Tố Phượng cúi gằm mặt vào trang vở trên bàn, cô cố tập trung nhớ những câu mình đọc nhưng không cách nào nhớ được. Trong lớp, bọn con gái cứ tụm nhum lại xì xào, thỉnh thoảng chúng lại phá lên cười.
Chuông vào học hơn mười phút rồi mà giáo viên vẫn chưa đến lớp.
Dũng trưởng lớp từ hành lang chạy vào đưa tay lên trời, mặt cười hớn hở:
– Về các bạn ơi! Thầy Sang nghỉ!
Một tiếng huýt gió nghe xé tai. Rồi giọng con trai ồ ồ vang lên:
– Ha ...ha ...Thầy được tạm nghỉ dạy để chuẩn bị cưới vợ kẻo không kịp trong năm nay như lời của chiêm tinh gia Yến Thu đã phán.
Dũng nhăn mặt:
– Đề nghị các bạn trật tự vì lớp kế bên đang học. Các bạn không được phát biểu linh tinh. Tối hôm qua là ca trực của lớp mình, các bạn nói bậy là các bạn chịu trách nhiệm nghe.
Giọng Vũ chôm chôm vang lên:
– Chẳng kẻ nào dại mà đi nói bậy. Nhưng khi nói về sự thật, người ta thích thêm thắt cho nó diễn cảm, ướt át, muồi mẫn cho nó trở nên thật hơn cả sự thật thôi.
Hồng Loan đanh đá:
– Nghe sự thật cũng đã đủ chết người rồi. Mấy bạn còn muốn sự thật hơn cả sự thật nữa thì đúng là các bạn không có lương tâm.
Bọn con trai đập bàn ầm ầm. Vũ chôm chôm cảm thấy như được ủng hộ, bèn vuốt mái tóc ngắn chĩa chĩa ra như trái chôm chôm rồi nhảy lên đứng chắp tay sau lưng trước bảng đen, giọng sang sảng như đang giảng bài:
– Mấy cô biết gì mà lý sự! Khi nói là “sự thật hơn cả sự thật” tức là chúng ta nói đến cái điển hình ...của sự thật. À! Biến cái sự thật ấy thành hình tượng ...À!
Hình tượng văn học ...khi sự thật đã trở thành hình tượng thật sự rồi nó sẽ nhanh chóng đi vào trái tim các cô. À! Để từ đó ...nó ...nó ...À! ....nó ...
Yến Thu sừng sộ:
– Đề nghị bạn trở về chỗ. Bục giảng không phải nơi ai muốn lên đứng nói xàm cũng được đâu!
Vũ xụ mặt:
– Làm gì dữ vậy! Mình có dám thế thầy Sang đâu mà bọn ong óng:
Bọn con trai cười rần rần và kên lên:
– Xuống! Xuống! Vũ ơi là Vũ, đừng phấn khởi trước tin thầy Sang lấy vợ mà phát biểu nghe “phô” quá ...Thầy cưới cũng chỉ được một vợ mà thôi. Còn thì chừa cho mày ...
Tố Phượng xếp vở lại, cô gom mọi thứ vào xách tay rồi bước ra hành lang.
Chân cô hôm nay vẫn còn đau, bọn con gái nhìn cô khập khễnh mà tội. Mai Nhi ra theo đi kế Phượng, cô hỏi:
– Phượng! Oanh có nói gì với mày không?
Tố Phượng ngập ngừng:
– Nói về chuyện gì?
Mai Nhi đeo chiếc túi xách bụi đời trên vai:
– Chuyện trực trường hồi tối.
Phượng nhìn Mai Nhi khe khẽ lắc đầu, dầu cô cũng đoán ra việc gì rồi:
– Mà chuyện xảy ra như thế nào vậy Nhi?
Mai Nhi kéo Phượng ra ngồi trên ghế đá dưới cây bàng lá đỏ. Cô sắp xếp những ý mình sẽ nói trong đầu rồi ngước mặt lên nhìn Phượng:
– Hồi tối chắc thầy Sang lầm hai chị em nhà mày. Cũng tại tụi tao đùa, bảo với thầy rằng Oanh là Phượng, gặp lúc thầy hơi ngà ngà nên đâu nhận ra. Thầy vào phòng trực lâu rồi một lúc trở ra, ổng gọi con Oanh đến phòng trực nhờ cộng điểm gì đó. Bọn tao ở ngoài nói chuyện tào lao cũng quên để ý. Tao đang mơ mơ ngủ thì nghe tiếng cô Trang hét lên như bị cái gì khủng khiếp, đau đớn lắm. Cả bọn hết hồn chạy lại thì thấy cô Trang té ngồi trước phòng trực của thầy Sang, hai tay ôm lấy mặt la khóc om xòm. Cô Thoa hình như đang ngủ cũng chạy vội đến một lúc với bọn tao. Tất cả ngơ ngác nhìn cô. Trong phòng, thầy Sang bước ra. Cô Trang đứng phắt dậy hét lớn:
– Đồ điểu giả, vô lương tâm! Thầy giáo mà đi mò mẫm học trò.
Cả bọn mình chưng hửng trước câu nói như ...búa tạ của cô, nên chỉ biết im lặng nhìn nhau. Cô Trang lại lồng lộn lên:
– Anh ...anh là một thằng Sở Khanh!
Tội nghiệp cô Thoa! Lúc ấy mặt cổ cũng tái mét tái xanh, cổ run rẩy ôm chặt cô Trang lại, miệng lắp bắp:
– Bình tĩnh Hồng Trang! Đừng la như vậy không nên!
Thầy Sang với gương mặt lầm lì, lạnh lùng đưa mắt nhìn cô Trang:
– Tôi không ngờ có người đi rình rập những việc riêng tư của người khác như chị. Tôi làm gì mà chị lại dám mạt sát như vậy?
Cô Trang hơi hẫng trước cách xưng hô và cử chỉ lạnh lùng của thầy, nên cô đã nhảy dựng lên như đĩa phải vôi.
– Làm gì à! Con bé đó còn trên giường của anh kia kìa.
Thầy Sang tức giận:
– Thì đã sao! Chúng tôi chẳng làm gì sai quấy. Tôi đang nhờ em ấy phụ cộng điểm.
Cô Trang hét lên:
– Láo! Anh ...anh ...và con bé mới nứt mắt ấy xoắn lấy nhau.
Cô Thoa bịt miệng cô Trang lại, năn nỉ:
– Trang ơi! Bình tĩnh lại đừng la hét như vậy! Cả anh Sang cũng thế!
Lúc ấy thầy Sang bình tĩnh lại. Thầy bước đến bên cô Thoa, nhỏ nhẹ:
– Thoa! Đừng hiểu lầm, tôi làm điều gì xấu cả.
Quay sang bọn tao, thầy bảo:
– Các em về nơi trực đi!
Một lúc sau Oanh mới ra. Mắt đỏ hoe, Oanh vừa khóc vừa kể:
– Khi vào phòng thầy, Oanh cũng lo lắm vì nghe các bạn nam ở lớp nói thầy uống rượu vào có tật quờ quạng. Oanh bảo để Oanh xuống kêu thêm các bạn lên phụ cho nhanh thì thầy không chịu, thầy nói “đông đứa vừa làm vừa giỡn ồn ào, lộn xộn dễ sai sót hơn là làm một mình”. Thầy ngồi chỉ cách cho Oanh làm rồi ra giường nằm. Oanh ráng làm cho nhanh để xuống với các bạn. Vừa xong thì thầy kêu Oanh lại ...bắt gió dùm thầy ...Lúc ấy Oanh nghe tiếng cô Trang hét om sòm ngoài hành lang ...Trời ơi! Chắc chết! Oanh chưa tiếp xúc với thầy Sang lần nào cả. Tự nhiên va vào, đụng chuyện kỳ cục, thật khổ!
Mai Nhi nhìn Phượng đang im lặng, cô cười cười ranh mãnh:
– Phượng nè! Tao hỏi thật, điều nầy tao chưa nói với đứa nào cả ...Vậy chứ có thật là Tố Oanh chưa bao giờ đi chơi với thầy Sang không?
Phượng lắc đầu:
– Sao Nhi hỏi vậy?
Mai Nhi nhún vai:
– Tại nhớ hồi học năm thứ nhất, chuyện con Oanh lấy tên mày đi chơi với tụi con trai, đâu phải bọn tao không biết.
Ngẫm nghĩ một lát, Mai Nhi nói tiếp:
– Chuyện lẽ ra không có gì ầm ĩ. Tại cô Trang ghen quá, đong đỏng lên mới ra nông nỗi. Mà cô ấy cũng dở, làm như vậy mất mặt giáo viên. Không hiểu sáng nay cô Trang và cô Thoa đã nói gì với ban giám hiệu mà thầy Sang không được lên lớp.
Tố Phượng hỏi:
– Bộ mày nghĩ là thầy Sang bị đình chỉ công tác à?
Mai Nhi gật đầu:
– Thật là như vậy chớ tao đâu có nghĩ gì đâu, thầy nói với Dũng mà ...Chuyện nhỏ xé ra to. Ông thầy với học trò mà ở chung một phòng như y như rằng phạm tội. Tại sao người ta cứ nghĩ thế nhỉ? ...Mà cũng lạ! Bà Trang đâu là gì của thầy Sang, nửa đêm một mình tìm đến phòng của thầy làm gì để nhảy dựng lên. Cổ ghen khiếp thật, còn hơn vợ ghen chồng.
Mai Nhi nhìn Dũng đang chờ mình trước cổng, cô nói:
– Tao về trước nhe, để Dũng đợi nãy giờ rồi. Đừng lo! Có gì, bọn tao sẽ bênh con Oanh.
Phượng ngồi thừ ra ghế:
– Thế là bà Oanh đã cố đấm ăn xôi. Oanh đã cố tâm làm cho được điều mình muốn.
Sang nằm trên giường nhìn Oanh đứng trước gương chải tóc. Cô vừa hát nho nhỏ vừa vén những sợi tóc qua một bên.
– Tóc em dài quá, Oanh ạ!
– Anh không thích sao?
– Thích chứ!
Tố Oanh liếc mình trong gương rồi quay lại nhìn Sang, cô giả vờ cong người hất mái tóc ra sau. Bên trong chiếc áo ngủ mòng tanh, Oanh không mặc thêm một mảnh gì cả. Đó là thói quen của cô khi lên giường ngủ.
Sang thường đùa:
– Vợ anh có thói quen chết người khi đi ngủ.
Mà thật thế! Cứ nhìn thấy Oanh gần như khoác hờ hững chút khói sương như vậy là Sang không thể nằm yên được. Anh cứ lao vào cô vợ trẻ suốt đêm nầy qua đêm khác rồi mệt nhoài lăn ra ngủ say như chết. Oanh càng ngày càng đẹp ra, lộng lẫy, quyến rũ và tuyệt vời trong vòng tay dạy dỗ của thầy Sang. Cô bé học trò ngày nào giờ nghiễm nhiên có quyền lực tuyệt đối với ông thầy đẹp trai hơi hảo ngọt. Anh chồng ham hố những trò chơi xác thịt bị con búp bê trói chặt, ngày càng ròm rõi xanh xao, chẳng khác những tay trác táng thâu đêm.
Sang đã ngủ say. Oanh nhẹ nhàng đắp mền ngang người cho chồng. Cô uể oải vương vai nằm vùi kế bên. Nhìn Sang ngủ ngon lành, Oanh ấm ức thở dài.
Dạo nầy rõ là sức khỏe anh suy yếu. Anh chỉ làm cô bực bội thôi khi anh muốn chứng tỏ mình vẫn là người mạnh trên giường và cả trong gia đình. Sang luôn nghĩ mình là chồng, là người có quyền tuyệt đối với vợ, vì dù sao anh cũng là người thầy trước khi là người chồng cô cơ mà!
Oanh hiểu Sang cũng rất lo, vì đối với anh, làm tình là một nhu cầu không thể nào thiếu được, với anh nhu cầu ấy như ăn, như ngủ vậy ...Rồi càng lo lắng, Sang càng lao vào một cách cuồng nhiệt như để lấp đi cái mặc cảm mà anh ngỡ rằng cô vợ trẻ ngây thơ của anh không biết. Để sau phút giây ngã rớt vì đuối sức, anh ôm hôn vợ tới tấp lên gương mặt giận dỗi của vợ như nhận lỗi rồi lăn ra ngủ.
Oanh lại trở mình. Có lẽ đêm nay cô sẽ khó ngủ(!) cô về sống với Sang mới đó mà đã hai năm, yên ổn và dường như hạnh phúc (?) Gần đây bà Phan mẹ chồng cô hay nói gần nói xa nghe mà nhức mình ...Nào là lúc nầy thằng Sang sao mà xanh xao, mệt mỏi, ăn uống tẩm bổ bao nhiêu cũng như không, trong khi vợ nó ngày càng phây phây, càng trắng da dài tóc. Rồi bà đắc ý khoe với mọi người. Ai có phước ba đời mới làm dâu nhà bà.
Tố Oanh để ngoài tai tất cả những lời ấy. Cô nhớ lại và thấy rõ là từ cái nhìn đầu tiên cô đã không có chút cảm tình với người đàn bà mà cô sẽ gọi là mẹ, dù bà ta đẹp và sang lắm. Sang giống mẹ hơn giống cha ở cái đôi môi đỏ, mỏng nhưng trông lại tham lam, ham hố về xác thịt mới kỳ lạ. Bà Phan không như những bà mẹ chồng khác độc ác, khó khăn với nàng dâu như Oanh thường nghe người lớn kể, cô càng thấy hình như bà có điều gì giả dối với cô chừng nấy.
Ngôi nhà ba tầng đồ sộ của cha mẹ Sang cũng là một tiệm bán quần áo may sẵn khá lớn. Lúc mới về, cô tỏ ý muốn phụ ba mẹ chồng trong việc làm ăn nhưng không ai đồng ý. Sang và cô không phải động móng tay vào bất cứ chuyện gì trong nhà, ông bà Phan đã có người phụ. Mà hình như buôn bán quần áo chỉ là bề ngoài, bên trong ba mẹ chồng cô có buôn bán thứ gì khác nữa mà có lẽ cả Sang cũng không biết.
Oanh nghiêng người nhìn chồng. Rõ là gương mặt đẹp của Sang có nét gì không trọn vẹn, phải chăng nét đẹp của anh là nét đẹp của người thích sống về nhục dục, nó thiếu mất phần trong sáng của nét cơ bản cần phải có của tâm hồn?
Rồi nữa, về sống chung với anh, cô mới nhận ra tất cả những vòng hào quang, câu thơ đều là ảo tưởng. Sang chỉ là một người yếu đuối, ỷ lại. Anh hoàn toàn không có một suy nghĩ nào về sự tự lập của mình cả. Anh lười biếng và thích hưởng thụ, ích kỷ nhưng lại rất tự cao, không có năng lực thật sự ngay cả trong chuyên môn nhưng hay khoe khoang phách lối. Dần dà, Oanh hiểu ra và biết ra nhờ miệng của những người trong trường rằng:
Tiết dạy của anh sinh viên thích, chẳng qua anh có khiếu nói năng lưu loát, dẫn chuyện tầm phào vào bài dạy, khi thi thì tập trung giới hạn và ôn tập ngay trọng tâm nên bảo đảm sinh viên làm được bài của môn anh dạy. Lúc đầu vì bênh chồng, Oanh cho rằng người ta cố tình nói xấu anh nhưng rồi từ từ cô đã nhận ra sự thật.
Oanh nhắm mắt. Cô muốn ngủ để ngày mai có sức khỏe đi làm. Một ngày buồn tẻ lại trôi qua. Lâu rồi, Oanh không còn nhớ những ước mơ của cô trước lúc có chồng.
Tố Oanh đóng dấu vào tờ giấy giới thiệu và đưa cho Hồng Trang, cô ta cầm lấy rồi quay người đi không một lời cám ơn. Oanh thản nhiên nhìn theo cái dáng kênh kiệu, khinh người đang cố tình gõ guốc thật mạnh ấy mà thầm cười thích thú.
– Rõ là cô ta vẫn còn hận mình lắm.
Sau đêm trực trường ấy, Sang và Oanh đã gánh chịu nhiều búa rìu dư luận.
Dù bào chữa là được bọn sinh viên của lớp trực ủng hộ cách nào, Sang cũng bị đình chỉ việc giảng dạy, cách chức phó bí thư và khai trừ khỏi Đoàn. Oanh lại bị xem như nạn nhân (!). Bên gia đình cô, ông Lợi cũng đến gặp riêng Sang để nói mềm nói cứng, nói nhạt nói ngọt, nói phải nói quấy với anh. Cuối cùng, Oanh đã thành vợ của Sang. Khi tốt nghiệp xong, Sang bằng miệng mồm khôn khéo, tiền bạc dồi dào đã chạy chọt xin cho cô ở lại trường làm công tác văn thư. Dần dà, cái ác cảm, cái dư luận xấu về cô cũng phai nhạt. Mọi người đa số mến Oanh vì dù sao cô cũng bé nhất trường, xinh đẹp, khôn khéo, biết trên biết dưới, chiều lòng mọi người từng chút. Thế nhưng duy nhất có Hồng Trang, cô không những ghét ra mặt mà còn xem Oanh như tình địch của mình. Dù cô đã có chồng trước khi Oanh là vợ Sang.
Hồi đó, bọn nam sinh viên kháo với nhau rằng chúng nó thấy tận mắt cảnh cô Trang khóc lóc, van vỉ thậm chí đòi tự tử trước mặt thầy Sang chỉ vì cô cầu xin thầy đáp lại tình cô, thế mà thầy Sang chẳng chút động lòng, lạnh lùng cười nhạt, bỏ đi uống bia với bọn sinh viên.
Rồi cũng từ bàn bia, lời tâm sự của thầy Sang được loan đi khắp các lớp ...Bọn con gái lại rù rì với nhau rằng thầy Sang sẽ cưới Oanh vì Oanh là cô bé trong trắng vô tội vạ, chỉ tại lòng đố kỵ đầy ác ý của Trang nên bị mang tiếng oan (?). Thầy Sang không vô lương tâm để cô bé khốn khổ vì do cái nựng cằm của thầy mà đánh mất duyên con gái ...Cả bọn con gái lại rúc rích cười khi nghe kể như thế. Thầy thú thật rằng trước vẻ đẹp như mơ ấy, thầy đã không ngăn được xúc cảm của một người đàn ông có trái tim nhạy cảm như thi sĩ nên đã nựng cằm, vuốt má, cho cô Trang nỗi máu ghen lên làm toán loạn. Chính lúc nhìn thấy Oanh run rẩy, rồi khóc nức nở vì sợ cô Trang là lúc thầy bồi hồi xúc động. Một đằng như nụ hoa hàm tiếu nghiêng ngả trong cơn mưa, một đàng nhảy dựng như ác phụ tru tréo chồng, thì hỏi sao thầy lại không yêu Tố Oanh chọn được.
Hồng Trang vì tự ái đi lấy chồng, cô lấy một người cao hơn mình rất nhiều tuổi đời nhưng lại thấp hơn mình rất nhiều về thước tấc. Đám cưới ở nhà hàng rất lớn. Oanh nghe kể, cô dâu hôm ấy thay không biết bao nhiêu chiếc áo mà đếm, thế nhưng những thứ quần áo ấy không nâng bằng được cái chênh lệch quá cỡ về chiều cao cũng như số tuổi của tân lang và tân giai nhân.
Tố Oanh vẫn cười nhớ lại “câu chuyện tình yêu” của hai người. Mọi việc điều do cô đạo diễn. Cô đã dùng nước mắt, mưu mô và danh dự của mình để có Sang. Oanh đã tính toán, sắp xếp, năn nỉ Sang rêu rao như thế với học trò để phần nào vơi chút uy tín còn lại của mình.
Dù tin hay không, cái điều chân- giả lẫn lộn ấy cũng giúp Oanh đạt được mục đích. Oanh đã là vợ Sang, là một nhân viên của trường mà bọn sinh viên những khóa đàn em mỗi bận đến liên hệ với phòng hành chánh quản trị đều phải một thưa cô, hai thưa cô răm rắp. Dù sau lưng bọn con trai, không thiếu đứa đã trổ mòi tán tỉnh bà cô trẻ đẹp, xinh xắn như con búp bê nầy.
Oanh lên đến lầu ba và bước vào phòng, cô thấy Sang ngồi lầm lì bên bàn viết. Anh đưa mắt nhìn đồng hồ.
– Gần sáu giờ rồi còn gì? Sao hôm nay em về muộn vậy?
Oanh hơi bực trong lòng nhưng cô vẫn nhỏ nhẹ:
– Mưa lớn quá! Em đợi tạnh mưa rồi đợi anh nữa.
Sang ngắt lời vợ:
– Nhưng anh chàng nào chở em về đây?
Oanh giận dỗi:
– Đi xe buýt về chớ ai chở. Ở nhà mà chẳng chịu đi rước vợ, đã vậy còn tra, còn hỏi ...
Sang gượng cười nhìn Oanh thay quần áo. Lẽ ra lúc nãy anh đã đi rước cô rồi, nhưng vừa dắt xe ra là mẹ anh đã sa sầm mặt xuống, rít lên:
– Còn bệnh mà đội mưa đi, về nằm giẫy đành đạch ra đó lại khổ thân tôi.
Sang rụt rè nhìn mẹ rồi lại dẫn xe trở vào.
Bà Phan liếc con:
– Đã uống hết chén thuốc chưa?
Sang nhăn nhó:
– Đắng quá mẹ ạ!
Bà Phan gắt:
– Đầu hai thứ tóc tới nơi rồi mà như trẻ con. Biết một thang thuốc bổ là bao nhiêu tiền không? Hừ! Bằng tháng lương của hai vợ chồng cậu đấy! Phải ráng uống hết dùm tôi, ở đó mà nhằn nhì là đắng với chả cay!
Để Oanh dầm mưa về Sang cũng xót lắm chớ đâu phải không, nhưng nhớ lại thân mình “nắng không ưa, mưa không chịu”, anh đành bấm bụng ngồi nhà.
Sang không bao giờ muốn thả rong cô vợ đẹp của mình bất cứ ở đâu vì cô ta quá đẹp và quá sắc sảo. Anh đã bị đôi mắt đa tình của cô hớp hồn và làm điêu đứng nên anh rất lo. Tính khí Oanh coi dịu dàng thế, nhưng luôn có cái gì đó làm lòng Sang bất an. Anh hay bực dọc, nghi ngờ mỗi lúc Oanh đi đâu về muộn.
Anh muốn giữ vợ trong tay như nhốt con chim trong lồng. Cái tính đào hoa, hảo ngọt của anh cũng bay đâu mất từ khi có vợ. Anh chung tình với Oanh nên anh muốn cô cũng thế. Anh muốn lúc nào Oanh cũng có mặt kế bên anh, chăm sóc, lo lắng cho anh.
Độ nầy sức khỏe Sang xuống dốc. Cách đây hai tuần, anh bị té khá nặng.
Hôm ấy anh có uống với học trò, nhưng Oanh mơ hồ đoán biết đó không phải là lý do để anh ngã như vậy.
Sang thở dài nói với Oanh.
– Anh định đi đón em rồi, nhưng sợ trúng mưa bệnh lại, nên ngồi nhà mà nóng ruột.
Oanh nhún vai. Cô rất ghét nghe từ bệnh hoạn. Cô nghĩ người đàn ông mà cứ đau ốm rề rề thì thật ...hết xài. Nhưng cô vẫn đến bên Sang cúi xuống bá cổ anh, âu yếm:
– Ăn cơm nhe!
Sang ghịt đầu Oanh xuống, anh hít tóc vợ:
– Sao toàn mùi thuốc lá không vậy?
Oanh tròn mắt nhìn chồng, cô kéo tóc đưa lên mũi ngửi rồi ngạc nhiên:
– Ừ nhỉ! Thôi đúng rồi! Lúc nãy trên xe buýt đông nghẹt sũng hơi mưa, hơi người, và khói thuốc lá làm em không thở được, chắc nó thấm cả vào tóc ...
Sang nghi ngờ:
– Lẽ nào khói thuốc trên xe buýt nhiều đến độ tẩm vào tóc em nhanh dữ vậy.
Trên xe chớ đâu phải rạp xi nê bít bùng.
Oanh ấm ức:
– Trời mưa tóc ướt, chỉ một chút khói thuốc thôi đủ bám vào đầu rồi, nói chi xe kín mít lại toàn những tên đàn ông bất lịch sự thích hút thuốc nơi công cộng.
Anh bỏ vợ cù bơ cù bất thì đừng có tra với hỏi nữa.
Oanh giận dỗi lấy lược chải tóc rồi lấy dầu thơm xịt vào ót, vào đầu. Cô đến bên quạt máy mở hết cỡ. Những sợi tóc dài của cô bay sắp sải, hương ngào ngạt tỏa ra khắp phòng làm Sang dịu bớt sự hoài nghi. Anh đứng dậy nói trống không:
– Ăn cơm cho rồi!
Oanh ngồi trước bàn phấn, tóc búi cao, cô chăm chú thoa kem dưỡng da lên mặt và cổ. Mùi kem thơm nhẹ nhàng và chất kem mát lạnh làm cô dễ chịu.
Oanh lăn người trên giường nhìn Sang còn ngồi soạn bài. Cô tìm cuốn tiểu thuyết đọc dở ra xem tiếp. Ngoài trời, mưa vẫn rơi nho nhỏ.
Oanh ngủ thiếp đi. Một lúc sau, cô chập chờn thấy Sang nằm kế bên. Anh đưa tay vuốt bờ vai cô. Oanh định hất tay Sang ra, nhưng nghĩ cũng tội. Hai tuần rồi anh bệnh, Oanh đã cố tình thờ ơ, Sang bực bội lắm nên hầu như ngày nào anh cũng kiếm chuyện ghen tuông tra hỏi cô. Oanh cũng khao khát chuyện yêu đương, nhưng cô sợ giữa chừng anh lại bỏ cô một mình nên Oanh dằn lòng dưỡng sức cho chồng. Chiều nay anh ghen cũng vì hôm qua anh đòi ...mà cô thì ...không cho, anh kéo sát Oanh vào người. Cô hờn mát:
– Chê tóc người ta hôi thuốc lá sao mà còn ôm với ấp.
Sang cắn nhẹ vào dái tai cô:
– Anh đâu có chê. Ở nhà chờ vợ lâu quá, sốt ruột anh phải nghi ngờ chứ sao.
Oanh mê đắm trong vòng tay Sang. Cô thì thầm:
– Nhớ ...em nhiều không?
Môi Sang mơn man trên cổ Oanh. Anh thở gấp:
– Nhớ! Cả nửa tháng nằm kế bên mà như tu. Anh đắc đạo rồi đó!
Oanh cười, giọng giễu cợt:
– Hôm nay anh thật khỏe chưa?
– Hay nhỉ! Anh có làm gì đâu mà không khỏe?
Oanh trêu tới:
– Thế sao mẹ lại bắt uống thuốc bổ?
Sang gục đầu lên ngực cô, giọng anh sung sướng:
– Ôi! Tại mẹ ham có cháu nội. Cho anh một thằng cu tí đi Oanh.
Oanh nhắm mắt tránh nhìn mặt chồng. Cô chưa bao giờ ham có một đứa con, cô chẳng hiểu vì sao nữa. Cả những lúc như thế nầy cô cũng nghĩ để thỏa mãn dục tình thôi, chớ không phải là đề có con.
Sang lại tiếp tục thủ thỉ bên tai cô những lời âu yếm ...
Lúc hai người rời nhau ra thì Sang hầu như đã kiệt sức. Anh nằm thẳng người trên nệm. Oanh nhẹ nhàng ngồi dậy mặc áo vào. Cô ái ngại nhìn chồng:
– Em pha cho anh ly sữa nhé!
Oanh vừa nói vừa bước vào nhà tắm. Cô nghĩ đến chuyện có đứa con.
Thường ở tuổi ngoài ba mươi, đàn ông ham con lắm. Sang lớn hơn Oanh gần mười tuổi, không bệnh tật, rất thích chuyện tình dục, cả hai đều không kiêng cữ thế sao lại chậm có con nhĩ? Hay tại trong lòng cô đã không muốn chuyện con cái?
Oanh giật mình khi nghe như có tiếng ngã rất mạnh xuống sàn nhà, cô vội vàng và hốt hoảng la lên:
– Ba mẹ ơi! Ba mẹ ơi!
Trên nền gạch bông, Sang nằm ngửa, tay chân run bần bật và co quắp, mắt trợn trắng dã, miệng sùi bọt mép trên gương mặt méo mó trông khủng khiếp.
Oanh sợ hãi đứng nhìn, cô cứ la chớ không dám đến gần chồng.
Ba và mẹ chồng cô đã vào tới. Bà Phan nhìn Sang vẫn còn nằm co giật trên sàn gạch một cách đứt ruột rồi liếc nhanh Oanh:
– Xuống bếp lấy chanh lên đây!
Oanh lập cập chạy xuống ba tầng lầu. Khi cô mang chanh đến thì ba và mẹ chồng cô đã khiêng Sang để lên giường. Ông Phan đang cố kềm hai tay anh lại, miệng Sang vẫn còn cắn chặt và nước bọt vẫn trào ra. Bà Phan dùng cái muỗng trong ly sữa cạy miệng anh ra rồi vắt chanh vào. Oanh đứng nhìn chồng với bộ mặt tái xanh.
Bà Phan vội trấn an:
– Bình tĩnh đi con, một chút nó tỉnh lại ngay!
Oanh bước vào phòng tắm lấy khăn ra nhúng nước bình thủy ấm ấm lau mặt cho Sang. Anh mở mắt vô hồn nhìn mọi người rồi nhắm nghiền trở lại.
Ông Phan nhìn cô đắp mền cho Sang rồi nói:
– Cứ để nó nằm yên như vậy, một lát sau nó sẽ khỏe. Đừng động vào người nó lúc nầy, không có gì lo ngại cả.
Nói dứt lời, ông đi xuống nhà dưới. Bà Phan lấy giọng nhẹ nhàng:
– Chồng con bị chứng động kinh từ nhỏ, ba mẹ chạy thuốc thang tốn kém bao nhiêu cũng không tiếc nhưng nó vẫn chẳng hết. Mạnh trong người thì thôi, chứ sức khỏe chỉ cần xuống một chút, rồi không biết giữ gìn, chơi bời, rượu chè vô độ là lại lên cơn.
Oanh thừ người nhìn Sang. Giọng bà Phan như tha thiết hơn:
– Con thấy đó, họ nhà nầy rất hiếm hoi, chỉ sinh con một, mà gần như là con cầu tự. Ba mẹ cưng quý thằng Sang còn hơn vàng bạc nên nó lớn tuổi rồi mà vẫn coi như trẻ con, nó ưng ai thì cưới đó ...mẹ không nề hà chấp nhất con là học trò của nó, hay nghe dư luận rì rầm về chuyện dại dột của con trong đêm trực trường. Con mẹ yêu ai, mẹ lo tới nơi tới chốn.
Ngừng một chút, bà Phan nói tiếp:
– Thằng Sang có vợ trẻ đẹp, mẹ sẽ có cháu mà ẵm bồng. Phải chi nó như người ta thì mẹ đã lên chức bà nội rồi.
Oanh cắn môi, cô thấy nóng trong lòng. Thì ra là vậy ...Oanh còn ức với suy nghĩ của mình thì cô đã nghe bà Phan chép miệng:
– Mẹ nói con đừng buồn. Con phải kiêng cữ gần chồng thường xuyên. Người đàn ông khỏe mạnh mới dễ có con, chứ vô chừng vô đổi thì chết con ạ.
Oanh đỏ mặt, cô có cảm tưởng bà Phan muốn ám chỉ việc Sang lên cơn tối nay là do cô.
Oanh lững thừng bước đến đóng cửa phòng lại, cô cay đắng với ý nghĩ bị lừa. Thì ra trước nay bà mẹ chồng cô săn sóc, yêu chiều cô là vì thế. Cái giả dối mà từ lâu cô cứ ngờ ngợ trong ánh mắt, cử chỉ bà là đó sao? Người ta đã cố tình giấu cô chuyện Sang bệnh, ngay cả Sang cũng thế. Để làm gì? Oanh bỗng thất vọng hoàn toàn về người chồng mà cô đã dùng nhiều mánh lới để chiếm cho được. Bây giờ thì đáng đời cho cô ...Rõ là “vỏ quít dày có móng tay nhọn”.
Oanh nhẹ nhàng lên giường nằm sát vách mùng, sợ làm động Sang sẽ thức giấc. Oanh len lén nhìn gương mặt anh hơi cau lại một chút dưới ánh sáng mờ của chiếc đèn ngủ, lòng cô dấy lên một niềm thương xót lẫn ngao ngán.
Bây giờ rõ mặt Sang chỉ là một anh chàng yếu đuối, nhu nhược không biết kiềm chế những ham muốn của bản thân, đối với vợ thì độc đoán ghen tuông và bủn xỉn. Oanh không hiểu sao, lẽ ra lúc nầy anh đang bệnh phải là lúc cô lo lắng yêu thương thì Oanh lại thấy cô chỉ nhìn ra những cái xấu mà từ lâu cô cố tình coi như không có, phải chăng, không đúng.
Đã vỡ tan rồi niềm ao ước ở lại chốn phồn hoa với một người chồng hào hoa, bặt thiệp, đã tàn rồi giấc mộng trở thành phụ nữ đài các vào ra những nơi dành cho những giới trí thức, thượng lưu. Thì ra những lời kể tán hươu, tán vượn lúc yêu nhau của Sang chỉ là do trí tưởng tượng của anh thôi. Rồi những thói quen tiêu xài rộng rãi của anh cũng biến mất khi anh đã là người chồng. Sau đám cưới, có đôi lần Sang đưa cô đi chơi tối, xem ca nhạc ở các vũ trường. Anh nhảy cũng đẹp, nhưng lại không thích, rồi tò vẻ bực bội khi thấy Oanh thích thú nhảy với những người khác. Sang lạnh lùng bảo với Oanh rằng anh không muốn cô sống như “Tây” khi cô đã là của anh. Từ đó, Sang hầu như không đưa cô đi đâu cả, họa hoằn đám cưới, sinh nhật bạn bè, Oanh mới được ăn diện đề cùng chồng đi dự. Sang thích thú nghe mọi người khen vợ mình đẹp, nhưng lại rất bực bội khi các đôi mắt hau háu hướng về Oanh.
Oanh nhắm mắt lại. Hai năm nay đúng là cô bị nhốt trong cái nuông chiều giả tạo để lấy lòng của ba mẹ chồng, bị giam lỏng trong vòng tay cuồng nhiệt lửa yêu đương, lòng ích kỷ của chồng. Mọi người trong gia đình nầy đã biến một cô gái ngạo mạn, nhiều khát vọng, đam mê ra một người khác rồi sao?
Oanh lắc đầu. Cô buồn bã nghĩ rằng chính cô đã sa vào cái bẫy do cô giăng ra thôi. Nhưng chính cô cũng sẽ thoát ra khỏi bẫy, vì cô không phải là mẫu đàn bà dễ buông tay đổ thừa cuộc đời mình cho số phận, nếu thật sự số mệnh đó đang nhếch môi giễu cợt cô.