Chuyện của một nhà thơ già
Phan Cao Toại
Tôi tin rằng, đến tuổi bảy mươi như nhà thơ Anh Phương bây giờ, chúng tôi chẳng thể khỏe được như ông. Sức khỏe của ông làm nhiều người thèm muốn. Da đỏ au, bắp thịt rắn chắc, đôi mắt vẫn tinh tường, có lần ông nói: Tớ chấp ba cậu đánh vật với mình tớ!. Giọng ông sang sảng, đầy vẻ tự hào. Và ông có quyền tự hào với sức khỏe của mình.
Buổisáng,ông dậy từ lúc mặt trời còn ngủ trong sương mỏng. Chạy bộ hai ba cây số dọc bờ biển, nhiều chàng trai 30 còn lẽo đẽo theo ông. Tắm táp xong, ông ăn lót dạ rất nhẹ rồi làm bát nước chè xanh. Ông không bao giờ đụng đến cà phê, thứ ấy theo ông tim phải làm việc quá mức. Bia rượu chẳng bao giờ ông dùng, ông cho là thứ làm trí nhớ giảm sút, gan bị nhiễm độc. Là nhà thơ với những bài thơ tình tuyệt tác nhưng ông lại không lòng thòng em út, dù vợ ông, một bà lão xấp xỉ tuổi ông, lưng đã gù, tóc bạc như cước, đi bên ông cứ như chị bên em. Có một lần trong bữa liên hoan, thấy ông không uống rượu, tiệc tan không thấy ông theo mọi người đi hát karaokê, cánh thanh niên đùa ông: Theo tôi, anh nên chết quách đi cho rảnh. Rượu không, trà không, đàn bà cũng không, anh sống làm gì...! Ông chỉ cười, trả lời bằng một câu thường trực cửa miệng: Sức khỏe là trên hết!
Thế mà sáng nay, nhân có cuộc gặp mặt thường kỳ tại nhà một anh bạn, tôi không nhận ra nhà thơ Anh Phương nữa. Trông ông hốc hác, tiều tụy, vẻ mặt bơ phờ, rất khác với một nhà thơ Anh Phương khỏe khoắn sung mãn tôi gặp không lâu trước đó. Buồn hơn là ông cho biết, ông đã mua vé tàu để vào Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Nói với chúng tôi, giọng ông buồn bã:
-Không ngờ trong tôi có cả một đống bệnh. Thế mà mình tưởng mình sức khỏe hơn người!
Ông trao cho tôi một mớ giấy tờ. Xét nghiệm, siêu âm, điện tim, điện não, đủ cả. Xem xong, tổng kết đống hồ sơ của ông, tôi biết hiện ông đang bị sáu loại bệnh: mạch máu nuôi tim bị nhiễm mỡ, cao huyết áp, viêm phế quản, tiền liệt tuyến bị xơ, tiểu đường, viêm khớp. Toàn là những thứ bệnhchếtngười!Ngườiyếubóngvíakhibiếtmìnhmang một thứ bệnh đã lo chết khiếp, huống hồ nhà thơ trữ tình của chúng tôi lại gánh một lần những sáu thứ bệnh! Khác nào sáu chiếc vòi bạch tuộc quấn vào ông, ông chưa biết đã là may, nói chi việc thân thể của ông ngày càng tàn tạ.
Tôi không thể trách đồng nghiệp của tôi đã bới bèo ra bọ. Mỗi người một chuyên khoa và khi đã đi sâu vào tầm vi mô của bệnh lý học, họ phát hiện bệnh tật từ khi còn trứng nước. Tôi lựa lời khuyên giải.
-Theo tôi, anh không nên đi bệnh viện. Khi người ta lớn tuổi, cơ thể phát sinh nhiều bệnh, đó cũng là lẽ thường tình. Vào trong đó, chẳng có ai chăm sóc. ở ngoài này còn chị, các cháu và nhất là bè bạn. Anh cứ tạm gác bệnh tật sang bên, tạm thời chung sống với nó, chỉ nên chữa các triệu chứng nặng và đe dọa đến sức khỏe.
Ông mắng tôi, đại để, làm sao tôi có thể giỏi bằng bác sỹ trong thành phố. Phải đi thôi. ở nhà là chết...!
Buổi gặp mặt trở thành một buổi chia tay đầy bịn rịn. Cứ như lời nhà thơ Anh Phương, ông gặp chúng tôi lần này là lần cuối cùng, để rồi ra đi mãi mãi. Như một kẻ tử tù nói lời vĩnh biệt. Nhìn những giọt nước mắt ứa ra trên gò má nhăn nheo của ông, chúng tôi cũng bùi ngùi. Mấy cốc bia tan hết đá, đĩa đồ nhắm nguội lạnh, chúng tôi như đang ngồi trong nhà mồ để đưa tiễn một người bạn sang thế giới bên kia.
Nhà thơ Anh Phương đi rồi, tôi mới hỏi một người bạn:
- Sao lại có chuyện khủng khiếp như vậy?Anh bạn tôi cười:-Nguyên do là tại một lần ông đưa bà đi bệnh viện. Khám cho bà vợ xong, nghe bác sỹ giải thích, tỷ lệ cao huyết áp hiện rất cao ở Việt Nam, nhất là ở những người cao tuổi. Nhà thơ Anh Phương hơi chột dạ. Ông chẳng mấy khi theo dõi huyết áp, nghe bác sỹ nói vậy, sẵn có huyết áp kế của phòng khám, ông nhờ đo. Người ta phát hiện ông cao huyết áp. Gửi đi siêu âm phát hiện thêm mỡ mạch máu nuôi tim, phát hiện thêm tiền liệt tuyến hơi to. Ði chụp điện quang người ta phát hiện viêm phế quản mạn tính. Ði xét nghiệm lại biết thêm ông bị cao đường huyết. Toàn là những nơi có tín nhiệm kết luận. Thế là ông bạn của chúng ta đâm hoảng, đâm ra nghĩ ngợi, lo lắng, cuối cùng kém ngủ kém ăn người gầy rộc đi và nằng nặc đòi vào Thành phố Hồ Chí Minh điều trị!
Tôi cũng cười, nụ cười không được tự nhiên. Tôi biết nhà thơ Anh Phương chỉ chuyên tâm đến văn chương chữ nghĩa, lĩnh vực khoa học là ông mờ tịt. Nên trước những kết luận của thầy thuốc, ông đâm hoảng là phải. Ông ngỡ mình mắc những nan y, không chữa chạy gấp thì chỉ có nước... xuống lỗ!
Bẵng đi một thời gian, một hôm mấy anh bạn hớt hải tìm tôi. Họ thông báo cho tôi cái tin khủng khiếp:
- Nhà thơ Anh Phương sắp chết rồi!
Tôi rụng rời, không tin những điều mình vừa nghe, hỏi lại lần nữa:
- ổng đi chữa bệnh trong thành phố kia mà? -Thì vậy. Nhưng mà không chữa được, cuối cùng gia đình phải xin về để chết ở quê. ổng vừa về tàu hỏa sáng nay.
Chúng tôi lục tục đến thăm nhà thơ Anh Phương. Trông ông thật tội nghiệp. Người còn một nhúm, da bọc xương, ứa nước mắt nhìn bạn bè. Tôi không biết nói gì để động viên vì ông đã được những danh y khám và chữa trị. Nhưng tôi trộm nghĩ, yếu tố tinh thần ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến bệnh. Nghĩ vậy nhưng dù có giải thích đến ngàn câu, nhà thơ Anh Phương cũng chẳng tin tôi, một anh thầy thuốc bỏ nghề vọc vạch viết lách.
Tôi lang thang ra bờ biển, nghĩ mông lung về kiếp phù du sớm nở tối tàn. Kiếp người trong trời đất cũng thật ngắn ngủi. Nhà thơ Anh Phương mới đây còn khỏe mạnh, yêu đời là thế bỗng chốc lại đứng trước cửa tử. Ðang bần thần nhìn những con sóng vỗ nhẹ vào bờ chợt có ai đặt tay lên vai tôi. Quay lại nhìn, tôi hơi ngờ ngợ trước một ông già đẹp lão, mái tóc bạc trắng xõa trên vai, kính viễn đeo mắt, tướng mạo béo tốt sang trọng đang cười nhìn tôi. Tôi đã gặp người này ở đâu rồi nhưng tên họ thì không thể nào nhớ nổi. Ông già cười khanh khách:
- Quên rồi hả? Giáo sư Tuẫn đây mà!
À, thì ra là giáo sư Tuẫn, người trông coi nhà xác của bệnh viện X ngoài Hà Nội. Thuở còn đi học, hàng tuần chúng tôi phải xuống nhà xác, ông Tuẫn là người giám đốc ở đấy. Tuy nghề nghiệp chẳng lấy gì cao sang nhưng ông đẹp mã, trán cao, miệng rộng, ra dáng trí thức nên sinh viên tụi tôi gọi đùa ông là giáo sưTuẫn. Ðược tấn phong là giáo sư, ông không giận mà lại hãnh diện. Hôm nay gặp, tình thật tôi không nhận ra vì ông thay đổi nhiều quá. Ông đẹp ra, hồng hào, cái dáng của ông còn hơn hẳn những ông trí thức thật sự về hưu.
Tôi kéo ông ra một quán bia bên bờ biển. Ông cho biết, ông đã nghỉ hưu từ lâu và lần này đi nghỉ mát trong này. Ngồi ngắm ông, tôi lại nhớ đến nhà thơ Anh Phương của chúng tôi. Hai người cùng độ tuổi nhau, thế mà giáo sư Tuẫn lại hồng hào khỏe mạnh, còn nhà thơ Anh Phương đang chờ duyệt danh sách về cõi Niết Bàn. Tôi hỏi giáo sư:
-Nom bác khỏe ra. Bí quyết nào giúp bác trẻ, khỏe lâu như vậy...? Ông Tuẫn cười:
-Có gì đâu. Phải vô tư. Hoàn toàn vô tư. Chứ cứ nghĩ ngợi, quả trứng gà phóng to bằng quả núi thì có uống thuốc trường sinh rồi cũng chết.
Tôi cho là phải, vừa uống bia vừa nghĩ ngợi, cố tìm cách kéo nhà thơ Anh Phương ra khỏi vòng suy nghĩ luẩn quẩn. Và rồi trong óc tôi vụt hiện ra một kế hoạch để giúp ông. Tôi ngồi sát bên giáo sư Tuẫn, thầm thì với ông. Nghe xong ông cười như nắc nẻ:
-Cậu là bác sỹ thật sự nói chẳng ai nghe nữa là tớ, cái anh trông coi nhà xác!
-Thếmàđượcđấy,bácạ.Ðểtôisoạnchobácmộtbàidiễn văn, bác cứ học thuộc rồi xổ ra là xong.
Giáo sư Tuẫn miễn cưỡng nhận lời. Mấy ngày sau, tôi thuê một chiếc xe rất sang đưa giáo sư đến nhà nhà thơ Anh Phương. Nhà thơ đang liệt giường, nghe bà vợ nói có tôi đưa một giáo sư y học danh tiếng ở Hà Nội tới thăm, ông mừng lắm. Khi vào trong phòng của nhà thơ, tôi giới thiệu rất trịnh trọng:
-Giới thiệu với anh, đây là giáo sư Tuẫn vừa từ Hà Nội vào. Giáo sư là thầy học cũ của tôi, vừa sang giảng bài bên trường đại học Sorbon về. Ông là viện sỹ thông tấn của viện hàm lâm y học hoàng gia Anh, giáo sư danh dự của trường đại học Harvard và nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Những giáo sư đã khám cho anh trong thành phố đều là học trò của giáo sư cả!
Nhà thơ Anh Phương nở nụ cười khó nhọc nhưng là nụ cười vui vẻ và tin tưởng, rằng trước lúc chết, trời phật còn cho mình gặp một giáo sư lừng lẫy tiếng tăm. Giáo sư Tuẫn không hỏi gì về bệnh tật, chỉ hỏi về gia cảnh, tuổi tác của nhà thơ:
- Năm nay anh bao nhiêu rồi?Nhà thơ Anh Phương đáp mệt mỏi:
-Dạ, gần bảy mươi.
-Thế còn kém tôi năm tuổi. Tôi bảy lăm - Giáo sư cười sảng khoái - Nếu biết giữ gìn, anh có thể sống thêm mười lăm năm nữa!
Nhà thơ Anh Phương chau mày, thoáng chút bối rối. Giáo sư Tuẫn nói tiếp:
-Khi về già, các tổ chức trong con người bị lão hóa, sinh ra lắm bệnh tật. Ví dụ bệnh cao huyết áp. Trước đây, người ta quy định, huyết áp tối đa bằng 100 cộng số tuổi. Nếu anh bảy mươi, huyết áp tối đa cho phép là 170. Ði khám, người ta đo cho mình, thấy tối đa là 150 đã kêu ầm lên: Ôi, ông bị cao huyết áp. Lo mà chữa đi!. Người bệnh đâm hoang mang, thần hồn nát thần tính. Kỳ thực, mạch máu con người ta sau bảy mươi năm đàn hồi, làm gì mà chẳng xơ chai, già lão! Lại chuyện u xơ tiền liệt tuyến. Phần lớn đàn ông có tuổi tuyến này đều to. Nhưng vấn đề có ảnh hưởng gì không, có đi đái nhiều lần trong đêm hay không. Anh có bị đái đêm không?
- Chưa, thưa giáo sư chưa ạ.
-Thế thì việc gì phải lo? Còn như viêm phế quản, nếu chụp phim cho trăm ông già, tôi tin cả trăm đều có rốn phổi đậm. Mấy chục năm hít thở, nhiều khi bụi bặm tích lại trong phổi, rốn phổi thế nào mà chả đậm. Căn cứ vào điện quang mà kết luận viêm phế quản là hơi vội vàng và thiếu khoa học!
Giáo sư Tuẫn còn nói nhiều, rất nhiều về bệnh tật có liên quan đến những bệnh nhà thơ đang mang trên mình. Cuối cùng, ông kết luận:
-Theo tôi, ta không nên lo lắng. Người già, các tổ chức lão hóa, khám xét có thể người ta phát hiện một số dấu hiệu của bệnh tật. Nhưng phải bình tĩnh và chỉ điều trị những bệnh cấp tính. Còn lại thì chữa triệu chứng. Tôi chúc anh chóng bình phục để nhìn con cháu chúng mình làm ăn thế nào ở thế kỷ hai mươi mốt!.
Nhà thơ mỉm cười và toan ngồi dậy. Những lời khuyên của vị giáo sư danh tiếng thật sự đã giải tỏa tâm lý lo lắng cho nhà thơ. Khi chia tay, nhà thơ hứa với ông bạn già:
-Có lẽ giáo sư nói đúng. Tôi vì quá lo lắng mà sinh ra bệnh nặng. Tôi sẽ nghe theo lời khuyên của giáo sư!
Thỉnh thoảng, tôi lại đến thăm nhà thơ Anh Phương. Anh đã ăn uống được, ngủ được, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Và một thời gian sau, người ta lại gặp ông sáng sáng chạy trên đường biển và rất nhiều tờ báo lại đăng thơ tình của ông.
Nha Trang 10 - 11 - 1998