Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Vạn Lý Trường Chinh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27086 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vạn Lý Trường Chinh
Nguyễn Vạn Lý

Chuyển Hướng Về Quí Châu

Trận đánh kéo dài năm ngày tại sông Tây Giang là một trận đụng độ dữ dằn và đẫm máu nhất của hồng quân trong suốt cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Trên 50 ngàn hồng quân bị tiêu diệt, và như vậy lực lượng của hồng quân bị thiệt hại quá một nửa trong một trận đánh. Tuy nhiên thất bại to lớn này trở thành một chuyển hướng có lợi cho hồng quân. Kể từ khi rời bỏ căn cứ Giang Tây, hồng quân đã đi được tám trăm dậm trong sáu tuần lễ. Nhưng hồng quân rút lui mà không có một mục tiêu chính trị rõ rệt. Họ chỉ mong ước liên lạc được với lực lượng 30 ngàn quân của Hạ Long tại vùng tây bắc Hồ Nam. Sự lãnh đạo của nhóm 28 lãnh tụ cộng sản thân Nga, do Bác Cổ đứng đầu, chứng tỏ đã thất bại và cuộc rút lui gần như tan rã. Sự việc này mở đường cho Mao Trạch Ðông đứng lên dành quyền lãnh đạo cuộc rút lui của hồng quân.
Sau trận đánh tại sông Tây Giang, hồng quân mất tinh thần và phải đổi lộ trình để tránh đụng độ với đại quân của Tưởng Giới Thạch một lần nữa. Thay vì tiến thẳng 250 dậm nữa về phía bắc, vượt qua tỉnh Hồ Nam là tới được căn cứ của tướng Hạ Long, thì hồng quân bây giờ bắt buộc phải chuyển hướng về một căn cứ an toàn khác, xa hơn nhiều nhưng bảo đảm được sự sống còn của hồng quân. Ðó là căn cứ của Trương Quốc Ðào tại phía bắc Tứ Xuyên. Sau này Lưu Bá Thừa xác nhận sự thay đổi con đường di tản là công của Mao Trạch Ðông. Theo Lưu Bá Thừa thì sự bất mãn chống đối quyền lãnh đạo quân sự của Bác Cổ và Lý Ðức lên tới cực điểm sau trận đánh sông Tây Giang, và đúng lúc đó Mao Trạch Ðông tiến ra trình bầy một kế hoạch mới để cứu vãn hồng quân. Mao đòi hỏi phải thay đổi đường lối để bảo tồn 30 ngàn hồng quân còn lại khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn.
Mao đề nghị loại bỏ kế hoạch cũ và hồng quân phải chuyển hướng tiến qua địa hạt Quí Châu, tại đó sự phòng thủ của quốc quân rất yếu. Ðề nghị của Mao được đa số cấp lãnh đạo quân sự chấp thuận. Không những thế, Mao đòi đốt bỏ những tài liệu văn khố nặng nề đang mang theo, những máy móc cồng kềnh và những vũ khí thặng dư phải đem chôn dấu trong những hang núi, và những đồ đạc phải khiêng vác mà không cần thiết thì liệng xuống sông Tây Giang. Số hồng quân sống sót chuyển biến thành một lực lượng nhẹ nhàng, hoạt động mau lẹ, tiến quân và chiến đấu linh động hơn. Ðây là một chuyển hướng quan trọng cho sự thành công của cuộc Vạn Lý Trường Chinh.
Tuy căn cứ của Trương Quốc Ðào tại Tứ Xuyên xa gấp hai lần căn cứ của tướng Hạ Long, nhưng hồng quân có nhiều hy vọng tránh né được những cuộc truy kích khốc liệt của đại quân Quốc dân đảng. Con đường duy nhất tới được căn cứ này là đi đường vòng quanh các lực lượng quốc quân tại hai tỉnh Hồ Nam và Tứ Xuyên, qua một vùng phòng thủ rất yếu ớt tại tỉnh Quí Châu, và sau đó sẽ vượt sông Dương Tử. Vì thế đoàn quân cộng sản tơi tả và ít ỏi còn lại phải tiến về phía tây bắc, và bắt đầu đi theo một đường vòng cung với mục đích tới được bến an toàn tại Ba Châu, thủ đô của căn cứ Trương Quốc Ðào tại vùng núi non giữa biên giới Tứ Xuyên và Sơn Tây. Hồng quân không biết rằng con đường vòng cung này sẽ dẫn họ trải qua những cơn ác mộng kinh hoàng.
Trương Quốc Ðào trước kia là chính ủy của đệ tứ quân đoàn, gồm phần lớn quân đội của các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và An Huy, vì thế chiến khu của Trương Quốc Ðào được gọi tắt là Hồ-Hà-An. Chiến khu này nằm giữa Vũ Hán và Nam Kinh. Năm 1931, khi Ủy ban Trung ương cộng đảng Trung hoa bắt buộc phải rời bỏ Thượng Hải, cộng quân có thể lựa chọn chiến khu Hồ-Hà-An làm căn cứ chính, vì chiến khu này rộng lớn và gần con sông Dương Tử, tương đối gần Thượng Hải, Vũ Hán và Nam Kinh là những vùng kỹ nghệ lớn và có đường xe lửa, hơn là chạy về chiến khu sô viết Giang Tây nằm 400 dậm về phía nam. Các lãnh tụ của chiến khu Hồ-Hà-An cũng trung thành với Ủy ban Trung ương hơn. Nhưng cũng chính vì lý do này, Ủy ban Trung ương thấy cần phải phái những tay cự phách trong Ủy ban Trung ương xuống căn cứ Giang Tây, để gia tăng sự kiềm chế Mao Trạch Ðông, một lãnh tụ được coi là cứng đầu, không phục tùng Ủy ban Trung ương.
Vào lúc mạnh nhất trong những tháng đầu năm 1932, căn cứ Hồ-Hà-An có tới 60 ngàn quân, một nhà bưu điện, một nhà đúc tiền, những nhà máy dệt và nông trường tập thể. Nhưng vị trí của căn cứ Hồ-Hà-An có vẻ bất lợi, vì quá gần các trung tâm kỹ nghệ và giao thông của Vũ Hán, nên chắc chắn sẽ bị quốc quân tấn công và bị bao vây kinh tế do kế hoạch của tướng Hans von Seeckt. Ðến cuối năm 1932, đệ tứ quân đoàn bắt buộc phải bỏ chiến khu Hồ-Hà-An, cũng giống như Ủy ban Trung ương phải bắt buộc rời bỏ căn cứ sô viết Giang Tây năm 1934 vậy. Hồ Hải Tùng được giao phó trọng trách ở lại điều khiển hậu quân, trong khi Trương Quốc Ðào dẫn lực lượng chính của đệ tứ quân đoàn tiến về phía tây, qua biên giới của tỉnh Hồ Bắc và Hà Nam, rồi vượt tới phía nam của Sơn Tây để tới một vùng đồi núi của Tứ Xuyên, tại đó vào mùa xuân 1933, một căn cứ sô viết mới được thiết lập với thủ đô là Ba Châu. Và chính Ba Châu là nơi cuộc Vạn Lý Trường Chinh đang nhắm tới.
Một điều may mắn cho Trương Quốc Ðào là lúc đó các sứ quân Tứ Xuyên còn mải đánh giết lẫn nhau, và nỗ lực của Quốc dân đảng thúc đẩy sự phòng thủ của các tỉnh chống lại lực lượng của Trương Quốc Ðào cũng bị suy giảm; hơn nữa lực lượng của tướng Hạ Long cũng đang hoạt động tại phía đông nam Tứ Xuyên. Các sứ quân của Tứ Xuyên gặp cảnh lưỡng đầu thọ địch. Chính vào lúc đó, hồng quân bắt buộc phải bỏ căn cứ Giang Tây và bắt đầu cuộc Vạn Lý Trường Chinh.
Ðể tiến về Quí Châu, hồng quân phải chọn con đường khó khăn nhất là vượt qua rặng núi Lão Sơn. Những thử thách khó khăn nhất của hồng quân là lúc phải vượt qua những đường núi nhỏ hẹp và nguy hiểm, những đường đèo hiểm trở, những cây cầu cheo leo hiểm nghèo và phải bơi qua những dòng nước lạnh buốt. Lúc vượt núi, tiền quân tiến rất chậm còn hậu quân thì nhích được một bước lại phải ngừng lại một lúc lâu. Hồng quân không tiến lên được mà cũng không thể ngồi xuống để nghỉ, vì đường núi nhiều chỗ quá nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một người lách đi. Nhiều người mệt mỏi và buồn ngủ đến nỗi phải ôm núi để ngủ đứng.
Cuộc hành trình gian nan của hồng quân cứ tiếp tục trèo lên cao tám đậm rồi lại tụt xuống ba dậm. Có những lúc hồng quân đi qua những trận bão, gió mưa cuồng nộ quất mạnh vào người. Trong những hoàn cảnh đó, hồng quân không những không thể dừng lại được, mà tiếp tục thì đường trơn như bôi mỡ, rất nguy hiểm. Ðôi khi một đêm họ chỉ đi được một dậm, và trong lúc ướt đầm nước mưa mà vẫn phải cắm trại ngay ngoài khoảng trống.
Rặng Lão Sơn bắt đầu từ Quảng Tây và núi dốc đến nỗi khi trèo lên núi, người đi sau có thể trông thấy lòng bàn chân của người đi trước. Người ta phải đục vào đá làm những chỗ đặt chân cho dễ trèo. Mọi người phải vật lộn với núi đá để trèo lên được từng quãng ngắn, và trường hợp người bệnh và bị thương thì khốn khó vô cùng. Một buổi tối, nhóm tiền phương của hồng quân đụng phải một khối đá dựng đứng trước mặt, và không có cách gì dẫn ngựa qua được. Một số người và ngựa đã rơi xuống khe núi mất tăm. Hồng quân đành phải dừng lại, ngủ ngay tại chỗ, chờ sáng hôm sau sẽ tiếp tục.
Ngủ tại đường núi cũng không dễ dàng gì. Lối đi chỗ rộng nhất cũng chỉ khoảng hơn nửa thước. Ngay khi một người có thể nằm xuống được thì người đó cũng không thể nào xoay mình mà không bị lăn xuống núi. Chỗ nào cũng có những khối đá nhô ra, và trên đường thì phủ đầy những mảnh đá nhọn hoắt. Vì không còn cách nào khác, hồng quân phải đành gấp mền, đặt bên dưới và cố gắng nằm cuộn tròn trên đường đi. Phần lớn mệt đến nỗi ngủ thiếp đi. Ban đêm thỉnh thoảng những cơn gió lạnh buốt đánh thức họ dậy. Nhiều người quấn mền quanh mình, cuộn người lại cho ấm mà vẫn không thể nào ngủ được. Ðêm thì tối đen như mực, và bên trên là những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời tối thẫm, trông giống những viên ngọc trên một tấm thảm nhung. Những vách đá đen sì chung quanh trông như những người khổng lồ đứng hăm dọa. Nhiều người có cảm tưởng như đang nằm dưới đáy một cái giếng thật sâu.
Khắp nơi chợt hiện lên những ánh lửa nhỏ bé; những người không ngủ được vì lạnh quá phải đốt lửa lên. Họ ngồi chụm lại với nhau và nói chuyên rì rầm. Dù họ nói rất nhỏ, nhưng trong cái sự im lặng ghê rợn này, những lời nói của họ nghe khá rõ. Tiếng nói của họ lúc gần lúc xa, lúc to lúc nhỏ, có lúc nghe như tiếng tằm ăn dâu, vẳng lại như tiếng than vãn của suối rừng, rồi lại giống như tiếng thì thầm rất xa của đại dương.
Sáng hôm sau, hồng quân bắt buộc phải vượt qua được khối đá chặn đường đêm trước. Người ta gọi khối đá đó là Lôi Công Thạch, một khối đá nhô ra khoảng 90 độ. Nhiều chỗ bước chân không rộng hơn một tấc, và không có chỗ vịn tay. Sau trận đánh sông Tây Giang, hồng quân có nhiều thương binh hơn trước. Nhiều người được chở bằng cáng. Nhưng khi tới khối Lôi Công Thạch thì dù bị thương nặng đến thế nào, họ cũng bắt buộc phải rời cáng, rồi họ sẽ bò qua hoặc bị đẩy qua khối đá, hoặc bị lôi qua bằng giây thừng. Nhiều người không qua nổi và rơi xuống khe núi. Ðối với hồng quân thì ngọn Lão Sơn là ngọn núi khó khăn nhất mà họ phải vượt qua.
Sau khi vượt qua rặng Lão Sơn, hồng quân bắt đầu tiến qua tỉnh Quí Châu ở phía đông để tiến tới Tứ Xuyên, vừa đi vừa giao chiến với quân của các sứ quân Quí Châu. Binh sĩ hồng quân vốn thuộc thành phần nông dân nghèo khó, nhưng chưa bao giờ họ được chứng kiến cảnh nghèo khó đến thế, sau khi vượt qua rặng Lão Sơn và tiến vào địa hạt Quí Châu. Khu vực này không có người Hán cư ngụ, mà chỉ có dân chúng thuộc bộ lạc Miêu tộc. Người Miêu nghèo đến nỗi đàn bà không dám bước ra khỏi lều vì không có quần áo mặc. Ðàn bà thường ngồi trần truồng bên cạnh bếp lửa đốt bằng rơm rạ. Người ta thấy những cô gái 17, 18 tuổi trần truồng làm việc ngoài đồng. Nhiều gia đình chỉ có được một chiếc quần cho ba hoặc bốn người đàn ông chia nhau mặc. Khi thấy hồng quân tới, người Miêu hoảng sợ, bỏ chạy vào lều hoặc trốn vào núi. Ðối với họ, quân đội có nghĩa là cướp của, hãm hiếp, giết người và đốt nhà.
Ðây là xứ của thuốc phiện. Hầu hết mọi người từ 15 tuổi trở lên đều hút thuốc phiện. Họ ngồi hút ngay ngoài cửa lều, đàn ông, đàn bà và trẻ con. Ðàn ông thanh niên thường đóng khố, nhưng đối với đàn bà thì một mảnh vải làm khố cũng là một thứ xa xỉ. Manh khố là tài sản đáng giá nhất của người dân; chính vì thế mỗi khi họ không trả được nợ cho địa chủ thì địa chủ thường xiết khố của họ. Trong lều của người Miêu thì thuốc phiện chất thành đống như phân bò phơi khô. Người nông dân không có trâu để cầy ruộng như trong khu vực người Hán. Người nông dân thường tự mình kéo chiếc cầy bằng gỗ, hoặc đôi khi họ dùng những con bò gầy trơ xương. Dân chúng tất cả đều nghèo như nhau và sống trong những túp lều bằng đất bùn và mái lợp rơm. Những nhà khá giả hơn thì có nhà cất bằng gỗ và mái lợp ngói. Thuốc phiện đã phá hoại mọi sinh khí của người dân và làm bạc nhược quân đội. Quân đội của sứ quân Quí Châu được mệnh danh là quân đội có hai súng: một khẩu súng thiệt và một cây tẩu thuốc phiện mang theo. Chính vì sự bạc nhược của quân đội Quí Châu mà các lãnh tụ cộng sản chọn lựa con đường đi qua Quí Châu.
Quí Châu nổi tiếng là một tỉnh đặc biệt có nhiều sự so sánh với số 3. Người ta thường nói tại Quí Châu, cứ ba dậm thì có một ngọn núi, cứ ba ngày thì thế nào cũng có mưa, và không ai có nhiều hơn ba quan tiền. Câu nói này rất đúng. Người dân không phải là nô lệ theo đúng nghĩa, nhưng trên thực tế thì số phận họ còn tệ hơn một người nô lệ. Họ không có đất tư hữu. Họ mang nợ địa chủ từ lúc mới sinh ra cho tới lúc chết. Họ không có cách gì trốn thoát được cảnh khốn cùng ấy. Họ sẵn sàng bán con nếu có ai bằng lòng mua. Họ bóp mũi trẻ sơ sinh gái cho chết đi hoặc dìm xuống nước cho ngạt thở mà chết. Ðôi khi trẻ sơ sinh trai cũng bị giết nếu không có thị trường cho chúng. Giá bán trẻ con thay đổi bất thường. Năm 1983, một người dân Quí Châu từ ngoại quốc trở về nơi sinh quán. Lúc lên 7 tuổi thì người này được cha mẹ bán cho một lái buôn trẻ con với giá 5 quan tiền. Người lái buôn xuất cảng cậu bé về Hương Cảng, và tại đó cậu bé khốn nạn này bị buôn đi bán lại bốn lần nữa. Cuối cùng cậu bé trốn thoát và tìm đường sang Hoa Kỳ, sinh sống tại đó cho đến năm 75 tuổi mới tìm đường quay về cố hương.
Mức tử xuất của trẻ sơ sinh tại Quí Châu là 50%. Chính vì tử xuất cao như thế nên khi sinh con, người ta không ăn mừng ngay, mà phải chờ ít nhất một tháng sau. Ðời sống một người trung bình chỉ có 30 năm. Sự nghèo khó ghê gớm đến nỗi không có sự khác biệt nhiều giữa địa chủ và người nông dân nghèo. Hầu hết dân chúng đều mù chữ. Chu Ðức giữ một cuốn nhật ký, và khi đi ngang qua Quí Châu, Chu Ðức đã ghi lại: "Thực phẩm của phần đông người Quí Châu là bắp và một chút rau cải. Nông dân nghèo quá không được ăn gạo. Nông dân tự gọi là những "người khô", những người bị hút đi hết mọi thứ... Tại đây có ba loại muối: muối trắng cho người giầu, muối vàng cho giới trung lưu và muối đen cho người nghèo... Khắp nơi người ta thấy những túp nhà mái dột, cửa làm bằng thân cây bắp hoặc bằng tre, chỉ có nhà giầu tại thành phố mới có mền đắp... Dân chúng bới tìm thóc dưới trại nuôi gà vịt cũ của địa chủ. Các nhà sư gọi thóc tìm được này là "lúa thiêng", một món lộc của Trời cho."
Kể từ sau sông Tây Giang, hồng quân thoát được áp lực nặng nề của quốc quân. Quân đội các sứ quân Quảng Ðông và Quảng Tây đã quay về sau khi biết chắc rằng cộng quân không tiến vào khu vực trách nhiệm của họ. Quân đội Quốc dân đảng dưới quyền của tướng Sử Du vẫn tiếp tục tiến quân song hành với hồng quân, nhưng cũng mỏi mệt và không muốn giao chiến nữa. Quân đội của Hồ Nam thì cũng bằng lòng với nhiệm vụ đột kích tập hậu lai rai.
Tuy nhiên tại khu vực người Miêu có một sự kiện kỳ lạ khó giải thích. Một hôm vào nửa đêm, người vệ sĩ của Chu Ân Lai chợt giật mình thức giấc khi nghe tiếng kêu "Lửa Cháy!" Hắn trông thấy ngọn lửa liếm qua đầu giường của hắn. Hắn vội vàng vùng dậy trợ giúp dẫn Chu Ân Lai chạy ra khỏi căn nhà đang cháy. Người ta đổ xô ra đường. Vụ hỏa hoạn có thể là do rủi ro bất cẩn. Ba người bị bắt và bị hành quyết ngay tại chỗ. Nhưng những vụ hỏa hoạn bí ẩn này cứ tiếp tục xảy ra hết đêm này tới đêm khác trong thị trấn của người Miêu, nơi hồng quân đang tạm trú. Người ta không biết được ai đã gây ra những vụ hỏa hoạn như thế. Hồng quân và quốc quân tuyên truyền đổ lỗi cho nhau hành động phá hoại này.
Ðến giữa tháng 12 thì hồng quân qua được biên giới Quí Châu và chiếm được Ðông Ðào. Ngày 14-12 hồng quân chiếm được thị trấn Lập Bình tại miền cực tây Hồ Nam, và dừng lại tại đó để cho Ủy ban Trung ương hội họp. Lập Bình là một thị trấn đông dân cư và trù mật. Chính tại đây sau một thời gian dài, lần đầu tiên hồng quân được ăn uống no đủ. Người ta không được biết nhiều về cuộc họp của Ủy ban Trung ương tại Lập Bình, nhưng ai cũng cảm thấy sự căng thẳng gia tăng giữa phe Bác Cổ - Lý Ðức và phe thân Mao Trạch Ðông. Mao lúc này đã có được một địa vị trong Ủy ban Trung ương. Các tướng tư lệnh hồng quân thảo luận với Mao thường hơn. Bộ ba Mao, Vương Gia Tường và Lạc Phủ đồng ý phải tổ chức một buổi đại hội để giải quyết quyền lãnh đạo quân đội. Hồng quân quyết định đi thẳng tới Tuân Nghĩa, một thị trấn nằm tại vùng cực bắc của Quí Châu, và cũng là thị trấn cuối cùng trước khi tiến vào vùng đồng bằng nổi tiếng là vựa lúa của Tứ Xuyên. Trong một buổi thuyết trình, Lâm Bưu cho biết: "Chính sách hiện tại của hồng quân là trước hết phải tiến thẳng tới phía bắc của Quí Châu, rồi bất ngờ đánh chiếm Tuân Nghĩa và Ðông Từ, để kết hợp quần chúng và thiết lập một căn cứ mới chống lại quân Nhật."
Ðể đánh lừa quân đoàn thiện chiến của sứ quân Hồ Uyển, một lực lượng hồng quân giả vờ tấn công Quế Dương, thủ phủ của Quí Châu. Lập tức Hồ Uyển dẫn toàn lực tới giải vây cho Quế Dương, trong lúc hồng quân tiến về hướng bắc, đè bẹp lực lượng yếu ớt của Hồ Chính Tân. Hồng quân vượt qua được sông Thanh Thủy và tới khu vực Thủy Viên, từ đó hồng quân có vẻ tiến về phía bắc để gia nhập với lực lượng của Hạ Long, cách xa khoảng 230 dậm. Nhưng hồng quân vẫn tiếp tục tiến về phía tây bắc để tới bến phà sông Ngô Giang. Nhiều người thắc mắc tại sao hồng quân không tiến thẳng mà lại chuyển hướng khi không cần thiết. Về sau chính Mao Trạch Ðông bị hạch hỏi tạo sao bỏ lỡ cơ hội tiến về phía bắc để nhập với lực lượng của Hạ Long.
Thực ra nếu hồng quân cứ tiếp tục theo kế hoạch cũ tiến về phía bắc qua Hồ Nam thì 30 ngàn quân cộng sản còn lại sẽ phải đương đầu với một lực lượng hùng hậu 250 ngàn quân Quốc dân đảng, trong đó 100 ngàn quân đang sẵn sàng chờ đợi hồng quân tại Hồ Nam. Nhờ đọc được mật mã của quốc quân, hồng quân biết rằng Tưởng Giới Thạch đang đặt một cái bẫy thứ hai nhằm tiêu diệt hồng quân nếu hồng quân đi qua Hồ Nam. Hồng quân đành phải chọn một con đường khác, dài hơn nhưng an toàn hơn. Tuy nhiên nếu tránh được súng đạn nguy hiểm của quốc quân thì hồng quân lại phải đương đầu với những khó khăn khác của thiên nhiên, núi cao sông rộng, sức người kiệt quệ, sự thiếu thốn thực phẩm và sự nghi kỵ của các bộ lạc thiểu số khi hồng quân chọn con đường mới.
Lỗ Bình Huy, chỉ huy hậu quân, mô tả tại sao lực lượng hùng mạnh của quốc quân bị lừa trong chiến dịch Quí Châu. "Khi chúng tôi bị bao vây ba mặt, chúng tôi phản công tại phía trước, và để một lực lượng anh dũng cầm chân địch quân trong lúc đại quân rút lui mau lẹ và đánh bọc hậu địch quân. Khi chúng tôi tiến sát phòng tuyến của hậu quân địch thì bên địch không có gì, chỉ để lại một lực lượng nhỏ. Dĩ nhiên chiến công này rất cần đến tinh thần hy sinh cao cả của đơn vị đã liều chết ở lại cầm chân địch quân."
Trong một trường hợp khác tại Quí Châu, khi quốc quân quá đông đảo thì viên tư lệnh hồng quân đặt một tiểu đoàn tại hai đỉnh núi và ra lệnh cho họ cứ đI vòng tròn cho địch quân tưởng hồng quân là một lực lượng đông đảo, và cũng để lôi cuốn sự chú ý của quốc quân vào một đối tượng không quan trọng trong khi lực lượng chính tấn công hậu quân của quốc quân. Lỗ Bình Huy kể lại: "Chúng tôi giữ vị trí đó trong hai ngày, đủ để cứu lực lượng chính của chúng tôi ở nơi khác trong khi quốc quân đánh điện khoe khoang đã cầm giữ được chúng tôi. Ðịa hình thì đầy núi và rừng rậm. Trong lúc hồng quân ngồi nghỉ ngơi ngoài khoảng đất trống thì phi cơ quan sát của quốc quân lại tưởng rằng chúng tôi đông đảo đến nỗi rừng cây không đủ chỗ cho chúng tôi ẩn nấp, mà phải đứng cả ra ngoài. Tất cả chiến dịch Quí Châu chỉ là nghi binh và đánh lừa quốc quân."
Cuộc tiến quân về hướng tây phải đi qua rặng núi Vũ Minh, một vùng đầy những thung lũng và núi bắt nguồn từ Vân Nam cho mãi tới tận phía tây Quí Châu và miền nam Tứ Xuyên. Hồng quân sẽ phải vượt qua Ngô Giang, con sông lớn nhất của Quí Châu. Vào ngày đầu năm 1935, hồng quân tới bờ đông nam sông Ngô Giang, và thấy một dòng sông rất rộng, ít nhất cũng rộng 250 thước và lòng sông đầy những mỏm đá nhọn. Núi đá mọc nhô ra từ hai bên bờ, che khuất cả mặt trời. Tại đây có một cái phà chở khách qua lại. Phà phải đi lách qua những khối đá nhọn và đi chếch về phía xuôi. Bên kia bờ sông có ba trung đoàn quốc quân canh giữ và hai chiếc phà phía bên bờ quốc quân đã bị đánh chìm. Quốc quân còn lập những pháo đài phòng thủ về phía bờ tây bắc, và lực lượng quốc quân đuổi theo hồng quân chỉ còn cách khoảng 20 dậm.
Ðệ nhị sư đoàn của đệ nhất quân đoàn cố gắng vượt qua sông ngay đêm đầu tiên. Hồng quân dùng những chiếc mảng tre và đóng một chiếc cầu, dự định sẽ kéo bắc ngang qua sông một khi đã chiếm được một vị trí làm đầu cầu bên kia sông. Phần lớn hồng quân không biết bơi, vì sinh trưởng ở nơi nội địa. Một số binh sĩ biết bơi được tuyển chọn trong trung đoàn 4. Nhóm người này sẽ bơi qua sông trong đêm tối để phá hủy hệ thống báo động của quốc quân. Tất cả cởi trần, đeo súng lục Mauser, và nhảy xuống dòng nước lạnh như băng giá ngay lúc trời vừa tối. Trong lúc đó hồng quân pháo kích mãnh liệt vào các vị trí quốc quân bên kia sông, nhằm đánh lạc hướng, để che chở cho toán quân bơi qua sông. Tuy nhiên dòng nước chảy xiết quá nên họ không thể kéo được giây thừng để đưa chiếc cầu sang bên kia bờ. Người ta phải dùng một chiếc mảng tre để kéo giây thừng qua, nhưng đến giữa dòng sông thì chiếc mảng bị quốc quân bắn chìm. Toán hồng quân bơi qua sông thấy rằng ở lại bên bờ cũng vô ích nên bơi trở lại bên này bờ, và một người chết vì lạnh quá.
Ngày hôm sau hồng quân tận lực đóng những chiếc mảng mới có hai tầng, dự định đến đêm sẽ xử dụng một lần nữa. Vào lúc trời tối, hai chiếc mảng khởi sự qua sông, và sẽ báo hiệu cho quân nhà biết bằng cách đốt lửa khi đã sang tới bờ bên kia. Chiếc mảng đầu tiên đi được gần một dậm rồi bị trôi dạt về. Chiếc mảng thứ hai do đại úy Mao Trấn Hòa điều khiển cùng với bốn binh sĩ võ trang bằng súng máy thì không thấy quay lại, và cũng không thấy nổi lửa báo hiệu. Chiếc mảng thứ ba cũng phải quay trở lại vì sóng đánh mạnh quá.
Sau hai đêm thất bại, viên tư lệnh hồng quân quyết định sẽ tiến qua sông vào ban ngày, và các mảng sẽ được cắm sào chống đỡ lại những nơi luồng nước chảy xiết. Ngay sau lúc hừng sáng, những chiếc mảng có binh sĩ vũ trang nhẹ bắt đầu vượt qua sông trong lúc đại bác pháo kích sang bên kia sông ồ ạt. Khi chỉ còn cách bờ bên kia 50 thước, các binh sĩ trên các mảng nghe thấy tiếng súng máy vang dội, nhưng súng máy không nhắm vào mảng của họ, mà nhắm vào địch quân trên bờ. Ðó chính là toán của Mao Trấn Hòa đã sang được bờ bên kia từ đêm hôm đầu tiên. Ðêm hôm trước nhóm của Mao Trấn Hòa sang được bờ bên kia, và khi trèo lên bờ sông, họ nhận thấy đang đứng vào ngay một vị trí của địch quân. Mao Trấn Hoà không dám nổi lửa báo hiệu vì sợ bị địch quân quét sạch. Mao Trấn Hòa và 4 binh sĩ nấp thật kỹ, chờ đến lúc trông thấy những mảng của hồng quân đang qua sông, liền dùng súng máy bảo vệ cho các mảng này vượt qua được khoảng đường còn lại.
Các đơn vị tăng cường của quốc quân tới đúng lúc đó, trong khi nhiều mảng khác của hồng quân cũng bắt đầu qua sông. Cuộc phản công của quốc quân dọc theo bờ sông gần như thành công thì bất chợt quốc quân nghe thấy hỏa lực bất ngờ từ phía sườn. Một đơn vị hồng quân đã trèo lên được một ghềnh đá thẳng dốc, đánh vào ngang sườn của quốc quân và làm đảo lộn thế quân bình vào đúng lúc nguy kịch nhất. Thế là quốc quân bỏ chạy, và đệ nhất quân đoàn vượt qua sông Ngô Giang bằng những chiếc thuyền đặc biệt làm bằng tre của bộ lạc Miêu tại địa phương. Bây giờ thì hồng quân có thể tiến tới Tuân Nghĩa để đặt kế hoạch vượt qua con sông Dương Tử hùng mạnh.
Hai trung đoàn 4 và 6 được lệnh gấp rút tiến quân để xuất kỳ bất ý đánh chiếm Tuân Nghĩa. Các trung đoàn trưởng họ Chu và họ Vương quyết định tiến quân bằng ngựa để giữ được yếu tố bất ngờ. Quân chính phủ tại Tuân Nghĩa có khoảng 3 ngàn người, trong khi đó trung đoàn 4 hồng quân chỉ có một ngàn quân. Trong một trận mưa lớn, trung đoàn 4 tấn công bất ngờ và bắt trọn được một tiểu đoàn quốc quân tại một làng cách Tuân Nghĩa 10 dậm. Không một quốc quân nào trốn thoát được để báo động cho Tuân Nghĩa. Hồng quân đã cắt đứt được đường giây liên lạc với quốc quân tại Tuân Nghĩa, và xử dụng những tù binh bắt được để lừa quốc quân tại Tuân Nghĩa. Trong tiểu đoàn quốc quân bị bắt, hồng quân chọn viên tiểu đoàn trưởng, một trung đội trưởng, và khoảng mười binh sĩ thuộc thành phần nghèo, và tra hỏi họ về cách phòng thủ tại Tuân Nghĩa.
Hồng quân bắt đầu hỏi họ tên, sinh quán và gia thế của họ. Các người lính quốc quân quá sợ hãi nên trả lời mọi câu hỏi của hồng quân một cách thành thực và nghiêm chỉnh. Ngay cả viên tiểu đoàn trưởng cũng mất cả vẻ hống hách, và trả lời mà không dám nhìn thẳng vào mặt viên sĩ quan địch quân. Hồng quân kêu gọi các tù binh đứng về phía họ để chống lại quốc quân tại Tuân Nghĩa. Có thể vì tham sống sợ chết, hoặc bị lừa dối nên phần lớn các tù binh đồng ý hợp tác với hồng quân. Viên tiểu đoàn trưởng trình bầy rất chi tiết về cách phòng thủ tại Tuân Nghĩa, rồi vẽ thành một bản đồ các vị trí đóng quân và quân số cùng hỏa lực tại mỗi vị trí.
Hồng quân dùng binh phục của các tù binh, mặc giả làm quốc quân, và tiến tới Tuân Nghĩa. Dĩ nhiên binh phục chỉ đủ dùng cho một tiểu đoàn, nên tiểu đoàn này đi trước, phần còn lại của trung đoàn 4 lặng lẽ tiến theo sau. Khoảng 9 giờ tối, hồng quân khởi sự lên đường dưới một trận mưa tầm tã. Trời tối đen và đường trơn trượt, và nhiều người bị té nhào nhiều lần. Bùn lầy đặc quánh đã giữ chặt lấy những đôi giầy rơm của hồng quân nên nhiều hồng quân đành phải tiếp tục tiến lên bằng chân không. Sau hai giờ tiến quân thì trận mưa dịu dần, và hồng quân trông thấy ánh lửa trước mặt. Họ biết họ đang tới gần thành Tuân Nghĩa, và ánh sáng đó là ngọn đèn treo trước cổng thành. Hồng quân lập tức chạy rần rộ tới cổng thành, làm như bị địch đuổi từ phía sau vậy.
Lập tức có tiếng la giận dữ từ trên cổng thành, "Ai đó?"
"Ðây là quân bạn", các tù binh la to cho đúng với thổ âm địa phương.
"Ðơn vị nào?"
Lần này chính viên tiểu đoàn trưởng bị bắt lên tiếng, đúng như hồng quân đã sắp xếp từ trước. Hắn nói to, "Ðây là tiểu đoàn đóng tại ngoại vi thành phố. Hôm nay quân cướp cộng sản bao vây chúng tôi. Chúng tôi thất thủ phải rời khỏi làng. Ông tiểu đoàn trưởng bị tử trận. Chúng tôi là đại đôi 1, và tôi chỉ huy phần còn lại của tiểu đoàn. Ðịch quân đang đuổi theo chúng tôi. Xin mở cổng cho chúng tôi vào."
Có tiếng hỏi, "Cho biết tên tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn."
Viên tiểu đoàn trưởng trả lời. Bên trong hoàn toàn im lặng. Hiển nhiên các binh sĩ trong cổng thành không ngờ việc này xảy ra nên lúng túng không biết nên hành động thế nào. Bên ngoài người ta nghe thấy tiếng bên trong thì thào bàn bạc với nhau. Dĩ nhiên hồng quân không muốn bên trong có nhiều thì giờ để suy nghĩ cẩn thận, vì thế hồng quân bên ngoài la thật to, "Mở cổng mau lên, mau lên! Quân cướp đỏ đuổi tới đây bây giờ!"
Bên trên có tiếng người quát xuống, "Không được la!" Có lẽ đó là một sĩ quan, và người ta nghe thấy hắn càu nhàu khi bị đánh thức dậy. Bên ngoài làm bộ như vâng lệnh viên sĩ quan nên im ngay. Bất chợt đèn bấm chiếu từ cổng thành xuống để quan sát nhận diên đám quân bên ngoài. Dĩ nhiên binh sĩ trên cổng thành nhìn xuống và tưởng hồng quân là quân bạn, vì hồng quân bên ngoài mặc quần áo Quốc dân đảng. Rồi có tiếng nói vọng xuống, "Ðược rồi, chờ một lát và đừng có cuống lên. Chúng tôi sẽ mở cổng."
Bên ngoài hồng quân chuẩn bị sẵn sàng, cắm lưỡi lê vào súng và sẵn sàng tấn công khi cổng thành mở. Họ nghe rõ tiếng lách cách của ổ khoá và cổng thành được mở ra. Một binh sĩ bên trong lên tiếng hỏi, "Quân cướp cộng sản đã qua sông Ngô Giang rồi à? Chúng tiến mau quá nhỉ?"
Hồng quân tiến ào vào và la to trả lời, "Họ nhanh như vậy đấy, và bây giờ họ đang tiến vào thành Tuân Nghĩa đây! Các anh hãy nghe đây: Chúng tôi là quân đội Công Nông Trung Hoa!" Rồi hồng quân chĩa súng vào đầu các binh sĩ quốc quân. Binh sĩ quốc quân hoảng sợ buông súng đầu hàng. Thế là không phải bắn một phát súng, hồng quân chiếm được Tuân Nghĩa và ồ ạt tiến vào thành. Hồng quân lập tức cắt đường dây liên lạc và tước vũ khí của toán quân canh giữ cổng thành. Kèn thúc quân vang lên và hồng quân mau lẹ tràn khắp thành phố. Tiếng kèn tiến quân hòa lẫn với tiếng súng máy gây ra một cảnh hoảng hốt hỗn độn cho quân dân trong thành. Quốc quân hoàn toàn bị bất ngờ. Nhiều người còn đang ngủ, chỉ kịp choàng dậy, chưa kịp mặc quần áo đã bị kiềm chế rồi. Một số lớn thấy tình thế tuyệt vọng liền bỏ trốn qua cổng thành phía bắc.
Sau khi chiếm được Tuân Nghĩa, hồng quân ở vào thế thượng phong tại Tứ Xuyên. Với Trương Quốc Ðào ở mặt bắc, Mao và Chu Ðức ở mặt nam, và Hạ Long ở giữa, hồng quân ở vào thế có thể đe dọa bao vây Tứ Xuyên. Ðây là lần đầu tiên trong nhiều năm, hồng quân tạm đạt được một thế mạnh, dù chỉ là trong một thời gian ngắn. Các lãnh tụ cộng sản cảm thấy đủ an toàn để nghỉ ngơi tại Tuân Nghĩa một thời gian, trước khi tiếp tục cuộc Trường Hành. Các lãnh tụ cao cấp chiếm một căn nhà đẹp nhất và tiện nghi nhất thành phố của họ Bạch, một thương gia rất giầu. Khi nghe tin hồng quân tới gần, thương gia họ Bạch đã bỏ trốn. Chu Ân Lai và bà vợ Ðặng Dĩnh Siêu chiếm một phòng rất đẹp ở lầu hai. Ðặng Dửnh Siêu vẫn đang bị bệnh lao phổi hành hạ và vẫn ho ra máu, nhưng tại Tuân Nghĩa, Ðặng Dĩnh Siêu được hưởng những giây phút êm đềm với chồng. Chu Ðức và Khang Khắc Thanh cũng chiếm một phòng tại đây.
Mao Trạch Ðông cư ngụ trong nhà một sứ quân khác. Cùng cư ngụ tại đây với Mao còn có Vương Gia Tường và Lạc Phủ. Hạ Tử Trân ở trong một trường trung học với đoàn dưỡng nhân. Lý Ðức và Bác Cổ không ở chung với phe thân Mao, và sống riêng biệt trong một căn nhà tầm thường. Bộ ba Mao, Vương Gia Tường và Lạc Phủ cho rằng đây đúng là thời điểm đẹp nhất để mở một cuộc đại hội của Ủy ban Trung ương, và đặt lại vấn đề lãnh đạo đảng và quân đội. Các quỷ kế của Mao bắt đầu ngay từ lúc cuộc Trường Chinh khởi đầu nay đang có kết quả tốt đẹp, nhất là nhờ vào những thất bại nặng nề của hồng quân trong thời gian vừa qua. Mao thấy cần phải thực hiện một cuộc truất phế Lý Ðức và Bác Cổ ngay lập tức. Chưa bao giờ giấc mơ của Mao trở thành lãnh tụ tối cao của cộng đảng Trung Hoa lại hứa hẹn thành đạt như tại Tuân Nghĩa. Ðại hội Tuân Nghĩa đã mở đường và xác nhận quyền lực tột đỉnh của Mao trong nước Trung Hoa cộng sản.

<< Trận Ðánh Lớn Tại Sông Tây Giang | Ðại Hội Tuân Nghĩa >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 766

Return to top