Thời kỳ 1954-1975 mở đầu tưng bừng, kết thúc bi đát. Trong hai mươi năm ấy Miền Nam trải qua nhiều diễn biến dồn dập, và toàn là những diễn biến lớn lao, ảnh hưởng đến xã hội, đến đời sống mọi người một cách sâu xa, căn bản. Thật vậy, những cuộc di cư hàng triệu người từ Bắc vào Nam, rồi hàng triệu người từ Việt Nam sang Tây phương là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử dân tộc, cũng là chuyện hiếm thấy trong lịch sử nhân loại; cuộc chiến tranh quốc cộng giữa Nam Bắc Việt Nam vừa rồi là một cuộc chiến tranh cực kỳ ác liệt tàn nhẫn; sự có mặt của hàng triệu quân nhân Mỹ tại Miền Nam, cuộc tiếp xúc đầu tiên của người Việt với nếp sống Mỹ là một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với dân tộc ta... Một tình hình như thế nhất định phải đưa đến những thay đổi sâu xa trong tâm hồn chúng ta, và do đó, trong chiều hướng văn học nghệ thuật Miền Nam lúc bấy giờ.
Trước đó, trước 1954, trong thời kháng chiến chống Pháp, dân chúng trong các vùng quốc gia sống những ngày thiếu tự tin trong khu vực bị trị, trong một hoàn cảnh xã hội sa đọa, bất công. Năm 1954, cùng với cuộc ngưng bắn 20-7, đã xảy ra nhiều sự kiện liên tiếp khiến tình hình ở Miền Nam trở nên sáng sủa. Với tinh thần tin tưởng, phấn khởi, Miền Nam bắt đầu xây dựng trên mọi lãnh vực: quân sự, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn học nghệ thuật v.v...
Khi thuận lợi Trong những yếu tố quan trọng của tình hình Miền Nam vào giai đoạn này phải kể đến cuộc ngưng bắn, việc Pháp ký kết hiệp ước trao trả chủ quyền cho Việt Nam, rút quân về nước, cuộc di cư ồ ạt của đồng bào Miền Bắc vào Nam, lòng tin tưởng của dân Miền Nam đối với vị thủ tướng mới là Ngô Đình Diệm.
Cuộc ngưng bắn 20-7 tạm thời chấm dứt tiếng súng, gây một cảm tưởng an bình, khiến người ta yên lòng bắt tay vào công việc xây dựng. Việc thu hồi chủ quyền quốc gia, sự rút quân của Pháp, cùng với lòng tin tưởng ở một vị lãnh đạo trong sạch đánh tan cái mặc cảm của khối người Việt ở vùng quốc gia, khiến họ thấy mình có chính nghĩa. Trong phấn khởi của những ngày đầu sau hiệp ước Độc Lập 4-6-54, Miền Nam thống nhất các lực lượng vũ trang, truất phế Bảo Đại dựng lên chế độ cộng hòa, tiến hành ngay những công trình xây dựng qui mô: xây đập, dựng cơ sở thủy điện, thành lập các vùng định cư, khu dinh điền v.v...
Mặt khác cuộc di cư hàng triệu đồng bào từ Bắc vào tuy có lúc gây khó khăn lớn cho chính quyền trong việc định cư, nhưng lại đem đến những lợi ích lớn lao về nhiều phương diện: nó gây một tác dụng mạnh mẽ vào tinh thần của lớp người thân cộng bấy lâu sống “trong thành”; nó đưa vào Nam một số nhân tài Miền Bắc, số người này về sau đã có những đóng góp đáng kể trên nhiều lãnh vực tại Miền Nam; nó tiếp phụ vào Miền Nam thêm một số đặc điểm quí báu của nếp sống Bắc, của cá tính Miền Bắc, khiến cho sinh hoạt Miền Nam thêm phong phú...
Cũng trong khoảng thời gian này xảy ra những cuộc nổi dậy ở Ba-lan, ở Hung-gia-lợi, cuộc khởi nghĩa ở Quỳnh Lưu, xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội v.v... Các khủng hoảng bên phía cộng sản gây thêm tin tưởng cho khối trí thức văn nghệ sĩ đã chọn lựa Miền Nam, đem lại cho họ một hào hứng mới.
Trong hoàn cảnh như thế, nền văn học Miền Nam bắt đầu tưng bừng với sự xuất hiện một loạt văn nghệ sĩ mới: Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Mai Thảo, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mạnh Côn, Hiếu Chân v.v... với một chiều hướng mới là nhất nhất chống lại độc tài cộng sản, với sự ra đời tới tấp những cơ sở báo chí, xuất bản mới: Bách Khoa, Sáng Tạo, Tự Do, Văn Hóa Ngày Nay, v.v...
Tiếp theo lớp đầu tiên ấy là một loạt đông đảo những nhà văn trẻ hơn: Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Duy Lam, Thế Uyên, Duyên Anh, Nguyễn Đình Toàn v.v...
Trong vòng chưa tới năm năm, nền văn học mới thành hình, trưởng thành vững vàng.
Lúc suy đồi
Nhưng từ khoảng 1959 về sau tình hình suy đồi dần dần. Cộng sản bắt đầu đánh phá các nơi; cơ sở nằm vùng của họ xuất lộ, hoạt động. Ở nông thôn đời sống trở nên bất an, ở thành phố nổi lên những thì thào bất mãn. Trong hàng ngũ quốc gia có những chia rẽ mỗi lúc mỗi trầm trọng. Ban đầu là sự bất bình của các chính khách, về sau lại thêm sự hiềm khích giữa các tôn giáo, rồi cuối cùng là sự xích mích trầm trọng giữa đồng minh Việt Mỹ. Cộng sản đẩy mạnh cuộc đánh phá: từ các hoạt động du kích họ tiến lên những trận đánh lớn với quân đội từ Miền Bắc đưa vào, từ những cơ sở nằm vùng địa phương họ tiến lên thành lập Mặt trận Tổ quốc, Mặt trận Giải phóng Miền Nam v.v..., trong lúc ấy thì ở phía bên này lại có sự ra đời của nhóm Caravelle, có chuyện quân nhân bất mãn dội bom dinh Độc Lập, rồi lại xảy ra cuộc nổi loạn của một số tướng lãnh v.v... Rồi bên ta Phật giáo ra sức chống chính quyền, biểu tình, tự thiêu; bên Mỹ nổi lên phong trào phản chiến. Tình thế càng rối, cộng sản càng đánh phá cho rối thêm. Trong cảnh túng quẩn Mỹ đỡ đầu một cuộc đảo chánh: tổng thống Ngô Đình Diệm bị hạ sát.
Từ đây cho đến ngày mất về tay cộng sản, Miền Nam không còn có được khoảng thời gian nào sáng sủa. Sau tháng 11-1963 các tướng lãnh liên tiếp đảo chính, phản đảo chính, chỉnh lý v.v..., các chính phủ kế tiếp nhau sụp đổ, các lực lượng tôn giáo, sinh viên chống đối nổi dậy liên miên trong thành phố. Hỗn loạn như thế, tất nhiên đời sống xã hội phải đảo điên: lạm phát mạnh, vật giá tăng cao vùn vụt, tham nhũng hoành hành, gian thương đầu cơ tích trữ, dân quê trốn bất an tràn về thành thị, nghèo đói khổ sở v.v... Chính quyền ta lúng túng loay hoay. Cộng sản thừa cơ đẩy mạnh các hoạt động đặc công và phá rối trong thành phố, tấn công lớn ở nông thôn, xua quân ào ạt từ Miền Bắc vào. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không đủ sức ứng phó, quân đội Mỹ và đồng minh được gởi vào.
Sự can thiệp trực tiếp của đồng minh, sự hiện diện của người Mỹ trên đất Việt Nam lại gây ra một số rắc rối nữa: Xã hội sa đọa thêm bên phía Việt Nam, phong trào phản chiến bùng nổ mạnh hơn bên phía Mỹ. Cộng sản cố gắng biểu diễn một vài màn ngoạn mục: Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa v.v... Và thế là bên Mỹ báo chí la hoảng lên, quốc hội nhất định trói tay chính phủ. Mỹ đành kéo quân về nước, bỏ mặc Miền Nam dưới núi vũ khí đổ tới từ Nga, Hoa, Tiệp-khắc...
Từ khi chiến tranh tái phát và cảnh chia rẽ nội bộ xảy ra, tinh thần dân chúng Miền Nam đâm hoang mang: những công kích phỉ báng, hoặc phơi bày trên báo chí hoặc lan tràn trong dư luận vô danh, làm mất lòng tin tưởng; cảnh chết chóc kéo dài làm nản lòng, phong trào phản chiến cùng với những báo chí, văn chương, phim ảnh từ ngoài tràn vào nuôi dưỡng tinh thần phản chiến trong nước. Trong tình cảnh buông xuôi ấy, sinh hoạt văn học nghệ thuật cũng thoái hóa theo. Sách tiêu khiển, sách dịch lấn át sáng sáng tác. Không có thêm những tạp chí văn nghệ mới có giá trị ra đời, chỉ còn những tờ cũ (Văn, Bách Khoa) tiếp tục. Nhiều tác giả lớp trước vì mưu sinh phải chạy theo phong trào viết tiểu thuyết đăng báo hàng ngày; tác phẩm viết hối hả không còn giữ được mức giá trị như trước. Một lớp mới xuất hiện: Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Phan Nhật Nam, Hoàng Ngọc Tuấn, Phạm Thiên Thư, Trần Thị Ng.H., Lệ Hằng v.v... Có người băn khoăn trong hoàn cảnh bế tắc, lại có những người phản ánh cảnh sống đọa lạc đồi trụy; có người nản lòng trước chết chóc hoang tàn...
Nói chung trong thời kỳ từ 1954 đến 1975 Miền Nam Việt Nam đã sống một thời kỳ tự do. Tình trạng chiến tranh và hoàn cảnh chậm tiến tất nhiên có hạn chế cái tự do ấy, nhưng rõ ràng trong suốt hai mươi năm, so với cuộc sống ở Miền Bắc thì Miền Nam lúc nào cũng đầy đủ hơn, thoải mái hơn, tự do cởi mở hơn một trời một vực. Trên sách báo cũng như trong dư luận quần chúng sự phê bình chỉ trích nhà cầm quyền được bày tỏ công khai. Các tôn giáo, các tư tưởng triết học, các khuynh hướng văn nghệ tha hồ phát triển, cạnh tranh nhau, có lúc va chạm nhau, xung đột nhau.
Thoạt đầu, Miền Nam xây dựng trong tin tưởng, phấn khởi, và đã đạt được những thành công khả quan trên nhiều lãnh vực. Dần dần các mối bất hòa xung đột nội bộ và sự công phá từ phía cộng sản làm cho tình hình suy đồi. Rồi cách can thiệp vụng về sai lầm của Hoa Kỳ đưa đến sự đổ vỡ.
Miền Nam hân hoan bắt đầu thời kỳ sau Genève bằng những nỗ lực tạo tác, bằng một đời sống thanh khiết, đạo hạnh (không mãi dâm, không cờ bạc, hút xách, không đa thê, nhân vị duy linh v.v...). Thế rồi sau một loạt lục đục, thất bại, Miền Nam sống những năm cuối cùng của mình trong chết chóc thảm thê, trong máu me bê bết, ngụp lặn trong đọa lạc nhầy nhụa, trong tội ác ngập tràn v.v...
Lý do tồn tại của Miền Nam biệt lập và đối lập với Miền Bắc là lý tưởng tự do. Từ buổi đầu đến khi sụp đổ, ở Miền Nam không ngớt có những kêu ca vì tự do, đòi hỏi thêm về tự do; tuy nhiên có lẽ cái tự do giới hạn mà nó đã hưởng cũng có một phần “đóng góp” vào cảnh hỗn loạn lúc bấy giờ. Phần còn lại là do sự bất lực của nhà cầm quyền, tham vọng vô trách nhiệm của giới chính trị, sự nông nổi của quần chúng, các sai lầm của đồng minh Hoa Kỳ, và phần quan trọng nhất dĩ nhiên là do những hoạt động giảo quyệt, tài tình và tàn bạo của cộng sản.
Hai giai đoạn
Từ 1954 đến 1975, tùy theo cách nhìn, đã có nhiều cách chia giai đoạn khác nhau. Tôi chỉ xin giản đơn phân thời kỳ này ra làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1954-63, tương ứng với một tình hình chính trị ổn định, kinh tế phát đạt, quân sự vững vàng, với một tinh thần dân chúng phấn khởi lúc ban đầu.
- Giai đoạn 1963-75, tương ứng với một tình hình chính trị hỗn loạn, xã hội sa đọa, kinh tế suy sụp, an ninh bất ổn, với một tinh thần dân chúng dần dần trở nên thất vọng, chán nản, hoang mang.
Đại khái tình hình văn học phản ánh khá trung thành tình hình chung của mỗi giai đoạn.