Hắn vẫn hình dung ngày trở về của hắn khác cơ. Khác thế nào, hắn không biết. Trong tù, những người tù tuyệt vọng đố nhau: Nếu được tha thì về nhà lúc nào là tốt nhất. Đa số nói: Về nhà vào buổi tối. Đứng nép ngoài cửa, yên lặng nhìn vào trong nhà, xem bố mẹ hay vợ con đang làm gì. Để biết được, để nhìn thấy được một buổi tối bình thường của gia dình khi mình ở trong tù.
Bữa ăn mẹ Phương nấu cho hắn, hắn nhớ. Hắn nhớ bát mì sợi nóng hổi. Có cả rau muống đầu mùa, mềm xanh. Cả mấy miếng đậu rán, ớt bột. Nhưng nóng. Nóng quá. Hắn không quen ăn nóng. Năm năm hắn chỉ quen ăn nguội, nguội tanh nguội ngắt. Mùa rét, ăn xong run cầm cập.
Hắn thổi, hắn húp xì xoạp. Có cả mỡ nước. Mỡ lợn thật, không phải mỡ hoá học. Mồ hôi hắn vã ra, nước mũi chảy như lúc ốm. Mẹ Phương đứng nhìn hắn ăn, lấy khăn tay chấm nước mắt. Bà ép hắn:
- ăn nữa nhé Còn một tí nữa thôi!
Hắn lắc đầu:
- Con no lắm, no lắm rồi.
Hắn sẽ không bao giờ quên bát mì gia đình nóng bỏng ấy. Nóng và tình thương xót. Suốt buổi tối, trong khi trò chuyện, bố mẹ Phương nhìn hắn như qua đó tìm hiểu những gì Phương đang chịu trong tù. Hắn biết vậy. Hắn hiểu, hắn không được phép gây thêm một mối lo lắng suy nghĩ nào đối với bố mẹ Phương đã quá thừa đau khổ.
Nhưng dù hắn có nói chăng nữa, cũng chẳng ai hình dung được những điều gì đang đến với Phương. Chỉ có hắn biết được thôi. Ngay cả chính Phương nữa, Phương cũng không biết được những gì sẽ đến với mình. Hắn vẫn cứ rợn người khi nghĩ đến một anh tù cựu nhìn hắn dạo hắn mới bị bắt. Hắn bị giam ở khu 76. Hắn cũng chẳng biết đó là khu gì, chỉ biết cả mấy dãy xà lim nằm lọt thỏm giữa tường bao có dây thép gai chạy điện, chỉ có hắn và một anh tù nữa, mỗi người một xà lim. Anh tù kia còn trẻ, mặt xanh rớt, đầy trứng cá.
Trong một lần ông quản giáo mở cửa cho hắn đi đổ bô, hắn thấy anh tù trẻ dang ngồi nhổ cỏ dưới nắng. Thật là hạnh phúc đến khó hiểu. Hắn lễ phép:
- Thưa ông, xin phép ông cho tôi được nhổ cỏ.
Ông quản giáo đứng lặng như trời trồng. Khi đã hiểu ra, ông giận dữ sập mạnh cánh cửa. Hắn phải ngả người về phía sau, suýt nữa cánh cửa đập vào mặt hắn. Cái bô cứt và nước đái trong tay sánh rớt xuống chân hắn. Có tiếng khoá cửa. Hắn bị trừng phạt vì hắn, một kẻ có tội đang giam cứu mà lại đi đề nghị những điều như vậy với quản giáo.
Thế rồi anh tù trẻ chuyển đi, còn lại một mình hắn. Một mình hắn trong một dãy xà lim mênh mông. Hơn một tháng sau khi bị bắt, hắn được gọi ra cắt tóc. Một người tù mặc quần áo xám với cái hòm cắt tóc, chiếc ghế đẩu, đã đứng sẵn dưới tán lá chuối sát tường. Hắn ngồi xuống ghế. Ông quản giáo dứng cạnh, suốt thời gian cắt tóc, không rời mắt khỏi hai người. Hắn mủi lòng nhìn những nạm tóc xanh đen của hắn rơi xuống đất. Không ngờ máu huyết mẹ cha cho lại rơi xuống xó nhà tù. Hắn rơm rớm.
Lựa lúc người tù cắt tóc quay lưng lại phía ông quản giáo, che khuất hắn, hắn ngước nhìn anh ta. Đó là một người đứng tuổi, râu mép có những sợi bạc, da sạm. Và cặp mắt anh ta dang nhìn hắn làm hắn rùng mình. Anh ta nhìn hắn như nhìn một người đang đi về cõi chết. Đó là vĩnh biệt, là ái ngại, là thương xót, là đồng cảm, chia sẻ. Cái nhìn buốt xương sống, lạnh tim, báo cho hắn biết hắn mới chỉ ở tầng đầu địa ngục và đang tiếp tục xuống từng nấc thang khủng khiếp.
Cái nhìn của một con vật hiểu thế nào là lò sát sinh nhìn con vật khác ú ớ, lớ ngớ bước vào mà không biết mình đang bước vào đâu.
Mãi sau này hắn mới biết 76 là khu trọng phạm. ở đó là án tử hình, là án chung thân, là đi chuyến tàu suốt.
Đôi mắt người ấy như một lời tiên tri, một định mệnh. Nhưng hắn tin ở hắn. Hắn không có tội. Hắn sẽ được tha một ngày gần đây thôi. Phương bây giờ mới bước những bước đầu tiên như hắn khi đó. Đến bao giờ Phương mới đi hết đoạn đường của Phương. Đoạn đường ấy thăm thẳm, ghê rợn, khủng khiếp vô tận, mà nhĩng người ngoài cuộc không thể nào hiểu được. Hắn choáng váng. . Hắn như nhìn thấy Phương đừng trước mặt hắn. Tầm thước, mắt đẹp và thông minh, cằm hơi vểnh ra, kiểu cằm Maiacôpxki. Hắn nhìn thấy Phương cười. Hắn nghe thấy cả tiếng cười và sau đó là câu nói:
- Tuấn ạ! Tao vừa đi Hải Dương về. Thăm trại chăn nuôi lợn giống. ở đấy tao thấy con lợn đực nhảy lên phóng tinh vào con lợn gỗ. Cọn lợn ấy quả giàu sức tưởng tượng hơn anh em mình nhiều.
Phương có cách nói như vậy. Hài hước và cay độc. Đó là câu pha trò để chấm dứt đề tài bọn hắn đang thảo luận: Trí tưởng tượng. Sự cần thiết và không thề thiếu được của trí tưởng tượng trong sáng tác. Đó là điều bọn hắn còn kém, bọn hắn phải nâng cao. phương viết. Phương viết nhiều, nhanh và thông minh. Nhưng hắn nghĩ cái Phương thiếu là vốn sống. Có vốn sống, Phương sẽ là người đi xa.
Hắn lục lọi những kỷ niệm với Phương. Ngày Phương kéo hắn lên trại sáng tác kịch bản điện ảnh, đèo hắn bằng chiếc xe mô-bi-lét, ngừng đạp là ngừng nổ. Phương về nhà hắn, hắn đi mua cá song nấu chua, những tưởng bạn sẽ trầm trồ khen ngon. Nhưng Phương cười lăn lộn, rồi với lấy túi xách, moi ra một lọ ruốc thịt mang theo từ Hà Nội. Lúc ấy hắn mới biết Phương chỉ ăn được một loại cá là cá chép.
Thêm nữa là cá diếc vì cũng có vẩy trắng và ngoại hình giống cá chép. Tính nết khảnh rả như Phương, vào tù khó đấy. Lấy đâu ra cá chép?
Hắn như nhìn thấy Phương bê bô nước han gỉ vào trong xà lim. Thấy Phương gánh phân ở một xó rừng heo hút...
Không. Còn lâu. Còn lâu Phương mới được gánh phân ở xó rừng heo hút. Phương mới bị bắt hơn một tháng. Cũng vào một ngày thứ sáu. Trong một tuần, thế nào cũng có một ngày khủng khiếp đối với ai đó. Như mình và Phương là ngày thứ sáu. Sao tù chính trị lại hay bị bắt vào ngày thứ sáu nhl. Có lẽ vì còn ba ngày nữa mới sang thứ hai của tuần lễ sau, ngày đầu tiên của tuần lễ hỏi cung. Ba ngày ấy (kể cả ngày thử sáu) đủ để khám xét thêm nhữug nơi còn nghi vấn, xếp loại tài liệu và cũng đủ cho thằng tù nếm náp những phút giây địa ngục đầu tiên mà hiểu được cái gì đang chờ trước mặt.
Giờ đây đang là những ngày căng thẳng nhất, đau đớn nhất của Phương. Phương phải suy nghĩ, đối phó với những điều tệ hại nhất, bất ngờ nhất, vô lý nhất. Phương phải tập để quen với một hiện thực không thể nào quen được: sự mất tự do. Và đang tính toán chi li, keo kiệt từng ngày tù một như mọi người mới bị bắt khác. Phương phải thích nghi với cuộc sống xà lim. vì đã rơi ngược về tiền sử. Phải thích nghi với thời đồ đá, với bóng tối. rà lim, từ bỏ thói quen dùng lửa. Phải dùng răng nanh tách cái đũa tre, bóc ra một thớ tre trước khi trả nhà bếp bát đũa. Rồi khi đổ bô, tranh thủ nhìn trước nhìn sau, nhặt lâý một mảnh sành, giấu vội mang về xà lim. Vót, cạo mảnh đũa thành một cái tăm. Cái tăm ấy dùng suốt một đời tù giam cứu. Dùng cho đến khi mòn đi một nửa vì tù chính trị giam cứu lâu lắm. Móng tay móng chân dài phải lấy răng mà cắn. Cắn móng tay dễ. Cắn móng tay còn là một cái thú giải sầu. Cắn móng chân phải chờ sau khi đi tắm về. Móng chân mềm và sạch. Ngồi xếp bằng. Lấy hai tay bê một chân lên, cúi đầu xuông gặm. Móng ngón cái dày, nhưng dễ gặm vì thuận khi đưa lên miệng. Gặm ngón út khổ nhất, khốn nạn nhất. Đưa ngón út lên mồm, dù là chân trái hay chân phải, xường sườn cứ ngoẹo đi, đầu cứ vạy đi mới nhét được ngón út vào một bên mép mà nhay mà nhấm. Hơn một tháng, Phương phải gặm móng chân ít nhất một lần rồi.
Hoá ra đêm đầu tiên của hắn ở ngoài đời là một đêm mất ngủ giữa lòng Hà Nội. Hắn nằm dài trên cái giường Phương vẫn nằm. Một mình hắn trong một cái bán mái con con, ngay cạnh vòi nước.