Lệ Minh Đường nói:
- Chị đã bằng lòng kết hôn, sao lại giấu dao bén làm gì? Hay là chị tính hành thích em nữa chăng?
Tố Hoa cười đáp:
- Không đâu! Chỉ vì tôi sợ không phải tiểu thơ mà là một chàng thư sinh nào khác, trong giờ phút hiệp cẩn tôi sẽ dùng con dao này quyên sinh vậy. Nhưng hôm nay ông chồng tôi đã là tiểu thơ rồi thì hay biết bao nhiêu, vì từ nay về sau khỏi lo Thừa tướng gả tôi cho ai nữa. Đó quả là phước ngộ trùng lai cho hai ta, vậy hai ta hãy ẩn nhẫn qua ngày để chờ đợi Hoàng Phủ Công tử.
Lệ Minh Đường nói:
- Cũng vì em đây vô duyên bạc phước nên khiến cho giai kỳ của chị cũng phải dang dở. Vậy nếu sau này gặp được Hoàng Phủ Công tử rồi, em xin nhường cho hai chị vai trò chánh thất đó.
Tố Hoa lắc đầu đáp:
- Mẹ con tôi thọ ơn nhà tiểu thơ rất nặng, tưởng không thể nào đền đáp đặng, vậy nay tôi chỉ mong được an phận thứ phòng là toại nguyện lắm rồi.
Dứt lời, hai người nhìn nhau cười xòa, đoạn Lệ Minh Đường ẵm Tố Hoa vào lòng, cất tiếng khen:
- Ôi! Cái nhan sắc của chị sao mà mặn mà đến thế. Chính em đây mà trông thấy cũng phải xiêu lòng thay.
Tố Hoa ngước mặt nhìn Lệ Minh Đường, cười và hỏi:
- Ô hay! Sao tiểu thơ lại nói éo le như vậy?
Lệ Minh Đường cười mơn trớn, đáp:
- Hai chúng mình hôm nay đã nghiễm nhiên là vợ chồng rồi thì phải thương yêu nhau chớ!
Tố Hoa nói trong tiếng cười:
- Tôi nghĩ tức cười cho tôi quá, vì đã hai lần động phòng hoa chúc mà vẫn chưa có chi hết.
Lệ Minh Đường nói bằng giọng tự đắc:
- Tài mạo của em quán chúng như vầy mà may được chị kết duyên cùng em, thế nào đám phụ nữ ở đây cũng ghen thầm chị, chớ chẳng phải không đâu!
Tố Hoa giơ ngón tay xỉa vào mặt Lệ Minh Đường, nói:
- Ôi! Quan Trạng chớ lắm lời khoe khoang, quan Trạng có biết trong hoàn cảnh này quan là người vô dụng không? Nếu tôi đây là con Thừa tướng thiệt thì đêm nay gặp phải ông chồng vô dụng thế này, chắc sáng mai sẽ xảy ra nhiều chuyện buồn cười ngộ nghĩnh lắm!
Tố Hoa nhìn đi nhìn lại Lệ Minh Đường một hồi rồi nói:
- Ngày nay trông tiểu thơ có phần mỹ lệ hơn trước nhiều.
Nói rồi, vói tay ôm Lệ Minh Đường, vừa hôn vừa nói:
- Cái dung nhan của tiểu thơ thật khiến cho người ta đổ quán xiêu đình chớ chẳng chơi.
Nói xong, hai người lặng lẽ cởi áo ngoài ra ngã mình xuống chiếu, ôm choàng nhau an giấc, cái tình âu yếm, vẻ mặn nồng xem còn vui thú hơn vợ chồng thiệt nữa là khác.
Sáng sớm hôm sau, hai người thức dậy, sau khi súc miệng rửa mặt xong, Lệ Minh Đường bèn lấy lượt chải đầu cho Tố Hoa, chẳng dè lúc ấy có con nữ tỳ trông thấy, vội vã chạy xuống nói với vợ chồng Lương Giám:
- Tôi thấy quan Trạng nguyên ở trên lầu đang chải tóc cho tiểu thơ.
Lương Giám nghe nói lấy làm hài lòng, ngồi rung đùi nói với phu nhơn:
- Tôi bảo có sai đâu. Tôi biết thế nào vợ chồng nó cũng tương đắc mà.
Cảnh Phu nhơn gật đầu cười sung sướng:
- Ừ, vợ chồng nó mà được đắc tình với nhau như vậy thì hai ta mới vui lòng chớ.
Giây phút sau, bỗng thấy vợ chồng Lệ Minh Đường từ trên lầu dắt nhau xuống lạy tạ. Vợ chồng Lương Giám trông thấy con rể xứng đôi vừa lứa, dung nhan đều đẹp đẽ cả hai thì lòng như hoa nở. Từ đó, vợ chồng Lệ Minh Đường ở luôn tại phủ, cùng nhau lo phụng dưỡng Lương Giám cùng Cảnh Phủ nhơn.
Khi Lệ Minh Đường lạy xong bước ra ngoài, xảy gặp Vinh Phát. Vinh Phát nhìn chòng chọc Lệ Minh Đường hồi lâu rồi kề tai hỏi nhỏ:
- Thế nào? Sự thể có ổn không? Đêm nay tôi lo cho tiểu thơ quá. Chỉ sợ Lương Tiểu thơ bất bình thì nguy.
Lệ Minh Đường liền kề tai nói nhỏ cho hắn biết Lương Tiểu thơ chính là Tô Yến Tuyết, và căn dặn:
- Tuy biết vậy nhưng khi gặp mặt mi cứ giả vờ không quen biết, kẻo người ta biết được thi nguy đấy, nghe chưa?
Vinh Phát nghe nói Lương Tiểu thơ lại là Tô Yến Tuyết thì mừng quýnh, nói:
- Nếu vậy thì hay quá. Quả thật là trời xui đất khiến, đến xứ lạ gặp người quen thì còn gì sung sướng cho bằng.
Hai thầy trò đang chuyện vãn, xảy thấy gia nhơn đem thiệp đến và thưa:
- Có các quan tân khoa đến chúc mừng.
Lệ Minh Đường nghe nói vội vã ra nghinh tiếp vào. Các quan tân khoa lần lượt chúc mừng rồi cùng nhau đàm đạo giây lát mới kiếu từ ra về.
Sau đó vài hôm, Ngô Đạo Am được bổ đi nhận chức tri huyện Giang Lăng, lúc ấy bao nhiêu giấy tờ văn bằng, bộ trát đều do Lệ Minh Đường lo lắng cho cả, Ngô Đạo Am chỉ việc về quê nhà lo thu xếp đồ đạc và đem vợ con đi trấn nhậm mà thôi.
Khi Ngô Đạo Am về, Lệ Minh Đường có gởi một bức thư thăm vợ chồng Khương Nhược Sơn và xin thêm tiền đặng trả khoản tiền thiếu cho Du Trí Văn. Còn phần vợ chồng Khương Nhược Sơn thì phải đợi xem triều đình bổ làm chức chi rồi mới về rước đến kinh chung hưởng phú quí. Lệ Minh Đường còn gởi về đôi vòng ngọc và một đôi hoa vàng của vua Thành Tôn ban, đặng tặng cho Nguyên Lãng và cầu chúc cho hắn sau này học hành mau tiến bộ.
Nhờ có Lệ Minh Đường thi đỗ Trạng nguyên nên Ngô Đạo Am cũng được các quan lớn nhỏ trong triều kính nể; còn Lệ Minh Đường ở trong triều, bất kỳ việc lớn hay nhỏ cũng đều lấy lời ngay thẳng góp ý và can gián, cho nên nền chính trị trong nước mỗi ngày một thêm hoàn hảo.
Vua Thành Tôn thấy Lệ Minh Đường thông minh cương trực nên hết lòng trọng đãi. Tuy vậy, Lệ Minh Đường không lấy thế làm kiêu ngạo. Đối với các quan triều thần, hễ thấy ai có lỗi dù nhỏ cũng hết sức đùm bọc chở che cho nên ai nấy đều mến phục.
Bây giờ xin nói về Cố Hoằng Nghiệp tức là cậu ruột của Lưu Khuê Bích, có một người chị gái gả cho một người tại xứ kia tên Thôi Thụ Mẫn, nguyên chân Tấn sĩ xuất thân, làm quan đến chức Bố chánh thì qua đời, chỉ sanh được hai người con trai là Thôi Phàn Long và Thôi Phàng Phụng. Thôi Phàn Long nguyên nhị giáp Tấn sĩ xuất thân, tuổi đã ba mươi, năm phụ thân chết thì xin cáo quan về nuôi dưỡng mẹ già, bây giờ đã hết hạn kỳ nên phải về kinh lãnh chức Tri huyện. Còn Thôi Phàn Phụng tuổi mới mười tám, tướng mạo khôi ngô, làu thông kinh sử, lại thêm tánh tình thuần hậu, biết rõ đạo lý khiêm cung. Năm Phàn Phụng lên mười tám tuổi đã cưới con gái họ Trương làm vợ, chẳng dè cách vài năm sau thì Trương thị tạ thế, vì vậy hiện Thôi Phàn Phụng đang chọn gái lành đặng kết hôn.
Ngày kia, Cố Hoằng Nghiệp mời mẹ con Thôi Phàn Phụng đến chơi, xảy gặp Cố Phu nhơn và Lưu Yến Ngọc cũng có đến thăm Cố Hoằng Nghiệp (nguyên lâu nay Cố Phu nhơn ghét Lưu Yến Ngọc, nhưng từ khi Lưu Khuê Bích về kinh rồi, ở nhà chỉ có một mình Lưu Yến Ngọc. Nàng lại hết lòng phụng dưỡng Cố Phu nhơn, nên dần dần bà thương yêu Lưu Yến Ngọc, mới dắt nàng đi thăm Cố Hoằng Nghiệp đó).
Năm ấy, Lưu Yến Ngọc xinh lịch hơn trước nhiều, nên Thôi Phàn Phụng vừa trông thấy đã mê mẩn tâm thần, chàng nghĩ thầm:
“Ôi chao! Ta mới cách biệt đâu vài năm nay, không ngờ nhan sắc của nàng lại sắc sảo mặn mà đến thế! Thôi để ta thưa cùng thân mẫu ta, xin cưới nàng thì hay lắm”.
Rồi Thôi Phàn Phụng cứ lén liếc nhìn trộm Lưu Yến Ngọc hoài, khiến Lưu Yến Ngọc vô cùng ái ngại, nàng đoán biết Thôi Phàn Phụng có ý chẳng lành nên nàng nghĩ thầm:
“Ta đã trót thề nguyền với Hoàng Phủ Công tử rồi, vậy bây giờ đây dù ai có tài mạo đến đâu, nhất định không khi nào chịu thất tiết, vậy ta cần phải lánh xa gã này mới xong”.
Nghĩ đoạn, nàng vội vã đi vào phòng trong đàm đạo cùng mấy chị em bạn gái bên họ Cố.
Thôi Phàn Phụng thấy nàng đi rồi, bèn tố trần ý muốn của mình cho thân mẫu biết. Thân mẫu của chàng nghe nói cũng đẹp lòng, lập tức cậy Cố Hoằng Nghiệp giúp giùm.
Cố Hoằng Nghiệp sốt sắng nói:
- Nếu cháu nó đã muốn như vậy thì để tôi làm mai cho.
Thôi Phàn Phụng muốn tỏ ra mình kén vợ một cách chu đáo nên bước tới thưa:
- Xin cậu chờ đến bữa cơm cho tôi xem mặt nàng lại một lần nữa đã.
Cố Hoằng Nghiệp nói:
- Việc ấy có khó gì, để ta bảo nó ra cho cháu xem.
Nói rồi dắt hai mẹ con Thôi Phàn Phụng lên tiếng nói với Cố Phu nhơn. Sau khi an tọa, mẹ Thôi Phàn Phụng qua phòng Cố Phu nhơn, nói:
- Tôi mới cách biệt vài năm mà hôm nay trông con Lưu Yến Ngọc nó đã lớn và nhan sắc xinh đẹp quá, thật đáng mừng.
Thôi Phàn Phụng ngồi một bên thấy mẹ mình đã mở hởi rồi, trong lòng hồi hộp liền đứng dậy đi lảng chỗ khác, nhưng cố lóng tai nghe kết quả, còn Cố Phu nhơn thấy mẹ của Phàn Phụng nhắc nhở Lưu Yến Ngọc nên sai nữ tỳ vào kêu Lưu Yến Ngọc ra chào.
Lưu Yến Ngọc biết ý nên do dự không muốn ra, nữ tỳ không biết nói sao, phải ra thưa lại với Cố Phu nhơn:
- Nhị tiểu thơ hổ thẹn không chịu ra.
Cố Phu nhơn nổi giận nói:
- Con bé này lạ thật. Ở đây toàn là người nhà cả, việc gì lại phải hổ thẹn? Chúng bay hãy vào bảo nó ra đây cho mau.
Nữ tỳ vâng lịnh chạy vào nói lại với Lưu Yến Ngọc:
- Tiểu thơ không ra khiến phu nhơn giận lắm, buộc tiểu thơ phải ra ngay lập tức.
Lưu Yến Ngọc cực chẳng đã phải bước ra chào rồi đứng hầu một bên. Mẹ của Thôi Phàn Phụng lên tiếng hỏi, nàng trả lời ít câu rồi cáo từ lui vào trong.
Sau đó Thôi Phàn Phụng theo tỉ tê nài mẹ thế nào cũng hết lòng lo lắng cưới cho kỳ được Lưu Yến Ngọc.
Cơm nước xong, mẹ Thôi Phàn Phụng nói với Cố Phu nhơn:
- Nay mai đây trưởng tử tôi phải về kinh nhậm chức Tri huyện, ở nhà chỉ còn một mình Thôi Phàn Phụng mà thôi, hắn lại chưa đính hôn được nơi nào, tôi lo cho tuổi tác tôi đã già mà trong nhà lại thiếu người trông nom. Nay tôi thấy cháu Lưu Yến Ngọc đây cũng xứng đôi vừa lứa với thứ tử tôi, nên muốn kết tình thân ái cho thêm mật thiết, chẳng hay hiền muội nghĩ thế nào?
Cố Hoằng Nghiệp xen vào nói:
- Nếu Lưu Yến Ngọc mà kết duyên cùng Thôi Phàn Phụng thì thật là trai tài gái sắc, loan phụng hòa minh, xứng đôi vừa lứa vô cùng. Việc này nếu hai nhà đã bằng lòng nhau thì tôi xin đứng ra làm mai cho.
Cố Phu nhơn nói:
- Hiền tỷ và hiền đệ nghĩ như vậy thì hay lắm, ngặt vì con Yến Ngọc nói không phải là con của tôi sanh ra, vậy muốn cho được việc, hiền đệ hãy viết một phong thư rồi hai chị em tôi cũng viết mỗi người một phong thư sai người đem đi; trong thư phải tả rõ tài mạo của Thôi Phàn Phụng, làm gì Quốc trượng cũng bằng lòng.
Mấy người bàn luận xong xuôi, lập tức viết thư sai người đi ngay, Thôi Phàn Phụng lòng như nở hoa. Lúc ấy có con nữ tỳ nghe được sự việc, liền chạy đi mách rõ đầu đuôi cho Lưu Yến Ngọc hay.
Lưu Yến Ngọc nghe qua như sét đánh bên tai, nàng cảm thấy choáng váng cả mặt mày, ruột gan rối như tơ vò, hồi lâu mới trấn tĩnh tinh thần được, nàng nghĩ thầm:
“Thôi rồi! Việc này làm gì thân phụ ta chẳng bằng lòng! Nhưng dù Thôi Phàn Phụng kia tài mạo có tuyệt vời đến đâu đi nữa ta cũng không khi nào chịu ưng, nguyện suốt đời giữ lời thề ước cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa; còn nếu song thân ta có cưỡng bức lắm thì ta quyết mượn dòng nước gởi thân như Mạnh Lệ Quân vậy, cho tròn danh tiết”.
Lưu Yến Ngọc càng nghĩ càng thêm uất ức, nàng ước gì có cánh bay thẳng về nhà để bàn mưu kế cùng Giang Tam Tẩu, nhưng Cố Phu nhơn cứ dần dà ở chơi mãi đến bốn ngày sau mới chịu đem Lưu Yến Ngọc về, mấy ngày qua, nàng không ăn ngủ được, khiến gầy ốm đi không ít.
Khi về đến nơi, Lưu Yến Ngọc chạy thẳng lên Hiển Vân các bảo con Phi Diên đi chơi chỗ khác, rồi nói nhỏ với Giang Tam Tẩu:
- Mụ ôi! Tôi đã sắp đến ngày tận số rồi!
Giang Tam Tẩu nghe nàng nói thất kinh hỏi:
- Chẳng hay có việc chi mà tiểu thơ lại thốt lời bi quan đến thế?
Lưu Yến Ngọc liền kể rõ câu chuyện cho Giang Tam Tẩu nghe và nói:
- Tôi đoan chắc việc này thế nào thân phụ cũng bằng lòng, không biết mụ có mưu kế chi cứu tôi được chăng?
Giang Tam Tẩu ngồi bấm trán nghĩ thầm:
“Biết liệu mưu kế chi mà cứu tiểu thơ bây giờ? Vả chăng tánh tình tiểu thơ khí khái, nếu để cho công việc đổ bể ra thế nào nàng cũng quyên sinh. Thôi, bây giờ để ta dùng kế hoãn binh, tìm lời khuyên giải cho nàng yên tâm rồi ta sẽ lo liệu”.
Nghĩ đoạn, Giang Tam Tẩu nói:
- Sao tiểu thơ lại cả quyết như vậy? Theo tôi thì chưa chắc Lưu Quốc trượng bằng lòng đâu.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Tôi thiết tưởng đối với tài mạo Thôi Phàn Phụng thì thân phụ tôi mến lắm, hơn nữa việc này mà thành thì tình thân thiện mật thiết giữa hai nhà càng thêm gắn bó, lẽ nào thân phụ tôi lại chẳng nghe theo.
Giang Tam Tẩu thản nhiên nói:
- Cuộc lương duyên là do trời định, nào ai có muốn mà được, nhưng nói cho cùng, dù sao Quốc trượng có bằng lòng đi nữa, tôi cũng có kế hay để bảo toàn danh tiết tiểu thơ, xin tiểu thơ chớ lo.
Nghe nói, Lưu Yến Ngọc mừng rỡ:
- Tôi chỉ còn hy vọng ở sự tận tâm của mụ, bằng mụ không có kế hay để cứu tôi thì chắc tôi phải quyên sinh vậy!
Giang Tam Tẩu nói:
- Tiểu thơ cứ việc an tâm, lúc nào gặp việc khẩn cấp, tôi sẽ có kế hay để cứu tiểu thơ thoát vòng khổ não.
Nhắc lại việc Cố Hoằng Nghiệp sai người mang thư đến cho Lưu Tiệp, người ấy đi mãi đến đầu tháng hai năm sau mới đến Bắc Kinh. Lúc ấy nhằm lúc tướng Tiên phong Liên Đăng vào trào báo tin việc Lưu Khuê Bích bị vệ Dõng Đạt bắt. Lưu Tiệp đang khóc lóc xảy thấy tin nhà vội giở ra xem. Trong thư nói:
“Nay Lưu Yến Ngọc đã trưởng thành, có Thôi Phàn Phụng đến cầu hôn nên thỉnh cầu ý kiến…”
Lưu Tiệp nghĩ thầm:
“Thôi Phàn Phụng diện mạo khôi ngô, lại là dòng dõi thư hương, nay muốn kết duyên cùng Lưu Yến Ngọc thì quý hóa biết bao!”
Nghĩ đoạn, Lưu Tiệp không do dự gì cả, vội viết hai bức thư phúc đáp ngay. Một bức thư gởi cho Cố Hoằng Nghiệp, tỏ ý bằng lòng gả Lưu Yến Ngọc cho Thôi Phàn Phụng; còn một bức gởi cho Cố Phu Nhơn, bảo hãy cho Lưu Yến Ngọc theo về nhà chồng.
Lưu Tiệp viết xong, liền trao hai bức thư cho tên gia nhơn ấy mang về. Gia nhơn lãnh mạng lên ngựa đi mãi đến tháng tư mới về đến Vân Nam. Hắn trao một bức thư cho Cố Hoằng Nghiệp, một bức cho Cố Phu nhơn.
Hôm ấy, Lưu Yến Ngọc đang trò chuyện với Cố Phu nhơn trong nhà, xảy thấy có nữ tỳ vào thưa:
- Người mang thư đi Bắc Kinh đã về và thấy có mang hồi thư của Quốc trượng về nữa.
Cố Phu nhơn nghe nói vội đứng dậy đi ra ngoài, Lưu Yến Ngọc nghĩ thầm:
“Bức thư này sẽ quyết định tánh mạng của ta hôm nay”.
Nghĩ rồi, nàng lật đật bước theo, Cố Phu nhơn thấy vậy nhớ lại việc năm xưa liền lên tiếng mắng:
- Nghe đến việc nhơn duyên của mình thì sốt sắng đến thế, còn chị dâu mầy năm xưa lại dẫn ra hậu lầu làm cho người ta phải gieo ngọc trầm châu, thật đáng giận thay!
Lưu Yến Ngọc nghe nói hổ thẹn trăm bề, nàng đứng lại mặt mày đỏ như gấc, đợi Cố Phu nhơn ra ngoài khui thư xong mới dám lén ra sau tấm bình phong nghe lóng.
Phu nhơn vừa xem qua mấy câu đầu liền cười đắc chí, nói lẩm bẩm:
- “Ừ, thế mới phải chứ. Đã là chỗ thâm tình mà nay còn cầu thân thêm nữa, thì tài nào phu quân ta lại không bằng lòng”.
Lưu Yến Ngọc nghe nói hồn xiêu phách lạc, chạy thẳng vào nhà trong để bàn kế với Giang Tam Tẩu. Ở ngoài này, Cố Phu nhơn xem đến đoạn dưới mới hay Lưu Khuê Bích bị giặc bắt thì thất kinh hồn vía, xây xẩm mặt mày, phong thư trên tay rơi xuống đất lúc nào không hay, bà ta chết giấc.
Bọn nữ tỳ kinh hãi, vội chạy báo cho Lưu Yến Ngọc hay, Lưu Yến Ngọc đang bàn bạc cùng Giang Tam Tẩu, nghe nói liền chạy ra cùng bọn nữ tỳ đỡ Cố Phu nhơn lên giường, rồi lấy bức thư xem, mới hay Lưu Khuê Bích bị giặc bắt, nàng cũng động lòng thương xót.
Giây lâu, Cố Phu nhơn tỉnh dậy, bà ta khóc rống lên và nói trong tiếng nức nở:
- Khuê Bích con ôi! Con bị giặc bắt thì tánh mạng khó toàn, mẹ hay tin này lòng đau như cắt, không biết họa đâu mà đến một cách thảm thương như vậy con ôi.
Vì quá thương xót, bà ta lăn lộn lên giường than khóc nức nở, khiến ai thấy cũng phải động lòng.
Giang Tam Tẩu nói với Lưu Yến Ngọc:
- Nay phu nhơn đang thương tiếc công tử, quả là dịp may, tiểu thơ hãy ráng mà khuyên nhủ người, họa may người có thương tình không nỡ để cho tiểu thơ xuất giá chăng?
Lưu Yến Ngọc thở dài đáp:
- Lâu nay tôi đã hết lòng hiếu thuận chiều chuộng đủ điều, thế mà phu nhơn vẫn cứ phân biệt thân sơ, tôi sợ phương pháp ấy không kết quả gì.
Giang Tam Tẩu nói:
- Tiểu thơ chớ lo, nếu có việc khẩn cấp tôi sẽ có kế hay để cứu tiểu thơ thoát vòng khổ não ấy ngay.
Từ đó Lưu Yến Ngọc hết lòng phụng dưỡng Cố Phu nhơn, không một lúc nào dám rời xa người nửa biết. Mấy hôm sau, Cố Phu nhơn hỏi Lưu Yến Ngọc:
- Thân phụ con đã thuận tình gả con cho Thôi Phàn Phụng rồi, song trong lúc này lòng dạ ta đang rối rắm nên không kịp sắm sửa tư trang, chỉ đem các của hồi môn của họ Mạnh khi trước cho con, con hãy bằng lòng đi rồi sau này sẽ liệu định thêm.
Lưu Yến Ngọc chắp tay thưa:
- Hiện nay vợ chồng trưởng huynh con bận đi trấn thủ phương xa, còn nhị huynh con lại bị giặc bắt, nếu nay con ra lấy chồng thì lấy ai hầu hạ mẫu thân, vậy xin mẫu thân hãy hoãn lại, đợi khi nào chị dâu trưởng con về rồi, chừng ấy con mới an tâm xuất giá.
Cố Phu nhơn đáp:
- Con đã có lòng hiếu thuận như vậy thì mẹ nỡ nào ép con.
Lưu Yến Ngọc nghe nói mừng thầm, từ đó lại hết lòng hiếu kính hơn nữa.
Cách ba hôm sau, cả nhà dùng cơm sáng vừa xong, xảy thấy nữ tỳ vào báo:
- Có Cố Tiên sinh đến.
Cố Phu nhơn bảo nữ tỳ hãy mời Cố Tiên sinh vào, Lưu Yến Ngọc vội vã lui ra nhà ngoài.
Cố Hoằng Nghịêp vào trà nước xong xuôi, Cố Phu nhơ trỗi giọng buồn buồn nói:
- Tiện nhi ở kinh quá dại dột nên xin đi đánh giặc, rủi ro bị giặc bắt, khiến tôi đau xót lo rầu không kể xiết.
Lời Bình:
- Thời xưa, đã là phụ nữ thì không được bước ra khỏi cửa phòng, tất nhiên họ không có quyền tham gia mảy may gì công việc quốc chánh cả. Nhưng có phải là phái nữ lưu họ bất tài đâu! Xét cho kỹ, ta thấy họ còn tỏ ra xuất chúng hơn cả nam phái nữa là khác. Ở đây, tác giả xây dựng nhân vật Mạnh Lệ Quân là muốn cho ta thấy nữ lưu còn thông minh tài trí không ai bì kịp. Nhưng vì xã hội phong kiến không cho phép nữ giới ra gánh vác giang sơn, nàng đành phải cải trang ra tranh tài với bậc mày râu nam tử để cứu lấy nhà chồng và thực hiện mộng tình dang dở.
Đành rằng bước đường lập công danh cũng một phần nào do sự rủi may, nhưng phải có thừa tài năng mới có thể liên trúng tam nguyên, chiếm bảng Trạng nguyên quán quân trong muôn ngàn sĩ tử.
Với tài ấy cũng chưa đủ, cần phải có chí cương quyết, lòng nhẫn nại, đức khiêm tốn và một lòng vì giang sơn xã tắc mới được vua yêu mến và các quan triều thần kính vì như thế!
Xét cho cùng, Mạnh Lệ Quân cải nam trang ra gánh vác giang sơn đề hạt và thu dụng anh tài để đánh tan xâm lăng, đem thái bình cho triều Nguyên, không phải thực chất nàng có lòng yêu nước thương nòi mà chỉ vì mối tình riêng giữa nàng với chàng Thiếu Hoa mà thôi.
Trong trường hợp này, tình nhà nợ nước gắn bó chặt chẽ với nhau, cho nên Mạnh Lệ Quân phải làm thế nào dẹp được giặc, cứu Hoàng Phủ Kính về, nhà Hoàng Phủ sum hiệp, bấy giờ nàng mới thực hiện được mối tình chung thủy bất diệt trong tâm tình của nàng.