Ông Vũ Thịnh nhìn ra khung trời bên ngoài cửa sổ. Trên vòm trời xanh cao lãng đãng mây trắng làm nền, những cành cây xanh tỏa ra trong khu vườn thoáng rộng. Nắng ngời lên trên mỗi mắt lá, phản chiếu thành những vệt trắng chói mắt, nhòa nhạt trên phiến lá. Mùa hè đã đến gần kề, màu xanh của cây đang ở thời sung mãn, ngăn ngắt xanh trong đôi mắt mệt mỏi của ông.
Bà Tú Vân nhấp một ngụm nước trong ly trà đã nguội do người cháu gái giúp việc cho ông Vũ Thịnh mang lên. Giọng bà buồn bã:
- Đấy tôi đã trao đổi với anh hết cả. Việc thằng Hải làm về lý là không sai. Song, hình như nó mất đi một điều gì đó rất thiêng liêng mà tôi và anh đã đeo đuổi. Tôi hỏi anh nếu chỉ khám bệnh, một ca năm mười ngàn rồi cho họ cái đơn cũng coi là tạm được. Người bệnh không có thì giờ đến bệnh viện. Họ chọn thầy thuốc giỏi, đó là quyền của họ. Đằng này bác sĩ lại bán thuốc. Có ông lại chẳng kê đơn, dặn mỗi lần uống ngần ấy viên đỏ, ngần ấy viên vàng, ngần ấy viên xanh. Có ông lại nghiền thuốc ra thành gói!
Ông Vũ Thịnh mệt mỏi:
- Thật không còn kỷ cương gì nữa.
Tú Trinh từ ngoài vườn đi vào, tay cầm mấy bông hồng nhung, cánh hoa mỏng mảnh, hồng tươi chưa nở hết. Cô cắm vào một chiếc ly nhỏ, vừa cười vừa nói:
- Bác ơi, hồng nhà bác đẹp quá. À mà bác và anh Hải không tặng cho ai cả nhỉ. Nhiều bông rũ trên cành.
- Trồng chơi, tặng cho ai hả cháu.
- Bác già rồi, chứ còn anh Hải. Gần ba mươi mà phòng không, chán lắm.
Tú Trinh cười khúc khích.
- Ôi dào. - Ông Vũ Thịnh mỉm cười. - Các anh các chị bây giờ cứ loạn cả lên, lấy nhau rồi ly dị, ly dị rồi về sống với nhau. Cứ y như đóng kịch. Bác cũng không quản nổi nó được, cháu ạ.
Bà Tú Vân nghiêm mặt:
- Tại anh chiều nó. Đấy, cứ như con Tú Trinh nhà tôi đấy. Tôi cứ đến lứa thì là gả bán. Không nói oong đơ gì cả.
- Bộ mẹ sợ con ế? Tú Trinh chống chế. Tại mẹ ép con, chứ cứ để cho con tự do, con đã tìm được tấm chồng hơn cả cái thằng đần độn bây giờ.
Bà Tú Vân bực dọc:
- Để cho mày tự do, mày rước kẻ cướp về nhà. Lo cho mày chỗ tử tế, mày chê ỏng chê eo. Mày cứ xem có thằng chồng nào hơn thằng chồng mày không?
- Khối, như anh Hải đây chẳng hạn. Vừa đẹp trai, vừa tài giỏi.
Vũ Hải dựng xe vào đầu nhà, bước vội lên tam cấp. Nhìn thấy bóng Tú Trinh và bà Tú Vân, Hải vồ vập:
- Cháu chào cô. Chào người đẹp. Mấy khi rồng đến nhà tôm.
- Cô nghe tin bố cháu bị cơn đau mạch vành tái phát, vội xuống thăm. Buồn cười thật. Chủ nhiệm khoa hồi sức cấp cứu, trùm tim mạch của bệnh viện lại bị cái anh tim mạch nó hành.
Bà quay sang ông Vũ Thịnh:
- Anh Thịnh này. Ngành mình lắm cái quái đản. Chị Hường cùng khóa với anh, có đẻ đái gì được đâu. Anh Trường chủ nhiệm khoa nhi thì cháu nội chết trong tay anh vì ỉa chảy mất nước. Anh Khám bên mắt thì bị mù mắt. Anh thì suy mạch vành!
Cả hai cùng cười. Vũ Hải đắc chí nói với bà Tú Vân:
- Đúng thế cô ạ. Dao sắc không gọt được chuôi. Như cháu đây chẳng hạn, đến giờ chẳng ma nào chịu lấy.
Tú Trinh lườm Vũ Hải với một câu nói kéo dài trên môi:
- Lấy anh để mà rước cái của HIV vào mình.
- Ấy, đừng nói thế. Anh hào hoa thế này chứ nghiêm lắm em ạ. Chỉ tội số anh cao!
- Nghiêm! Tú Trinh trề môi.
Bên ngoài lại có tiếng chuông. Bà Tú Vân nhìn đồng hồ lưỡng lự muốn đi. Bà đưa mắt nhìn con gái:
- Thôi, ta xin phép bác về đi con. Tôi còn phải tạt qua bệnh viện.
Bà đưa bàn tay nhỏ nhắn, múp míp bắt tay ông Vũ Thịnh, ông định ngồi dậy nhưng bà ngăn lại:
- Thôi, anh nghỉ đi. Cốt là phải tĩnh tâm. Còn chuyện kia - bà ghé sát tai ông - chuyện thằng Hải ấy mà, anh cứ phải từ từ.
Ông não nề:
- Tôi cũng vỡ đầu vì chuyện ấy.
Vũ Hải dắt xe ra cổng cho Tú Trinh trong khi bà Tú Vân đã đi trước ra cổng, Hải loay hoay với chiếc chìa khóa xe. Tú Trinh giằng lấy.
- Đút thế này này, nỡm ạ.
- Em này - Hải nói rất khẽ - lâu lắm tụi mình chưa thăm nhau. Anh nhớ em lắm.
- Đừng có ỡm ờ. Thằng chồng em đang ở nhà. Với lại cái con nhà thơ còn sờ sờ ra đó.
- Tụi anh chia tay rồi.
- Chia tay thì tìm đám khác. Đeo lấy em làm gì.
- Thế mà cũng hỏi. Thì em có sao anh mới mê em chứ.
- Tại em dễ dãi, nuông chiều anh.
- Thế anh không chiều em?
Bà Tú Vân chờ mãi không thấy con gái dắt xe ra, lên tiếng gắt:
- Trinh ơi, nhanh lên mẹ còn phải qua bệnh viện.
Mãi sau mới thấy Vũ Hải sóng đôi với Tú Trinh dắt xe ra cổng.
Phía bên ngoài cổng, vợ chồng Thảo với một đống hành lý lộn xộn trên nền đường đang đứng chờ. Thấy Vũ Hải, Thảo cất tiếng:
- Dạ, anh cho em hỏi. Đây có phải là nhà giáo sư Vũ Thịnh không ạ?
Vũ Hải hất hàm:
- Thế chị không nhìn thấy tấm bảng trên cột à?
- Dạ có, nhưng em hỏi lại cho chắc.
- Có chuyện gì vậy?
- Dạ, bác Thịnh là ân nhân của vợ chồng em. Bút nói xen vào.
- Bố tôi đang ốm, không tiếp khách được.
- Dạ em có biết. Sáng nay em đến bệnh viện nghe tin bác đau. Chúng em quay lại đây thăm bác.
Vũ Hải vẫn dửng dưng:
- Có gì anh chị nhắn lại, tôi sẽ nói với bố tôi cho. Bố tôi đang mệt.
- Dạ không - Thảo nằn nì - chúng em đến là để thăm bác.
Vũ Hải chần chừ rồi mở cổng. Hai vợ chồng Thảo với túi to, túi nhỏ trên tay. Ông Vũ Thịnh nhận ra tiếng người quen, gượng ngồi dậy.
Vừa nhìn thấy ông, Thảo chạy đến sà vào người, quên cả chào hỏi. Bút cầm một túi nilon trên tay, lễ phép:
- Dạ thưa bác, chúng cháu nghe bác mệt, có chút quà thăm bác.
- Bày vẽ làm gì cho tốn tiền. Thế nào, anh thấy trong người có dễ chịu hơn không? Có tức vùng gan nữa không?
- Ở quê ai cũng mừng cho cháu. Gặp đúng thầy, đúng thuốc. Chỗ gan vẫn còn tức nhưng nhẹ hơn trước. Với lại, hôm nay cháu lên điều trị đợt hai như hôm ra viện bác dặn cháu.
- Sao? Đến ngày khám lại rồi kia à?
- Dạ, sáu tháng rồi mà bác.
- Thế hả.
Ông Vũ Thịnh lắc đầu nghĩ ngợi. Mới đó đã sáu tháng. Thảo ngước mắt nhìn ông. Ông gầy đi, trông phờ phạc, tóc bạc trắng, khô cứng trên đầu. Cô ái ngại hỏi:
- Bác ơi, bác mệt lắm à. Cháu trông bác không được khỏe.
- Ừ, bác cũng cảm thấy thế. Bác cũng tính năm nay xin nghỉ. Tuổi hưu trí đã quá lâu rồi.
- Bác ăn cam đi. Cam Tiền Giang đấy, ngọt lắm.
Vừa nói Thảo vừa tìm dao gọt cam cho ông. Với vợ chồng Thảo, ông Vũ Thịnh dành cho hai người một cảm tình đặc biệt. Công trình nghiên cứu áp dụng điều trị ung thư gan của ông đã suôn sẻ. Bút là một trong những người được ông cứu sống. Ông là ân nhân của Bút, người đã sinh ra anh lần thứ hai. Tình cảm của ông dành cho vợ chồng Thảo là tình yêu thương thật sự của người thầy thuốc với người bệnh. Ông Vũ Thịnh có một điểm rất lạ trong tính cách, những bệnh nhân càng nghèo ông càng để tâm chăm sóc.
Ông đưa tay cầm miếng cam vàng, thơm phức, mọng nước từ tay Thảo, ăn ngon lành. Chợt nhớ ra điều gì làm ông nghĩ ngợi. Một lát sau ông mới nói được:
- Chiều nay cháu xuống bệnh viện làm thủ tục nhập viện rồi ngày mai bác sẽ điện cho bác Kha điều trị tiếp tục cho cháu. Trưa nay vợ chồng ở lại ăn cơm với bác.
- Dạ, bác cho chúng cháu tự nhiên. - Thảo đáp lời ông Vũ Thịnh, tươi cười vẻ hóm hỉnh.
- Giờ bác hỏi nhé. Lưng vốn lần này được bao nhiêu? Bác sẽ can thiệp để Bút được miễn phí. Nhưng còn Thảo chuyện ăn ở thế nào? ở lại hay về?
- Dạ cháu ở lại, ăn ở thì cũng như trước bác ạ. Chợt Thảo đỏ mặt lúng túng. Cháu sẽ làm ở nhà hàng bác ạ. Bà chủ dặn cháu, khi nào ra cứ đến, bà sẽ giúp.
- Thế là tạm ổn. Ông Vũ Thịnh gật đầu tư lự.
Ăn thêm một miếng cam nữa, ông vẫn băn khoăn một điều gì đó.
- Mai mà không có bác, cũng hơi trục trặc. Công trình này do bác chủ trì, bác Kha cũng biết. Kỹ thuật chọc kim vào khối u, kỹ thuật viên họ làm thạo hơn bác. Nhưng chọc vào đâu, sâu bao nhiêu là do bác chỉ định.
Thôi để mai bác xuống.
Thảo ngơ ngác:
- Nhưng bác đang còn mệt cơ mà?
- Làm việc nó khỏe lên cháu à.
Ông Vũ Thịnh giữ thế nào vợ chồng Thảo cũng không ở lại. Ông nhìn bóng hai người khuất dần ngoài ngõ, uể oải nằm xuống giường, đưa tay lên trán. Cô cháu gái mang lên một tô cháo còn bốc khói, thơm phức mùi hành, đặt lên chiếc bàn con, khẩn khoản:
- Con mời ông xơi cho nóng. Cháo tim gan đấy, ngon lắm cơ, ông ạ.
- Nhiều thế ông ăn sao hết!
- Ông cố mà ăn cho khỏe. Cảm thương chứ không ai thương đâu. Con nghe người ta nói thế, có phải không ông?
- Thế con không thương ông?
- Thương chứ. Nhưng con thì giúp được gì cho ông nào? Ông già rồi, yếu rồi, con cũng không san sẻ sức khỏe của mình cho ông được.
Ông Vũ Thịnh ngồi dậy, xẻ cháo từ chiếc tô to sang chén nhỏ, chậm rãi nuốt từng thìa. Ông vừa ăn vừa trầm trồ:
- Con bé này nói giỏi đấy. Sau này chồng con được nhờ.
Cô bé hơi lúng túng, mỉm cười:
- Cháu vụng lắm, có ma nó lấy.
Vũ Hải từ ngoài bước vào, đặt ghế ngồi cạnh bố, đưa tay đỡ chiếc chén con từ tay ông Vũ Thịnh, múc thêm cháo cho ông. Ông thảng thốt nói với con trai:
- Bố thấy khá lắm rồi.
Vũ Hải nhìn bố trầm ngâm lắc đầu:
- Con thấy bố còn xanh lắm.
- Không sao. Mai bố có thể xuống bệnh viện.
Vũ Hải giật mình:
- Bố không đùa đấy chứ? Bố đứng chưa vững, đi thế nào được.
Ông Vũ Thịnh cười:
- Làm gì mà đi không vững. Thế hóa ra bố sắp chết rồi à. Mai bố xuống bệnh viện có chút việc.
- Con biết rồi. - Vũ Hải đáp. - Bố xuống với anh bệnh nhân vừa nãy. Thư thư đã, vài ngày nữa có được không bố?
- Kể ra thì cũng được. Nhưng bố không muốn bắt người ta chờ. Dưới quê lên trên này điều trị, nằm ngày nào là tốn kém ngày ấy. Bố phải xuống con ạ.
Vũ Hải chau mày:
- Bố buồn cười thật. Đau ốm thì nghỉ. Ai bắt bố đi làm. Rủi bố ốm nặng thêm, ai chăm bố. Bố không đi đâu cả.
Ông Vũ Thịnh vẫn ôn tồn:
- Không được, con ạ. Bố đã hẹn với người ta rồi.
Vũ Hải bực bội, giọng gắt gỏng:
- Có nhỡ hẹn cũng không sao cả. Người ta cần bố chứ bố cần người ta à?
- Đúng, người ta cần bố, cần lúc họ đau ốm. Chứ họ khỏe mạnh, thì bố còn giúp họ được gì? Thôi, việc của bố, con đừng bàn.
- Con không cho bố đi!
Ông Vũ Thịnh bỏ chén cháo đã nguội trên tay, nghiêm giọng:
- Anh lấy quyền gì mà cấm tôi?
Vũ Hải đỏ mặt, đứng dậy, nhìn trừng trừng vào mắt bố:
- Con là thầy thuốc, con có trách nhiệm chăm sóc bố lúc bố đang bệnh.
- Nhưng người khác đang cần tôi. - Ông run lên. - Anh ích kỷ lắm. Anh chỉ biết nghĩ đến anh, đến gia đình anh!
Vũ Hải đi đi lại lại không yên trong phòng ngủ của bố, cố nén giận:
- Con chỉ khuyên bố. Vâng, con ích kỷ. Ngày mai bố cứ xuống bệnh viện mà làm việc...
Vũ Hải bước ra khỏi phòng, khép mạnh cửa. Ông Vũ Thịnh nhìn theo, mặt ông vẫn chưa hết bực bội.
Tô cháo đã nguội, ông bảo cô cháu bê xuống bếp.
Ông nằm xuống giường, mắt hướng về khung trời ngoài cửa sổ