Cuộc kiểm thảo tử vong tiến hành vào chiều thứ bảy. Cả ngày hôm đó giáo sư Vũ Thịnh đi vắng, giao lại cho phó giáo sư Trịnh Kha chủ trì. Trưởng kíp trực, bác sĩ Thái Bá Nhuận đọc biên bản kiểm thảo.
Nét mặt Nhuận bì ra, xạm lại, khuôn mặt ủ rũ khác với vẻ chải chuốt, điệu bộ thường ngày. Nhuận tốt nghiệp đại học y khoa ở một trường miền núi, con một đồng chí trên Bộ, trước công tác ở tỉnh sau được chuyển về thành phố. Lớn lên trong một gia đình quyền quý, từ thời đi học, Nhuận ỷ lại có bố mình quen biết ông hiệu trưởng, các thầy ở trường cũng có ý nâng đỡ, Nhuận tốt nghiệp với điểm số khá cao. Thực chất lại không như phản ảnh của học bạ. Nhuận thích trưng diện, phô trương và chính bề ngoài hào hoa ấy đã làm cho nhiều người nhầm lẫn. Bố Nhuận chuyển công tác, Nhuận tốt nghiệp xong cũng về theo và xin được vào bệnh viện lớn. Việc Nhuận vào làm việc ở khoa cấp cứu hồi sức lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Người phản đối đầu tiên là giáo sư Vũ Thịnh. Trước lúc có quyết định nhận việc, ông trưởng phòng tổ chức bệnh viện đã đi trước mấy nước cờ ngoại giao: Đưa Nhuận đến thăm giáo sư Thịnh, phó giáo sư Kha, các bác sĩ chủ chốt trong khoa. Nhuận khéo ăn nói, mỗi lần đến thăm đều có chút quà nhỏ cho từng người nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của một số bác sĩ trong khoa. Riêng với giáo sư Vũ Thịnh thì không, ông trả lời thẳng thừng ông trưởng phòng tổ chức:
- Quan điểm của tôi khác. Vào hồi sức cấp cứu trước hết phải giỏi, tốt nhất là lấy sinh viên nội trú. Tôi cũng biết bố anh Nhuận, bố anh Nhuận điện thoại cho tôi trình bày trường hợp này. Tôi rất khó xử và trả lời cái đó bên giám đốc và tổ chức quyết định.
Ông trưởng phòng tổ chức nở nụ cười rất tưi:
- Thưa anh, về tiêu chuẩn học lực tôi xin đảm bảo. Đây, mời anh xem học bạ. Anh Nhuận liên tục sáu năm tiên tiến và giỏi ở trường.
Giáo sư Thịnh vẫn lắc đầu:
- Tôi không tin vào những tờ giấy. Bằng cấp thời buổi này nhốn nháo lắm. Thậm chí có tiền là có bằng. Tôi đang đề nghị mấy anh tổ chức trên Bộ nhận người phải tổ chức thi tuyển. Con ông trung ương hay con ông đạp xích lô tôi không cần biết, miễn là có năng lực làm việc.
- Ấy đấy, tôi cũng nghĩ như anh. Tôi trên đe dưới búa. Không trình bày với anh để anh thông cảm nhận trường hợp này thì đồng chí giám đốc sẽ ăn nói thế nào với bố anh Nhuận. Mà anh nhận anh Nhuận, tôi cũng thấy anh chưa thỏa mãn.
- Tôi biết rất rõ trình độ của bác sĩ ở miền núi. Tất nhiên tôi không chê các đồng nghiệp ở trên đó. Rất nhiều anh chủ chốt trên đó cũng đều qua lò của bệnh viện chúng ta. Điều kiện trường ốc, phòng thí nghiệm, thông tin đều kém xa dưới xuôi. Chất lượng yếu là điều có thể hiểu được.
Ông trưởng phòng tổ chức đã nắm được chỗ yếu của giáo sư Vũ Thịnh, hướng câu chuyện cuối cùng đi đến một sự khẳng định. Ông nói:
- Xin anh trường hợp này thôi. Kẹt quá, anh thông cảm.
Thế đấy, sự có mặt của bác sĩ Nhuận ở đây đã trải qua những khúc mắc, cần có sự lèo lái của ông trưởng phòng tổ chức. Một vài năm đầu, Nhuận chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi nên mọi việc suôn sẻ. Trong năm đầu, tối nào Nhuận cũng tới bệnh viện xem xét các bác sĩ đi trước xử trí những trường hợp khó. Từ khi được cấp giấy phép hành nghề, Nhuận lo cho phòng mạch riêng ở nhà thì mọi việc trở nên chểnh mvng. Đã thế Nhuận rất khéo dụ bệnh nhân về nhà mình để điều trị tư.
Đọc xong bản kiểm điểm tử vong của bệnh nhân Hồ Ngọc Đại, Nhuận thở phào nhẹ nhõm, chờ ý kiến phát biểu của các bác sĩ và kết luận của phó giáo sư Trịnh Kha. Buổi tối hôm trước và những ngày trước đó, Nhuận đã thăm viếng, xã giao với tí “quà vặt” cho các bác sĩ trong khoa. Vì thế các ý kiến phát biểu có chiều bảo vệ cho Nhuận. Một ý kiến phát biểu:
- Trường hợp này tử vong do urê huyết cao dẫn đến hôn mê. Lẽ ra phải cho chạy thận nhân tạo. Khoa ta chỉ có ba máy trong đó có một máy bị hỏng, hai máy khác đang bận. Bác sĩ Nhuận rơi vào trường hợp bất khả kháng.
Các ý kiến khác góp ý tương tự. Phó giáo sư Trịnh Kha đứng dậy định nói lời kết thúc thì từ hàng ghế sau, một cánh tay đưa lên xin nói. Đó là nữ bác sĩ Kim Ngân, sinh viên nội trú chuyên khoa nội được giữ lại giảng dạy bên trường đại học. Phó giáo sư Trịnh Kha khoát tay, mời cô đứng dậy.
- Thưa thầy, thưa các anh chị, em chỉ tham dự với tư cách quan sát vì em không phải biên chế của khoa. Nhưng em xin phép được hỏi, khi được biết chắc chắn là bệnh nhân vô niệu tại sao lại cho một lượng đường glucoza và huyết thanh mặn nhiều đến vậy?
Nhuận nguýt một tiếng rõ dài, dẩu môi, chế giễu:
- Thưa nữ bác sĩ Kim Ngân. Bệnh nhân suy kiệt, đằng nào cũng chết. Không ăn được, không đặt sông dạ dày được, vậy bác sĩ nỡ để bệnh nhân nằm chờ chết?
Cả phòng giao ban im lặng. Một bác sĩ tóc hoa râm, đeo kính từ nãy vẫn chăm chú đọc báo bỗng đưa tay phát biểu:
- Báo cáo anh Kha, ý kiến của bác sĩ Kim Ngân đáng để chúng ta suy nghĩ. Vô niệu do thận mất khả năng đào thải đồng nghĩa với tử vong. Cho vào một lượng dịch truyền quá nhiều khác nào một con sông bị chặn lại, nước ngập lên, làm cho các cơ quan bị ngập nước. Việc đó càng làm cho tình trạng tử vong nhanh hơn.
Phó giáo sư Kha trầm ngâm:
- Hoàn toàn như vậy. Trường hợp này tử vong là do ngộ độc nước của các cơ quan khi thận không bài tiết được nước tiểu.
Bác sĩ Nhuận vẫn chưa chấp nhận thiếu sót của mình:
- Thưa thầy, bệnh nhân này cầm chắc tử vong trong tay, cho nên không truyền đường, bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt.
- Điều đó đúng. - Phó giáo sư Kha khẳng định. - Nhưng đó là cái chết dần dà chứ không nhanh chóng như việc cùng một lần cho vào cơ thể bệnh nhân đến ba lít dung dịch.
Rồi ông hạ giọng:
- Có nhiều trường hợp chúng ta biết không thể cứu được. Nhưng chúng ta cũng không cho phép mình xử trí để bệnh nhân nhanh tử vong. Phương châm của chúng ta là còn nước còn tát!
Nhuận đứng phắt dậy:
- Nhưng không còn nước, chúng ta lấy gì mà tát, thưa thầy?
- Chúng ta lấy lương tâm mình ra mà tát, cứu chữa đến cùng những người bệnh mà ta biết chắc sẽ chết chính là chúng ta làm yên lòng những người bệnh khác.
Giọng phó giáo sư Kha run lên, lặp bặp. Ông nặng nề ngồi xuống, mắt đờ đẫn trong cơn xúc động. Nhuận cúi mặt không dám nhìn lên ghế chủ tọa của phó giáo sư Kha.
Khi mọi người đã về, Nhuận còn nấn ná với quyển sổ tử vong. Phó giáo sư Kha lúc ấy đã bình tâm, khuyên giải người đồng nghiệp trẻ của mình:
- Làm thầy thuốc cốt ở cái tâm. Cái tâm không còn hay là cái tâm bệnh hoạn thì nên ra làm nghề khác.
Nhuận ỡm ờ:
- Thưa thầy, có lẽ đúng vậy.
- Thế nên anh cũng phải xem lại mình. Thời gian đầu về đây anh chịu khó học hỏi, chăm chỉ, ai cũng mừng. Tôi với anh Thịnh yên tâm khi người ta không còn dị nghị với anh, một bác sĩ từ miền núi về. Gần đây anh lo quá nhiều với phòng mạch của mình. Tôi biết anh còn kéo cả bệnh nhân đến khám ngoài phòng khám về phòng mạch của mình.
- Dạ không. - Nhuận chối. - Dạ không có chuyện ấy đâu ạ.
Phó giáo sư Kha đeo kính, lấy trong cặp của mình ra chiếc cacvisit đưa cho Nhuận.
- Có phải của anh không, người bệnh này đã tốn khá nhiều tiền nơi phòng mạch của anh. Hôm qua họ đến bệnh viện nhờ tôi khám lại.
Nhuận tái mặt, cúi đầu xuống, tay cầm chiếc cacvisit run lẩy bẩy. Phó giáo sư Kha xuống giọng:
- Thôi anh về đi. Làm gì cũng phải nhớ đến ông cụ. Ba anh là người đáng trọng.
Ngoài hành lang, bệnh nhân đứng nhìn những con cóc chậm rãi phun nước lên chiếc bể nhỏ trong vườn hoa. Phó giáo sư Kha chậm rãi dắt xe đạp qua con đường lát sỏi đi về phía cổng bệnh viện. Nhuận ngồi trên xe Dream chầm chậm chạy theo sau.