Trời trở lạnh. Gió mùa từng đợt tràn về làm những chiếc lá vàng rụng xuống đầy đường. Mưa lất phất bay. Nước đọng thành vũng. Con đường trải nhựa tráng một lớp bùn non loãng quạch, loét nhoét dưới chân người đi bộ. Trong các bệnh phòng, lò sưởi điện đỏ hồng đặt phía dưới đầu giường. Các cửa sổ đóng kín, từ trong nhìn ra chỉ thấy những cành cây khẳng khiu, trụi lá, đung đưa như những cánh tay gầy guộc múa vờn trước gió. Mưa không nặng hạt nhưng nước vẫn nhỏ tí tách ngoài hiên làm cho không khí ấm cúng trong phòng trở nên loãng đi, lạnh lẽo với cái rét đang xô vào cửa sổ.
Giáo sư Vũ Thịnh bước ra khỏi phòng giao ban đi về phía bệnh phòng. Sau lưng ông là Thảo. Mới mấy ngày ăn ngủ thất thường, đôi mắt cô trũng sâu, da xanh và xạm lại. Cô bận chiếc quần đen đã cũ, một ống xắn lên, ống còn lại lỗ chỗ vết bùn. Chiếc áo lông dài gần đến đầu gối, cách ăn mặc ấy làm cho khuôn mặt cô già đi, choắt lại, lụ khụ như bà cụ non.
- Thưa bác, nhà cháu hôm qua ngồi dậy được, đi dạo qua phòng bên và đánh tam cúc được rồi ạ.
Ông Thịnh không nói gì, nở một nụ cười kín đáo. Trên khuôn mặt ông, những gian truân và khổ đau đã làm cho những vết nhăn sâu thêm, chằng chịt mỗi khi ông biểu lộ cm xúc. Tóc ông bạc trắng, những sợi xanh còn lại quá ít ỏi, không giấu được tuổi già mỗi ngày mỗi sán lại gần ông.
Ông theo Thảo vào phòng bệnh. Những người nằm trên giường, dù bệnh nặng vẫn cố biểu hiện sự chào đón bằng những nụ cười yếu ớt hay một động tác xê dịch tấm thân còm cõi, cố gắng ngồi dậy, hướng đôi mắt mệt mỏi về phía ông. Đầu giường Bút, chồng Thảo, trên tủ bupphê, một hộp sữa ăn dở bỏ trên một chiếc đĩa nhỏ có một ít nước để tránh kiến. Phích nước và mấy chiếc cốc bên cạnh một chiếc cặp lồng nhôm đã cũ.
Toán sinh viên thực tập đã đứng quanh giường bệnh. Những chiếc áo blouse trắng, những chiếc mũ trắng dưới mái tóc xanh, khuôn mặt non tơ bên cạnh giáo sư Vũ Thịnh tạo nên một hình ảnh tương phn giữa hai thế hệ. Giáo sư Vũ Thịnh cất tiếng hỏi, trong khi tay ông vẫn cầm tay người bệnh bắt mạch:
- Ngủ được chứ, cháu? Đêm qua có mơ thấy gì không?
- Thưa giáo sư, khá lắm rồi ạ. Người bệnh cười.
Giáo sư Thịnh hướng mắt về phía sinh viên:
- Bệnh nhân này ai phụ trách nhỉ?
- Thưa thầy, em ạ.
Một cô sinh viên trẻ, hơi lùn, khuôn mặt bụ bẫm, dáng vẻ rụt rè đang ôm một tập bệnh án trên tay. Cô giở bệnh án, khe khẽ đọc:
- Bệnh nhân tên là Triệu Văn Bút, bốn nhăm tuổi, làm ruộng. Vào viện ngày... với dấu hiệu đau tức vùng gan, chán ăn, kém ngủ. Điều trị ở bệnh viện tỉnh một tháng không đỡ, các triệu chứng ngày một tăng lên, ăn không tiêu, đặc biệt đau tức vùng hạ sườn phải...
Cô đọc một hơi không nghỉ, trán lấm tấm mồ hôi. Giáo sư Thịnh bảo cô ngừng lại:
- Tóm tắt thôi. Cận lâm sàng có những gì rồi. Siêu âm, xét nghiệm?
- Thưa thầy, siêu âm có một khối u nằm ở thùy giữa, đường kính khoảng 3 cm. Giải phẫu bệnh cho thấy có hình ảnh của những tế bào nhân quái. Nội soi, nhu mô gan phía ngoài không bình thường ạ. Chẩn đoán xác định: ung thư gan tiên phát.
- Cô tóm tắt quá trình điều trị.
- Bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp bơm alcol ethylic vào khối u, kèm theo các loại thuốc nâng đỡ gan.
Giáo sư Vũ Thịnh bỏ kính đeo mắt, cầm tay, bắt đầu giảng:
- Ngoài những nguyên nhân gây ung thư gan tiên phát mà sách vở đã viết, các anh chị đã học, một nguyên nhân nữa mà gần đây được các tác giả hết sức lưu ý, đó là ung thư gan do hậu quả của chất độc da cam mà Mỹ đã thả ở Việt Nam. Thế chị cho tôi biết, bệnh nhân có ở vùng Mỹ thả chất độc không?
- Thưa thầy, bệnh nhân ở Nam Hà chuyển lên.
Thảo đứng phía sau, rẽ hai tà áo trắng hai bên, bước vào gần chồng, trả lời hộ:
- Nhà cháu đi bộ đội năm mười tám tuổi. Hai năm giữ kho ở rừng Trường Sơn giáp Campuchia ạ.
Giáo sư Vũ Thịnh lại đeo kính vào, gật đầu làm rung những sợi tóc bạc trắng trên trán:
- Đấy, có cơ sở rồi nhé. Tất nhiên, để kết luận trường hợp này có phải do dioxin gây nên hay không, chúng ta phải nghiên cứu thêm. Những bệnh nhân lớn tuổi đến đây thường có một tiền sử đã ở Trường Sn.
Ngừng lại một lát, ông cúi xuống nhẹ nhàng đặt bàn tay lên vùng gan của người bệnh, ấn nhẹ theo bờ sườn. Một tay ông gõ lên ngón giữa của bàn tay đang đặt trước vùng gan, tạo thành những âm thanh đùng đục, khô khốc. Ông kéo vạt áo che bụng người bệnh, chậm rãi nói:
- Chúng ta đang áp dụng điều trị ung thư gan tiên phát theo phương pháp của một tác giả Nhật Bản, phương pháp của giáo sư Kyoichi Haramatsu, bơm nước sôi hay cồn elthylic tuyệt đối trực tiếp vào khối u. Tôi lưu ý các anh chị, phương pháp chỉ được tiến hành với sự hỗ trợ của siêu âm và với chỉ định khối u từ 3 đến 5cm. Trên 5cm phải cắt bỏ. Dĩ nhiên, khối u quá to thì không có chỉ định gì nữa ngoài cắt bỏ.
Một sinh viên nam đứng sau lưng giáo sư lớn tiếng hỏi:
- Thưa thầy, nếu không có siêu âm có làm được không ạ?
- Đó là vấn đề. Giáo sư Thịnh trả lời. Vấn đề là tay nghề và thiết bị. ở bệnh viện tỉnh, có siêu âm rồi, nếu không giải phóng kỹ thuật từ trung ương về cho tỉnh thì kỹ thuật hiện đại vẫn cứ xa lạ. Đấy anh xem, ba mươi năm về trước, mổ tim chỉ làm được ở Việt Đức. Nay thì nhiều tỉnh cũng làm được. Vấn đề mấu chốt là giải phóng kỹ thuật.
Giáo sư Thịnh tiếp tục ging giải trong khi trên sổ tay thực tập của sinh viên, những dòng chữ li ti như kiến đen, bò kín trang giấy. Ông Thịnh kết thúc giờ giảng lâm sàng bằng cái vuốt rất nhẹ lên mái tóc sau lưng của Thảo:
- Không được bàn lùi đâu nhé. Phải yên tâm điều trị. Có khó khăn cứ bảo với bác.
- Vâng ạ. Thảo trả lời rất nhỏ.
Giáo sư Thịnh dừng lại bên hành lang, ngước mắt nhìn những bông hồng đang dầm mình trong mưa lạnh. Gần như đã thành thói quen, sau khi bước từ trong phòng bệnh ra, ông thích dừng lại ít phút trước hành lang để ngắm vườn hoa nhỏ trước mặt như ngắm một bức tranh thiên nhiên. Sự thay đổi của bức tranh ấy không nhiều lắm. Có chăng, mùa hè, hoa rực rỡ hơn, cành lá xum xuê hn, mùa thu có những chiếc lá vàng rơi đầy gốc, mùa đông hoa cỏ có phần tàn tạ như ngủ một giấc để hút nhựa nuôi mầm chờ đến mùa xuân. Bức tranh ấy đã thân thuộc với ông từ hơn bốn mươi năm nay, từ khi ông còn là sinh viên nội trú.
Hai cô sinh viên trẻ bước lại bên ông, nở nụ cười vừa đượm vẻ kính phục vừa có chút rụt rè. Một cô cất tiếng hỏi:
- Thưa thầy, cho phép em hỏi câu này ngoài nội dung bài giảng.
- Vâng, chị cứ hỏi.
Cô gái hơi ngượng, mặt đỏ bừng, đầu hơi cúi xuống. Bao giờ ông cũng gọi sinh viên là anh chị. Cách xưng hô ấy có gì hơi xa lạ với học sinh phổ thông mới vào đại học nhưng là một thói quen ông không bỏ được. Cách xưng hô tôn trọng người nói chuyện với mình nhưng tạo nên một khoảng cách, đôi khi trở thành khách sáo và nhạt nhẽo. Với giáo sư Thịnh, cách xưng hô đó chỉ là một thói quen và khi một ai đó đã từng sống, từng làm việc với ông mới thấy hết vẻ chân thành trong cách xưng hô ấy.
- Em xin hỏi thầy, vâng... - Vẫn giọng cô sinh viên trẻ, giọng cô rụt rè, cố gắng nói điều mình muốn nói. - Vì sao... thầy không mở... phòng mạch tư ạ?
Nói xong câu ấy, cô úp mặt núp sau lưng người bạn, hé ra một con mắt qua kẽ vai, chờ câu tr lời của giáo sư.
Giáo sư Thịnh chợt hiểu, cười độ lượng:
- Thế mới thành xã hội. - Ông ngừng lại rồi nói tiếp. - Có người thích làm tư có người không. Ngay cùng lứa tuổi với tôi cũng có mấy giáo sư mở phòng mạch tư hay đứng tên cho người khác mở. Điều đó không có gì sai cả. Nhưng...
Giọng ông ngập ngừng. Cô sinh viên nói chen ngay giữa câu ông đang định nói:
- Thưa thầy, em xin lỗi. Là vì hè vừa rồi em vào thành phố Hồ Chí Minh, em được biết các thầy trong đó ai cũng mở cả, ai cũng giàu có, ai cũng đi xe hơi.
- Mỗi người có một nhu cầu. - Giọng ông tự nhiên trầm xuống, khuôn mặt trở nên nghiêm nghị. Đôi mắt ông biểu lộ vẻ xúc động. - Tôi... Tôi không làm thế được. Các anh chị học lịch sử y học, hẳn còn nhớ Hippocrate chứ.
- Nhớ chứ ạ, cụ tổ của y học phưng Tây. Hai cô giành nhau trả lời.
- Thế hai chị có biết lời thề Hippocrate không?
- Thưa thầy, chỉ nghe loáng thoáng.
- Đấy, hơn bốn mưi năm về trước, khi khóa chúng tôi ra trường, dạo đó hòa bình chưa lập lại, còn các giáo sư người Pháp. Sinh viên trường thuốc ra trường mặc áo choàng thụng bằng nhung đỏ, đầu đội mũ màu đen có những tua vàng y hệt như bây giờ. Chúng tôi đã đọc lời thề trước tượng Hippocrate, trong đó có đoạn: Không coi ngành y là nghề kiếm sống thông thường, không coi ngành y là thưng mại.
Giọng ông xúc động và hơi lắng xuống. Ngừng một lát, ông lại tiếp:
- Chính vì phải giữ lời thề ấy, cũng là lời thề tôi tự hứa với mình mà tôi không mở phòng mạch. Nhà tôi có thể có bệnh nhân nhưng những người đó tôi khám từ thiện.
Hai cô sinh viên trẻ nhìn nhau như vừa khám phá ra một điều gì bí ẩn ở người thầy đáng kính. Ông cười đôn hậu:
- Thế hai chị ra trường có mở phòng mạch không?
- Thưa thầy, khó nói đấy ạ. Chúng em đi sau thầy gần nửa thế kỷ lại đang sống trong thời buổi kinh tế thị trường. Em nghĩ làm sao giữ được y đức. Và có làm thêm chút đỉnh cũng phải xuất phát từ lòng yêu thương người bệnh mà làm.
Cô bạn chen vào:
- Chứ không cắt cổ người bệnh chứ? Hả cô bác sĩ tương lai?
- Im nào, đồ quỷ. - Cô sẵng giọng hất tay bạn khỏi tay mình. - Thưa thầy, bệnh nhân người ta cũng tinh lắm. Họ không dại gì đưa tiền cho thầy thuốc mà tiền mất tật mang. Đã mất tiền, họ chọn thầy thuốc giỏi.
- Thưa thầy, thầy cứ mở đi, em làm thư ký cho. Em đảm bảo thầy mà mở thì khách chật nhà.
- Được, được, thế chị cho tôi hỏa táng tượng Hippocrate ở nhà tôi đi đã nhé.
Cả ba thầy trò cùng cười, bước đi giữa hành lang đầy người qua lại.