Một chỗ thật tịch mịch
Võ Phiến
Chàng vẫn tin rằng cứ đến giữa khung cảnh ấy mà an tọa, một mình, rồi lặng lẽ suy tưởng, thì chẳng mấy chốc sẽ có chim chóc đến làm tổ trên đầu. Một chiếc tổ chim thật rối trên đỉnh đầu, một vòng hoa tư tưởng đáng ước ao như thế có lúc chàng đã dám nghĩ là không khó. Chỉ cần đến đó, một mình. Chỉ cần có thế, nhưng ấy là điều chàng chưa bao giờ làm. Đâu khó gì? Chỉ vì chàng chưa bao giờ có cái duyên đối với một hành vi như thế.
Khung cảnh nọ cách xóm làng không xa. Nằm trên vùng đồi hơi cao. Xế trưa, thơ thẩn trên đồi, chàng trông xuống thấy dừa với tre trong xóm xanh um, nổi bồng lên cuồn cuộn như từng đám rong lớn trong hồ nước. Xóm làng coi xinh xắn, nhỏ hẳn đi. Nhà cửa thì thưa thớt, nằm khuất trong đám cây xanh. Và sự sinh hoạt của dân làng thì càng khuất xa hơn nữa.
Tha hồ nhìn ngắm, vẫn không thấy động tĩnh gì. Lắng tai hàng giờ, không bắt được tiếng hát tiếng la nào. Họa hoằn, như có tiếng ai kêu ơi ới, nhưng tiếng văng vẳng rồi tắt ngay, mơ hồ, không rõ rệt.
Một đôi khi, mắt chàng bắt gặp một bóng người ngoài đồng, trên một con đường bờ ruộng ngoằn ngoèo nhỏ xíu. Một dáng người tí teo ngọ nguậy trong nắng xế bao la. Một chiếc nón trắng lấp lánh giữa đồng trống, tận xa tít... Chiếc nón lấp lánh, di động chậm chạp, trong lúc con ó rằn giăng đôi cánh xác xơ giữa nền trời, trong lúc con cuốc phát tiếng kêu đều đều trong nắng rưng rưng... Chàng càng có cảm tưởng xa cách cuộc sống khiêm tốn của xóm làng hơn bao giờ hết...
Chỉ cần dừng lại, an tọa, chẳng mấy chốc...
Nhưng chàng không đến đó để an tọa.
Và càng tiến xa, cảnh càng vắng hơn. Có một vùng đồi chia làm nhiều khoảnh lớn, như những khoảnh vườn rộng với hàng cây bao bọc bốn bề. Trong số ấy có khoảnh vốn là vườn thật, nhưng vườn cũ, vườn hoang. Bởi vì xưa kia trên đồi có một số gia đình sinh sống, về sau bỏ đồi xuống xóm. Trong những khu vườn hoang ấy còn lại hoặc một cây mít, hoặc năm ba cây dừa, có cây cụt ngọn chết khô từ lâu.
Những khoảnh khác là đất trống, bỏ hoang cho cỏ mọc quanh năm. Cho bò, cho dê ăn. Từ đám đất này qua đám khác chỉ có một lối thông rất hẹp, phải vạch cây vạch lá, lách mình len lỏi. Len qua xong, lọt vào khoảnh đất mới, nhìn quanh quất lại bốn bề có cây vây kín, một ngọn gió không vào nổi. Lại càng vắng vẻ thêm lên một bậc. Vài con chim giật mình quay đầu nhìn khách lạ. Có con nhấp nhỏm mãi, không yên tâm. Có con dứt khoát bay vụt đi, làm rung rinh một chùm quả dái ngựa. Bỏ khách lại với cái bóng của mình, in dài trên nền cỏ.
Thử vạch lá, lách mình len qua một khu đất nữa. Lại càng xa nhân gian thêm lên một bậc. Một con cút cụt đuôi cắm đầu lủi trốn vào bụi rậm. Một con gà rừng chậm hiểu, ngẩng nhìn giây lát trước khi hoảng hốt vỗ cánh một cách nặng nề. Gió không len vào nổi: nắng xế càng nồng.
Cứ thế từ đám đất này qua đám đất khác. Chàng không gặp gì khác hơn là những cây dái ngựa, cây bông trang, là lá giang, lá vằn, là thỉnh thoảng một con bò, mấy con dê. Và thường xuyên là cái bóng chàng, in dài trên nền cỏ. Tuy vậy, mỗi lần lách mình qua một khu đất mới, thoạt tiên chàng đều có một ngạc nhiên mới, trước một khung cảnh vắng vẻ mới.
Cái vắng vẻ chồng chất lên nhiều tầng. Sau cùng đến một bãi rộng mênh mông. Cuối bãi cỏ là khu rừng nhỏ, cây cao bóng cả. Mé rừng là một ngôi miếu.
Hẳn nhiên đây là nơi xưa kia con chằng tinh từng mài răng chờ xé thịt Thạch Sanh. Một ngôi miếu cổ, khuất nẻo như thế, hẳn nhiên...
Nhưng một ngôi miếu cổ, khuất nẻo như thế, cũng là nơi mà một thiếu phụ trong truyện của Pearl Buck từng ném chiếc áo vừa cởi ra, trùm lên đầu các tượng thần để che mấy cặp mắt lom lom. Chi không thích những cặp mắt lom lom.
Khi chàng lần đầu trông thấy Chi, chàng bị thu hút ngay. Chàng nhìn không chớp mắt chiếc cổ trắng muốt tuyệt diệu, nhìn mấy sợi tóc xòa xuống má, cặp mắt sâu, đen nhánh, mở to, trông thông minh và nồng nàn lạ lùng. Chi ngồi giữa bạn bè. Chàng không hề biết người con gái ấy tên là gì, từ đâu tới. Mới trông thấy lần đầu, chàng mê mẩn ngay. Chàng chăm chú nhìn: chàng mê cặp chân mày đen đậm, mê đôi mắt sâu, mê những sợi tóc sau gáy và những sợi tóc mai bên má v.v...
Chàng chăm chú, lom lom. Suýt thành lố bịch. Có lẽ chàng đã có vẻ lố bịch cũng nên. Trong phòng, ai nấy có lẽ đã để ý đến chàng. Còn chàng thì khốn khổ, vẫn chưa tìm ra cái gì để mở miệng, chưa biết nói câu gì.
Dĩ nhiên Chi không hề trông thấy chàng, không hề ngó qua một tí nào về phía chàng. Thình lình Chi ngẩng phắt đầu lên, nhìn thẳng vào mắt chàng, cười xòa, kêu: “Nóng quá”, rồi hai tay nắm hai chéo áo dài, ngửa cổ ra, quạt mấy cái.
Chết một nỗi là sau đó chàng càng bối rối, vẫn không tìm được câu nào để nói. Và chàng hóa ra lố bịch hẳn. Chàng loay hoay, khốn đốn. Tuy vậy đồng thời chàng đã biết chắc chắn mình có hy vọng. Bắt đầu có hy vọng ngay từ lúc ấy.
Như vậy không đáng lo lắng sao? Nếu chỉ cần nói “Nóng quá” để tỏ tình thì có thể Chi đã nói câu ấy biết bao nhiêu lần, với biết bao nhiêu người? Thế nhưng chàng nghĩ lui nghĩ tới, nhớ đến con mắt Chi nhìn chàng lúc ấy, miệng nàng cười lúc ấy, giọng nàng nói lúc ấy; và chàng quả quyết: không lầm được.
Quả nhiên, dần dần, hai người quen nhau. Rốt cuộc Chi đến với chàng nơi ngôi miếu cổ.
Hai người tìm đến để nói với nhau những câu chuyện tuyệt vời.
— À này anh...
— Gì?
— Anh biết không...
— Không. Anh chưa biết. Gì thế Chi?
— Bà ngoại đóng đinh bị búa đập trúng ngón tay cái...
— Thật hả? Trời ơi, bao giờ?
— Mới hôm qua. Khiếp, ngón tay bầm tím.
— Tội nghiệp chưa... Nhưng em may áo mới lúc nào thế?
— Dốt! Áo thế này mà mới!
— Anh có trông thấy em mặc áo màu tím này bao giờ đâu.
— Đố anh biết ở đâu ra?
— Anh thua.
— Nhuộm đấy.
— Em nhuộm lấy?
— Anh coi được không?
— Được quá chứ lại. Em khéo thật.
— Thôi ông. Muốn nịnh cũng phải am hiểu mới nịnh được, chứ dốt như anh... Mua được thuốc tốt, nhuộm đâu khó gì.
— Em đem cái này cho anh, phải không?
— Cây ổi trước rào đấy... Có quả to nhất để dành cho anh, dơi nó vừa khoét đêm qua.
— Em tránh qua phía này đi. Có kiến...
— Để yên em coi. Mình không cử động nó không cắn. Anh thấy không, con này bò mãi trên chân em mà không cắn.
— Dại gì. Nó còn muốn bò dần lên cao...
— Thôi ông. Lại bắt đầu nói bậy!
Trên trời cao, nắng gắt, mây trắng sáng lòa. Nhưng xung quanh ngôi miếu cây cao mịt mùng. Bóng cây mát lạnh. Màu của cây xanh lá xanh ánh lên quần áo, thấm mát vào da thịt!
“U cảnh mỗi bạch nhật
Thanh huy chiếu y thường”
Gần như mỗi nhật, thanh huy đều có chiếu y thường một lần. Hai người thủ thỉ, trong lúc con sóc trèo ngược trèo xuôi một nhánh cây thị, trong lúc đàn két hái rớt lộp độp trái cây đâu đó phía sau miếu, trong lúc con ó rằn giăng cánh xác xơ trên trời xanh...
Và đến khi chàng ra về thì trên cỏ bóng chàng đã ngã quá dài. Trong mỗi khoảnh đất hoang, bờ cây bao bọc ngã bóng quá dài. Và những quả dái ngựa thì chúng in một cái bóng cũng dài quá cỡ, thành ra kỳ hình dị tướng. Một quả dái ngựa hơn sải tay! ôi chao, trên đường về đôi khi chàng tưởng thấy bị giễu cợt.
Tuy nhiên không có một cơn gió lay động, không có một tiếng huyên náo. Cảnh vật nghiêm trọng, thâm trầm. Chàng tha hồ sống với cảm xúc của riêng mình, tha hồ gìn giữ cẩn trọng nguyên vẹn cảm xúc riêng.
Chàng giữ gìn cho đến lúc đêm về. Nằm trên chiếc chõng tre đặt ngoài vườn, chàng nhìn trăng cao. Chàng nhìn lá tre trên đầu mình với những giọt nước long lanh tụ ở đuôi lá. Chàng nhìn mây kéo nhau lướt êm đềm bên cạnh mặt trăng. Tai chàng lơ đãng theo dõi tiếng chày giã gạo đều đều trong xóm. Và chàng lặng lẽ ôn lại những lời chàng nói, những lời Chi nói, những cảm xúc của hai người. Chàng như con bò nhàn hạ nhai lại cảm xúc của chính mình. Chàng sống lại, trong đêm, ở một góc vườn, những giờ nồng nàn dưới trưa...
Và tre trúc, và sương đêm, trăng sao v.v...tất cả giữ một xa cách kính cẩn đối với tâm sự của chàng.
Tất cả đều giữ một sự xa cách kính cẩn. Ngay cả cái lúc mà Chi lặng lẽ khóc.
Phải, có lần Chi khóc. Chuyện đó gần như dĩ nhiên. Vì sự gần gũi lâu ngày, thanh huy chiếu y thường nhiều lần, quá nhiều lần. Rồi một hôm, Chi khóc lặng lẽ.
Chàng hỏi: “Em làm sao thế? Chi, anh có làm em khổ không? Hả, Chi, Chi. Em...” Nàng lắc đầu không trả lời, tiếp tục khóc. Còn chàng thì loay hoay. Như một con gà mái loay hoay trong ổ sau khi đẻ xong chiếc trứng, hoàn toàn không hiểu gì về công việc mình vừa làm.
Ngay cả cái lúc ấy, tất cả vẫn xa cách kính cẩn. Két vẫn ăn trái làm rơi lộp bộp sau miếu, con rắn lục vẫn hút một tiếng dài thoang thoảng lửng lơ, con sóc vẫn nhảy nhanh nhẹn từ cành nọ sang cành kia trên cây thị, con kỳ nhông nghểnh đầu rồi lủi đi... Tất cả đều khuyến khích: “Tự nhiên, xin cứ tự nhiên! Xin các người tự nhiên!”
Và Chi thấy an ủi. Và nước mắt nàng khô dần trên mi.
Hạt nước mắt Chi đã khô trên phần tư thế kỷ. Trong chừng ấy thời gian, giặc giã liên miên. Xóm cũ mất đi sáu phần mười nhà cửa. Dân làng mười người tản mác hết tám. Cây cối xâm chiếm hết vùng đồi, bao trùm ngôi cổ miếu...
Còn chàng, bây giờ chàng ngược xuôi trên các con đường nhựa của đô thị, mũi hít mùi xăng nhớt mùi rác rến, mặt mày tóc tai mỗi chiều về phủ dày một lớp bụi. Còn chàng, bây giờ ngày ngày chàng tất tả chạy vào chạy ra sở nọ sở kia, chàng leo lóc cóc các thang lầu, chàng đụng đầu đều đều với những công việc buồn nản.
Mỗi tối, trong tiếng muỗi vo ve bên màn, chàng lắng nghe sự tàn tạ của cuộc đời.
Nhưng cuộc đời không cam phận tàn tạ. Nó không chịu cam phận. Giữa tiếng muỗi vo ve những khi thức giấc nửa đêm, từ trong cùng thẳm của tâm hồn chàng nổi lên tiếng kêu đều đều, tiếng kêu gióng giả, khắc khoải như tiếng cuốc trong nắng đậm xế chiều, tiếng đỗ quyên tiếc nhớ tiền triều. Nó gọi kêu một khung cảnh tịch mịch, thật tịch mịch...
1-1969