Ðối với Tưởng Giới Thạch thì chưa bao giờ mọi việc lại tốt đẹp đến như thế. Ngày 15-10-1934, Tưởng cùng bà vợ Tống Mỹ Linh lên phi cơ từ Nam Xương để đi quan sát chiến trường vùng tây bắc. Kể từ ngày kết hôn với Tưởng Giới Thạch, trở thành vị đệ nhất phu nhân đầy quyền thế đến nay, bà Tống Mỹ Linh, cô con gái út của Tống Giáo Nhân, ít khi xa chồng, kể cả những lúc Tưởng đi quan sát chiến trường. Kể từ năm 1930, khi mà Tưởng tung hết sức mạnh nhằm diệt trừ "Quân Cướp Ðỏ", thì Tưởng có mặt thường xuyên tại Nam Xương. Bây giờ thì Tưởng hài lòng lắm. Nhờ chiến pháp của Hans von Seeckt, quân Quốc dân đảng đã dồn hồng quân vào chân tường, và số phận của "Quân Cướp Ðỏ" chỉ còn được tính từng ngày. Tưởng sẽ loại được mối lo tâm phúc nhất, để dồn hết nỗ lực còn lại vào việc chinh phục các sứ quân, và thống nhất nước Trung hoa. Giấc mơ làm chúa tể Trung hoa của Tưởng chưa bao giờ hứa hẹn rực rỡ như lúc đó.
Các tay đao phủ của Tưởng Giới Thạch đã chặt đầu rất nhiều đảng viên cộng sản, và cả những người thân cộng, đến nỗi hàng ngũ cộng sản không thể phát triển mạnh về nhân lực được. Số người bị Tưởng hạ lệnh chém đầu nhiều hơn con số tuyển mộ bổ xung của hồng quân. Tuy vậy Tưởng cũng phải thầm khen những cấp chỉ huy của hồng quân tại Giang Tây. Tưởng cũng quen biết nhiều người trong nhóm này, khi mà tất cả cùng kết hợp nhau dưới lá cờ của Tôn Dật Tiên. Một trong những thủ lãnh cộng sản mà Tưởng căm thù nhất là Chu Ân Lai. Trước kia Chu Ân Lai là phụ tá của Tưởng tại trường võ bị danh tiếng Hoàng Phố. Lúc đó Tưởng là chỉ huy trưởng, còn Chu Ân Lai phụ trách việc huấn luyện chính trị. Nhiều lãnh tụ quân sự của hồng quân cũng đã từng học tại Hoàng Phố. Cũng có những người chưa được đào luyện tại Hoàng Phố, như Mao Trạch Ðông và Chu Ðức. Tưởng cũng từng nghe nói rất nhiều về Mao Trạch Ðông, mặc dầu hai người chưa từng có dịp gặp nhau. Về phần Chu Ðức trước kia cũng là một sứ quân, có rất nhiều vợ và nghiện thuốc phiện. Nhưng về sau Chu Ðức giải tán các bà vợ, bỏ thuốc phiện và gia nhập hồng quân. Mao Trạch Ðông và Chu Ðức chiến đấu sát cánh nhau rất thân thiết thành cặp bài trùng Chu Mao. Nhiều người lúc đầu không biết, cứ tưởng Chu Mao là một người. Tuy nhiên Mao Trạch Ðông và Chu Ðức chỉ hợp tác chặt chẽ với nhau trong những ngày chiến đấu gian khổ; khi phe cộng sản đạt được chiến thắng làm chủ Hoa Lục, Mao và Chu Ðức thường chống đối nhau vì quyền lợi cá nhân.
Tuy Tưởng gọi những kẻ thù cộng sản là "Quân Cướp Ðỏ", nhưng Tưởng không bao giờ đánh giá họ quá thấp. Họ đã liên tiếp thành công đánh bại quân của Tưởng trong suốt bảy năm vừa qua. Nhờ Hans von Seeckt đến giúp, làm thay đổi hẳn cục diện. Hans von Seeckt tiến quân rất chậm và thận trọng. Trong khi tiến quân, Hans von Seeckt thiết lập những pháo đài, đồn bót ngăn chặn tất cả mọi con đường dẫn vào khu vực cộng sản. Vòng vây của Hans von Seeckt cứ từ từ xiết chặt lại. Việc buôn bán giữa khu vực cộng sản và khu vực Quốc dân đảng hoàn toàn bị cắt đứt. Không ai vào được khu vực cộng sản, và cũng không ai đi ra được từ khu vực cộng sản. Người dân sống trong khu vực cộng sản không bán được lúa gạo và ngô khoai, nhưng lại thiếu thốn muối, dầu lửa và vải.
Trước khi Tưởng tung ra đợt tấn công thứ năm, quân cộng sản vẫn tiếp tục chiến thắng bằng chiến thuật du kích, tấn công lén rồi rút lui. Hồng quân dụ cho quân Quốc dân đảng tiến sâu vào khu vực cộng sản, rồi dùng những cuộc phục kích để tiêu diệt. Hồng quân chiếm được rất nhiều lương thực và vũ khí. Rất nhiều quân Quốc dân đảng bị bắt làm tù binh, rồi bị cộng sản cải tạo để trở thành những người thay thế cho những tổn thất về quân số của hồng quân.
Nhưng bây giờ thì hồng quân không thể nào đối địch trực tiếp với quân Quốc dân đảng được nữa. Trong trận Quảng Xương tháng 4-1934, hồng quân và quốc quân đã chiến đấu bất phân thắng bại. Ðây là lần đầu tiên quân của Tưởng có thể cầm cự nghiêng ngửa với hồng quân. Cả hai bên đều không tiến lên được, dù là một tấc đất. Hồng quân bị tổn thất tám ngàn quân trong trận đánh này. Quân của Tưởng cũng bị thiệt hại tương tự. Nhưng Tưởng có thể bổ xung số quân tử trận mau lẹ, trong khi hồng quân không có khả năng thay thế được những thiệt hại to lớn về quân số được, vì nhân sự trong khu vực cộng sản đã được xử dụng tới tối đa, nay đã đến lúc kiệt quệ.
Chưa bao giờ Tưởng lên tinh thần như hiện nay. Cộng sản là lực lượng chính yếu cản trở mộng thống nhất Trung Hoa của Tưởng. Bây giờ hồng quân sắp bị tiêu diệt. Tưởng hy vọng có thể xin được viện trợ ngoại quốc để tạo thế mạnh trong cuộc thương thuyết đòi lại đất Mãn Châu trong tay người Nhật. Hitler hiện đang giúp Tưởng đánh lại hồng quân, nhưng Hitler sẽ không dám công khai giúp Tưởng chống lại Nhật, vì Hitler đang muốn lấy lòng Nhật để Nhật trở thành đồng minh với Ðức. Tuy vậy Tưởng vẫn lạc quan hy vọng có được sự trợ giúp ngầm của Hitler. Về phần Stalin thì Tưởng tin rằng Stalin là người thực tế, nghĩ đến quyền lợi của Nga sô trước hết. Stalin sẽ không bao giờ trợ giúp Tưởng đánh bại cộng sản Trung hoa. Nhưng khi cộng sản Trung Hoa bị tiêu diệt rồi, thì Stalin sẽ nghiêng về Tưởng, vì một nước Trung Hoa thống nhất dưới quyền lãnh đạo tối cao của Tưởng sẽ có lợi cho Nga nhiều hơn.
Phi cơ của Tưởng tiếp tục bay từ Nam Xương, dọc theo sông Dương Tử, trên những cánh đồng lúa mì phì nhiêu và qua những vùng đồi vàng một mầu đất hoàng thổ. Ðằng sau Tưởng là Giang Tây, một khu vực mà hồng quân đang bị vây tứ phía, không còn đường rút lui. Tưởng lẩm bẩm: "Chúng bay sẽ bị tiêu diệt trọn ổ trong nay mai. Cái ngày tàn của chúng bay không còn xa đâu." Tưởng định khi trở về Nam Xương sẽ ra lệnh mở cuộc tấn công tàn sát cuối cùng.
Nhiều người tại Nam Xương cũng phải chia xẻ sự lạc quan của Tưởng Giới Thạch cho rằng có thể tiêu diệt hết quân cộng sản tại Giang Tây. Người Trung hoa tại các nơi khác biết rất ít về sự hiện diện của cộng sản, nhưng người dân tại Nam Xương biết rõ khí thế và hoạt động của cộng sản hơn. Họ đã biết quân cộng sản từ ngày 1-8-1927, khi cộng sản vùng lên chiếm thành phố, rồi gióng cờ lên tiến về phía nam, trong hy vọng khôi phục lại một cuộc cách mạng mà Tưởng Giới Thạch đã hủy diệt trong biển máu tại Thượng Hải. Nhân vật nổi bật nhất trong cuộc nổi dậy tại Nam Xương là một thanh niên đẹp trai, lúc đó mới có 29 tuổi. Chàng thanh niên đó là Chu Ân Lai, một người tự nhận là "sản phẩm của một gia đình quan lại băng hoại." Giống phần đông thanh niên Trung hoa cùng thế hệ, Chu Ân Lai đã không bỏ lỡ cơ hội đầu tiên gia nhập các phong trào sinh viên quá khích. Sau đó Chu Ân Lai xuất ngoại sang Âu châu, làm việc tại hãng xe hơi Renault của Pháp, rồi học tại Ba Lê và Bá Linh, Ðức quốc. Chu Ân Lai là đảng viên sáng lập cộng đảng Trung hoa tại Âu châu.
Năm 1927 là một cái mốc lớn trong lịch sử Trung hoa. Chính năm đó Tưởng Giới Thạch từ Quảng Ðông mở cuộc chinh phạt miền bắc, với sự hợp tác của phe cộng sản. Thực ra phe cộng sản Trung Hoa liên kết với Quốc dân đảng chỉ là giai đoạn tạm thời trong lúc phe cộng sản còn yếu kém, và họ luôn luôn tìm mọi cơ hội để khai thác và chiếm đoạt chiến thắng của phe Quốc dân đảng. Mục tiêu đầu tiên của cuộc Bắc phạt là Thượng Hải, và sau đó hy vọng sẽ là Bắc Kinh. Chu Ân Lai định cướp công của Quốc dân đảng bằng cách lén tới Thượng Hải trước, âm mưu tổ chức các cuộc nổi dậy của công nhân, đặt bước đầu cho các hoạt động của đảng cộng sản sau này. Hai cuộc nổi dậy đầu tiên của công nhân thất bại vì thiếu chuẩn bị. Ðợt nổi dậy lần thứ ba thành công. Hàng trăm ngàn công nhân tiến ra đường, đoạt quyền chỉ huy thành phố, và sửa soạn chào đón Tưởng Giới Thạch và quân đội Quốc dân đảng.
Nhưng biến cố buổi sáng ngày 12-4-1927 không phải là chiến thắng mà Chu Ân Lai và các lãnh tụ cộng sản mong đợi. Trong khi công nhân giăng biển ngữ "Hoan Hô Quân Ðội Giải Phóng Quốc Gia" và "Hoan Hô Tưởng Giới Thạch" thì Tưởng Giới Thạch âm thầm liên kết với các bang hội, các nhóm anh chị của Hoàng Mặt Rỗ và Ðỗ Nguyệt Thăng có biệt hiệu là Ðỗ Ðại Nhĩ, để triệt hạ giới công nhân. Tưởng trông thấy âm mưu hớt tay trên của Chu Ân Lai cho mục tiêu cộng sản sau này. Bề ngoài công nhân có vẻ ủng hộ đại quân của Tưởng, nhưng Tưởng biết rõ lý do của sự ủng hộ bất đắc dĩ này chỉ vì lực lượng cộng sản chưa đủ mạnh. Tưởng đã làm một điều cần thiết để tránh hậu họa. Trong khi đại quân của Tưởng án binh bất động, thì từng nhóm anh chị của các bố già Hoàng Mặt Rỗ và Ðỗ Ðại Nhĩ xông ra, mặc sức "làm thịt" công nhân tại chỗ. Hàng ngàn công nhân bị các tay anh chị tàn nhẫn bắn giết, chặt đầu, hoặc bị quẳng vào luộc sống trong những lò nước sôi. Tưởng treo giải thưởng 80 ngàn đô la cho ai bắt được hoặc giết được Chu Ân Lai. Các cơ sở của cộng sản tại Thượng Hải bị tàn phá, nhiều lãnh tụ bị bắt và bị giết.
Người ta đồn Chu Ân Lai đã bị quân của Tưởng bắt được, nhưng sau Chu Ân Lai phải mặc giả làm đàn bà mới trốn thoát. Nhưng thực ra Chu bị đệ nhị sư đoàn Quốc dân đảng bắt giữ trong khi sư đoàn này có nhiệm vụ tái lập trật tự và tước vũ khí của dân quân. Một số sĩ quan cao cấp trong đệ nhị sư đoàn đã biết Chu từ thời còn học tại trường võ bị Hoàng Phố, và họ có thiện cảm với Chu. Sau một hồi bàn cãi sôi nổi giữa các cấp chỉ huy sư đoàn, Chu được thả. Lập tức Chu tìm đường trốn về Vũ Hán. Giai thoại Chu Ân Lai phải mặc giả đàn bà để trốn bắt nguồn từ sự kiện Chu Ân Lai là người rất đẹp trai, và hồi còn học tại Thiên Tân, Chu Ân Lai hay đóng kịch, và thường phải đóng những vai giả làm con gái. Trong khi đó người yêu của Chu Ân Lai là Ðặng Dĩnh Siêu thường phải đóng giả làm đàn ông, có lẽ tại Ðặng Dĩnh Siêu thiếu nhan sắc.
Lúc đó phe cộng sản và Quốc dân đảng đang trong thời kỳ hợp tác với nhau, và đặt chính phủ tại Vũ Hán. Sự hợp tác Quốc Cộng là chủ trương của Tôn Dật Tiên. Tưởng Giới Thạch là một lãnh tụ chống cộng triệt để, và không chịu hợp tác với phe cộng. Sau biến cố đẫm máu đánh bại phe cộng sản tại Thượng Hải, Tưởng gạt bỏ những người cộng sản ra khỏi tổ chức Quốc dân đảng và chính phủ tại Vũ Hán. Liền sau đó là một cuộc đàn áp công nhân và nông dân tại Vũ Hán. Các lãnh tụ cộng sản phải bỏ trốn, đi vào con đường hoạt động bí mật. Tưởng Giới Thạch dời thủ đô về Nam Kinh. Việc khai trừ và đàn áp người cộng sản tại Vũ Hán của Tưởng Giới Thạch đã đẩy một số lãnh tụ cộng sản mở những cuộc nổi dậy, chiếm một số thành phố của Quốc dân đảng. Các cuộc nổi dậy này khởi sự vào mùa thu, vì thế được gọi là Những Cuộc Nổi Dậy Mùa Thu.
Các lãnh tụ cộng sản hy vọng dùng được một số đơn vị nhỏ của tướng Trương Phát Khuê cho mục tiêu đánh chiếm Nam Xương, rồi tiến về chiếm Quảng Châu ở phía nam. Trương Phát Khuê không phải là cộng sản, nhưng nhiều cấp chỉ huy dưới quyền của họ Trương lại là cộng sản, như Diệp Dĩnh, tư lệnh Nam Xương và sư đoàn 24, Diệp Kiếm Anh tham mưu trưởng quân đoàn 4, Hạ Long tư lệnh quân đoàn 20, và thiếu tướng Chu Ðức là giám đốc sở công an Nam Xương. Với nhiều nhân sự nắm giữ những chức vụ quân sự quan trọng như thế, Nam Xương quả thực là một mục tiêu lý tưởng cho cộng sản.
*
Chu Ân Lai Và Cuộc Nổi Dậy Tại Nam Xương
Chu Ân Lai sinh năm 1899 tại tỉnh Hoài An, trong một gia đình quan lại. Thân phụ của Chu có một người em trai sắp chết mà chưa có con trai, và sợ rằng người em sau này không có ai nối dõi để tiếp tục việc thờ phụng, nên lúc Chu Ân Lai được bốn tuổi thì bị thân phụ đem cho người chú nuôi. Sau khi người chú chết rồi thì Chu vẫn tiếp tục ở nhà người chú với người mẹ nuôi là thím ruột của mình. Người thím của Chu là người hay chữ và thích đọc sách. Bà ta rất thích đọc những sách bị cấm hồi đó, như những sách nói về những cuộc nổi loạn chống lại triều đình, và đưa cho Chu đọc. Chu rất say mê những sách này. Chu bắt đầu học tại nhà do một thày đồ đến dạy. Khi Chu 14 tuổi thì được gia đình gửi tới Nam Khai Học Hiệu tại Thiên Tân, và hoàn toàn bị ảnh hưởng Quốc dân đảng của Tôn Dật Tiên. Năm 1917, Chu sang Nhật Bản và giao du với rất nhiều sinh viên cách mạng.
Ðầu năm 1919, Chu trở về nước và học tại đại học Thiên Tân. Trong thời gian học tại Nam Khai Học Hiệu, Chu Ân Lai bị tù 5 tháng vì lãnh đạo học sinh trong Phong Trào Sinh Viên Ngũ Tứ. Gia đình tức giận không gửi tiền trợ giúp Chu nữa. Chu phải tự lo liệu bằng cách viết báo hoặc bằng học bổng, vì Chu là một học sinh xuất sắc. Trong thời gian này, Chu thành lập hội Thức Tỉnh, bao gồm những phần tử quá khích. Trong số những hội viên của Hội Thức Tỉnh, có một nữ sinh viên tên là Ðặng Dĩnh Siêu. Năm 1925, Chu Ân Lai và Ðặng Dĩnh Siêu kết hôn với nhau, và cùng đi chung một con đường phục vụ cộng đảng Trung hoa. Ðây là một cặp vợ chồng son sắt nhất trong cộng đảng Trung hoa; hai người yêu nhau, kính trọng nhau và sống bên nhau suốt đời, kể cả những lúc gian lao nhất trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, và mặc dù không có con. Khi Chu làm thủ tướng, nhiều người đề nghị Chu nên kết hôn với một người con gái trẻ khác để có con, nhưng Chu từ chối và nói: "Tôi không cần có con riêng. Tất cả trẻ con Trung Hoa đều là con tôi." Trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, vì không chịu đựng nổi những gian khổ, Ðặng Dĩnh Siêu mắc bệnh lao phổi, và phải được chở đi bằng cáng. Sau đó Ðặng Dĩnh Siêu phải lén trở lại Bắc Kinh để chữa bệnh phổi.
Hội Thức Tỉnh của Chu Ân Lai tan rã vào năm 1920, khi Chu và Ðặng Dĩnh Siêu đuợc đi Pháp du học theo chương trình "Làm Việc Và Học Tập" do Trần Ðộc Tú tổ chức. Tại Pháp, Ðức và Anh quốc, Chu Ân Lai làm đủ mọi thứ việc, như bồi bàn, thợ mỏ, thợ xe hơi để học, và thành lập chi bộ cộng đảng Trung hoa tại Âu Châu. Năm 1924 Chu Ân Lai trở về nước, và dừng lại tại Mạc Tư Khoa để tham dự một vài khóa huấn luyện đặc biệt. Tại Quảng Ðông năm đó, Chu Ân Lai trở thành phụ tá cho Tưởng Giới Thạch, giảng dạy chính trị tại trường võ bị Hoàng Phố.
*
Một ngày cuối tháng 7 năm 1927, một thanh niên đẹp trai, dong dỏng cao, trong bộ âu phục màu xám, xách cặp da màu đen, bước vào Ðại Khách Sạn tại Nam Xương, và thuê phòng số 25. Chàng thanh niên đó chính là Chu Ân Lai. Khách sạn này lúc đó hầu như không còn phòng trống nữa. Tướng Hạ Long cũng đã thuê phòng số 20. Lưu Bá Thừa có biệt danh là Ðộc Nhãn Long vì chột một bên mắt, thì chiếm phòng số 9. Lâm Bưu lúc đó chỉ là một trung đội trưởng nên không được dành phòng tại đây, kể cả Chu Ðức lúc đó vẫn chưa chính thức gia nhập đảng cộng sản, và còn đang đứng trong hàng ngũ Quốc dân đảng và phụ trách ngành an ninh tại Nam Xương. Các lãnh tụ cộng sản cao cấp đang âm thầm kéo về Nam Xương trong một mưu toan lớn.
Chu Ân Lai là người được cộng đảng giao phó trọng trách tổ chức cuộc nổi dậy tại Nam Xương. Phe cộng sản có vẻ nắm chắc phần thắng tại đây, vì cộng quân tung vào cuộc nổi loạn 20 ngàn quân để chống lại 10 ngàn quân chính phủ. Tuy nhiên nếu Chu Ân Lai không cương quyết thì mọi kế hoạch của cộng sản đã không thể thi hành được. Stalin mới phái Lominadze, một đảng viên Nga sô mới 29 tuổi, sang làm cố vấn cho cộng đảng Trung hoa. Lominadze không hiểu biết gì về Trung hoa, nhưng được lòng Stalin. Khi tới Trung hoa, Lominadze ra lệnh ngưng cuộc nổi dậy tại Nam Xương. Lệnh của Lominadze đưa ra 25 giờ trước khi cuộc nổi dậy khởi sự. Trương Quốc Ðào được lệnh tới Nam Xương để thuyết phục Chu Ân Lai bãi bỏ cuộc nổi dậy. Họ Trương nhấn mạnh cuộc nổi dậy chỉ khởi sự nếu bảo đảm được chiến thắng, nếu không thì tốt hơn là rút những người cộng sản ra khỏi quân đội của Trương Phát Khuê, và tìm về lập một căn cứ tại nông thôn.
Chu Ân Lai và một số lãnh tụ khác bất tuân lệnh của Lominadze, có lẽ vì đã tập trung quá nhiều nỗ lực vào việc chuẩn bị. Tất cả tránh trường hợp căng thẳng chờ đợi để thăm dò Trương Phát Khuê. Một số người chủ trương rằng mũi tên đã đặt lên cung rồi thì phải được bắn đi. Chu Ân Lai quyết định cứ tiến hành cuộc nổi dậy như đã định, và cuộc nổi dậy Nam Xương bùng nổ sáng ngày 1-8-1927, do Hạ Long làm tư lệnh và Diệp Dĩnh làm phó tư lệnh. Lúc đó là đầu tháng 8, trời đẹp nhưng rất oi bức nên quân đội chính phủ phải ngủ ngay ngoài sân trại, và do đó rất chểnh mảng việc bố phòng.
Cuộc tấn công xảy ra rất mau lẹ, và quân của Chu Ân Lai làm chủ được thành phố vào lúc hừng sáng. Trên 800 quân chính phủ tử trận. Số tổn thất của cộng quân nặng hơn gấp ba lần. Tuy nhiên quân cộng sản không thể chiếm giữ thành phố được lâu, vì đệ nhị quân đoàn của tướng Trương Phát Khuê lập tức tiến tới bao vây Nam Xương. Trong vòng ba ngày, quân cộng sản rút lui khỏi thành phố, tiến về phía nam. Ngày 6-8 Nam Xương lại thuộc về chính phủ Quốc dân đảng. Tuy cuộc nổi dậy Nam Xương thất bại, cộng quân chỉ làm chủ thành phố được ba ngày, nhưng đó là thành tích đầu tiên của cộng sản, và có hậu quả quan trọng cho công cuộc cách mạng cộng sản Trung hoa. Các lãnh tụ quan trọng nhất của phe cộng sản Trung hoa đều tham dự cuộc nổi dậy này, như Chu Ân Lai, Trần Nghị, Hạ Long, Lưu Bá Thừa, Lâm Bưu, Chu Ðức... Kể từ đó, ngày quân lực của hồng quân Trung hoa được tổ chức hàng năm vào ngày 1-8, để tưởng niệm cuộc nổi dậy quan trọng đầu tiên của hồng quân tại Nam Xương.
Lực lượng nổi dậy tại Nam Xương phải ra đi ngày 3-8, và tiến về Quảng Ðông với ý định đánh chiếm thành phố Quảng Châu. Ðoàn quân rút lui khỏi Nam Xương đem theo tất cả vũ khí chiếm được và tiền bạc của ngân hàng Nam Xương. Nhưng khi toán quân 21 ngàn người này tới địa phận tỉnh Quảng Ðông thì chỉ còn lại 8 ngàn người. Nhiều người dồ đào ngũ, người thì chết vì bệnh thời khí và đói khát. Với một quân số ít ỏi như vậy thì không đủ sức mạnh chiếm được Quảng Châu, các lãnh tụ cộng sản liền tạm chiếm hải cảng Sán Ðầu, nhưng chỉ vài ngày sau thì bị một lực lượng Quốc dân đảng hùng hậu hơn đánh tan. Phần lớn các lãnh tụ cộng sản thất bại bỏ trốn sang Hương Cảng bằng thuyền nhỏ. Diệp Kiếm Anh và Diệp Dĩnh ở lại Hương Cảng một thời gian. Hạ Long trở lại nguyên quán và xây dựng một đội quân khác. Lưu Bá Thừa thì bỏ sang Nga để học quân sự. Trong nhóm các lãnh tụ cộng sản tham dự cuộc nổi dậy tại Nam Xương, chỉ một mình Chu Ðức đã sống sót về mặt quân sự. Chu Ðức dẫn được một lực lượng hai ngàn người đi theo một con đường khác, và sau này gia nhập với lực lượng của Mao Trạch Ðông tại Tỉnh Cương Sơn.
Sau khi thất bại tại Sán Ðầu, Chu Ân Lai ngã bệnh sốt rét. Ông nghỉ tại Hương Cảng một thời gian rồi lén trở lại Thượng Hải và hoạt động cho Trung ương đảng. Sau này trong một dịp nói chuyện với Hồng vệ binh, Chu Ân Lai phát biểu cảm tưởng về cuộc nổi dậy Nam Xương như sau: "Thực ra Trương Quốc Ðào cũng đúng một phần và tôi sai khi chúng tôi tranh luận tại Nam Xương. Vào lúc đó, tham gia cuộc đấu tranh vũ trang là đúng. Nhưng vấn đề là đáng lẽ chúng ta phải đoàn kết với nông dân. Nếu như sau cuộc nổi dậy, chúng ta phân tán đI để xây dựng các cơ sở trong các vùng nông thôn tỉnh Giang Tây thì sức mạnh của chúng ta rất lớn. Trái lại, chúng ta lại tìm cách chiếm những thành phố bằng sức mạnh quân sự của chúng ta. Ðó là một chính sách dựa vào quan điểm quân sự thuần túy. Chúng ta đi từ Giang Tây đến Quảng Ðông, mục tiêu đầu tiên là chiếm Sán Ðầu với mục đích nhận được viện trợ của Liên xô. Một mặt chúng ta muốn chiếm các thành phố, mặt khác, chúng ta muốn dựa vào viện trợ của ngoại quốc. Do ảnh hưởng của hai tư tưởng đó, chúng ta không đoàn kết với nông dân... Tôi bắt đầu phạm sai lầm khi tôi 29 tuổi. Nay tôi đã 69 tuổi, nhưng vẫn phạm sai lầm."
Sau những thất bại liên tiếp, Trần Ðộc Tú bị khiển trách và mất chức Tổng Bí Thư. Cù Thu Bạch được chọn lên thay thế. Trong dịp này Mao Trạch Ðông được chỉ định tổ chức cuộc Nổi Dậy Mùa Thu tại Trường Sa.
*
Mao Trạch Ðông Và Cuộc Nổi Dậy Mùa Thu Tại Trường Sa
Mao Trạch Ðông không tham dự cuộc nổi dậy tại Nam Xương, vì lúc đó Mao còn bận tổ chức cuộc Nổi Dậy Mùa Thu tại Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Mao sinh năm 1893 trong một gia đình nông dân tại Thiều Sơn, cách Trường Sa 40 dặm. Thân phụ Mao là Mao Châu Thẩm, một nông dân vừa cần kiệm vừa tham lam. Ông nội của Mao bị chủ nợ xiết tất cả ruộng đất vì không trả nổi nợ. Về sau Mao Châu Thẩm cố gắng chuộc lại và mua thêm đất, và tài sản nhà họ Mao lên đến 3.7 mẫu ruộng. Hàng năm nhà họ Mao sản xuất được 7 tấn thóc và được coi là một địa chủ, vì có tá điền giúp việc. Thân phụ Mao rất nghiệm khắc với con cái, và thường hay đánh mắng con cái để duy trì sự tuyệt đối vâng lời và phục tùng. Ngay từ lúc 4 tuổi, Mao đã phải ra đồng làm việc như một nông dân. Thân phụ Mao hàng tháng cấp phát gạo và trứng cho tá điền, nhưng Mao chưa bao giờ được ăn trứng và thịt cá.
Thân phụ Mao quyết định phải cho con trưởng là Mao Trạch Ðông đi học, không phải vì ông muốn cho con khá, mà là vì ông làm ăn phát đạt, bước sang ngành buôn gạo và cho vay lãi, nên cần một người con biết viết để giúp ông, và cũng vì ông vốn mù chữ. Nhờ thế Mao được đi học lúc 7 tuổi. Trường học của Mao theo lề lối giáo dục cổ điển, dùng nhục hình để bắt học sinh phải chăm học. Hành động phản kháng chống đối đầu tiên của Mao là tại trường học. Hồi Mao 10 tuổi, một hôm Mao bỏ trường để phản đối lối trừng phạt bằng roi vọt. Mao không dám về nhà vì sợ bị bố đánh. Nhưng cuối cùng gia đình cũng bắt được Mao đem về nhà. Nhưng một điều làm Mao ngạc nhiên là không bị thân phụ đánh mắng gì cả. Không những thế, từ đó trở đi thân phụ Mao đối xử với Mao dịu dàng hơn, và thày giáo cũng không dám đánh Mao nữa.
Một ngày lúc Mao được 13 tuổi, thân phụ Mao mời một số khách lại chơi. Hai bố con bất đồng ý về một vấn đề, và Mao bị thân phụ mắng là "quân lười biếng vô dụng". Mao vô cùng tức giận, cãi lại bố rồi vùng vằng bỏ nhà ra đI, hăm dọa sẽ tự tử. Bà mẹ vội vàng đuổi theo và năn nỉ Mao trở lại, nhưng cậu bé cứng đầu ngỗ nghịch cứ xăm xăm bước ra bờ ao, và có vẻ muốn nhảy xuống ao trầm mình. Mao kể lại cố sự này: "Bố tôi cũng đuổi theo tôi và bắt tôi phải quay về nhà. Ông nhất định bắt tôi phải khấu đầu tạ tội, một hình thức phục tùng. Tôi đồng ý chỉ quỳ một chân thôi, nếu bố tôi hứa từ đó không được đánh tôi nữa. Thế là cuộc xung đột giữa tôi và bố tôi chấm dứt. Từ kinh nghiệm này tôi học được một điều là khi nào tôi bảo vệ quyền lợi của tôi bằng cách nổi loạn chống lại thì bố tôi lui, nhưng nếu tôi cứ tiếp tục yếu đuối hàng phục thì bố tôi cứ chửi mắng và đánh đập tôi." Bài học của đời sống gia đình đã dạy Mao tinh thần nổi loạn, và phải chống đối tất cả để trở thành lãnh tụ số một.
Mao Trạch Ðông được học ngay tại trường làng, và trong năm năm, Mao đã đọc hết Tứ Thư Ngũ Kinh. Nhiều năm sau đó, Mao tỏ ra chê bai cái học của mình. Mao nói với một nhà báo Tây phương: "Tôi rất ghét Khổng Tử." Nhưng thực ra Mao đã nghiền ngẫm và bắt chước các tác phẩm danh tiếng của nước Trung Hoa cổ, và trong các tác phẩm của mình, Mao thường hay trích dẫn những lời nói của Khổng Tử và Mạnh Tử. Trong những năm cuối cùng của đời mình, Mao đã thu thập rất nhiều tác phẩm cổ điển; các tư tưởng cổ điển ngày càng ăn sâu vào tâm trí Mao, đúng như Mao thường nói: "Hãy dùng quá khứ phục vụ hiện tại."
Ðúng ra Mao Trạch Ðông đã áp dụng triết lý của Khổng Tử và Mạnh Tử vào đường lối suy tư của mình. Khổng Tử và Mạnh Tử tha thiết sửa đổi thực tế chứ không tìm cách chạy trốn khỏi thực tế. Ðó cũng là căn bản tư tưởng chính trị của Mao. Mao rất thích câu nói của Mạnh Tử: "Nếu ý Trời muốn thiết lập hòa bình và trật tự khắp bốn phương thì còn ai ngoài ta thực hiện điều đó?" Mao say mê đọc các tiểu thuyết danh tiếng của Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Tây Du và Hồng Lâu Mộng. Mao thuộc lòng nhiều đoạn trong Tam Quốc Chí và Thủy Hử, và nhiều đoạn trong lịch sử Trung Hoa, đặc biệt là những cố sự về tranh dành quyền lực giữa những nhân vật chính trị. Mao đã áp dụng tất cả những sách vở đã đọc vào chiến thuật du kích của mình. Khi các kẻ thù của Mao lên án Mao chiến đấu tại Tỉnh Cương Sơn và trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh đúng theo những gì Mao đã đọc trong cuốn Thủy Hử, thì quả thực họ đã khen ngợi Mao một cách chính xác nhất. Mao không bao giờ phủ nhận điều đó. Mao còn dùng cuốn Binh Thư của Tôn Tử như một cuốn sách gối đầu giường. Mao đặt cuộc cách mạng Trung Hoa trên căn bản hoàn toàn Trung Hoa.
Khi Mao Trạch Ðông được 14 tuổi thì bị cha mẹ bắt lấy vợ, và cưới cho Mao một cô gái 20 tuổi, hơn Mao 6 tuổi. Mao rất bất mãn việc bắt buộc phải lấy vợ do cha mẹ chọn mà không có sự đồng ý của Mao, và không bao giờ Mao công nhận người con gái do cha mẹ cưới hỏi là vợ mình. Mao cũng không bao giờ gần gũi người con gái ấy. Mao biết mùi vị tình dục rất sớm. Ngay từ năm 12 tuổi, Mao đã thành công dụ dỗ một cô gái xinh đẹp trong làng làm tình với mình. Cô gái ấy cũng bằng tuổi Mao.
Tuy Mao có vẻ bất hiếu ngỗ nghịch với thân phụ, nhưng Mao lại hết lòng yêu mến và vâng lời mẹ. Mao chịu ảnh hưởng của bà mẹ trong những năm niên thiếu. Thân mẫu Mao tên là Vương Kim Muội, một người đàn bà siêng năng, tốt bụng và hiểu biết. Bà thường giúp đỡ những người bần cùng. Vào những lúc đói kém, bà thường lén chồng lấy gạo cho các nông dân nghèo đói. Bà rất sùng đạo Phật, và chính vì bà, Mao trở thành một Phật tử lúc còn trẻ. Khi mẹ bị bệnh, Mao cầu nguyện Ðức Phật cho mẹ chóng bình phục, và lúc 15 tuổi, Mao đã đi hành hương tại ngôi chùa trên núi Hằng Sơn, cách xa Thiều Sơn trên 100 dặm. Hằng Sơn là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung hoa.
Khi mẹ chết năm 1919, Mao Trạch Ðông liền từ bỏ đạo Phật, nhưng tư tưởng Phật giáo vẫn còn dấu vết trong cách suy tư của Mao. Lý Thụy, một học giả từng làm bí thư cho Mao trước khi bị Mao bỏ tù và bị đi đầy 20 năm, nhận xét rằng tư tưởng Phật giáo đã khiến Mao quan niệm rằng sự cải tạo trước hết cần phải phá hủy trước khi xây dựng lại. Mao đã viết: "Sự hủy diệt thế giới không phải là sự hủy diệt cuối cùng. Sau ngày tận thế nhất định là sự thành công. Ðây là một sự hiển nhiên. Chúng ta hăng say mong đợi ngày tận thế của thế giới cũ. Sự hủy diệt thế giới cũ sẽ dẫn tới sự thiết lập một thế giới mới."
Thân phụ Mao không muốn cho Mao học nhiều, mà chỉ muốn Mao học đủ để làm việc với một lái buôn gạo tại làng bên cạnh. Lúc này nhà họ Mao cũng đã khá giả hơn trước nhiều, nhà cửa khang trang nhất trong làng, bên cạnh nhà có kho đựng thóc và một ao nuôi cá chép cùng vịt ngỗng. Nhưng Mao đòi thân phụ cho được tiếp tục học thêm, và cuối cùng đến đầu năm 1910, Mao được vào trường Ðông Sơn. Tại đây Mao học khoa học, Anh ngữ, và cổ văn Trung hoa. Mao tỏ ra có tài viết văn và nói trước công chúng. Tuy Mao ghét học môn Anh văn, nhưng Mao rất khâm phục tổng thống Washington của Hoa Kỳ. Mao thường nói với bạn bè: "Trung hoa cần phải có những vĩ nhân như Washington."
Ðây chính là thời gian Mao Trạch Ðông được đọc những tác phẩm của hai nhà cải cách quan trọng của Trung hoa là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Hai học giả này đã nổi bật nhất trong thời gian Trung Hoa bị quân Nhật đánh bại lần đầu tiên, và trong thời gian có loạn Quyền Phỉ. Nhưng lúc Mao biết và đọc Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu thì ảnh hưởng của hai người này đang ở vào thời kỳ suy tàn. Vào thời đó, tin tức bên ngoài tới vùng quê Hồ Nam rất chậm trễ. Phải hai năm sau Mao mới được tin thái hậu Từ Hy từ trần. Tuy nhiên bước tiến của Mao rất mau. Sau một thời gian đọc sách và suy ngẫm, Mao tìm đến thủ phủ Trường Sa đúng lúc cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 của Tôn Dật Tiên bắt đầu. Mao lập tức cắt bỏ mái tóc đuôi sam, một hình thức chống lại chế độ quân chủ của nhà Thanh, và lao vào cuộc cách mạng. Mao nhiệt liệt hô hào thành lập một chính phủ do Tôn Dật Tiên làm tổng thống, Khang hữu Vi làm thủ tướng và Lương Khải Siêu làm ngoại trưởng. Thực ra Mao không hiểu rằng quan điểm của Tôn Dật Tiên và của hai họ Khang, Lương rất xa cách nhau. Rồi Mao gia nhập quân đội cách mạng tại Trường Sa.
Sáu tháng sau, ông vua cuối cùng của nhà Mãn Thanh là Phổ Nghi phải thoái vị, và Mao cho rằng cuộc cách mạng đã thành công. Thế là Mao lập tức rời bỏ quân đội để tìm đuờng học thêm. Lúc đầu Mao quyết định tự học trong thư viện. Mao say mê đọc các tác phẩm chính trị, kinh tế và khoa học của tây phương, và thơ văn của Trung Hoa và Hy Lạp. Năm 1913, Mao thi vào trường sư phạm Trường Sa để trở thành giáo viên. Trong kỳ thi này, bài luận của Mao được chấm điểm cao nhất. Tại trường sư phạm, Mao thọ giáo với giáo sư Dương Xương Tế, một vị giáo sư khả kính, được mệnh danh là "Khổng Tử của Trường Sa".
Mao học tại trường sư phạm trên 5 năm, và nhiều sinh viên tại đây sau này theo Mao vào đảng cộng sản. Năm 1918, Mao tốt nghiệp hạng ba. Các bạn cùng khóa bầu Mao là sinh viên xuất sắc nhất lớp, nhưng các giáo sư chê Mao là người quá độc lập, quá tự kiêu, một người rất dễ đập phá luật lệ. Năm đó Mao được 25 tuổi và tự nhận là một thi sĩ, một người ái quốc và một triết gia. Mao chủ trương Trung hoa cần phải thay đổi, và Mao tự nhận có sứ mạng lãnh đạo sự thay đổi đó.
Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, Mao Trạch Ðông quyết định không đi theo nghề dạy học. Mao tìm đường lên Bắc Kinh để học hỏi thêm và tìm cách tiến thân. Tại Bắc Kinh, Mao gặp lại giáo sư Dương Xương Tế, người thày cũ tại Trường Sa và hiện là giáo sư đại học Bắc Kinh. Thoạt đầu Mao không có tiền nên cuộc sống hết sức thiếu thốn. Mao phải ở chung với cả chục người thuê một gian phòng nhỏ chỉ có một chiếc giường gạch. Ban đêm tất cả nằm chen chúc trên chiếc giường ấy. Khi một người muốn trở mình thì phải lên tiếng báo động trước cho hai người nằm hai bên.
Nhưng ít lâu sau, Dương Xương Tế nhờ Lý Ðại Chiêu tìm cho Mao một công việc tại thư viện trường đại học Bắc Kinh. Lý Ðại Chiêu là một trong những nhà lãnh đạo trí thức nổi tiếng của thời Cộng Hòa đầu tiên. Vào khoảng năm 1920, Lý ÐạI Chiêu đi theo chủ nghĩa cộng sản. Nhưng khi một đảng viên cộng sản Nga sang Trung Hoa ngỏ ý muốn giúp Lý Ðại Chiêu thành lập đảng cộng sản Trung Hoa thì họ Lý từ chối, và giới thiệu người Nga ấy cho Trần Ðộc Tú. Tuy vậy Lý Ðại Chiêu vẫn giúp Trần Ðộc Tú chuẩn bị đại hội đảng lần thứ nhất. Lý Ðại Chiêu là bạn của Tôn Dật Tiên. Ông hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản, nhưng vẫn chủ trương Quốc Cộng nên hợp tác với nhau. Năm 1927, sứ quân Trương Tác Lâm chiếm Bắc Kinh. Lý Ðại Chiêu phải trốn vào tỵ nạn trong tòa đại sứ Nga và tiếp tục hoạt động cho cộng đảng tại đây. Thấy Tưởng Giới Thạch tấn công phe cộng sản tại Thượng Hải và Vũ Hán, Trương Tác Lâm liền tấn công tòa đại sứ Nga, bắt Lý ÐạI Chiêu và những người cộng sản tỵ nạn tại đây. Nhiều người có cảm tình với Lý Ðại Chiêu đã can thiệp, xin Trương Tác Lâm thả ông, nhưng ngày 28-4-1927, Trương Tác Lâm ra lệnh xiết cổ Lý Ðại Chiêu thật chậm, một cách xử tử dã man, làm cho nạn nhân đau đớn và chết từ từ. Người con gái Lý Ðại Chiêu và 19 cộng sự viên của ông cũng chịu chung một số phận.
Người ta nghĩ rằng Mao Trạch Ðông sẽ mang ơn Lý Ðại Chiêu, vì Lý Ðại Chiêu đã giúp công ăn việc làm cho Mao trong những ngày khốn đốn tại Bắc Kinh. Nhưng Mao đã trả ơn Lý Ðại Chiêu một cách khác thường. Khi cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao phát động vào giữa thập niên 1960, Hồng vệ binh của Mao và Giang Thanh đã hành hạ con trai của Lý Ðại Chiêu là Lý Bảo Hoa. Lý Bảo Hoa là một trong những lãnh tụ đầu tiên của cộng đảng Trung hoa, và là một Ủy viên Trung ương. Lúc ấy Lý Bảo Hoa là bí thư thứ nhất của tỉnh ủy An Huy. Ngày 3-1-1967, Hồng vệ binh bắt Lý Bảo Hoa đưa về Bắc Kinh để đấu tố; một tuần sau Lý Bảo Hoa phải đội mũ lừa và bị đưa đi diễu trước quần chúng để sỉ nhục.
Công việc của Mao tại thư viện cũng không khá lắm, nhưng lương tháng cũng dư thừa cho Mao một cuộc sống vật chất ung dung, đủ cho tinh thần được thoải mái để Mao tiếp tục đọc sách học hỏi thêm. Hàng ngày, Mao chỉ ngồi ghi tên những người đến mượn sách của thư viện. Khi gặp một người nổi tiếng, Mao thường tìm cách lân la làm quen, nhưng lúc đó ít ai để ý tới một nhân viên thư viện tầm thường như Mao. Từ ngày có tiền bạc, và áo quần tươm tất, Mao thường lui tới nhà riêng của giáo sư Dương Xương Tế, một phần vì lòng biết ơn sự giúp đỡ của Dương Xương Tế, một phần khác thì vì nhan sắc của Dương Khai Tuệ, con gái của Dương Xương Tế. Mao thường lưu lại dùng cơm tối tại nhà họ Dương. Dương Xương Tế là một người tân tiến phóng khoáng vì đã từng du học tại Anh quốc, nên thường cho con gái ra ngồi nói chuyện và ngồi ăn cùng bàn với Mao.
Mao Trạch Ðông thành công gieo những tư tưởng quá khích vào tâm trí Dương Khai Tuệ. Lâu dần hai người yêu nhau, và kết hôn với nhau năm 1920, lúc đó Dương Khai Tuệ 20 tuổi và Mao 27 tuổi. Ðây là cuộc hôn nhân thứ hai của Mao, nhưng là cuộc hôn nhân do chính Mao chọn lựa. Hai người sống bên cạnh nhau được gần 10 năm, và sinh được hai con trai là Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh. Sau khi Mao phát động cuộc Nổi Dậy Mùa Thu tại Trường Sa và thất bại phải bỏ trốn vào núi, thì quân đội Quốc dân đảng bắt ba mẹ con Dương Khai Tuệ và em gái của Mao là Mao Trạch Oanh. Năm 1930 quân đội chính phủ cho Dương Khai Tuệ hai lựa chọn: hoặc bị xử tử hoặc từ bỏ Mao Trạch Ðông và đảng cộng sản. Dương Khai Tuệ từ chối không chịu từ bỏ Mao và đảng cộng sản, nên cả Dương Khai Tuệ và Mao Trạch Oanh bị xử tử. Hai đứa con trai của Mao lâm vào cảnh bơ vơ, nhiều khi phải đi ăn xin để sống, cho tới năm 1937 thì Chu Ân Lai tìm được chúng và gửi về Diên An cho Mao.
Cuộc Nổi Dậy Mùa Thu tại Trường Sa của Mao Trạch Ðông khởi sự ngày 8-9-1927. Mao dùng một lá cờ mới cho cuộc nổi dậy. Ðây là một tác phẩm của Mao, và lá cờ có hình một cái búa và một cái liềm nằm trong một ngôi sao đỏ. Mao là một trong những lãnh tụ soạn thảo kế hoạch, nhưng sau khi tới Hồ Nam, Mao đã phải giảm bớt nhiều mục tiêu và đưa ra những thay đổi quan trọng. Mao giới hạn mục tiêu của cuộc nổi dậy vào việc chiếm thủ phủ Trường Sa, xây dựng một quân đội và dùng quân đội này cho mục tiêu của cuộc nổi dậy, thay vì chỉ dựa vào quần chúng nông dân. Vào đầu tháng 9, Mao đã có sẵn 4 đơn vị quân đội: một trung đoàn từ Vũ Hỵn dự định dùng vào cuộc nổi dậy tại Nam Xương, một lực lượng chắp vá gồm những phần tử Quốc dân đảng chạy theo hồng quân, một đơn vị gồm các tay đầu trộm đuôi cướp được trang bị bằng giáo mác, và một lực lượng hỗn hợp gồm những thợ mỏ thất nghiệp và những nông dân của tỉnh Giang Tây.
Mao dự định đánh chiếm hai thị trấn phụ cận của Trường Sa trong một cuộc hành quân dự định vào ngày 11-9, và sẽ tấn công Trường Sa vào ngày 15-9. Nhưng kế hoạch của Mao đã bị tiết lộ, và lực lượng của Mao mất đi yếu tố bất ngờ. Một cố vấn Nga tại mặt trận Hồ Nam cho biết các cuộc hành quân tại Trường Sa rất là rối loạn và đi sai kế hoạch. Mao bị cảnh sát địa phương bắt ngay khi rời Trường Sa. Mặc dầu Mao đã tẩu thoát được, nhưng Mao đã vắng mặt trong suốt giai đoạn hành quân. Lực lượng quân Quốc dân đảng đầu hàng đi theo cộng sản ganh tị với trung đoàn Vũ Hán được trang bị đầy đủ, đã phục kích để chiếm lấy súng ống của trung đoàn này. Lực lượng nông dân thành công chiếm được các đồn binh quanh Trường Sa và đoạt được nhiều vũ khí đạn dược, nhưng họ không biết sử dụng súng, và đã vô tình bắn chết đồng đội. Trong khi đó lực lượng chính phủ tại Trường Sa biết trước kế hoạch của cộng quân, đã bố trí phục kích trên các khu đất cao, và đã đánh bại được lực lượng tấn công của hồng quân. Chỉ có trung đoàn hỗn hợp công nhân và nông dân khởi sự đúng giờ, chiếm và kiểm soát được một thị trấn phụ cận một thời gian, nhưng không có sự hỗ trợ của các lực lượng khác. Cuối cùng trung đoàn này bị bao vây và bị tiêu diệt. Khi Mao trốn thoát được sự bắt giữ của cảnh sát, và trở lại chiến trường thì Mao chỉ còn đủ thời giờ thu thập tàn quân và trốn lên núi.
Cuộc nổi dậy bị dẹp tan ngày 19-9. Mao dẫn một nhóm tàn quân chừng một ngàn người tiến về một làng nhỏ ven rặng núi Tỉnh Cương Sơn. Tại đây Mao hỏi đám tàn quân:
"Chúng ta có dám tiếp tục cuộc cách mạng nữa không?"
Tất cả thủ hạ của Mao đều đồng thanh hô to: "Chúng tôi quyết chí tiếp tục!"
Rặng núi Tỉnh Cương Sơn nằm giữa hai tỉnh Giang Tây và Hồ Nam. Khu vực hoang vu này là một nơi lý tưởng để lập chiến khu vì núi non trùng điệp, rừng cây rậm rạp và không có đường lộ gì cả. Mao tạm thời dùng Tỉnh Cương Sơn làm nơi dung thân để bồi dưỡng sức mạnh. Tỉnh Cương Sơn là một vùng núi non hiểm trở, quanh năm mây phủ với những sườn dốc mọc đầy tre và nứa.
Khu vực Tỉnh Cương Sơn nằm ngoài vòng kiểm soát của chính phủ. Lúc đó có hai nhóm thảo khấu đang liên kết với nhau làm chủ vùng núi non này. Một nhóm tự nhận là Ðại Kiếm Bang do thủ lãnh Viên Văn Tài làm chủ tướng, và đặt căn cứ tại thị trấn Mao Bình dưới chân núi. Nhóm cướp thứ hai do tướng cướp Vương Tá thống lĩnh và đặt căn cứ trên núi. Hai tướng cướp này cũng có trình độ khá. Ðầu năm 1927, chúng từng cho phép quân cộng sản được đi qua lãnh thổ của chúng trên đường tiến về Thượng Hải. Chúng cũng tham dự một trận đánh vào quận lỵ để giải cứu một số quân cộng sản đang bị giam giữ. Mao thấy rằng nếu thu phục được hai bọn cường đạo này thì chúng cũng có thể giúp Mao một tay, ít nhất là không cản trở hoạt động của cộng sản. Nếu cả hai tướng cướp cùng chống lại Mao thì Mao cũng khó có thể đặt căn cứ ở đây an toàn và lâu dài được.
Nông dân quanh khu vực Tỉnh Cương Sơn rất nghèo, không thể giúp đỡ quân của Mao về lương thực được, vì đất đai quá khô cằn không sản xuất được nhiều. Dân chúng trong vùng rất mê tín và tin các thầy phong thủy địa lý. Các thầy phong thủy địa lý có quyền lực rất lớn. Chính họ là người quyết định cặp vợ chồng nào có thể lấy được nhau, và cặp nào không thể lấy được nhau. Người dân còn tin các thầy có thể giúp đàn bà sinh được con trai, đặt nhà cho đúng hướng, chữa bệnh cho người đau, và đặt bùa trừ tà ma hoặc hãm hại kẻ thù. ít người dám mạo hiểm đi vào núi Tỉnh Cương Sơn, và cũng chẳng ai vào mà trở về được. Trình độ dân trí rất thấp và ngu độn. Tại các thị trấn gần đó chỉ có vài thầy lang chữa bệnh bằng thuốc lá. Không có trường học, không có sách báo nhưng đầy rẫy những bất công, bệnh tật, đĩ điếm... Làng này thù hằn giao chiến với làng kia mà không biết nguyên nhân bắt đầu từ bao giờ.
Trong một địa bàn hoạt động như thế, các cố vấn Nga rất dễ dàng chỉ trích Mao đã đi ngược lại chính sách và tôn chỉ của cách mạng vô sản thế giới, đặt căn bản vào các công nhân bị bóc lột tại thành phố. Theo các cố vấn Nga thì Mao phải tấn công vào các thành phố, chứ không nên thành lập quân cách mạng bằng những đám ăn mày, trộm cắp, đĩ điếm, những phần tử xã hội muốn bỏ quên như cái đám dân rách rưới ngu dốt tại vùng Tỉnh Cương Sơn. Các cố vấn Nga nhận xét Mao cũng chẳng khác gì một tên tướng cướp, chỉ biết cầm súng mà không biết gì về các tư tưởng trong cuốn Tư Bản Luận của Karl Marx cả.
Thực ra trước khi Mao rút quân về Tỉnh Cương Sơn thì Mao cũng đã từng bị đảng chỉ trích, bị trừng phạt. Bây giờ Mao bị khiển trách thêm vì tội thất bại trong cuộc Nổi Dậy Mùa Thu, không chiếm được Trường Sa. Mao bị loại ra khỏi Ủy Ban Trung Ương và bị khai trừ ra khỏi chi bộ Hồ Nam. Tuy nhiên lệnh trục xuất Mao ra khỏi đảng cộng sản phải hàng tháng mới tới được vùng núi non hoang dã này. Mao rất say mê đọc truyện Thủy Hử, và chính tại rặng núi Tỉnh Cương Sơn, Mao muốn thực hiện một căn cứ du kích, theo đúng đường lối của các anh hùng Lương Sơn Bạc ngày xưa.
Công việc của Mao cũng không dễ dàng gì. Nhưng Mao vốn từng quen với nhiều nghịch cảnh. Mấy tuần trước đó, chính Mao cũng đã bị quân chính phủ bắt được, trong lúc đi kêu gọi dân chúng nổi dậy trong cuộc Nổi Dậy Mùa Thu tại Trường Sa. Mao bị dẫn về trại quân để hành quyết. Quân chính phủ mê tín, sợ hồn ma của Mao theo dõi họ, nên đã cẩn thận tháo giầy của Mao vất đi. Mao tìm cách vay tiền của vài bạn đồng tù để hối lộ cho lính thả mình ra, nhưng việc không thành. Mao phải chui vào một bụi rậm, nằm chờ đến đêm tối rồi trốn đi. Ngày hôm sau, Mao dùng tiền vay được mua giầy, một cây dù, ít lương khô và bỏ trốn về căn cứ của mình. Ngay cả lúc Mao tiến vào rặng Tỉnh Cương Sơn, một số sĩ quan của Mao cũng âm mưu ám sát Mao nộp cho chính phủ để lấy thưởng.
Mao chọn lựa một ngọn núi và dùng một pháo đài có 5 địa điểm phòng thủ chính. Mỗi địa điểm đều có những khối đá khổng lồ làm chướng ngại vật. Mao đặt súng máy sau những khối đá. Mao đặt bản doanh ngay tại một thị trấn bình nguyên, và bắt đầu tổ chức một khu vực sô-viết, giảng dạy lý thuyết cộng sản, tuyển mộ thêm lính cho các đơn vị hồng quân, và phát triển căn cứ.
Ðiều tiên quyết Mao phải đạt được là giải quyết hai tên tướng cướp Viên Văn Tài và Vương TŸ. Hai tên cướp này hùng cứ tại đây từ năm 1921. Mỗi đảng cướp có ít nhất ba trăm bộ hạ và dăm chục khẩu súng. Trước hết Mao giải quyết tướng cướp Viên Văn Tài. Họ Viên rất lo ngại Mao. Giống như tất cả những người sống trong những khu vực hẻo lánh, họ Viên rất nghi ngờ những người xa lạ như Mao. Dân chúng trong vùng thoạt đầu đều tìm cách xa lánh Mao, nhưng dần dần cách đối xử thân thiện của Mao làm họ bớt lo ngại. Mao trông có vẻ giống một người thiểu số hơn là một người Hán, vì mái tóc của Mao để dài và buông xõa sau lưng. Mao có tài kết thân với nông dân. Gặp ai bao giờ Mao cũng tươi cười thân mật, hỏi thăm tên tuổi của họ. Dần dần sự sợ hãi giảm đi, nhưng Viên Văn Tài vẫn thận trọng. Viên sợ rằng Mao có thể diệt hắn và chiếm lấy đảng cướp của hắn.
Ngày 6-10-1927, Mao gặp Viên Văn Tài tại một làng nhỏ trong thị trấn Mao Bình. Mao giải thích Mao là một người cộng sản, và quân đội của Mao sẽ không can thiệp đến hoạt động của họ Viên, mà chỉ có nhiệm vụ làm việc với quần chúng thôi. Cuối cùng Viên Văn Tài đồng ý hỗ trợ và hợp tác với Mao, với điều kiện Mao phải cung cấp cho Viên 100 khẩu súng. Viên Văn Tài cũng phải trả cho Mao một số bạc và đồng ý thiết lập một bệnh viện nhỏ tại một trường học bỏ hoang tại Mao Bình, nơi Mao đang đặt bản doanh.
Mao Bình là một thị trấn khá đẹp, có một trăm gia đình với khoảng 700 dân. Mao chọn một căn nhà thật đẹp, có hoa viên, làm nơi cư ngụ. Chính tại căn nhà này Mao viết hai tập tài liệu "Tại Sao Lực Lượng Chính Trị Ðỏ Có Thể Tồn Tại Ở Trung Hoa" và "Cuộc Chiến Ðấu Tại Tỉnh Cương Sơn". Ðây là một nỗ lực của Mao nhằm giải thích lý thuyết xử dụng quân đội nhân dân và xây dựng các căn cứ cách mạng.
Việc giải quyết tướng cướp Vương Tá khó khăn hơn. Mao tiến tới đồi Chu Sơn ngày 23-10 và gặp người đại điện của Vương Tá. Họ Vương đồng ý gặp Mao ngày hôm sau tại làng Ðại Tỉnh, ngay gần đỉnh núi. Rặng núi này có tên là Tỉnh Cương Sơn hoặc Ngũ Tỉnh Sơn là vì có năm làng trên núi. Ðó là các làng Ðại Tỉnh, Tiểu Tỉnh, Trung Tỉnh, Thượng Tỉnh và Hạ Tỉnh. Cả năm làng đều có núi đá bao bọc, và từ trên cao nhìn xuống, năm làng này trông giống như năm cái giếng lớn. Vương Tá là một tướng cướp tài giỏi và kiêu ngạo. Mao sai một thủ hạ thân tín là Hà Trung Công đến thuyết phục Vương Tá cho Mao được dùng căn cứ Tỉnh Cương Sơn. Hà Trung Công khám phá rằng Vương Tá đang gặp khó khăn kình chống với một tướng cướp khác tên là Yên Giảo Kỳ. Yên Giảo Kỳ đang kiểm soát ba quận thuộc Giang Châu. Vương Tá đề nghị nếu Mao giúp hắn loại được Yên Giảo Kỳ thì hắn sẽ gia nhập đảng cộng sản. Hà Trung Công lập tức dẫn hai đơn vị cộng quân và một số thủ hạ của Vương Tá đi phục kích, và bắt được tướng cướp Yên Giảo Kỳ. Thủ hạ của Vương Tá mừng quá, chặt ngay đầu của Yên Giảo Kỳ mang về nộp cho chủ tướng. Vương Tá rất vui mừng và đem tất cả thủ hạ gia nhập hàng ngũ cộng sản. Vương Tá được nhận vào đảng cộng sản năm 1928.
Tỉnh Cương Sơn không phải chỉ gồm có những chuyện cường đạo và hành quyết nhau như thế mà thôi. Chính tại đây ngày 4-5-1928, tại thị trấn Ninh Giang, Chu Ðức đã đem toàn lực lượng của mình gia nhập lực lượng của Mao, và hai người tuyên bố thành lập Ðệ Tứ Quân Ðoàn Công Nhân và Nông Dân. Trần Nghị cũng đem quân tới cùng với Chu Ðức. Mao Trạch Ðông và Chu Ðức gặp nhau tại khoảng đất trống bên bờ sông Long Giang. Hai người cùng nhau thảo luận kế hoạch thành lập một quân đội mà sau này được gọi là đoàn quân Chu Mao. Chính lực lượng này về sau trở thành nòng cốt cho cuộc cách mạng cộng sản tại Trung hoa. Quân số của Chu Ðức có vào khoảng một ngàn người, với hơn một ngàn của Mao, đã mở rộng khu vực Tỉnh Cương Sơn, tràn xuống Giang Tây làm thành căn cứ sô viết đầu tiên tại Trung Hoa. Chu Ðức là một cấp chỉ huy quân sự có nhiều kinh nghiệm, và quân đội của Chu Ðức là một lực lượng quân sự chuyên nghiệp hơn đám quân của Mao. Khi đệ tứ quân đoàn được thành lập thì Chu Ðức làm tư lệnh, Mao là chính ủy, và Trần Nghị phụ trách phòng chính trị. Lâm Bưu lúc đó mới có 21 tuổi và là một cấp chỉ huy dưới quyền Chu Ðức.
Mao Trạch Ðông là một người rất dâm dật, không thể sống mà không có đàn bà. Ngay cả trong lúc đang bị bệnh sốt rét hành hạ, và trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh đầy gian lao vất vả, lúc nào Mao cũng cần phải có một người đàn bà bên cạnh. Mao đã làm bài thơ "Những Người Bất Tử" để tưởng nhớ người vợ thứ nhất là Dương Khai Tuệ bị Quốc dân đảng xử tử, trong đó Mao tha thiết gọi Dương Khai Tuệ là "nàng là cây dương kiêu hãnh của ta". Tuy nhiên không nên nghĩ rằng Mao là một người đàn ông chung tình, theo chế độ một vợ một chồng, hoặc coi chủ nghĩa cộng sản là một tôn giáo. Dương Khai Tuệ chết năm 1930, nhưng ngay từ năm 1928 Mao đã chung sống với một người đàn bà khác tại Tỉnh Cương Sơn rồi.
Một sĩ quan trẻ trong hàng ngũ của Chu Ðức về hợp tác với Mao đã nhận xét về thái độ của Mao đối với phụ nữ. Trong một buổi đi thăm công cuộc huấn luyện quân sự, Mao trông thấy có những phụ nữ trong hàng ngũ quân của Chu Ðức. Mao hỏi viên sĩ quan nghĩ gì về các người đồng chí phụ nữ, thì viên sĩ quan trả lời rằng họ cũng là những đồng chí cách mạng, và trong đơn vị có nhiều việc phải làm, và tình cảm yêu đương giữa nam và nữ chưa hề xảy ra. Mao cười và bảo viên sĩ quan rằng anh ta còn quá trẻ nên chưa thấy sự hấp dẫn của phụ nữ. Mao thích thú cho biết người đàn ông không thể trông thấy sắc đẹp của phụ nữ mà không liên cảm tới những khoái lạc của dục tình.
Sau đó ít lâu, Mao tìm được một đồng chí xinh đẹp là Hạ Tử Trân. Hạ Tử Trân không phải là một đồng chí trong hồng quân, mà là một nữ sinh trung học trong một thị trấn trong khu vực. Hạ Tử Trân là một thiếu nữ xinh đẹp. Mao gặp Hạ Tử Trân khi cô ta đang là bí thư chi đoàn thanh niên cộng sản địa phương. Sau một buổi họp, Mao giữ Hạ Tử Trân lại, với lý do Mao có những vấn đề thảo luận với nàng. Ngày hôm sau nàng đến giúp việc với tư cách là thư ký riêng cho Mao, và đêm đó nàng không trở về nhà. Kể từ đó về sau, Hạ Tử Trân ở hẳn với Mao. Lấy một người yêu là một đồng chí cách mạng là việc thường xảy ra đối với các lãnh tụ cộng sản. Năm 1929 Chu Ðức cũng đã kết hôn với một đồng chí nông dân trẻ tuổi, chỉ huy một đơn vị du kích là Khang Khắc Thanh. Nhưng Chu Ðức chỉ lấy Khang Khắc Thanh sau khi vợ cả của Chu Ðức bị Quốc dân đảng giết năm 1928. Trường hợp Mao Trạch Ðông thì khác hẳn. Mao đã sống hai năm với một người vợ hai trước khi người vợ cả Dương Khai Tuệ chết.
Những ngày đầu tại Tỉnh Cương Sơn tương đối an ninh, vì lúc ấy các sứ quân còn mải tranh dành quyền lợi riêng, nên không để ý những gì đang xảy ra trong rặng núi Tỉnh Cương Sơn. Nhưng dần dần, các sứ quân nhận ra được sự nguy hiểm của hồng quân, và bắt đầu gây khó khăn cho hồng quân.
Sứ quân họ Lý của Giang Tây và sứ quân họ Ðường tại Hồ Nam liên kết với nhau đem quân tiễu trừ "quân cướp đỏ" tại Tỉnh Cương Sơn. Một vấn đề khó khăn nữa của hồng quân là quân đội Chu-Mao bành trướng quá lớn, không đủ chỗ sinh hoạt trong khu vực Tỉnh Cương Sơn nhỏ hẹp. Ðệ Tứ Quân Ðoàn bây giờ có trên 4 ngàn tay súng, và Ðệ Ngũ quân đoàn có khoảng tám trăm người. Các cấp lãnh đạo thấy rằng Tỉnh Cương Sơn không có khả năng cung cấp thực phẩm cho một quân số lớn như vậy. Họ bắt đầu ra đi thiết lập một căn cứ mới.
Ngày 14-1-1929, đại quân Chu-Mao bắt đầu rời khỏi Tỉnh Cương Sơn, chỉ lưu Bành Ðức Hoài và Ðặng Ðại Nguyên ở lại chỉ huy đệ ngũ quân đoàn. Cả hai được lệnh phải phòng vệ căn cứ Tỉnh Cương Sơn lâu được chừng nào tốt chừng ấy, rồi sau đó sẽ rút lui nhập với đại quân Chu-Mao. Giai đoạn cầm cự này rất ngắn ngủi. Ðệ ngũ quân đoàn tan vỡ trước sức tấn công của hai sứ quân Giang Tây và Hồ Nam. Hai sứ quân họ Lý và họ Ðường chiếm trọn vẹn khu vực Tỉnh Cương Sơn. Tháng 3-1929, một ngàn dân chúng trong khu vực Tỉnh Cương Sơn bị hai sứ quân hạ lệnh chém đầu, và toàn thể khu vực bị đốt cháy bình địa.
Khi đại quân Chu-Mao rút lui khỏi Tỉnh Cương Sơn thì hai tướng cướp Vương Tá và Viên Văn Tài trở lại nghề lạc thảo như cũ. Theo lời Mao thì hai tướng cướp này tiếp tục cướp bóc, giết tróc dân chúng như trước. Mao quyết định sai Bành Ðức Hoài thủ tiêu hai tên tướng cướp này. Ngày 25-2, hai tướng cướp được mời đến dự một buổi họp đặc biệt. Cả hai tướng cướp đồng ý đến, và mang theo một số thủ hạ thân tín để hộ vệ. Cả Vương Tá và Viên Văn Tài cùng quân hộ vệ nghỉ đêm trong một khách điếm. Ðến nửa đêm, đội hành quyết của hồng quân bao vây khách điếm, và nổi lửa đốt khách điếm và giết chết được Viên Văn Tài. Vương Tá nhảy qua cửa sổ, leo lên mình ngựa và phóng chạy vào đêm tối. Chẳng may ngựa của Vương Tá nhảy lao xuống sông, và hắn bị chết đuối. Như vậy hai tướng cướp tin lời Mao và giúp Mao lúc Mao xa cơ lỡ vận đều bị Mao tiêu diệt. Ðây là hai nạn nhân đầu tiên của Mao bị Mao giết vì từng cộng tác với Mao. Trong suốt cuộc đời Mao, Mao đã tận diệt rất nhiều người đã từng giúp Mao qua những hoàn cảnh khốn quẫn.
Những thủ hạ của hai tướng cướp bị giải tán, một số được thu nhận vào hồng quân. Nhưng một số khác bỏ trốn trở về Tỉnh Cương Sơn với tướng cướp Vương Văn Long, em ruột của Vương Tá. Bọn cướp do Vương Văn Long làm thủ lãnh tiếp tục kiểm soát rặng núi Tỉnh Cương Sơn. Trong suốt hai mươi năm sau đó, không một quân đội nào, hoặc của các sứ quân hay của hồng quân, có thể xâm nhập vào được rặng Tỉnh Cương Sơn. Cho mãi tới khi hồng quân chiếm trọn Hoa lục thì bọn cướp tại Tỉnh Cương Sơn mới chịu đầu hàng. Lúc đó con trai của Vương Văn Long làm thủ lĩnh trên Tỉnh Cương Sơn. Hắn bị hồng quân bắt được và xử tử. Kể từ đó, Tỉnh Cương Sơn trở nên một di tích lịch sử của hồng quân Trung hoa.
Trong lúc người cộng sản hăng say thiết lập và mở mang các khu vực sô viết thì Tưởng Giới Thạch đang bận rộn với công cuộc Bắc phạt. Trong lúc phe "trắng" mải mê giết nhau thì phe "đỏ" bị bỏ quên trong rừng núi, và vì thế phe "đỏ" rảnh tay xây dựng các căn cứ và tăng cường lực lượng vũ trang của họ mà không bị quấy phá tấn công. Tỉnh Cương Sơn chỉ là một trong số nhiều căn cứ được xây dựng tại miền Tây Nam, Trung, Tây Bắc Trung hoa trong những năm mà sự hợp tác giữa cộng sản và Quốc dân đảng tan vỡ. Từ Hướng Tiền thành lập được một căn cứ sô viết tại vùng giáp giới giữa các tỉnh An Huy, Hồ Bắc và Hà Nam. Tại khu vực sô viết Hồ Nam và Hồ Bắc, tướng Hạ Long đã tạo dựng được một lực lượng quân sự khá vững mạnh là quân đoàn 20, do Chu Nghi Xuân làm chính ủy.
Hạ Long là một tướng tài của phe cộng, và có kinh nghiệm quân sự từ lúc còn rất trẻ. Ðã một thời Hạ Long làm tướng cướp. Năm 1912, khi nạn đói hoành hành ở miền tây Hồ Nam, nông dân đã vùng dậy làm một cuộc khởi nghĩa. Trong vụ khởi nghĩa này, Hạ Long tự vũ trang bằng dáo mác, giết một quan chức của chính phủ rồi trốn lên núi. Lúc đó Hạ Long mới có 16 tuổi, và chỉ có một số ít người đi theo. Nhưng thân phụ Hạ Long là một người có ảnh hưởng trong một tổ chức bí mật rộng lớn khắp nơi, gọi là Ca-lão-hội. Nhiều người trong hội này đứng về phía Hạ Long. Tuy còn trẻ, nhưng Hạ Long tỏ ra là một người có khả năng lãnh đạo. Khi ông được 20 tuổi thì đảng cướp của ông lên tới vài ngàn người, và kiểm soát được tám quận trong khu vực giáp giới giữa Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên. Ðôi khi quân của Hạ Long đánh phá tới tận tỉnh Quí Châu. Năm 1918, vì không tiêu diệt nổi Hạ Long, chính quyền Hồ Nam đã phải nhìn nhận và phong chức cho Hạ Long, và giao cho Hạ Long nhiệm vụ chỉ huy một khu vực mà các xe chở thuốc phiện phải đi qua. Nhờ vào thuế thuốc phiện, Hạ Long đã có thể sống một cuộc đời rất thoải mái, như các tay hảo hán Lương Sơn Bạc ngày xưa. Khi cuộc Bắc Phạt của Tưởng Giới Thạch khởi sự thì Hạ Long liền phản lại chính quyền Quốc dân đảng.
Hạ Long gia nhập phe cộng sản, và đã tạo được nhiều kỳ công. Sau này ông trở thành một trong mười thống chế của hồng quân Trung hoa. Tuy nhiên, trong cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Ðông lãnh đạo vào giữa thập niên 1960, Hạ Long đã bị đấu tố và chết nhục nhã, mặc dầu Chu Ân Lai hết sức cứu giúp che chở cho ông mà không được.