Thương Hoài Ngàn Năm
Võ Phiến
Trong bốn chị em chỉ có mình Bạch là con của cha. Cả cha và mẹ Bạch đều không rõ tại sao lại thế. Có lẽ cũng không có lý do gì đích đáng; sự thắng cuộc của ông Nghĩa lần này có thể chỉ là sự ngẫu nhiên. Tuy vậy đó là một trận thắng rõ rệt: ảnh hưởng của người cha trên tâm tính đứa con gái mỗi ngày một rõ, khiến cho việc nhắc đến ông Nghĩa trong trường hợp này thành ra cần thiết.
Ông Nghĩa cũng có chút học thức; biết xem và thảo các loại khế bán ruộng, đợ ruộng, giấy mua bò v.v.. bằng hán văn. Nhiều người trong xóm làng nể ông Nghĩa. Tuy thế ông cũng chỉ được cử làm “đoàn thập” là một chức còn nhỏ hơn trùm xóm, không có quyền lợi gì. Ông Nghĩa chỉ “chịu trách nhiệm” suông về mười người dân, vậy thôi. Như thế thực là tệ, nhưng ông không ao ước gì hơn. Người ta cử ông làm đoàn thập đã ba mươi năm mà không thấy cấp trên khen chê thăng thưởng hay trừng phạt gì; ông cũng chẳng hề biết bổn phận rõ rệt của mình là làm những gì.
Trái lại ở trong gia đình, ông Nghĩa có nhiều công việc. Lúc nào trông ông cũng chăm chăm chú chú: lúc thì đánh sợi dây nài, lúc tra cái lưỡi cày, lúc sửa trạnh cày, thường thường thì đan đát. Từ giờ này qua giờ khác, từ buổi này sang buổi kia, ông gườm cặp mắt sau cặp kính trắng gọng thau, xỏ sợi mây nhọn qua lỗ nan để thắt những cái nút trôn ốc vòng theo những miệng thúng. miệng rổ, miệng nia, miệng nong v.v...
Nét mặt ông Nghĩa lúc nào cũng một vẻ nghiêm chỉnh buồn thiu. Làm xong mỗi món đồ, ông xếp cất, không bao giờ có cái ý ngắm nghía thưởng thức một công trình hoàn thành thích ý. Rồi lại rầu rầu, nghiêm chỉnh, buồn thiu, ông quay ra vớ công việc khác để tiếp tục, không vội vàng, nhưng không nhởn nhơ bỏ mất thì giờ vô ích.
Ông Nghĩa cặm cụi nhưng không say mê, ông làm luôn tay nhưng không phải vì tiếc công tiếc việc mà không dám nghỉ. Chỉ là vì ông Nghĩa không có cái sáng kiến nghĩ ra cách nghỉ. Nghỉ việc rồi khoanh tay ngồi lì ra đó chịu được sao? Làm cách gì để tiêu khiển? nói chuyện gì? nói với ai? bắt đầu như thế nào? Đó là những vấn đề mà trí óc ông Nghĩa không có khả năng giải quyết. Có thể nói ông là người đần độn. Nhưng trình độ học thức, trong nhiều trường hợp, có thể cứu vớt người ta trước sự phán xét của quần chúng. Người trong làng xóm lúc nào cũng nhớ rằng ông Nghĩa thuộc vào cái số rất ít kẻ đọc thông chữ hán, cho nên không có ai dùng tiếng đần độn để nói về ông. Người ta bảo là ông thực thà.
Ông Nghĩa ‘thực thà” đến nỗi không sao có thể tiếp được khách. Đối diện với khách, chào hỏi xong, ông không tìm ra câu nào để nói nữa. Ông chỉ trả lời những câu khách hỏi. Và ông sợ những phút im lặng; ông áy náy, khó chịu, loay hoay, nhưng không có cách gì bịa ra nổi chuyện. Để bớt khổ sở, ông phải tiếp tục cúi xuống đan đát, nên có vẻ gàn và kỳ cục. Mặc dù thế, sự có mặt của người khách vẫn cứ đè nặng lên tinh thần ông, làm cho trí óc ông tê liệt hẳn đi. Nếu lúc ấy có bà Nghĩa đến tiếp cứu hoặc khách cáo từ ra về, ông mừng vô hạn.
Thực thà như thế làm sao ông Nghĩa tìm ra được những lúc nhàn rỗi? Một người lành mạnh không thể nằm ngửa ra tơ hơ để thưởng thức thì giờ nhàn rỗi. Còn những hoạt động xa xí như ngâm nga, hát xướng vài câu tuồng, hoặc pha trà ngon ngồi nhấm từng hớp, hoặc dạo vườn tỉa hoa, hoặc ngắm nghía sửa mái tóc của mình ..., thì đó lại là những sáng kiến không chịu nảy ra từ trí óc ông Nghĩa. Ông không thể có một cử chỉ gì không phải là một công việc thực sự hữu ích.
Mỗi động tác là mỗi công việc, như thế giản dị hơn cả. Ông Nghĩa chọn thái độ giản dị.
Cắm cúi làm việc mãi, khi nào mỏi mệt quá ông quặt một tay ra phía sau, đấm vào lưng mình năm bảy cái liên tiếp, rồi lom khom đứng lên, bước lại tấm phản dưới hiên, nằm xuống một lát. Những khi ấy nếu Bạch không đi chơi xa thì nó chạy lại ngồi bên cạnh, nhổ tóc ngứa và ngoáy tai cho cha. Không phải ông Nghĩa bày vẽ cho nó những chuyện ấy. Chỉ là vì những khi đi chơi lang thang trong xóm, con bé thấy bạn bè nó có đứa nhổ tóc ngoáy tai như thế, và về nhà nó thí nghiệm trên đầu cha mình. Ông Nghĩa thấy hay hay. Nhiều lần con bé còn đang ngồi mân mê tóc tai ông mà ông đã ngủ quên ngon lành.
Suốt ngày ông đoàn thập Nghĩa thức hay ngủ, lom khom làm việc hay nằm khểnh ra nghỉ cũng không ai chú ý đến.
Bà Nghĩa, hồi còn trẻ, cố tránh không nhìn kỹ không nghĩ lâu đến nét mặt và hình dáng của chồng. Đó là một cách chống đối tiêu cực của người đàn bà, chống đối để chịu đựng. Gặp một người chồng xấu xí, bà nhờ chọn được thái độ như thế nên có thể ở với chồng trọn đời. Sự nhẫn nại lặng lẽ và anh hùng đó chắc chắn được xếp vào những nết na truyền thống của người đàn bà Việt Nam. Nét mặt ông đoàn thập trông lúc nào cũng quằm quặm, buồn thiu, nhớp nhúa, tối sầm. Nhìn cái mặt ấy người ta trông thấy hiện ra tức khắc hình ảnh một cuộc đời lam lũ, bần tiện, chật vật. Khổ người ông Nghĩa bé nhỏ, bước đi lóm khóm lật đật. Rõ ràng là ông mang theo sẵn sự khổ sở từ trong lòng mẹ mà ra. Nếu bà Nghĩa có làm điều gì không phải với chồng thì cũng chỉ là một cách xác nhận sự thực hiển nhiên đó.
Hồi còn con gái bà Nghĩa luôn luôn bị cái hình thù xấu xí của chồng ám ảnh. Khi thì bà nghĩ đến cái trán thấp tịt, khi nghĩ đến cặp chân mày sát mí mắt, khi trông thấy cái cằm khuyết của ông. Bà khổ sở đau đớn, cố xua đuổi những hình ảnh ấy đi. Mỗi lần thấy loáng thoáng trong trí một ý nghĩ về người chồng, bà Nghĩa vội vàng lảng sang chuyện khác. Ý thức tự vệ chống cái ám ảnh đó thấm nhuần mọi cử chỉ, ý tưởng, hành động của bà. Bất cứ lúc nào, trong trường hợp nào, nghe nhắc đến tên ông Nghĩa, động đến một điều có liên quan tới ông, tự nhiên bà nghe nhói lên trong lòng một cảm giác khó chịu, rồi tức khắc điều vừa được nhắc đến bị gạt ra khỏi trí óc.
Bà ăn ở với chồng được ba bốn năm thì sự tự vệ của bà có một kết quả thần diệu. Có thể nhắc nhở, chế giễu cặp mắt ti hí và lờ khờ hay dáng đi lụp chụp lóm thóm của ông Nghĩa trước mặt bà, bà cũng dửng dưng. Lúc bấy giờ chính bà lại nói được những câu như chế giễu ông cách thân mật, làm những cử chỉ như là săn sóc kính trọng ông trước mặt khách lạ mà bà không hề mảy may cảm xúc, khó chịu nữa. Ông Nghĩa dần dần chỉ còn là một đề tài, một cái cớ để bà hoặc có dịp nói vài câu giễu cợt hay ho, hoặc đóng vai một người đàn bà khôn khéo dịu ngọt. Đó cũng là cách phát huy một vài nét đẹp của nguời đàn bà. Đàn bà vẫn chuộng các món trang sức. Một người chồng xấu xí như ông Nghĩa vẫn cứ có thể biến hóa thành một món trang sức đắc dụng! Rồi khi khách của bà Nghĩa ra đi, ông lại bị bỏ quên, cặm cụi lặng lẽ như một cái bóng trong gia đình.
Bà Nghĩa thay chồng giao thiệp với hết thảy khách khứa đến nhà, bất cứ là vì công chuyện làm ăn hay là vì xã giao ân nghĩa. Hồi vợ chồng ông còn trẻ, ai cũng thấy một tình trạng như thế là bất lợi.
Sự bất lợi xuất lộ đầu tiên là cô Hồng, cô con gái đầu lòng. Cô Hồng không giống cha một mảy. Cô ta cũng không hề chịu gần gũi nguời cha. Không ai để ý từ lúc nào, từ cỡ tuổi nào, đứa con gái bắt đầu biết phân biệt xấu với đẹp, chỉ thấy rõ ràng là hình thù của ông Nghĩa gieo ác cảm và sự sợ hãi vào lòng đứa bé khiến nó luôn luôn tìm cách xa lánh cha. Lớn lên Hồng không sợ cha nữa, lại khinh nhờn. Cô ta cũng cư xử như mẹ, nghĩa là ăn, ngủ, chơi bời, hành động y như không hề có một người cha trong gia đình. Như thế cho đến năm mười tám tuổi thì cô Hồng chửa hoang, sinh được một đứa con trai. Mẹ con cô tiếp tục sống trong gia đình ông đoàn thập năm năm nữa, rồi có người cháu họ của bà Nghĩa bằng lòng cưới cô. Người cháu này là một anh kép hát. Khi cưới nhau cô Hồng đã mang thai lần thứ hai được bốn tháng. Nhưng anh kép hát không lấy làm quan trọng: đó là sự lỡ lầm thường xảy ra phía sau sân khấu.
Cô Hồng càng lớn càng giống ông lý trưởng làng An Quý; mà cô Hoàng, em của Hồng, cũng lại là con của ông lý ấy. Rồi cô em nữa, cô Thanh, cũng vẫn là con ông lý. Nhờ đó mười năm sau khi bà Nghĩa có chồng mọi người thấy rằng bà không hay lang chạ: suốt đời chỉ làm vợ một người và chỉ yêu thương có một người. Kẻ được lòng yêu của bà thì không được cái danh làm chồng, mà kẻ có cái danh thì không được lòng yêu; điều may mắn là cả hai đều biết bằng lòng, và hưởng thụ cái phần dành cho mình, không hề có một lầm lẫn.
Cô Hoàng có chồng sớm. Mười bốn tuổi cô đã nẩy nở ra dáng con gái. Mười lăm tuổi có nhiều nơi ngấm nghé. Mười bảy tuổi thì bà Nghĩa gả cô cho một anh giáo dạy lớp tư bên làng An Lợi. Ban đầu anh giáo gặp cô Hoàng ở chợ, anh ta theo cô nhiều bận, nhưng nói rất ít, và cô thì gặp người văn nhã lấy làm thẹn lắm, không dám chuyện trò. Trên một quãng đường vắng anh giáo vờ đánh rơi một lá thư. Cô Hoàng nhặt đem về, cả nhà xúm nhau đọc, lấy làm thích thú, và đều thấy cảm thương. Bà Nghĩa nhắn tin khuyến khích bên nhà trai. Hôm anh giáo đến nhà ông Nghĩa lần đầu, cả nhà gái tò mò quan sát rất kỹ tác giả bức thư tình. Ai nấy bằng lòng lắm. Đó là một thanh niên trắng trẻo, hơi gầy. Mái tóc lưa thưa, chải rất ướt, dán sát vào da đầu. Chân mày anh ta thưa đến nỗi trông gần như trụi. Môi dày và đỏ. Cặp mắt chậm chạp nhưng có vẻ hơi dữ, thường nhìn lên.
Hai vợ chồng cô Hoàng ăn ở với nhau được hai năm thì sinh chuyện bất hòa. Anh giáo đau một trận thương hàn, rồi tự nhiên phát ra chứng toàn thân run rẩy. Anh giáo run đến nỗi không sao có thể bưng chén ăn được, vợ phải đút cơm. Anh càng ốm đau, bất lực, càng ghen với cô vợ phốp pháp. Hoàng bị giữ chặt chẽ hơn hồi còn con gái, không được đi xem hát, xem hội, không được đi chợ xa... Nhưng rồi về sau anh giáo bắt gặp vợ thông dâm với người trai cày của cha mình. Cô bị cắt đi mái tóc. Sau trận xung đột kịch liệt ấy cô đâm liều, giao du thân mật với rất nhiều người con trai, và không nhường nhịn chồng nữa. Khi trước cô gái rụt rè kính trọng người văn nhân thanh nhã, nhưng lúc người đó chỉ còn là một hình thù xấu xí bắt đầu lộ ra bản năng hung bạo, thì người con gái thô lỗ hung bạo trong cô liền vùng dậy kháng cự. Và tất nhiên cô thắng thế. Có ai ngờ khởi đầu anh giáo rơi một lá thư mà kết cuộc cô Hoàng mất mái tóc, cuộc tình duyên lại trắc trở đến thế.
Cuộc đời hai người chị đầu đều xa lạ với Bạch. Lớn lên Bạch cũng có nghe nhắc đến, nhưng các chuyện ấy không làm cô gái suy nghĩ. Hai chị đầu thuộc về lớp người lớn. Cho đến cô Thanh cũng sinh trước Bạch đến chín năm. Thanh được bảy tám tuổi, người ta đã tưởng cô ta là con út. Khi Thanh mười sáu tuổi thì Bạch mới chỉ có bảy tuổi. Chênh lệch nhau thế cho nên hai chị em không mấy khi gần nhau. Trong khi Bạch vọc cát, vọc đất, lúc thúc chơi ngoài vườn hay ngoài bãi sông thì Thanh đi cấy, đi gặt, chằm nón, may áo. Những lúc rảnh, Thanh đi cặp kè bạn bè, rất ít khi ngó đến em. Chỉ những khi nào cô Thanh đi đêm một mình bà Nghĩa buộc phải dẫn Bạch theo, “cho có bạn”. Thanh biết rằng con bé chẳng phải để làm cho mình vui vẻ gì dọc đường, mẹ cô cũng chẳng quyết giữ gìn cô chặt chẽ hơn các người chị; tuy vậy cô cũng thuận nhận đem em theo như một thủ tục không thể bỏ qua.
Sự thực thì Bạch không trở ngại gì công việc của chị. Có một lần chị em đi xem che mía ở An Lợi. Người ta che mía và nấu đường giữa đồng cho khỏi tốn công vác mía cây về nhà. Gặp đám che giữa đêm trăng trai gái thường kéo đến vịn che, vừa đi vừa hát suốt đêm. Hôm ấy Bạch được chị xin cho cây mía, ngồi ăn. Ăn hết một đoạn, nó buồn ngủ và nằm ngủ bên bờ ruộng. Khuya, thức dậy, nó không thấy chị trong đám người chạy che. Con bé lặng lẽ đi tìm. Khi trông thấy chị nó với một người con trai ôm nhau trửng giỡn như cặp chồn cắn lộn giữa bụi cây thì nó ngạc nhiên sợ hãi ngồi nép xuống. Nó im lặng nghe chị nói chuyện rì rầm, nhìn chị hôn hít. Và khi trông thấy chị nó phơi bày da thịt trắng nõn dưới trăng, con bé lặng lẽ ngồi xem. Sau, nó lại kê đầu lên bờ ruộng nằm ngủ cho đến lúc chị nó tìm thấy, vác nó về nhà.
Hai ngày sau, chị nó ngồi vá áo. Con bé đang chơi với chiếc lon thiếc và hai ống chỉ, chợt dừng lại nhìn chị, suy nghĩ. Nó nhìn cánh tay nung núc của chị phơi ra ngoài tay áo cánh. Thanh không để ý đến đứa em, nhưng trong lúc nghiêng đầu cắn một mối chỉ, Thanh liếc mắt trông thấy cái nhìn của nó, hơi ngờ ngợ. Con bé sợ hãi cúi mặt xuống. Lần lần nó lân la đến bên cạnh Thanh và không để chị biết, nó rón rén vén vạt áo của chị lên. Nó vén lần lên cho đến khi chị nó giật mình ngạc nhiên, gạt tay nó và trợn mắt. Nó sợ hãi, liền bỏ đi.
Con bé không bao giờ đả động gì đến câu chuyện mà nó mục kích dưới trăng trong đêm che mía. Hình như những điều trông thấy giữa hai giấc ngủ, nó cũng cho là lạ lùng. Nó lấy làm nghi hoặc, nhưng tính nó lầm lì âm thầm, vả lại tự dưng nó cũng cảm thấy đó không phải là điều nên đem ra hỏi. Thỉnh thoảng nó lén lút tìm cơ hội nhìn lại da thịt chị nó như tìm xem tang chứng dấu tích để xác nhận một sự thực ngờ vực.
Thanh không nghi ngờ gì em và không để ý đến nó. Vì thế trong lúc thơ ấu nó lại được nhiều lần chứng kiến hành động thân mật của chị.
Trong bốn chị em, chỉ có Bạch sống gần cha. Cũng có lẽ chỉ có nó là con của cha. Tại sao đứa con thứ tư lại thuộc về phần ông Nghĩa? Thỉnh thoảng tạo hóa cũng để dành cho mình cái quyền phép về một vài điều bí mật, người đời không biết được. Tuy thắng cuộc như thế ông Nghĩa cũng không lấy làm hớn hở.
Chiến đấu không gặp hiểm nghèo thì thắng trận cũng không xem là vinh quang, một người hùng của Corneille nghĩ vậy. Và ngay cái lúc ông Nghĩa làm việc cho sự thắng trận ông không hề gặp sự hiểm nghèo, chắc vì đó mà ông không cho là vinh quang.
Mặt mũi hình dáng Bạch không xấu xí như cha, hình dáng nó giống mẹ, nhưng tính nó lại giống cha. Nó lầm lì suốt ngày. Ngay từ hồi lên hai tuổi trong cặp mắt nó đã có cái vẻ lãnh đạm đố kỵ với những hoạt động ồn ào. Khi cô hay dì nó chạy đến vồ vập nựng nịu nó, khi trẻ con la cười bên cạnh nó, nó ngẩng lên, giương hai mắt tròn nhìn một lúc lâu rồi thản nhiên cúi xuống, không hề hưởng ứng. Thái độ ấy làm cho dần dần chung quanh nó có sự lạnh nhạt, và nó cùi cũi một mình.
Hồi ba bốn tuổi nó thường bắt kiến ăn, từng nhúm. Bà Nghĩa lấy làm ghê tởm. Một lần bắt gặp con bé ăn kiến, bà đang cầm cái ống tre dài bốn tấc tây dùng để thổi lửa, bà quất ngang mồm, và đập lên tay con bé mấy cái, làm nó chảy máu mồm, dập môi, và bàn tay sưng vù lên. Nhưng tính Bạch lặng lẽ, cho nên ít khi mẹ nó chú ý đến mà bắt được nó nghịch bậy. Nhiều lần nó ngồi lượm kiến ăn hàng giờ ngay sau lưng mẹ mà bà Nghĩa không ngờ đến.
Cái sở thích bệnh hoạn kỳ cục đó được giải thích là vì con bé ngu ngốc đần độn. Khi bà Nghĩa nói với khách: “Ai gặp phải đứa con như thế cũng chịu thôi. Trông cái mặt của nó đần như thế kia mà dạy làm sao được...” thì trong trí bà đã có lảng vảng sự căm giận khinh bỉ ông Nghĩa. Mấy tiếng “cái mặt nó” dằn xuống một giọng ghê gớm; mối hằn học ấy không thể đè trút xuống một đứa trẻ con. Dần dần rồi con bé càng lớn càng chịu rước hết mối ác cảm thay cha. Quả nó thật là rầy rà. Nếu không có nó, người mẹ đã quên đi ông chồng xấu xí. Sự ra đời của nó công khai xác nhận chủ quyền hiển nhiên của ông Nghĩa đối với vợ, khêu lại sự tức giận khổ sở của người đàn bà.
Mẹ nó đối với nó đã như thế, không còn ai nghĩ có cách gì chữa tật xấu của Bạch khác hơn là đánh cho thực đau. Khi lên năm tuổi, tự nhiên nó bỏ ăn kiến.
Ở cái tuổi con nít thích chơi búp-bê, Bạch thấy cái thú gần gũi cha nó. Ông Nghĩa cũng tiếp nhận sự săn sóc tỉ mỉ của nó với thái độ thụ động của một con búp-bê. Con bé cứ đôi ba tháng lại đổi một sở thích, ông Nghĩa cứ để mặc ý nó. Nó nhổ tóc ngứa chán rồi tập cách bẻ ngón tay ngón chân kêu lắc cắc. Một độ nó thích đấm lưng. Có hồi nó tập vuốt trán bắt dấu. Nếu con bé ì ạch bên cạnh mãi mà ông Nghĩa không ngủ được, thì ông ta khoát tay ngồi dậy, sai nó chạy hái mấy lá mãng cầu, ông ta cúi xuống đất lấy lên một cây củi giấu sẵn dưới phản, đập lộp bộp lên mép phản rồi thổi cho bay lớp tro tàn, hơ lá mãng cầu lên lửa cho mềm để vấn thuốc hút. Có lúc vừa hút thuốc ông Nghĩa vừa nhìn đứa con gái của mình. Thấy nó xinh, dễ thương quá, ông lấy làm thích thú vui vẻ. Và tự nhiên ông ta nẩy ra thích thú bất ngờ, ông đùa, chìa điếu thuốc lên môi con bé, cười vô duyên.
— Mày hút thử không?
Con bé nheo mắt lại tránh khói thuốc, vừa nhăn mặt vừa thụt lui. Ông Nghĩa vẫn cười nhăn nhở, đưa một tay dúi thuốc vào gần mũi nó rồi lại giật ra, cứ thế năm bảy lượt, chọc cho con bé giãy giụa nhăn nhíu mặt mũi. Làm sao biết được lúc ấy trong lòng ông Nghĩa tràn ngập một nỗi thương yêu sung sướng vô cùng, ông muốn kéo dài trò chơi. Ông ta cuời vô duyên, nhưng trong hai mắt nhìn chăm vào khuôn mặt con bé, người ta thấy lóng lánh ánh sáng của những giễu cợt âu yếm và gần như thông minh.
Đến khi Bạch hét to lên: “Chết! Thả ra!” ông Nghĩa mới vội vàng buông tay, như mới vừa để ý đến cử chỉ của mình.
Ông Nghĩa vẫn nhìn con bé, cười, nhưng không còn sự vui vẻ sung sướng nữa. Cái cười còn in trên môi ông chỉ như gắng gượng vụng về xin lỗi con bé.
Khi cái cười tắt đi, gương mặt ông lại tối sầm, quằm quặm. Ông hỏi đứa con gái:
— Ai cho mày sợi dây cườm này?
— Chị Hai.
— Chị Hai nào?
— Đàng nhà cậu Bốn. Nhiều lắm. Đứa nào cũng xin được một dây.
— Con Hai Khôi ở Nha Trang về hả? Hồi nào?
— Hôm qua... Cha không biết à?
— Không... Mày vừa đánh nhau với đứa nào vậy?
— Không.
— Thế sao trầy mũi?
— Mẹ đánh.
Ông Nghĩa chợt nghiêm sắc mặt lại như vụt biến thành một người khác, không hề biết đến câu chuyện vừa chấm dứt. Miệng ông ngậm lại, môi trên nhô ra trùm khuất môi dưới. Rồi ông Nghĩa đứng dậy đi tiếp tục công việc.
Thường thường ông tình cờ biết qua về những hoạt động trong xóm là do đứa con gái nhỏ. Nhưng lần nào câu chuyện quanh co dẫn đến bà Nghĩa thì ông dừng lại ngay.
Vả lại, cha con ông vẫn ít trò chuyện. Ông Nghĩa nằm yên cho con đấm lưng rồi ngủ quên, ngáy ầm lên. Con bé hoặc đi tìm chỗ khác chơi, hoặc có khi cũng nằm queo ngủ bên cạnh cha.
Lúc đó nếu có khách đến thì bà Nghĩa tùy trường hợp mà đối xử. Hoặc là phát thực mạnh vào mông con bé và la ầm lên cho cha con vùng dậy. Con bé hoảng hồn lủi đi chỗ khác, ông Nghĩa thì tuột xuống đất ngồi đan đát. Hoặc bà tươi cười nhìn hai bố con với một vẻ khoang dung bao bọc và nói như xin lỗi khách: “Chao ôi là ngủ! Tội nghiệp! Thôi để yên cho cha con ngủ.” Rồi bà lấy một cái quạt bằng mo cau ép phất phất mấy cái để xua ruồi. Trong khi tiếp chuyện khách, thỉnh thoảng bà Nghĩa lại gần, kéo ống quần con Bạch xuống cho kín chân, cài cho nó một hột nút áo, và lại quạt cho hai cha con.
Khi khách đi rồi, bà Nghĩa quay qua công chuyện khác, như không trông thấy hai cha con ông Nghĩa nữa, như không hề biết có cha con ông nằm ngủ trước hiên.
Cho đến mười ba mười bốn tuổi, Bạch vẫn còn ngủ chung với cha. Mình mẩy tóc tai nó hôi mùi khói thuốc nồng nặc. Một hôm Hồng về thăm nhà — thường lâu lắm, một đôi năm, Hồng mới về nhà một chuyến — trông thấy nó, buột miệng khen:
— Mẹ thấy không? con này nước da trắng, giống mẹ. Rồi nữa lớn nó đẹp đấy.
Bà Nghĩa cười hè hè lơ đãng:
— Chị khéo khen em!
Rồi bà lén nhìn lại đứa con gái út. Một lát tự dưng bà lại cười hề hề, chưa rời ý nghĩ về con bé.
Nhưng bỗng Hồng la lên:
— Sao mày hôi thuốc lá quá vậy, Bạch?
Bà mẹ tắt liền nụ cười:
— Còn tại sao nữa? Ngày nào đêm nào cũng ôm khư khư lấy cha nó, ông ấy phà khói thuốc mù mịt.
— Trời đất! Con gái chừng này còn ngủ với cha. Kỳ cục.
Bà Nghĩa trọn mắt quay lại phía con Bạch, chỉ vào trán nó:
— Đó! Nghe chưa? Từ rày phải kiếm chỗ mà ngủ riêng ra, nghe chưa? Gớm! Còn nhỏ xác lắm sao?
Rồi thình lình bà ngoắc lại hỏi nhỏ Hồng, nghiêm trọng:
— Nghe nói thầy giáo bên đó kêu bán hai mẫu ruộng rộc, có không?
— Mẹ tính mua hả?
Bà Nghĩa giật lùi ra, gườm con gái:
— Hừm! Cái con này! Thì hỏi vậy thôi...
— Đừng mua ruộng nữa. Có ruộng rồi khổ đa, mẹ không biết sao?
Bà Nghĩa hớn hở, thân mật:
— Vậy há? Mày nghe nói chủ trương của nhà nước thế nào?
Hồng biết khi mẹ gườm mình phản đối thì bà hãy còn định mua, nhưng khi bà nghiêng người tới hỏi “vậy hả”? thì bà đã sắp đổi ý rồi.
Bà Nghĩa làm chủ gia đình. Và cách thức giải quyết công việc của người chủ gia đình là như thế, thường thường ngay trong khi trò chuyện. Có nhiều điều xảy ra trong nhà bà không chú ý đến, nhân có người nêu lên trong một câu chuyện, lập tức bà quay ra giải quyết nhanh như cắt. Cứ lần lượt hết chuyện này đến chuyện kia, lắm khi một người khách đến chơi một lát giúp bà sắp đặt chỉnh đốn năm bảy công việc gia đình.
Và như thế, Bạch ngủ riêng.
Nó không hôi mùi thuốc lá nữa. Gần nó chỉ nghe mùi lông bò thôi. Dẫu sao đó cũng vẫn còn là thứ mùi thừa đi. Nếu không có, người ta đã ngửi dược mùi con gái của nó.
Bạch vẫn chăn bò từ hồi lên tám. Nó đã quen cưỡi lên lưng bò. Đáng lẽ lớn lên nó không được cưỡi nữa. Mẹ nó đã cấm: “Mày tưởng còn nhỏ xác lắm sao? con gái lớn chồng ngồng chừng ấy ngồi ngất nghểu trên lưng bò không biết mắc cỡ, tao chịu mày.” Nhưng Bạch vẫn lén lút cưỡi bò. Nó không mắc cỡ.
Mặc dù hôi hám, ăn mặc lôi thôi, tính nết chi bi chim bỉm, thực thà gần như khờ dại, nó vẫn được con trai chú ý. Vì nó đẹp. Luôn luôn phơi nắng, nhưng tóc nó chỉ hoe vàng chứ da nó vẫn không chịu rám nắng. Hàm răng rất đều đặn của nó không được đánh bằng thứ kem nào cả nhưng vẫn trắng rất xinh. Bắp thịt nó nở cân đối và rắn chắc.
Năm mười sáu tuổi nó vẫn không chịu hiểu những lời trêu ghẹo bóng gió. Một hôm cho bò ăn ờ rừng Cà Tang, trong lúc xúm nhau đùa giỡn, một đứa con trai nửa đùa nửa thực đưa tay định chụp vào ngực nó. Nó đón bắt được bàn tay, nắm thực chặt. Đứa con trai giật tay ra không được, lấy làm tức giận. Nhưng con bé cũng giận. Vả lại lũ trẻ xung quanh la ó cổ võ làm cho nó bối rối khó xử. Nó cứ nắm tay đứa con trai, rồi mím miệng, từ từ vặn tréo cánh tay hắn ta quặt ra phía sau. Trẻ chăn bò hét lên rầm rĩ quá, hoan hô rộn quá, nó không biết làm thế nào, cuối cùng nó vội vàng xô mạnh hắn ta chúi đầu tới trước.
Việc ấy xảy ra trước mắt ông học Thạch. Ôâng ta lấy làm thú vị lắm. Học Thạch là bậc nho nhã, nhưng có cảm tình với tất cả những cánh tay mạnh, có thứ gân thực tốt, nên thường tổ chức những cuộc vật lộn và chọi bò. Ông ta năm bảy lượt tìm cách xúi Bạch vật lộn, nhưng nó nhất định không chịu hưởng ứng. Tuy vậy chỉ một vặn tréo cánh tay của một gã thanh niên lớn hơn nó bốn tuổi cũng đủ khiến nhiều người đồn đại về sức khỏe của Bạch. Đối với con bé hiền lành, sự đồn đại đáng lẽ là ngợi khen lại biến thành nhạo báng. Có người gặp lại nó, hỏi: “Này! Nó định làm gì mà cô vặn tay nó?” Có người xòe bàn tay ra, nói: “Tay nó dễ ghét, nhưng cô xem giùm liệu có tha được bàn tay tôi không thì bảo trước đi.” Và những bàn tay ấy chờn vờn toan hành động.
Bạch không biết cách đáp lại. Nó sợ hãi không dám phô bày sức mạnh nữa. Nhưng lần khác, một con bò đực của nó đạp phải chông, lâu ngày chỗ bị thương lở thối, có dòi. Một mình Bạch cột đầu con bò ép vào góc chuồng, ôm chân bò giơ cao lên để rút chông ra và rảy crésyl vào chỗ lở mà con bò không giãy thoát nổi. Chuyện đó rồi cũng lại được phao đồn.
Con trai không dám lỗ mãng với nó nữa. Giai đoạn mới có hình thức tấn công ái tình mới. Một anh chàng hôm nào cũng giả vờ vác cuốc ra thăm đồng, chờ lúc nó lừa bò về thì lẽo đẽo theo sau, gợi chuyện. Bạch ít có chuyện để nói, tuy vậy nó không từ chối sự ân cần của ai cả, nó đáp lại đầy đủ hết những câu nói của người thanh niên. Anh ta đi sau, nó cưỡi bò đi trước. Phải nhiều lần như thế lắm, người kia mới tìm cách rủ được nó bỏ lưng bò nhảy xuống đi bộ.
Rồi người con trai theo nó lên rừng. Bạch vẫn không đoán được câu chuyện nói dài dòng như thế sẽ đưa tới đâu. Gặp chỗ vắng vẻ, người con trai nắm lấy tay nó, nó nhìn lên, ngạc nhiên. Mặt đỏ như gấc, nó lách mình bỏ đi. Trông bộ dạng nó, người con trai không dám đuổi theo.
Bạch nhớ lại câu chuyện chị Thanh đêm trăng che mía ngày xưa, vừa thẹn vừa sợ hãi: sự bí mật lạ lùng, vừa tục tằn vừa khó hiểu đó suýt nữa choàng phủ lên nó rồi? Gạt người con trai ra, thoát đi đã xa chỗ vắng vẻ, nó vẫn còn bàng hoàng, hồi hộp.
May sao đôi ba, năm bảy lần kháng cự ái tình chưa phải đã có thể chấm dứt cuộc đời tình ái của một người con gái. Rồi Bạch vẫn cứ gặp chuyện yêu đương, và ngạc nhiên một cách dễ chịu như con bò tự thấy không thể từ chối cặp sừng.
Chẳng những thế, sau này Bạch còn tự nghĩ giữa mình với Đang tất có duyên nợ. Nếu không, hôm đó đã không gặp nhau. Hôm đó, từ nửa đêm, Bạch đau bụng. Nó đến bên bếp, bươi trấu, thổi lửa, hơ bàn tay cho nóng rồi áp vào bụng. Những lúc ruột quặn lên đau quá nó vặn mình rên nho nhỏ. Bớt đau, người con gái lên giường nằm úp sấp, ép bụng sát xuống mặt giường. Nó chợp mắt ngủ quên đi một lát rồi lại giật mình thức dậy.
Khi nghe vang lên trong xóm tiếng gõ đòn xóc, Bạch thấy cơn đau vừa dịu xuống, lưỡng lự một chút, rồi cũng đi rửa mặt qua loa, xách nón ra đi củi. Mỗi sáng, trời còn tờ mờ, những người đi núi chặt củi dùng rựa gõ mạnh lên đòn xóc để rủ nhau. Khi Bạch ra khỏi cổng, thì tiếng cười, tiếng gõ đòn xóc đã văng vẳng ở xa. Nó lủi thủi đi một mình.
Đến trưa, chặt và bó củi thành gánh xong xuôi, mọi người tập trung lại nghỉ bên một khe nước. Người ta uống nước, hút thuốc, nói chuyện một lát trước khi về. Khi ấy, Đang vừa đến.
Đang là con trai độc nhất của học Thạch. Thuở nhỏ anh ta cùng chơi đùa với Bạch, với những người con trai và con gái có mặt trong đoàn đi củi, đã cùng với họ đập lộn, vật lộn, rồi cùng nằm ngang nằm dọc phơi mặt ngủ giữa bãi sông Ba. Nhưng lớn lên trong bọn chỉ có mình Đang đi học, nên họ xa rời nhau. Mỗi năm về làng chừng vài tháng, Đang vẫn câu thụt trên sông, vẫn soi ếch, vẫn dự vào các đám săn chồn săn nai với người làng. Tuy thế mỗi năm xa làng đến chín mười tháng là quá nhiều, Đang không còn thực sự là người làng nữa.
Các cô gái tò mò để ý đến những nét bỡ ngỡ ngớ ngẩn của Đang, họ cười khúc khích. Anh ta mở một túi vải màu xanh, vốc từng vốc sim, chà là, trái dấy, chia cho mọi người. Anh ta đi dạo núi để hái những trứ trái ấy. Các cô gái làm ra vẻ tự nhiên, giành lấy túi vải tuyển chọn trái ngon. Đang quay về phía Bạch, ngạc nhiên hỏi:
— Cô Bạch chê hả?
Bạch toan bảo là mình đau bụng, nhưng hai ba cô bạn đã vội đáp thay:
— Ơ, anh chưa mời nó mà!
Đang nghẻo đầu về phía mấy cô gái, hỏi:
— Hở?
Các cô gái bụm miệng ồ lên cười. Đang chợt hiểu, cười theo, đưa cho Bạch một nắm trái sim:
— Thì mời!
Họ lại cười ầm lên:
— Gớm chưa? Chỉ mời riêng nhau. Thôi, bọn mình không ăn nữa.
Một cô nói với Đang, vẻ đứng đắn:
— Anh phải đưa cho con Bạch nó coi tướng tay mới được. Nó thạo lắm.
Đang quay đầu ngó bên này bên kia, ngờ vực. Cô gái bảo:
— Bộ bọn tôi nói láo sao?
Đang vẫn chưa hiểu, cười cười, đưa tay ra, nói giọng giễu cợt, ngập ngừng thăm dò:
— Cô Bạch xem giùm coi tôi bao giờ có vợ?
Cả bọn vùng cười ồ. Đang cũng ngẩng lên nhìn hết người này đến người khác, ngạc nhiên thấy câu pha trò của mình thành công quá mức và nghi ngờ cái cười có hậu ý. Rồi anh ta hất mặt lên cười, ra ý đã hiểu chuyện và bất cần. Nhưng xem ra anh ta vẫn chưa hiểu gì. Bạch đỏ mặt cúi đầu. Nhưng nó len lén liếc mắt nhìn vẻ mặt Đang. Và nó cũng bật cười. Gớm! Người đâu khéo thực thà. Lần đầu tiên nó gặp một người ngớ ngẩn thực thà hơn nó.
Bộ dạng anh ta, Bạch trông thấy ngộ nghĩnh. Hai vành tai đỏ và mỏng, hướng hẳn ra phía trước, như hứng đón âm thanh một cách quá niềm nở. Hai con mắt ướt với hàng lông nheo dài nhìn vào đâu cũng đầy vẻ nghiêm trọng. Cả những lúc cười đùa, cái cách anh ta nhìn người khác cũng có ý lo lắng và e ngại, hình như không chắc mình đã cười đúng ý kẻ nói. Cặp mắt của một nguời đứng đắn, chậm hiểu những sự tinh nghịch.
Hai môi anh ta mỏng dính. Trên mép lông măng mọc cao, đen như râu. Trông cặp môi và cái mép rung rung ngần ngại khi anh ta nói: “Cô Bạch xem giùm...” không thể nín cười được.
Cánh tay anh chìa ra gầy, và cũng nhiều lông.
Bạch soát lại một loạt những chi tiết đó, thấy không có cái gì liên quan đến cái thân thể quen thuộc của chú bé Đang ngày xưa vẫn đùa giỡn với nó. Bạch nhận thấy anh chàng thì ngơ ngác lạc loài, các cô bạn thì vồ vập ồn ào. Nó ngồi riêng trên cỏ. Cỏ mát, hơi gió thổi dưới bóng cây, bóng nắng lốm đốm chạy loạng xoạng trên cỏ, trên tóc tai mặt mũi, và loạn xoạn trước mắt làm cho nó thấy lành lạnh và xôn xao.
Một người đàn ông đứng lên, nói:
— Thôi. Về!
Bạch đứng dậy, bước xuống dòng nước, rửa lại hai tay, rồi trèo lên một hòn đá sống trâu, giữa nắng, chùi tay vào vạt áo, và cúi xuống xắn hai ống quần. Lúc Bạch từ trên tảng đá bước xuống lội vào bờ thì Đang từ trong bờ đi ra, tay cầm cái ca bằng nhôm. Gặp nhau, anh ta vừa ngước mặt lên liền bị trượt chân.
Anh ta vung hai cánh tay dài ra cố gượng; Bạch thấy loang loáng trước mặt cái ca sáng lấp lánh. Nó ngửa người ra phía sau, né những cánh tay ấy, nhưng Đang ngã sấp tới, nó vội đưa một tay ra đỡ, và trượt ngã theo. Bạch khuỵu xuống, va đầu gối vào một tảng đá, rồi ngã ngồi. Nước bắn tung lên trắng xóa quanh hai người.
Bạch cúi nhìn nét mặt hoảng hốt của người con trai trên tay mình. Đầu anh ta kê vào ngực Bạch, hai mắt mở to ngơ ngác, nước khe bắn văng lên ướt má, ướt lông nheo, lông măng trên mép anh ta. Thoạt tiên anh ta đón nhìn thẳng mắt Bạch như để nhận hiểu tình thế, rồi chợt anh ta vội vàng chới với chồm dậy.
Người con gái một tay ôm giữ đầu Đang, một tay chống ra phía sau. Nước suối ngập quá rốn.
Trên bờ, một đứa con gái kêu:
— Coi kìa!
Tiếp theo, một tràng cười rộ lên ầm ĩ.
Mặt Bạch bừng đỏ. Nó bối rối. Sự cảm động bất ngờ và vô lý của nó làm cho người con trai khó xử.
Đang quay lại, vào bờ, ướt lướt mướt, trên tay vẫn còn cái ca không, quên múc nước. Anh ta ngước nhìn từ người này đến người kia, cười thực thà, như muốn bảo: “Chúng tôi không sao cả! Vui nhỉ!”. Và anh cúi lượm túi vải xanh, chào mọi người, bước đi.
Khi anh ta khuất dạng, Bạch thấy dễ chịu, nhẹ người.
Nó định bước vào bờ, nhưng đầu gối và bắp đùi đau nhói lên, không cất bước nổi. Nó chống tay vịn một mỏm đá nổi, từ từ ngồi xuống. Lúc ấy người ta mới biết Bạch bị té nặng.
Nhưng Bạch chỉ phải ngồi yên chừng mười lăm phút cho dịu bớt đau, rồi cũng khập khiễng bước theo mọi người đi về được. Chỉ phải bỏ lại gánh củi bên khe nước.
Nửa đêm hôm đó trời mưa to. Bạch nằm trên chiếc chõng nhỏ dựa sát vách, cách bếp lửa ba bốn thước. Chỉ có mình nó ngủ ở gian nhà bếp. Mưa ào ào vây bọc xung quanh, làm tắt câm hết những tiếng động của sinh hoạt gia đình, làm cho mỗi người trong nhà cảm thấy hoàn toàn cách xa, tách biệt với những nguời khác.
Đêm nay nằm giữa nước mưa tuông xối bốn bề, người con gái chợt để ý và thích sự cách biệt đó. Cảm thấy thực sự hoàn toàn riêng cách, nó lại thấy yên tâm và ấm cúng hơn lúc nào hết. Bạch vẹt những sợi tóc hai bên má, nghiêng mình yên lặng nằm nhìn ngọn lửa chập chờn xung quanh cái nồi bầu nấu cháo cho heo ăn. Ánh sáng rung rinh nhảy múa trên thân hình nở nang của người con gái. Bạch vẫn không chú ý đến một đôi chỗ hở hang: ống quần tụt cao lộ hai cổ chân no tròn, nút cổ bật khuy... Miệng nó hé ra lơ đãng, hai mắt ươn ướt.
Tiếng mưa bên ngoài càng ồn ào dồn dập bao nhiêu, Bạch càng thấy tăng thêm rõ ràng cái cảm tưởng được che chở yên tĩnh bấy nhiêu. Nước đã chảy tràn lan khắp vườn, quanh hè. Không có gió thổi nhưng các dòng nước đổ mạnh nghe ồ ồ khắp tứ hướng, thoạt mới nghe tưởng như có gió thổi rất gấp.
Bạch quay nhìn hàng nước mưa tuôn như một bức rèm sáng từ mái tranh buông xuống để ngăn đón cảnh mưa gió bên ngoài khỏi lấn tràn vào. Nó kéo chiếc chiếu quật đắp lên mình, không phải vì lạnh mà để có cảm tưởng được kín thêm.
Cho đến ngày thành một thiếu nữ được yêu thương, Bạch vẫn cứ lẻ loi. Chỉ những lúc được ở riêng một mình nó mới thấy yên dạ, và hưởng một cảm giác gần như sung sướng. Chỉ những lúc bị bỏ rơi, nó mới cảm thấy mình thực sống trong không khí quen thuộc, trong cái không khí của mình. Thường mỗi tối bà Nghĩa vẫn nằm một nơi, ông Nghĩa một nơi riêng, và từ ngày bị Hồng chỉ trích Bạch ngủ một mình duới nhà bếp. Mỗi người vẫn không ngó ngàng đến cảnh sống của nhau. Nhưng trong đêm mưa, Bạch có cảm tưởng càng được đưa lui tách ra ngoài cuộc sống chung lộn với kẻ khác, đưa xa hơn những ngày thường. Và cuộc sống tâm tình của Bạch thức dậy như những con ốc chỉ chờ khi nước hết xao động mới dám dần dần hé miệng thò chân ra cử động.
Ban chiều, khi khập khiễng về nhà, Bạch chỉ nhớ các sự khó chịu: bực mình, xấu hổ, bối rối..., và những câu chế giễu:
— Bà con trông thấy ra sao? Cô ôm cậu ngồi trên tảng đá, tình tứ lạ!
— Thằng Đang coi vậy mà khôn: chỉ ngã một cái mà nên chuyện.
Bây giờ mới lần lần hồi lại trong trí Bạch những xúc động luống cuống tê mê lúc người con trai áp sát đầu vào ngực nó. Lần đầu tiên đứa con gái bị động chạm tới chỗ thân mật. Cho đến bây giờ, đêm khuya, Bạch tưởng như đầu anh con trai vừa mới rời mình tức thì. Bạch vừa nôn nao những rung động ham muốn, vừa thấy dạt dào mối cảm thương dịu dàng. Nó nhớ cặp mắt mở ngơ ngác hoảng hột nhìn lên mắt nó, những giọt nước đọng trên hai hàng lông nheo, trên hai bên mép có lông măng lún phún. Nó nhớ cặp môi mỏng và đỏ, cười vụng về.
Đang không phải là một gã con trai đẹp đẽ. Trong khi cúi đầu liếc nhìn lên, Bạch lại còn thấy gã có vài nét ngớ ngẩn, khiến nó không khỏi mỉm cười. Nhưng lần này nó không gặp sự lỗ mãng. Nó bắt được cảm xúc của anh con trai. Nó nghĩ đến cánh tay gầy yếu của anh ta. Và tất cả khiến nó thấy lòng xôn xao dịu dàng.
Mắt người con gái mờ đi, thiết tha, hướng về một đối tượng vô hình, trong lúc nó vẫn đăm đăm nhìn như ngây dại về phía hàng nước mưa sáng lóng lánh giăng từ mái nhà xuống giọt. Tiếng nước đổ đều đều ào ào làm cho Bạch chìm vào cảm giác đê mê triền miên. Nó đuổi theo những mơ tưởng táo bạo: nó trông thấy mình sát bên Đang, theo chân người con trai, đi theo mãi, xa hết cửa nhà làng xóm, gần bên nhau riêng một nơi, sát bên nhau trong yên lặng đằm thắm không lời. Nó không mơ tưởng nói năng gì với nhau cả. Chỉ có yên lặng bên cạnh nhau, và xa hết mọi người.
Trận mưa chấm dứt lúc nào không hay. Sự vắng vẻ thình lình làm Bạch sực tỉnh. Tiếng nồi cháo sôi bên giường nổi lên ạch ạch. Nồi cháo nấu cho heo ăn bốc lên từng luồng hơi nóng. luồng hơi phất ngang qua đầu và mặt Bạch rồi bay thoát ra sân, lảng vào đêm tối.
Người con gái rời khỏi giấc mơ, nghe tiếng bò húc nhau tông vào những cây róng trong chuồng, tiếng móng chân con chó đi lại quẹt trên mặt đất ngoài hè... Bạch như đang từ xa vụt quay về khung cảnh sinh hoạt của mọi ngày.
Bạch cựa mình, khép hai cánh tay trước ngực, nhắm mắt lại, nghe chạy khắp mình một cảm giác vừa đau mỏi vừa khoái trá tê mê. Những xôn xao vừa rồi bắt đầu tan xóa đi như không có duyên cớ gì quan trọng.
Ngoài đồng, từ khắp nơi dâng lên tiếng ếch nhái kêu vang. Mặt đất mát mẻ thở ra sự khoan khoái nhẹ nhõm.
Trời đã mưa một đêm, đêm sau lại mưa. Cứ thế luôn một tuần.
Ban ngày, trong khi làm lụng với mọi người Bạch vẫn lặng lẽ, chịu đựng, gần thản nhiên như chẳng có việc gì xảy ra. Ánh sáng ban ngày và sự có mặt của kẻ khác làm tiêu tan những mộng tưởng hão huyền. Trước mọi người, Bạch thấy sự mơ ước của mình là lố bịch, nó không có gan tiếp tục nghĩ đến Đang trước kẻ khác.
Nhưng đêm đến, những đêm mưa mùa hè làm cho trời đất mát mẻ và vây kín Bạch trong những giờ lẻ loi cô tịch, Bạch lại triền miên sống với các ao ước viễn vông. Những trận mưa đối với nó gần như bao giờ cũng đem lại cảm tưởng sung sướng: những khi nó chặt cây giữa núi, gặp mưa, nước rơi lộp bộp trên nón lá, xối xuống hai vai, nó co rúm lại nhìn ra núi rừng mịt mù, vừa lo hãi vừa cảm thấy một sự thích thú kỳ lạ được biệt tịch giữa cảnh rầm rộ dữ dội. Nước thấm vào quần áo, chảy từng dòng len lách trên da thịt, hòa với mồ hôi và hơi nóng trong người, bốc ra cái mùi thân mật của thân thể mình. Nó thu người lại trong bụi, nghe tiếng mưa đổ, ngửi mùi nước lạnh, mùi hơi mình kín đáo phảng phất, nhìn nước bắn trên đất trên lá, nhìn vớ vẩn, cảm thấy mình lẻ loi hơn bao giờ hết. Nó mong cho những phút ấy kéo dài mãi.
Và chỉ trong yên lặng cô độc như thế người con gái mới tự thấy mình nở ra như hoa lan nở trong đêm khuya.
Trong các đêm mưa nó dám bạo dạn nghĩ đến chuyện bỏ nhà theo Đang. Cha mẹ cửa nhà thì đối với nó có là gì đâu? Nó có quyến luyến cái gì đâu? Sao nó lại không bỏ ra đi được? Nó trông đợi một dịp, trông được quyến rũ, được gọi là sẵn sàng đi ngay. Đêm này qua đêm kia Bạch nằm mơ ước đón nhận một dấu hiệu, một lời nhắn để chạy theo. Đang là cô gái thực thà lạnh lạt, nó vụt biến đổi, hóa ra thiết tha sôi nổi, ăm ắp một thứ tình cảm nồng nàn mãnh liệt.
Nhưng bảy đêm đã qua, những cảnh mơ ước tưởng tượng vẽ ra trong trí thành những cảnh quen thuộc. Dấu hiệu đợi chờ không bao giờ đến. Bạch thất vọng. Bỗng nhiên nó nghe mẹ nó nói đến chuyện đổi lúa giống ở nhà học Thạch. Khi chiều, trong lúc ngồi rửa chén ở ngoài giếng, nó nghe mẹ nói chuyện với người bạn về chuyện ấy.
Nếu thực ngày mai đi đổi lúa giống, thế nào nó cũng gặp Đang. Nó sẽ nói gì? làm thế nào? bày tỏ những gì với anh ta? Nó không dự tính gì hết, nhưng nó cảm thấy chắc chắn nếu nó gặp được người con trai lần này thì thế nào anh ta cũng hiểu được ý nó. Cử chỉ, dáng bộ của một kẻ muốn hiến dâng tự nó sẽ nói ra. Sẽ tìm ra cách thức bộc lộ riêng.
Tuy ở cùng một làng nhưng đã lâu lắm Bạch chưa đến nhà học Thạch. Hồi còn nhỏ nó đã theo Đang và lũ trẻ nhỏ kéo nhau vào nhà ông học chơi. Nhưng từ khi lớn lên, và nhất là từ hồi bà học mất đi, cô con gái ông học đi lấy chồng, nhà ông chỉ còn một người đàn ông với cậu con trai thì Bạch không có dịp lui tới. Ngày nay Bạch vẫn thường gặp ông học Thạch chăn bò trên gò hay treo chim cườm trên núi, nhưng khi bước chân vào cổng nhà ông học Bạch vẫn ngại ngùng, có cảm tưởng tiếp xúc với một gia đình hoàn toàn khác gia đình mình, ở một tầng lớp cao hơn.
Thực vậy, tất cả những gì còn lại thuộc về tiếng tăm dòng dõi của ông học Thạch đều ở trong ngôi nhà. Bước ra khỏi nhà, ông học không mang theo trên dáng dấp phong thái mình vẻ gì nho nhã sang trọng cả. Ông chỉ thường mang theo một cây sào dài, một cái lồng chim và rất nhiều ghét với mồ hôi. Ít khi bắt gặp một ông học Thạch sạch sẽ. Cơ hội ấy chỉ gặp hoặc một năm, hoặc hai năm, hoặc ba năm một lần. Định kỳ ấy dù dài dù ngắn cũng không đáng quan tâm, điều quan trọng cần chọn lựa là phải tắm vào ngày tý và tránh ngày mẹo, để được nhiều người thương yêu và tóc khỏi bạc trắng. Thuật giữ gìn sắc đẹp và đắc nhân tâm của ông học căn cứ theo sách vở:
“Tý nhật dục linh đa ái
Mẹo nhật dục linh bạch phát.”
Dầu ba năm tắm một lần thân thể cũng không hư hỏng. Nhưng quần áo lại khác. Bởi vậy có nhiều khi ông mặc một bộ quần áo mới may, lúc ông sực nhớ, thay ra cho giặt cơm lần đầu thì quần áo đã nát rã.
Sự nhớp nhúa ngoại hình chưa đủ làm mất hết cốt cách của môt người nho học. Nhưng về tinh thần thì ông học Thạch lại cũng thích xem vật lộn hơn là thơ phú. Xưa ông ta có đi thi, nhưng không đậu nổi tú tài. “Học sanh” không phải là một bằng cấp, một học vị, nhưng cũng là một vinh dự ở thôn quê. Thế mà nhắc đến hồi còn trẻ ông không màng nhắc tới chuyện học hành. Ông thích nhất là được nhắc lại cái thành tích quăng nổi hòn đá lên cao bằng ngọn dừa cao nhất trong làng. Tất cả sáu mươi lăm người trong đám bạn học của ông hồi đó không có một ai tranh nổi ông về sức mạnh của hai cánh tay. Mỗi lần nhắc đền chuyện ấy, học Thạch chúm chím cười. Ông giải thích: cánh tay ông có nhiều gân và gân tốt thượng hạng.
Do chỗ sùng thượng gân, ông học Thạch có nhiều cảm tình với môn chơi vật. Theo ông, vật lộn là cách hay nhất để thử thách sức mạnh gân cốt, tức sức mạnh nói chung của con người. Hồi còn trai, học Thạch là vô địch trong vùng về môn vật tay. Mãi tới già ông học vẫn còn thích xem và cổ võ người khác vật nhau. Trẻ chăn bò thường mời ông làm trọng tài các đám vật.
Cũng vì cái cảm tình với thứ gân tốt thượng hạng mà học Thạch nuôi bò để chọi nhau. Đó là một lối chơi kỳ quặc, tốn kém, tai hại. Những cuộc chơi chọi bò do ông tổ chức đã làm cho nhiều đứa trẻ chăn bò bị chủ đánh đuổi: một con bò chọi nhau bị gãy sừng, tét đầu, bị trật bả vai, có khi chạy chữa tốn bạc nghìn.
Chọi bò là say mê lớn nhất, ngoài ra còn độ năm bảy thú vui nhỏ: nuôi chim mồi, rập đa đa, xem hát bộ, câu cá, câu ếch, đánh ủ v.v... Thỏa mãn bấy nhiêu sở thích mất đi rất nhiều thì giờ, nhưng trọn đời học Thạch có cái may là không có sự bận rộn nào ngoài sự bận rộn giải trí. Hồi sinh thời bà học coi hết việc nhà, từ việc cấy hái cày bừa cho đến việc cơm nước vá may. Ông học hiểu nỗi khó nhọc của vợ lắm, và khi nào có cơ hội ông liền tỏ thái độ biết ơn. Đang thơ thẩn ngoài vườn rình tìm một con sóc để bắn, ông học bước vào goị vợ:
— Bà!
Bà học đang xay lúa ngừng lại nhìn lên:
— Gì vậy?
— Tôi lo quá!
Bà sắp sửa tiếp tục xay, hỏi thêm:
— Ông mà lo cái gì, trời ơi!
Ông học điềm nhiên trả lời:
— “Một lo con bò trắng răng,
Hai lo kẻ thấp không bằng người cao.”
Bà học quặt một tay ra sau, đánh bạch bạch vào chân ông mấy cái, kêu lên:
— Quỷ! Quỷ! Trời ơi, có đi chỗ khác mà chơi không? Để cho người ta làm việc.
Ông học cười chúm chím, bước đi. Gia đình học Thạch cứ như thế sống trong hạnh phúc đầm ấm. Một người đàn ông tinh quái mà lêu lổng như thế tại sao lại là cha của Đang, một gã con trai thực thà, ngơ ngác, vụng về và ham học? Nhiều lần chính ông học Thạch cũng ngắm nghía vẻ mặt thật thà, nhìn vành tai mỏng và nổi lên những đường gân máu đỏ của Đang, và ông ta cười chúm chím như thấy trong đó một cái gì ngộ nghĩnh. Đến khi vợ chết và đứa con gái đi lấy chồng thì tuy bề ngoài ông học vẫn điềm nhiên, nhưng bên trong lắm lúc có những lo khổ chơi vơi. Cho tới năm mươi tuổi ông mới cảm thấy lần đầu tiên cái cảm giác bơ vơ giữa cuộc đời, miếng cơm manh áo không người săn sóc. Điếu thuốc ông hút khi lớn khi nhỏ, khi đậm khi lạt thất thường, khi nhồi vào ống điếu đất, khi quấn bằng nửa lá thuốc áo, khi được rút từ trong bao giấy có dán tem nhà đoan. Hũ mắm nhà ông khi đầy khi vơi, có khi hết sạch. Lu muối nhiều lúc không còn một hột. Ông rập được con chim cườm đem về mổ ruột, Đăng phải chạy sang nhà bên cạnh xin một nhúm muối sống đem về giã với ớt, hai cha con ướp nướng, và ngồi xổm bên bếp xé đôi con chim chia nhau mỗi người một nửa.
Sau này, tuy Đang được cấp học bổng, học hành, đậu đạt, ông học Thạch vẫn cứ xuềnh xoàng, nhớp nhúa, tin chắc là sự hôi hám nhớp nhúa của ông với tiếng thơm của gia đình chẳng can hệ gì tới nhau. Ông học không có cái dáng điệu oai phong khiến cho ai đến phải ngần ngại rụt rè. Nhưng vẻ nhà của ông ta khiến Bạch bỡ ngỡ.
Ngôi nhà chữ môn thật lớn lại đứng giữa đám ruộng, lúa tràn sát đến chân hè sau. Nhà bên tả xiêu chồm tới đến nỗi mái tranh trước sa thấp xuống, người vào phải cúi đầu. Nhà giữa có một hàng cổng chận ở trước, mỗi cây cổng vuông độ một tấc rưỡi mỗi bề. Nhìn vào nhà tối om om, sâu rộng mênh mông.
Hè nhà và bờ lề sân trước dựng toàn đá ong, những tảng đá ong cũ kỹ đen thui. Lúa non mọc lơ thơ ở mép sân và mọc cả trên mái nhà. Đầu sân có ba cây mì kỳ quặc, trồng đã mấy mươi năm, gốc cây to bằng bắp vế. Và sát hè nhà có một cây thuốc rất xanh tốt, cao gần đến ngang mái.
Cái gì uy hiếp tinh thần của Bạch, làm nó xúc động? Sự suy đổ của một cảnh nhà bề thế trông bi thảm và lố bịch như con đại bàng gãy cánh? Cảnh tịch mịch, cảnh sân hè to rộng mà vắng vẻ?
Tự nhiên Bạch chơi vơi. Hình ảnh của Đang mất đi vẻ thực thà, mà lại thấp thoáng một khía cạnh bí mật xa xôi đối với nó. Mỗi bước tiến đến gần chỗ ở của người con trai đột nhiên mỗi thêm hồi hộp khó khăn.
Ông học Thạch đang ngồi lúi húi trước hiên với cái lồng chim. Nghe bước chân người lạ, ông quay mặt ra rồi lại quay vào. Nhưng Bạch vừa bước lên hè, đặt gánh lúa xuống, thì ông học liền lên tiếng nói, không nhìn nó:
— Con Năm đó hả? Chạy ra bếp múc cho bác gáo nước đi. Lẹ đi con.
Bất giác Bạch liếc mắt ngó vào phía trong hàng cổng, nhìn tận vào trong nhà; nhưng cửa đóng, nó không thấy được gì. Nó bước vào bếp, ngó quanh quất: không có ai cả. Trên một chiếc chõng tre có cái mũ trắng đã cũ vất ngửa. Bạch hồi hộp, đi quanh về phía cửa hông, nhìn lên nhà trên: trong khoảng tối om, một lỗ trống trên vách đất bằng miệng chén để lọt ánh sáng vào làm nó hoa mắt. Nền nhà dưới của ông học lại sạch sẽ khác thường và rất mát chân. Vò nước để ở sân sau, nhưng Bạch tìm mãi không trông thấy cái gáo. Chợt ông học lên tiếng kêu:
— Năm! Không tìm được vò nước à?
— Cái gáo bác để ở đâu?
— Hả?
— Cháu không tìm ra cái gáo.
— Gáo thì ở vò nước, chứ còn ở đâu?
— Không có trong vò.
— Thế thì đừng tìm trong vò! Hì hì... Mau lên cô!
Học Thạch cười hì hì trước hiên. Bạch vừa bắt gặp cái gáo trong bát nước, bên cạnh bếp lửa. Lúc nó cầm gáo nước ra thì học Thạch đã bỏ chiếc lồng chim, ngồi khoanh tay gác trên đầu gối, chờ nó.
Ông ta vừa cầm gáo nước đổ vào cái chén sứ buộc trong lồng chim vừa hỏi Bạch:
— Đổi lúa giống phải không?
— Dạ.
— Ai bảo đi đổi?
— Mẹ cháu.
Ông trao gáo nước lại cho Bạch, mắt không rời lồng chim, miệng cười ranh mãnh nhẹ nhàng. Có thể như là cười vu vơ không cớ, lại có thể như là cười về cái nghĩa riêng mà ông ta thấy trong hai tiếng “mẹ cháu”.
Ông học Thạch treo lồng chim xong, quay lại nhìn Bạch. Lần này Bạch có cảm tưởng ông mới vừa thực sự trông thấy mình. Và nó bối rối vì hình như ông ta ngừng mắt hơi lâu, để ý đến cách ăn mặc của nó với một vẻ ngờ vực và giễu cợt. Cái nhìn của ông ta nửa như muốn nói: “Sửa soạn một tí thế này, con bé coi ngộ đấy chứ”, nửa như tự bảo: “Hừ! Phải có cái gì đây cô mới làm đỏm. Rồi ta cũng biết, không giấu nổi đâu.” Bạch mặc cái áo cụt trắng vải tám mới giặt và quần săn đầm đen. Ánh mắt giễu cợt của học Thạch chiếu vào nó gay gắt như lục soát. Mặt nó lần lần đỏ nhừ lên. Nó thấy lâu quá cái nhìn của ông học. Hình như ông ta muốn kéo dài những phút ấy, theo dõi sự thẹn thùng cuả nó; nhưng không phải nó thẹn nữa, nó sắp phát khùng. Nó quay ngoắt lại, đi xuống bếp, thả mạnh cái gáo vào trong vò, vùng vằng, vừa giận sự thô lỗ của ông già, vừa giận bộ đồ mình đang mặc. Đồng thời nó hoàn toàn thất vọng: Đang đi đâu? Anh ta đi đâu? Vô ích hết những sự chuẩn bị, ăn mặc, suy tính của nó rồi! Qua khuôn cửa sau bếp, nó trông thấy một khoảng ruộng lúa xanh mơn mởn dưới nắng sáng, trông thấy lúa xanh gợn xao động dưới gió. Nó đứng lại, mím môi, nhìn ra ngoài đồng trống, nhè nhẹ thở ra một hơi dài.
Ông học Thạch lại kêu lên:
— Năm!
Bạch giật mình, mừng rỡ, hy vọng một sự bất ngờ may mắn. Nó trở ra hè thì học Thạch đang lượm trong gánh của nó một nắm lúa, bỏ vài hột vào miệng ăn trắc và hỏi:
— Ba trăng hồng, phải không?
— Dạ phải.
Ông học vãi nắm lúa vào gánh, đứng lên, vừa đi vào nhà vừa nói:
— Rồi mày về nói lại với mẹ đem lúa trắng qua đây tao mới đổi. Tao không ăn gạo đỏ đâu, nghe chưa?
Ông học đi chậm chạp, mỗi bước chân cất lên thì ở chỗ mắt cá phát ra một tiếng “cắc” nho nhỏ. Bạch nghe tiếng chân ông học bước vào phía nhà lẫm, rồi dừng lại. Nó phân vân, không biết có nên bước theo để nài ông học đổi lúa cho không. Nhưng ông ta lại kêu:
— Năm!
— Dạ!
— A! Cái con nhỏ! Vô đây!
Ông học Thạch cười hì hì trong nhà lẫm. Bạch bước vào. Ông ta chỉ cái cà tăng lúa:
— Trèo lên xúc lúa ra. Cô chờ tôi xúc cho cô à! Hà hà!
Cà tăng cao quá. Bạch nhắc một cái ghế đẩu đem tới đặt một bên để làm bực thang trèo lên. Lúc nó gác được một chân lên miệng cà tăng còn một chân lơ lửng, hai tay bấu vào lúa cố trườn lên thì học Thạch đưa tay đỡ mông Bạch xô lên. Khi thả tay ra, ông ta úp bàn tay vỗ vào mông nó một cái, cười hì hì. Bạch vùng vằng quay lại thì ông học đã cúi xuống lượm cái thúng vứt lên, không hề chú ý đến nó.
Bạch xúc lúa đưa xuống, ông học đứng dưới, bợ thúng đổ lúa ra nong. Hai người vừa làm vừa trò chuyện:
— Đổi mấy vuông lúa?
— Ba vuông.
— Ba vuông! Mẹ mày thích lúa ba trăng lắm à! Gieo ở đâu nhiều vậy?
— Gieo... không biết đâu!
— Bên mày sắp mua con bò Pháo của Hai Thông phải không?
— Phải.
— Bao nhiêu?
— Bốn nghìn ba.
— Hì hì... Ba nghìn rưởi tao không thèm. Bò Phú Yên, cổ chân to tổ mẹ, chậm như rùa. Lông to nữa. Mẹ mày thì biết gì... Nầy! hôm nay rằm, mẹ mày có đi chùa không?
— Có.
— Mẹ mày khéo tu lắm, rồi sau thế nào cũng được lên nát bàn... Nhưng mà Năm! Tao hỏi cái này!
Bạch ngẩng lên nhìn ông học, nhưng ông ta đang cúi xuống đất lượm cái thúng. Lúc đưa thúng lên, chợt thấy vẻ mặt chờ đợi của nó, ông học nhoẻn cười hỏi:
— Xã Bá nó làm nhiều chuyện ác đức, tao chắc kiếp sau nó sẽ bị đầu thai làm con trâu đen, không theo lên nát bàn được đâu.
Xã Bá tức là lão lý trưởng làng An Quý. Bạch đã hiểu ông học định đi tới đâu, nó vừa cúi xuống xúc lúa vừa mỉm cười như xí xóa câu chuyện. Nhưng ông học tiếp tục:
— Đố mày đoán ra rồi mẹ mày sẽ làm cách nào?
— Thôi đi ông!
— Rồi chỉ có ông Phật là khổ, ngày nào cũng bị mẹ mày níu áo đòi cho xuống trần trở lại. Hề hề.
— Thôi ông!
— Hừ! mà mẹ mày đã đòi thì phải được. Nếu không mẹ mày dám xỉa vào trán ông Phật ấy chứ lại. Hề hề...
— Ủa, cái ông này!
— Chứ không à? Nửa tháng không gặp xã Bá thì dù Phật có trụt xuống nhường tòa sen cho, mẹ mày cũng không thèm ngồi nữa là. Hề hề! Về hỏi lại mẹ mày coi... Này! (ông ta vứt lên thêm một cái thúng nữa) Xúc luôn hai thúng rồi đưa xuống luôn một thể.
Lúc Bạch bưng hai thúng lúa đầy chồng lên nhau, khom xuống đưa cho ông học thì ông ta đưa tay ra mà không chịu đỡ lấy. Ông ta vừa cười vừa nhìn lên mặt Bạch để xem mặt nó đỏ dần lên như gấc.
— Mày mạnh lắm. Thử chịu coi được bao lâu.
Bạch run run hai tay, cố gắng gượng người lên, thu hai thúng lúa trở lại. Nó bật cười nói:
— Bác đừng giỡn.
Rồi nó bưng trao cho ông học từng thúng một.
Ông học bảo:
— Thôi. Đủ rồi. Ra đi, cô.
Bạch quay lưng lại, tay níu vào miệng cà tăng, đưa chân xuống tìm cái ghế. Ông học một tay cầm lấy chân nó đặt lên ghế, một tay lại phát vào mông nó, rồi mạnh dạn đưa tay vào xa hơn. Nó rùng mình, thả tay rớt mạnh xuống. Miệng cà tăng bị đè gãy răng rắc. Ông học cười hì hì đưa tay đỡ Bạch đang loạng choạng muốn ngã.
Lúc Bạch đứng vững ông vẫn cười vui vẻ, và toan quay lưng bước đi. Bạch nhìn thẳng vào mặt ông ta, vẻ sừng sộ.
Ông học chợt thấy nộ khí trên vẻ mặt nó, dừng lại một chút, ngạc nhiên, rồi tiếp tục cuời hì hì, vẻ nhẫn nại khoan thứ. Trông như muốn bảo: “Ơ! Giận đấy à! Con bé mới dở người, khờ khạo chứ!
Vừa bước tới chỗ nong lúa ông ta vừa gọi Bạch:
— Thôi thôi, mau lên một chút cô Năm. Khiêng ra, khiêng ra, nóng nực lắm.
Hai người khiêng nong lúa ra ngoài, vào bao vào gánh. Xong xuôi, ông học mau mắn hỏi Bạch:
— Mày biết làm thịt ếch không?
— Chịu thôi. Chặt đứt đầu nó còn chấp tay lạy, cháu không dám đâu.
— Mẹ kiếp mày. Thôi thì đi nấu cơm. Lo đổi lúa cho mẹ mày từ sáng tới giờ tao còn nhịn đói, thấy không? Thạp gạo ở nhà lẫm, mày vào lấy hai lon đem vo, bắc lên bếp đi.
Bạch lại giật mình. Lòng nó rộn lên, khấp khởi. Tại sao lại hai lon gạo, hai phần ăn? Đang đi đâu sắp về chăng? Đi câu hay đi núi? Nó tưởng như ông học đã nhìn suốt ruột gan nó, trông thấy sự mừng rỡ của nó, nên nó vội đi ngay vào bếp không dám dò hỏi thêm một câu nào.
Ông học làm thịt ếch xong, đem vào bếp nấu. Có một lúc ông ta bảo Bạch đi lên nhà trên, bới đống cát vun dưới bàn thờ thổ công, lượm lấy vài củ hành. Một mình đứng giữa gian nhà tối mờ mờ, mát lạnh, rộng mênh mông, giữa những cây cột to tướng và đen bóng, những tấm liễn cẩn xà cừ cũ kỹ, những tấm liễn đã rách mướp, giữa mùi tàn hương và ẩm mốc lạnh lẽo, Bạch lo sợ chơi vơi, thấy mình bé nhỏ hèn mọn, đối với Đang thật xa cách vô cùng! Lòng nó thắt lại. Nó nhìn quanh quất. Ánh nắng dọi qua cái lỗ trống bằng miệng chén trên vách đất chiếu thẳng xuống một tấm phản gõ, trên đó bỏ bừa bãi vài ba quyển vở, một chiếc mền màu đỏ đã cũ không được xếp. Bạch đứng lặng lẽ nhìn những thứ đó, lòng nôn nao cảm động.
Nó đứng sững sờ, chợt nghe tiếng ho của học Thạch, vội vã chạy lại bàn thờ lấy củ hành. Trước khi rời căn phòng tối, nó còn quay lại tấm phản, nhìn một lần chót như từ biệt một người đang nằm ngủ.
Bữa cơm nấu xong, Bạch phập phồng chờ đợi, để ý thái độ của ông học Thạch. Ông học ngồi vào mâm và gọi ngay Bạch lại. Nó thất vọng và hoảng hốt. Té ra người ăn thứ hai được dự định là nó chứ không phải Đang. Nó vội vã từ chối, vì sự thực nó đã ăn sáng rồi. Lần này nó buột miệng nói:
— Cháu tưởng nấu hai chén gạo là để bác với anh Đang...
Học Thạch cười hì hì:
— Thằng Đang hả? Nó đi rồi, Tết mới về. À. Hôm nọ mày ngã trên khe Đá Mài phải không? Hì hì... Năm, ngồi đây ăn cơm thêm với bác.
Giọng ông bỗng thân mật như giọng nói với con cháu. Rồi vừa ăn ông vừa nói chuyện về Đang, khoe anh ta học giỏi thế nào, một ông tham tá công chánh thương anh ta ra sao, hứa nuôi anh ta học thành tài ra sao... Vì câu chuyện đó Bạch không cáo từ ra về được, phải ngồi ăn với ông học. Bạch nghe ông nói, vừa xôn xao, vừa lo ngại, không hiểu ông nói vậy là dụng ý thế nào.
Sau nửa bữa ăn, hết những chuyện về Đang, ông học lại bắt đầu có những câu nói và cái nhìn giễu cợt, tinh quái, khiến Bạch vội và nhanh hết chén cơm rồi xin đứng dậy trước.
Thôi, thế là hết. Nửa năm nữa người con trai mới về làng mấy ngày. Nửa năm nữa, sau mấy phút gần gũi ngẫu nhiên! Lòng nó thoang thoảng một thứ buồn rất nhẹ nhàng. Không ngờ khi sự thực đã phơi bày rõ ràng nó lại ít đau khổ như thế! Hình như là không có sự gì quan trọng vừa xảy ra cả. No đứng dựa cửa, nhìn ra đồng, chờ ông học ăn xong.
Trong khi ông học ngồi uống nước, xỉa răng trong nhà, Bạch bưng chén dĩa ra giếng ngồi rửa. Trước mặt nó, mấy con gà chạy tới chạy lui, tranh nhau những hột cơm đổ trôi theo nước; một con gà mái vàng mổ lên lưng con con gà choai và rượt nhau chạy la oác oác giữa đám môn bạc hà. Bạch vừa rửa chén vừa lơ đãng nhìn theo đàn gà, có cảm tưởng mọi sự vẫn yên lành, và sự có mặt của nó ở nhà học Thạch lúc này chẳng có gì quan trọng, cả những ước mơ lo lắng bồn chồn ngày hôm trước như cũng chẳng hề có bao giờ. Lòng nó dịu hết mọi xôn xao. Nó làm việc, gần thản nhiên như mình có thể là một phần tử trong gia đình, từ trước đến nay vẫn sống như dâu con trong nhà ông học.
Gió đồng thổi mát. Làm những động tác dễ dàng quen thuộc, tai nghe tiếng chén dĩa va lách cách — những tiếng cũng quen thuộc — Bạch thấy người thư thái. Nó cất tiếng hát nho nhỏ những câu hát hò, hát hết câu này đến câu kia. Bỗng tai nó chú ý đến giọng mình hát:
“... Tóc mai sợi vắn sợi dài
Kết duyên chẳng đặng thương hoài ngàn năm...”
Giọng nó trầm trầm, bùi ngùi, đầy tình cảm, khiến tự nhiên nó mủi lòng. Nó hát lại lần nữa, chú ý lắng nghe giọng mình và thấy ngực bỗng nóng lên, hồi hộp. Cái gì gợi nên xúc động ấy? Nhịp hát buồn bã? Hai chữ “thương hoài”? Cái gì? Có lẽ tại cái giọng, chỉ tại cái giọng. Nó thương giọng hát cuả mình và cảm động tới muốn khóc. Giọng hát bùi ngùi ấy khiến người nghe hình dung một cái cổ tròn đầy đặn, một nét mặt bình tĩnh và xa xôi. Nó hát lại lần nữa: “Tóc mai sợi vắn sợi dài...”. Giọng hát càng thấm thía tình cảm.
Và nước mắt nó tuôn ra. Càng hát nước mắt càng tuôn rơi từng giọt từng giọt, khiến nó tối tăm mặt mũi. Nó thương cảm tiếng hát của mình. Nó tự nhiên bắt gặp mối cảm xúc ngay trong giọng hát như một sự tình cờ. Nó ngạc nhiên đối diện cảm xúc của chính mình và cảm động theo, như thể một người đàn bà dự đám tang thấy tang quyến khóc thảm thiết quá không cầm lòng được. Đàng này tất cả tâm hồn nó là người dưng thản nhiên dự đám rồi bị lôi cuốn theo, chỉ có giọng hát của nó cất tiếng than khóc mà thôi.
Ban đầu trong ngực nó cuồn cuộn nóng, dồn tức, khó thở. Nó thổn thức. Rồi dần dần sự khó chịu dịu xuống và tiếng hát đem lại một xúc động êm đềm...
Một lát sau, chén rửa xong, nó giật mình, ngắt tiếng hát, chùi nước mắt, nhìn lên khoảng đồng ruộng xanh trước mặt. Nó đứng dậy, bưng mâm chén vào nhà. Học Thạch ngồi trước hiên, nhìn theo với cái nhìn cợt nhả, nhưng tự do, tò mò, sỗ sàng như của kẻ lớn không cần e dè trước trẻ con. Miệng không hé mở, nhưng trong hai mắt ông học ánh lên một nụ cười ranh mãnh, chọc ghẹo, như muốn bảo: “Con bé trông ngộ đấy chứ. Ngực nó thế, hình vóc nó, tay chân và đùi nó như thế, nó khỏe là phải. Gân cốt nó là thứ gân cốt hảo hạng! Ừ, trông con bé xinh quá.” Cái nhìn ấy đuổi theo nó, chiếu thẳng vào nó suốt từ ngoài giếng vào đến trong nhà. Nó thấy hơi nóng bốc lên mặt. Nó vừa tức giận vừa bối rối.
Trên đường về, Bạch ngạc nhiên nhớ lại ba giờ vừa qua ở nhà ông Thạch. Sinh hoạt ở đấy như thực như giỡn, không khí cợt nhả và cảm động, nước mắt, nụ cười, giận, ghét và cảm thương xen lẫn nhau, khiến cho cuối cùng nó hoang mang.
Nó đã yêu sao? Nó đã có một mối tình sao? Nó vừa đến nhà ấy để tìm người thương, để liều mình lao đầu dấn thân vào “đường tình” đó sao? Chuyện đó như thực như hư. Sau buổi sáng nó ở nhà ông học ra về, chuyện đó như không hề có được, như có nghĩa mỉa mai, như lạ hẳn đi. Bạch có cảm tưởng trong một giấc mơ nó thấy mua bán, thu được tiền rất nhiều, về sau ngửa tay coi lại thì hoàn toàn là tiền giấy cả.
Ba người chị của nó từng thực sự có yêu đương, chứ như nó mà cũng gọi là yêu đương sao? Nó buồn thoang thoảng: như nó thì chỉ có thể bắt được tiền giấy để đốt ra tro, không tiêu được ở dương gian.
1959