Giỗ bốn chín ngày của giáo sư Vũ Thịnh, dưới bệnh viện cho cả một xe mười hai chỗ ngồi lên thăm. Phó giáo sư Trịnh Kha ngồi ghế đầu, mở cửa bước xuống, tay cầm chai rượu gói giấy bên ngoài. Phía sau là mấy bác sĩ trẻ và một số y tá, hộ lý, những người đã từng gắn bó với ông Thịnh. Tấm trao bó huệ trắng cho một cô y tá rồi đưa tay ấn chuông.
Một người đàn bà cao gầy, có băng tang màu đen trước ngực, hình như bà con bên phía bà Thịnh ra mở cửa, thanh minh vào sự vắng mặt của Vũ Hải:
- Cháu Hải đang xuống nghĩa địa. Có lẽ sắp về.
Bà chạy vội lên trước mấy bước hướng dẫn mọi người vào nhà. Trong ngôi nhà giáo sư, các cánh cửa ra vào, cửa sổ đều mở, y như ông vẫn còn sống, ông chỉ tạt đi đâu đấy chốc lát rồi sẽ quay về. Trong phòng thờ, ảnh hai ông bà Vũ Thịnh đặt bên nhau. Một bát hương to đầy chân hương, bên cạnh có một khay những thẻ hương chưa đốt. Trên một chiếc đĩa to, nơi chuối cau vàng hươm có chồng thêm mấy quả táo màu hồng. Những bông huệ trắng được đặt trong một lọ sứ to, cánh hoa màu trắng nép dưới cuống lá màu xanh, gợi một sự tinh khiết trang trọng.
Mọi người vào thắp nhang cho ông. Phó giáo sư Kha và Tấm là người nghiêng mình trước chân dung của ông lâu nhất. Bước ra ngoài phòng thờ, Tấm nói với ông Kha:
- Kỳ này, em tính xin các anh nghỉ. Em đã quá tuổi hưu năm ngoái, không có ai làm, cứ nấn ná mãi không về được. Em quý anh Thịnh, quý các anh chứ bổ béo gì cái nghề hộ lý. Bưng bô đổ vịt. Nay anh Thịnh ra đi, em thấy trống vắng quá. Bốn mươi năm em đã làm việc với anh ấy...!
Tấm lấy khăn lau nước mắt. Đôi môi chị cắn chặt, chị im lặng giữa những người đồng nghiệp của mình cũng đang im lặng. Ông Trịnh Kha ngậm ngùi:
- Cái đó tùy chị. Bản thân tôi cũng trưởng thành trong vòng tay anh Thịnh. Tôi cũng buồn lắm chứ. Vắng anh Thịnh, giờ chị lại nghỉ hưu, tôi cũng chưa biết tính sao đây.
Ông Kha và Tấm bước vào phòng làm việc của giáo sư. Tất cả vẫn còn nguyên, từ giá sách với những quyển sách lặng lẽ đứng bên nhau đến bàn làm việc của ông có quyển sách đang mở. Bức ảnh ông chụp thời trẻ với chiếc bonnet trắng, áo blouse trắng cổ thắt cravat treo phía dưới tượng Hippocrate. Bức tượng mới tinh, Hải vừa mượn ở thư viện về thay cho bức tượng bị anh đập vỡ. Bức tượng vương một lớp bụi mỏng. Phó giáo sư Kha dùng một tấm vải mềm trên bàn của ông Thịnh lau cẩn thận từ trước ra sau. Ông trầm ngâm nói với Tấm:
- Sinh thời, anh Thịnh khi giảng bài cho sinh viên hay trong các buổi giao ban, thường nhắc đến lời thề Hippocrate...
Giọng Tấm lắng xuống:
- Gần đây, đài báo nói nhiều đến việc ngành mình để sai sót gây chết người. Thật buồn anh ạ. Hộ lý chúng em không biết gì chuyên môn nhưng em nghe vẫn thấy xót xa thế nào ấy. Y như người ta đang nói đến mình, chính mình là người có lỗi. Đôi khi em chỉ thầm mong ngành mình có thật nhiều người như anh Thịnh.
Phó giáo sư Kha lắc đầu:
- Sự phân hóa về đạo đức trong ngành ta quá rõ. Vẫn rất nhiều người tâm huyết với nghề nhưng những người giàu có lên nhờ ngành y cũng không ít. Cuộc đời mà, biết làm sao được hở chị!
- Hai người trở lại phòng khách, trò chuyện với người bà con của giáo sư Thịnh, người đó cho biết:
- Cháu Hải kỳ này lầm lì, ít nói. Hết giờ ở bệnh viện về nhà đắp chăn nằm, cơm bữa ăn bữa không, từ chối không gặp bất cứ người nào. Có lần cháu nói với tôi, vừa nói vừa khóc: chính cháu là người gây nên cái chết của bố mình. Tôi lựa lời an ủi, cháu chỉ khóc.
- Không có Vũ Hải ở nhà, ngày giỗ bốn chín ngày của giáo sư Vũ Thịnh trở nên trống trải, buồn bã. Khách đến thắp nhang rồi về dù bà em vợ ông Vũ Thịnh thiết tha mời lại. Phó giáo sư Kha và đoàn khách dưới bệnh viện trên đường ra xe thì gặp vợ chồng Thảo vội vã đi vào. Vừa trông thấy Thảo, Tấm đã oang oang:
- Tao tưởng vợ chồng mày quên.
- Vợ chồng em chào bác Kha, chào các bác. Thảo lễ phép cúi chào rồi quay sang với Tấm:
- Quên thế nào được chị.
- Phó giáo sư Kha mỉm cười:
- Thế nào, anh ấy đã bình phục hẳn chưa?
- Dạ, khá lắm rồi bác ạ. Có gì chúng cháu lại lên với bác.
- Ông Kha cười:
- Lên thăm tôi thì được chứ lên điều trị là tôi buồn lắm đấy!
- Vợ chồng em cũng mới ghé vào bệnh viện, nghe nói bác cùng đoàn bệnh viện vừa xuống nhà bác Thịnh. Thôi, xin phép bác, cho vợ chồng em vào thắp nhang cho bác ấy.
- Tấm dặn với:
- Trưa nay cả hai đứa về nhà tao ăn cơm.
- Vợ chồng Thảo, Bút nhìn theo đoàn người cho đến khi chiếc xe chạy khỏi ngõ.
***
Cùng lúc ấy, Vũ Hải đang trên đường chạy ra ngoại ô. Giữa dòng người xuôi ngược Vũ Hải thấy mình lạc lõng. Bốn mươi chín ngày vắng bố, anh cảm thấy sự trống vắng không có gì lấp nổi, nỗi buồn trong anh trở thành nỗi chông chênh. Vũ Hải không dám nhìn những kỷ vật trong phòng làm việc của bố, đêm đêm đứng hàng giờ trong phòng thờ, trân trân nhìn bố mẹ qua màn khói hương.
Dọc theo bức tường bao quanh nghĩa địa với đường cái, phía bên trong những ngôi mộ san sát bên nhau. Con đường trải nhựa loang loáng nắng sớm, người và xe dường như ít rộn rịp hơn nơi khác. Bên vệ đường, một vài đứa trẻ cưỡi trên lưng trâu, chốc chốc lại quất chiếc dây thừng giục trâu bước tới.
Vũ Hải gửi xe ngoài cổng, tay cầm một nén nhang và một bó hoa tươi, lặng lẽ đi theo con đường đất nhỏ, tiến tới khu mộ mới. Lác đác những cây nhang đang cháy trên nấm mồ của ai đó.
Vũ Hải lặng lẽ bước. Một con chim vỗ cánh khỏi vòm cây. Nắng sớm lọc qua cành lá rắc đốm vàng trên những ngôi mộ. Hải bước thấp bước cao như một người mất hồn, đầu óc tê dại trước không khí im lặng đầy kinh sợ trong nghĩa địa. Bất giác anh bừng tỉnh không dám tin ở mắt mình: bên mộ ông Vũ Thịnh, Thu Hồng đang lặng lẽ khóc. Vũ Hải đứng yên, hai chân như khuỵu xuống. Những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má, hình ảnh Thu Hồng nhòa nhạt rồi hiện dần rõ nét trước mặt anh.
Từ phía ngôi mộ giáo sư Vũ Thịnh, Thu Hồng bước chầm chậm về phía Vũ Hải.
Quy Nhơn 1996
Hết