Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Tái Sanh Duyên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 79395 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tái Sanh Duyên
Mộng Bình Sơn

Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm
Vua Thành Tôn khen:
- Bài thơ bạch mẫu đơn đã hay mà bài hồng mẫu đơn lại càng hay hơn nữa, quả nhiên tiên sanh là một bực thiên tài quan chúng, trẫm thưởng cho ba chung tửu nữa đấy!
Sau khi uống xong ba chén rượu nữa, Lệ Minh Đường đứng dậy xin cáo từ. Vua Thành Tôn nói:
- ĐÊm nay trăng thanh gió mát, trước cảnh tình thanh lịch như vầy mà nỡ bỏ đi, chẳng là vô tình lắm sao? Tiên sanh hãy ở đây cùng trẫm uống vùi một bữa rượu cho thật say sưa thỏa thích.
Bất đắc dĩ, Lệ Minh Đường phải ngồi lại cùng bắt chén với vua Thành Tôn. Bấy giờ xa xa vọng lại tiếng trống điểm canh ban đôi má Lệ Minh Đường ửng lên như cánh hoa đào.
Nàng say rồi!
Vua Thành Tôn cảm thấy lửa dục tình nổi dậy rạo rực trong lòng, không sao nhịn được. Đôi mắt vua bỗng mở to lên, buông một chuỗi cười đầy dâm đãng, khiến Lệ Minh Đường phải rùng mình.
Rổi bằng giọng khêu cợt, vua nói:
- Dung mạo của tiên sanh đẹp không thể nào tưởng tượng được , thì trách sao Trung hiếu vương chẳng nghĩ lầm là nữ lưu? Nhưng nếu nay trẫm cũng nghĩ lầm như vậy thì tiên sanh có thương trẫm được không?
Nói rồi vua giơ tay vói nắm lấy vạt áo bào của Lệ Minh Đường, nói bằng giọng hổn hển:
- Bây giờ trời đã khuya quá rồi, vậy tiên sanh hãy ngủ tại đây để đàm đạo chơi với trẫm, chớ trở về làm chi cho nhọc sức.
Lệ Minh Đường thất vía kinh hồn, vội giật mạnh vạt áo lại, nghiêm sắc mặt nói:
- Đạo vua tôi đối đãi với nhau cần phải giữ cho đúng lẽ! Đêm khuya thế này mà bệ hạ cưỡng bức hạ thần ngủ lại ở đây để làm gì? Hơn nữa, chúa tôi chúng ta đều trẻ tuổi cả, nếu làm như vậy sao tránh khỏi tiếng đời dị nghị cho là hạ thần nhờ khéo dua mị nên làm được đến chức Thừa tướng. Dầu cho hạ thần ngu muội đến đâu cũng không thể vâng mạng được, xin bệ hạ xét lại.
Vua Thành Tôn thấy Lệ Minh Đường nói năng chánh đáng, lại ra dáng giận dữ, biết không thể nào cám dỗ được nên vội dịu giọng vỗ về:
- Thôi, trẫm xin lỗi khanh, khanh chớ nên chấp nệ làm gì. Chỉ vì trẫm ngại đêm khuya và đường xa nên mới cố cầm khanh ở lại, mà khanh đã nhứt quyết thì trẫm bằng lòng vậy.
Nói rồi, vua Thành Tôn truyền nội giám đốt đèn lồng lên, đưa Lệ Minh Đường về nội các.
Khi Lệ Minh Đường về rồi, vua liền phán cấm nội giám không được tiết lậu việc này cho ai biết hết, nếu ai hở môi thì không dung thứ.
Vua Thành Tôn ngồi một mình nghĩ thầm:
“Trên thế gian sao có người con gái khác thường đến thế! Không tham phú quý lại chẳng sợ uy quyền, thật là đáng kính phục! Cứ xem tư cách ấy, thật khó mà chiếm đoạt quả tim của nàng được. Thôi , từ nay về sau ta phải đối xử với nàng đặc biệt tử tế, họa may nàng có thương tình đoái tưởng đến ta chăng?
Thế là vua Thành Tôn yên trí ngủ tại Thiên Hương quán cho đến sáng mới hồi cung.
Hôm ấy, Lệ Minh Đường về phủ thuật chuyện lại cho Tố Hoa nghe. Tố Hoa cười nói:
- Cái sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của tiểu thơ, ai thấy mà không say mê? Nay Thánh thượng đã biết là nữ lưu rồi, tất nhiên phải từ quan mới xong.
Lệ Minh Đường nói:
- Cần gìphải từ quan, dầu Thánh thượng có biết em là nữ lưu đi nữa, xét ra Thánh thưọng cũng không đến nỗi mất tư cách như vua Trụ thuở xưa, việc gì phải sợ? Miễn là từ nay em không vào ngủ trong nội các .
Tố Hoa khen phải, rồi từ đó khi nào có văn án nhiều làm không hết, Lệ Minh Đường lại mang về nhà xem xét. Vua Thành Tôn hay được, càng kính phục vô cùng.
Bây giờ xin nhắc qua nhà đại phú Hạng Long ở Vân Nam sắm võng kiệu ngựa xe, đưa con gái mình là Hạng Nam Kim, mãi đến đầu tháng năm mới đến kinh sư.
Đến đây, Hạng Long tìm mướn một khách sạn lớn nhất để trú ngụ. Khách sạn này đông và tây đều có hai dãy nhà dài, chính giữa gồm những phòng sang trọng nhất. Tất cả người nhà Hạng Long ở phía ở phía bên đông, còn người nhà của An Tri huyện thì ngụ bên tây. Hạng Nam Kim được ở phòng giữa, có nữ tỳ hầu hạ rất tử tế.
Sắp đặt đâu đó xong xuôi, Hạng Long họp bàn việc vào bệ kiến.
Ngọ môn quan lập tức vào tâu, vua Thành Tôn bụm miệng cười thầm:
“Mạnh Lệ Quân tức là Thừa tướng sờ sờ ra đó, thế mà có con tiện tỳ nào dám liều chết đến giả mạo nữa đây?”
Nghĩ rồi, vua Thành Tôn truyền chỉ cho An Tri huyện và nàng Hạng Nam Kim vào triều.
Vào đến nơi, An Tri huyện quỳ phía trước, Hạng Nam Kim quỳ phía sau, cùng lên tiếng tung hô vạn tuế một lượt.
Vua Thành Tôn liền phán bảo Hạng Nam Kim ngước mặt lên, Vua thoáng thấy thì ngạc nhiên đến độ giật nẩy người, vì gương mặt Hạng Nam Kim mười phần giống Lệ Minh Đường hết năm, chỉ khác ở chỗ kém phần sắc sảo và phong lưu mà thôi.
Lúc ấy, Lệ Minh Đường đang ngồi phía hữu, nghe Ngọ môn quan vào tâu thì trong bụng cười thầm, đến khi thấy gương mặt Hạng Nam Kim lại từa tựa giống mình thì lấy làm lạ, nghĩ thầm:
“ Phải chi Hoàng Phủ Thiếu Hoa chịu ưng người này thì sự cải trang của ta có thể hoãn lại đôi ba năm nữa”.
Nghĩ rồi, đứng dậy bảo Trung Hiếu vương:
- Tôi xin mừng cho ngài, ngày nay quý phu nhơn đã về tới đây. Quả là hạnh phúc vẹn toàn lắm đó!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vội vã bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, người con gái này so với bức tranh thì mười phần chỉ giống có năm phần; nên hạ thần không dám nhận.
Vua Thành Tôn mìm cười phán:
- Trước kia trẫm đã bảo rằng: thường thường người ta tự hoạ ảnh cho mình không khi nào giống được, vì phải tô điểm thêm nhiều. Hơn nữa đối với đàn bà khi đến tuổi dậy thì, dung mạo bỗng nhiên khác xa lắm.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy vua Thành Tôn nói có lý lắm, nên quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, nếu nàng quả là Mạnh Lệ Quân thì xin hãy bảo nàng nhận mặt thân phụ nàng xem có đúng không?
Vua Thành Tôn đoán biết nàng là gái giả mạo thì làm sao biết được Mạnh Sĩ Nguyên mà nhận, nhưng bất đắc dĩ phải bảo Hạng Nam Kim:
- Trung Hiếu vương muốn bảo nàng nhận mạt thân phụ, nhưng chẳng biết mấy năm nàng bị lưu lạc nay có thể nhận ra không?
Hạng Nam Kim tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, tuy thần thiếp lưu lạc đã lâu, nhưng tình phụ tử chí thân, lẽ nào lại nhìn không được?
Vua Thành Tôn càng lấy làm lạ, phán:
- Nếu nàng nói vậy thì hãy nhìn hai bên văn võ bá quan, nàng trông thấy một người dung mạo giống y như lời Hầu Ngũ đã tả cho nàng nghe trước kia, nên nàng không chần chờ gì nữa, vội chạy dến níu áo khóc rống lên:
- Thân phụ ôi! Đứa con bất hiếu này trải qua biết bao nỗi gian nan, ngày nay mới được gặp thân phụ đây.
Lúc ấy Mạnh Sĩ Nguyên vừa thất kinh, vừa nổi giận, liền giật mạnh áo lại, nạt lớn:
- Đừng giả dối! Nếu bảo là con ta thì hãy nhìn xem anh mi đâu đã.
Hạng Nam Kim vâng mạng đứng lên nhìn qua hai bên. Lúc ấy Mạnh Gia Linh sợ hãi, trống ngực đánh thình thịch, thần sắc biến đổi mà Hạng Nam Kim lại lanh trí nên biết ngay, liền bước lại nắm áo nói:
- Bào huynh ôi! Bào huynh còn nhớ em không?
Mạnh Gia Linh bối rối nói:
- Mi có phải là em gái ta đâu ! Sao mi dám làm chuyện khi quân thế ?
Nói rồi, quỳ xuống tâu vua :
- Nàng con gái này thật quả không phải là em gái của hạ thần, xin bệ hạ hãy nghiêm trị cái tội khi quân ấy.
Vua Thành Tôn lại phán :
- Nàng con gái này thật quả là Mạnh Lệ Quân đó, không phải khi quân đâu.
Mạnh Sĩ Nguyên đứng nghĩ hồi lâu, nghĩ ra một kế, liền gọi Hạng Nam Kim nói :
- Con kia, mi bảo mi là con gái ta hãy thuật lại sự tình lúc trước cho ta nghe thử.
Hạng Nam Kim vâng lời, thuật lại một hồi không sót mảy may về việc của Mạnh Lệ Quân trước kia, khiến ai nấy cũng phải ngạc nhiên, đứng trơ ra nhìn nàng không chớp mắt. Mạnh Sĩ Nguyên giận quá hỏi tiếp :
- Năm trước cha con Trung Hiếu vương dẹp yên giặc Phiên, triều đình gia phong vương tước, sao mi không chịu ra nhận, để đến ngày nay là ý gì ?
Hạng Nam Kim nói:
- Sở dĩ lúc Trung hiếu vương đặng hiển vinh mà con không ra mặt là muốn thử lòng Trung Hiếu vương, xem thử chàng có nhớ đến tình cũ nghĩa xưa không đã!
Mạnh Sĩ Nguyên hỏi:
- Khi mi trốn đi, mi có để lại vật gì không?
Hạng Nam Kim đáp không cần nghĩ:
- Thưa phụ thân, lúc con ra đi có để lại một bức chân dung và một phong thư yêu cầu Tô Yến Tuyết thay thế.
Nói rồi, nàng còn đọc lại những lời trong bức thư và mấy câu thi phía dưới bức tranh không sót sai một chữ.
Lúc ấy, vua Thành Tôn và Lệ Thừa tướng nghi người con gái này có tà thuật, nên đồng thanh nói:
- Nếu vậy thì nàng này quả là Mạnh Lệ Quân, nếu không thì làm sao biết rõ những lời trong thơ và mấy câu thi trong bức tranh được? Thôi, Mạnh Thượng thơ hãy nhận đi, chớ nên nghi ngại!
Mạnh Sĩ Nguyên bối rối vô cùng, thật còn miệng mà hết ngõ nói, nên vội quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ! Phàm con gái lớn lên thì ở riêng phòng, làm cha ít khi thấy mặt, nên nay muốn phân biệt giả chơn, hãy cho đòi nội nhơn của hạ thần đến mới rõ được.
Vua Thành Tôn thấy thái độ lúng túng của Mạnh Sĩ Nguyên, thì không nhịn cười được, liền y theo lời, phán gọi Hàn Phu nhơn đến.
Mạnh Thượng thơ mừng lắm, vội lui về phủ thuật rõ đầu đuôi mọi việc cho Hàn Phu nhơn nghe và bảo:
- Phu nhơn hãy lập tức theo tôi vào triều để nhìn xem thử có phải không?
Hàn Phu nhơn giận dữ nói:
- Con gái ta tức Lệ Thừa tướng đó rồi, nay còn nhìn gì nữa?
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Tôi cũng biết là không phải, nhưng hắn rất là lẻo mép, ứng đáp xuôi như nước chảy, tôi nói không lại. Vậy Phu nhơn phải vào đó hỏi vài câu cho nó bí lối mới được.
Hàn Phu nhơn khen phải, lập tức lên kiệu thẳng đến Ngọ môn, vào quỳ trước sân chầu.
Vua Thành Tôn vừa truyền cho Hàn Phu nhơn đứng dậy thì Hạng Nam Kim đã chạy lại nắm tay Hàn Phu nhơn than khóc:
- Thân mẫu ôi! Thảm khổ cho con biết là dường nào. Thân con lưu lạc mãi đến hôm nay mới gặp được thân mẫu đây!
Hàn Phu nhơn bèn gạt phăng ra rồi trợn mắt nạt lớn:
- Đừng giả dối! Mi nhận ta là mẹ, nhưng ta chưa dám nhận mi là con đâu. Ta xem dung mạo mi hơi giống con gái ta, song có phần nở bề ngang lại không thanh nhã bằng, không thể nào mạo nhận được.
Hạng Nam Kim nói:
- Con ra thân lưu lạc, nhưng may nhờ vợ chồng Hạng Long đem con về nuôi và thương như con ruột nên cho ăn uống nhiều đồ tẩm bổ, thành thử không ốm yếu như lúc trước nữa. Nay mà thân mẫu không nhìn con thì lòng con đau đớn kể sao cho xiết?
Nói đến đây, nàng khóc như mưa.
Vua Thành Tôn nghĩ thầm:
“Nàng này quả là một tay gian hùng, có tài hùng biện, ít ai bì. Vậy ta hãy ép Thiếu Hoa thành thân với nàng để chàng khỏi mơ tưởng đến Lệ Minh Đường nữa”.
Nghĩ rồi, vua nhìn Hàn Phu nhơn phán bảo:
- Câu nói ấy hữu lý lắm, vậy khanh nên xét kỹ kẻo tội nghiệp cho thân phận con gái khanh lắm.
Hàn Phu nhơn nghĩ thầm:
“Con gái ta tức là Mạnh Lệ Quân rồi, nhưng nay Thánh thượng đã truyền chỉ cấm không cho ai được nói Lệ Minh Đường là nữ lưu thì ta biết viện lẽ gì đánh đổ cho nó được. Chi bằng ta cố gắng vạch cho ra sự gian dối của nó thì hay hơn”.
Nghĩ rồi, bèn nắm tay bên tả của Hạng Nam Kim giơ lên tâu:
- Nội trạng bàn tay này đây cũng đủ chứng minh rằng không phải là con gái của thần thiếp rồi.
Vua Thành Tôn hỏi:
- Bàn tay trắng đẹp như thế kia, cớ sao lại bảo là không phải?
Hàn Phu nhơn tâu:
- Cái tay của con gái thần thiếp khác hơn người thường, nghĩa là nó mềm dịu và ửng hồng, các ngón tay tựa như hình ngòi bút. Còn bàn tay người con gái này các ngón đều vắn lại thù lù như những cái hột mít. Đây quả là con của một vị phú hộ nào đây, xin bệ hạ soi xét.
Hạng Nam Kim sụt sùi nói:
- Chì vì con ăn nhiều đồ tẩm bổ, nên mới mập phì ra như vậy.
Vua Thành Tôn lại nói:
- Con gái của khanh trốn đi đã ba bốn năm trời rồi. Hơn nữa, đến tuổi dậy thì , tất nhiên cơ thể phải biến đổi chứ!
Hàn Phu nhơn bí lối, đang lo tìm cớ khác, thì Hạng Nam Kim thừa thế tâu:
- Bệ hạ quả là bậc Thánh minh, phán dạy rất phải lẽ.
Vua Thành Tôn cười thầm:
“Nàng này thật can đảm , thấy ta buộc tội, lại dám giả dối thêm mãi!”
Bỗng Hàn Phu nhơn nắm xiêm Hạng Nam Kim kéo lên và tâu lớn:
- Còn cái bàn chân này nữa, lại càng thấy rõ không phải là con gái của thần thiếp.
Vua Thành Tôn nói:
- Chân không đày bốn tấc thế kia cũng là chân đẹp, cớ sao khanh lại bảo là chẳng phải?
Hàn Phu Nhơn tâu:
- Người ta thường bảo “gót son ba tất” mới là tuyệt đẹp, nhưng chân của con gái thần thiếp lại chỉ có hai tấc tám mà thôi, còn chân của người con gái này dài đến bốn tấc, lại bè ra giống như bàn chân vịt thế này thì bảo nhận là con gái của thần thiếp sao được?
Hạng Nam Kim nói:
- Xin thân mẫu hãy xét lại, vì lâu nay con ở nơi nhà Hạng Long cách xa thân mẫu nên không có người nhắc nhở, thành thử con lơ là việc bó chân, ngày nay chân con mới to lớn hơn lúc trước.
Hàn Phu nhơn giận quá, hỏi vặn:
- Ta hỏi mi, vậy khi mi ra đi có đem ai theo không?
Hạng Nam Kim thưa:
- Thưa mẫu thân, lúc ấy con có đem con nữ tỳ Vinh Lang theo.
- Bây giờ con Vinh Lang ở đâu ?
- Thưa hắn cũng có đến đây, hiện đứng ngoài Ngọ môn.
- Được rồi, ta muốn gặp mặt nó ngay bây giờ.
Nói rồi, Hàn Phu nhơn quỳ xuống tâu xin vua Thành Tôn cho phép con Vinh Lang được trình diện. Vua Thành Tôn truyền chỉ cho vào. Giây lát sau thấy con Thu Tố vào quỳ lạy.
Hạng Nam Kim thưa:
- Thưa thân mẫu, con Vinh Lang đây!
Hàn Phu nhơn bụm miệng cười ngất , nói:
- Mày dám cả gan mạo nhận là con gái ta, lại còn dám giả luôn cả con nữ tỳ Vinh Lang nữa! Con này mà mi bảo là con Vinh Lang ư ?
Hạng Nam Kim thất kinh, nghĩ thầm:
“Ôi! Thế thì vợ chồng Hầu Ngũ nó gạt ta rồi” .
Hạng Nam Kim lật đật cải chánh ngay; nàng làm ra vẻ sợ sệt thưa:
- Thưa mẫu thân, con cam thọ tội, đây chính là con nữ tỳ Thu Tố chứ không phải con Vinh Lang.
Hàn Phu nhơn nổi giận, cướp lời mắng:
- Mày lớn gan thật, dám giả dối không sợ tội khi quân, bây giờ mày đã lộ chân tướng rồi phải không?
Hạng Nam Kim vẫn tỉnh táo đáp:
- Xin thân mẫu bớt giận! Vì năm trước con Vinh Lang nó theo một đứa gia đồng trốn mất, thật ra con không dám đem cái xấu ấy nói ra, vì sợ tổn hại đến gia phong nhà mình, thành thử mới đem con Thu Tố thế vào.
Hàn Phu nhơn thở dài:
- Mi quả là con già hàm ! Thế thì mi có rõ lúc trước nhà ta có mấy đứa tớ và những đứa nào mi con nhớ không ?
Hạng Nam Kim nói bằng giọng khiêm nhường :
- Thưa tuy con cách biệt gia đình đã mấy năm trường, song các tên đầy tớ lúc trước cũng còn nhớ được chút ít.
Nói rồi, nàng cứ theo lời Hầu Ngũ kể ra, nói trúng đích cả từng tên tục của mỗi đứa tớ, khiến Hàn Phu nhơn còn miệng mà hết cãi được nữa, đành phải quỳ tâu :
- Muôn tâu bệ hạ, nàng này có tà thuật nên mới biết được như vậy, chứ thật ra không phải là con gái của thần thiếp; vì vậy thần thiếp không thể nào nhận được !
Vua Thành Tôn cưới phán :
- Bây giờ khanh đã rối trí rồi, vậy hãy về đi, để trẫm sẽ phân xử cho.
Hàn Phu nhơn đứng dậy lạy tạ lui ra.
Vua Thành Tôn liền gọi Thiếu Hoa, phán :
- Nàng này quả nhiên là Mạnh lệ Quân, không còn chối cãi gì được nữa cả. Chỉ vì Mạnh Thượng thơ nay già cả, đã gặp con mà không biết nhìn nhận dó thôi. Vậy khanh nên thương lượng với nghĩa phụ nàng là Hạng Long để làm lễ kết hôn cho rồi. Trẫm kỳ hạn cho một tháng phải tính cho xong, không được nghe lời gièm pha, tâu đi tâu lại gì nữa cả.
Mạnh Sĩ Nguyên và Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe phán thì thất kinh, lật đật đồng quỳ xuống tâu, nhưng vua Thành Tôn đã đứng dậy lớn tiếng tuyên bố bãi chầu rồi di giá hồi cung lập tức; khiến cả hai túng thế phải lui về, lòng buồn khôn tả.
Còn Võ hiếu vương, Hoàng Phủ Kính thì tưởng Hạng Nam Kinh là Mạnh Lệ Quân thật, nên trong lòng mừng thầm. Khi bãi chầu trở về phủ. Hoàng Phủ Kính liền gọi Doãn Phu nhơn vào nói :
- Nay con dâu hiền của ta là Mạnh Lệ Quân nó đã về rồi.
Doãn Phu nhơn mừng quýnh hỏi :
- Thế bây giờ dâu ta đâu rồi ?
Hoàng Phủ Kính bèn thuật rõ mọi việc ở triều đình hôm nay cho Doãn Phu nhơn nghe rồi nói :
- Thánh thượng hạn trong một tháng phải làm lễ kết hôn cho xong, vậy ta phải lo kíp kẻo trễ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vừa bước về, nghe cha nói vậy thất kinh thưa :
- Việc này xin cha chớ nên tự tiện, hãy bàn cùng nhạc phụ và nhạc mẫu con mới xong.
Hoàng Phủ Kính gật đầu khen phải, rồi gọi gia tướng vào bảo mang thiệp sang hỏi thăm ý kiến của vợ chồng Mạnh Thượng thơ. Lúc bấy giờ bên Mạnh phủ, cả nhà Mạnh Thượng thơ đang xúm nhau bàn tán về việc Mạnh Lệ Quân giả. Bỗng có nữ tỳ chạy vào báo :
- Bẩm lão gia, có gia tướng của nhà Hoàng Phủ xin vào yết kiến.
Mạnh Sĩ Nguyên. Nghe nói, liền truyền cho vào.
Lời Bình :
- Ta thấy vua Thành Tôn bị Mạnh Lệ Quân từ chối tại vườn Thượng uyển, tại sao sau đó vua Thành Tôn vẫn nhọc tâm đeo đuổi nàng ?
Điều này tất nhiên không thể quy tội một mình vua Thành Tôn, mà cho cả Mạnh Lệ Quân nữa. Vì sau cuộc đi chơi vườn Thượng uyển , vua Thành Tôn đã tỏ thái độ trêu hoa giỡn nguyệt, và chính Mạnh Lệ Quân cũng thừa hiểu vua biết mình là nữ lưu rồi. Nàng cũng không lạ lùng gì đối với uy quyền của một ông vua là tuyệt đối muốn gì lại không được ! Nếu nàng dùng lẽ chánh phản đối lại ý muốn ngông cuồng của vua cũng không phải là chuyện dễ.
Thế mà khi nàng Hạng Nam Kim vào triều tự nhận mình là Mạnh Lệ Quân, chính Thừa tướng Lệ Minh Đường đầu tiên đứng lên nói : «Nay có quý phu nhơn về đây, tôi xin chúc mừng cho ngài đó ! » .
Câu nói này phải chăng là câu nói mở đường cho vua Thành Tôn tiếp tục mộng gió trăng là gì ? Mạnh Lệ Quân cải trang vào làm quan trong triều, nơm nớp sợ bại lộ chân tướng , mà khi vua đã biết , nàng vẫn không kiêng thì còn biết kiêng ai nữa ?
Do đó, vua Thành Tôn có thể hiểu rằng : Mạnh lệ Quân đến bây giờ không còn thích Thiếu Hoa nữa, và mong sao cho Thiếu Hoa có một Mạnh Lệ Quân khác để mình tự do ôm ấp với người có địa vị cao hơn.
Cho nên qua hồi này, có nhiều người bảo vua Thành Tôn là kẻ tham dâm háo sắc, buộc tội cho vua Thành Tôn đủ điều, nhưng theo thiển ý tôi thì không đồng ý với lời buộc tội phiến diện ấy, mà phải buộc tội cho cả Mạnh lệ Quân nữa. Chính Lệ Quân đã tạo hoàn cảnh thuận tiện cho vua Thành Tôn đấy !

<< Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn | Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 244

Return to top