Tố Oanh khoác chiếc Kimono bằng lục Lèo màu hoa thiên lý vào người.
Cô cột lỏng lẻo dây lưng đến bên cửa sổ nhìn xuống khu vườn đêm. Cô đang thèm một điếu thuốc vô cùng.
Duy bước ra theo Oanh. Ôm cô vào lòng, ông nhỏ nhẹ:
– Sao không ngủ? Phiền hà anh điều gì thì nói.
Oanh lắc đầu. Cô chạnh lòng một chút khi nghe ông ân cần hỏi thế. Phải! Cô vừa căm hận nhớ đến Sang, anh chồng ngã ngựa giữa chừng của mình, kẻ đã gây cho cô nỗi ám ảnh chưa xóa mờ được mỗi lần cô gần một người đàn ông nào đó.
Tiếng Duy lại vang lên:
– Xem chừng anh chồng bệnh hoạn của em vẫn còn quấy rầy tâm tưởng và thân xác em khá nhiều.
Oanh xoay lại nhìn Duy, cô luôn luôn khó chịu khi bị người khác đọc được suy nghĩ của mình. Nhưng với Duy, cô đã kềm được sự bực bội, cô vờ đau khổ cụp vội hàng mi cong và khẽ thở dài:
– Anh là người đàn ông tinh tế và nhạy cảm, em chẳng giấu anh được điều gì. Quả là anh vẫn còn ám ảnh em như một bóng ma.
Đôi mắt cô nhìn như van lơn rồi lại nhìn xuống bàn tay mình. Oanh e dè:
– Em xin lỗi đã lại làm anh mất vui.
– Sao em lại nói vậy. Tại anh không còn trẻ để có thể yêu em trọn vẹn hơn ...
Duy khẽ nhăn mặt khi nói như vậy. Trong khoảnh khắc Oanh chợt thấy ông như già đi bao nhiêu tuổi. Cô ngao ngán đưa mắt nhìn nhì một ánh sao lẻ loi đang nhấp nháy trên trời. Vừa rồi tại ông cũng chẳng làm trọn vẹn phận sự của một gã đàn ông nên cô mới không hứng thú, hay tại dấu ấn mà Sang để lại trong tâm hồn cô còn quá đậm, nên dù với Trường ào ạt cuồng điên như sóng xô bão táp, Oanh vẫn không sao nhận chìm được mình trong biển rung cảm của yêu đương. Rồi với Duy ân cần, nâng niu, nhẹ nhàng, khơi gợi càng làm cô co rúm người trong bực dọc.
Trời ơi! Mọi cảm xúc chết đâu cả rồi!
Oanh cắn môi nhăn cản niềm phẫn uất đang dâng để rồi cô buột miệng:
– Tại sao em không thích thú gì hết. Em lãnh cảm rồi sao? Bệnh thật rồi sao?
Duy vội an ủi:
– Đừng nghĩ như vậy, em có bệnh gì đâu. Tại em tưởng tượng đó thôi. Với anh, từ từ em sẽ sung sướng. Anh sẽ trị bệnh cho em.
Oanh cười thầm trong bụng. Cô biết anh ta chẳng đủ sức làm việc đó, nhưng cô vẫn gật đầu và nhìn ông tha thiết. Duy vỗ nhè nhẹ vào vai cô. Có lẽ ông đang tự mãn với những lời vừa nói. Ông không hề biết rằng trong giây phút ấy Oanh lại nghĩ tới một người đàn ông khác:
Lâm Đình, một người được bao quanh bởi nhiều giai thoại khá độc đáo mà cô đang háo hức khám phá. Dù Đình là người thế nào, Oanh cũng làm hắn ta khốn đốn vì tội tự cao, lạnh lùng, xem cô bằng như mọi người con gái khác. Ngày mai cô sẽ ở bên hắn, có dịp cô sẽ cho mọi người thấy tổng giám đốc Lâm Đình là một kẻ dùng quyền lực và công việc để che giấu những cái khiếm khuyết khốn khổ của mình.
Oanh lại mỉm cười. Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là ngày mai rồi!
Mai Nhi hài lòng nhìn lọ hoa để trên bàn tiếp khách. Cô ngắm nghía rồi trầm trồ:
– Mày cắm hoa trông có hồn đó Phượng.
Tố Phượng chỉ hiền lành đáp lời:
– Tao cũng mới học, cắm đại chớ có theo trường phái nào đâu mà có hồn với vô hồn.
Nhi nói:
– Phải chi tao được một xíu thôi khéo léo như mày chắc ông Triết khoái lắm! Ông ấy thích nghệ thuật nói chung. Còn tao thì ...Hì ...hì ...Nói riêng cũng có thích văn học, nghệ thuật nhưng không có khiếu để sáng tạo, chỉ biết ngắm, nếm, ngửi, xem thôi, nên có đi học như mày cũng chả làm nên trò trống gì. Nhiều hôm đi chợ gặp bông đẹp tao mua về, tỉa tới cắt lui, cuối cùng cho cả vào một lọ, trông chẳng khác đám rừng. Tao bảo với Triết đây là trường phái loạn.
Phượng cười tủm tỉm:
– Mày lúc nào cũng pha trò. Thảo nào ông Triết không yêu sao được, có buồn cách mấy nghe mày cùng vui mà quên buồn.
Nhi hất hàm:
– Vậy là độ nầy mày hết buồn rồi chứ gì, nên đâu thèm ghé tao đùa cho vui.
– Nhảm! Tao buồn hồi nào đâu mà hết với còn. Lòng tao lúc nầy hoàn toàn thanh thản, không chút gì vướng bận. Nhờ vậy tao mới ở không đi học nữ công gia chánh, làm sao ghé mày được. Mà Nhi nè! Mày đi học với tao đi, đàn ông thích ăn ngon lắm, có nhiều ông không bỏ vợ được vì mê nghề nấu nướng của bà xã thôi.
Mai Nhi trề môi:
– Nói như mày là nói có một chiều. Thời buổi bây giờ đàn ông họ thích nhiều thứ động trời, còn ăn ngon, có tiền ở đâu mà chẳng có món ngon, kèm theo phục vụ tươi mát.
Tố Phượng nhẹ nhàng:
– Mày cũng chỉ nói có một chiều thôi, kiểu vơ đũa cả nắm. Thế anh Triết chưa bao giờ được mày đãi cho một bữa cơm nào sao?
Mai Nhi thành thật:
– Ít lắm Phượng à! Tao không có thời gian rảnh. Thường là bọn tao đưa nhau ra tiệm, thích món gì kêu món đó. Hôm nào đầy túi thì gọi món sang, xẹp túi thì vào quán cơm dĩa, cơm phần bên lề đường cũng xong.
Tố Phượng sôi nổi:
– Vậy hôm nào mày trổ tài nội trợ rồi mời Triết thử xem. Anh chàng sẽ phục lăn và thích thú vô cùng vì người yêu của mình cũng đâu thua ai.
Mai Nhi nheo mắt nghịch ngợm:
– Hỏi thật nhé, anh tài xế Trường thường từng thích món gì ... của mày nhất?
Phượng đỏ mặt, cô háy Nhi rồi trầm giọng:
– Chắc món nào anh ta cũng thích hết. Vì khi đến với tao rõ ràng Trường có mục đích. Cái mục đích đó khiến con người ta ăn ngon hơn bình thường mày à!
Nhi nhìn Tố Phượng. Ngoài gương mặt xinh đẹp hơi ửng hồng vì câu hỏi lắt léo của cô, tuyệt nhiên Phượng chẳng có chút gì buồn phiền. Phượng nói ra suy nghĩ của mình về Trường như đang nói về một người quen nào đó trong cuộc sống. Lòng Mai Nhi chợt nhẹ nhõm. Rõ là trong trái tim chân thật của Tố Phượng, hình ảnh anh chàng Trường chẳng còn chỗ. Có lẽ cô đã xóa sạch rồi những dấu vết của mối tình đầu, mà ngày xưa Mai Nhi đã từng cho là ″hơi vội vã, giống như ai đang lấp khoảng trống ở hồn khi thấy bè bạn quanh mình ai cũng có lứa, có đôi”.
Thở hắt ra một cái, Nhi gật đầu:
– Rồi tao sẽ tìm cho mày một người đàng hoàng, dễ yêu. Quên Trường đi là phải.
Phượng xua tay:
– Cho tao yên thân Nhi ạ! Tao sợ rồi ... tự tao tìm còn không đúng đối tượng, huống chi người khác tìm dùm. Chắc tao khó lòng mà yêu lần nữa.
Mai Nhi lắc đầu:
– Chắc với lép! Đời còn dài, tao cũng chống mắt lên xem chị em nhà Tố ra sao. Nghĩ con nhỏ Oanh cũng lạ, tình yêu với nó như một canh bạc, được thua gì nó cũng lao vào, chẳng khác gì loài phù du lao vào ánh sáng, rồi ra sao thì ra. VỚi nó, cách sống, cách yêu không rõ ràng đâu vào đâu cả. Nó sống nhởn nhơ, lấp lửng, nó yêu cũng lấp lửng kiểu thả mồi bắt bóng.
Tố Phượng kêu lên :
– Kìa Nhi!
Mai Nhi cắn môi, cô nhún vai:
– Xin lỗi, tao quên con Oanh là chị mày! Mà nói thì vẫn nói đã có sao? Nó chẳng dễ mềm lòng, xúc động, tự ái vì máu mủ, huyết thống như mày đâu Phượng à. Trên đời nầy nó chỉ biết có nó thôi.
– Vẫn biết thế nhưng mày đừng nói ra thì hay hơn. Vì dầu sao bà ấy cũng là chị tao mà.
Nghe Phượng thật thà thốt lên một cách khốn khổ, Mai Nhi nao lòng. Cô đứng dậy:
– Ôi, tự nhiên nói chuyện đâu đâu! Mày ra sau phụ tao gọt khóm, xong cắt khoanh, ướp đường, rót vào tí rượu. Món nầy anh Triết thích lắm.
Tố Phượng nhếch môi cười. Cô không nỡ giận những lời bốp chát thật lòng của Nhi. Nén buồn vào trong, Phượng cao giọng:
– Hay tuyệt! Được đó, ít ra mày cũng biết sở thích của Triết chớ. Tao sẵn sàng phụ cả hai tay. Chừng nào ông ta tới?
– Cũng sắp! Gọt bây giờ đã là trễ, tại tao quên.
Dứt lời, Nhi lẹp xẹp đôi dép lưới chạy vào phía trong bếp. Phượng bước theo cô nghe tiếng Nhi vọng ra:
– Mở nhạc lên nhỏ! Ở nhà một mình không có nhạc chắc tao chết vì cô đơn.
Tố Phượng lặng lẽ trở ra phòng khách mở hết cỡ volume máy cassette.
“Tôi đang lừa dối em, mà sao em không biết Những lời nói tình yêu, với tôi không cần thiết Khi ta tìm đến nhau, là tìm vui trong chốc lát ...”.
Bài hát gì ghê sợ vậy? Phượng tự hỏi mình rồi với tay lấy chiếc băng khác thay vào. Với cô, lúc nầy và mãi mãi đến hết cuộc đời không có gì ghê tởm bằng sự giả dối.
Mai Nhi vừa nhẩn nha rửa những chiếc tách cà phê bằng sứ trắng tinh vừa dè dặt hỏi:
– Phượng nhè ...Mày nói sao với ông Trường vậy?
– Tao có nói gì đâu. Tao trả lại ông ta chiếc nhẫn hỏi và chiếc nút áo sơ mi màu xanh tao lượm được trên giường chị Oanh, kèm theo một lá thư khá dài.
Bao nhiêu đó đủ rồi chứ gì!
Ngừng tay, Nhi kêu lên:
– Ông ta chẳng thanh minh, phân trần gì cả sao?
– Tao tránh gặp mặt! Có lẽ làm vậy đỡ phiền, ông ấy khỏi phải khó xử.
– Hắn quả tệ thật! Đểu! Còn Tố Oanh cũng hay! Tao thấy nó cứ trơ trơ cái mặt, mỗi lần đến đóng hụi, tao kêu nó ở lại chơi, nó lắc đầu nguầy nguậy bảo rằng bận lắm.
Phượng vẫn không đổi cái giọng đều đều:
– Chắc chị Oanh bận thật! Bả đi suốt ngày, tối về lăn ra ngủ, mà hôm nào về sớm nhất cũng mười một giờ. Oanh có nói với tao độc nhất một câu ″Chị không hề yêu Trường. Hắn với cái xe tải cũ kỹ của hắn chỉ là một phương tiện sắp lỗi thời”. hôm ấy Oanh say bí tỉ, tao phải nhủ lòng đừng buồn khi nghe người say nói. Đến bây giờ, mấy tháng qua rồi, tao không nghe Oanh nhắc gì cả.
Còn Trường hầu như không ghé nhà tao. Thế là xong cái chuyện mà tao nghĩ sẽ khó khăn vô cùng khi phải ép trái tim mình, luyện cách nói để nói với người mình từng yêu và bà chị từng chung bụng mẹ chui ra một lúc với mình.
Giọng Tố Phượng bâng khuâng:
– Tao đã lầm! Chỉ có tao ngu ngơ, khờ dại nên mới thấy ″vấn đề” khó giải quyết thôi. Với hai người nhạy cảm và sống rất thật vì mình kia thì điều ấy chẳng có ý nghĩa gì. Ngay cả một lời an ủi cũng không ai cho, tao có cảm tưởng mình mồ côi mày ạ. Cha chết, mẹ có chồng khác, chị vô tâm, người tình gian dối. rất nhểiu lúc tao nghĩ đến mày, nhỏ bạn thân. Mày giúp đỡ chị em tao rất nhiều. Nhưng tao ngại đến thường vì ở cạnh mày còn có anh Triết, biết anh ta có thích kẻ khác chia sẻ tình cảm với người yêu của mình không?
Mai Nhi lộ vẻ bất bình:
– Sao lại nghĩ vậy! Triết là mẫu đàn ông vị tha, rộng lượng, ảnh sống rất tình người. Không phải tao khoe người yêu của mình nhưng thật sự Triết là như vậy.
Ở ảnh có vẻ gì lý tưởng đến mức kẻ khác cho rằng ảnh ngông, sống ở trên mây, rờm đời, đạo đức giả.
Nhẹ nhàng đặt cái tách đã sạch bong vào rổ, Nhi nói tiếp:
– Nhưng tao hiểu Triết hơn ai cả. Thời buổi người ta sống ào ào chẳng cần đạo đức luân thường thì Triết là một hạt ngọc, không tỳ vết. Dù bị vùi dập đến đâu thì ngọc vẫn là ngọc, nó vẫn có ánh lóng lánh riêng của nó.
Tố Phượng ngừng tay nhìn Nhi rồi thầm nghĩ:
“Hình như mình chưa bao giờ có những nhận xét hay cảm tưởng nào tượng tự như vậy cho Trường. Tình yêu của mình đối với anh ta đơn giản quá. Thì ra yêu đâu phải cần có một người bên cạnh để nhung nhớ lúc chia xa, yêu nghĩa là phải biết chia sẻ, hy sinh ...”.
Giọng Mai Nhi vang lên cắt ngang dòng nghĩ của Phượng:
– Trước đây tao sống rất khác bây giờ. Đầu óc quen tính toán làm ăn khiến tao cũng tính toán khi yêu. Tao đã sai bài toán tình yêu đầu đời với một gã đàn ông nhiều tuổi, kẻ đã dạy tao chạy mánh, dạy tao cách sống bằng tiền. Cũng may tao đã gặp Triết, cảm động trước sự chân thật của anh ấy, tao yêu và dần dà nhận ra mình. Nếu nói Triết đã cảm hóa tao thì hơi quá, phải nói ảnh đánh động những cái đẹp còn lại trong tao bằng chính con người và tình yêu của ảnh.
– Khi yêu, ai cũng nói về người yêu của mình nghe hay ơi là hay!
– Tao chỉ nói rất thật về Triết chớ tao không nói hay về ảnh.
Tố Phượng cười. Cô rắc đường lên những khoanh khóm cắt mỏng rồi rót vào tí rượu trái cây. Mở tủ lạnh, Phượng cho tô khóm vào, cô lấy cho mình một ly nước lạnh và từ tốn uống từng ngụm nhỏ.
– Tao về thôi Nhi à!
Mai Nhi giãy nảy lên:
– Giỡn hoài mày, tự nhiên đòi về!
– Ở đây giống kỳ đà ...thấy mồ!
Giọng Nhi quyết liệt:
– Phải ở lại trông nhà giúp, cho tao đi thu hụi.
– Hay chưa! Không có tao thì ai coi nhà cho mày đi thu hụi?
– Thắc mắc làm gì. Phải sắp xếp mọi thứ theo cái nó có. Tao biết mày không bao giờ từ chối giúp đỡ người khác, nhất là kẻ ấy lại neo đơn như tao.
Tố Phượng cười cười làm thinh. Cô không phải mẫu người thích nghe phỉnh nịnh, cũng như cô biết dễ gì Nhi cho cô về vào lúc nầy.
Phượng đã gặp Triết nhiều lần, và ở lần đầu tiên anh nhận ra cô là Tố Phượng. Hai người chóng thân thiết với nhau theo kiểu anh em, bè bạn có cùng xúc cảm, suy tư trước một vấn đề, một góc cạnh cuộc sống.
Đối với Tố Phượng, Triết có một tình cảm đặc biệt mà cô luôn nhìn thấy rất rõ trong đôi mắt sâu lắng, thông minh của anh. Có thể hai người rất hợp nhau ở một điểm nào đó, để Phượng phải tự nhủ với mình rằng:
Cuộc sống bao giờ cũng có ranh giới. Ai không biết được đâu là ranh giới của trái tim mình thì kẻ đó sống sa đà, không những họ sẽ làm khổ bản thân mà còn làm khổ những người khác nữa.
Phượng bồi hồi với xúc cảm chợt ùa đến. Đã có một lần cô ao ứơc phải chi người yêu của cô có tính như Triết:
Điềm đạm, sâu sắc lẫn mạnh mẽ trong tâm hồn, trong cách sống. Có thể trên đời nầy còn nhiều người đàn ông có lòng tốt thật sự lẫn sự tinh tế và hiểu biết rộng về con người, về tình yêu, về mọi thứ, nhưng cô chưa được gặp đó thôi.
Trở ra phòng khách với tiếng nhạc buồn buồn và với mùi hương hoa cẩm chướng ngọt ngào lan nhè nhẹ, Tố Phượng bất chợt thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết, dù việc quạnh quẽ một mình là việc rất thường xảy ra với cô.
Một lát nữa đây, Mai Nhi sẽ đi công chuyện về, Triết cũng sẽ đến, hai người sẽ rít rít bên nhau, còn cô sẽ góp phần cười hùn và nói vun vào cho câu đùa của Mai Nhi thêm phần hóm hỉnh duyên dáng, cho câu chuyện Triết kể thêm phần sâu lắng thâm trầm. Rồi cô sẽ về nhà lặng lẽ, âm thầm soi mình trong gương và cố dỗ giấc ngủ.
Bỗng dưng Tố Phượng thèm có một tình yêu thật sự như Nhi và Triết. Một tình yêu cả hai phía, người nầy yêu có sự đáp trả của người kia, hai người thu hút nhau, sống vì nhau và hoàn toàn bình đẳng, không ai phải nơm nớp lo sợ mất người kia vì mình yêu nhiều mà họ chỉ đùa chơi. Phượng ao ứơc một tình yêu bền bỉ và có sức mạnh đến mức nếu không lấy được nhau thì đó là điều đau đớn lớn nhất đời. Cô ao ứơc một mối tình mà cả hai phải biết liều mình dấu thân vì nhau không e ngại, nề hà kể cả cái chết.
Nhớ đến Trường, Phượng xót xa, tình yêu ấy hoàn toàn chẳng có chút gì như cô vừa ao ước. Đó không phải là tình yêu. Đó là một lỡ lầm. Một tình yêu phải là sự say mê thuần túy về tâm hồn, về cái thiện trước tiên, để cho toàn bộ sự xử sự với nhau phải trên cơ sở đó. Tình yêu phải là một khối tình duy nhất đáng tin đến độ người ta sẽ sống chết hy sinh vì nó. Đã có bao giờ cô yêu như vậy đâu, nên khi chia tay với Trường, cô lại tìm thấy sự thanh thản của tâm hồn, sự bình yên của trái tim ...
Tiếng xe ngừng rồi tiếng còi xe vang lên ngoài cổng. Chắc là Triết đến. Anh gàn không thèm đi nhờ Cub của người yêu mà chỉ cọc cà cọc cạch chiếc xe đạp cũ rích vì sĩ diện, hôm nay ngồi xe của ai thế? Phượng vừa ra mở cửa vừa thầm thắc mắc ...
– Nhi vừa đi độ năm phút. Nhi nhắn anh Triết chờ một tí.
– Chờ một tí đâu có sao. Người ta có thể chờ nhau hết cả đời để được có nhau mà.
Giọng Triết vui vẻ vang lên kèm theo tiếng gọi ngược về hướng cổng.
– Vào đây Đình, mày đi đâu vậy?
Phượng nghe ai đó vừa bước trở ra vừa đáp:
– Toa mua gói thuốc rồi vào ngay!
Triết dựng xe sát mé sân và hỏi:
– Phượng đến lâu rồi phải không?
– Sao anh Triết biết hay vậy?
– Dễ thôi, vì có đến chơi lâu Mai Nhi mới nhờ ...trông nhà để cô ấy đi công chuyện.
Rất duyên dáng, Phượng vừa bước theo Triết vào phòng khách vừa trêu:
– Trên đời nầy anh Triết là người biết và hiểu Nhi nhất.
Khoan khoái ngả mình trên ghế, Triết trầm giọng:
– Hy vọng là như thế! Hiểu một cô gái nhất không có nghĩa là hiểu hòan toàn về cô ta. Hiểu hoàn toàn một cô gái nào đó họa chăng có thựơng đế tối cao.
Tố Phượng nghiêng nghiêng mái tóc dài được kết thành một bím to trông rất dễ yêu:
– Hiểu hoàn toàn một người đàn ông nào đó theo em lại là điều không tưởng:
– Chẳng lẽ bọn đàn ông chúng tôi khó hiểu dữ vậy sao?
– Không phải đàn ông các anh khó hiểu mà là không thể hiểu được.
Triết dài giọng hơi chế giễu:
– Phượng khe khắt quá khi nói như vậy. Hãy yêu đi rồi sẽ thấy bọn đàn ông đáng ghét kia cũng có lắm cái dễ thương.
Tố Phượng cười theo tiếng cười sảng khoái của Triết. Mắt cô chợt dừng lại nơi cửa. Người đàn ông đi chung với Triết đã vào đến, anh ta đang nhìn cô trân trân, như vừa lạ, vừa quen vừa ngạc nhiên về một điều gì đó khó đóan ra nhưng đầy thú vị. Môi Phượng vẫn chúm chím cười rất dễ thương, nhưng trước cái nhìn dữ dội của người đàn ông lạ, cô bỗng đâm ra lúng túng và mau chóng rúc vào lớp vỏ nhút nhát của mình. Cô chớp liên tục đôi mi cong, rồi mở to đôi mắt đen tròn nhìn sang Triết dò hỏi:
Anh khách lạ xem ra khá quen với căn phòng nầy. Anh ta ngồi xuống kế bên Triết, mắt vẫn thích thú nhìn cô như vừa giải mã xong một điều bí ẩn. Triết chợt lên tiếng:
– Xin giới thiệu đây là Đình, bạn rất thân của tôi, còn đây:
Tố Phượng bạn rất thân của Mai Nhi. Hai người cứ tự nhiên nhe!
Dứt lời, Triết đứng dậy:
– Nhường phần làm chủ nhà cho tôi. Quý vị “đại biểu” ngồi đây, tôi vào tìm nước uống.
– Làm vậy sao được! Phượng muốn Nhi về rầy ...rà tôi vì tội không biết ga lăng với phái yếu chắc?
Quay sang cười rất tươi với Đình, Triết bước thật dài vô bếp.
Tố Phượng bắt đầu lúng túng thật sự. Bao giờ tiếp xúc với người lạ, bất kỳ nam nữ Phượng cũng lúng túng. Cái nhược điểm cố hữu lâu đời vẫn còn bám lấy cô, dù cô đã ra đời, đi làm việc, tiếp xúc với biết bao nhiêu người khá lâu rồi.
Đình bắt đầu với giọng đàn ông trầm ấm:
– Tố Phượng có chị hoặc em là Tố Oanh phải không?
Phượng khe khẽ gật đầu. Thì ra cái nhìn ngạc nhiên lẫn thú vị của anh nãy giờ là vậy. Cô chợt nhớ ra họ tên trọn vẹn của Đình- Khuất Lâm Đình, cái tên mà một buổi sáng nào đó Tố Oanh vừa ngồi trang điểm trước gương vừa dè bỉu càu nhàu:
– Khuất Lâm Đình, chẳng biết có họ hàng gì với ông Khuất Nguyên bên Tàu không. Hừ! Tên nghe tràn đầy “chất” văn học mà người thì thật hắc ám. Chị chỉ mong lão ta ...khuất ...mắt chị cho rồi. Giám đốc gì mà đối với nhân viên thôi là tệ ! Lão ta có vẻ tự phụ, tự mãn và cho mình hơn hết mọi người. Cặp mắt lão chẳng hề nhìn tới ai ...Hừ! Biết thế cứ làm thư ký cho ông Duy còn thích hơn nhiều Hôm ấy nghe Oanh lầm bầm, Phượng biết chị mình rất bực dọc ông sếp mới.
Nếu không, dễ gì cô hé môi dầu chỉ để trút bầu tâm sự với em gái, trừ khi cô đanh quá tức tối. Thế nhưng dù nghe chị lầm bầm, Phượng cũng chẳng biết vì đâu Oanh tức giận.
Lúc đó Phượng lại thấy tội chị, nhưng cô chỉ im lặng. Với Tố Oanh, cô bao giờ cũng im lìm giấu suy nghĩ, cảm xúc của mình vào trong, làm như vậy rõ là cô ích kỷ, nhưng cô chẳng biết mình phải làm sao hơn.
Bây giờ, ngồi đây với “lão giám đốc” của Oanh, Phượng bỗng tò mò muốn xem lão ấy hắc ám đến cỡ nào. Cô trấn an mình, nghiêm mặt lại và nhìn ...lão ta.
Xem nào! Anh ta trạc ngoài ba mươi tuổi, cái tuổi “tam thập nhị lập” nầy có cái chức tổng giám đốc làm Đình có nét rất trầm tĩnh và đạo mạo. Dĩ nhiên đó là những nét đặc trưng mà nghề nghiệp tạo ra cho anh ta thôi. Còn cá tính của Đình có lẽ ẩn ở đôi mắt ấp ám sâu lắng và khá đẹp. Cái đẹp không mơ màng lẳng lơ như đôi mắt của Sang, cũng không táo tợn đến nhiều lúc sỗ sàng ham muốn như mắt của Trường. Đôi mắt của Đình nghiêm nghị nhìn người khác, cũng không giống đôi mắt Triết tìm tòi, phê phán, giễu cợt.
Tố Phượng chớp bờ mi. Một người có đôi mắt và lối nhìn hay hay như thế nầy mà bị quở là lão ...hắc ám thì cũng tội. Rõ là chị Oanh không công bằng khi nói về “thủ trưởng” của mình, còn lý do gì để Oanh phải nói vậy, Tố Phượng chẳng tài nào đoán ra.
– Có lẽ Phượng đang ngắm nghía để dò xem những lời Tố Oanh nói về tôi đúng hay sai. Phải không?
– Sao anh Đình lại nghĩ vậy?
Vừa nghe nóng bừng cả mặt, vừa bối rối tột cùng, Tố Phượng chỉ yếu ớt hỏi trả lời lại rồi đưa tay vuốt nhẹ những cọng lá măng dịu dàng mềm mại nằm trong lọ hoa. Cô có cảm tưởng Đình đã thấu tim đen đỏ của cô, qua câu hỏi đột ngột có vẻ như ...muốn ...kiếm chuyện vừa rồi. Cô cắn đôi môi ấm ức:
Xem ra lão ra hắc ám thật! Lời mở đầu xã giao nghe thật khó có cảm tình. Bộ lão ta nghĩ chị em nhà mình chụm vào là chỉ để nói về những người như lão hay sao ấy? Đúng là kẻ tự cao, tự đại. Với suy nghĩ đó, tự nhiên Phượng lại nói những lời bênh vực Oanh:
– Chị Oanh chưa bao giờ nói như than phiền về bất cứ ai trong chỗ chị ấy làm việc ...Thì ra anh Đình là ...đồng nghiệp của chỉ à?
Triết cũng vừa bưng nước ra, anh cười to khi nghe cô hỏi như thế:
– Không phải là đồng nghiệp, mà là thủ trưởng.
Tố Phượng liếc nhẹ về phía Đình, giả vờ:
– Vậy mà Phượng đâu có biết. Anh Triết có bạn thân làm to ghê!
Phượng thoáng thấy Đình cười, nụ cười nửa miệng đầy thách thức như ngầm bảo rằng “tôi biết tỏng chị em nhà cô đã nói gì về tôi, nhưng có ai làm gì được tôi đâu, qua các câu chuyện đàn bà ấy!”.
– Mời quý vị uống nước.
Đình lịch sự đưa ly nước tận tay Tố Phượng, cô lại bối rối nhìn bàn tay với những ngón dài của anh và lí nhí cám ơn. Trong lòng cô sự e ngại khi thấy người khác phái tỏ vẻ thân mật, chăm sóc mình vẫn mãi là câu chuyện cảnh giác.
Cô hớp một ngụm nhỏ rồi đặt ly xuống bàn, ngón tay trỏ của Phượng buồn buồn vẽ vớ vẩn quanh thành ly, hơi nước mát lạnh làm cô dễ chịu và tự tin hơn.
– Tôi và Triết có thể hút thuốc được chứ Tố Phượng?
– Dạ được! Phượng không sợ phải hít vài hơi khói bay lạc đâu. Vả lại, trong phòng khách có các ông mà chẳng có khói thuốc là cả một thiếu sót nếu không nói là vô vị.
– Tại Mai Nhi nhờ em trông nhà, đón tiếp khách quý của nó, em phải làm tròn phận sự chớ sao bây giờ. À quên! Còn món khóm ướp đường để tủ lạnh, món “ruột” của anh Triết, em đem ra ngay.
Tố Phượng đứng dậy lấy chiếc gạt tàn thuốc hình con cá để ở góc nhà đem ra bàn rồi bước vào trong.
Đình phà một hơi thuốc dài, nhìn những cánh cẩm chướng hồng lợt đang run rẩy yếu đuối mỗi lần có một đợt quạt máy quét ngang. Anh nói trống không:
– Hai người giống nhau y hệt, nhưng lại khác nhau hoàn toàn.
Triết trêu lên:
– Mày khá đó, mới xã giao dăm ba câu mà đã thấy được như vậy, rõ cũng là bậc lõi cao cấp về đàn bà con gái.
Đình nhếch môi hơi tự phụ:
– Mày quên rằng Tố Oanh là nhân viên của tao. Trong công việc, tao phải biết rõ người của mình. Bây giờ gặp Tố Phượng dĩ nhiên tao nhận ra sự khác nhau của chị em cô ta chứ.
Triết nheo mắt:
– Theo mày thì Tố Phượng là người như thế nào?
Đình thản nhiên gạt thuốc vào tàn:
– Cô gái nầy có thể vì người khác hơn là vì mình. Còn chị cô ta thì ngược lại.
Triết cười:
– Có bao nhiêu đó thôi sao?
Đình so vai:
– Tao có phải thầy bói đâu mà biết nhiều hơn nữa, mà biết hơn để làm quái gì?
Có thể cô ta trở thành một nhân vật nữ rất khả ái nào đó trong tiểu thuyết của mày. Còn với tao hả, nội cô chị không đã phát ngán, tìm hiểu thêm cô em chi cho rộn chuyện.
Triết lắc đầu:
– Lúc nào mày cũng né tránh tránh đàn bà con gái, hèn chi tới giờ vẫn ế vợ.
Bây giờ mày là kẻ nắm quyền hành trong tay, nhưng quyền hành mà ở trong tay kẻ có trái tim sắt thì ...thì ...
Triết ngừng nói. Anh và Đình cùng nhìn gương mặt Tố Phượng ân cần chân tình.
– Anh Đình và anh Triết ăn thử món khóm của Mai Nhi làm xem. Ngon lắm đó!
Cô dịu dàng đặt hai chiếc đĩa nhỏ màu trắng đựng những khoanh khóm được cắt ra làm nhiều miếng nhỏ xuống bàn.
– Ăn khóm, ngồi chờ người yêu càng xót ruột dữ hả anh Triết? Chắc Nhi cũng sắp về tới.
“Hình như cô ra áy náy, lo lắng một điều gì như sợ mình sơ suất khi làm việc bạn nhờ” – Đình vừa ghim miếng khóm có mùi rượu lên vừa nhận xét tiếp:
“Đúng là cô gái nầy có thể sống vì người khác hơn là vì bản thân mình”.
Lòng anh chợt trĩu xuống một niềm ân hận:
“Lẽ ra ta không nên nói với Tố Phượng câu mở đầu đột ngột và xốc xược như vậy. Có lẽ ta đã bị Tố Oanh làm lệch tầm nhìn lẫn sự suy nghĩ, nên khi trông thấy Phượng ta đã cố tình khích bác nàng ...trong khi đôi mắt Phượng vẫn vô tư nhìn ta đầy thiện ý”.
Triết lên tiếng:
– Phượng không ăn à?
– Em ăn rồi ...em sợ rát lưỡi lắm!
Triết đùa:
– Hèn gì! Rát lưỡi nên nói nhiều hơn bình thường.
Tố Phượng chợt thấy mình tự nhiên hơn, cô trả đũa:
– Không nói thường hay bị ăn hiếp. Nên dù chẳng muốn, em cũng phải nói thật nhiều cho người ta sợ.
Đình giễu cợt:
– Bộ Phượng hay bị ăn hiếp lắm sao? Tôi lại nghĩ, thiên hạ nể kẻ nói ít hơn sợ người ba hoa ấy chứ!
Phượng chớp mi. Cô có cảm giác Đình cố ý nói cô ba hoa, rồi trách mình tự nhiên lại tạo cơ hội để người lạ mai mỉa, cợt đùa. Phượng lúng túng chuyển sang chuyện khác.
– Sách anh Triết sắp xuất bản chưa? Em đang nôn nóng được một cuốn sách có chữ ký đề tặng của tác giả lắm đó.
Im lặng một thoáng, Triết cười gượng gạo:
– Tôi còn nôn ký tặng hơn cả Phượng, nhưng tiếc quá, đâu vẫn yên đó, chưa in Phượng à!
Tiếng kèn xe rè rè quen thuộc của Nhi vang lên như một chuỗi âm thanh khàn tiếng là cái cớ để Triết né đụng tới vấn đề “sự nghiệp” của mình. Anh bật dậy khỏi ghế:
– Bà chủ hụi yêu dấu về đến rồi! Phải ra mừng ngay mới được!
Còn lại hai người bị rơi vào khoảng trống của im lặng. Phượng hướng nét mặt của mình lên vách tường nơi có treo chiếc đồng hồ ẩn trong bức tranh ba bốn con mèo Xiêm thật đẹp. Cô biết Đình đang nhìn cô. Gã đàn ông nầy có gây cho cô một ấn tượng nào đó, mơ hồ cô chưa đoán ra, nhưng về cảm tình thì không. Lâm Đình là bạn thân của Triết nhưng anh ta khác Triết nhiều lắm. Một đằng tế nhị, mềm mại, dí dỏm, một đằng cao ngạo, khô khan và ...như là bất lịch sự. Hắn có thể khác đi được không?
Bỗng nhiên cô nghe tiếng Đình vang lên:
– Có bao giờ Phượng thấy mình hòan toàn giống Oanh không?
Lại một câu hỏi vô duyên nữa! Anh ta không biết đó là điều tối kỵ với cô sao?
Phượng chợt chua chát:
– Khi ngồi một mình và nhìn bóng mình trên vách, Phượng thấy mình hoàn toàn giống chị Oanh.
Đình cười. Anh gật gù kiểu người lớn, cái gật gù tán thưởng quen có ở một giám đốc quyền uy:
– Câu trả lời rất tuyệt! Người nầy có thể hoàn toàn giống cái bóng người kia.
Một cái bóng dẫu không muốn vẫn đeo bám theo ta suốt cả cuộc đời. Một ẩn dụ thông minh đầy chua xót của số phận.
Giọng Đình trầm hẳn xuống ở cuối câu, rồi đôi mắt đẹp ấm áp có tia nhìn nghiêm nghị của anh chăn chú hướng về Phượng làm cô khó chịu. Anh ta bâng quơ nói tiếp làm Phượng hoang mang:
– Tâm hồn và chiếc bóng là hai thứ khác nhau. Cô gái nào có tâm hồn sâu lắng ẩn tận vào trong trái tim là cô gái đáng quý. Cô ta là người sống vì người khác, và sẽ là người bạn tuyệt nhất của kẻ nào đã từng vấp ngã trong cuộc sống.
Phượng nghe buốt trái tim. Gã đàn ông cao ngạo, khô khan và bất lịch sự kia vừa ...hát bài gì vậy? Hắn muốn ám chỉ ai? Và ẩn ý gì mà thản nhiên nói điều hắn ta nghĩ một cách tự tin, y như rằng đó là chân lý. Cô gái có tâm hồn sâu lắng, rồi gì gì nữa mà hắn vừa kể ra chắc không phải là Phượng. Vì hắn nào biết gì về cô, một người mới nói vu vơ vài câu xã giao bắt buộc với hắn. Có lẽ Lâm Đình muốn nói đến chị Oanh thôi!
Cái mặc cảm lâu nay ẩn trong lòng của Phượng chợt bừng bừng trỗi lên khi nghĩ có kẻ đem cô ra so sánh với Oanh. Cô không thể và không bao giờ như Tố Oanh được. Với đàn ông, chị cô mau chóng thu phục cảm tình và dễ đưa họ vào vòng tình ái cợt đùa, lấp lửng của chị ấy. Còn cô, bao giờ cũng được nghe những lời yêu gian dối. Với thầy Sang người cô không yêu, rồi với Trường người cô trao trọn mối tình đầu cũng vậy. Họ đã cợt đùa và giả dối với một cô gái yếu đuối nhẹ dạ, để sau đó lao vào vòng tay cuồng mê của một cô gái táo bạo, sâu sắc. Lâm Đình chắc cũng vậy thôi. Có chăng anh ta khác ở Sang và Trường ở chỗ không tặng một lời khen giả dối nào cho cô, để lấy lòng cô làm đường tiến thẳng đến trái tim bà chị.
Mai Nhi hồ hởi bước vào với một giỏ xách, cô reo lên thay câu chào:
– Em biết tối nay thế nào cũng khách quý nên đã mua về vài món ...Anh Đình không được chê nhe!
Đình vui vẻ:
– Ai lại đi chê lòng hiếu khách bao giờ!
Khẽ nhìn sang Tố Phượng, Đình nửa đùa nửa thật:
– Nhi có tội lớn lắm đó!
Hấc mặt lên, Nhi hỏi một cách thách thức:
– Tội gì mới được cơ chứ!
Đình bỗng cất giọng nghe rất chải chuốt:
– Người ta có tới hai chị em giống y như hai giọt sương mai lấp lánh, vậy mà tận hôm nay anh mới được biết. Không phải tội của Nhi thì tội của ai?
Nhi bật cười:
– Chỗ ông Duy cần một thư ký thì em giới thiệu một người thôi. Phải chi anh cần một chỗ vẫn còn trống trong tim thì em sẽ giới thiệu cả hai cho anh chọn.
Tố Phượng đỏ mặt, lòng thầm trách Nhi cợt đùa quá lố. Cô đứng dậy đem bình đựng đá cục xuống bếp nhưng vẫn nghe tiếng Nhi rõ to:
– Nhưng bây giờ hai người quen nhau rồi phải không? Phải có cả Tố Oanh nữa thì hay biết mấy.
Giọng Đình chế giễu:
– Nhi nghĩ là như vậy à!
– Chính anh xui em nghĩ vậy chớ ai. Có cả hai chị em, anh hết bắt ...tội em.
Quay sang Triết, Nhi cười cười:
– Hai người cứ ngồi tán gẫu. Đúng mười phút nữa chúng ta sẽ làm một chầu, em có ...tha về mấy lon bia.