Mọi người lặng lẽ trở về, tụ tập ở khoảng sân trước cửa buồng giam. Chờ cho đến khi thấy ông Quân, theo sau là Chắt từ buồng bên đi dến, tất cả về chỗ ngồi. Người nào ngồi đúng chỗ người ấy. Người sàn trên chiếu thẳng xuống người sàn dưới, đôi ngồi sàn bên này đối đối xứng với đôi ngồi sàn bên kia, xếp bằng tròn, tay đạt lên đùi, ngửa lòng bàn tay lên, đầu cúi nhìn xuống. Đó là nội qui bắt buộc.
Ông Quân đi giữa hai hàng sàn gỗ. Ông đi giữa hai hàng tù quần áo số xám xịt ngồi thành dãy như bụt mọc. Ông dứ dứ cái bút máy vào từng người, miệng lẩm nhẩm. Ông đếm bên phải, ông đếm bên trái. Dứ bên trên, dứ bên dưới. Những mặt tù lì lì, bí ẩn. Vẻ mặt ông Quân lạnh lùng, khó hiểu không kém.
Người ta đã tính những lần ông Quân phải đếm trong ngày. Sáng mở cửa ra: Đếm. Di làm: Đếm. Trưa về: Đếm. Chiều đi làm: Đếm. Đi làm chiều về: Đếm. Đi ngủ: Đếm. Tổng cộng sáu lần đếm trong ngày.
Trại cứ tính một nghìn tù cho chẵn. Vậy thì một ngày ông Quân phải đếm sáu nghìn người. Một năm ông phải đếm hơn hai triệu người. Mà ông làm quản giáo đã được hai chục năm rồi, làm từ khi tập kết. Ông đã đếm bốn chực triệu người tù.
Thật là một sức lao động vĩ đại.
Một năm hai triệu khuôn mặt mệt mỏi, lở dờ, xám xịt diễu qua mặt ông. Có lẽ vì soi mãi vào tấm gương ấy, ông cũng biến dạng: Mệt mỏi, lạnh, chai, không một tình cảm nào biểu hiện ra ngoài. Ông đã nhiễm phóng xạ của bọn hắn.
Ông đã đếm xong.
Ông bước ra.
Chắt đóng hai cánh cửa, khoá lại.
Khi cánh cửa đóng lại một lúc, nghĩa là đủ thời gian để ông Quân vâo phòng bên cạnh, phòng giam ồn lên. Nói. Tẩm quất. Sắp xếp lại nội vụ. Và sột sệt.
Lửa lại cháy đùng đùng trong nhà mét. Khói mù mịt. Chất đốt chủ yếu là nứa. Không hiểu sao họ vẫn kiếm ra nứa.
Có một lần hắn đã lấy được cả một cây nứa để giữa sân trại, trước mắt các ông áo xanh và các ông áo vàng đứng trên năm bốt gác chính và phụ cao ngất. Trước mắt hàng trăm người tù. Đi làm về, thấy bó nứa để giữa sân, ngon quá, hắn nhìn lên các bốt gác quan sát. Rõ ràng người trên bốt quay mặt vào sân (nhìn sinh hoạt trong sân tù, dù sao cũng vui hơn nhìn ra rừng già, nhất là buổi chiều tà). Hắn thản nhiên rút một cây nứa dài, chạy vào buồng, gác lên quá giang, cạnh những cây nứa khác, phơi bộ quần áo ướt của hắn và gìa Đô lên đấy. Vừa xong, thì một ông quản giáo chạy vào buồng, giận dữ:
- Anh nào vừa ăn cắp cây nứa chạy vào đây Đâu rồi!
Hắn đã nằm dài trên sàn, lờ đờ khuôn mặt, dửng dưng với những lời quát nạt của ông. Cứ để ông ta tìm trong gần trăm bộ quần áo số này kẻ đã cầm cây nứa chạy vào đây. Cây nứa của hắn cũng như mọi cây nứa khác đang mang trên mình những bộ quần áo tù rỏ nước, như đã nằm đấy từ bao giờ.
Đó là cách dự trữ chất đốt an toàn nhất và cũng là thứ chất đốt tuyệt diệu nhất đảm bảo cả bốn tiêu chuẩn: nhanh, dễ nhóm, dễ dập, chóng sôi. Chất đốt còn là những mẩu củi, cành cây gẫy, quang sảo rách, thùng gánh nước đái vỡ . . “. Nghĩa là tạt được, bồng được về thì vẫn có thức đun.
Người không đun nấu thì quây quần từng nhóm nói chuyện, người nhóm bếp than đun nước pha trà. Anh khác quay mặt vào tường giở suất cơm ra ăn. Có thể anh ta kiếm được cái gì lưng lửng bụng lúc đi làm, nên lùi bữa lại, để đêm đỡ dói. Có thể anh ta ăn thêm với đồ tiếp tế. Những chỗ nào nổi bếp than, được coi là loại giầu có, sang trọng”. Nhẩm xà, uống chè. Có chè uống đều đặn dâu phải chuyện dùa. Phải rất mạnh. Chè lạng là nhất. Thứ này quá sang. Cũng có lần hắn thắng đậm. Hắn tạt được một nắm ở chỗ sao chè của trại. Chè Hà Giang, chè loại hai, đều sang. Chè "chín hào ba" cũng là lý tưởng, được đánh giá ngang với chè U, thứ chè bồm, đồng bào thiểu số ở U sao, ngai ngái mùi ám khói. Bí quá thì lấy lá một loại cây, pha uống ngăm ngăm, ngòn ngọt, hình như có mùi cam thảo. Bọn hắn gọi là cam thảo nguyên.
Hội chè của hắn được mọi người vì nể. Uống khá đều, cho ít chè thôi, lúc tàn thì dặt lên ninh. Hai cái chén hạt mít lau tráng cứ bóng loáng. Tất nhiên vừa uống vừa nghe ngóng. Có tiếng mở khoá thì phải vứt ngay được bếp than đi trước khi ông ấy đến. Có khi ông ấy im lặng đi chung quanh buồng không một tiếng động. Như hổ.
Hôm ấy hắn vẫn sột sệt. Già Đô đưa cái ca con tí xíu của già ra. Đó vừa là cái ấm vừa là cái siêu, ưu điểm là mỏng, đun rất chóng sôi. Hắn lấy bó ni-lông đựng các đồ tiếp tế đã ăn hết và đã được giặt sạch mà ông Thanh Vân để lại cho hắn. Hắn chọn hai túi, một túi đựng kẹo, một túi dựng xúp, và hắn xé một mảnh quần đùi cũ. Hắn bện hai thành phần giẻ và ni-lông thành hai cái đũa dài. Đó là những thanh nhiên liệu.
Già Đô lấy ra một dụng cụ chuyên dùng khác: Một vòng tròn bằng dây thép lồng vừa khít ca có tay cầm dài chống nóng. Già Đô cầm ca. Hắn dun. Lửa bập bùng dưới đít ca. Khồi nhiều. Nóng ít. Khói và mùi ni-lông khó chịu. Nhưng không sao. Đượm ra phết. Ca mỏng. Nước đã kêu kêu.
Có tiếng chân đến cửa sổ của hắn. Hắn dụi ngay lửa xuống cái bát sắt đã chuẩn bị sẵn. Rất nhịp nhàng, già Đô đặt cái ca lên trên. Hai bàn tay người nào nắm vào cửa sổ. Tất cả giật mình. Người ấy đu lên: Chắt! Hắn hoảng.
- Khét lắm đấy, các bố ạ. ông ấy biết là chết đấy. Này, cho miếng cháy này.
Chắt đưa qua cửa sổ cho hắn miếng cháy con và biến mất.
Hắn bị bất ngờ. Ngạc nhiên và ấm lòng. Hắn mới lên đây được một năm. Nhưng thấy tù trật tự trại ở đây khác hẳn Q.N. Tù trật tự trại Q.N là Thất, một anh tù to béo đỏ au, một vận động viên, trưởng phòng thể dục thể thao một huyện, án hai năm vì biển thủ công quỹ. Không trò chuyện với ai bao giờ, lúc nào cũng đi sau ông Quân (Phải, vẫn là ông Quân. Ông Quân cũng từ Q.N chuyển lên trại này sau hắn ít ngày) như cái đuôi. Có lẽ vì suất ấy quá thơm, nên anh ta giữ gìn cẩn thận lắm. Khi tù đi làm, khi tù về trại, Thất đứng bên này cổng, đối diện với ông Quân. Thất cũng đếm. Thất nhắc nhở tù bỏ nón, bỏ guốc. . Đi dép thì được. Đi guốc qua mặt quản giáo là không được. Là không tôn kính cán bộ. Là vô lễ.
Nhưng Lê Bá Di đi guốc. Lê Bá Di thì không thể có dép. Người Quảng Trị, tù cúng đã mười năm, gia đình không thể theo đuổi từ trong ấy lên mãi VQ, QN mà tiếp tế được, Lê Bá Di hoàn toàn sống bằng trại. Bữa ăn sang nhất của Di là ba lạng thịt trâu kho chuội choại ngày Tết. Một năm có một lần. Không thuốc đánh răng, không khăn mặt (Di lấy quần áo rách làm khăn mặt) không tiền lưu ký, không bít-tất, không dép... Lê Bá Di đẽo lấy guốc đi. Và cứ đi guốc qua cổng.
Thất gọi nhắc nhở. Lê Bá Di cứ đi. Không biết Di không nghe tiếng, hay biết nhưng cứ làm theo ý mình. Thất chạy tới túm vai Di quát mắng và chỉ xuống đôi guốc, sừng sộ. Di cúi xuống nhặt guốc và bỗng nhiên, hắn và tất cả không ngờ: Di quật guốc vào mặt Thất. Hẳn là chỗ guốc ấy có cái dinh lòi ra. Thất vuốt mặt. Mặt đầy máu. Tay đầy máu.
Thất im lặng. Ông Quân im lặng. Bọn hắn im lặng đi qua. Hắn không ngờ Di lại hành động như vậy. Di cùng toán với hắn. Người nhỏ thó, trán hẹp, đầu nhỏ, nhưng quai hàm bạnh ra. Những anh em cùng tù với Di ở Cổng Giời bảo: trước Di không thế đâu. Nhai sắn nhiều nên quai hàm mới bạnh ra. Ai nhai sắn nhiều đều có kiểu mặt hổ mang bành như vậy.
Râu Di đen sì, kín cằm, kín mồm, môi dưới thưỡi ra thâm thâm, cứ như nhọ mõm. Di không chơi thân với ai. Việc Di, Di làm. Lầm lũi như cái bóng. Nhưng gánh khá. Gánh khoán, Di cứ chơi sáu mươi ki-lô phân trâu bò chạy vài cây số, lội bốn suối, vượt vài dốc.
Di cũng rất tự trọng. Có lần hắn cho Di một véo thuốc lào, thế là hôm sau gặp nhau ở bờ con suối cạn, Di dúi cho hắn hai cái bánh khoai vừa bằng cái trôn bát, như hai cái bánh trứng cáy ở quê hắn, toàn xơ. Chắc Di tranh thủ xuống ruộng khoai đã dỡ, mót dược.
Di lành. Di khổ. Di ít nói. Bỗng nhiên Di khùng. Nhưng Di lại bị hành hạ theo cách khác.
Buổi chiều đi làm về, hắn đã lấy nước uống và đang đi sang bên toán mộc chơi, thăm Giang, người bạn tù cùng giam ở 75, thì sau lưng hắn có tiếng rầm rầm. Tiếng thét. Tiếng kêu ú ớ. Hắn quay lại. Thùng nước đổ chỏng chơ. Một dám đông đang đá, đạp, đấm. Lê Bá Di nằm lăn dưới đất. Ba Đen, Phi Cốc, Triều Phỉ, Lập Ba Tai... những tù tập trung hình sự cao lớn, bấy lâu ngứa ngáy chân tay đang đánh đòn hội chợ. Toàn những miếng hiểm. Toàn những miếng vào bụng, vào sườn, vào ngực. ợ. ợ. Cứ mỗi đòn Di nhận, Di lại ưỡn lên. Ưỡn, nhưng không kêu. Chỉ ợ ợ. Đòn cuối cùng là một cú đánh bằng gót của Ba Đen nện thẳng xuống mỏ ác. Tứ chi Di rúm lại. ợ. ợ.
Thoắt một cái, tất cả đã biến hết. Trận đòn rất nhanh. Như chưa hề xảy ra. Chỉ một mình Di. Quần áo xám, số đỏ, lấm láp nằm co trên đất. Mắt nhắm nghiền thiêm thiếp. Một lúc sau, Di mở mắt, chớp chớp. Không nhăn nhó, không kêu rên một lời, Di gượng ngồi dậy. Nhặt cái gô lăn lóc, đứng lên phủi quần áo. Đi dến chỗ thùng sắt chắt tí nước cặn còn sót lại, cầm gô vào buồng đặt lên sàn như không có chuyện gì xảy ra.
Hắn đi về phía toán mộc và thấy ông Quân đang lặng lẽ hút thuốc sâu kèn ở cổng trại. Ông có biết không? Hẳn là ông biết. ầm ầm như thế làm sao không biết. Cũng như cả trại biết Thất đã xuỳ bọn đàn em dạy Lê Bá Di một bài học. Và cũng là dạy tất cả cánh phạm bài học.
So với Thất, Chắt thật dễ chịu. Có lẽ cũng vì Chắt tù lâu quá rồi. Chắt, tập trung hình sự, đã ngót chục năm. Chắt hiểu cánh tập trung. Hắn chưa kịp nói lời cảm ơn với Chắt về miếng cháy thì Chắt đã đi. Hắn lại nhóm lửa. Lác đác vài bếp than. Còn tất cả nằm dài im lặng. Như những xác chết. Anh em đang “mặc niệm tới gia đình". Hắn lấy ra hai cái chén mắt trâu men trắng. Hắn tự hào về hai cái chén của mình.
Hai cái chén sứ men trắng này làm hội của hắn nổi lên. Nó cũng giống như ngoài đời, người ta uống nước bằng chén cổ đời Lý, đời Trần. Quá ư sang trọng. Bởi vì trong tù người ta uống nước bằng nắp ca, bằng bát... Có chè mà uống là tốt lắm rồi. Hai cái chén "tù bảo" ấy hắn đem từ trại QN lên. Kỷ mệm của Cương, người sĩ quan trẻ tuổi nhất của khoá huấn luyện cuối cùng của lớp sĩ quan Đà Lạt. Cương gầy gò. Không gia đình. Chỉ khoảng ngoài 30 tuổi, nhưng đã chín năm tù. Răng rụng hết. Móm. Đầu trọc. Nom mặt Cương giống hệt cái sọ đầu lâu nằm giữa hai khúc xương bắt chéo trong tấm biển Nguy hiểm chết người. Cũng hốc mắt sâu thế nằm dưới cái sọ to. Cũng hai má hóp, quai hàm xương xẩu. Cương ở toán lâm sản. Cùng với những người tù thiểu số lực lưỡng. Những Hỉn Sản, Cắm Xìn (không phải Xìn Cắm) những Tằng Xình Quay... leo núi như dê rừng. Cương loẻo khoẻo, nhưng vẫn vác những bó nứa, những cây gỗ đúng tiêu chuẩn. Một buổi lang thang trong rừng đào măng cho ông quản giáo, Cương đi vượt sang bên kia núi và thấy một cây lớn. Trong một hốc trên cây, một bát hương, tàn hương phủ đầy mùn lá mùn gỗ mục. Một cuộn giấy đựng hương phải cố gắng lắm mới nhận ra hình dạng. Và bốn cái chén mắt trâu.
Cương đi đến cây vả gần đấy, hái mấy trái chín để vào trong hốc cây thay cho đồ lễ và xuýt xoa khấn vái thần núi, thần rừng cho xin hai cái chén. Cương đem chén xuống suối, đánh rửa sạch sẽ rồi đem về cho hắn. Mãi sau này hắn mới biết tất cả những chuyện ấy. Hắn cũng thấy hơi chờn chợn.
Nhưng đó là chuyện về sau.
Hai cái chén ấy làm hắn với già Đô nổi tiếng. Nhiều người mang cả chè sang đây uống. Những người thân như Xìn Cắm, Tảng ở QN, Lượng, Cân ở VQ thì mượn về uống tăng hai. Nhưng hôm nay hắn muốn mời Cân và Lượng sang cùng uống với bọn hắn. Hắn tụt xuống đất và leo lên sàn bên kia. Ngay chỗ Cân. Cân đang ngồi giữa chiếu, xếp bằng tròn, quay mặt về phía tường. Hắn xển dến cạnh Cân, đạt tay lên vai Cân thì thào:
- Sang uống...
Hắn bỗng im bặt, vì Cân ngồi im như tượng gỗ. Không quay lại. Cũng không trả lời. Hắn hiểu. Cân đang cầu nguyện, đang độc thoại trước Chúa. Lượng nằm, thấy hắn tới, vùng dậy:
- Anh về đi, Lượng sang ngay. Ba người ngồi xụp xoạp. Già Đô uống bằng bát vậy. Cam hảo nguyên đã ngấm. Nước đỏ ngăm ngăm, ngòn ngọt. Vẫn còn cái thú tuyệt vời này. Hôm nay phải uống lâu một tý, già Đô ạ. Uống chè, nhắm cháy. Ngon hơn cả bánh đậu xanh. Hơn cả kẹo trứng chim. Chắt thật là một người tốt. Cám ơn anh. Tôi sẽ nhớ anh cho đến lúc chết. Lượng ơi, tý nữa hát cho mình nghe.
Từ chỗ tận cùng xã hội này, mình đã thấy tận cùng của cái phi lý. Đúng như Lượng nói: Nếu như bây giờ được tha về nhà, có tiếng gõ cửa, ra mở, thấy có một người tự xưng là Giời thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Cứ việc mời Giời vào uống chè mà không phải băn khoăn. Mọi việc đều có thể xảy ra. Sao lại không có một ông Giời xuống uống chè với mình được. Cân nó vẫn còn cầu nguyện. Nó dọn mình trước Chúa. Nó có một niềm tin vào Chúa. Còn mình chẳng biết tin vào đâu nữa”. Sung sướng thay những kẻ có lòng tin”. Đó là một câu phương ngôn Pháp.
Mỗi người đến đây bằng một con đường khác nhau. Một hoàn cảnh khác nhau. Hắn khác. Lượng khác. Già Đô khác. Nhưng đều giống nhau ở một điểm: Sự ngây thơ. Nhẹ dạ. Cả tin. Và đều phải trả giá. Ngọc có lại thăm Trà Mi. Mình mong muốn hai người thân thiết với nhau. Hắn uống cam thảo nguyên và im lặng. Lượng, già Đô im lặng.