Hoàng Phủ Kính xem qua bức thơ của Lưu Khuê Bích rồi nghĩ thầm:
“Quê nhà của Lưu Khuê Bích ở tại Côn Minh là nơi thắng cảnh nên ý lấy tình thân thiết mời con ta đến chơi, vậy ta cũng cần phải cho đi để khỏi có việc xích mích về sau”.
Nghĩ đoạn, ông ta gật đầu cho phép Thiếu Hoa đi Côn Minh, Thiếu Hoa mừng lắm, vội viết thơ phúc đáp ngay rồi giao cho tên gia tướng họ Lưu mang về, hẹn chắc hôm sau sẽ đến.
Lưu Khuê Bích tiếp được phúc thơ, lòng khấp khởi, sai gia tướng dọn dẹp một chiếc thuyền và đi kêu hai đứa kỹ nữ đẹp đặng chúng phục rượu cho Thiếu Hoa thật say để có cơ hội ám hại.
Sáng hôm sau, bình minh vừa hiện, Thiếu Hoa đã thấy một tên gia tướng của Khuê Bích đến rước chàng, nên chàng vội vã sắm sửa dắt hai tên gia tướng ra đi gấp để đáp lại tấm thịnh tình của Khuê Bích.
Tên gia tướng của Khuê Bích dắt ba thầy trò của Thiếu Hoa xuống mé hồ Côn Minh; ở đó đã chuẩn bị sẵn một con thuyền. Khuê Bích bước ra lễ phép mời Thiếu Hoa xuống thuyền rồi cùng nhau tâm tình rất nên tương đắc.
Một lát sau đã thấy hai đứa kỹ nữ bưng mâm rượu thịt lên, Khuê Bích rót rượu niềm nở mời Thiếu Hoa và bảo hai con kỹ nữ đờn ca, tiếng nhạc khoan réo rắt trông như cảnh bồng lai, nhưng Thiếu Hoa lại không thích, chỉ uống chút đỉnh thôi.
Khuê Bích thấy vậy vội hối gia tướng mở dây thả thuyền trôi trên mặt hồ, cảnh trời nước một màu xanh biếc, con thuyền từ từ lướt qua đầu gành cuối bãi đập vào mắt Thiếu Hoa biết bao cảnh đẹp thần tiên. Khuê Bích đinh ninh thế nào Thiếu Hoa cũng phải say đắm và dùng nhiều rượu nhưng Thiếu Hoa chỉ uống rượu cầm chừng vui chơi đến trưa, chàng đứng dậy xin cáo từ.
Khuê Bích nắm tay Thiếu Hoa giả vờ rưng rưng nước mắt nói:
- Chẳng mấy khi Hoàng huynh sang đây chơi, sao lại vội ra về?
Thiếu Hoa cực chẳng đã phải nán lại đến khi mặt trời khuất bóng thì xin cáo từ một lần nữa, nhưng lần này Khuê Bích quyết tình giữ lại, chàng nói:
- Hoàng huynh đến đây chơi với đệ chưa được thỏa mãn mà đã ra về thật không gì buồn cho bằng. Thôi bây giờ xin mời Hoàng huynh quá bộ lên huê viên đặng bày thêm tiệc khác, chúng ta cùng hưởng lạc, ở đó phong cảnh rất hữu tình, đệ tin chắc sẽ vừa lòng Hoàng huynh đấy.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Điều ấy thật tình tôi không thể chiều ý Lưu huynh được, vì nếu đêm nay tôi không về chắc song thân tôi nóng lòng trông đợi.
Lưu Khuê Bích cười mơn trớn nói:
- Điều ấy xin Hoàng huynh chớ ngại, vì lịnh đường đã biết Hoàng huynh đến đây chơi với đệ mà không thấy về tất nhiên người biết tôi cầm ở lại rồi. Vả chăng, hai ta kết bạn với nhau đã mấy năm chờ mãi đến hôm nay Hoàng huynh mới sang đây thì phải ở lại tâm tình trong đêm nay cho thỏa lòng mong mỏi chứ.
Dứt lời Khuê Bích không đợi Thiếu Hoa đáp, vội cho phép hai kỹ nữ về rồi nắm tay Thiếu Hoa bước ra khỏi thuyền lên bờ đi thẳng về huê viên.
Huê viên này chiếm một khu đất vô cùng rộng rải; trong ấy có đủ kỳ hoa dị thảo, lầu các đình đài, non bộ, hồ sen, mười phần xinh đẹp, Hoàng Phủ Thiếu Hoa vốn lòng chân thật nên bằng lòng ở lại và khen ngợi chẳng cùng.
Lưu Khuê Bích đưa tay chỉ về phía hữu nói:
- Trong huê viên chỉ có Tiểu Xuân đình là thanh tịnh hơn hết, đêm nay chúng ta ở đó đàm đạo chơi.
Thiếu Hoa gật đầu:
- Thế thì hay lắm, chúng ta hãy đi.
Khuê Bích mừng thầm, dắt Thiếu Hoa vào Tiểu Xuân đình ngồi đàm đạo việc binh thơ.
Chỉ mấy phút sau đã thấy gia tuớng bưng mâm rượu thịt lên, toàn là cao lương mỹ vị.
Thiếu Hoa nói:
- Chúng ta mới vừa dùng tiệc sao còn bày tiệc nữa làm gì?
Khuê Bích nói:
- Chúng ta chỉ ngồi không trò chuyện thì buồn lắm, cần phải có ăn uống mới thêm phần thích thú.
Vứa nói, Khuê Bích vừa dắt Thiếu Hoa vào bàn tiệc, rót rượu mời mọc, còn hai tên gia tướng của Thiếu Hoa là Tào Tín và Ngô Tường thì đứng hầu một bên.
Ngờ đâu đêm ấy bà ngoại của Khuê Bích là Tiền thị qua đời, Cố Hoằng Nghiệp sai người đến báo cho Cố Phu nhơn hay, Cố Phu nhơn lật đật sai nữ tỳ ra Tiểu Xuân đình kêu Khuê Bích vào cùng đi hộ tang.
Khuê Bích hay tin vội khiến gia tướng ở đó hầu Thiếu Hoa, chàng lập tức đi vào hầu Cố Phu nhơn.
Đến nơi, thấy Lưu Yến Ngọc cùng Giang Tam Tẩu đang xếp đặt đồ hành lý, Cố Phu nhơn liền nói rõ cái chết của Tiền thì cho Khuê Bích nghe và bảo chàng phải sửa soạn cùng đi với bà qua hộ tang.
Lưu Khuê Bích giựt mình nghĩ thầm:
“Đêm nay ta quyết phóng hỏa đốt Tiểu Xuân đình giết chết Thiếu Hoa mà sự việc xảy ra bất ngời như vậy biết làm sao đây?”.
Nghĩ đoạn, Khuê Bích vòng tay thưa:
- Nếu con theo thân mẫu đi thì việc nhà lấy ai coi sóc?
Phu nhơn nói:
- Việc đi phục tang cho ngoại con vô cùng quan trọng, vệc nhà con chớ lo, vì đã có em con và Giang Tam Tẩu đảm nhiệm, còn ngoài huê viên đã có Giang Tấn Hỉ, mẹ con ta chỉ đi độ và ngày rồi về, không hại chi đâu.
Lưu Khuê Bích cực chẳng đã phải vâng lời, nhưng lại nghĩ thầm:
“Thế nào đêm nay cũng phải giết cho được Thiếu Hoa, bây giờ ta mắc đi thì trách nhiệm này phải giao cho Giang Tấn Hỉ mới được”.
Nghĩ rồi, bước ra ngoài cho người gọi Giang Tấn Hỉ.
Giang Tấn Hỉ là con ruột của Giang Tam Tẩu tuổi độ mười sáu, tính tình ngay thẳng, trung hậu, hắn là kẻ tôi tới tâm phúc của Lưu gia, khi nghe Khuê Bích gọi vội chạy đến bẩm:
- Chẳng hay công tử đòi tôi dạy việc chi?
Lưu Khuê Bích nhìn bốn bên thấy vắng bóng người liền kề tai hắn nói rõ ý định mình rồi bảo hắn nội đêm nay phải đốt cháy Tiểu Xuân đình giết chết cho kỳ được Thiếu Hoa, mai sau duyên nợ thành rồi sẽ trọng thưởng.
Giang Tấn Hỉ nghe nói giật mình nghĩ thầm:
“Đêm hôm qua ta nằm chiêm bao thấy một ông già đến mách bảo ta chớ nên hại người để ngày sau ta được hưởng phúc lớn, ta lấy làm lạ vì xét ra ta có thù hiềm với ai đâu mà toan ám hại người? Bây giờ ta mới biết công tử Khuê Bích bảo ta làm việc sát nhơn”.
Nghĩ rồi, Giang Tấn Hỉ đáp:
- Nếu công tử bảo việc gì khác tôi không khi nào từ thác, song việc này tôi không dám, vì Hoàng Nguyên soái có quyền tiền trảm hậu tấu, nếu người hay được thì tánh mạng tôi còn gì?
Khuê Bích cười gằn nói:
- Ngươi nghĩ như thế là lầm rồi. Ngươi nên biết rằng cha ta là một vị Quốc trượng, làm sao Hoàng Phủ Kính dám xâm phạm đến? Ngươi cứ việc bạo dạn hành động đi, nếu mai sau Hoàng Phủ Kính hay được cứ việc tuyên bố rằng Thiếu Hoa say rượu đạp đổ đèn nên lửa bắt cháy Tiểu Xuân đình mới thọ hại, chớ không can chi đâu.
Thấy Khuê Bích cố tình ép buộc nên Tấn Hỉ phải vâng lời. Khuê Bích mừng rỡ bảo Tấn Hỉ phóng hoả xong phải cho người qua báo tin cho chàng hay.
Lưu Khuê Bích sắp đặt mưu kế xong xuôi liền theo Cố Phu nhơn sang ngoại gia để phục tang cho Tổ mẫu.
Nói về Lưu Yến Ngọc, em Lưu Khuê Bích là một cô gái dung nhan diễm lẹ, thuở bé theo đòi nghiên bút và trau dồi nữ công, hằng ngày hú hí với bà nhũ mẫu Giang Tam Tẩu và con đầy tớ Phi Diễn ở tại Hiển Vân các. Con đầy tớ Phi Diễn này tánh tình rất sâu hiểm, hắn biết Cố Phu nhơn ít yêu mến Lưu Yến Ngọc nên có việc gì là chạy đi méc nói thêm nói bớt nên nàng ghê sợ nó lắm.
Tối hôm ấy khi Cố Phu nhơn đi rồi, Lưu Yến Ngọc gạt con Phi Diễn cho hắn đi ngủ rồi kề tai nói nhỏ với Giang Tam Tẩu:
- Trưa hôm qua con nằm chiêm bao thấy một người đàn bà xưng là Ngô Huệ Nương, thân mẫu của con. Người cho biết rằng chỉ vì bạc phước không thể sống nuôi con được nên phải để con lại cho Cố Phu nhơn nuôi, nhưng nay tuổi con đã trưởn thành. Cố Phu nhơn lại không nghĩ gì đến chuyện lương duyên vì vậy người hiện hồn lên mách bảo cho con biết: nội đêm nay sẽ có quí nhơn đến tại Tiểu Xuân đình, anh con lại cố tâm phóng hỏa thiêu chết người ấy. Người khuyên con hãy cùng nhũ mẫu đến đó ra tay cứu nạn rồi kết nghĩa đá vàng với người ấy để sau này được hưởng vinh hoa phú quí và cứu cả nhà ta nữa.
Nàng lại kể tiếp:
- Lúc ấy con muốn hỏi xem quí nhơn ấy là ai, nhưng bà ta đã xô con một cái, con giựt mình thức dậy mới biết là chiêm bao.
Giang Tam Tẩu nói:
- Chiêm bao mộng mị cũng không đáng tin lắm, có lẽ tiểu thơ mơ tưởng đến thân mẫu thuở xưa nên mới mơ tưởng như vậy chứ gì?
Lưu Yến Ngọc nói:
- Lúc con mới sanh được vài tháng thì mẹ con qua đời, làm sao con biết được mặt người mà hòng mơ tưởng. Chắc việc này cũng có duyên cớ chi đây.
Giang Tam Tẩu hỏi:
- Vậy tiểu thơ hãy tả hình dạng người ấy xem có giống thân mẫu của tiểu thơ khi trước không?
Lưu Yến Ngọc nói:
- Người đàn bà ấy hình vóc mảnh khảnh, độ hai mươi hai, hai mươi ba tuổi là cùng, mặt tròn, da trắng.
- Cứ như lời ấy thì quả nhiên thân mẫu của tiểu thơ báo mộng rồi. Vậy để tôi hỏi Giang Tấn Hỉ xem đêm nay có ai ở Tiểu Xuân đình không.
Giang Tấn Hỉ vốn người chí hiếu, nên khi nhận lời Lưu Khuê Bích rồi, vội chạy đi tìm mẹ để bày tỏ sự tình. Khi hai mẹ con gặp nhau, Giang Tấn Hỉ liền thuật rõ điềm chiêm bao của mình cùng lời xui bảo của Khuê Bích cho mẹ nghe, rồi lại nói:
- Thưa mẹ, con có thù oán gì với Hoàng Phủ Thiếu Hoa đâu, sao nỡ đang tâm hại người.
Bấy giờ Giang Tam Tẩu mới biết chắc Lưu Yến Ngọc có tiền duyên với Thiếu Hoa, bèn thuật lại điềm mộng của tiểu thơ cho Giang Tấn Hỉ nghe và nói:
- Căn cứ theo điềm mộng của tiểu thơ thì Hoàng Phủ Công tử sau này sẽ đặng phú quí. Vậy ta phải lập kế cứu người mới được.
Giang Tấn Hỉ suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Bây giờ muốn công việc được lưỡng toàn, để tôi gạt hai tên gia tướng của công tử ra ngoài uống rựu rồi thân mẫu dắt tiểu thơ vào đó đính ước kết duyên và bảo công tử lẻn ra cửa sau trốn về, chừng ấy tôi sẽ phóng hỏa đốt Tiểu Xuân đình làm cớ. Nếu sau này Lưu Công tử có tra xét thì thân mẫu nhớ dặn Hoàng Phủ Công tử bảo rằng trong cơn nguy cấp nhờ có thần nhân cứu thoát đem bỏ giữa đồng. Có vậy Lưu Công tử mới khỏi nghi ngờ chúng ta.
Giang Tam Tẩu khen là diệu kế, vội vã vào nhà thuật lại cho Lưu Yến Ngọc hay.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Tại sao gia huynh tôi lòng dạ lại độc ác đến thế cơ? Con nguời ác nhơn như vậy thế nào cũng bị tai họa.
Lời Bình:
Hoàng Phủ Thiếu Hoa là chàng trai chí hiếu, mỗi khi đi đâu phải xin phép cha mẹ, khi về phải đúng thời gian đã định và phải trình diện trước mặt song thân, thế mà trước lời đường mật của Lưu Khuê Bích chàng phải bóp bụng ở lại. Thế là lời nói của kẻ gian có mãnh lực phi thường.
Khuê Bích hay tin bà ngoại mình chết mà không muốn đi phục tang, quyết ở nhà giết chết cho được Thiếu Hoa thì quả là con người không chút đau lòng, trái lại không cưới được vợ lại đau đớn hận thù đến thế, thật đáng buồn cười.
Đọc đến hồi này ta nhớ lại việc Tôn Quyền giả kế gả em mình cho Lưu Bị để âm mưu sát hại nhưng âm mưu đã kông thành lại phải gả thật em mình cho Lưu Bị. Ở đây Lưu Khuê Bích âm mưu giết chết Hoàng Phủ Thiếu Hoa không được mà em mình lại phải lòng kẻ thù, cho nên ở đời lòng dạ nham hiểm đã không làm gì người ta được, lại làm lợi cho người nữa là khác.