Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Chuyện kể năm 2000

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 61064 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện kể năm 2000
Bùi Ngọc Tấn

Chương 38
Cái cảm giác chán ngán của hắn cứ tăng dần theo với ngày tháng. Hùng đã đưa hắn đi một số trường ngoại thành, nhưng vẫn không đạt kết quả, mặc dù nếu có nơi nào nhận mua, hắn cũng chưa biết cách sản xuất loại giấy sơn màu cho các cháu cắt hình, cắt chữ này.
Hết Kiến Quốc, lại Hổ Lao. Bữa trưa ăn ở Kiến Quốc. Nhà một ông đảng uỷ. Cơm xoàng. Mắm cáy, tôm rang. Nhưng bữa chiều ở Hổ Lao thì khá. Tại nhà một giáo viên. Một con gà thiến luộc. Nước xáo đập hành. Rau thơm. Thế thôi. Cơm gạo quê nữa chứ. Rượu ngang. Ba người khà khướt. Iâu lắm mới được một bữa ngon như vậy. Hùng cuộn mấy bức truyền thần chân dung vợ chồng chủ nhà vẽ dở dang tự bao giờ đem về thành phố làm nốt. Hùng bảo hắn trên đường về: “Hay là cậu học nghề truyền thần. Nhanh thôi. Chịu khó đi nông thôn. Làm quanh năm không hết việc đâu!. Nhưng rồi chính Hùng lại gạt đi: “Được ăn cơm nữa đấy. Có khi cả thịt gà như hôm nay. Nhưng nghĩ cũng khốn nạn lắm. Mình cứ như ông phó cối”.

Hắn vẫn nằm ở nhà, chờ đợi một cái gì chính hắn không biết. Sáng ra, cả nhà mỗi người một bát cơm nóng rưới nước mắm, rồi Ngọc đi làm. (Con Thương dậy sớm. Bao giờ nó cũng dậy sớm nấu cơm. Con bé khi trước leo lẻo cái mồm mà nay chịu khó quá chừng, cứ lặng lẽ làm mọi việc, cả ngày chẳng nói một câu). Mấy bố con ở nhà. Hắn hút thuốc lào vặt. Không có cả tiền mua diêm, hắn giữ lửa bằng cái đèn con. Rồi bóng vỡ. Không có tiền mua bóng nữa, hắn để đèn khuất vào chỗ lò sưởi, khoanh một tấm giấy cong cong chắn gió.
Ngọn đèn không bóng ấy làm hắn nhớ đến ngọn đèn trong tù. Không phải ngọn đèn ở cửa nhà mét tạo thành bó hoa đen một thời Sơn vẫn đăm đăm trò chuyện, mà là ngọn đèn không bóng cũng khoanh một mảnh giấy thế này đặt trong thùng gỗ. Phía trên thùng là những cái nón úp chếch, úp nghiêng để không lọt ra một tí ánh sáng nào, không làm cháy nón mà vẫn có thể thò đóm vào châm lửa hút thuốc lào. Đó là những đêm đông rét cắt ruột ở V. Q, khi hắn còn ở toán văn nghệ. Đó là thời gian Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội.
Máy bay bắn phá bay lượn cả đến đây, nên bọn hắn không bị nhốt trong trại nữa. Mỗi toán sơ tán một nơi. Toán hắn ở một cái lán xa. Xa lắm. Sát rừng. Đi làm là gần. Ngay cạnh. Không có ai gác. Và cũng chẳng ai trốn. Toàn bọn tù mõm cả rồi. Với lại, trốn đi đâu được? Không hộ khẩu, không tem phiếu, sổ gạo. ở đâu được lâu. ở đâu cũng lòi ra. Bấy giờ chẳng ai đủ sức nuôi người khác. Nuôi mình còn khó nữa là. Tù hình sự, trộm cắp, lưu manh có trốn thì trốn. Tù chính trị không trốn. Ông Vui quẫn giáo nằm ở một gian đầu nhà. Ông cũng khổ chẳng kém gì bọn hắn. Đêm đêm, bọn hắn ở trong nhà hút thuốc lào vặt. Sột sệt. (Toàn xài lá sắn non thôi. Thứ này ninh kỹ, ăn bùi, bã deo dẻo như cao-su). Vũ Lượng nhớ kèn, nhớ đàn, Vũ Lượng đứng giữa nhà thét lên:
- Im lặng nhé, Palôma nhé.
Lượng ngửa đầu, cằm hơi đưa ra. Tay giơ ngang trước mặt. Tất cả im phăng phắc. Tất cả nhìn vào cái bóng lờ mờ của Lượng đứng cạnh thùng gỗ, nơi đặt ngọn đèn không thông phong, phía trên úp nón để chặn ánh sáng, đề phòng máy bay Mỹ. Chỉ có tiếng gió mùa đông bắc lạnh lẽo thổi qua mái nhà, xô vào rừng ào ào như tiếng suối lúc gần lúc xa. Ngoài ấy là rừng hoang vắng và đêm đen khô buốt.
- Te... Te...
Tiéng kèn đột ngột vang lên. Đúng là tiếng kèn lanh lảnh và chờ đợi. Tiếng kèn sang trọng, cung đình, như Lượng vẫn nói.
Chờ những âm thanh kỳ diệu ấy lan đi vào đến rừng sâu, chỉ còn lại dư vang trong sự im lặng chờ đợi, Lượng mới cất lên những tiếng kèn đáp lại.
- Tè te te...
Tiếp đó là những tiếng kèn đĩnh đạc, chậm rãi, tự tin của câu mở đầu bài Palôma nổi tiếng:
- Te te té tè te...
Bỗng một bóng người nhỏm dậy và một tiếng kèn trầm hòa theo như tiếng vọng của rừng xa...
- Te tè...
Đó là Tất Tình đã ở hết ba lệnh. Đó là Tất Tình, nhạc công của một đoàn văn nghệ Hà Nội trước đây, nằm trong tổ chức quân thứ hành chính lưu động của Pháp. Bây giờ ta gọi là bọn tâm lý chiến. Tình biết chơi nhiều nhạc cụ. Nhưng trong trại chỉ có một cái mandoline của Cán. Khi Tình chơi mandoline, hắn nghe tiếng đàn réo rắt như ở một đài phát thanh nào đó. Lượng bảo: “Chắc chắn Tình là một trong hai người đánh đàn mandoline hay nhất Việt Nam”.
Cái đêm sơ tán B52 ấy, nhìn hai người kèn mồm vừa vui lại vừa não lòng.
Sao mà giống. Sao mà thiết tha. Bị kích thích bởi khỏng khí im lặng, thành kính của cả toán, Lượng không chơi kèn nữa. Anh đệm contrebasse. Người Lượng gù gù xoay quanh cây đàn tưởng tượng.
Pùm. Púp. Pùm.
Dù ánh đèn bị che chắn, mọi người vẫn trông thấy cái bóng cao, đứng thẳng của Tất Tình đang thổi saxo, và dáng gù gù của Lượng xoay quanh cây đàn contrebasse tưởng tượng, một tay nắm cần đàn, tay kia bật dây: “Pùm. Pum. Pùm”... Vừa rất thật lại vừa ma quái.
“Trời ơi!” Lượng kêu lên, ôm lấy Tất Tình. Cả hai đổ sụp xuống đất, thở hổn hển. Hắn hiểu nỗi nhớ của họ. Trong bóng tối hắn đưa cho hai người cặp lồng lá sắn hắn đã ninh đến nước thứ ba.
Lượng lúc nào cũng đói. Lượng ăn lá sắn chấm muối ớt. Hắn cũng ăn. Tình ăn. Nói chuyện về những đêm ca nhạc. Về ngày về. Thế là Lượng lại hát:
Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê, đến bên luỹ tre.
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè chở đón người về.
Mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ.
Tiếc rằng ta đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ.
Tất cả nằm im trong bóng đêm như những xác chết.
Ai mà chẳng có một người mẹ đang chờ đợi và trong số này hẳn cũng có những người mẹ chờ đến loà cả mắt. Cầu sao cho mẹ mình đừng loà vì chờ đợi. Cầu mong khi mình về mắt mẹ còn sáng để nhìn thấy con của mẹ.
Một đêm cả bọn đang ư ử như vậy, có tiếng ông quản giáo quát ầm ĩ. Tiếng mở khóa, tiếng xô cánh cửa và tiếng ông Vui thét lên:
- Chết hết cả bây giờ. Các anh định giết người đấy à? Các anh định làm chết hết cả hay sao. Có ra ngay không? Máy bay nó đến bây giờ chỉ có chết. Tù cả nút.
Bọn hắn chưa hiểu ra sao, nhưng phá lên cười.
Cười thoải mái. ông Vui gầm lên:
- Còn cười à? Ra mà xem
Trong cơn tức giận, hoảng hốt, ông không biết vì sao tù lại cười, nhưng rồi ông hiểu. Ông nghe thấy một tiếng lầu bầu trong bóng đêm:
- Báo cáo cán bộ, chúng tôi đã tù cả nút rồi ạ.
Cả toán theo ông Vui ra cửa và quành lại phía sau, về phía rừng. Quả đáng sợ thật. Bọn họ hiểu vì sao ông Vui cáu ghê thế.
Cả một cây cổ thụ khô ở sườn đồi bốc lửa đỏ hồng. Rừng rực. Gió mùa đông bắc từng cơn vụt vào thung lung làm cho ngọn lửa tạt đi và những mảng than hồng bị bóc ra bay, cuộn lên trời đêm. Buổi chiều bọn hắn đi làm, nhóm lửa ở gốc cây. Ai ngờ nó lại bén vào cây như một cây đuốc khổng lồ. Đang là mùa hanh, gió mùa... Cả bọn ngây ra ngắm, thích thú nhìn cột lửa giữa rừng. Bọn hắn không sợ máy bay. Có máy bay càng vui. Chết được ngay đâu mà sợ. Mà có chết đã làm sao. Có khi còn là điều may mắn. Anh em mang nồi, thùng, xô, cặp lồng xuống suối xách nước ngược lên dốc. Mấy anh đứng đái vào cây rồi mới múc nước giội “Cho nó khỏi phí bãi nước đái”.
Quả thật hắn chưa trông thấy cảnh gì ghê gớm như thế. Rừng đen kịt. Trời đen kịt. Gió hú. Cây than cao vút. Đỏ từ gốc lên ngọn. Và trên cao là một ít lửa bập bùng soi thấp thoáng vạt rừng già. Gió lồng lộn, lạnh buốt, bóc từng mảng than ném đi vẽ thành những đường đỏ lừ tung lên, cuộn xuống.
Trong lần đến gặp Mi, vợ Lượng, hắn đã tưởng rằng mình có thể nói cho Mi biết cuộc sống của Lượng trên ấy. Lượng đã đưa thư vợ, ảnh con cho hắn. Mi viết thư cho Lượng kèm theo quà và cảm ơn ông Quảng. Ông trưởng phòng đặc trách văn hóa - người đứng đằng sau ông Lan. Người đã dồn hắn và cả Lượng đến thế giới bên kia. Mi viết cho Lượng, nhắc đến những đêm mưa, hai vợ chồng thức giấc, nghe mưa, trò chuyện. Lượng bảo:
- Nếu anh được về trước Lượng, anh phải đến nhà gặp Mi nhé, kể chuyện cho Mi biết Lượng sống trên này.
- Thằng lớn nhà anh. Lượng về, Lượng sẽ dạy nó thổi kèn. Lượng đảm bảo việc đó.
Hắn về trước. Hắn đến nhà Mi. Hắn biết Mi đang làm ở một cơ quan văn hóa của thành phố.
Nhà Mi có mẹ chồng và hai đứa con. Nhưng hôm hắn đến, mẹ và con Lượng đều đi vắng. Hắn đến vào buổi tối. Cửa đóng. Hắn gõ cửa. Và chờ. Hắn gọi: “Chị Mi ơi”. Hắn đã định về, thì Mi ra. Chỉ nhìn thoáng qua hắn cũng hiểu rằng hắn đến không đúng lúc.
Một người đàn ông đang ngồi ngay ngắn, quá ngay ngắn trên ghế. Chính vẻ cứng đơ ấy của người đàn ông và vẻ ngượng nghịu của Mi làm hắn biết hắn đến không đúng lúc. Anh hỏi ai?
Hắn đứng ở cửa và nói khẽ nơi hắn đã sống, đã từ đó trở về. Vũ Lượng nhắn hắn nói với gia đình rằng Vũ Lượng vẫn khỏe.
Mi đứng nghe. Lịch sự cảm ơn. Mi không mời hắn vào nhà. Mi trông đẹp hơn bức ảnh Lượng giữ trong tù. Thoang thoảng mùi nước hoa. Hắn chào Mi, chào người đàn ông. Mi nói: “ông anh tôi” để giới thiệu khi hắn đã quay gót.
Hắn thở dài. Hắn lại nghĩ đến Lượng. Mi có quyền có bạn trai, có người yêu. Hắn chẳng trách Mi. Nhưng hơi nhanh. Lượng mới tù được hơn một năm chứ mấy. Hãy cố chờ thêm ít lâu nữa. Còn khối thời gian để lương tâm Mi khỏi cắn rứt.
Ngày về của anh tập trung cải tạo là một dấu hỏi khoan mãi vào thần kinh, vào tâm trí và không có lời giải đáp. Lượng sẽ còn ở đó đến bao giờ? Lượng vẫn nghĩ Mi đang đau khổ vì xa Lượng. Lượng tự hào vì Mi. Trà Mi của Lượng. Tấm ảnh Trà Mi và hai đứa con, gặp ai Lượng cũng khoe, Lượng cất rất cẩn thận, bọc trong hai lần túi ni-lông.
Sau kỳ bị xà lim, Lượng phát khùng. Thích thì làm. Không thích là nghỉ. Đi làm Lượng chú ý tìm rau tàu bay, bắt nhái hơn là làm. Hình như đã được làm chánh án xử con chuột của Dự một lần, Lượng thích làm chánh án, thích đối thoại với những con vật trước khi ăn thịt nó. Bắt được con nhái nào, Lượng cũng giơ cao lên ngang mặt, quát nạt, rồi mới vất vào cạp lồng:
- à. thằng này. Mày còn định lẩn trốn hả. Định thoát khỏi tay tao hả? Không được đâu, con ơi. Tội mày nhẹ, nên chúng tao không xử. Đó là chúng tao chiếu cố đến mày. Tập trung thôi. Tập trung cải tạo.
- à, thằng này bé quá. Thiếu niên. Mày bảo mày chưa đến tuổi chứ gì. Đúng là mày chưa đến tuổi, thằng nhóc. Thì tao cứ vay tuổi của mày. Trẻ con tao cũng xài. Lớn tao cũng xài.
Lượng lại bẻ đùi vất vào cặp lồng.
Đến con khác Lượng lại giơ lên ngắm nghía.
- Được đây, vừa mắt bố đây. Bố kết nước da đây. Nhảy hở? Đã sa vào thiên la địa võng này mà còn định trốn hả? Ngu thế hả con...
Và những tối đọc báo Nhân Dân (ông chánh giám thị nói: Các anh phải quên dĩ vãng, hướng về tương lai, phải có báo đọc) Phổ cất giọng rành rọt đọc tin toà án Bertrand Russell xử án Nixon, anh em gào lên:
- Cho nó cái bọp
- Cho thằng Nixon đi tập trung cải tạo.
Tiếng Lượng gào to nhất. Và cười: “Có thằng Nixon ở đây cho nó nếm mùi tập trung với anh em mình để nó biết thế nào là lễ độ”. Rồi Lượng lại hát:
Ai có về trên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Sao đành nỡ dứt tơ vương...
Lượng có biết chuyện gì đã đến với vợ Lượng, với Lượng không? Nếu biết, Lượng sẽ phản ứng ra sao? Hắn đã từng viết thư cho Ngọc, mong muốn Ngọc được giải thoát, mong muốn Ngọc rời bỏ hắn, đừng gắn bó với cuộc đời chó má của hắn, để hắn yên tâm đi tù, chịu cho hết cái án dê đực đẻ. Nhưng Ngọc viết thư vào cho hắn với một giọng trách móc và đau đớn: “Có lẽ anh cho rằng mình có quyền được cao thượng và muốn đối xử với người khác thế nào cũng được hay sao? Em hoàn toàn không ngờ anh có thể có những ý nghĩ như vậy...”
Khi ấy hắn đã về 75 để được tha, nhưng rồi lại trở lại Q. N, tiếp tục đi tù. Lượng và Mi chưa qua cái tận cùng thất vọng ấy. Lượng mới đi tù, đến nay mới được hơn một năm thôi. Trà Mi vẫn còn nhớ những đêm mưa, hai vợ chồng thức giấc trò chuyện. Hắn hiểu được những đêm mưa đối với những cặp vợ chồng trẻ. Bồng bềnh không gian. Sạch sẽ. Tinh khôi. Mát rượi. Hai người song song nghe mưa. Tiếng mưa kéo về một thuở hồng hoang.
Hắn không trách Trà Mi. Nhưng hắn thương Lượng. Hắn thương những người như Lượng, như hắn. Biết bao người đi tù đã mất vợ, mất con. Vợ lấy chồng khác. Con đi lang thang, ăn cắp, ăn trộm, vào tù. Họ bị bỏ rơi ngay ở trong tù. Cái dinh lũy cuối cùng ấy để mình trốn tránh, để mình ẩn náu, để mình đêm đêm tìm về cung không còn nữa. May mà hắn không rơi vào cảnh ấy. Nhưng sự buồn thảm không vì thế mà không đầy ắp cuộc đời hắn. Bên cạnh nỗi đau bị tiêu diệt, việc kiếm sống quá khó khăn. Cuộc sống không có chỗ cho hắn. Hắn không thể ngồi được vỉa hè. Vì cái máu sĩ của hắn. Vì trước đây hắn đã khá nổi tiếng ở cái thành phố này, mà bây giờ nếu hắn ngồi vỉa hè sẽ là một bằng chứng chứng tỏ rằng hắn đã bị đánh gục. Hắn đã thua. Hắn đã bị trừng phạt, và chấp nhận trừng phạt.
Hắn không muốn thế.
Cuộc sống vỉa hè là cuộc sống rất bấp bênh và bị lên án: Thỉnh thoảng người ta lại mở một đợt càn quét vỉa hè. Phải nói sức sống vỉa hè thật là dai dẳng. Hàng đoàn công an, phòng thuế, quản lý thị trường, khu phố... giằng từng quang rau muống, xách từng sảo cà chua, thu từ nồi bún riêu, rá xôi. Vỉa hè sạch bách được vài ngày. Rồi như Phạm Nhan, nó lại mọc ra. Lại phải mở một đợt càn quét mới. Biết bao giai thoại, huyền thoại chung quanh việc đó. Nào là một anh quản lý thị trường kéo cái thúng của bà bán xôi đội trên đầu xuống, thế là cả một nồi cứt ụp lên mặt anh ta. Rồi chuyện mấy anh liên ngành thu nồi bún riêu vào trụ sở đang ngồi đánh chén với nhau thì bà bán bún vào, bà móc túi lấy ra mấy quả chanh để các thủ trưởng dùng “vì riêu nhà em hôm nay ít chua”...
Thật láo toét. Đúng là phản ứng giai cấp, phản ứng của bọn tiểu tư sản thị dân bị đụng đến quyền lợi. Điều đó dễ hiểu. Tiểu thương là phi xã hội chủ nghĩa, là mảnh đất hàng ngày, hàng giờ phát sinh chủ nghĩa tư bản. Đó là sự chống lại chủ nghĩa xã hội một cách tự giác hay không tự giác, là đối lập với kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh ai thắng ai vẫn chưa được giải quyết, còn gay go quyết liệt, phừc tạp khó khản không phải một sớm, một chiều mà diễn ra suốt thời kỳ quá độ. Cũng phải tính đến khả năng có bọn phản động, bọn phá hoại đang đứng đằng sau giật dây chống phá. Phải tìm ra được bọn ấy. Phải liên tục mở những đợt tiến công. Đó là tất yếu. Có cuộc đấu tranh cách mạng nào thắng lợi dễ dàng. Càng gần thắng lợi lại càng gian nan.
Một trong những kết quả của đợt quản lý thị trường ấy là Phúc mù không hành nghề ở cửa thành đoàn nữa. Cả mấy người bán thuốc lá ở đó cũng biến mất.
May cho hắn, Ngọc xin được việc dán hộp giấy cho Công ty may. Ngọc mượn cả xe cải tiến của Công ty. Mấy bố con hắn lên nhận.
Xuất hiện ở Công ty vợ trong một tư thế như vậy thật là khổ tâm, nhưng biết làm sao. Ngọc cũng không muốn hắn đi nhận các-tông, nhận giấy, nhưng một mình thằng Hiệp làm không nổi. Niềm vui có công việc làm át cả sự nhục nhã xấu hổ. Với lại Ngọc đã chuẩn bị chu đáo, hai bố con hắn chỉ việc kéo xe đi thôi. Cô Linh, thủ kho chính, một đảng viên, rất quý Ngọc. Cô cũng là một phụ nữ “goá sống” còn lâu hơn cả Ngọc. Chỉ có cái khác là chồng Linh đi bê (Nam) còn hắn đi tê (tù). Hai người thương nhau. Thời gian sơ tán, thời gian hắn còn đi xa, cả hai trông coi hàng nhà len, hàng nhà vải. Có lấy đến cá tạ len cũng không ai biết. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện ăn cắp. Ngày ấy tiếng ăn cắp còn bị ghê tởm, còn bị mọi người khinh bỉ và lên án. Một hôm Linh ấp úng bảo Ngọc, mặt đỏ lên như chính Linh đang làm một việc xấu xa:
- Ngọc ơi, có ít len vụn tổ đan họ mới nộp lại đấy, hay là mày lấy đan cho con Thương cái áo cộc tay.
Ngọc sợ hãi:
- Chết, ai lại thế
- Khoảng hơn lạng len vụn ấy mà. Đan cải hoa dâu cho con được đấy.
Linh thương Ngọc. Hai người cùng xa chồng.
Linh còn được lương của chồng, lương đại uý với các tiêu chuẩn mà vẫn thấy khó khăn.
Sau này cả Linh, cả Ngọc cùng xuýt xoa nhớ lại mà tiếc rẻ:
- Chỉ mình ngày xưa là ngu thôi. Chúng nó bây giờ không có gì là không ăn cắp. Thằng to ăn cắp to. Thằng nhỏ ăn cắp nhỏ.
Hắn dán hộp. Và ngay lập tức tạo thành quy trình. Đầu óc hắn vốn như vậy. Phải có một số kẹp bằng sắt. Phết hồ vào các-tông cứng và khuôn lại hình hộp, phải có kẹp sắt kẹp cho đến khi hồ khô. Nhưng cái khó là phết hồ lên những băng giấy dài để viền góc hộp và cái nhãn to có in chữ Tocontap cạnh hình chiếc áo sơ-mi cổ cứng. Phết xong phải dán ngay. Để chậm giấy bị ẩm và mủn ra.
Dán được một lúc cả sàn nhà đầy hồ. Các giẻ lau tay đầy hồ. Bốn chung quanh tường chất đầy toàn hộp rỗng. Có lúc tự nhiên chồng hộp đổ nhào, đổ cả vào mâm cơm.
Khi đem đi trả hàng mấy bố con xếp lên xe mới khổ. Hộp rỗng cồng kềnh, không thể ghì chặt, ghì chặt thì bẹp hộp. Để lỏng thì hộp rơi. Phải tháo cả hai giát giường đặt lên thành xe cải tiến. Và xếp hộp lên. Ngọc nhất định không cho hắn lên cơ quan Ngọc nữa. Thằng Hiệp, con Thương xe được rồi. Ngọc bảo: “Hộp rỗng nhẹ thôi. Để bố ở nhà trông em”. Ngọc bảo vậy, nhưng hai đứa vừa xe đi, xóc mấy cái đã đổ hết hộp xuống đường. Phải xếp lại và lấy dây đan từng mắt như mắt võng, úp lên trên hộp.
Bây giờ hắn vẫn nhớ rõ ràng buổi trưa ấy. Hộp đổ ngổn ngang, cái lấm, cái nghiêng, nắp một nơi, hộp một nẻo. Mấy bố con mê mẩn nhặt, xếp và về nhà tìm thêm dây chằng buộc. May mà đường lúc ấy vắng ô-tô. Hắn đứng nhìn theo hai đứa con bé tý đứa kéo, đứa đẩy cái xe hộp cao ngất đi một quãng xa mới quay vào. Ngọc đang chờ hai đứa ở công ty. Chậm lắm là mai sẽ có tiền, thêm vào để Ngọc chi tiêu. Đó là món tiền đầu tiên hắn góp vào với Ngọc. Hắn cảm thấy yên tâm vì còn gần một nửa chỗ các-tông chưa dán. Còn ít ra là một xe hộp nữa.

<< Chương 37 | Chương 39 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 153

Return to top