Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Những Người Đi Ở

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 988 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những Người Đi Ở
Bùi Ngọc Tấn
Có tiếng chuông điện thoại đổ hồi. Đang ngồi rù trên ghế, ông Hào vụt nhanh nhẹn hẳn bước tới chiếc tủ ly, nơi đặt máy điện thoại.
– A lô. Ông Huyên đấy phải không?
Không phải giọng trầm đều đều chậm rãi quen thuộc của ông Huyên, đầu kia là tiếng một phụ nữ.
– Xin lỗi, có phải nhà ông Hào đấy không ạ?
Ông Hào ngạc nhiên. Ai? Ai gọi ông thế nhỉ? Ba năm trời vào đây chỉ có một người duy nhất gọi điện thoại cho ông là ông Huyên.
– Vâng. Tôi là Hào đây.
– Chào ông Hào nhé. Ông không nhận ra tôi à?
Nói thế rồi im lặng, dường như bắt ông đoán, tự mình phải nghĩ ra bà ta là ai. Ai? Rõ ràng ở cái thành phố này ông không quen thuộc một người nào khác ngoài ông Huyên. Lại càng không quen một người đàn bà nào. Hay bà Huyên, bà Huyên mới vào?
Có tiếng cười trong máy:
– Không nhận ra phải không? Quên hết bạn bè rồi. Tôi nghe tiếng ông, tôi nhận ra ngay.
– Có phải bà Tuyết không?
Ông reo như hét vào máy. Và nghe rõ tiếng cười giòn tan ngay bên tai của người đối thoại. Đúng bà Tuyết thật rồi.
– Tôi đây. Tuyết đây. Tuyết tài vụ đây. Nhận ra rồi hở.
– Bà Tuyết. Bà vào bao giờ đấy?
– Ba tháng rồi!
– Ba tháng rồi cơ à? Thế mà tôi chẳng biết gì cả. Ba tháng mà không lại tôi chơi.
Ông Hào nói như trách móc.
– Cứ định lại ông lâu rồi. Nhưng một mình không dám đi. Các cháu thì bận. Sáng nay đến ông Huyên biết được số điện thoại của ông...
– Thế bà vào được lâu không?
Có tiếng bà Tuyết thở dài trong máy:
– Không biết đến bao giờ ra được đây. Nó bảo tôi vào ngay, chữa cháy, thế là phải vào...
Cuộc đàm thoại kéo dài dễ đến cả tiếng đồng hồ. Sau những câu thăm hỏi về tình hình mùa màng miền Bắc, tình hình điện nước, sinh hoạt đời sống chung và bè bạn ngoài ấy, ông Hào biết bà Tuyết vào ở với cô con gái và anh con rể để trông đứa cháu gái bé hơn một tuổi và con chị nó đã lên bảy đang học lớp hai. Bởi vì cái cô Hương Sen nào đó đã về quê. Qua điện thoại có thể thấy bà Tuyết vừa nói vừa cười:
– Ối giời! Vào đây thay cô Hương Sen!
Ông Hào áp ống nghe vào tai, vừa nghe vừa cười một mình về cô Hương Sen mà bà Tuyết thay thế. Cô Hương Sen chính là cô Sen, cháu họ anh con rể bà. Ở một làng Hải Hưng nào đó cô có tên Sen. vào đây thêm một chữ Hương. Thế là thành cô Hương Sen.
– Mới vào đây thì xấu. Vào mấy năm, ăn trắng mặc trơn, dậy thì xinh lắm. Một chiếc răng khểnh, da trắng hồng, mặc bộ đồ mút xơ lin, các chàng trai chết mệt. Nửa đêm còn điện thoại reng reng. Chúng nó hoảng quá. Tưởng tôi hay ai ở ngoài ấy làm sao. "Thưa chú, cháu hỏi cô Hương Sen." Thế có chết không cơ chứ. Bạn trai. Bạn trai sinh viên. Mê cô Hương Sen lắm...
Tiếng bà Tuyết cười giòn qua máy. Ông Hào cũng cười. Cười lặng lẽ. Bà Tuyết kể tiếp:
– Một hôm còn liều lấy xe Dream đi chơi với bạn trai. Giỏi thế. Không tập bao giờ mà biết đi. Đèo cả con bé con đi. Đến chiều mới về. Con bé em bị sốt mãi. Cứ tưởng nó làm sao. Đến khi hàng xóm nói mới biết.
Bà Tuyết vẫn như vậy, như những ngày còn đi làm ở xí nghiệp vận tải ô tô với ông. Vẫn vui chuyện, đã bắt vào chuyện là không thể dứt, vẫn cứ chuyện nó tiếp chuyện kia, hài hước sinh động và dễ mến. Kể về họ hàng, bà Tuyết là chị - bà lấy một ông anh họ xa về đằng ngoại ông Hào. Nhưng hai người cư xử với nhau như bạn, bởi vì họ đã có một thời gian hơn hai mươi năm cùng làm ở xí nghiệp ô tô vận tải. Bà Tuyết vẫn đang say sưa với cô Hương Sen mà bà phải vào thay:
– Lại một hôm chị Hương Sen khóa nhốt hai em đang ngủ trong nhà đi Đầm Sen với người yêu. Đi suốt từ sáng đến chiều. Ở nhà, hai đứa dậy khóc như ri. Hàng xóm thấy thế, đứng ngoài cửa bảo con nhớn: "Có biết số điện thoại của bố không?" Nó mới đi gọi điện thoại. Thằng bố cẩn thận, gài mã sẵn. Chỉ ấn nút số 2 là đến chỗ bố. Bố nó phóng vội về, tìm thợ, thuê phá khóa vào nhà. Nhà cửa cứt đái lanh tanh bành, lộn tùng phèo. Bố mẹ nó mới điên, lấy vé tầu cho ra Bắc ngay. Nào thế đã xong, còn phải đưa lên tận toa, chờ tầu chạy mới về, không ngộ nhỡ nó đi đâu thì chết. Mấy hôm sau lại điện về làng. Biết nó về nhà rồi mới yên tâm.
Ông Hào cười vang. Lần này cười thành tiếng. Cười giòn. Chao! Được chuyện với người cùng cảnh, được cười, sung sướng biết bao! Ông kêu to:
– Thế là bà Tuyết phải vào làm hình nhân thế mạng.
Tiếng bà Tuyết đầu kia léo nhéo:
– Chúng nó bảo vào chữa cháy. Ba tháng rồi. Nghe chừng còn phải ở đây lâu ông ạ. Thế mới gay chứ.
Bà Tuyết than thở. Ông Hào giọng đầy thông cảm nói ra cái điều ông đã xác định từ mấy năm nay rồi:
– Mình ra ngoài ấy cũng chẳng có việc gì mà chúng nó ở đây thì đang bí. Thương con thương cháu, chẳng nỡ...
Câu chuyện giữa hai người dừng lại ở đấy vì có tiếng trẻ con khóc vang vọng ở đầu dây bên kia. Và tiếng bà Tuyết:
– Em đấy hử. Em đã dậy đấy hử. Bà đây. Bà đây. Thôi nhé. Cháu nó dậy rồi. Để khi khác nhé.
Ông Hào cúp máy. Đang đà phấn khởi, bốc, ông lại nhấc máy, bấm số, đưa máy áp vào tai chờ đợi. Tiếng tút quen thuộc của máy và tiếng nhấc máy ở đầu đằng kia.
– Xin chào ông Huyên.
– Ông Hào đấy à? Đang làm gì đấy?
– Bà Tuyết vào mà ông không bảo gì tôi cả.
– Thì bà ấy mới đến đây chơi buổi sáng. Tôi cũng có biết đâu. Như thế là mãi hôm qua bà ấy mới gặp cô Hồng ở chợ. Ông không biết cô Hồng. Cô Hồng cùng học lớp tài vụ với bà ấy ở Rế cơ. Cô Hồng cho bà ấy biết địa chỉ thế thôi. Thế là sáng nay hai bà cháu đi xích lô đến. Bà ấy vừa gọi điện cho ông à?
– Vừa gọi xong. Vào được ba tháng nhưng nghe chừng đã thấy khó chịu lắm rồi.
– Bà ấy cũng nói với tôi thế. Tôi bảo bà ấy hãy học tập tôi đây này. Bảy năm rồi. Ông Hào loáng một cái cũng ba năm rồi.
– Lắm lúc người cứ bã ra ông ạ. Ắn chẳng buồn ăn. Ốm không ra ốm. Khỏe không ra khỏe.
– Nguy!
Cả hai phía đều vang lên tiếng cười. Nguy là câu nói nửa miệng của ông Hào. Nguy cũng là tên bè bạn đặt cho ông. Ông Hào có rất nhiều biệt danh. Từ thời ông còn đi làm thợ sơn ở xí nghiệp vận tải ô tô. Thoạt đầu bè bạn anh em gọi ông là ông Nan giải. Cái gì với ông cũng là Nan giải. "Gạo sang kỳ mà mãi cuối tháng chưa bán. Chậm hơn hai chục ngày rồi. Nan giải đây." "Chủ nhật vừa rồi về quê. Bà xã đi làm thủy lợi, vác đất thế nào lại sút lưng. Nhân công chủ lực nằm đấy. Nan giải quá." Về sau anh em gọi ông là Nghiệt. Vì ông không nan giải nữa. Ông Nghiệt. Lốp xe hỏng rồi, mòn quá rồi. Trơ cả vải bố ra rồi. Nghiệt rồi. Vào năm học mới, mỗi thằng con mười mấy đồng tiền sách vở. Hai thằng tướng chưa có áo rét. Nghiệt! Chưa nghĩ ra khoản nào đây...
Cái tên thứ ba, cái tên cuối cùng của ông là Nguy. Một cấp độ cao hơn nghiệt. Nguy rồi. Cả vụ hợp tác chia cho bà xã mười lăm cân thóc tươi. Sống ra sao đây. Từ này đến mùa nghe còn dài lắm. Có con lợn định cân nghĩa vụ thì lăn đùng ra chết. Thế mới nguy chứ! Vân vân và vân vân.
Ông Hào rất nhớ nhà, nhớ miền Bắc. Nhưng nhà bây giờ cũng chẳng còn ai. Bà cũng sang phố ở với anh con lớn, trông con cho nó. Còn ông thì vào tận trong này. Khi còn trẻ, bà ở quê, ông làm công nhân xí nghiệp, chủ nhận còn được gặp nhau. Bây giờ già, ông bà lại đâm ra lênh đênh biền biệt mỗi người một phương.
Thực ra ông toại nguyện lắm. Ông đã gây dựng cho hai anh con trai có nghề nghiệp có vợ con, bây giờ chúng lại có nhà cửa ở thành phố, điều bao người mơ ước. Với phương châm nổi tiếng về ăn uống của ông là qua cổng vào làng, ông đi phục kích những xe ô tô chở rau cho Công ty thực phẩm, kiên nhẫn chờ đợi tới tận nửa đêm. Các chàng lái xe thế nào chẳng quẳng cho ông khi một túi nặng xu hào bánh xe, khi hàng ôm rau muống. Rau mậu dịch thường ôi, dập nát nhưng cũng tốt chán. Tiện chiều thứ bảy đèo về nhà. Còn không thì rải xuống gầm giường cá nhân, nấu dần, nhiều rau tức thì bớt gạo, lại dôi ra được mấy đồng thêm vào đong mạch, đong ngô viện trợ cho ba mẹ con. Ông thành thật suy nghĩ: giá con người ta không phải ăn thì sung sướng biết bao nhiêu. Cho nên khi anh em trong tổ sản xuất động viên nhau cai thuốc lá, ông bảo:
– Các cậu không cai được thuốc là xoàng. Ông Hào đang định cai cơm tẻ đây.
Tất cả cười ầm, nhất trí rằng nếu ông Hào cai được cơm tẻ thì hoàn toàn sung sướng, hoàn toàn tự do, không phải đi làm "cũng chẳng sợ thằng đếch nào." Không thể cai cơm tẻ được nên ông Hào thật đau lòng khi thấy vợ con ông đều ăn đói, nhất là khi "hai thằng" đi tát được tí cá nấu nồi riêu, chan và được hai bát, nồi cơm đã trơ đáy. Tội nghiệp, chúng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Sức ấy ngày xưa ông ăn tám bát cơm gạo bãi chưa no.
Khó khăn đến đâu cũng cố nuôi con ăn học, những cố gắng tưởng đến kiệt sức của hai ông bà đã đơm hoa kết quả. Ông tự hào về hai người con, anh con lớn ở Hải Phòng là máy trưởng một con tàu chạy ven biển, nhà cửa chẳng thể nào bằng thằng em ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng gọi là nhất xã. Còn nhà cậu em, cậu lái máy xúc công trường thủy điện thì chao ơi, bước vào cứ mát lạnh cả người. Khi mới vào đây, đi trong căn hộ khép kín của anh con thứ, khuôn mặt ông cứ ngời lên.
Niềm sung sướng tự hào ấy bây giờ ẩn một nơi nào đó, còn lại là nỗi buồn, nỗi nhớ miền Bắc, nhớ nhà, nhớ bà, nhớ về bè bạn, nhớ làng quê. Nhưng ông biết còn lâu ông mới được ra ngoài đó, còn lâu ông mới được chuyện trò cùng bà, còn lâu ông mới được lang thang xóm làng, nói những câu chuyện tầm phào. Ông bật cười và xấu hổ đỏ mặt khi nhớ đến hồi mới vào, ông cũng quen tác phong quê mùa, tạt vào nhà này, nhà khác chuyện gẫu thăm hỏi. Mãi sau mới biết trong này người ta không thích kiểu như vậy.
Thì ông ra hẻm, đứng chuyện với mấy anh đóng cọc cừ. Ông nhìn anh ba gác máy đang chui xuống gầm xe vặn vặn sửa sửa. Rồi ông vào nhà. Ông lại ra cửa. Ông đi ra vào. Thững thờ. Bần thần. Giơ tay bật ti vi. Lên một hình gì đó. Tắt ngay. Đi quanh quẩn trong nhà. Chân giẫm lên nền đá hoa mát lạnh. Và lại bật ti vi. Lần này thì ngồi xem. Chương trình gì cũng xem. Kéo ghế lại gần ngồi xem vì mắt ông kém. Có vái ti vi cũng như có một người nữa trong nhà. Chỉ tội cái người này nói nhiều quá. Cứ nói mà không nghe. Không cho người ta nói lại. Đành phải im lặng nghe. Im lặng nghe hàng giờ. Nhờ vậy ông biết anh chàng Tyson là võ sĩ quyền Anh số I thế giới. Nhưng chẳng ra gì. Trông thấy đàn bà là không chịu được. Maradona ông cũng khinh. Cái đồ nghiện hút. Giàu quá thành rửng mỡ.
Hình như ông nghiện nhạc nặng. Nửa tiếng đồng hồ ông toàn nghe những ục ịch ục ịch. Thứ nhạc như đánh vào dạ dày. Ông xài tuốt. Ông còn thích cả cải lương, cả chèo. Ông trở thành một người sành điệu.
Nói vui thế thôi chứ khi ông ngồi trước ti vi là gay rồi, là không chịu được nữa rồi. Ông rất hạn chế ti vi. Vì mắt kém. Lại sợ bóng hình chóng già, chóng hỏng và nhất là tốn điện. Chẳng qua là buồn quá đấy thôi. Con trai ông ở công trường. Con dâu làm ở một trường bán trú tận đầu kia thành phố, năm giờ kém đã phải phóng xe đi. Con Nga cháu ông khi đó còn ngủ. Ai đánh thức nó dậy? Ai đánh răng rửa mặt cho nó? Ai cho nó ăn sáng, ai đưa nó đến trường. Đến chiều lại còn phải đón nó về, tắm rửa cho nó. Ông đã đưa nó đi học, đón nó về, tắm rửa cho nó từ lớp Chồi (1) đến lớp Lá 92). Nghĩa là mấy năm rồi.
Chao ơi! Thời gian! Giờ đây một ngày sao nghe dài thế!

Cái máy điện thoại thật tuyệt. Lúc ông gọi đi. Lúc nó đổ hồi, báo hiệu có người gọi đến. Thì quanh quẩn cũng chỉ có ba người: Ông, ông Huyên, và bà Tuyết (bây giờ có thêm bà Tuyết). Ba người cùng làng, cùng học một trường tiểu học, cùng đi tham gia kháng chiến. Chỉ có ông Huyên học lên nữa, tốt nghiệp đại học sư phạm, còn ông Hào và bà Tuyết thì rẽ ngang. Cả ba đều đã ngoại sáu mươi và đã nghỉ hưu mấy năm nay rồi. Ba người có nhiều kỷ niệm chung và nay lại cùng chung hoàn cảnh: Cả ba đều đã đem hết sức mình gầy dựng cho con và lại cùng vào thành phố Hồ Chí Minh ở với con.
Dạo mới vào đây, bị hấp dẫn bởi thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông này, ông Hào lấy xe đạp của con đạp văng mạng. Một túi cóc treo ở ghi đông, đạp từ Bình Thạnh xuống Chợ Lớn, từ quận Bốn sang quận Ba. Mệt, khát nước thì tạt vào vườn hoa ngồi nghỉ, giở cóc ra ăn. Lạc đường thì hỏi mấy đồng chí công an. Một lần đang ngồi thở, mấy "em" tới hỏi: "Anh đi chơi không?" Ông Hào cười: "Anh đang nghỉ ăn cóc đây em ạ."
Nhưng đó là chuyện ba năm trước. Giờ ông chẳng đi đâu nữa. Phần vì mỗi tuổi mỗi khác, phần vì phố xá lắm người lắm xe, sợ lắm. Bây giờ chỉ còn mỗi thú vui gọi điện thoại và mong đến chiều, đón con bé cháu về, tắm rửa cho nó, ông cháu nô đùa với nhau, chơi trò bán hàng với nó, bác bác tôi tôi với nó... Rồi chuẩn bị đi nấu bữa cơm tối.
Sung sướng làm sao khi tiếng chuông điện thoại réo vang trong căn nhà vắng vẻ.
– A lô. Ông Hào đấy phải không?
Ông nhận ra ngay ông Huyên.
– Hào đây. Ông Huyên hở.
Ông Huyên: Ông đang làm gì đấy?
Ông Hào: Đang kho cá.
Ông Huyên: Lau nhà chưa?
Ông Hào: Lau rồi. Trơn, ngã cái tí chết.
Ông Huyên: Bây giờ miền Bắc đang heo may. Đang mùa chim chèo bẻo đây.
Ông Hào: Bây giờ cũng chẳng còn chim chèo bẻo nữa đâu.
Ông Huyên: Trưa nay ăn gì?
Ông Hào: Nhùng nhằng. Gặp gì ăn nấy. Không thì nhịn một lèo tới tối luôn.
Ông Huyên: Đằng tôi ăn uống linh tinh quá. Mình nấu cho chúng nó, chúng nó không ăn. Hôm thằng chồng dự chiêu đãi. Hôm con vợ. Bữa nào cũng thừa. Phải cất vào tủ lạnh. Nhà nuôi một con chó, chó ta thôi, nhưng những thứ đã qua tủ lạnh nhất định không ăn. Đã thử bắt nhịn đói ba ngày cũng không ăn. Đưa bát thức ăn cho chó, chó ngửi ngửi rồi quay đi. Chúng nó định đổ ra thùng rác. Tiếc của giời, tôi bảo cháu: "Đem đây cho bố."
Hai người cùng cười trong máy. Ông Huyên nói tiếp: "Toàn là những thứ ngon thôi ông ạ. Đổ đi là có tội. Tôi cố. Được cái tiêu hóa của mình tốt. Thành ra phần lớn mình toàn ăn của thừa. Các cháu nhà tôi nấu nướng nói đùa: "Cái gì chó ăn được là bố ăn được."
Ông Hào thấy cần phải gọi điện thông báo cho bà Tuyết nguyên tắc về những thứ ông Huyên ăn được. Bà Tuyết bảo:
– Đằng này cũng thế đấy ông ơi. Cơm cho chó nào những thịt những miến những nấm, hâm lại đổ ra bát cẩn thận. Nó vẫn không ăn. Mình tiếc quá, mình cố. Lắm hôm đầy chướng, vật vã cả đêm, đến khổ.
– Thế bà đang làm gì đấy?
– Gấp quần áo. Trong này gọi là gấp đồ. Quần áo của chồng để riêng, của vợ để riêng, của con lớn để riêng, con bé để riêng...
– Con bé con gửi nhà trẻ chưa?
– Rồi. Sáng ra thằng chồng đèo vợ đi làm rồi quàng về nhà nói: "Ba bà mới được một bà." lại đèo tiếp hai đứa con đi.
– Thế chị ấy không có xe à?
– Có. Nhưng mệt, không đi được. Không ốm thì mệt. Đi làm về là tót lên gác nằm. Gọi xuống ăn, mãi mới xuống. Hỏi làm sao, thì bảo chỉ mệt thôi.
– Thế sao hôm nọ đang nói chuyện bà lại cúp máy vội thế?
– À, vợ chồng ông bà chủ đi đâu ấy tạt về. Cúp máy không nó bảo mình giống cô Hương Sen điện thoại suốt ngày thì chết.
Ông Hào gật gù tán thưởng. Chính ông cũng luôn giữ ý, không bao giờ gọi điện thoại trước mặt con. Bà Tuyết giọng buồn bã:
– Ngấy đến mang tai rồi ông ơi. Hôm nọ con bé con sốt. Dỗ bế, nựng mãi, ăn được tí sữa. Bà cho ăn xong, mẹ đón con, thế là ồng ộc phun ra hết. Đầy nhà đầy quần áo. Con ở lại lau, lại hót. Vợ chồng gắt nhau. Không nói ra nhưng ý là tại bà tắm cho cháu, bị lạnh...
Ông Hào im lặng. Chẳng biết động viên bà Tuyết thế nào.
– Tôi muốn ra ngoài ấy quá rồi ông ạ.
Vẫn im lặng. Rồi như nghĩ ra điều gì, ông Hào bỗng hạ giọng thì thào, làm ra vẻ bí mật, sợ sệt:
– Thế thế bây giờ nhà chủ có đứa nào ở nhà không?
– Cái gì? Nói to lên nào.
Ông Hào thì thào khẽ hơn trước:
– Chủ nó đã có đứa nào về chưa?
Bà Tuyết đã hiểu. Bà phá lên cười:
– Chủ nó chưa về!
– Thế thế tớ hỏi đằng ấy ở đấy chủ nó có cho ăn no không?
– No. Có cả cà phê sữa.
– Tớ tưởng đằng ấy không được ăn no, tớ tìm cho đằng ấy một đám ở đằng này. Họ tốt lắm. Cho ăn no lắm.
– Tớ ở hơn cô Hương Sen nhiều. Nên chủ nó chiều lắm. Kiếm đâu được một người như tớ. Hôm qua vợ chồng nhà chủ bảy giờ tối mới đánh ô tô về. Nhà cửa lau bóng. Con cái tắm rửa sạch sẽ. Cơm dọn sẵn trên bàn tinh tươm.
– Thế nó có thưởng cho đằng ấy cái gì không?
– Có. tớ được đứng bên ô tô chụp ảnh. Mặc váy cẩn thận.
Lại cười. Chuyện buồn đã chuyển thành chuyện vui. Tìm vui chứ tìm buồn làm gì. Ông Hào chuyển sang giọng bình thường:
– Thế bác Huyên có hay gọi điện cho bác không?
– Có. Ông ấy dự định tổ chức một bữa gặp mặt ba chúng mình ở nhà ông ấy đấy. Thế nào ông cũng đến nhé.

Họ chờ đợi ngày N. ấy háo hức như lũ trẻ chờ mong ngày Tết ậy, ba vị là ông là bà đáng kính mà chúng ta đã biết. Cả ba liên tục gọi điện thoại trao đổi về chương trình nghị sự. Ông Hào, bà Tuyết cùng nhấn mạnh là không ăn thịt đâu đấy. Còn ông Huyên trả lời rằng không có thịt đâu, nhưng có món đặc sản rất tuyệt và nhất định không nói ra món đặc sản ấy là gì, nhất định giữ bí mật đến phút cuối cùng.
Đúng ngày hẹn ông Hào đi bộ đến nhà ông Huyên. Ông Huyên ở một hẻm thuộc trung tâm thành phố. Tuy xa, nhưng đường rất dễ đi, chỉ bốn cái ngoẹo.
Ông Hào đi bộ cho dãn xương cốt. Đi bộ để ngắn phố phường. Đi bộ vì không thể đi xe đạp được. Nghìn nghịt ô tô. Nghìn nghịt xe máy. Cái nó cắn đuôi cái kia, nhất là ở những ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Nhớ lại, cái ngày mới vào đây, lấy xe đạp đạp vung các nơi, ông thấy mình đã thành ông lão rồi. Mới ba năm thôi. Vào cái tuổi ông nó chuyển biến từng ngày ấy chứ.
Khi ông ấn chuông, ông Huyên ra mở cửa, ông càng tin chắc điều ấy: mấy tháng không gặp nhau, ông Huyên nom đã khác đi nhiều.
– Sao? Ắn rồi hay sao mà ngậm tăm thế?
Ông Hào vất cái tăm đi:
– Em ngậm tăm cả ngày.
Có tiếng bà Tuyết léo nhéo trong bếp:
– Chào ông Qua cổng vào làng. Sao đến muộn thế? Ông Hào dạo này béo ra đây này.
Ông Hào cười:
– Ông Hào béo không để làm gì cả.
Và bước về phía bếp:
– Chào cô Hương Sen. Cô Hương Sen cũng béo ra. Vào đây ăn trắng mặc trơn có khác.
Bà Tuyết đang rửa rau dền đứng lên:
– Thế ông đã biết chuyện mới nhất về cô Hương Sen chưa? Hôm nọ thằng rể tôi đi công tác ra Bắc. Tranh thủ về quê, đến nhà cô Hương Sen chơi. Thấy trên tường treo một cái ảnh màu phóng lớn, lại cứ nghĩ: "Quái. Nhà này có người đi Hồng Kông hay đi Mỹ..." Nhìn kỹ thấy cái váy đúng là váy vợ mình. Hóa ra cô Hương Sen chụp ảnh nài trên giường đệm, chống tay nghếch đầu lên.
Lại một cái ảnh cô Hương Sen đánh pi a nô, em bò dưới đất ngập cháo phồng mang trợn mắt, tay níu váy chị, bát cháo thì đổ...
Chờ dứt tiếng cười, ông Huyên tuyên bố đầy tự tin:
– Thực đơn hôm nay: Cá rô don rán giòn. Tôm rang. Rau dền luộc. Mắm cáy.
Hai người khách reo lên:
– Ở đây ra mắm cáy đấy?
– Thằng cháu Thái vừa mới ra Hà Nội họp. Tranh thủ về Hải Phòng thăm bà ấy nhà tôi. Bà ấy gửi cho một chai. Thực đơn thế được không? Ngoài ra còn một đĩa thịt gà rán và một đĩa bít tết.
Bà Tuyết xua tay:
– Thôi thôi ông ơi. Ông xếp hai cái món thịt của ông lại.
Ông Hào cũng bảo sợ thịt lắm rồi. Và ông thêm:
– Ngày xưa ăn được thì không có mà ăn. Hai bác biết không? Tôi đã ăn hết một cân thịt mỡ luộc.
– Ông chỉ bịa.
– Ai ăn được một cân thịt mỡ luộc!
Ông Hào nghiêm trang:
– Một cân thịt mỡ luộc mà lại không có muối. Nói đúng ra chỉ hai lạng ăn không muối thôi, còn thì có muối. Cái tay Tuynh, phòng kế hoạch, bác Tuyết có nhớ không nhỉ, nó thương nó đẩy đĩa muối vào sau nải chuối nên không ai biết. Đúng hôm xe ô tô chở lợn bị cháy ở Quán Toan ấy, bác Tuyết nhớ không?
– Nhớ. Nhớ.
– Cả bọn đang ngồi hàng nước. Bà chủ quan mua về một cân thịt mỡ. Chắc là có giỗ chạp gì đấy. Thế là mới đố nhau. Tôi lúc luôn. Cái gì chứ cân thịt mỡ ông Hào xơi tốt. Không có muối cũng được. Nhưng mà ăn được khoảng năm lạng rồi thì kinh lắm hai bác ạ. Gắp miếng thịt lên nó cứ buồn từ má chạy lên đến hết cả tai.
Ông Huyên hồi hộp:
– Thế có ăn hết không?
– Hết chứ! Không hết thì nguy. Tiền đâu mà trả.
Bà Tuyết lè lưỡi:
– Kinh. Nghĩ đến mà sợ. Đã thấy buồn tai rồi. Nhưng mà buồn tai thật à ông?
– Buồn thật. Tai nó cứ ghê ghê, buồn buồn khó nói lắm.
Ba người vừa làm bếp vừa chuyện. Bà Tuyết luộc rau. Bà Tuyết bảo:
– Rau dền ngoài Bắc bỏ lá, luộc dối. Rau dền trong này để cả lá ninh kỹ. Này hai ông vào đây lâu có quen không?
Ông Hào bảo:
– Chỗ tôi có một ông người Hà Đông vào ở với con trai. Mới vào tuyên bố hăng lắm: Sau Tết tôi mới ra. Chưa được tháng, thỉnh thoảng tôi đi qua, trông thấy ngồi trong nhà cứ rù ra.
Bà Tuyết bảo:
– Chỗ tôi mới khổ. Nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm. Tôi không làm sao kéo được cái cửa sắt. Nó không có dầu để mở cửa thì kêu, chống trộm. Chúng nó đi làm, khóa cửa, mình trong nhà cứ như tù giam lỏng. Một hôm thèm ra quá. Xô được cửa xếp ra ngoài mà không sao đóng lại được. Cửa xếp nhưng lại còn ốp tôn cho kín, ngoài không nhìn được vào trong. Thế là cứ ngồi vỉa hè chờ. Thấy một thằng bé bán ngô nướng đi qua, mới mua một cái bắp ngô. Rồi nhờ nó đóng cửa hộ.
Ông Huyên nói:
– Tôi mách bà một cách ở lì trong nhà. Bật các đèn lên, giết nhện. Tôi ở đây gần chục năm. Những năm đầu đi hăng. Năm năm nay không bước ra cửa.
Ông Hào gật đầu:
– Công nhận bác tài ở nhà. Em là cứ phải đi. Vào đây bí quá.
Cơm đã chín. Thức ăn đã dọn lên bàn. Ông Huyên mở tủ lạnh lấy ra sáu lon bia Heineken. Ông cầm một chai nhựa có dán nhãn xê vần náp lắc lắc và rót ra bát: Mắm cáy. Bà Tuyết hít hít:
– Thơm quá.
Ông Hào bảo:
– Ba năm nay không được ăn mắm cáy rồi đây.
Uống bia. Ắn cá rán. Uống bia với rau dền luộc chấm mắm cáy. Ông Huyên tiếp bia cho ông Hào và nhắc:
– Này. Tớ nói thật với đằng ấy, bia đằng ấy cứ uống thoải mái. Còn nhiều trong tủ lạnh. Chủ tớ không đếm đâu. Xập xí xập ngầu được. Chứ còn mắm cáy đàng ấy ăn ít thôi. Chủ tớ nó đo rồi đấy.
Bữa ăn vừa ngon, vừa vui. Ắn và nói chuyện về cuộc sống mưu sinh tốc độ của con cái. Tất cả đã nằm trong guồng quay đến chóng mặt của nó. Ai ngừng lại nghĩa là bị văng ra, bị rơi xuống, bị nằm bẹp. Chính vì cái tốc độ ấy mà họ có mặt ở đây.
Cả ba người đều say.
Có lẽ uống hơi nhiều nên ông Hào ngủ một giấc dài.
Tỉnh dậy đã ba giờ chiều. Sắp đến giờ đón cháu. Bát đũa đã rửa xong. Bà Tuyết đã về từ bao giờ.
Ông gọi ông Huyên đang ngửa cổ cầm chổi săn những con nhện bé tí trên tầng lầu (một việc chẳng tốc độ tí nào). Ông trách ông Huyên không gọi ông dậy sớm hơn, rồi tạm biệt ông Huyên ra về.
Muộn rồi. Không thể đi bộ. Ông Hào vẫy một cái xích lô.
– Khách sạn Bạch Dương. Đường...
Khách sạn Bạch Dương cao năm tầng, nổi tiếng vì sang trọng, vì những dịch vụ tươi mát. Nói khách sạn Bạch Dương ai cũng biết. Nhà ông nằm ở con hẻm ngay cạnh đó.
Khách đến Bạch Dương là khách sộp, bởi vậy anh xích lô tăng giá gấp đôi.
Có lẽ vì hơi bia lâng lâng, vì sợ trễ giờ đón cháu, vì hằng ngày ông đã hết sức tiết kiệm và cũng muốn một lần tỏ ra ăn chơi, ông không mặc cả nhảy lên xe.
Nhìn nét mặt ửng đỏ của ông khách đi về Bạch Dương không thèm mặc cả, anh xích lô vui tính nháy mắt:
– Bố đi đổi gió hở bố?
Ông Hào bông lơn:
– Đổi gió tí đây.
– Xuống đấy nhiều gái miệt vườn lên hay lắm.
Ông Hào làm ra sành điệu:
– Gái quận Ba, quận Nhất chán bỏ mẹ.
Đã tới khách sạn Bạch Dương, ông Hào muốn dừng xe ngoài đường, nhưng bằng một cú lái ngoặc rất điệu nghệ, anh xích lô đã đưa xe vào đúng cái cửa ngách, đút càng xe trong sân và ông thấy từ đầu gối đến bàn chân của mình đã nằm trong sân khách sạn. Không có lối ra vì cửa sắt chính - dành cho ô tô - đóng kín, còn lối đi nhỉ thì chiếc xích lô đã thút nút mất rồi. Ông đành bước xuống sân khách sạn sau khi đã trả tiền xích lô.
Thấy có khách đến, cô gái reception đứng lên nở nụ cười duyên dáng chào ông. Phía sau, một đám đông con gái tươi như hoa nhất loạt nhìn ông. Ông Hào hoảng. Ông làm như chỉnh đốn lại y phục, nhưng chính là chờ cái xích lô lui và quay ra đến đường phố.
Ông nhón bước qua cửa phụ khách sạn ra ngoài, thoát khỏi đám tiếp viên, len lén vì sợ anh xích lô trông thấy. Rồi ông ngoặt nhanh vào hẻm, về nhà lấy xe đạp đi đón con bé cháu đang học lớp Lá.
Bùi Ngọc Tấn
(1) Lớp ba tuổi.
(2) Lớp 5 tuổi (hệ mẫu giáo).



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 662

Return to top