Khi tiếng gõ cửa của Neil Parkinson vang lên, cô đang ngả lưng ra thành ghế, trước mặt cô bộ hồ sơ chưa mở vẫn nằm nguyên trên mặt bàn. Anh ngồi xuống ghế dành cho khách rồi lặng lẽ nhìn cô. Mặc cho anh ta nhìn, cô chỉ hé môi cười và chờ đợi. Nhưng cái ánh mắt mà cô mặc kệ ấy chưa bao giờ nhìn cô theo kiểu trìu mến thân thiện vô tư, khi thì cách biệt, khi thì hoà hợp với cô mỗi khi gặp gỡ, không phải cảm giác khiêu dâm mà như một cậu chàng phấn khích khi cửa khám phá sự huyền bí của món đô chơi yêu thích nhất. Anh không ngớt khám phá ra điều kỳ thú ở cô, và anh có được tinh thần thư thái sau mỗi tối tìm đến căn phòng này chỉ để được trò chuyện tán gẫu với cô. Không phải vì cô có nét đẹp nổi bật nào đó, cũng không gợi cảm đến mức át sắc đẹp. Cô có tuổi trẻ và có tư chất ở nước da đặc biệt đáng yêu, mịn màng đến nỗi những nếp nhăn tuổi tác chỉ lờ mờ, dẫu cho màu vàng của chất stabrine giờ làm hại da. Nét mặt cân đối, đôi mắt nâu nhạt cùng màu mái tóc, đôi mắt to có hồn dịu dàng, tất nhiên là trừ những lúc nổi giận ra, khi ấy chúng long sòng sọc. Cô có dáng dấp của một y tá bẩm sinh, gọn gàng, nhưng tiếc là bộ ngực hơi lép, đôi chân thon dài tuyệt đẹp, mảnh nhưng săn chắc, bàn chân và mắt cá dễ thương, tất cả nhờ vận động liên tục và nhờ công việc vất vả. Suốt ca trực ban ngày, cô mặc váy, mũ y tá màu trắng xêp nếp ôm lấy khuôn mặt tạo nét duyên dáng, ca đêm cô mặc quần âu, đầu đội mũ vành cong đi trực, nhưng để đầu trần khi ở trong khoa. Mái tóc ngắn lượn sóng được cô chăm chút bằng cách vung phần lớn khoản trợ cấp để được cắt, gội, sấy dưới bàn tay một viên hạ sĩ quan ở ban quản trị doanh trại, anh này ngoài đời vốn là thợ uốn tóc và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu về tóc cho các nữ y tá. Diện mạo bề ngoài của cô như thế đấy. Ẩn sau vẻ ngoài ấy lại là một con người cứng rắn bền bỉ như thép đã tôi, thông minh, văn hay chữ tốt của tầng lớp cành vàng lá ngọc, và sắc sảo nữa. Cô quyết đoán, cô mạnh mẽ, và với tất cả tấm lòng nhân hậu, sự thông cảm, cô đã thoát xác ở phần cốt lõi nào đó. Cô thuộc về họ, cô tự gắn mình vào bọn họ, những bệnh nhân của cô, thế nhưng cho dù có đặt cái gì vào trung tâm đời cô chăng nữa cô vẫn luôn né tránh họ. Thật điên rồ, nhưng có lẽ một phần bí mất sức hấp dẫn của cô là nhờ Neil. Đâu phải dễ tìm được phương pháp tiếp cận cánh lính một cách khéo léo nhất, tế nhị nhất khi mà cô khiến họ nhớ lại những ký ức gần như đã bị lãng quên chuyện phụ nữ. Thế nhưng cô xoay sở rất giỏi, không bao giờ ban cho ai trong số họ một dấu hiệu nhỏ xíu nào liên quan đến nhục dục, hay sở thích lãng mạn gì đó, tuỳ cách gọi. còn danh phận của cô ở đây là y tá. Mọi người thường chị chị em em thân mật với cô, thế đấy, cho nên cô luôn phải thể hiện mình như một người chị, người mẹ của họ, hết mình với công việc nhưng không có ý định chia xẻ với họ cái tôi thầm kín. Tuy nhiên giữa Neil Parkinson và Honour Langtry thì có sự hiểu ngầm. Nó tuyệt nhiên chưa hề được bàn tán hay đả động bằng lời nhưng cả hai hiểu rằng sau khi chiến tranh kết thúc, họ sẽ trở về con phố chính, anh sẽ kiên trì theo đuổi cô, và cô sẽ vui lòng chấp nhận việc theo đuổi của anh. Cả hai được sinh ra trong những gia đình tốt nhất, họ trưởng thành với cùng một lối nhận thức, tinh tuý ở các lĩnh vực mà trong đó nghĩa vụ hiếm khi được nhắc đến, vì thế nên cả hai đều khó tưởng tượng rằng những gì thuộc về cá nhân phải được đặt lên trên những gì thuốc về trách nhiệm. Lúc họ gặp nhau, hoàn cảnh chiến tranh đã tạo nên một mối quan hệ nghề nghiệp đơn thuần, họ tuân thủ nghiêm túc kiểu quan hệ đó, hậu chiến thì cái vẻ ngại ngần của họ có thể bị phá vỡ lắm chứ. Neil nuôi hy vọng, mong chờ điều dó với tâm trạng nhức nhối nhiều hơn háo hức, anh chỉ mơ cuộc đời thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn, vì anh yêu cô nhiều lắm. Anh không mạnh mẽ như cô, hay có lẽ đơn giản chỉ là những cảm xúc của anh rắc rối hơn những cảm xúc của cô và khó giữ quan hệ của họ trong phạm vi cô đặt ra. Những vi phạm nho nhỏ của anh chưa bao giờ vượt quá cái liếc mắt hay lời bóng gió, ý định động chạm vào thân thể cô hay hôn cô đều khiến anh e ngại, anh biết một khi hành động ấy xảy ra cô sẽ không ngần ngại tống cổ anh ngay tại trận, không làm bệnh nhân thì thôi. Việc tiếp nhận phụ nữ ra mặt trận rất miễn cưỡng, hạn chế nhiều với các y tá, riêng Honour được quân đội tín nhiệm và điều này không cho phép nảy sinh quan hệ xác thịt với đàn ông là bệnh nhân cũng như là lính. Nhưng anh cũng không nghi ngờ giữa họ tồn tại một sự hiểu lòng nhau mà không cần nói thành lời, nếu cô không chia xẻ nó, và mặc nhận nó, cô sẽ cho anh tỉnh ngộ ngay rồi vì cảm thấy trách nhiệm của cô là phải làm như thế.
Là con một trong một gia đình giàu có vai vế ở Melbourne, Neil Longlang Parkinson từng trải qua một giai đoạn đặc biệt của đất nước Úc thời đó, đó là được nhào nặn thành một chàng trai đậm chất Anh hơn cả dân Anh bản xứ. giọng anh không gợn chút pha tạp như lũ bạn Úc đồng lứa, phát âm chuẩn, nhanh nhẹ giọng của các nhà quý tộc Anh chính hiệu. Từ trường văn Geelong anh được nhận vào thẳng đại học Oxford, được nhận suất đúp lần đầu tiên trong lịch sử, kể từ đó anh ít về nơi chôn nhau cắt rốn. Hoài bão của anh là trở thành hoạ sĩ, cho nên sau khi tốt nghiệp Oxford, Paris vẫy gọi anh, rồi tới Pelopnese Hy Lạp định cư, ở đây anh có một cuộc sống thú vị nhưng dễ dãi cùng những cuộc mây mưa với một nữ diễn viên người Ý, người đóng vai tình nhân nhưng muốn trở thành phu nhân chính thức của anh hơn. Giữa những cuộc vật lộn đến kiệt sức chỉ để bộc bạch tình cảm, anh học nói tiếng Hy Lạp trôi chảy như tiếng Anh, Pháp, Ý, anh múa bút theo trường phái tượng hình và tự coi mình là một người Anh xa lạ hơn là một người Úc. Hôn nhân không nằm trong các kế hoạch của anh, dù anh nhận thức được rằng sớm muộn điều này cũng phải xảy ra, hệt như nhận thức được rằng mình đang sắp xếp mọil dự định tương lai đời mình. Nhưng với một chàng trai tuổi đời chưa đến ba mươi, thì dường như thời gian của cả thế giới đang trải ra trước mắt. Rồi mọi thứ thay đổi, thảm hoạ ập đến. Ngay cả ở xứ Pelopnese hy Lạp người ta cũng xì xào bàn tán về chiến tranh cho đến khi nhận được thư của cha, một lá thư lạnh lùng, nguyên tắc, cốt để anh hiểu rằng những ngày chơi bời, trác táng đã chấm dứt, rằng anh nợ gia đình mình và địa vị của mình điều đó, cần trở về nhà ngay trong khi còn có thể. Vậy là anh đành lên đường về Úc vào quãng cuối năm, trở về một đất nước mà anh hiểu biết rất ít để chào đón, và họ dường như xa cách, hời hợt với anh như dòng sông Victorian, tình cờ thế nào lại chính xác như thế, không phải nữ hoàng Victoria mà là dân bang Victioria. Chuyến về Úc của anh trùng dịp sinh nha6.t lần thứ ba mươi, một cái mốc thời gian khó quên cách đây hơn bảy năm, anh nhớ lạk mà không sao kìm nén nổi cơn kinh hoàng bám riết dày vò anh kể từ hồi tháng năm năm ngoái. Cha ơi là cha! Một ông già tàn nhẫn, lôi cuốn, tinh xảo, khéo léo và mạnh mẽ không tưởng nổi! tại sao ông già không sinh lấy một đàn con trai nhỉ? thật không thể nào tin được là ông già chỉ sinh có mỗi một, và muộn mằn. Là đứa con độc nhất của Longland Parkinson đúng là gánh nặng. Làm sao đạt tới, thậm chí vượt lên trên được chính Longland Parkinson. Đương nhiên điều đó là không thể. Chỉ mỗi ông già nhận ra điều đó. Chính bản thân ông là lý do thất bại của Neil mỗi khi đọ sức. Quẫn vì cái nền giai cấp công nhân đầy những thách thức và cay đắng của ông già, mang gánh nặng dòng dõi danh giá của mẹ bị mang ra mặc cả, Neil tự biết mình bị đánh gục kể từ khi đã khôn lớn để hình thành nhân sinh quan, thế giới quan. Thời niên thiếu trôi qua rồi anh mới nhận ra rằng mình để tâm đến cha nhiều hơn đến mẹ. Và cứ thế, bất chấp thái độ dửng dưng của cha trong khi mẹ chở che toàn tâm toàn ý. Anh nhẹ bỗng người khi được đi học nội trú, và anh gò mình theo khuôn mẫu đó suốt từ học kỳ đầu tiên tại trường văn Geelong cho tới ngày sinh nhật lần thứ ba mươi. Tại sao cứ phải cố đấu tranh với một tình the6 mà tất yếu không thể thực hiện nổi? Trốn tránh nó, vờ như không có nó. Đến tuổi thành niên anh được thừa hưởng số tiền của mẹ, thừa đủ để đáp ứng nhu cầu của anh. Anh sẽ sống cuộc đời của chính mình tách xa Melbourne và cha mẹ, tìm kiếm cho mình một chốn nương thân. Nhưng bóng đen chiến tranh đã phá huỷ mọi viễn cảnh của anh. Mà nói cho đúng, có những điều mà ta không thể tránh né hay lờ đi mà được. Bữa tiệc sinh nhật anh được tổ chức rầm rộ và long trọng, danh sách khách mời có cả những tiểu thư quý phái do chính mẹ anh cất nhắc hòng kiếm nàng dâu tốt. Có mặt hai vị Tổng giám mục trong hội đồng giám mục, một người đại diện cho tôn giáo Anh quốc còn người kia đại diện cho Thiên chúa giáo, có một vị bộ trường bộ tư pháp của bang và một vị thuộc liên bang, một vị thầy thuốc nổi tiếng, ngài uỷ viên Hội đồng cấp cao Anh và cả đại sứ Pháp. Đương nhiên mẹ có trách nhiệm mời khách. Suốt bữa tiệc, anh chẳng buồn để mắt đến các tiểu thư cũng như các quan khách, anh thực sự hiểu rõ ý đồ của mẹ. Nhưng tất cả tâm trí của anh đều đổ dồn vào cha, ông đang ngồi nơi cuối bàn, đôi mắt xanh biếc tinh ranh đang lia ra những nhận xét bất kính với gần hết những vị khách. Làm sao anh có thể đoán chính xác những gì đang diễn ra trong đầu cha. Neil không biết. Nhưng nó lại làm anh thực sự ấm lòng và hy vọng có cơ hội nói cuộc với ông già bé nhỏ, người chẳng đóng góp gì cho cậu con trai ngoài màu mắt và khuôn mặt. Thế rồi Neil cũng hiểu mình còn rất non nớt ở độ tuổi tương đối muộn mằn ấy, khi cha khoác tay anh lúc mọi người đàn ông phải đứng lên nhập hội với các qúy bà quý cô trong phòng hoạ, anh dễ dàng hài lòng với cử chỉ ấy. Họ có thể làm mọi chuyện mà không cần đến chúng ta – ông bảo và khịt mũi chế giễu – Nếu chúng ta biến khỏi nơi này hẳn mẹ con sẽ có cớ để phàn nàn đây. Trong thư viện chất đầy những cuốn sách bìa da mà quả thật anh chưa hề có cơ hội mở một cuốn nào nói chi là đọc. Longland Parkinson thả mình xuống chiếc ghế bành, trong khi con trai ông chọn chiếc ghế đệm dài ngay bên chân. Căn phòng toả sáng lờ mờ, nhưng không gì có thể che đậy nổi những dấu hiệu sống khắc khổ trên khuôn mặt nhăn nhúm của cha, cũng như không thể gạt bỏ nỗi đau trong ánh mắt sắc lạnh, lỳ lợm và hiếu chiến. Đằng sau ánh mắt ấy ta có thể thấy trí tuệ hoàn toàn độc lập với thể trạng, sự yếu đuối tình cảm, sự cứng nhắc đạo lý. Đó chính là lúc Neil diễn dịch cảm nhận của mình về cha trên phương diện tình cảm, và thắc mắc cái mặt đối lập của bản thân rằng sao mình lại trót yêu một người mà người đó không cần được yêu cơ chứ? - Con vẫn chưa phải là con trai nhà ta – ông nói không chút oán giận. - Vâng, con hiểu. - Nếu ta biết chỉ một lá thư là đủ kéo được con về nhà thì ta đã gửi nó từ lâu rồi. Neil xoè đôi tay mình ra ngắm nghía, một đôi tay dài, những ngón tay thon, mượt mà như bàn tay con gái, có đôi tay mịn màng mũm mĩm thế là do chưa bao giờ phải đụng tới những công việc có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc tới bộ não điều khiển chúng, nghề về vời không nghĩa lý như thế với anh. - Không phải vì lá thư của cha mà con trở về đâu – Anh từ tốn đáp. - Được, thế vì cái gì? Chiến tranh chứ gì? - Không ạ. Cây nến gắn trên tường hắt sáng nửa sau chỏm đầu hói của ông già, mặt ông tối sầm vì ngược sáng, trong khoảng tối sẫm ấy đôi mắt ông vẫn bừng cháy, nhưng khoé miệng vẫn hoàn toàn đóng chặt. Neil thú nhận: - Con không giỏi giang. - Không giỏi giang cái gì? – đúng là kiểu nói của cha, không rào trước đón sau. - Con là thợ vẽ dở ẹc. - Làm sao con biết? - Người ta bảo con thế, một nhà chuyên môn – ý tứ dần dần tuôn ra dễ dàng hơn – Con đã tích luỹ được một số lượng tác phẩm đủ để tổ chức một cuộc triển lãm chính thức ra mắt công chúng, ừm…không hiểu sao con luôn mong muốn gây được tiếng vang, không chỉ một vài bức treo ở đây, đôi bức treo ở kia. Vậy là con viết thơ cho một người bạn ở Paris, anh ta làm chủ một phòng tranh mà con muốn trưng bày ở đó, và nhân chuyến đi nghỉ ở Ht Lạp, anh ta đã tới nhìn tận mắt các tác phẩm con đã sáng tạo. Rốt cuộc chúpng không gây ấn tượng cho anh ấy lắm. Rất đẹp, anh ấy thốt lên. Rất hấp dẫn, thật đấy. Nhưng thiếu cái gốc, thiếu sức mạnh, thiếu nhạy cảm với cái trung gian. Và rồi anh ấy khuyên con chuyển tài năng sang lĩnh vực thương mai nghệ thuật. Nếu có động lòng trước nỗi niềm chua xót của cậu con trai, ông cũng không thể hiện ra ngoài, chỉ ngồi tập trung quan sát. - Quân đội – cuối cùng ông cũng lên tiếng – sẽ là một môi trường tốt cho con. - Khác nào con không còn là con nữa chứ gì. - Phải, thế thôi, nó sẽ là thử thách đầu tie6n cho con bước ra thế giới bên ngoài và va vấp với nó. Cha muốn nx rằng những điều đang diễn ra bên trong cần phải có một cơ hội thực hiện ra bên ngoài. - Thế nếu ngoài đó chẳng có gì thì sao? Neil run lên còn ông cụ lắc đầu, nhếch mép cười dửng dưng. - Thế biết được ngoài đó chẳng có gì không tốt hơn sao? Ông cụ chưa bao giờ đả động, dù chỉ nửa lời với anh về việc nối nghiệp kinh doanh; Neil thừa hiểu những cuộc thảo luận như thế này là không cần thiết. Nói cách khác anh cảm thấy cha mình không lo lắng về các thương vụ, điều gì sẽ xảy ra với họ khi ông rũ tay áo thôi kiểm soát công việc kinh doanh chẳng làm anh bận tâm ấy nhỉ? Longland Parkinson là con người sống tách biệt với họ hàng, thậm chí ngay cả với vợ con mình. Ông không đòi hỏi cậu con nối dõi phải chứng tỏ mình và cũng không hề cảm thấy giận dỗi cậu con trai không biết tính toán. Với ông việc gì phải đổ thêm dầu vào lửa kích động nội tâm bằng những yêu cầu này nọ để anh đúng như ông đây hoặc phải thành đạt như ông đã từng thành đạt. thì còn nghi ngờ gì nữa, hồi cưới mẹ Neil ông biết bà có thể phải từ bỏ dòng dõi, và chẳng thèm quan tâm, cưới bà ấy tức là ông đã chế nhạo được chính cái xã hội mà ông khát khao được bước vào bằng cách cưới bà. Trong chuyện này cũng như trong mọi chuyện khác, Longland Parkinson hành động chỉ để hài lòng bản thân, để thoả mãn chính mình. Thế nhưng khi ngồi quan sát cha mình, Neil lại thấy nét trìu mến ở đó, và cả một sự nuối tiếc đến nát lòng. Ông già chỉ đơn giản không nghĩ rằng Neil có cái đó trong anh, mà ông già là người rất am hiểu tính nết con người. Cho nên Neil quyết định nhập ngũ, tất nhiên là làm sĩ quan. Khi chiến tranh bùng nổ, anh được xung vào tiểu đoàn A.L.F. và giương buồm hướng bề Bắc Phi với tâm trạng hăng hái, cảm thấy ở đó còn thân thương hơn tổ quốc mình, chiếm được Ả Rập quá dễ dàng và nói chung biến thành người có ích. Anh trở thành một người lính đầy năng lực và có lương tâm, hoá ra có dũng cảm, đồng đội quý mến anh, ngay cả cấp trên cũng quý mến anh, và lần đầu tiên trong đời anh bắt đầu thấy thích chính mình. Thì ra mình cùng được thừa hưởng những tính cách của cha đấy chứ, anh hoan hỉ nghĩ như vậy, mong đợi chiến tranh chấm dứt, anh tưởng tượng ra cảnh mình trở về dày dạn, danh gía sau những trải nghiệm tàn nhẫn đến cùng mà cha anh không thể không nhận ra và ngưỡng mộ. Hơn bất cứ thứ gì trên đời, anh khao khát đôi mắt diều hâu của cha sẽ nhìn anh một cách ngang hàng. Anh tới New Guinea, sau đó tới Islands, một kiểu chiến tranh nhạt thếch so với Bắc Phi. Nó dạy anh rằng ngay cả khi dám thừa nhận quá trình trưởng thành của mình đang hoàn thiện thì anh vẫn chỉ như đang trong một cuộc chơi. Rừng râm bao vây hồn anh trong khi sa mạc giải thoát nó, làm cạn kiệt mọi niềm vui trogn anh. Nhưng chính nó cũng giúp anh mạnh mẽ hơn, lộ ra sức chịu đựng bền bỉ mà trước nay anh không biết mình sở hữu. cuối cùng anh ngừng diễn một cảnh, ngừng quan tâm tới chuyện mọi người thấy mình như thế nào, ngừng bân tâm khai thác những khả năng tiềm ẩn để đảm bảo sự tồn tại cho bản thân và đồng đội. Trong một chiên dịch nhỏ vô cùng đẫm máu và thất bại đầu năm 1945, tất cả mọi chuyện đến hôi kết thúc. Anh mắc phải một sai lầm và đồng đội của anh đã phải trả giá cho sự sai lầm chết người ấy. Toàn bộ kho dự trữ bí mật quý giá nổ tung. Thảm hoạ. Giá như vì tội lỗi đó họ có kỷ luật anh, hay chửi rủa thôi cũng được, thì anh có thể chịu đựng dễ dàng hơn, anh dằn vặt mình, nhưng đàng này t c mọi người từ những chiến hữu thoát chết cho đến ban chỉ huy đều tha thứ cho anh! Họ càng ra sức thuyết phục rằng đó không phải lỗi của anh, rằng không ai là người hoàn hảo, rằng ai mà chả có lúc sai lầm, anh càng quặn lòng. Còn gì để chiến đấu cơ chứ, anh đã nản, đã sụp đổ và chấm hết. Tháng Năm 1945 anh nhập khu X. trên đường đi anh khóc cay đắng, vùi sâu trong tuyệt vọng, anh không biết cũng chẳng quan tâm đến việc người ta đưa anh đến đâu. Vài hôm đầu anh được phép làm những gì mình muốn, và tất cả những điều anh muốn là thu mình lại, run rẩy, khóc lóc, than vãn. Rồi cái người luôn lởn vởn trước mắt bắt đầu xâm nhập nỗi khổ sở của anh, trở thành cái gai khó chịu. Cô đeo bám anh, đe nẹt anh, thậm chí bắt buộc anh phải ăn, không công nhận bất cứ gì khác lạ hay đặc biệt trong cảnh ngộ của anh, bắt anh ngồi với những bệnh nhân khác trong khi tất cả những điều anh muốn là giam mình trong góc riêng, cô giao việc cho anh làm, lân la dò hỏi trong khi trò chuyện, ban đầu chỉ là những câu chuyện loăng quăng, sau dần dà tới chuyện của chính anh mà anh muốn nói không ngớt. Thoạt tiên ý thức trở lại khuấy động, sau rồi dường như trỗi dậy. Những điều không liên quan trực tiếp công tác động đến anh, anh bắt đầu để mắt tới những người bệnh, và chú ý xung quanh. Anh bắt đầu quan tâm tới hiện tượng khu điều trị X, và cả y tá Langtry. Tên họ của cô chiếm lĩnh tâm tưởng anh. Không có chuyện anh bị sét đánh, cô quá bình thường, và chẳng gây ấn tượng bởi điểm nổi trội nào. Nhưng chỉ khi anh thừa nhận cô là một y tá quân y mẫu mực, cô mới bắt đầu hết vẻ lạnh lùng, và bộc lộ nét mềm mại, dịu dàng dồng thời với những kinh nghiệm tích lũy mấy năm trời, đến nồi nói cô bỏ mặc thì anh chắc chìm nghỉm. Cô không nói rằng không bao giờ làm thế. Chỉ khi hồi tỉnh anh mới biết cô đã khéo léo theo sát anh đến nhường nào. Anh không cần về Úc điều trị thêm. Mà cũng không phải vượt trùng dương trở về đơn vị. Thế là đã rõ, chỉ huy muốn anh cứ ở nguyên cái nơi mà anh đang ở, sư đoàn bao giờ không còn nhiệm vụ chiến đấu nữa cho nên người ta cần gì đến anh. Ở nhiều phương diện, việc tiếp tục an dưỡng cưỡg bức ở lì lại khiến anh sung sướng , bởi có thế anh mới được tiếp tục gần gũi y tá Langtry, người đối xử ngày càng thân thiết với anh như với đồng đội hơn là với bệnh nhân, người mà anh đang kiến tạo nền tảng cho một mối quan hệ không liên quan gì đến khu X. Nhưng có khi anh coi mình đã lành vết thương, nhận thức được trách nhiệm của mình, thì nỗi nghi ngại lại bắt đầu gặm nhấm làm anh day dứt. Tại sao họ không muốn anh trở về đơn vị? Anh tự mở câu trả lời – vì làm sao nó nta có thể tin anh được nữa, giả dụ chiến tranh lại nổ ra vì lý do nào đó thì anh cũng không xứng đáng với cương vị chỉ huy nữa, sẽ lại có thêm nhiều người lính phải ngã xuống. Cho dù người ta chối bỏ điều này, Neil với biết đó là lý do chính tại sao sau gần năm tháng trời anh vẫn là tù nhân của khoa điều trị X. Điều anh không sao hiểu nổi ấy là chứng loạn thần kinh chức năng lởn vởn trong anh, biểu hiện chính là thói tự kỷ ám thị. Chiến tranh mà nổ ra nữa thì anh có thể tiếp tục nhiệm vụ ở thời kỳ thử thách, và có thể hoàn thành xuất sắc. Bi kịch của Neil chínhlà sự kết thúc thực sự của chiến tranh và thế nghĩa là không còn nhiệm vụ chiến đấu nào nữa.
Anh dưỡn người cố đọc cái tên trên bao hồ sơ đang nằm trên bàn của y tá Langtry, và nhăn mặt nói: - Đúng là cái gai trước mắt, những ngày cuối cùng rồi mà còn đưa cậu ta đến đây sao? - Một bất ngờ, đúng vậy. Cái gai trước mắt mà vẫn phải nhìn. Dù sao anh ta cũng không chống đối tôi như cái kiểu quấy rầy lôi thôi của ai đó. - Điểm này thì chấp thuận. Rất lịch thiệp. Anh ta khiến tôi liên tưởng tới một con vẹt lắp bắp những câu sáo rỗng. Giật mình cô rời cửa sổ để nhìn anh. Neil họa hoằn lắm mới ví von dè bỉu hay chỉ trích gay gắt người khác. - Tôi thấy anh ta rất đàn ông – cô độp lại. Nỗi bực dọc đang bức bối giờ có dịp bột phát, và khiến anh kinh ngạc không kém gì cô. - Sao cơ, y tá Langtry? – anh thốt lên – Em bị bỏ bùa rồi sao? Em không nói anh ta là típ người của em đấy chứ? Cặp chân mày của cô giãn ra và biến thành tiếng cười. - Không phải của tôi, Neil ạ. Không đáng thế đâu bạn thân mến. Anh nói năng hệt Luce, và đó không phải lời ngon ngọt đâu. Tại sao phải rắn thế với anh chàng tội nghiệp ấy? - Tôi ghen đấy – anh chớt nhả, rồi kéo hộp xì gà ra khỏi túi. Một chiếc hộp vàng ròng không cầu kỳ nhưng xinh xắn, một góc có khắc chữ cái đầu tên anh. Ngoài anh ra trong khoa ai mà dám xài sang cái loại thuốc cầu kỳ này, hơn nữa vào giờ này chẳng còn mống nhân viên nào ở lại khoa điều trị. Anh ấn ngón cái bật mở nắp hộp rồi mời cô hút thuốc, cái bật lửa đã ở tư thế sẵn sàng bên tay kia. Cô thở dài nhưng vẫn cầm lên một điếu và để anh mồi lửa. - Lẽ ra tôi không bao giờ được phép để anh lôi kéo vào việc lén lút hút thuốc với anh trong khi làm nhiệm vụ - cô trách – Viện trưởng mà biết chắc sẽ bêu gương tôi, kỷ luật rồi tống tôi vào tập thể. Còn nữa, tôi sẽ phải thuyên chuyển anh ngay lập tức. Tg phải tranh thủ nghiên cứu hồ sơ của Michael trước khi đại tá Râu Xanh xuất hiện mới được. - Ôi Chúa ơi! Chớ có bảo là chúng tôi phải thích nghi với hắn đêm nay đấy! - Thôi nào, thực ra chính tôi phải làm cái việc thích nghi đó chứ không phải anh – cô có vẻ buồn cười. - Phải điều gì thúc đẩy cô chỉ huy tích cực của chúng tôi lên tới tận đây trong đêm tối mịt mùng thế nhỉ? - Michael. Tất nhiên. Tôi gọi điện bảo anh ta tới vì người ta không nói gì với tôi về tình trạng của Michael. Tôi chưa biết nguyên nhân anh ta xuất hiện ở Cứ 15 cũng như tại sao anh ta bị chuyển vào khu X. Cá nhân tôi, tôi thấy rất uẩn khúc như mình bị đánh đố vậy. - Bất chợt cô buông tiếng thở dài, và duỗi thẳng người trong giây lát – Tuy nhiên hôm nay không còn là một ngày đẹp nữa rồi. - Với tôi ở đây chẳng có ngày nào đẹp cả - Neil buồn rười rượi, nghiêng sang búng tàn thuốc vào chiếc hộp mà cô dùng nó làm gạt tàn – Tôi bị đưa vào khu X thế mà gần năm tháng trời rồi y tá nhỉ? Những người khác đến rồi đi ngay, nhưng ở đây tôi chẳng khác nào đoá hoa nhài cắm bãi cứt trâu, cứ phải ở lỳ một chỗ. Và nó đó, nỗi đau X, trong anh và trong cô. Thật quá sức mỗi khi phải chứng kiến họ đau khổ, điều đó chứng tỏ cô không có khả năng chuyển biến căn nguyên sự đau khổ của họ, vì nó như mọc rễ, đan xen vào từng cơn bất bình của họ. Cô đau đớn hiểu rằng việc mình đã làm tốt trong giai đoạn cấp tính của căn bệnh còn phải được duy trì suốt thời gian đằng đẵng cho tới khi gần như bình phục. - Anh cũng từng hơi suy sụp, anh biết đấy – côdịu dàng nói, cô hiểu một lời an ủi lúc này phỏng có ích gì nhưng vẫn buộc phải nói ra. Rồi cô nhận thấy cái vòng luẩn quẩn như cơm bữa của những cuộc trò chuyện lại bắt đầu, và rồi anh sẽ lại dằn vặt những điểm yếu của anh, còn cô lại phải ra sức, thường là vô vọng, chỉ cho anh thấy đó không phải là nhược điểm tất yếu. - Tôi đã khắc phục được chứng suy sụp của mình từ hàng thế kỷ nay rồi đấy chứ, cô biết rồi đấy – Anh khịt mũi tỏ vẻ rồi dang thẳng cánh tay ra trước mặt, siết chặt hai nắm taycho tới khi những bắp thịt lộ ra, các cơ bắp nổi cuồn cuộn thành từng mảng khối, anh không hề nhận thức được cảm nhận của cô khi nhìn thấy chút sức mạnh cơ thể được phô bày như thế. Cô chợt thấy ở anh một sức cuốn hút mạnh mẽ. nếu lộ cho anh ta biết, anh ta có thể cả gan tấn công tích cực để thắt chặt quan hệ với cô, hôn cô, làm tình với cô, nhưng gần như trong mọi tình huống, y tá Langtry không bao giờ để lộ suy nghĩ của mình ra mặt. - Có lẽ tôi không còn được như một người lính nữa – anh rền rĩ – nhưng chắc phải có điểm gì đó hữu ích để tôi thể hiện ở đâu đó chứ! Y tá ơi, tôi thật sự quá mệt mỏi, mệt mỏi kinh khủng với cái khoa này! Tôi đâu phải là bệnh nhân tâm thần. Tiếng kêu ấy chạy vào lòng cô, những tiếng rên rỉ của họ luôn thấu đến cô, nhưng của anh khác hẳn, nó thật đặc biệt. Cô phải cúi đầu và cụp mắt lẩn tránh. - Không thể kéo dài tình trạng này lâu hơn được. Chiến tranh qua rồi mà, rồi chúng ta sẽ sớm về nhà trong nay mai. Tôi biết gia đình không phải là giải pháp mà anh muốn chọn và tôi cũng hiểu tại sao anh sợ hãi nó đến thế. Nhưng cứ thử tin tôi đi rồi chẳng mấy chốc anh sẽ tìm được chỗ đứng của mình một khi hoàn cảnh thay đổi, khi anh có quá nhiều công việc để mà làm. - Tôi còn mặt mũi nào về nhà nữa đây? Những phụ nữ thành quả phụ và lũ trẻ côi cút ở nhà là tại tôi! Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi tình cờ gặp một người vợ góa đơn độc của đồng đội? Tôi đã giết chết các chiến hữu của mình! Tôi biết nói gì với chị ấy? Tôi biết làm gì nào? - Hãy nói và làm theo lẽ phải. Gắng lên, Neil! Chúng chỉ là những ảo ảnh mà anh đang cố bới móc để tự dày vò đày đoạ bản thân, chỉ vì anh không có đủ việc để bận rộn với thời gian thừa thãi ở X. Tôi ghét phải ra lệnh bắt anh ngừng ngay cái trò nuối tiếc này, nhưng đó chính là điều mà anh phải làm đấy. Anh không bị buộc phải nghe, chìm đắm trong suy tưởng anh trở nên thanh thản. - Vì sự bất tài kém cỏi của mình nên tôi phải chịu trách nhiệm trực tiếp tới sự hy sinh của hơn hai mươi đồng đội, y tá Langtry! Trong tôi hoàn toàn không có ảo ảnh về những người vợ mất chồng và những đứa trẻ mất cha đâu. Tôi khẳng định với em đấy – anh quả quyết. Đã nhiều tuần nay giờ cô mới thấy tâm trạng anh suy sụp đến thế, do sự xuất hiện đột ngột của Michael, có lẽ thế. Tốt hơn là phải thay đổi thái độ của anh ta tối nay khi mà việc đó hoàn toàn liên quan trực tiếp đến cô; một anh chàng lạ hoắc mới đến luôn làm dấy lên cơn bực bội vô cớ của hội ma cũ. Mà Michael là trường hợp đặc biệt – anh ta không phải là người dễ bị xỏ mũi, cũng không phải loại người răm rắp chịu đựng sự cai trị của Neil. Vì Neil có xu hướng thống trị khoa, lập chính sách cho các bệnh nhân ở đây. - Thôi quên chuyện này đi Neil – cô nói cộc lốc – Anh là một người đàn ông tốt, mạnh mẽ và anh cũng từng là một người lính cừ khôi, dũng mãnh. Suốt năm năm, có người lính nào hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn anh đâu. Giờ thì nghe lời tôi nhé. Việc gì phải ôm khư khư cái ý nghĩ là chính lỗi của anh đã gây cảnh chết chóc. Anh là một người lính, anh thừa hiểu mọi hành động đều phức tạp như thế nào. Và chuyện đã qua! Đồng đội của anh ngã xuống. Chắc chắn điều tối thiểu anh nợ họ là phải sống hết mình. Thế anh đã làm được điều gì tốt đẹp cho những bà goá và lũ trẻ côi cút ấy, anh đang ngồi lì ở đây, trong văn phòng tôi để gặm nhấm những lo âu dày vò ư, để nuối tiếc không phải cho họ mà cho chính lương tâm anh. Không có gì bảo đảm chắc chắn rằng cuộc đời sẽ luôn suôn sẻ tươi rói như ta muốn. con người ta phải đối mặt với nó, đối mặt với cả cái xấu lẫn cái tốt. Anh biết thế mà! Được thế cũng là tạm đủ. Tâm trạng anh rõ ràng phấn chấn hẳn, anh toét miệng cười, dướn lên nắm tay cô, rồi nghiêng đầu áp má lên bàn tay ấy. - Thôi được rồi, thưa y tá, thông điệp đã được nhận. Tôi sẽ cố trở thành một người tốt hơn. Tôi không biết em đã cố làm điều đó đến mưc nào, nhưng với tôi, gương mặt của em có tác động mạnh hơn cả lời nói nữa kia đấy. Em luôn gạt được nỗi đau và giá em biết được còn vô vàn điều tuyệt vời khác mà em đã làm trong những ngày ngắn ngủi của tôi ở khu X. không có em…- Anh lắc đầu – Ôi thôi! Tôi không sao có thể tưởng tượng nổi khu X sẽ ra sao nếu một ngày nào đó vắng bóng cô y tá này. Anh vừa bảo cô luôn gạt được nỗi đau. Nhưng bằng cách nào? Tại sao? Thế đâu đã đủ tốt, trí tuệ của cô cần được biết bí quyết huyền diệu ấy là gì, và nó luôn lảng tránh cô. Nhíu mày suy tư, cô đăm chiêu nhìn anh qua chiếc bàn nhỏ, băn khoăn không biết có nên ban cho anh một vài cử chỉ khuyên khích động viên nho nhỏ mà cô vẫn thường làm không. Ôi, nó có thể nảy sinh tình cảm riêng tư từ trách nhiệm chung! Phải chăng thực tế là cô đang làm hại nhiều hơn làm lợi cho Neil khi quá thân thiết với anh? Giả dụ đây là một cách tạo cớ để thu hút sự chú ý của cô ở một mức độ nào đó thì sao? Tình cảm cô dành cho người đàn ông này vượt quá tình cảm cho một bệnh nhân, nó phá huỷ viễn cảnh của tương lia, rồi cô sẽ thấy mình theo đuổi hết dòng suy nghĩ này đến dòng suy tư khác, còn nhiều điều phải làm cho tương lại hơn là tình huống hiện tại, trong tình thế này lẽ ra cô phải dồn toàn bộ năng lực của mình để khuất phục nó. Cũng phải thừa nhận mối quan hệ hoà bình với Neil đã tạo ra những khả năng tuyệt vời, nụ hôn tay đầu tiên này của anh đã đánh thức tâm tư cô cho dù không biết sau này họ có đi đến hôn nhân hay không, nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu chấm dứt điều đó ngay lúc này, tại đây. Ôi, sai lầm, sai lầm! Cũng như một người đàn ông, cô phát hiện anh thật cuốn hút, quyến rũ, thú vị. Thế giới của anh cũng tương tự thế giới của cô, chính nó tạo ra một tình bạn đẹp. Cô thích cái lối anh ngắm nhìn cô, thích cái tính cách đàn ông của anh, ngưỡng mộ trình độ học vấn của anh, cả giòng dõi gia đình anh. Và cô thích hơn cả là phong cách rất đàn ông của anh – ngoại trừ nỗi ám ảnh ngớ ngẩn bất hạnh của anh. Trong khi anh ngoan cố lắng nghe tiếng vọng ngược về cái ngày đẫm máu đó như thể nó vĩnh viễn đổi màu đời anh cho đến chết, cô nghi ngỜ khả năng tồn tại mối quan hệ thời bình của họ. Vì rằng cô đâu muốn trao tình cảm quý giá của mình cho một tình cảm què quặt, cho dù sự què quặt đó có thể thông cảm được. Cô muốn, cô cần, một ai đó đồng đẳng, chứ không dựa dẫm vào cô, đồng thời tôn sùng cô như Nữ Thánh. - Đó là lý do khiến tôi ở đây, làm dịu và xua tan những nỗi đau – cô khẽ nói, rồi khéo léo rút tay ra, không muốn làm tổn thương tình cảm của anh. Tập hồ sơ của Michael vẫn nằm dưới tay cô, cô nhấc chúng lên – Tiếc quá chúng ta phải ngừng câu chuyện ở đây thôi, Neil. Tôi phải làm việc đây. Anh đứng lên, cúi nhìn cô lo lắng. - Lát nữa em xuống chỗ chúng tôi chứ? Không vì bận rộn với cái anh chàng mới đến mà phá lệ chứ? Cô ngước lên ngạc nhiên. - Không gì có thể phá lệ đó. Anh đã từng thấy tôi bỏ lỡ một tách trà tối trong khoa bao giờ chưa? – Cô hỏi khéo, mỉm cười với anh, rồi chúi đầu trở lại bộ hồ sơ của Michael.