Khoảng cuối tháng 10-1935, hồng quân đã tới được Lô Giang, bên trong khu vực sô viết tại Thiểm Tây. Hồng quân đã hoàn thành một cuộc trường hành dài sáu ngàn dậm. Lần đầu tiên hồng quân được an tâm nghỉ ngơi trong những hang động, tại những ngọn đồi đất hoàng thổ màu vàng xám đặc biệt của miền bắc Trung hoa. Ðây là một vùng rất thiếu nước. Mỗi hồng quân được thưởng hai quan tiền bạc và lần đầu tiên được ăn uống thỏa thích, vì thực phẩm tại Diên An tương đối có sẵn hơn là tại những nơi hoang dã mà họ đã phải đi qua trong suốt một năm vừa qua. Ðối với cái đám tàn quân vừa trải qua những khó khăn sinh tử của một cuộc chạy trốn dài thì Diên An quả thực là một thiên đường. Họ được ăn uống ngon lành đầy đủ như những ngày tết tại Giang Tây. Ðàn bà địa phương rất đỗi kinh ngạc khi trông thấy các nữ chiến sĩ hồng quân. Họ tự hỏi những người phụ nữ cắt tóc ngắn, mặc quân phục, đeo súng lục ở thắt lưng kia có phải cũng là đàn bà như họ không. Họ hồ nghi và mời các nữ binh hồng quân vào nhà để dò hỏi. Mãi đến khi họ sờ ngực các nữ binh này, và theo các nữ binh vào phòng vệ sinh thì họ mới tin các nữ binh ấy là đàn bà như họ.
Mao và các lãnh tụ cộng sản được các đơn vị hồng quân thuộc căn cứ địa phương đón rước trọng thể. Cuộc Vạn Lý Trường Chinh đã thực sự chấm dứt, và cũng chấm dứt sự đau khổ cho những bàn chân đau đớn mỏi mệt đến tận cùng sức chịu đựng của con người. Những người cộng sản thành công trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh tới được Diên An chỉ là một đạo quân ít ỏi, gồm có những bộ xương biết di chuyển, quần áo tả tơi, ho xù xụ, râu tóc rối bù như người tiền sử. Họ đã đi từ miền nam phong phú tới gần Vạn Lý Trường Thành, trải qua những gian nan, những chướng ngại mà tưởng sức người không thể vượt qua được. Mao vẫn mặc cùng một bộ quần áo lúc ra đi tại Giang Tây, chỉ có khác đi là bây giờ bộ quần áo ấy rách tả tơi và dầy cộm vì bám bụi đất đường xa. Trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, hồng quân đã vượt qua mười tám rặng núi, hai mươi bốn con sông lớn, đi qua mười một tỉnh của Trung hoa, đã chiếm được mười hai thành phố, đụng độ với quân đội của mười sứ quân, và phải đương đầu với một triệu quân của Tưởng Giới Thạch. Họ cũng phải đi qua sáu khu vực của người thiểu số.
Trong suốt cuộc Trường Hành, Mao trải qua một giai đoạn cực kỳ vất vả về thể xác và căng thẳng về tinh thần. Thoạt đầu Mao phải tìm mưu kế đoạt lại quyền lãnh đạo, và sau đó là nhiệm vụ hướng dẫn chỉ đạo hồng quân. Hàng ngày Mao phải tham dự những cuộc họp quân sự, đặt kế hoạch tiến quân, đọc những tài liệu và phải làm những quyết định quan trọng và ngay tức khắc. Mao phải đương đầu với những khó khăn triền miên, nào là bị địch quân bao vây, những cuộc tấn công bất thần của Tưởng hoặc sứ quân của Tưởng, phải khuyến khích hồng quân khi tinh thần họ suy giảm, sự thiếu thốn lương thực và thuốc men và sự chống đối Mao trong nội bộ cấp lãnh đạo. Mao làm việc bất cứ ở đâu, bên một tảng đá, trên một miếng ván làm bàn viết, đôi khi ngồi dưới một miếng vải dầu khi trời mưa. Trong những lúc bận làm việc và lo nghĩ đến mất ngủ như thế, thì trên người Mao lúc nào cũng đầy chấy rận và các loại ký sinh trùng khác của một lối sống thiếu vệ sinh.
Cuộc Vạn Lý Trường Chinh đối với Mao không những chỉ là một chiến dịch chạy trốn khi địch quân quá mạnh, mà còn là một sự khẳng định mối quyết tâm của Mao đối với người Trung Hoa. Trong suốt cuộc Trường Hành, nhiều khi sức mạnh thể chất không đủ để giữ vững được sự cố gắng liên tục, mà còn cần cả sức mạnh của tinh thần nữa. Chính vì thế lúc nào Mao cũng khuyến khích hồng quân tạo ra được một tinh thần chịu đựng, và tinh thần ấy đã trở thành một sức mạnh vật chất. Mao và hồng quân đã thực sự sống thiếu thốn tất cả, ngoại trừ một niềm hy vọng mãnh liệt sẽ chiến thắng. Ngay kẻ thù của Mao cũng không thể không thán phục Mao về tài lãnh đạo của Mao trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Những thành quả của cuộc Vạn Lý Trường Chinh là công của tất cả những hồng quân vô danh, còn sống hay đã ngã gục trong cuộc chạy trốn. Công lao của họ không kém gì công lao của Mao hoặc bất cứ lãnh tụ cộng sản nào khác, những người được vô cùng trọng đãi, hưởng mọi ưu tiên và được hầu hạ trong suốt cuộc Trường Hành. Ðây là một biểu lộ tinh thần yêu nước cao cả, và lòng hy sinh vĩ đại của người dân Trung Hoa. Ðó là những nông dân nghèo nàn suốt cuộc đời gục mặt xuống mảnh đất cầy, những thiếu niên vác những khẩu súng cao hơn người, kéo lê những bàn chân tê cứng vì tuyết lạnh, những người thợ mỏ vừa ca hát vừa nhai những chiếc thắt lưng da đã được nấu chín để chống đỡ cơn đói khi không còn gạo nữa. Tất cả đã ngạo nghễ coi thường mọi khó khăn nguy hiểm, và coi thường cả mạng sống của mình, để nhất quyết thực hiện được một cái gì.
Bây giờ họ đến được cái bến an toàn tại Diên An. Căn cứ sô viết tại miền bắc Trung Hoa bao gồm các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc và Ninh Hạ, và được gọi tắt là Thiểm Cam Ninh. Ðây là vùng nghèo mạt nhất của Trung Hoa. Những đồi núi hang hốc vùng này vốn là sào huyệt của các đảng cướp lâu đời. Vùng tây bắc Trung Hoa quả thực là một nơi lý tưởng cho chủ nghĩa cộng sản bành trướng, vì là một vùng đã nghèo khổ nhất mà lại có nhiều bất công xã hội nhất. Một trận đói khủng khiếp kéo dài luôn ba năm tại đây, từ năm 1929, đã gây chết chóc trong suốt một giải đất từ Tuy Viễn tại biên giới Mông Cổ tới các vùng Thiểm Cam Ninh. Người ta ước tính có từ ba tới sáu triệu người đã chết đói, thế mà tai họa này không được thế giới biết đến. Ngay cả những người Trung Hoa miền Nam cũng không nghe nói tới nạn đói này. Ðiều tệ nhất là trong lúc hàng triệu người đang chết đói thì vẫn có các sứ quân giầu có, các nhà giầu cho vay lời, các thương gia ngũ cốc vẫn tiếp tục đầu cơ tích trữ làm giầu thêm. Các trợ cấp về gạo và thực phẩm không thể tới được tay người đói vì lý do chính trị. Các tướng miền đông không chịu cho chở gạo tới miền tây, sợ gạo sẽ lọt vào tay các sứ quân thù nghịch.
Có khoảng 20 ngàn hồng quân tới được Diên An. Nhưng con số này bao gồm cả quân số của khu vực sô viết Thiểm Cam Ninh. Theo Chu Ân Lai thì quân số của Thiểm Cam Ninh có ít nhất 10 ngàn người. Vậy quân số của Mao thực sự sống sót trong cuộc Trường Hành gian nan chỉ có vào khoảng từ bảy đến tám ngàn người. Và nếu một phần ba quân số này là những người được tuyển mộ dọc đường thì trong số một trăm ngàn hồng quân ra đi từ Giang Tây, chỉ có khoảng năm ngàn người sống sót.
Con số năm ngàn người làm cuộc Vạn Lý Trường Chinh còn sống sót trở thành một khối nòng cốt của cộng đảng Trung Hoa, và cùng chia nhau miếng đỉnh chung khi cộng sản chiến thắng năm 1949. Các chức vụ quan trọng trong guồng máy đảng và chính quyền đều rơi vào tay con số năm ngàn người này. Tuy nhiên cũng chính trong số năm ngàn người này đã có những cuộc cấu xé tranh dành quyền lực một cách hung hãn tàn bạo nhất, đặc biệt là Mao Trạch Ðông. Trong suốt thời gian nắm quyền từ năm 1949 cho đến lúc chết năm 1976, Mao đã phát động khoảng mười cuộc trả thù tiêu diệt những đồng chí từng chia xẻ gian nguy với Mao trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, như Cao Cương, Bành đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Ðặng Tiểu Bình, Hạ Long... Người cuối cùng chết về tay Mao là Lâm Bưu, một người có công hãn mã với Mao trong cuộc Trường Hành và sau này trong lúc Mao gặp khó khăn phải đương đầu với Lưu Thiếu Kỳ. Cùng chết với những đối thủ chính trị của Mao là hàng triệu nạn nhân Trung Hoa vô tội khác.
Thực ra khó có thể quyết đoán được yếu tố nào là yếu tố chính đã đưa hồng quân đến chiến thắng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Trước hết có thể là tinh thần kỷ luật của hồng quân và chiến thuật du kích để đương đầu với một địch quân đông đảo gấp bội lần. Có thể là sự can đảm xuất chúng của hồng quân trước những chướng ngại thiên nhiên và một kẻ địch quá mạnh mẽ. Có thể chỉ là một sự may mắn đã giúp hồng quân tránh được thảm bại. Có thể hồng quân chiến thắng được là nhờ yếu tố may mắn cộng với sự cương quyết can đảm của hồng quân, và sự sáng suốt của cấp lãnh đạo. Yếu tố may mắn cũng là một yếu tố quan trọng, vì chính kẻ thù thứ yếu của hồng quân lúc đó là các sứ quân liên kết với Tưởng Giới Thạch, nhiều khi đã trở thành đồng minh rất tốt cho hồng quân. Ngay quân xâm lăng Nhật Bản cũng gián tiếp là một đồng minh quan trọng của hồng quân.
Tưởng Giới Thạch là người vô cùng quyết tâm tiêu diệt cộng sản, và đã tung tất cả sức mạnh của Quốc dân đảng cho mục tiêu này. Nhưng các sứ quân liên kết với Tưởng đã thực sự giúp đỡ hồng quân qua được những giai đoạn khó khăn nhất: Sứ quân Quảng Ðông đã cố tình quay đi chỗ khác, mở ngỏ đường cho hồng quân trong cuộc bao vây lần thứ năm của Tưởng. Sứ quân Long Vân của tỉnh Vân Nam cũng làm ngơ cho hồng quân vượt qua sông Kim Sa. Sứ quân Lưu Vệ Hồi đã ngầm giúp cho hồng quân vượt cầu Ðại Ðộ. Sứ quân Dương Hổ Thành tại Sơn Tây cố tình vắng mặt suốt một năm để cho hồng quân có thời gian hồi phục sức mạnh. Nếu các sứ quân này cũng quyết liệt như Tưởng Giới Thạch thì hồng quân không thể nào tới Diên An được. Sở dĩ các sứ quân trên đây giúp đỡ hồng quân vì họ sợ Tưởng Giới Thạch sau khi diệt xong cộng sản sẽ quay lại tiêu diệt chính họ, vì họ biết quá rõ tâm địa của Tưởng.
Cuối cùng chính người Nhật đã giải cứu hồng quân tại Giang Tây năm 1931, vào đúng lúc Tưởng tung ra đợt bao vây lần thứ ba. Năm 1936-1937, Nhật Bản lại trở thành cứu tinh cho hồng quân một lần nữa. Nếu lúc đó Nhật Bản không phát khởi cuộc Trung Nhật chiến tranh tại Lư Cầu Kiều thì các sứ quân miền bắc sẽ ủng hộ Tưởng Giới Thạch trong chiến dịch bao vây tiêu diệt phe cộng tại Diên An. Khi Nhật Bản chiếm Mãn Châu, hồng quân có được cơ hội ngàn năm một thuở, củng cố căn cứ tại Thiểm Tây, dùng chiêu bài Kháng Nhật để chiêu dụ các sứ quân miền bắc, và tước khí giới quân Quốc dân đảng tại miền bắc.
Dù nguyên nhân nào là chính yếu thì cuộc Vạn Lý Trường Chinh cũng đã là một kỳ công của hồng quân Trung Hoa. Mặc dù một số chi tiết trong cuộc chạy trốn này đã được chính phe cộng sản thêu dệt phóng đại thêm, nhưng cuộc Vạn Lý Trường Chinh quả thực là một biến cố duy nhất trong lịch sử nhân loại, như một huyền thoại đã đánh thức người Trung Hoa vùng dậy và kiêu hãnh sau nhiều thế kỷ ngủ vùi và phân hóa.