Hắn không ngờ phải đứng chân ở Hà Nội mất hai ngày. Hắn tự nhủ: Ngọc đã phải chờ đợi hơn một ngàn ngày rồi, hai ngày nữa đáng là bao. Với lại cũng là ngoài ý muốn của hắn. ăn cơm ở nhà Lê Bàn xong, hắn đi gặp anh chị Diệu. Đang giờ làm việc, hắn đến thẳng tòa báo. ở một góc sân, một người cởi trần, đầu trăng xóa như bông, toàn bọt xà-phòng đang cuốc đất, chung quanh mấy con ngan đang đâm lông ống nhoai vào đớp giun. Hắn thông cảm với cái đầu trắng xóa ấy. Chả là trong tù xà-phòng hiếm lắm. Hắn gội đầu và cũng cứ xoa gãi tràng ngầu lên, rồi đi kỳ cọ chân tay, xong đâu đấy mới giội nước lên đầu. Nó ăn hết gầu, chỉ mất ít xà-phòng nhưng sạch. Người ấy trông quen quen. Hình như là Con-Đĩ-Ngựa. Một người hắn không bao giờ nghĩ đến trong những nám tháng tù tội. Đã quên hẳn đi rồi, như quên món bánh tráng nhìn thấy trong khi ăn bữa cơm tự do đầu tiên ở vệ đưòng chờ ô-tô đến.
Hắn nhìn lại một lúc và nhận ra đúng là Con-Đĩ-Ngựa. Chỉ vì cái đầu ông ta ngầu bọt xà-phòng nên trông hơi lạ đi. Hắn bật cười. Cười một mình khi nghĩ đến những chuyện về ông ta. (Được cười, thật sung sướng biết bao). Thực ra hắn chưa một lần tiếp xúc với ông, nhưng chị Diệu đã kể cho hắn nghe mọi chuyện về ông. Một cán bộ lâu năm. Vào tù ra tội. Trong tù, bọn Pháp hỏi: Ai ủng hộ Liên Xô đứng sang một bên. ông là người đầu tiên hiên ngang đứng sang bên đó. Chúng tra tấn ông. Gí cả bàn là nung đỏ vào lưng. Vết sẹo ấy vẫn còn. Nếu hắn đứng ở phía trong bếp nhìn ra thế nào cũng thấy. Ông ở tập thể, nhưng không ăn tập thể. Nấu riêng. Tiểu táo. Ba lạng thịt phiếu ông mua mậu dịch, thật trớ trêu, như một trò đùa của định mệnh, lần nào cũng toàn bạc nhạc. Từ cửa hàng mậu dịch về, ông đi các phòng, chìa miếng thịt cho mọi người xem, phẫn uất:
- Con đĩ ngựa đây. Con đĩ ngựa nó bán cho miếng thịt thế này đây. Đấy là ông nói về cô mậu dịch viên đã bán thịt cho ông. Chẳng biết mặt mũi tính tình cô ta ra sao mà ông phác họa chân dung cô như vậy. Từ ấy ông được anh em trong tòa báo gọi lâ Con-Đĩ-Ngựa. Ông rất vui vẻ nhận cái tên ấy, cái tên ông rủa sả cô mậu dịch. Còn tên Chính, đồng chí Đỗ Trọng Chính chỉ được dùng đến trong các cuộc họp cơ quan và chi bộ.
Hắn rụt rè bước lại định hỏi Con Đĩ Ngựa về anh chị Diệu, thì chợt nhìn thấy chị Diệu đang nói chuyện với một phụ nữ còn trẻ. tóc phi-dê trong một phòng có máy chữ.
Chị Diệu ctĩng trông thấy hắn. Chị chạy ra kêu lên:
- Ơ Chú Tuấn. Chú Tuấn đã về rồi đây này.
Chị nắm lấy tay hắn. Chị vẫn như vậy. Hơi đẫy ra. Hai chị em nhìn nhau một lúc lâu.
- Em về hôm qua.
Chị Diệu nắm tay hắn kéo vào cửa phòng:
- Cô Hà ơi! Eng Tuấng eng đã về rồi đây này.
Hắn đã nhận ra cô gái phi-dê. Cô Hà, cô thư ký đánh máy nhìn hắn. Cô cười rất tươi, đến nỗi hắn ngờ ngợ không hiểu cô có biết hắn vừa ở chốn nào về không? Hắn thích thú vì chị vẫn giữ nguyên tính hài hước. Như không có những ngày tù của hắn. Như hắn vẫn ở P lên gặp các nhà xuất bản buôn văn bán chữ, chứ không phải hắn đi tù về. Và hẳn là chị vẫn nói với cô Hà về cái tài bắt chước các tiếng địa phương của hắn.
Cũng như rõ ràng chị vẫn thích được nói chuyện với hắn. Hai chị em vẫn có thể nói với nhau bất cứ chuyện gì. Chị nói thật có duyên. Cái ngày hắn chưa đi tù, chị kể về đám người chạy rầm rập ngoài phố như có báo động. Chị gọi hỏi, không ai trả lời. Có một bà tổt bụng nhất không quay đầu lại, vừa chạy vừa thét lên để chị biết:
- Cá mè ô 5
Chị cười giàn giụa nước mắt:
- Tức là mậu dịch bán cá mè cắt ô 5. Còn ô thì đi mua.
Chị kể chuyện Tết nào Sở Thương nghiệp Hà Nội cũng triệu tập các cơ quan lên họp và Tết nào chị cũng được nghe ông phó giám đốc mở đầu bài nói bằng câu:
- Tết năm nay chúng tôi cố gắng bảo đảm bằng năm ngoái.
Có thể ông ta quên rằng năm nào ông cũng nói câu mở đầu kinh điển ấy. Vì một năm ông chỉ nói một lần. Còn chị thì chị nhớ. Vì năm nào chị cũng phải nghe. Mười mấy năm chị làm quản lý, đồng chí phụ trách báo cứ đến Tết đưa tờ giấy triệu tập họp cho chị, lại bảo:
- Này, ông cố gắng bằng năm ngoái mời họp đây. Bà đi họp xem Tết nhất ra làm sao.
Chị Diệu để hắn đứng ngoài sân, chạy lên gác tìm anh Diệu. Cả ba đi bộ về nhà. Chả là nhà anh chị Diệu ở liền cạnh cơ quan. Anh Diệu lấy ngay một bộ quần áo: cái áo sơ-mi pô-pơ-lin trắng ngắn tay, quần ka-ki và cả xanh-tuya của anh đưa cho hắn.
Hắn lại thay màu. Không màu nâu nữa. Trông hắn đã giống với đời thường. Dù vẫn còn lúng túng, ngượng nghịu với bộ cánh xi-vin chưa thể nào quen ngay được.
Anh chị Diệu ngắm nghía hắn như nhà điêu khắc ngắm nghía tác phẩm của mình vẻ hài lòng. Chị Diệu xuống nhà và trở lên với một tút thuốc lá Tam Đảo. Thật tuyệt vời. Chị bao giờ cũng vậy. Chị chỉ là chị dâu và anh Diệu là con ông bác, nhưng anh chị coi hắn như em ruột. Vì bản tính anh chị. Vì hắn đã công tác ở Hà Nội mãi, có chủ nhật nào không lên nhà anh chị chơi, hoặc ăn cơm, ăn chè ở nhà anh chị. Anh Diệu cũng suýt lao đao, khi cho đăng báo bài phóng sự dài kỳ về nạn gái điếm còn lại ở thủ đô sau tiếp quản. Người ta phê phán anh là đã đi vào những đề tài nhằm khêu gợi thú tính, bôi đen chế độ. Trong khi bao đề tài khác, bao mặt trận xây dựng khác đang cần sự có mặt của người cầm bút. Anh cũng là người vào rừng chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng.
Hắn đỡ tút thuốc lá trong tay chị Diệu, bóc ra lấy một điếu hút, bụng nghĩ: ở trong ấy, đây là cả một gia tài. Giải quyết được bao nhiêu thứ. Mỗi biêu một lệnh . Chỗ này được một cân chè đây. Uống với già Đô được hơn tháng, tối nào cũng sột sệt không phải lo nghĩ. Chị Diệu nhìn hắn hút mà cảm thấy sung sướng.
Chị Diệu: Chú đã điện cho cô Ngọc chưa?
Hắn: Em không biết trước. Có phải tù án đâu mà biết, mà điện.
Chị Diệu: Cô ấy mừng lắm. Lần nào cô ấy lên đây cũng khóc.
Anh Diệu: à! Hình như Vũ Phương cũng bị bắt rồi phải không?
Hắn: Vâng. Hôm qua em ngủ nhà nó. Về đến đây em mới biết.
Chị Diệu: Khổ thân cậu ấy. Lúc chú mới bị bắt, cứ đến đây hỏi thăm tin tức thằng Tuấn.
Hắn hỏi tin tức gia đình. Đợt B52 vừa qua làm hắn rất lo. Hắn cứ tưởng người nhà, họ hàng thân thích hắn bị sứt sát vì đều có mạt ở những nơi trọng điểm. Nhưng không. Tất cả nguyên vẹn. Cả nhà hắn chỉ có hai người đi xa: Hắn và thằng Hải con anh Thân, anh ruột hắn. Hắn đã về, chỉ còn mỗi thằng Hải đi bộ đội đã tham gia đánh chiếm Huế và hiện nay vẫn còn trong B.
Hắn không nhớ được bữa cơm ăn ở nhà anh chị Diệu. Hắn chỉ nhớ tối hôm đó hắn ở nhà một mình: Anh chị đã lấy vé xem phim. Hắn giục anh chị đi xem, đừng bỏ vé vì hắn. Cán buồng của anh chị Diệu vẫn như năm năm trước. Vẫn cửa sổ trông ra cây phi lao ấy, cái sàn lim lau thẫm bóng ấy, cái giường ấy. Nơi để xô nước ấy, cái bàn quay mặt vào lò sưởi ấy.
Đây là thiên đường hò hẹn của hắn với Ngọc khi hai người yêu nhau. Hình như cái hôn đầu tiên trong đời hắn là ở đây. ở đây hay ở Vĩnh Tuy, hắn không nhớ nữa.
Dạo ấy hắn là phóng viên báo T. ăn, ngủ, làm việc, ở cùng một nơi, một căn nhà phía cuối đường Bà Triệu. Ngọc ở ngay bên kia đường đối diện với cơ quan hắn. Chỉ cần nhìn thấy Ngọc ở cửa là có thể ra một tín hiệu: Hơi hất đầu về phía ngã tư Tô Hiến Thành và nhận tín hiệu của Ngọc: Một cái gật đầu khe khẽ. Thế là hắn đạp cái xe Parker biển xanh ra ngã tư chờ Ngọc tới. Hai người lên cơ quan anh Diệu, mượn chìa khóa nhà anh chị. Chị Diệu vừa đưa chìa khóa vừa nói:
- Lại đón cô Ngọc lên chơi hở. Tý nữa, nếu chúng tôi đi vắng cả, thì cứ đưa chìa khóa cho cô Hà nhé.
Ngọc cầm đĩa đi mua xôi ruốc, xôi lạp xường. Hai người ngồi ăn. Ngọc gọt mắc coọc, Ngọc pha nước chanh. Ngọc làm nghiêm:
- Em. Không được trêu chị. Để yên chị làm. Cứ quấy chị thôi. Hư lắm.
Trong căn buồng này hai người đã quên tất cả thế giới đang tồn tại. Nàng lúc đó mới 19 tuổi. áo ngắn tay bồng vai. Tóc xõa ngang lưng. Dáng đi hơi ngả về phía trước. Tiếng guốc của nàng như tiếng hài pha-lê của Lọ Lem, như tiếng guốc lên thang trong thơ Quang Dũng . Hai người đi, cũng chẳng biết là đi đâu nữa. Đời vui. Người vui. Mình vui. Đi cho hết những phố phường, những vỉa hè Hà Nội. Di cho hết những đêm đầu hè như đêm nay mà hắn vốn rất yêu và nàng cũng rất yêu. Đi vì nàng đi bên hắn. Nàng cũng háo hức như hắn. Hắn nhìn nghiêng và thấy cánh tay nàng tròn được cái tay áo lụa may bồng lên ôm rất khít. Một ánh đèn màu từ rạp Majestic hắt ra. Gò má nàng, mái tóc nàng, cả người nàng, cả cây cối chung quanh nàng đều nhuộm xanh như không có thực.