Giây phút sau, thấy một mình Vương Thiếu Phủ vào, Lệ Minh Đường đúng dậy tiếp rước, kéo ghế mời chàng ngồi, nhưng Thiếu phủ quỳ lạy thưa :
- Ân sư quá trọng đãi môn sanh như vậy, khiến môn sanh áy náy vô cùng.
Lệ Minh Đường bước tới đỡ dậy, nói :
- Từ nay về sau, xin đừng thủ lễ quá như vầy nữa.
Vương Thiếu Phủ vẫn khư khư đáp :
- Cứ theo cấp bực và lẽ tôn ty thượng hạ thì cần phải theo đúng lễ nghi mới phải, hơn nữa người là ân sư của môn sanh , lẽ nào lại xóa bỏ lễ nghi cho được.
Nói rồi, Thiếu Phủ ngồi xuống ghế cùng Lệ Minh Đường dùng trà trò chuyện hồi lâu, Lệ Minh Đường hỏi thầm :
«Tuy vợ chồng ta chưa cùng nhau chăn chiếu, nhưng hôm nay đã hội hiệp tại đây, cũng nên cùng nhau uống vài chén rượu cho thỏa lòng ta» .
Nghĩ rồi, truyền gia tướng bày tiệc lên. Hai người cùng vào bàn tiệc, rượu được vài tuần, Lệ Minh Đường căn dặn :
- Khi niên huynh ra binh, nhớ hãy nghiêm cấm quân sĩ đừng để cho chúng nhiễu hại bá tánh, và trong lúc nguy cấp cần phải có lòng yêu mến quân sĩ để chúng mới sẵn lòng hy sinh đem lại chiến thắng được. Sau khi chiến thắng, muốn truy kích địch quân hãy xem xét tình hình cho chín chắn rồi mới tần binh. Việc thưởng phạt phải công bình, đối với hàng binh phải trọng đãi, chớ nên sát hại một cách bừa bãi. Đó là yếu tố thành công của một tướng giỏii ra giữa trận tiền. Xin niên huynh hãy nhớ kỹ.
Vương Thiếu Phủ đứng dậy xin cáo từ :
- Mấy lời vàng ngọc của ân sư, kẻ môn sanh này nguyện khắc cốt ghi tâm
Vương Thiếu Phủ đứng dậy xin cáo từ :
- Môn đồ tửu lượng rất kém cỏi, xin ân sư tha lỗi và xin cáo từ vậy.
Lệ Minh Đường thấy chàng khiêm tốn , lấy làm cảm thương nghĩ thầm :
«Không biết đến bao giờ vợ chồng ta mới đặng chăn chiếu cùng nhau. Vậy bữa nay ta quyết cùng chàng uống một bữa cho thật say để tỏ tình luyến ái ».
Nghĩ vậy , Lệ Minh Đường tỏ lời cầm cọng :
- Sao niên huynh lại câu nệ như vậy. Dẫu sao chúng mình đã tương đắc như thế này thì nên ở lại uống vùi một bữa cho thỏa dạ !
Vương Thiếu Phủ buộc lòng phải ngồi nán lại uống mãi cho đến xoàng xoàng say mới cáo từ ra về.
Hôm sau, mới vừa rạng đông, Vương Thiếu Phủ đã mặc áo đội mão vào triều xin ân xá cho Vệ Dõng Đạt.
Khi vào trước kim giai thì chưa thấy Lệ Minh Đường vào Lưu Tiệp đến, Vương Thiếu Phủ trông thấy sắc diện vua Thành Tôn vui vẻ, chàng đánh bạo quỳ tâu :
- Muôn tâu bệ hạ , hạ thần muôn tâu xin một việc, song nếu bệ hạ đừng bắt tội thì hạ thần mới dám trần tấu.
Vua Thành Tôn nói :
- Có việc gì khanh cứ tâu đi, trẫm không bắt tội đâu .
Vương Thiếu Phủ tâu :
- Ngày nọ, khi hạ thần và Hùng Hiệu đến kinh cầu quan, khi đi ngang qua núi Xuy Đài, gặp quan cướp ở đó ra đón đường bị hạ thần đánh tan. Sau đó, tên đầu đảng là Vệ Dõng Đạt xuống giao chiến cùng hạ thần trên hai trăm hiệp vẫn không phân thắng bại. Hắn có ý khâm phục , mời hạ thần lên núi và nói rõ lai lịch cho hạ thần nghe, hạ thần mới biết tên Vệ Dõng Đạt ấy vốn dòng tướng môn tử đệ xuất thân, năm nay mới lên mười bảy tuổi mà trí dõng kiêm toàn. Nguyên trước kia hắn đi ngang qua núi Xuy Đài giết chết tướng giặc ở đó là Hàn Hổ, chúng lâu la bèn tôn Dõng Đạt làm thủ lãnh. Dõng Đạt lại muốn lợi dụng chốn ấy để chiêu tập binh mã, đợi khi triều đình cần dùng sẽ đem binh đánh giặc Phiên lập công. Lúc ấy va biết hạ thần xuống đầu quân nên theo năn nỉ với hạ thần tâu dùm với triều đình xin cho va được lãnh chức tiên phong đem binh dẹp giặc. Hạ thần thấy va có lòng trung thành vì nước nên cứ tình thật tâu bày, mong bệ hạ xá tội.
Vua Thành Tôn nghe dứt lời , nổi giận xung thiên phán :
- Tên giặc Vệ Dõng Đạt ấy trước kia dám cả gan đón đường giết chết Khâm sai, cướp vợ con Hoàng Phủ Kính đem về núi, sau lại đánh phá binh triều bắt Lưu Khuê Bích giam cầm. Bấy lâu nay trẫm căm thù tím ruột, định dẹp yên Phiên tặc rồi sẽ mang binh đến đánh Xuy Đài sơn bắt cho kỳ được Vệ Dõng Đạt và vợ con Hoàng Phủ Khính phân thây ra muôn đoạn mới hả giận. Sao khanh lại tâu xin làm cái gì cái tên trọng phạm ấy ? Trẫm quyết không tha đâu !
Vương Thiếu Phủ cúi đầu và tâu tiếp :
- Muôn tâu bệ hạ , thật tình hạ thần chảng dám tâu dối. Vì trước kia hạ thần lên Xùy Đài sơn có biết rõ mọi việc. Chỉ vì Vệ Dõng Đạt cảm thương nỗi oan tình nên mới cứu vợ con Hoàng Phủ Kính đem về nhận làm mẹ, còn con gái người thì đem về nhận làm chị nuôi , dưỡng sau hậu trại , va thì ở nơi tiền trại , lại nghiêm cấm quân sĩ không cho hỗn tạp. Còn Lưu Quốc cựu tuy bị bắt song được đối xử tử tế, đợi khi triều đình chiêu an sẽ đưa Lưu Quốc cựu về. Chính hôm ấy hạ thần được tiếp xúc với Lưu Quốc cựu và con Hoàng Phủ Kính nên mới rõ đéâu đuôi mọi việc. Vả lại, con gái của Hoàng Phủ Kính tuy phận liễu bồ mà võ nghệ tinh thông, thao lược kiêm toàn, cũng tình nguyện đi đánh giặc Phiên để cứu thân phụ người về triều. Hạ thần trộm nghĩ : kẻ đã tình nguyện hy sinh cho xã tặc thì bệ hạ cũng nên ân xá cho một phen.
Vương Thiếu Phủ cố tình biện minh, song không thể nào lay chuyển lòng căm thù của vua Thành Tôn được. Người ta thấy sắc mặt vua bỗng biến đổi, hai hàm răng cắn chặt , vua rít lên :
- Thế ra khanh là kẻ đồng đảng với tên giặc Vệ Dõng Đạt ư ? Nếu không , tại sao khanh lại quyết tình tâu xin lắm lời vậy ?
Vương Thiếu Phủ trông thấy sắc giận của vua thì sợ tháo mồ hôi, chân tay run lập cập, vập đầu lạy lia lịa và tâu :
- Chỉ vì hạ thần nghĩ đến việc thêm bạn bớt thù và muốn đi dẹp giặc Phiên chuyến này cho thành công nên mới bạo gan tâu bày. Thật quả hạ thần phạm tử tội !
Vua thấy Vương Thiếu Phủ thất kinh khiếp đảm thì thương hại, mỉm cười phán :
- Đó là trẫm giả ý thử khanh đó thôi. Khanh hãy bình thân, trẫm không bắt tội khanh đâu . Khanh nên biết rằng trẫm đã quyết tâm phá Xuy Đài sơn thành bình địa, nên ngày nào quân giặc Xuy Đài sơn còn đó là trẫm ăn không ngon , ngủ không yên .
Vương Thiếu Phủ thấy thoát khỏi tai họa , lòng mừng Khấp khởi lạy tạ lui ra đứng một bên, càng nghĩ càng khiếp đảm cho hành động liều lĩnh của mình vừa qua .
Khi về quán ngụ, Vương Thiếu Phủ thuật chuyện ấy lại cho Hùng Hiệu nghe và nói :
- Bây giờ ta chỉ còn có cách là cầu cứu ân sư Lệ Minh Đường nhờ ngưiờ tâu dùm cho thì hoạ may mới được .
Hùng Hiệu nói :
- Không tiện đâu! Việc này ta dã tâu lên bị vua quở trách rồi, nếu bây giờ ta yêu cầu ân sư , không khéo người sẽ cho ta là kẻ tự chuyên , lại càng nguy nữa.
Vương Thiếu Phủ nói:
- Thân mẫu và gia tỷ tôi hiện ở tại đó, dù ân sư có quở mắng tôi thế nào đi nữa, tôi cũng cầu xin người giúp đở cho kỳ được.
Vương Thiếu Phủ nói dứt lời , liền lên ngựa thẳng đến dinh Lệ Binh bộ .
Gia tướng chạy vào phi báo , Lệ Minh Đường truyền mời vào . Trà nước xong , Lệ Minh Đường lên tiếng hỏi:
- Nếu tôi không lầm thì niên huynh có việc chi lo lắng lắm phải không?
Vương Thiếu Phủ nói:
- Ân sư quả rành tâm lý lắm. Thật tình hiện tôi có việc lo âu nên đến đây nhờ ân sư giúp đỡ.
Rồi chàng thuật hết đầu đuôi câu chuyện lại cho Lệ Minh Đường nghe và nói:
- Tôi cũng muốn đánh bạo vào triều tâu xin, nhưng lại bị thánh thượng quở trách, nên chỉ còn cách đến xin ân sư rủ lòng thương đến Vệ Dõng Đạt và vợ con Hoàng Phủ Kính, vì họ là những kẻ hết lòng trung thành vì nước cả.
Lệ Minh Đường nghe qua, thất kinh nói:
- Sao niên huynh lại xem thường vương pháp như vậy! Hơn nữa, niên huynh chỉ là một kẻ tân khoa chứ có phải một vị đại thần trong triều đâu, sao dám liều lĩnh tâu lên như vậy? May mà thánh thượng rộng lòng khoan dung nên mới bị quở trách thôi, nếu không thì chẳng thoát khỏi tội đâu. Vậy từ nay về sau niên huynh chớ nên liều lĩnh như thế nữa.
Vương Thiếu Phủ nói:
-Chỉ vì tôi thấy Vệ Dõng Đạt và vợ con Hoàng Phủ Kính đều là những kẻ tận trung vì nước và cũng vì lẻ “đồng thinh tương ướng” nên tôi mới mạo hiểm như vậy, nhưng tôi lại quên mình là phận hèn không thể làm nổi cái công việc lớn lao ấy, vậy xin ân sư hãy bảo tấu giùm cho.
Lệ Minh Đường gật đầu, nói:
- Niên huynh an tâm, để mai tôi vào triều sẽ bảo tấu.
Vương Thiếu Phủ nghe nói, lòng mừng vô hạn:
- Ân sư mà châu toàn được việc này, thật ân đức ấy không gì ví nổi .
Lệ Minh Đường mỉm cười:
- Đó chẳng qua là bổn phận đối với bạn hữu cần phải vậy, chớ có ân nghĩa chi đâu.
Vương Thiếu Phủ từ tạ ra về, Lệ Minh Đường lui vào nhà trong, Tố Hoa hỏi:
- Vừa rồi tôi được nghe rõ chuyện ấy, quả thật như vậy, nhưng nếu triều đình cố chấp không chịu ân xá, tiểu thơ biết liệu sao?
- Việc này là việc của phu quân chúng ta , vậy mai đây em quyết tâu bày thế nào cho Thiên Tử chấp thuận , em mới an tâm.
Hôm sau, Lệ Minh Đường dậy sớm lắm, sửa soạn áo mão lên kiệu thẳng đến triều ca; nhưng đến nơi đã thấy Vương Thiếu Phủ chờ ở đó rồi. Kế một lát sau, Lưu Tiệp cùng các quan văn võ cũng lần lượt đến.
Khi Thiên tử lâm triều, Lệ Minh Đường vội vã quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, thần có một việc muốn tâu bày, xin bệ hạ nhậm ngôn.
Vua Thành Tôn nói:
- Trẫm miễn lễ cho khanh, hãy bình thân và tâu bày một cách tự nhiên.
Lệ Minh Đường đứng dậy tâu:
- Bình sanh hạ thần rất ghét bọn cường sơn thảo khấu, nhưng ý theo thiển ý của hạ thần thì tên tướng giặc Xuy Đài sơn tuy làm nghề cường đạo song chỉ chuyên cướp giựt của phường tham bạo chớ không khi nào nhiễu hại đến dân lành, người ấy lại là một trang thiếu niên hào kiệt vẫn có lòng vì triều đình xã tắc, cho nên khi bắt vợ con Hoàng Phủ Kính và Lưu Quốc cựu đều đem về núi tiếp đãi trọng hậu, chờ khi triều đình giáng chỉ chiêu an thì đem binh dốc lòng dẹp giặc lập công . Hơn nữa, con gái của Hoàng Phủ Kính là Trưởng Hoa cũng là một tay võ nghệ lão thông quyết lòng đánh giặc Phiên để cứu thân phụ trở về. Xin bệ hạ hãy vì quốc gia đại sự , mở lượng hải hà thâu dụng họ cho sung vào quân đội. Hạ thần thiết nghĩ cũng là một điều hay.
Vua Thành Tôn mỉm cười phán:
- Việc này chắc Vương Thiếu Phủ có cậy khanh tâu hộ đây. Trẫm cũng khá khen cho khanh có lòng binh vực học trò, nhưng trẫm không thể nào chấp nhận việc này được.
Vua Thành Tôn đã cảm cái ân sâu của Lệ Minh Đường cứu Thái Hậu khỏi chết, và thấy Lệ Minh Đường thông minh chánh trực, lòng hằng cảm phục trọng đãi hơn cả mọi người. Vì vậy, dù Lệ Minh Đường có tâu điều chi cho vua bất bình, vua vẫn không giận.
Lệ Minh Đường nghe vua phán như vậy, liền quỳ xuống tâu tiếp:
- Muôn tâu bệ hạ, việc này chẳng phải Vương Thiếu Phủ thỉnh cầu hạ thần đâu. Chỉ vì hạ thần biết rõ Vệ Dõng Đạt xưa nay vẫn là người trung nghĩa , còn Hoàng Phủ Kính thì hạ thần cũng quả quyết không khi nào chịu đầu hàng quân giặc. Sở dĩ hôm nay, hạ thần nguyện rỗi tâu là muốn cho họ có cơ hội lập công chuộc tội để khỏi mai một kẻ anh hùng và giang sơn cẩm tú này sẽ có thêm một vây cánh khả dĩ, chứ hạ thần không có ý chi khác. Hơn nữa, từ khi hạ thần ra làm quan đến nay chỉ thề một lòng công bằng, không tham lam lễ vật của ai. Nay không khi nào chịu nghe theo lời thỉnh cầu mà phụ ơn bệ hạ, xin bệ hạ lượng xét cho.
Vua Thành Tôn cho Lệ Minh Đường đứng dậy rồi vời đến gần trước bệ, dịu giọng hiểu dụ:
- Trẫm thừa hiểu khanh là người cao kiến, nhưng trước khi muốn thi hành việc gì cần phải suy xét cho chu đáo đã. Nguyên trước kia quan Tuần phủ Sơn Đông có dâng sớ về cấp báo rằng Hoàng Phủ Kính đã đầu hàng quân giặc, dẫn giặc về đánh phá Đăng Châu. Còn con gái của Hoàng Phủ Kính trú ngụ Xuy Đài sơn đã lâu mà Vệ Dõng Đạt là tay thiếu niên hào kiệt , làm gì họ không kết duyên với nhau. Nếu nay ta thuận cho chúng đi đánh giặc, may ra Hoàng Phủ Kính một lòng vì nước thì chẳng nói chi, bằng ngược lại thì ta vô tình tạo cho cha , con, rể có cơ hội liên hiệp với nhau tiếp tay với giặc, trong dánh ra, ngoài đánh vô, nguy hiểm biết dường nào! Xét cho cùng thì dù sao Vệ Dõng Đạt cũng đã quen thói lục lâm trung thường bất thiện, dù ta có khoan hồng cho mấy cũng không thể vừa lòng kẻ bất lương , vậy khanh nên suy nghĩ cho chín chắn mới được.
Lệ Minh Đường vẫn một mực tâu:
- Hạ thần thiết nghĩ Hoàng Phủ Kính vốn dòng thi lễ, đời nào vợ con lại chịu để cho hoan ố tiết danh. Còn người con trai họ Hoàng Phủ Kính phải trốn đi như vậy, cốt yếu là bảo tồn kế tự, lại có lòng mong mỏi được dịp tỏ nỗi oan tình. Người con gái mang tiếng vào chốn lục lâm song Vệ Dõng Đạt lại nguyện kết tình thân hữu nên rất hậu đãi và cho nam nữ hữu biệt. Thậm chí đến Lưu Quốc cựu cũng được nuôi dưỡng thanh nhàn, nếu bệ hạ bằng lòng ân xá thì Quốc cựu được về ngay. vậy cứ theo thiển ý của hạ thần thì bệ hạ nên dung nạp con gái Hoàng Phủ Kính và Vệ Dõng Đạt cho theo dẹp giặc, hạ thần dám cam đoan không khi nào họ dám tạo phản đâu. Nếu họ có làm phản , hạ thần xin chịu toàn gia chu lục. Ấy là hạ thần vì nước tiến cử người hiền, không đành để cho người trung lương phải gánh chịu nỗi oán khổ suốt đời. Xin bệ hạ nhận lời.
Lệ Minh Đường vừa dứt lời thì Lưu Tiệp lật đật bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, Vì Lệ Minh Đường Binh bộ phân biện rất minh. Nay người đã đem hết toàn gia ra chịu trách nhiệm, vậy bệ hạ cứ việc giáng chỉ chiêu an cho cả bọn đặng lập công chuộc tội, và tiện nhi của hạ thần cũng được hồi triều, thật lưỡng toàn vô cùng.
Vua Thành Tôn gật đầu khen phải rồi truyền cho quan Binh bộ thảo chiếu chiêu an, cho phép Vệ Dõng Đạt được đem hết binh mã của mình lãnh chức Hữu Tiên Phong , còn Xích Nam Anh đổi lại là Hữu Dực quân, Vương Hào là Tả Vệ quân, con gái Hoàng Phủ Kính là Trưởng Hoa Tiểu thơ cho làm Tĩnh quốc Hiếu nữ, theo đại binh dẹp giặc. Đồng thời sai người đi đón rước Lưu Khuê Bích về.
Lúc ấy Lệ Minh Đường nghe nói cho người đi rước Lưu Khuê Bích về thì giận lắm, nói với Lưu Tiệp:
- Quốc trượng nên biết rằng thuở trước lịnh lang lãnh ấn soái đi dẹp giặc mà để cho giặc bắt, thế nào cũng có tội, sao nay Quốc trượng không để cho lịnh lang cùng theo Vệ Dõng Đạt đánh Phiên lập công, ngày sau đắc thắng về triều, tội lỗi đã tiêu tan lại còn được gia phong quan tướng, không hay hơn sao?
Vua Thành Tôn nghe nói liền gọi Lưu Tiệp , phán bảo:
- Lời Lệ Binh bộ nói rất chí lý, Quốc trượng nên nghe theo là phải.
Nói rồi, vua cho triệu Vương Thiếu Phủ vào trước bệ, căn dặn :
- Nay trẫm giao Lư Khuê Bích cho khanh để khanh dìu dắt lập lấy công trạng.
Vương Thiếu Phủ lãnh chỉ lui ra. Kế một lát sau, quan Binh bộ thảo xong tờ chiếu dâng lên, vua truyền đóng ấn rồi giao cho quan chủ sự Hộ bộ là Nhiêu Phong Doanh mang đến Xuy Đài sơn để chiêu dụ Vệ Dõng Đạt.
Sau khi bãi triều, Vương Thiếu Phủ trở về công quán, thuật hết mọi việc chi Hùng Hiệu nghe, Hùng Hiệu mừng rỡ vô cùng, hai người đang chuyện vãn, xảy thấy quân sĩ vào báo:
- Có quan chủ sự họ Nhiêu muốn vào yết kiến dể bàn việc cơ mật.
Vương Thiếu Phủ vội vã bước ra nghinh tiếp vào. Sau khi an tọa, Nhiêu Phong Doanh nói:
- Hôm nay tôi lãnh chỉ ra Xuy Đài sơn để chiêu an, song tôi sợ Vệ Dõng Đạt sanh lòng bất trắc, nên phải đến đây nhờ Nguyên Soái giúp cho.
Vương Thiếu phủ nói:
- Việc này cho tôi bảo tấu, xin đại nhơn hãy an tâm, vì nếu có điều gì xảy ra làm sao tôi tránh khỏi tội hình.
Nhiêu Phong Doanh nói:
- Tôi cũng biết như vậy, nhưng nhờ Nguyên soái hãy đưa thư dến trước, tôi mới an lòng. Vương Thiếu Phủ gật đầu :
- Được rồi, đại nhơn chớ ngại. Tôi sẽ gửi thư trước cho.
Nhiêu Phong Doanh mừng rỡ cáo từ lui về. Vương Thiếu phủ truyền gia tướng thắng ngựa đặng tạ ơn Lệ Minh Đường.
Hôm ấy sau khi bãi chầu, Lệ Minh Đường về phủ, Lương Giám phiền trách :
- Vệ Dõng Đạt vốn là tên lục lâm cường khấu, cớ sau hiền tế lại dám đem tánh mạng toàn gia ra gánh chịu , quyết bảo tấu cho kỳ được là nghĩa gì ? nếu chúng tạo phản thì việc này không phải chơi. Vả lại, Hoàng Phủ Kính và vệ Dõng Đạt nào có phải thân thích chi với hiền tế đâu, sao hiền tế lại đa sự đến thế. Rủi ngày sau có bề gì, cả dòng họ hiền tế bị thác oan mạng thì biết liệu sao ?
Lệ Minh Đường nói :
- Thưa nhạc phụ , tiện tế đã biết chắc chắn Hoàng Phủ Kính và Vệ Dõng Đạt đều là những người trung thành chơn chánh nên mới dám đứng ra đảm đương bảo cử. Chắc chắn không có xảy ra việc gì đâu, xin nhạc phụ chớ ngại.
Lương Giám lại nói :
- Dầu cho họ không tạo phản đi nữa, cũng không ích lợi gì hiền tế cả. vậy từ nay về sau, hiền tế chớ nên gánh vác việc của người ta như vậy nữa, nguy hiểm lắm.
Lệ Minh Đường vâng lời rồi lui về phòng, Tố Hoa hỏi :
- Bửa nay vào chầu có việc chi mà về nhà Thừa Tướng trách móc dữ vậy ?
Lệ Minh Đường bèn thuật lại mọi việc cho Tố Hoa nghe. Tố Hoa mừng rỡ đàm đạo cùng Lệ Minh Đường một hồi, xảy có nữ tỳ vào báo :
- Bẩm đại nhơn, có quan Nguyên soái Vương Thiếu Phủ xin vào yết kiến.
Lệ Minh Đường vội truyền mở cửa giữa tiếp rước Vương Thiếu Phủ vào. Uống xong chén trà, Vương Thiếu Phủ toan đứng dậy lạy tạ ơn Lệ Minh Đường đã bảo tấu giùm để cứu lấy nhà Hoàng Phủ Kính và Vệ Dõng Đạt, nhưng Lệ Minh Đường đã khoa tay từ chối không cho lạy lục, và căn dặn :
- Nay thánh thượng cho Lưu Bích Khuê cùng đi theo đánh giặc nhưng Nguyên soái chớ nên tin dùng, vì hắn là một đứa lòng gai dạ độc. Nguyên soái hãy báo tin cho Vệ Dõng Đạt biết, cứ bỏ hắn vào tù xa rồi lấy vải bố phủ kín cả bốn mặt, đem theo ra mặt trận , cần nhứt là phải cho hắn ăn uống tử tế, nhưng đừng cho hắn biết rõ việc chi cả.
Vương Thiếu Phủ tỏ vẻ lo ngại, nói :
- Lời ân sư dạy rất phải, nhưng tôi sợ e việc này thấu đến tai Quốc trượng thì chắc lâm trọng tội chớ chẳng phải chơi.
Lệ Minh Đường mìm cười đáp :
- Việc ấy Nguyên soái chớ ngại. Nếu Quốc trượng có nói gì tôi sẽ đứng ra che chở hết.
Vương Thiếu Phủ nói :
- Nếu ân sư có lòng giúp đở tận tình như vậy, tôi xin vâng lời theo.
Rồi Vương Thiếu phủ từ tạ lui về công quán thuật lại cho Hùng Hiệu nghe, đoạn viết thư gởi cho Vệ Dõng Đạt. Trong thơ nói rõ việc triều đình xá tội và phong cho Dõng Đạt làm chức Hữu Tiên phong, dạy đem hết binh mã đến Đăng Châu giúp sức tảo thanh quân giặc, ngoài ra còn dặn phải giam cầm Khuê Bích vào tù xa và đem y theo như Lệ Minh Đường đã dạy.
Thư viết xong, Vương Thiếu Phủ tức tốc sai Lý Mãnh và Đinh Tuyên phi ngựa trực thẳng về Xuy Đài sơn trao cho Vệ Dõng Đạt.
Lới Bình
- Tướng cướp Xuy Đài sơn đả giết chết Khâm sai, làm nghịch mạng triều đình, cướp tù xa, lại còn bắt Lưu Khuê Bích, một vị Quốc cựu, đã lắm phen vua Thành Tôn nổi giận lôi đình muốn đem binh đi đến đạp Xuy Đài sơn thành bình địa mới hả giận. Thế mà hôm nay Lệ Minh Đường dám đứng ra xin ân xá và thu dụng bọn Xùy Đài sơn thì quả thật là một việc không ai làm được, vì quyền hành của vua chúa ai cũng thừa hiểu rằng : nếu làm cho vua trái ý tất nhiên phải bị lụy đến thân.
Thế mà lời rỗi tấu của Lệ Minh Đường thành công, đủ biết uy tín của Lệ Minh Đường đến bực nào rồi ! Cái uy tín ấy chỉ do một chút ơn cứu tử cho mẹ vua. Vua Thành Tôn vốn người hiếu thảo thì Lệ Minh Đường có công cứu tử tất nhiên nói gì vua cũng nghe.
Ở đây, tác giả muốn bcho thấy các vì vua chúa thời trước thường đặt cá nhân mình lên trên quốc gia xã tắc. Kẻ nào đã gây được một chút ân nghĩa trong đám hoàng thân thì dù nói phải hay quấy, vua cũng nghe theo, mặc cho quốc gia hưng vong hay dân tình ta thán cũng không cần đến. Ở đây, may mắn Lệ Minh Đường tâu xin một việc có lợi cho quốc gia ; chứ như có hại, chắc vua cũng không từ chối.
Vẫn biết chữ hiếu vô cùng yếu trọng đối với phận làm con, nhưng không thể đặt trên quốc gia dân tộc được, vì dầu sao cũng là tình nhà, không thể đem so sánh với Tổ Quốc bao la kia !