Chiếc máy bay bay giữa một trời mây bạc. Qua ô cửa kính, dưới kia biển trải rộng đến mênh mông, đặc sánh như một sa mạc màu xanh. Những hòn cù lao màu xanh đậm, loáng trắng phía đối diện với mặt trời. Tiếng cô chiêu đãi viên trong trẻo:
- Xin quý khách vui lòng tắt thuốc lá và buộc dây an toàn.
Ông Vũ Thịnh ngồi bên con trai mình, mắt vẫn nhìn qua cửa kính như không thấy tiếng cô chiêu đãi viên. Vũ Hải giục bố:
- Kìa, bố buộc dây an toàn vào đi. Sắp đến Nha Trang rồi.
- Thế à, nhanh thế nhỉ. Ông Vũ Thịnh m màng nói.
- Đấy, bố phải buộc cẩn thận vào như thế. Vũ Hải đưa tay buộc lại dây thắt lưng cho ông Vũ Thịnh.
Chiếc máy bay đáp an toàn xuống sân bay, nằm phơi mình như con chim sắt khổng lồ loang loáng ánh bạc. Bố con ông Vũ Thịnh đi taxi về khách sạn nằm ngay bên bờ biển.
Lâu lắm rồi, thuở Vũ Hải còn nhỏ, có đi nghỉ mát
Đồ Sơn, Cửa Lò, cả gia đình ông cùng đi. Ngay cả khi bà không đi được, ông vẫn đưa con đi. Với ông, Vũ Hải vừa là người thừa kế ông làm tộc trưởng của dòng họ Vũ, vừa là người nối nghiệp ông bước tiếp trên con đường y học thênh thang rộng mở nhưng cũng đầy bí ẩn, chông gai. Ông hiểu, con mình sẽ làm được điều đó. Ông chỉ buồn, trên viên ngọc ông cố trau chuốt đã bám lên đó những vết nhơ của cuộc sống. Ông còn sống là còn phải mài giũa và tẩy sạch viên ngọc đó. Chuyến đi nghỉ mát này là một trong những dự định của ông. Ông định làm việc đó từ lâu nhưng không hiểu vì sao còn nấn ná. Mấy tuần trước, vừa khỏi bệnh nhưng ông không chịu nằm nhà, ngày nào cũng xuống bệnh viện một hai giờ. Thành ra nghỉ mà vẫn dây vào công việc. Công trình áp dụng phương pháp điều trị ung thư gan tiên phát đang ở giai đoạn cuối và ông đã đào tạo được một đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc thay mình. Ông đi, ở nhà guồng máy công việc vẫn chạy. Có điều con ông nói đúng “Bố cần thư giãn ít ngày rồi lấy sức về làm việc tiếp”. Hải xuất tiền bao ông trọn gói chuyến đi nghỉ Nha Trang một tuần. Ông nghĩ thế lại càng nên đi, có dịp bố con tâm sự với nhau.
Ông Vũ Thịnh lim dim đôi mắt, ngả lưng trên chiếc ghế dựa trong phòng ngủ khách sạn. Hình như ông mệt do thay đổi áp lực đột ngột khi xuống sân bay. Vũ Hải ở trong nhà tắm, tiếng nước xối rào rào như tiếng mưa. Ông Vũ Thịnh thiêm thiếp vào giấc ngủ bất chợt. Một giấc mơ ập đến: Thu Hồng đang đi dạo cùng ông trên bờ cát mịn.
Không, đấy chẳng phải là giấc mơ. Từ ngày Vũ Hải mở phòng mạch tư và mê mẩn cô cháu gái của bà Hoàng Cúc, Thu Hồng và ông Vũ Thịnh đều buồn. Hơn ai hết, ông thuộc tính cách của con mình: thông minh nhưng nông nổi. Chính vì những yếu điểm đó, Vũ Hải rất dễ bị lôi cuốn. Người ta đã lôi con mình đi, ông sẽ lôi con mình về, neo lại trước nhà ông với một bến mà ông đã định sẵn. Với những ước mong như vậy, ông hồ hởi cùng đi với Vũ Hải trong kỳ nghỉ này. Trước khi đi, ông có bảo cho Thu Hồng biết, và hứa khi vào trong này, ông sẽ điện cho cô và nếu có thể, cô cũng sắp xếp vào theo. Ông tuyệt nhiên không nói với Vũ Hải ý định ấy. Khi ông kéo con mình ra khỏi cảnh ràng buộc của phòng mạch tư, ông và Thu Hồng dễ nói chuyện hơn với Hải.
Ông bừng tỉnh khi nhân viên khách sạn mở cửa đưa phích nước sôi vào phòng. Giấc mơ đã kéo ông về nơi thực tại, ông sẽ gọi cho Thu Hồng hôm nay.
Vũ Hải đứng trước tấm gưng chải đầu, sửa lại cổ áo bước ra giục bố:
- Trưa nay, bố con mình ăn trưa trong quán ăn ngoài khách sạn, ngay trên bờ biển. Thằng bạn con đi về giới thiệu, nó bảo hết ý, bố ạ. Toàn là đồ biển.
- Ăn đơn giản thôi, con ạ. Bố thấy thoải mái, nhẹ nhàng. Được cái khí hậu, cái gió biển. Ăn uống với bố lại không thành vấn đề.
Bố thấy không. Khách sạn đầy dân Sài Gòn, dân Tây. Có ai suốt đời cứ chúi mũi làm việc như bố đâu. Phải nghỉ ngơi. Bố già rồi, bố không việc gì cứ lăn xả vào công việc.
Giọng ông Vũ Thịnh vẫn đều đều:
- Bố cũng đã thấm mệt. Làm việc chính là nghỉ ngơi, chính là cách kéo dài tuổi thọ. Chứ bây giờ về nhà, con tính bố làm gì?
- Bố viết sách.
- Bố đã làm việc đó. Nhưng trong đà tiến bộ của y học, bố thấy cần phải làm việc từ khi còn trẻ. Mà thời tuổi trẻ của bố, mất hai năm trong kháng chiến với Pháp. Hòa bình rồi, điều kiện cơ sở vật chất lại thiếu thốn, mình không làm được những nghiên cứu có tính cơ bản, toàn là ứng dụng cái của thiên hạ. Từ bài học của bố, bố muốn con sẽ bắt đầu viết sách từ bây giờ.
Vũ Hải cười:
- Con không phản đối bố. Nhưng bây giờ, con đang phải lo kiếm tiền. Bố tính, một ca đại phẫu thuật đứng rũ cả chân chưa được chầu bia, bằng một anh vé số bán trăm vé một ngày. Thôi bố con mình đi ăn cơm rồi bố còn nghỉ, chứ nghĩ đến chuyện công việc, chuyện đãi ngộ nhiều khi nẫu cả ruột.
Nhà hàng sát ngay bờ biển. Buổi trưa nắng ngời xanh trên mặt biển xanh biếc. Trời xanh nối biển xanh, kết lại một khối như ngọc bích, bao la đến tận chân trời. Trên bờ cát phẳng lì, đã ít người xuống tắm, những chiếc dù đủ màu che những chiếc ghế phô ti, vài ba người nước ngoài nằm úp mặt, phơi chiếc lưng trần tắm nắng.
Vũ Hải ngồi đối diện với bố, uống ngon lành từng ngụm bia vàng óng, mát lạnh. Nhìn bố với khuôn mặt già nua, tóc bạc trắng, những nếp nhăn phía dưới mắt xòe ra như nan quạt, Vũ Hải ái ngại nói:
- Bố ạ, bố sụt đi nhiều quá. Mẹ con mất thế mà đã ba năm...
Ông Vũ Thịnh không nói gì, đăm chiêu nhìn ra biển rộng. Đọc được những suy nghĩ của con mình, ông biết mọi việc chưa quá muộn. Chợt nghĩ đến lời hẹn với Thu Hồng, ông đứng dậy:
- Con chờ bố một lát, bố có anh bạn ở đây, bố cần báo tin cho anh ấy.
- Thì bố cứ ăn uống cho đàng hoàng đã. Vội gì, bố còn ở đây một tuần nữa cơ mà.
- Bố gọi có chút việc.
Mười phút sau ông Thịnh buông máy điện thoại tươi cười bước ra khỏi phòng tiếp tân đi về phía nhà hàng. Vũ Hải uống nhiều bia, mặt đỏ bừng xin phép ông Vũ Thịnh về trước.
Ông ngồi lại một mình, nhẩm tính sớm ngày kia Thu Hồng đã có mặt ở đây rồi.
***
Vũ Hải đã có mặt ở sân bay từ sớm. Trong phòng đợi, người đón, người đi đang quây quần bên những chiếc bàn nhỏ uống cà phê hay nước ngọt. Ngoài kia, đường băng chạy từ sát mép biển, kéo một thường thẳng hun hút vào xa xanh của núi. Thỉnh thoảng một tốp máy bay quân sự lại cất cánh hay hạ cánh, tiếng động cơ gầm rít trên bầu trời. Âm thanh lúc gần lúc xa như sấm dội.
Máy bay từ Hà Nội vào đúng giờ. Vũ Hải dán mắt qua cửa kính, hồi hộp nhìn nhân viên hàng không đẩy chiếc thang áp sát máy bay. Cửa mở, một người nước ngoài cao lớn bước ra rồi một vài người đàn ông nữa bước tiếp. Khoảng cách từ phòng đợi đến máy bay cũng không xa lắm, người ta có thể nhìn khá rõ những người từ máy bay bước xuống. Khi bóng một người con gái đầu trần, vai khoác ba lô du lịch nhỏ bước ra, kính che mắt màu đen, tóc xõa ngang vai, Vũ Hải bỡ ngỡ. Cô thận trọng bước nhẹ nhàng xuống cầu thang, tay xốc lại chiếc ba lô sau lưng, nhằm hướng nhà ga bước tới. Từ ngoài sân bay, ánh nắng chói chang không thể nhìn rõ những người đứng sau cửa kính phòng đợi. Còn những người ở bên trong nhìn rất rõ những người đang bước trên sân. Bóng người con gái rõ dần, rõ dần và Vũ Hải chợt nhận ra đó là Thu Hồng.
Hải bối rối, một cảm giác lành lạnh dọc sống lưng, tim anh đập mạnh, trán vã mồ hôi. Không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến vậy.
Mãi sau, Bích Hạnh mới xuất hiện trước cửa máy bay, vai cũng khoác một ba lô nhỏ. Vũ Hải tránh gặp Thu Hồng, bước vội ra sân, đi vòng phía ngoài phòng đợi theo một cổng khác gần với cửa ga, chờ Bích Hạnh. Vừa thấy Vũ Hải, Bích Hạnh đã xịu mặt. Khi Vũ Hải bước ra hành lang đỡ hành lý trên vai cho cô, cô buông một câu thay lời chào hỏi:
- Anh đểu với em. Anh chơi khăm em!
Vũ Hải ng ngác:
- Sao? Em nói gì? Chả là kế hoạch chúng mình bàn vẫn khớp đó sao.
- Khớp...! Bích Hạnh đáp lại. Tại sao anh hẹn tôi rồi lại hẹn cái con nhà thơ ỡm ờ kia nữa. Ra sân bay Nội Bài, nhìn thấy nó tôi đã lộn cả ruột. Tính trả vé không đi nữa. Nhưng lại nghĩ, biết đâu nó đi Sài Gòn hay đi Huế. Lên máy bay lại thấy nó... lù lù ra đó. Lộn cả ruột!
Vũ Hải cố lấy lại bình tĩnh, thanh minh:
- Thật tình, việc Thu Hồng vào đây anh hoàn toàn không biết. Có Thu Hồng ở đây cũng chẳng sao cả. Anh chỉ biết có em.
Bích Hạnh bĩu môi:
- Xin lỗi anh. Anh không là đàn bà, con gái anh không hiểu gì cả. Em xin báo với anh, em chấp nhận cuộc chơi. Bây giờ đi lấy hành lý đã, chuyện ấy tính sao.
Vũ Hải bước sóng đôi với Bích Hạnh đến phòng trả hành lý, lẫn giữa những người nước ngoài da trắng, cao lớn, Thu Hồng hai tay khoanh ngực, chờ nhận hành lý của mình trên chiếc băng chuyền chất đầy va li, túi du lịch chạy từ phía trong ra. Chợt Thu Hồng nhìn thấy Vũ Hải. Cô tươi cười bước lại:
- Em chào anh Hải. Chào bạn. Sao anh cũng có mặt ở đây? Anh vào nghỉ à?
Vũ Hải gượng cười:
- Tôi vào được hai ngày rồi. Vào với ông cụ.
Thu Hồng tươi tỉnh, nói chuyện rất tự nhiên làm Bích Hạnh phải cúi gầm mặt xuống, mắt ngầu lên giận dữ. Cô cố nén tức giận để nghe tiếp cuộc đối thoại của Vũ Hải với tình địch của mình.
- Anh vào nghỉ có lâu không? Cho em biết kế hoạch. Em muốn rủ bố anh và hai bạn đi đảo. Đẹp lắm. Năm ngoái em cũng ra đó một lần, ra tận Hòn Mun. Cơ man nào là chim yến!
Vũ Hải ỡm ờ:
- Ờ, ờ, để mình xem đã. Có lẽ cũng hơi bận.
Vũ Hải chất hành lý vào cốp sau xe taxi rồi lên xe cùng Bích Hạnh. Thu Hồng đi xe hàng không. Cô đứng ngay chỗ ghế trước bậc lên xuống. Xe lướt qua những rặng phi lao xanh dừng lại trứoc một khách sạn trước biển. Ở đó, Thu Hồng nhìn thấy giáo sư Vũ Thịnh đang đứng trước cổng.
Chiếc taxi đỗ xịch trong sân trước cổng khách sạn. Tình cờ, khi đăng ký tại phòng tiếp tân, ông Vũ Thịnh và Thu Hồng nhìn nhau tủm tỉm cười sau lưng Vũ Hải và Bích Hạnh. Khi hai người quay ra, Vũ Hải thấy bố mình đang ngồi nói chuyện với Thu Hồng trên ghế salon, bên cạnh có một bể cá với những con cá biển sặc sỡ màu sắc xanh đỏ trong một bể nước có người nhái đưa tay lên xuống đang đỡ những thỏi vàng.
Qua thái độ cười nói của Thu Hồng với bố mình, Vũ Hải hiểu ra tất cả. Kế hoạch đưa bố đi nghỉ, sau đó một hai ngày bạn gái vào thăm của Vũ Hải đã chạm trán với kế hoạch báo cho nữ thi sĩ cũng vào Nha Trang nghỉ của ông Vũ Thịnh. Phận làm con, Vũ Hải không thể trách bố, anh đưa Bích Hạnh đến chào ông.
- Con thưa với bố, đây là Bích Hạnh, bạn con. Bích Hạnh mặt buồn rười rượi, cố nhếch mép cười.
- Dạ, cháu chào bác.
Thu Hồng cười nụ:
- Em chúc anh Vũ Hải và bạn anh vui vẻ.
Cử chỉ của Thu Hồng vẫn ngọt ngào, tự chủ, khác hẳn với vẻ mặt u tối của Bích Hạnh. Xem ra, Thu Hồng không quan tâm gì đến sự có mặt của Bích Hạnh. Điều ấy càng làm cho Bích Hạnh thêm khó chịu.
- Thưa bố, trưa nay con xin phép đưa bạn con xuống phố. Bố ăn cơm một mình nhé.
- Anh cứ đi đi, mặc bố.
- Thế trưa nay anh không cho em ăn cơm với à?
Thu Hồng cười, đánh mắt sang phía Vũ Hải. Vũ Hải không nói gì, lẳng lặng xách hành lý theo người nhân viên khách sạn trong bộ đồng phục màu trắng bước lên cầu thang.
Còn lại Thu Hồng và ông Vũ Thịnh trong phòng tiếp tân của khách sạn. Ông tươi cười:
- Bác đã thu xếp cho cháu một phòng trong khách sạn này rồi.
- Thôi, bác ạ. Như thế không tiện. - Thu Hồng đáp. - Cháu có nhà mấy đứa bạn ở đây. Với lại, cháu ở đây anh Hải nghi ngờ bác cháu mình sắp xếp với nhau từ trước.
- Không sao cả. Ở đâu tùy cháu. Chuyện bác cháu mình định trao đổi với thằng Hải có khi đổ bể. Bác đâu ngờ nó “co” cả bạn nó vào.
- Theo cháu thì bác vẫn có nhiều thì giờ trò chuyện với anh Hải. Anh ấy thích tình cảm lại tự trọng. Chỉ cần bác cháu mình gõ đúng chỗ yếu trong anh, anh ấy sẽ nhận ra.
Ông Vũ Thịnh thấy Thu Hồng rất bình tĩnh khi nói chuyện với mình, tỏ ý ngạc nhiên:
- Bác hỏi thật, cháu có bực với nó hay có giận khi nó có bạn gái khác?
- Cháu chỉ buồn chứ không bực. Cháu yêu anh Hải nhưng không lụy vào tình cảm. Hải đi với người khác, đó là quyền của anh ấy, cháu cản cũng không được.
Khuôn mặt Thu Hồng chợt buồn, cô đứng dậy xin phép ông Vũ Thịnh gọi điện thoại cho người bạn gái đến đón mình.
Trăng biển như một chiếc đèn lồng khổng lồ treo cao, soi những ánh vàng mềm dịu xuống mặt nước màu xanh. Sóng xô mãi những ánh bạc vào bờ. Vào những đêm trăng, biển ít thuyền đánh cá ngoài khơi, đêm biển chỉ có trăng suông và cát trắng. Quanh nhà hàng, trên cây dừa, cây phi lao, những chấm điện li ti như chiếc cúc áo dọc theo thân cây, từ xa cứ ngỡ cây được đúc bằng ánh sáng, nhấp nháy như triệu con mắt của đêm.
Ông Vũ Thịnh dán mắt vào bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ấy. Thu Hồng muốn nói câu gì nhưng lại thôi. Cuối cùng, cô mời ông đi xuống bờ cát.
- Bác cháu mình tản bộ trên mép biển một chút đi bác. Cảnh ở đây cháu thấy tuyệt vời.
Thu Hồng bỏ giày, lội hẳn xuống nước, vốc nước lên tay. Nước biển ngời lân tinh, lóng lánh trên tay cô, sóng sánh như thủy ngân theo mỗi bước chân cô lội. Ông Vũ Thịnh đi trên bờ nói vọng xuống:
- Trông cháu như ở dưới thủy cung lên.
Thu Hồng bước lên bờ, cầm đôi giày trên tay cười nói với ông Vũ Thịnh:
- Cháu mà làm được con gái thủy tề, chắc cháu cũng xin sẵn lòng. Biết đâu ở dưới đó dễ lấy chồng hơn trên dương thế.
- Bác nghĩ ở đâu cũng vậy, đâu cháu cũng có thể gặp ý trung nhân.
- Thôi, ở trên mặt đất này, cháu chả chồng con gì nữa.
Hai người sóng bước trên bờ biển. Trăng đã lên cao. Với ông Vũ Thịnh, Thu Hồng vẫn là mẫu người lý tưởng cho con trai ông. Cô có học, có tâm hồn và với một người làm thơ, viết văn, cô không thể làm nổi điều độc ác, gian xảo nào. Muốn viết văn, trước hết người đó phải đủ tư cách của con người. Ông tiếc cho con trai ông đã làm tuột vật báu ra khỏi tay mình. Giọng ông đầy luyến tiếc:
- Cái hôm thằng Hải nó tát cháu, hai đứa gần như đã cắt đứt quan hệ, phải không cháu?
- Cũng gần như vậy. Mặt mũi nào mà nhìn nhau. Bác không nghe người ta nói, không được đánh phụ nữ dù đánh bằng một cánh hoa hồng? Cháu không trách anh Hải. Chỉ trách những người lợi dụng anh ấy.
Cô ngừng một lúc rồi tiếp:
- Lần này nếu bác có nói gì với anh ấy, cháu xin bác hãy coi như cháu không có ở đây. Bác chỉ nói về cái phòng mạch tư của anh ấy. Nếu anh ấy toàn tâm vào đó thì không nói làm gì. Đằng này, anh ấy gần như khoán trắng cho bà Hoàng Cúc. Bà Hoàng Cúc điều khiển anh Hải thông qua cô cháu gái. Mà anh Hải cứ mê tít thò lò.
Ông Vũ Thịnh vẫn bước đều chân, lắng nghe Thu Hồng nói.
Phía trên bờ cát, trong ánh trăng mờ nhạt, nhiều đôi trai gái đang ngồi nói chuyện hay nằm sóng soài bên nhau. Đêm, họ không nhận ra nhau. Ông Vũ Thịnh và Thu Hồng càng không ngờ, trong số những người đang ngước mắt nhìn ông đi trên bờ biển, có con trai ông và cô bạn gái Bích Hạnh. Vũ Hải nằm gối đầu lên lòng Bích Hạnh. Cô chống tay, nửa nằm nửa ngồi, nhìn thấy ông Vũ Thịnh và Thu Hồng, cô vỗ nhẹ vào vai Vũ Hải:
- Kìa, bố anh kìa. Đang đi với đệ nhất phu nhân của anh đấy.
Vũ Hải ngồi dậy. Đúng là bố anh và Thu Hồng. Giọng anh tỉnh bơ:
- Mặc. Việc ai nấy làm.
Bích Hạnh véo vào tai Vũ Hải:
- Em nói thật với anh, em không muốn nhìn mặt cái con đĩ ấy. Không có bố anh, em đã tế cho một mẻ sáng nay rồi. Nhâng nháo cái mặt. Ghét!
Vũ Hải ôm Bích Hạnh vào lòng, hôn tới tấp lên cặp môi nóng hổi của cô. Chợt Vũ Hải dừng lại, nói với Bích Hạnh:
- Tối nay anh sang ngủ với em.
- Bậy. Đêm anh cứ ngủ với bố. Ngày mai sang với em cũng được. Đừng có công khai quá mà bố coi em không ra gì.
Hai người quấn chặt vào nhau, quần nát cả bờ cát mịn.
Đêm ấy, ông Vũ Thịnh nói chuyện với con trai mình rất lâu về bức tượng ông thủy tổ y học trong nhà mình, ông Hippocrate. Lúc thiu thiu ngủ, ông còn nhắc về lời thề trước lúc ra trường của người thầy thuốc: “Không được coi nghề y là nghề kiếm sống thông thường”. Vũ Hải nằm trăn trở, mãi sau mới chợp mắt trong tiếng ru êm đềm của sóng biển.