhau: “Có chăng một ông Khái Hưng? Có chăng một bà Nhã Ca? Có chăng một ông Phan Khôi? Có chăng một bà Thụy Vũ? v.v... Có chăng những nhân vật huyền hoặc, tuyệt vô tung tích ấy?” Mà dù cho có sự tàng trữ ở nước ngoài, có sự trốn chạy của sách Việt, thì cái phần được cứu thoát cũng không mấy lớn lao. Thật vậy, trước 1975 học giả Nguyễn Hiến Lê đã cho xuất bản hơn một trăm tác phẩm, bây giờ mở tập thư mục thư viện Quốc hội Hoa Kỳ ấn bản 1982 đếm thử được bảy nhan đề! Ta đã không thể ngăn chận được việc phá hủy, không thể bảo tồn được cái thành tích văn học nọ, thì ngay lúc này cũng nên có một tổng kết, một kiểm điểm sơ lược, để về sau những ai lưu tâm còn có chút căn cứ sưu khảo. Không thế, sao đành?
Văn học Miền Nam 54-75 không có phê bình, văn học Miền Nam đang bị tiêu hủy. Chưa hết. Chung quanh nó còn diễn ra lắm trò lố bịch: tôi muốn nói đến câu chuyện “văn học giải phóng Miền Nam”. Nhà nước cộng sản dựng lên một nền văn học, cho cán bộ nghí ngố om sòm về nền văn học ấy, cố gây ra cái cảm tưởng đây mới là nền văn học chân chính của Miền Nam, là tiếng nói tự do của nhân dân Miền Nam; còn bao nhiêu sách báo xuất hiện trên khắp lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào trong vòng 20 năm qua không phải là văn hóa phẩm đâu, đó là những món sản xuất theo lệnh của CIA cả đấy. CIA sai khiến ngụy quyền, ngụy quyền sai khiến bồi bút viết cái nọ cái kia, cái thì gieo rắc chủ nghĩa hiện sinh, cái thì mô tả cảnh dâm ô đồi bại, cái thì xúi giục chống cộng v.v..., tất cả cùng nhằm một mục đích đầu độc quần chúng làm hại nhân dân cả.
“Văn học giải phóng” mới là văn học chân chính của Miền Nam, ông Phạm Văn Sĩ viết một cuốn sách về nền văn học ấy,[3] trong sách ông cẩn thận dành ra một phần phụ lục để thóa mạ “văn nghệ vùng tạm chiếm”. Đáng tiếc là không có phần nào dành nói về việc tạo thành văn nghệ giải phóng. Bởi vì việc đánh tráo một nền văn học tất nhiên ngộ nghĩnh, mà sự chế tạo nên một nền văn học cũng ly kỳ, đáng nói lắm chứ, không sao?
Xem nào, văn học giải phóng là do những ai? Ông Phạm Văn Sĩ kể ra những tên như: Nguyễn Đức Thuận, Thanh Hải, Giang Nam, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Huỳnh Minh Siêng, Trần Bạch Đằng, Anh Đức, Trần Hiếu Minh, Nguyễn Trung Thành, Phan Tứ, Nguyễn Vũ v.v... Ông không chịu nói ra cái điều lý thú này: là tất cả những kẻ vừa kể trên đều được phái từ ngoài Bắc vào. Những kẻ mới lớn lên thì được đảng dạy dỗ cẩn thận, cũng có người được cho đi rèn luyện tận bên Tàu bên Nga, có người là con ông cháu cha, xuất thân từ gia đình đảng viên cao cấp, bố là yếu nhân trong chính phủ. Hạng cao niên hơn thì lại là những văn nghệ sĩ đã có tên tuổi ngoài Bắc, đổi tên đổi họ, hóa thân làm người mới: Lưu Hữu Phước hóa làm Huỳnh Minh Siêng, Nguyễn Văn Bỗng hóa thành Trần Hiếu Minh, Nguyên Ngọc hóa ra Nguyễn Trung Thành, Bùi Đức Ái thành ra Anh Đức, Trần Bạch Đằng làm Hưởng Triều, làm Hiểu Trường, Lê Khâm hóa thành Phan Tứ, Nguyễn Ngọc Tấn thành Nguyễn Thi v.v...
Bảo rằng những văn nghệ sĩ ấy gốc từ Miền Nam nên những gì họ viết ra có thể cho vào văn học Miền Nam? - Nếu thế thì tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương v.v... phải trả về văn học Miền Bắc cả?
Lại bảo rằng những người gốc Nam kia đã trở về sáng tác ngay tại Miền Nam cho nên rất có thể cho vào văn học Miền Nam? - Những cán bộ kia chợt ra chợt vào chưa hẳn đã viết ở trong Nam. Mà giả sử họ có ở lại hẳn trong Nam một thời gian[4] thì lại vẫn là chuyện kỳ cục. Hãy tưởng tượng trường hợp chúng ta đưa nhạc sĩ Phạm Duy ra thả dù ở một vùng biên giới Hoa Việt nào đó, đổi tên làm ông Trần Doai, thi sĩ Tú Kếu đổi làm Tú Cối, các nhà văn Trần Dạ Từ, Doãn Quốc Sỹ v.v... thành những ông Phạm Nhật Nghiêm, Hồ Hải Dương v.v..., rồi trốn nấp trong khoảng núi rừng Bắc Việt, cứ cất lên đều đều tiếng nói của nhân dân cách mạng, nhân dân giải phóng Miền Bắc, được chăng? Lại thử tưởng tượng ngày trước chúa Nguyễn bỗng có ý kiến đưa Đào Duy Từ ra Đàng Ngoài? Vâng, bình thường thì Đào Duy Từ cứ ở Đàng Trong; lấy vợ sinh con đều đặn, ăn lộc chúa Nguyễn, lãnh quan tước Đàng Trong, đến một lúc nào đó chúa Nguyễn thấy “nhân dân” Đàng Ngoài cần lên tiếng bèn hạ lệnh cho Đào Duy Từ mang tay nải lẻn lút trở ra Bắc, đào cái hầm thật sâu nấp thật kín, rồi ngồi dưới đó cất lên tiếng nói giải phóng của toàn thể nhân dân Đàng Ngoài. Người của Đàng Ngoài sáng tác ngay trên lãnh thổ Đàng Ngoài đấy mà. Được chăng?
Nghe chuyện như thế chúng ta ở Miền Nam bò lê bò càng ra mà cười, rồi xúm nhau đàn ngang cung, xúm nhau làm thơ chua thơ đen thơ xám v.v... Thế là hỏng.
Người cộng sản không cười. Họ trịnh trọng trình bày vấn đề. Xong, họ trịnh trọng đưa hai tay lên ngang ngực vỗ lép bép; tất cả cùng vỗ tay theo. Mọi người nhất trí, họ tiến hành kế hoạch. Chuyện kỳ cục đến đâu họ cũng làm được. Họ làm ra mặt trận giải phóng Miền Nam bằng người của họ, họ làm ra chính phủ giải phóng Miền Nam bằng người của họ, họ làm ra quân đội giải phóng Miền Nam bằng người của họ, tại sao họ không làm ra được một đội ngũ văn nghệ sĩ, một nền văn học giải phóng Miền Nam bằng người của họ mang vào, sau khi đã dạy dỗ kỹ càng và tiếp tục “lãnh đạo”, kiểm soát chặt chẽ. Vả lại trong một xã hội mà người quốc trưởng có thể lần lượt đội hết tên này đến tên kia, ký hết “bút hiệu” này đến “bút hiệu” nọ, viết sách tự ca tụng mình inh ỏi, tự tâng bốc mình lên tới mây xanh, cho in đi in lại phổ biến tưng bừng khắp nước, như thế mà vẫn đẹp mặt như thường,[5] thì văn nghệ sĩ thay đổi vùng để kể xấu đối phương có gì là kỳ cục đâu? Làm được tất.
Họ làm một cách trịnh trọng, không cười, và thế giới Tây phương trịnh trọng ghi nhận những gì họ nói họ làm. Do chính sách tiêu diệt tàn tích văn hóa Mỹ ngụy, một ngày kia dần dần không ai tìm thấy sách của Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương để đọc nữa, không ai nghe nói đến Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn... nữa, những tên tuổi ấy mỗi lúc một phai mờ, trở nên mơ hồ, rồi tác phẩm của Phạm Văn Sĩ tái bản sẽ lặng lẽ bỏ đi phần phụ lục. Lúc bấy giờ khi cần biên khảo về văn học Việt Nam thời kỳ 1954-75, với tài liệu sách báo do nhà nước Việt Nam phổ biến rộng rãi, cung ứng đầy đủ, các học giả Tây phương tha hồ hăng hái nghiên cứu về cái văn học giải phóng như là nền văn học chân chính, nền văn học duy nhất của Miền Nam Việt Nam, với những tác phẩm sáng chói kể chuyện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, chuyện “tục ăn thịt người” ở Miền Nam[6] v.v... với những văn nghệ sĩ cách mạng Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Huỳnh Minh Siêng v.v... thường thường nhất trí quan điểm với những nghệ sĩ cách mạng Miền Bắc Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Bỗng, Lưu Hữu Phước. Và đối với Tây phương sẽ chỉ còn có nền văn học ấy ở Miền Nam. Chúng ta thấy hài hước? Thật hài hước chết người.
Vì những chuyện như thế, rốt cuộc đành miễn cưỡng viết cuốn sách này trong những điều kiện rất không nên viết. Viết như là một sơ thảo, một bản nháp, một gợi ý, nhắc nhở, một cách nêu vấn đề, để sau này những người có đầy đủ tư cách và điều kiện sẽ viết lại một cuốn xứng đáng.
 
Sách gồm nhiều tập, tập này trình bày một cái nhìn tổng quát; các tập kế tiếp sẽ được dành cho từng bộ môn sáng tác: thi ca, tiểu thuyết, tùy bút, kịch, phóng sự, ký sự.
Trong sách chúng ta sẽ gặp một số tác giả tiền chiến, tức những vị đã nổi danh từ trước 1954, không những thế lại có những vị mà phần quan trọng nhất của sự nghiệp thuộc về thời kỳ trước 1945. Thiết tưởng dù vậy, nếu sau Genève họ còn hoạt động thì các hoạt động ấy vẫn phải được nói đến.
Còn lớp nhà văn 54-75, sau khi Miền Nam sụp đổ vẫn có kẻ không ngừng viết văn làm báo: nên thêm một phần phụ lục dành cho các hoạt động ấy chăng? Tôi nghĩ là việc ấy không thích hợp. Sau 1975, trong chúng ta có kẻ tiếp tục viết ở hải ngoại, có kẻ tiếp tục viết âm thầm trong nước, có người lén lút viết trong tù; ngoài ra lại cũng có một số cộng tác với chế độ mới. Đây là một thời kỳ văn học khác hẳn, với tất cả sự phức tạp của nó, xứng đáng một công trình nghiên cứu riêng; nó không thể coi là một phần “phụ” vào thời kỳ 1954-75, cũng như thời kỳ sau 54 không hề “phụ” vào thời văn học tiền chiến: không có một thời kỳ nào nên “phụ” vào thời kỳ khác.
Vả lại nếu chỉ nói riêng về văn học lưu vong sau 1975, cái văn học tự do ngoài chế độ cộng sản, tôi thấy về tinh thần nó cũng không mấy gần gũi với thời kỳ 1954-75. Trước 1975 trong nước và sau 1975 ngoài nước chỉ có chung một số tên tác giả, ngoài ra hoàn cảnh trước tác khác nhau, bối cảnh xã hội khác nhau, tâm tư con người khác nhau, động cơ viết lách khác nhau...
Vậy ở đây xin chỉ có thời kỳ văn học 1954-75 với những người đã đóng góp vào thời kỳ văn học này. Những người ấy về sau làm gì, thay đổi ra sao, cái đó thuộc về vấn đề khác mà chúng ta không đề cập đến.
 
Tôi đã phân trần về những lý do không nên viết, rồi lại phân trần về những lý do phải viết. Rõ thật nhiều lời. Nhưng khi xong việc, không khỏi ngẩn ngơ tự hỏi: Cái đã viết ra đó là cái gì vậy? Là lịch sử hai mươi năm văn học Miền Nam chăng? Là kiểm điểm phê bình nền văn học Miền Nam chăng? ¾ Rõ ràng nó không xứng đáng là lịch sử, là phê bình gì cả. Nó không có cái tầm tổng hợp rộng rãi, nó thiếu công phu suy tìm và phân tích đến nơi đến chốn về bất cứ môn loại nào khuynh hướng nào. Chẳng qua chỉ có những nhận xét rất khái lược, liên quan đến nền văn học và các văn gia một thời mà thôi. Thôi thì của ít lòng nhiều vậy.
Mặt khác, nhân đọc lại bản thảo chợt thấy sao mà lắm trích dẫn ghi chú, sao mà rườm ra đến thế? Nghĩ đi nghĩ lại, đâm bật cười: thì ra đó là một điểm yếu về tâm lý. Xưa nay kẻ xấu hay làm tốt, người thiếu chữ thường hay nói chữ. Vậy vì thiếu tài liệu mà ham khoe tài liệu cũng là thường tình. Số là trong hoàn cảnh ít sách báo Việt ngữ, mỗi khi bắt gặp được trang chữ nào in từ Sài Gòn trước 1975 tôi không cầm lòng được, cứ nhấp nhổm muốn xòe ra cho ai nấy cùng xem. Có lúc đã toan gạch toẹt bỏ tuốt các trích dẫn không cần thiết, nhưng rồi lại thôi: Chỗ yếu đó chẳng qua là một biểu lộ tâm lý của người xa xứ, mạnh tay trấn áp nó làm chi!
 
Tập sách được hoàn tất là do sự giúp đỡ về tài chánh của Ủy ban Nghiên cứu Khoa học Xã hội (Hoa Kỳ) và sự giúp đỡ chí tình về tài liệu của nhiều bạn hữu sống ở Âu châu và Mỹ châu, mà tôi xin chân thành cảm tạ. Lẽ ra tôi nên công khai tạ ơn từng vị, tuy nhiên nhiều người không muốn nêu tên, vậy nên đành để lòng biết lòng mà thôi.
 
Võ Phiến

Tháng 1-1986

 
_________________________


[1]Nước Việt Nam, trong thời Pháp thuộc, chia ra làm 3 phần, gọi là Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ. Cũng 3 phần đất ấy, về sau có khi được gọi là Nam phần, Trung phần, Bắc phần, lại có lúc còn được gọi là Nam Việt, Trung Việt, Bắc Việt, hay Nam bộ, Trung bộ, Bắc bộ, hay miền Nam, miền Trung, miền Bắc. Trong trường hợp sau cùng vừa kể, ở sách này chúng tôi không viết hoa chữ miền.
    Trong khoảng thời gian 21 năm sau hiệp định Genève, nước Việt Nam bị phân chia làm 2 miền, lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Trong trường hợp ấy, chúng tôi viết hoa chữ Miền (Miền Nam, Miền Bắc).

[2]Tạp chí Sáng Tạo, số 34, tháng 9-1958.

[3]Văn học giải phóng Miền Nam, nhà xuất bản Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1975.

[4]Nguyễn Văn Bỗng chẳng hạn, suốt một thời gian dài, cứ chân trong chân ngoài. Thoắt cái ông vào Nam làm nhà văn Miền Nam Trần Hiếu Minh, rồi vụt cái ông lại ra Bắc làm việc ở trụ sở hội Văn nghệ “trung ương” với Xuân Diệu, Huy Cận, trong tư cách Nguyễn Văn Bỗng (Xem Bên lề các cuốn sách).

[5]Hồ Chí Minh viết Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch ký Trần Dân Tiên, viết Vừa đi vừa kể chuyện ký T. Lan.

[6]Văn học giải phóng Miền Nam, nhà xuất bản Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1975.

<< Phần 21 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 605

Return to top