Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Tái Sanh Duyên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5271 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tái Sanh Duyên
Mộng Bình Sơn

Hồi Thứ Bảy Mươi
Vua Thành Tôn nói dứt lời, Lệ Minh Đường quỳ xuống, tâu:
- Xin bệ hạ đợi trong ba ngày nữa, hạ thần sẽ phân tỏ nỗi lòng.
Vua Thành Tôn nghĩ thầm:
“Ôi chao! Con người sao mà xinh đẹp duyên dáng lại dễ thương đến thế. Nếu hôm nay ta không chiếm được quả tim nàng, cũng bắt nàng phải đưa bàn tay ngọc cởi chiếc áo ngoài cho ta, mới thỏa dạ”.
Nghĩ rồi, vua Thành Tôn liếc mắt đưa tình với Lệ Minh Đường :
- Trẫm biết thế nào khi ái khanh tỉnh rượu rồi thấy mất đôi giày cũng thất kinh, cho là việc đã bại lộ, nên trẫm mới dầm mưa đến đây cho ái khanh hay để ái khanh được an tâm. Chẳng dè mưa to gió lớn tạt vào ướt cả áo, vậy ái khanh hãy thương tình trẫm mà cởi hộ áo che mưa.
Lệ Minh Đường nghiêm sắc mặt, quỳ xuống tâu:
- Hạ thần đội ơn dày của Thánh thượng, nhưng tình nguyện kiếp sau sẽ đáp đền, chớ hiện nay hạ thần không phải là thị vệ, đâu dám vượt quá lễ nghi cởi giùm áo cho bệ hạ sao? Xin bệ hạ hãy tự trọng lấy.
Vua Thành Tôn tỏ vẻ không bằng lòng, cau mày nói:
- Trẫm phiền ái khanh cởi giùm chiếc áo mà ái khanh kháng cự như vậy, thiệt ái khanh đối xử với trẫm quá bạc tình.
Lệ Minh Đường vập đầu xuống tâu:
- Hạ thần cam chịu chết chứ không dám bỏ lễ nghi, xin bệ hạ soi xét.
Vua Thành Tôn tuy bề ngoài làm ra vẻ bất bình, nhưng trong lòng phục thầm, nói:
- Thôi được rồi, nếu ái khanh không bằng lòng cởi giùm áo cho trẫm thì trẫm tự cởi lấy vậy. Ái khanh hãy bình thân, trẫm xin nhận lỗi.
Nói rồi, vua Thàng Tôn đứng dậy cởi áo mưa, đọan cởi áo trong giủ sạch mấy hạt mưa rồi ngồi xuống nói:
- Bấy lâu nay trẫm hết sức đùm bọc cho ái khanh, vì vậy Hoàng Phủ Thiếu Hoa mới nhờ khanh đề bạt, ngày nay mới được một nhà phú quý, thế mà Hoàng Phủ Thiếu Hoa không biết suy xét, đã nhiều lần làm hại đến khanh. Nếu trẫm không hết sức che chở thì đã bại lộ lâu rồi! Hoàng Phủ Thiếu Hoa đã phụ ái khanh như thế, tưởng ái khanh cũng nên tuyệt tình với chàng là phải. Vả lại, dung mạo của trẫm đây cũng không kém chi Hoàng Phủ Thiếu Hoa, dẫu ái khanh cố kết duyên cùng trẫm cũng xứng đáng lắm chớ!
Lệ Minh Đường tâu:
- Xin bệ hạ cho phép hạ thần hẹn trong ba ngày, sẽ bảo tấu:
Vua Thành Tôn thừa hiểu Lệ Minh Đường là con người tiết liệt, nếu cưỡng bức tất nhiên nàng liều mình. Vua trầm giọng nói:
- Chỉ vì ái khanh mà từ sáng đến giờ trong lòng trẫm xốn xang bứt rứt, không thể nào ăn cơm uống nước gì được, bây giờ trẫm thấy đói lắm, vậy ái khanh hãy vì tình trẫm, dọn ít món sơ vị ra đây để trẫm cùng ăn với.
Lệ Minh Đường nghĩ thầm:
“Nếu ta để Thánh thượng ngồi ăn tại đây thì sao cho khỏi tiếng đời dị nghị”
Nói rồi lui vào nhà trong, chẳng dè tự nãy giờ Tố Hoa nấp ở phía ngoài lắng nghe rõ hết sự tình, nên khi thấy Lệ Minh Đường bước vào thì sa nướt mắt hỏi:
- Sự tình như vậy, biết tính sao bây giờ?
Lệ Minh Đường mỉm cười đáp:
- Chị hãy an tâm, việc này em không để di lụy đến chị đâu. Chị hãy mau mau lo sửa soạn tiệc rượu dọn ngoài nhà khách, rồi kêu Cừu Huệ Lâm và hết thảy nam nữ đã có phong cáo, bảo đội mão mặc áo cầm hốt chỉnh tề đặng làm lễ triều kiến. Khi sửa soạn đâu đó xong xuôi, chị hãy ra phía sau bình phong gõ ba cái cho em biết nhé!
Tố Hoa vâng lời đi sửa soạn lập tức, còn Lệ Minh Đường thì trở vào thơ phòng.
Cừu Huệ Lâm hay tin Thánh giá đến, lật đật thay áo mão chỉnh tề, chờ làm lễ triều kiến. Một lát sau, Tố Hoa bày tiệc xong liền đến sau tấm bình phong gõ ba cái, bên trong Lệ Minh Đường nghe được, vội quỳ xuống tâu:
- Hạ thần đã bày yến nơi nhà ngoài, xin bệ hạ ra ngự tiệc.
Vua Thành Tôn nghe tâu, nghĩ thầm:
“Nàng này quả là chánh trực vô tư, ta muốn ăn tại đây mà nàng vẫn không chịu. Chẳng biết kiếp trước Thiếu Hoa khéo tu thế nào, mà tốt phước hơn ta đến thế!”
Vua Thành Tôn biết dù có nài nỉ thế nào lòng dạ nàng cũng không thể đổi dời được, nên đành phải đứng dậy bước ra ngồi tại ghế giữa, rồi cho phép Lệ Minh Đường ngồi một bên. Kế đến là Khương Nhược Sơn, Cừu Huệ Lâm, Cảnh Phu nhơn. Tôn phu nhơn cùng Tố Hoa , ai nấy đều mặc sắc phục, tay cầm hốt, phân ra nam tả nữ hữu quỳ lạy triều kiến và tự xưng tên họ.
Vua Thành Tôn truyền miễn lễ, mọi người vâng mạng đứng hầu hai bên. Vua liếc thấy Tố Hoa dung mạo không kém chi Trưởng Hoa Hoàng hậu thì ngạc nhiên nghĩ thầm:
“Con người dung mạo xinh đẹp như thế kia mà có ông chồng đàn bà lại không phiền trách, là ý gì?”
Nghĩ đoạn, vua lên tiếng phán:
- Chỉ vì trẫm ngại thứ Phiên tửu mạnh quá có thể làm hại Lệ Thừa tướng nên mới đến thăm, vì thế làm phiền lụy đến các khanh, vậy các khanh hay lui ra, để mặc trẫm cũng được.
Mọi người đều vâng mạng, vái dài lui ra hết.
Nhắc lại Huyền Xương khi đưa vua Thành Tôn đi rồi, chờ đợi lâu quá vẫn không thấy vua về, lòng nóng như lửa đốt, lại thấy Lương Thừa tướng đang ở trong nội các, hay tin ấy vội vàng trở về phủ, Huyền Xương lại càng nóng nảy hơn nữa.
Khi Lương Thừa tướng về đến nơi thì vua đã ăn cơm xong, Thừa tướng vào quỳ mọp xuống tâu:
- Hạ thần bận ở trong nội các, mới vừa hay tin Thánh thượng giáng lâm nên trễ nghinh tiếp, thật tội đáng muôn thác.
Vua Thành Tôn đỡ dậy cho ngồi ghế, rồi nói:
- Trẫm đến đây thăm Lệ Thừa tướng làm phiền đến lão tiên sanh, thật trẫm ấ náy vô cùng.
Lương Giám lại tâu:
- Chén rượu lạt, bát cơm rau thế này, thật phạm điều tiết mạn, xin Thánh thượng rộng lòng tha thứ cho.
Lúc bấy giờ, hết thảy bá quan và nội giám trong cung đều hay tin Thánh thượng dầm mưa đến thăm Lệ Thừa tướng nên lũ lượt kéo nhau đến triều kiến rất đông. Sau đó, vua Thành Tôn mới thay ngự phục, lên xe trở về cung. Lương Thừa tướng và Lệ Minh Đường tiễn đưa ra tận ngoài ngõ. Vua Thành Tôn quay lại nói với Lệ Minh Đường:
- Trẫm tin tưởng khanh là bậc thông minh xuất chúng, vậy sau ba ngày khanh hãy nghe theo lời trẫm mới phải lẽ.
Lệ Minh Đường nghe nói trong lòng tức giận quá, nghĩ thầm:
“Vua Thành Tôn là bậc thánh minh, cớ sao lại đánh giá ta thấp kém như vậy! Ta không thể nào chịu đựng được giọng nói lộ liễu và liều lĩnh đến thế!”.
Nghĩ rồi, Lệ Minh Đường gằn giọng tâu:
- Xin bệ hạ vui lòng đợi trong ba ngày, hạ thần sẽ dâng biểu tấu và lúc ấy bệ hạ sẽ biết tường tận.
Vì quá tức giận, nên khi tâu dứt lời, máu huyết từ dưới đơn điền của Lệ Minh Đường sôi trào lên; nàng phun vào mình vua Thành Tôn một vòi đỏ ối cả long bào, rồi ngất xỉu ngã lăn ra đất.
Vua Thành Tôn thất kinh, không kể gì đến áo dính máu dơ, lật đật đỡ dậy, hối Lương Thừa tướng kíp đem vào nhà tịnh dưỡng. Lúc ấy Lương Thừa tướng thấy vậy cũng hoảng hồn, vội vã kêu gia tướng đỡ Lệ Minh Đường khiêng vào phòng để nằm trên giường. lệ Minh Đường ngất lịm không còn biết chi hết.
Lệ Minh Đường nằm nghỉ hồi lâu, dần dần tỉnh lại như cũ, kế nghe Thủ môn quan vào báo:
- Có Võ hiếu vương và Mạnh Thượng thơ vào yết kiến.
Lệ Minh Đường nghĩ thầm:
“Đáng giận thay cho hai người này! Đồng mưu với nhau cố làm cho ta lộ chân tướng. May có Thánh thượng che chở ta, làm cho Trưởng Hoa Hoàng hậu không hay tin tức, nên hai ngưòi mới giả vờ đến thăm để dò xét ta đây!”.
Nghĩ rồi, Lệ Minh Đường ung dung bước ra nghinh tiếp vào. Khi dùng trà xong, Võ hiếu vương lên tiếng hỏi:
- Lúc nãy tôi nghe Thánh thượng dạy Lệ Thừa tướng nên nghe lời người phán bảo, và ngài cũng hứa ba ngày nữa sẽ bảo tấu, vậy ngài định bảo tấu điều chi vậy?
Lệ Minh Đường nói:
- Vì tôi cảm mạo phong hàn mới vừa bớt, lại uống nhằm Phiên tửu nhiệt lượng quá mạnh, đến nỗi phải thổ huyết. Tôi tự nghĩ ở trong triều, tôi đối xử cùng bá quan vẫn giữ một niềm hòa mục, không ngờ lại có một vị đại thần mưu hại tôi. Thánh thượng cũng vì việc ấy sanh ra bất bình nên tôi định ba ngày nữa dẽ dâng biểu từ quan để cho họ thỏa dạ vậy.
Hoàng Phủ Kính lấy làm e ngại, hỏi:
- Thừa tướng ở trong triều đối với bá quan rất tử tế, mọi ngưòi đều cảm phục mà ai còn gang ghét đến nổi phải từ quan?
Lệ Minh Đường nghe nói càng giận dữ hơn nữa gằn giọng:
- Nhị vị đã có lòng đoái tưởng đến tôi, tôi cảm đội ơn lắm, song hiện nay tôi bịnh vừa mới khỏi, không tiện nói nhiều, vậy xin phép để khi khác vậy.
Dứt lời, Lệ Minh Đường đứng dậy chắp tay vái chào, rồi quày quả lui vào trong, khiến Hoàng Phủ Kính và Mạnh Sĩ Nguyên đều thẹn đỏ mặt. Lương Thừa tướng thấy vậy lấy làm áy náy trong lòng, vội đứng ra xin lỗi:
- Tiện tế vì bị thổ huyết, trong mình bất an nên mê sảng, xúc phạm đến nhị vị, xin nhị vị tha thứ cho.
Hoàng Phủ Kính và Mạnh Sĩ Nguyên đồng thanh nói:
- Lịnh tế trong khi đang bịnh mà chúng tôi lại nói nhiều quá thì trách gì người chẳng hạ lịnh trục khách.
Nói rồi, hai người đồng cáo từ lui về.
Lúc ấy Tố Hoa nấp phía ngoài nghe rõ hết mọi điều, nên khi Lệ Minh Đường về phòng, nàng buông lời trách móc:
- Phải khi trước kia Tiểu thơ nghe lời tôi từ quan cải trang thì đâu đến nỗi ngày nay phải chịu phiền lụy như vậy. Bây giờ đã ra nông nỗi này, biết tính sao đây?
Lệ Minh Đường nói:
- Ba ngày nữa đây, sau khi em vào triều rồi chị sẽ biết, chị chớ lo ngại làm chi. Em quyết không bao giờ thất tiết và tự hủy thân đâu. Em sẽ làm thế nào chị em mình được kết duyên cùng Trung hiếu vương thì thôi.
Tố Hoa nói:
-Tiểu thơ đã định như vậy, sao lúc nãy tiểu thơ lại oán trách Võ hiếu vương và Mạnh lão gia.
Lệ Minh Đường nói:
- Vì em giận hai ông ấy cùng nhau lập mưu này kế khác, nhiều lúc thiệt hại đến em, nay lại còn đến đây muốn dò xét em nữa. Nhưng dầu sao em cũng có cách cư xử ổn thỏa, xin chị hãy an tâm.
Nhắc qua Hoàng Phủ Kính khi về đến Vương phủ thuật lại thái độ trục khách của Lệ Minh Đường cho mọi người nghe. Thiếu Hoa trong lòng nghi hoặc, nói với Mạnh Thượng thơ qua đó dò xét xem sao.
Hoàng Phủ Kính gật đầu khen phải, nên sáng hôm sau Hoàng Phủ Thiếu Hoa sang mời Mạnh Sĩ Nguyên sớm lắm. Cha con Mạnh Sĩ Nguyên thấy vua Thành Tôn giáng lâm đến tướng phủ, trong lòng cũng nghi hoặc lắm, còn Hàn Phu nhơn hay sự việc như vậy, buồn rầu đến nỗi thọ bịnh trở lại. Vì vậy, Mạnh Sĩ Nguyên thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa qua mời thì lập tức kéo Mạnh Gia Linh và sang mời Hoàng Phủ Kính cùng nhau đến tướng phủ.
Lúc ấy, Lương Thừa tướng đi khỏi, Thủ môn quan vào nói cho Vinh Phát hay, Vinh Phát lật đật vào thơ phòng nói với Lệ Minh Đường:
- Có cha con Võ hiếu vương và cha con Mạnh Thượng thơ đến thăm.
Lệ Minh Đường bảo:
- Mi hãy truyền gia tướng ra tiếp vào rồi mời Võ hiếu vương cùng cha, anh ta ngồi chơi tại nhà khách, còn riêng Trung hiếu vương thì mời vào đây.
Vinh Phát vâng lịnh lui ra. Tố Hoa hỏi Lệ Minh Đường :
- Tiểu thơ định mời chàng vào đây để làm gì ?
Lệ Minh Đường cười nói :
- Chị không cần tìm hiểu trước để làm gì, cứ việc nấp nghe thì rõ.
Tố Hoa y lời, lui ra đứng phía sau tấm bình phong.
Khi bọn gia tướng mở cửa giữa mời bốn vị đại thần vào nhà khách. Sau khi dùng trà nước, bỗng có tên gia tướng bước ra vòng tay bẩm :
- Lệ Thừa tướng dạy tôi ra mời riêng một mình Trung hiếu vương vào trong, người nói chuyện.
Hoàng Phủ Kính thấy thế, trong lòng càng nghi hoặc, liền bảo Thiếu Hoa :
- Con hãy vào yết kiến Lệ Thừa tướng, xem người dạy việc chi.
Lúc ấy, Hoàng Phủ Thiếu Hoa bịnh vừa mới khỏi còn yếu lắm, phải cậy hai tên gia tướng đỡ đi vào. Lệ Minh Đường bước ra cửa phòng chờ nghinh tiếp.
Thiếu Hoa vừa thoáng thấy, toan quỳ lạy, nhưng Lệ Minh Đường cản lại :
- Niên huynh bịnh mới khỏi còn yếu lắm, xin đừng thủ lễ làm gì.
Nói dứt lời, Lệ Minh Đường cùng Thiếu Hoa vào phòng Thiếu Hoa để Lệ Minh Đưòng ngồi trên còn mình ngồi dựa một bên hầu chuyện. Vinh Phát pha trà dâng lên. Lệ Minh Đường nhìn Thiếu Hoa, nói :
- Trước kia niên huynh mạo tấu bảo tôi là nữ lưu nên Thánh thưọng đã có ý quở trách. Kế vừa rồi đây có Mạnh Lệ Quân ở Vân Nam đến. Trong khi chứng nghiệm tại triều thì đã rõ ràng là Mạnh Lệ Quân không sai, cho nên Thánh thượng đã giáng chỉ cho niên huynh nội trong một tháng phải làm lễ thành hôn , mà sao niên huynh lại mật tấu với Hoàng hậu để người âm mưu bảo tôi vẽ tượng Quan Âm rồi cho tôi uống Phiên tửu cho say để mở hia ra xem là lý gì ? May thay lúc đó tôi lại không say mà giả vờ ngủ, để cho khám nghiệm thì quả là nam tử nên Thánh thượng giận lắm, bảo niên huynh hí vũ thiên tử, tội ấy phải trừng trị, còn tôi thì được Thánh thượng ban ơn cho xe ngự liễn đưa về tướng phủ. Hôm qua Thánh thượng giận lắm, mới thân hành đến đây bảo tôi phải làm tờ bảo tấu lên buộc tội niên huynh là khi quân để người trị tội. Nay tôi tuân chỉ sáng mai này sẽ bảo tấu , nhưng tôi cũng nghĩ tình sư đệ , không nỡ hại người mà không cho hay trước. Vì vậy, hôm nay tôi nói đây là để cho niên huynh đề phòng đặng thông báo cho lịnh tỷ hay họa may người tâu xin cho khỏi tội. Vả tôi đây, tuy bất tài, nhưng xưa kia tôi đã thương tình cả nhà niên huynh bị họ Lưu làm điêu đứng, nên mới cố gắng tâu xin cho đặng hồi cung, khiến cha con được gặp gỡ và vinh phong vương tước. Thế mà niên huynh lại chẳng nghĩ, cậy mình là Quốc cựu, toan mưu làm nhục tôi. Vì vậy, nay dù muốn dù không tôi cũng phải bảo tấu, ấy là do niên huynh mà ra, chứ không phải tôi cố ý hại niên huynh đâu, xin niên huynh chớ trách.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói tưởng thiệt, nghĩ thầm :
« Hèn chi Hoàng hậu không có tin tức gì cho ta hay cả, nếu vậy thì khi khám nghiệm quả người là nam tử rồi. Thế là ta phải tội loạn ngôn rồi ! Sáng mai đây ân nhân ta bảo tấu, chắc chắn ta không tài nào gỡ ra cho khỏi ».
Nghĩ đến đây, Thiếu Hoa lo sợ, mặt mày tái ngắt rồi xây xẩm ngã lăn xuống đất.
Lệ Minh Đường thấy vậy, cười thầm :
« Con người nhát gan đến thế mà lại hay lập mưu chước ».
Nghĩ rồi, bước tới đỡ dậy. Thiếu Hoa hơi tỉnh nhưng chỉ ấp úng nói không ra lời. Lệ Minh Đường mỉm cười và khuyên giải :
- Tôi nói là để thử lòng niên huynh đó thôi, xin niên huynh chớ sợ. Còn độ vài ngày nữa đây thì có Mạnh Lệ Quân thiệt xuất hiện . Chừng ấy vợ chồng sẽ xum hiệp cùng nhau đấy.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói, mừng rỡ tỏ lời xin lỗi :
- Hôm trước tôi bị đau nặng nên thân mẫu tôi mời vào cung xin đình hoãn việc kết hôn, nhưng không biết người vào đó có làm điều gì xúc phạm đến ân sư, xin ân sư thứ tội cho.
Lệ Minh Đường mỉm miệng cười rồi gọi nữ tỳ bảo đem sâm trà lên cho Thiếu Hoa uống và nói :
- Tôi nói thật đó chớ không phải nói đùa đâu, niên huynh cứ tin tưởng rằng nội trong ba ngày nữa đây, Mạnh Lệ Quân thật xuất hiện đó.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe vậy, trong lòng hớn hở, nói :
- Nếu quả thật như lời ân sư dạy thì may mắn cho tôi biết dường nào.
Lệ Minh Đường lại chúm chím miệng cười :
- Xưa nay có bao giờ tôi nói dối với niên huynh đâu ? Chỉ trong ba ngày đây Mạnh lệ Quân xuất hiện, nhưng ngày mai đây tôi sẽ phạm trọng tội, xin niên huynh hãy nói với cha con Mạnh Thượng thơ cùng Võ hiếu vương cố giúp tôi nghe ! Hễ thấy Thánh thượng nổi giận thì mọi người đều đổ xô vào rỗi tấu thì họa may tôi mới thoát khỏi tội chết.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa lấy làm lạ, không hiểu việc chi, liền hỏi :
- Ân sư là một đại thần có uy tín nhất triều đình, lại không bao giờ phạm pháp thì làm gì có tội nặng đến thế, tôi tưởng ân sư nói đùa chớ ?
Lệ Minh Đường nói :
- Việc ấy tôi có thể đoán biết trước nên không bao giờ nói đùa đâu, và tôi e cha con niên huynh cũng khó mà cứu thóat khỏi tội chết. Vậy xin niên huynh khi về phủ hãy kíp sai người vào cung nhờ Hoàng hậu tâu cùng Hoàng Thái hậu nhờ người can thiệp, họa may tôi mới thoát được. Hiện giờ đây niên huynh hãy mau về lo việc cho tôi, còn cha con Mạnh Thượng thơ thì hãy mời ở lại đó, tôi có việc cần bàn luận, xin niên huynh chớ có tiết lộ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa y lời, Lệ Minh Đường liền gọi hai tên gia đồng đỡ Thiếu Hoa ra nhà khách.
Đến nơi, Hoàng Phủ Thiếu Hoa thuật chuyện lại cho Hoàng Phủ Kinh nghe rồi cha con cùng nhau lên kiệu trở về.
Khi Hoành Phủ Thiếu Hoa ra ngoài, Tố Hoa liền bước vào phòng hỏi Lệ Minh Đường :
- Khi nãy bsao Tiểu thơ lại làm cho chàng kinh hãi tội nghiệp vậy ?
Lệ Minh Đường nói :
- Tuy em nay là người có tội nhưng chỉ dọa có một câu mà làm cho một vị Quốc cựu kinh hồn lạc phách. Thế mới rõ cái oai quyền của một ông Thừa tướng to lớn đến bực nào. Thôi, bây giờ chị hãy lánh mặt đi nơi khác đi.
Tố Hoa vâng lời vội bước ra ngoài.
Lời bình :
Đã một lần, Mạnh Sĩ Nguyên bị con mình trở mặt buông lời sĩ vã giữa triều. Ông lấy làm sỉ nhục, nên khi về nhà nói với Hàn Phu nhơn quyết không nhìn đứa con bất hiếu ấy nữa, nhưng đấng làm cha mẹ tuy giận nói vậy, chớ nỡ lòng nào lại bỏ con ?
Ôi ! Tình thương của cha mẹ vô bờ vô bến, bất cứ con có lỗi lầm gì to tát đến đâu, cũng có thể tha thứ cho được.
Hôm nay, Mạnh Sĩ Nguyên đến thăm Mạnh Lệ Quân lại bị nàng trục xuất, phải tủi phận ra về. Xem đến hồi này, ta thấy tác giả muốn nói lên cái bỉ ổi, đê tiện của một đám quan lại thời phong kiến.
Khi chưa có địa vị trong tay thì vào luồn ra cúi, đến khi quyền cao chức trọng rồi, thậm chí cũng không coi cha mẹ mình ra gì nữa. Thái độ hách dịch của thời phong kiến vẫn đang tồn tại.
Đến như trong chế độ dân chủ hiện nay mà phần đông cán bộ không chịu quan niệm mình là kẻ công bộc của nhân dân, nên mới diễn ra những cử chỉ hách dịch đáng ghét.
- Đã đến nước này mà Mạnh Lệ Quân còn dọa dẫm Hoàng Phủ Thiếu Hoa, làm cho chàng phải kinh hồn hoảng vía, nàng muốn yêu cầu Thiếu Hoa vào cung nhờ Hoàng hậu cứu tánh mạng của nàng mà vẫn không nói ra sự thật, quả là một thái độ kiêu ngạo tột đời. Dầu sao nay mai đây Thiếu Hoa cũng là chồng của nàng, tại sao nàng lại tìm cách bắt nạt như vậy ? Phỏng có lợi gì cho ngày mai không ?
Tâm lý của đàn bà thường khi thấy chồng yêu chuộng mình thì lại tìm cách bắt nạt ; ngược lại , thấy chồng hất hủi mình thì lại luồn cúi van lạy, tư cách ấy thật là khờ dại.
Ở đây, Mạnh Lệ Quân ỷ mình là ân nhân nhà Hoàng Phủ , lại có địa vị cao trong triều, nên khi muốn nhờ nhà Hoàng Phủ cứu mạng vẫn làm ra vẻ tay trên. Thái độ này xét ra không quân tử tý nào cả. Kẻ biết điều thì đã làm ơn không bao giờ kể ơn, và khi có địa vị cũng không tự đắc.

<< Hồi Thứ Sáu Mươi Chín | Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 967

Return to top